Bí mật của cuộc sống: Không phải ai cũng nên làm MẸ

1.
10/5/2018 tôi đọc và dịch đoạn trích sau đây từ cuốn sách Book of Children của Osho về quan điểm: Ai mới là người nên làm cha mẹ! Một chủ đề hay và sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người, có khi cả tức giận nữa.

Nếu một người giác ngộ sẽ không muốn có con, còn những người loạn thần kinh lại không thích hợp để làm cha mẹ, vậy khi nào là thời điểm thích hợp?

Những người giác ngộ sẽ không muốn có con, người thần kinh cũng không nên có. Chỉ người ở giữa hai trạng thái đó mới là người đúng. Tức là người có tâm thần khỏe mạnh, người không bị thần kinh. Bạn là người không thần kinh lẫn không giác ngộ, đơn giản là khỏe mạnh. Chỉ khoảng giữa đó là thời điểm thích hợp để làm cha mẹ, để trở thành một người mẹ hoặc một người cha.
Đây chính là vấn đề: người thần kinh có khuynh hướng sinh nhiều con cái. Người thần kinh có khuynh hướng, trong sự thần kinh của họ, tạo ra một không gian sở hữu bao quanh những đứa trẻ. Họ không nên, bởi vì nó là một sự trốn tránh. Họ nên đối mặt với sự thật về chứng loạn thần kinh của họ và họ nên vượt ra khỏi đó.
Người giác ngộ không cần có con cái. Anh ta được trao một sự sinh vĩnh hằng bởi chính mình. Giờ không cần trao thêm một sự sinh nào cho bất cứ gì khác. Anh ta trở thành một người cha hay một người mẹ cho chính mình. Anh ta trở thành tử cung cho chính mình và anh ta đã được tái sinh.
Nhưng giữa cả hai trạng thái, khi người thần kinh không có đó, bạn thiền định, bạn trở nên có một chút ánh sáng, một chút tỉnh thức. Cuộc đời bạn không chỉ toàn bóng tối. Ánh sáng tuy chỉ mờ nhạt như ánh sáng một ngọn nến chứ không thấu suốt như ánh sáng của một vị phật nhưng nó vẫn là ánh sáng. Đó là thời gian đúng để có một đứa trẻ, bởi vì sau đó bạn có thể trao thứ gì đó từ nhận thức của bạn cho đứa trẻ. Nếu không thì, bạn sẽ trao cho chúng thứ gì ngoài sự thần kinh của bạn?
Bạn cứ tiếp tục lặp lại, tái tạo lại sự vô thức của chính mình. Đầu tiên hãy nghĩ: Trong trạng thái của bạn hiện giờ nếu bạn sinh ra một đứa trẻ thì đó có là phúc lành cho thế giới không hay là một tai họa? Và sau đó nghĩ tiếp: bạn có sẵn sàng để làm mẹ hay làm cha của một đứa trẻ? Bạn có sẵn sàng để trao một tình yêu vô điều kiện? Bởi vì những đứa trẻ đến thông qua bạn, nhưng chúng không thuộc về bạn. Bạn có thể trao tình yêu của bạn cho chúng, nhưng bạn không nên in những ý tưởng của bạn lên chúng. Bạn không nên trao những con đường thần kinh của bạn vào cuộc sống của chúng. Bạn sẽ chấp nhận chúng nở hoa trong con đường riêng của chúng chứ? Bạn sẽ cho phép chúng tự do trở thành kiểu người mà chúng muốn trở thành chứ? Nếu bạn sẵn sàng, vậy thì tốt. Nếu không thì, đợi đã, hãy trở nên sẵn sàng trước đi.
Khi là con người, hãy làm cho cuộc cách mạng nhận thức đi sâu hơn vào thế giới. Đừng như những con vật, chỉ lặp lại các hành động một vô ý thức. Bây giờ hãy trở nên sẵn sàng trước khi bạn quyết định có một đứa trẻ. Trở nên thiền định hơn đi, trở nên yên lặng hơn và bình an hơn. Hãy thoát khỏi mọi sự loạn thần kinh mà bạn đang mang trong mình. Đợi thời khắc khi bạn hoàn toàn trong sạch, tinh khiết, sau đó hãy nghĩ đến chuyện sinh một đứa trẻ. Sau đó hãy mang cuộc sống của bạn, tình yêu của bạn đến cho đứa trẻ. Bạn sẽ giúp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Osho – Sách về trẻ con

2.
Tối ngày 11/5/2018 một cô bạn học cũ bỗng nhiên nhắn tin cho tôi, nguyên văn rằng
“Nếu như một người vừa bị chẩn đoán bị u xơ tử cung. Bác sĩ nói nếu muốn có con thì phải có ngay lúc này vì sau này sẽ không thể có con được nữa. Người đó muốn có con nên thuyết phục bạn trai cưới và sinh con nhưng người bạn trai không chịu cưới, cũng không muốn chia tay. Mới đây cô ấy còn phát hiện ra người bạn trai của mình đang có mối quan hệ thân thiết với một người khác nữa. Thì giờ cô ấy nên làm gì?”

Vốn tính thẳng và thật, tôi nói thẳng luôn những điều mà có lẽ cô bạn chưa bao giờ nghĩ tới:
“Nếu bạn có rất muốn có con kiểu như khao khát cháy bỏng được làm mẹ thì hãy nghĩ ngay đến chuyện kiếm một đứa con và làm mẹ đơn thân đi? Nếu bạn không khao khát làm mẹ mà chỉ tiếc nuối việc mất đi khả năng làm mẹ, thì thôi, tốt hơn là đừng nên có con. Sống trên đời đâu phải ai cũng phải có con. Không có con cũng chẳng sao cả nếu bạn vẫn sống khỏe mạnh hạnh phúc.”

Bạn ấy trả lời rằng “Tôi không thể kiếm đâu một đứa con được. Tôi không làm được. Bạn trai tôi lại không muốn. Tôi không cam tâm. Tôi có quyền được làm mẹ, tại sao người ta lại lấy mất thiên chức ấy của tôi?”

“Thế thì có lẽ bà nên bỏ ý định đó đi. Và bỏ luôn cả cái suy nghĩ về thiên chức làm mẹ gì đấy đi. Bạn có quyền chọn thiên chức làm mẹ thì bà cũng nên tôn trọng người ta cái quyền chọn việc làm bố hay không chứ? Với lại ai lấy đi thiên chức ấy của bạn? Nên nhìn thấu suốt chỗ này trước khi dùng nó để đổ lỗi cho bạn trai của bạn nhé. Trời cho bà cái chức ấy thì trời cũng có quyền lấy nó đi chứ.”

“Ừ biết vậy nhưng vẫn khó chấp nhận. Giờ tôi sẽ học cách không đổ lỗi nữa, tôi chấp nhận rồi.”
“Mà mình nói thật bạn đừng giận nhé. Mình nghĩ bạn không nên có con, bạn là người cuối cùng trên đời nên có con”
“Tại sao?”

Làm mẹ là một công việc cực kỳ khó khăn vất vả. Một người chỉ nên làm mẹ khi người đó đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, hay ít nhất ba thứ: một là sức khỏe tốt, hai là tinh thần hạnh phúc, ba là tài chính đủ ổn định. Mà theo tôi thấy, bạn không có cả ba thứ đó. Bạn đang mang bệnh tật thì sinh con ra chăm con kiểu gì, ai chăm đứa trẻ khi nó không có cha? Chẳng lẽ bạn lại để cho ba mẹ của bạn chăm con à? Rồi thì bạn đang không hề hạnh phúc. Trong bạn chỉ đang chất chứa toàn hận thù, căm giận, đau đớn, khổ sở vì bệnh tật và vì ý nghĩ mình bị phản bội từ người đàn ông đó. Sau cùng là bạn cũng chẳng hề có tài chính ổn định nữa chứ. Bạn đang yếu cả sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn tài chính. Bạn sinh con sẽ không chỉ làm con khổ, bạn khổ mà gia đình bạn cũng khổ theo nữa.”
“Đúng vậy. Hiện giờ tôi chỉ thấy căm phẫn và tức giận cái kẻ khốn nạn, cái con quỷ đội lốt người ấy”
“Lại nói thật thêm một điều khác bạn đừng giận nhé. Cái viễn cảnh một tình yêu cùng nhau vượt qua mọi gian khổ – hiếm lắm. Con người ngày nay đủ mọi áp lực quay cuồng, gánh một đời mình đã không đủ sức thì làm sao sẵn sàng gánh thêm người khác nữa. Nếu tôi là một người đàn ông bình thường, nghe bạn bệnh tật như vậy tôi đã đủ lo sợ chán nản rồi, bảo tôi cưới bạn tôi còn phân vân, huống gì lại còn có con. Nó không phải việc chăm sóc một con chó con mèo đâu bạn. Bạn trai bạn tuy đi với người khác là không đúng nhưng việc anh ta từ chối chuyện cưới gấp và có con gấp, bạn không trách được đâu. Tui chỉ ước bạn học được cách chấp nhận suy nghĩ rằng không có con cũng không sao cả. Mà thật sự là chả sao cả.
Đừng ép ai đến đường khó khăn chỉ vì mình đang bị rơi vào đường khó khăn bạn ạ.
Tôi nghĩ thế.
Bạn phải mạnh khỏe trước, phải thanh thản tâm hồn trước thì sau đấy hãy nghĩ tới mấy việc như là làm mẹ này nọ. Đừng quá lo chuyện đó sớm rồi lại căng thẳng áp lực bệnh nặng thêm. Không có lợi cho ai một chút nào cả. Hãy chia tay ông kia đi, nhưng đừng trách ổng, ổng không phải là người “tước quyền làm mẹ” của bạn, ổng cũng không phải là người nên gánh chịu những đau khổ của bạn. Không ai trên đời nên gánh chịu sự đau khổ của người khác. Từ khác của việc này là “hi sinh” – từ việc hi sinh mà cuộc đời của bao nhiêu người phải khổ sở. Bạn nên chia tay xong rồi dành toàn bộ thời gian để chăm sóc bản thân đi, từ cơ thể sức khỏe cho tới tinh thần. Đi làm kiếm tiền học yoga học Anh văn hay thứ gì đấy bạn yêu thích, học vừa để bận rộn quên đi những chuyện buồn vừa mở rộng thêm các cơ hội việc làm sau này.
Bạn cũng có thể nhận giữ trẻ con cho người khác chẳng hạn. Dùng tình yêu thương con trẻ của bạn để yêu thương những đứa trẻ của người khác, vừa thêm thu nhập vừa thỏa mãn nhu cầu làm mẹ sâu thẳm bên trong. Xã hội này cần lắm những người bảo mẫu đầy tình yêu thương con trẻ.
Cuộc sống này ngắn lắm, bạn cứ đau buồn bệnh cũng không khỏi được, có khi còn nặng hơn. Chi bằng nghĩ về những gì mình đang có và có thể làm. Nghĩ về những gì mình muốn làm trong cái cuộc đời ngắn ngủi này. Cái gì không làm được thì tìm cách thay thế. Phải nghĩ khác đi thì mới sống khác đi được. Bạn cứ nghĩ kiểu truyền thống rằng đời bất công, rằng ai cũng phải làm mẹ bằng mọi giá, rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho đời mình thì tin tôi đi, bạn sẽ còn đau buồn khổ sở dài dài. Sống như vậy phung phí cuộc đời hơn chuyện vô sinh nhiều.
Đừng quên lời tôi nhé: khi bạn không khỏe mạnh về cơ thể vật lý, không hạnh phúc về tinh thần, không đủ tài chính vật chất. Thì tốt hơn hết vẫn là đừng có con.


Đại loại sau cuộc tâm sự ấy thì tâm trạng cô bạn cũng khá lên nhiều. Sáng nay đột nhiên mở sách ra đọc được đoạn thông điệp trên của Osho về việc ai mới thật là người có khả năng làm cha mẹ, tự nhiên thấy đời thật lạ lùng. Mọi thứ cứ có một mối liên kết vừa tuyệt vời vừa khó hiểu làm sao.

3.
12/5/2018 Khi tôi viết những dòng này thì một cặp mẹ con: mẹ và con gái tầm cấp hai vừa rời khỏi quán café sau một cuộc trò chuyện dài ngay cạnh bàn tôi. Cuộc trò chuyện tâm sự giữa mẹ và con gái tuổi teen đầy nước mắt và cả nước mũi của cả hai người.
Tôi thấy mừng cho người mẹ trẻ này vì ít nhất cô ấy tôn trọng đứa con của mình, như một người bạn, dẫn con ra quán café ngồi tâm sự truyện trò bao gồm cả giải thích, thuyết phục con chứ không chỉ như các bậc cha mẹ khác quát nạt và áp đặt con cái một cách truyền thống theo tư duy “cá không ăn muối cá ươn”. Nhưng nói như vậy không có nghĩa cô ấy cho con mình tự do và thấu hiểu nó chút nào. Tôi chỉ nghe một vài câu trong cuộc trò chuyện của họ mà câu nào tôi cũng … không đồng ý. Như là:
Con đi chơi, con mang nhiều quần áo thì con mặc nhiều, con mang ít thì sẽ mặc ít, vậy tại sao phải mang nhiều, mang 1-2 bộ được rồi mặc thay phiên nhau, mặc cái này thì giặt cái kia.
-> Đây có vẻ như là một lời khuyên chí lý kiểu “con hãy sống đơn giản thôi, tối giản càng tốt” rất sâu sắc, nhưng sự thật là một đứa trẻ tuổi teen mấy ai muốn sống tối giản? Đấy là cái tuổi bọn trẻ rất thích phô diễn và chứng tỏ với bạn bè. Nếu bắt nó chỉ mặc đi mặc lại 1-2 bộ sẽ làm cho nó rất xấu hổ với bạn bè, cảm giác thua kém và mặc cảm. Điều này không tốt cho sự phát triển bình thường của một đứa trẻ con đâu. Nó sẽ cảm thấy uất ức, tức giận và ghét bỏ mẹ nó đấy – người không cho phép nó làm cái điều rất bình thường mà nó muốn – cách ăn mặc. Một đứa trẻ được mặc thứ mình muốn sẽ tự tin hơn và dần trở nên độc lập hơn. Sự trưởng thành bắt nguồn từ những thứ bé nhỏ vậy đấy nhưng đâu phải cha mẹ nào cũng hiểu và thông cảm cho con cái.
Nếu là tôi, thay vì áp đặt con gái chỉ được mang 2 bộ quần áo, tôi sẽ cho phép nó mang nhiều hơn nhưng tôi sẽ dành thời gian giúp con phối đồ, sắp xếp đồ mang theo sao cho không quá nhiều và cũng không quá hở hang lộ liễu. Đại loại vậy.
Người mẹ này đang cố dạy con cách sống đơn giản nhưng bản thân cô ấy lại là người trông khá cầu kỳ về cách ăn mặc, trang sức, phụ kiện trên người. Cô ấy lấy căn cứ gì để thuyết phục con mình về lối sống đơn giản?
Sẽ dễ cho cha mẹ rất nhiều nếu như chỉ cần cấm con cái không được làm cái này cái nọ. Nhưng để trở thành một người cha hay một người mẹ thấu hiểu con cái, giúp chúng nở hoa trong sự tự do và trách nhiệm, trưởng thành và hiểu biết thì lại là việc khó khăn vô cùng. Cha mẹ nào cũng muốn đi làm kiếm nhiều tiền để cho con thứ tốt nhất, thay vì bỏ công dạy chúng thế nào để tự mình kiếm được thứ mình muốn bằng mồ hôi, sự sáng tạo và sức lao động chân chính?

4. Chuyện cá nhân

Càng quan sát nhiều bậc cha mẹ hiện đại, tôi càng không muốn làm mẹ một chút nào. Nhiều người nói rằng tôi là kẻ ngu, kẻ ích kỉ này nọ. Tôi thấy họ mới là những người ích kỷ và ngu ngốc khi cứ nhất nhất bắt ép mọi người phải giống hệt như mình: phải khổ như mình, mệt như mình. Chuyện con cái cũng vậy mà chuyện kết hôn cũng vậy.
Một trong những may mắn lớn nhất của đời tôi là được làm con của mẹ tôi – một người mẹ tuyệt vời. Mẹ không hoàn hảo, tôi phải thừa nhận như thế. Mẹ không giỏi nấu ăn, không giỏi chăm sóc gia đình, không bao giờ trò chuyện tâm sự với con cái, rất nóng tính… nhưng bù lại, mẹ là người chân thật, chính trực, thông minh, độc lập, mạnh mẽ và chính nhờ mẹ mà chị em tôi ai cũng có những đức tính này. Quan trọng hơn tất cả, món quà mẹ dành cho chúng tôi chính là sự “thờ ơ” rất cần thiết nhưng cũng rất hiếm có trong xã hội này. Chính nhờ sự thờ ơ đó mà tôi đã có cơ hội để sống cuộc đời theo ý mình đầy tự do, độc lập, trưởng thành và trách nhiệm.
“Con cảm ơn mẹ!”
Hôm nay 13/5/2018 – Ngày của những người mẹ – tôi xin chỉ nói nhiêu đó thôi!

À tiện chia sẻ thêm một điều nho nhỏ mà tôi biết bạn sẽ không tin: Con cái là người chọn cha mẹ cho chúng, căn cứ vào trường năng lượng (linh hồn) của người đó.
Câu chuyện của Công giáo về việc Chúa chọn Đức mẹ Maria làm mẹ của Chúa Jesus chính là ngụ ngôn cho điều đó.
Hoàn cảnh sống của mỗi người cũng không ngẫu nhiên nhưng là do linh hồn đã chọn và kiến tạo ra để trải nghiệm những điều khác nhau trong cuộc sống này.
Bạn có thể đọc thêm bộ sách vô cùng nổi tiếng “Conversation with God” để hiểu thêm điều này. Hoặc đọc những cuốn sách của Osho thỉnh thoảng cũng giải thích điều đó.

Ngay một chiếc lá sinh ra trên cây cũng có ý nghĩa vô cùng với cây ấy nói riêng và sự sống nói chung. Làm sao bạn có thể tin rằng sự tồn tại của bạn là vô nghĩa và ngẫu nhiên?

3 thoughts on “Bí mật của cuộc sống: Không phải ai cũng nên làm MẸ

  1. Cám ơn bạn Phi Tuyết nhé! Bài viết tuyệt vời của bạn cũng chính là những suy nghĩ của tôi. Ai cũng bảo “phải lấy chồng, phải có con, phải thực hiện thiên chức làm mẹ của mình.” Tôi thấy rất nhiều phụ nữ xung quanh mình lấy chồng có con như một nghĩa vụ mặc định mà không suy nghĩ thấu đáo liệu đây có phải điều họ thực sự muốn. Các bà, các mẹ cũng hay nói lấy chồng, làm dâu khổ lắm vậy mà họ lại cứ thúc giục con cháu mình phải mau mau đeo cái gông đó vào cổ. Nghĩ thiệt là buồn. Ngày xưa tôi cũng đã suy nghĩ giống như vậy: lớn lên lập gia đình và hy sinh mọi thứ vì nó. Đến khi sang Mỹ học, môi trường và cách sống mới đã hoàn toàn thay đổi cách nhận thức của tôi. Tôi suy nghĩ rất nhiều về những quyết định quan trọng như thế này. Rồi tôi nhận ra rằng, khi người ta không bị những áp lực xã hội vô hình đè lên, người ta mới biết được điều mình thực sự muốn. Giờ đây tôi nhận ra rằng tôi không thích có con hay lập gia đình. Tôi trăn trở với những suy nghĩ đó. Tôi không muốn “hùa theo” bao người có con chỉ vì người ta ai cũng có mà mình lại không thì thật khác người. Tôi không có đủ lòng hy sinh để quán xuyến nghĩa vụ “đảm việc nước, giỏi việc nhà.” Hy vọng các thế hệ phụ nữ chúng ta sẽ biết yêu bản thân hơn và luôn làm những việc làm cho bản thân mình phải thấy hạnh phúc thật sự.

    1. Cảm ơn bạn đã chia sẻ, hôm nay mình mới đọc được những dòng này hihi

  2. Thực sự đọc những chia sẻ của tác giả thật sâu sắc và đúng như những gì tôi từng mơ hồ nghĩ đến mà không thể viết ra 1 cách rõ ràng như vậy. Xin cảm ơn tác giả và bài viết này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *