Đây là một bức thư cần được chia sẻ – trích cuốn sách sắp ra đời của tôi- Tại sao nên đọc sách?

Đây là bức email từ một người bạn đặc biệt của tôi – một người, theo cách nào đó, đã thay đổi cuộc sống của tôi hoàn toàn và triệt để. Cậu ấy là một người đọc nhiều đến mức so với cậu ấy tôi chỉ là một kẻ tay mơ. Chính vì vậy mà chia sẻ của cậu ấy về những lý do để đọc sách càng trở nên quan trọng và ý nghĩa.
Bức mail này được giữ nguyên văn:

“Lời đầu tiên, tớ cảm ơn cậu vì sự tin tưởng khi cậu dám gửi một “bản thảo trực tiếp” thế này đến tớ. Tớ đã bị choáng khi cậu có thể chỉ ra 30 (có thể nhiều hơn) lý do để đọc sách như thế đó, tớ không ngờ mình lại được quá nhiều lợi ích như vậy khi đọc một cuốn sách nếu cậu không chỉ ra rõ ràng như vậy. Dũng cảm và liều lĩnh hơn là cậu lại nói tớ “cho biết ý kiến” … ca này khó vì tớ nào có là chuyên gia gì về viết lách đâu để có thể bình phẩm và ý kiến cơ chứ. Quá lắm thì tớ chỉ có thể cổ động đến cậu bằng cách cảm nhận và thử vẽ thêm một số hình minh họa hài hước cho những luận điểm của cậu. Bởi tớ nghĩ, một cuốn sách có đôi ba cái hình minh họa nhăng cuội sẽ vui và dễ chịu hơn đối với những bạn còn chưa hay ít đọc sách. Bởi có thể, tập bản thảo nho nhỏ thế này sẽ là khởi đầu cho mọi sự kiện lớn lao khác của một người nào đó thì sao … có khả năng lắm chứ! Tớ đang rà lại trong trí nhớ xem tớ có quen một nhà in nào không để lỡ cậu có thể liên lạc ^^ (chuyện này tính sau nhé!)

Sẵn đây, tớ cũng thử chia sẻ với cậu về 4 mức độ của một người đọc sách mà tớ thấy và cảm nghiệm được:
Cấp độ 0: Người đọc nhưng không hiểu và biết gì cả. Cấp độ này thì không phải bàn tới vì không có gì để bàn.
Cấp độ 1: Người đọc phần nào biết phần đó. Tức là đọc phần nào thì biết phần nấy, đọc được ý tưởng nào thì nhận biết y tưởng đó, đọc cuốn sách nào thì biết được cuốn sách đó.
Cấp độ 2: Người đọc phần này biết liên kết với những phần khác. Tức là đọc chương này thì biết nó đã liên kết với những chương trước thế nào. Đọc tác phẩm này thấy nó có những điểm kết nối giống cũng như khác thế nào với những tác phẩm khác.
Cấp độ 3: Người đọc phê bình và đánh giá được tác phẩm mình đang đọc qua sự phản biện, tranh luận và tương tác với tác giả trong quá trình đọc
Cấp độ 4.0: Người đọc biết mình không biết và không hiểu gì cả. Ở cấp độ này thì cũng miễn bàn luận vì không thể bàn tới được. Chính ta có thể phải bọ mọi sự để tìm kiếm và cảm họ.

Như vậy, cậu có thể thấy ở cấp độ 4 dường như vòng lại gần cấp độ 0 thành một vòng trong (thế nên tớ mới đánh số 4.0 ^^). Tớ tự đánh giá mình khoảng mức 1,5 (T.T) nên tớ xin bỏ qua phần “cho ý kiến” nhé cậu. Với sự tự nhân thức như vậy, tớ chỉ có thể làm một người bạn đồng hành, chia sẻ và trò chuyện với cậu về những góc nhìn cũng như quan điểm của tớ tới cậu thôi nhé. Vì vậy, tớ sẽ đổi lời đề nghị (!) của cậu thành dạng câu hỏi (?) là: “điều gì khiến cậu muốn đọc sách?”. Khởi đi từ điểm này, tớ sẽ bắt đầu trò chuyện với cậu. (Tớ sẽ thử nhái theo văn phong tức cười của cậu nhé)

Đối với tớ đọc sách cũng giống như những buổi “hẹn hò”thú vị! Thú vị ở chỗ tớ có thể xắp lịch theo kiều: Sáng cafe (thuốc lá) với Osho bàn về Lão Tử; Trưa hẹn hò tí chút với nữ hoàng Cleopatra với con rắn mào dữ tợn; Chiều ngắm hoàng hôn với Thomas Cathcart & Daniel Klein cưỡi con hà mã bàn về “cái chết” rất tức cười; Tối làm ván cân não với Arthur Conan Doyle qua những tên tội phạm cực kỳ xuất sắc. Đôi lúc có thể toilet với Ernst Gombrich để nghe ông ý kể về những mẩu “chuyện nhỏ trong thế giới lớn”; và đêm thì lên giường với Sophie (cấm nghĩ sâu và xa hơn nhé ^^). Như thế, tớ không hề đơn độc bởi luôn sẵn có một nhóm người siêu tuyệt vời luôn sẵn sàng trò chuyện VỚI tớ (đó là chưa tính ông già Osho còn rủ rê thêm cả 100 ông khác nữa từ thời cổ đại ra để trò chuyện cùng nữa). Tớ có vẻ giống như tên hoang tưởng và sống ảo quá nhỉ!? Nhưng lợi ích từ những buổi hẹn hò đó là có thật vì họ chia sẻ mọi điều tốt đẹp nhất của họ cho mình. Mình thì được lãnh nhận cách như không những điều tuyệt vời ấy từ họ. Tư tưởng của tớ sẽ khác, suy nghĩ của tớ sẽ khác đi, cái nhìn của tớ sâu hơn trong những vấn đề cuộc sống. Chưa kể những bộ não tuyệt vời ấy còn rất dễ tính và không cáu gắt. Tớ có thể gặp những con người tuyệt vời ấy bất cứ lúc nào, họ không thấy phiền hà gì. Thậm chí, ngay cả khi tớ dừng ngang cuộc trò chuyện với họ vì có một bóng hồng xinh xắn (hoặc bóng đen) đến cafe với tớ, các nhà hiền triết ấy cũng rất sẵn lòng theo tớ trong balo. Từ cuộc cafe ấy, họ bước ra đời thực!

Giả định: Nếu tớ gặp trực tiếp Neale Donald Walsch (tác giả cuốn “Đối thoại với Thượng Đế) thì tớ sẽ tống giam ông ta mất thôi. Hay nếu tớ gặp Osho ngoài đường thì thế nào ông ta cũng bị nộp cho “Biên Hòa 2″ (tên gọi khác là Bùi Thị Xuân ở Biên Hòa). Thê thảm và rõ ràng nhất trong lịch sử là Scorat- một người quá vĩ đại, ông ta đã bị tử hình bằng thuốc độc, vì những người gặp trực tiếp ông ấy vào thời đó đều không nắm bắt và hiểu ý định ông muốn diễn tả, dẫn dắt họ. Mãi đến khi Platon ghi lại và in tư tưởng của thầy mình thành sách, chúng ta nghiền ngẫm mới thấy hối hận vì tội ” lỡ gặp gỡ và giết triết gia”. Quay trở lại chủ đề đọc sách và lợi ích, có thể những con người vĩ đại ấy không cách nào truyền đạt lại trực tiếp cho chúng ta sự minh triết của họ (hay chính chúng ta quá “sỏi đá” để cảm –lý do này xác đáng hơn–), thế nên, đọc sách là cách ta chia ra khoảng lặng để tiếp thu và hấp thụ cái tinh túy của các bậc vĩ nhân cách chân thực và đúng đắn nhất có thể. (họ là những người có vẻ rất… điên, nhưng một khi họ để tư tưởng họ tuân tràn ra nhưng trang giấy thì đó luôn là phần tốt đẹp và tinh túy nhất của một con người.)

Một góc nhìn khác, tớ có thể nói đọc sách là những cuộc gặp gỡ rất đẳng cấp. Hãy tưởng tượng (thực ra không cần) Một trường chuẩn đại học hoặc cao đẳng thì cần một hoặc hai vị giáo sư hoặc tiến sĩ thôi là đủ chuẩn chất lượng nhân sự điều hành trường. (Trường cũ của của tớ chỉ có duy nhất một ông mua được cái bằng tiến sĩ, tức khắc thành trường chuẩn “Đại học Mỹ Thuật Đồng Nai -kinh không!- ). Đó là chỉ tiêu đào tạo cấp đại học, và tất cả chuẩn đó cũng không bằng một buổi uống cafe thường nhật của cậu. Bởi trong buổi cafe ấy, cậu đã tập hợp những con người không kiếm được một cấp bậc nào xếp họ vào được (tớ đố cậu xếp được Scorat, Lão Tử, Osho vào loại nào đó!? tốt nhất là đừng cố xếp họ vào loại nào hết), cậu trò chuyện với họ, thảo luận với họ, lắng nghe ý kiến của họ… TUYỆT VỜI! Tớ có thể thấy được buổi uống cafe của cậu đẳng cấp thế nào đó Pê-Tê ah.

Một lợi ích khác, tớ sẽ biết thêm những điều rất ít người được biết. Thử làm một bài toán “nho nhỏ” nhé! Thế giới khoảng hơn 9 tỉ người, mỗi đầu sách ra khoảng 1 triệu cuốn, bạn sở hữu một cuốn tức là bạn có cơ hội tiếp cận được những điều 8,99 tỉ người không mấy khi được biết tới (kinh nhỉ! có vẻ hơi thực dụng nhưng tuyệt vời đó chứ). Nếu ta khoanh vùng lại khoảng 1000 người quanh tớ trong trường học thì tỉ lệ số người biết còn thấp nữa và đôi khi nó trở thành bí mật một mình tớ biết. Điều này cho thấy giá trị của một cuốn sách là quý giá vô song về cả số lượng lẫn chất lượng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một điều quý giá như thế, ai mà chẳng thích sở hữu cơ chứ. (tớ không thích viết “quí giá” vì nếu cứ theo luật thì tớ sẽ phải viết : “Cái công “ti” của cô bạn “Thùi Dung” …T.T… chả thấy đẹp tẹo nào)

Mặt khác, hơi thực dụng một xíu nữa, Đọc sách là một cách để tăng khả năng “trảm phong” của mình (tớ không thích từ “chém gió” này nhưng nó đã đi vào từ điển Việt Nam rồi, khổ thật!). Điều này hình như Tony buổi sáng có nói, đại ý là nếu bạn đọc một cuốn sách về “kỹ thuật lặn” thì tớ vẫn có thể “trảm phong” như một chuyên gia lặn lội mặc dù độ sâu nhất tớ từng lặn là mức nước trong… bồn tắm nhà mình. Để trả lại đúng ngữ nghĩa của từ “trảm phong” thì có lẽ cậu thử đọc “Tam Quốc Diễn Ngĩa” khoảng vào chương 43, 44 và 49, có thể cậu sẽ cảm được từ “trảm phong” nó đẹp và oai hùng như thế nào.

Một lợi ích khác, khi đọc sách, tớ có chiều hướng muốn chia sẻ với ai đó khác! Ở đây, tớ không bàn đến chuyện niềm vui mà cậu hoặc tớ có thể lan chuyền đến người khác. Tớ thấy một điều từ chính bản thân mình, khi tớ “lỡ” chia sẻ với ai một cuốn sách thì tớ đã lượt qua và có thể đọc sẽ lại cuốn sách đó lần nữa. Hơn thế nữa, đôi khi tớ lại sẽ đọc thêm những tài liệu liên quan khác đến vấn đề tớ chia sẻ với cậu và như thế tớ lại vô tình được “cho thêm” từ sự “cho đi” của mình. (tớ “lỡ” giới thiệu đến cậu cuốn “F. Nietzsche – kẻ phản Ki-tô”, và hiện giờ, tớ đang đọc thêm cuốn “Nietzsche – cuộc đời và triết lý”)
Một góc nhìn khác, sách là một công cụ khơi gợi lại những điều thú vị đã có sẵn trong con người mình rồi (có vẻ lạ nhỉ, có “sẵn” là thế nào?). Đơn giản hơn, cái xẻng là một dụng cụ để một người có thể đào xới và tìm kiếm những viên kim cương quý báu luôn có sẵn trong lòng đất. Cũng thế, sách là một công cụ (đắc lực hơn xẻng) để bạn đào sâu để khám phá và làm lộ ra những viên ngọc sáng luôn có sẵn trong tâm hồn mình. Chắc hẳn cậu đã có kinh nghiệm về điều này, khi tớ gửi cho cậu cuốn “Đối thoại với Thượng Đế”, tớ đã thấy cậu phát hiện ra những điều rất tuyệt vời luôn ẩn tảng sẵn trong cậu. Qua cuốn sách ấy, cậu đã phát hiện và làm nổi lên cách rõ ràng những điều tuyệt diệu luôn có sẵn trong tâm cậu mà không cần phải tìm ở đâu xa xôi cả. Theo tớ, trong mỗi người luôn có sẵn những điều tốt đẹp mà ta sẽ làm cách làm đó để phát hiện và cảm được điều ấy. Đọc sách là một cách đơn giản và hiệu quả để ta làm việc đó, như một cuộc hành trình tìm về chính mình. Từ đó, qua cách đọc những cuốn sách, ta sẽ phát hiện ra có một con người rất … điên, tức cười và tuyệt vời như thế nào trong ta (sao giống với tự kỉ quá vậy cậu !). Tớ nghiệm ra luận điểm này dựa vào triết thuyết “linh hồn nhập thể” của thầy trò Scorat – Platon đó ^^. ( Hai đại ca này cho rằng linh hồn ta đã tồn tại sẵn đâu đó trên “thế giới ý niệm”, nên nó biết sẵn trước mọi thứ rồi. Nhưng khổ nỗi, khi linh hồn “bị nhốt” trong thân xác này, nó lại không thể bộc lộ ra được, và quên mất không tự nhớ ra được những gì nó đã thấy và trải nghiệm trên thiên giới. Nên khi ta tri thức hay nhận biết được một cái gì ở trần thế này nó đơn thuần chỉ là việc “NHỚ” lại của linh hồn ta mà thôi…). Cậu có thể tìm đọc cuốn “Những danh tác triết học” phần Scorat và Platon xem cách ông ta phản biện lý luận rất hay và bất ngờ về điều này.

Chia sẻ với cậu một kinh nghiệm khác, một kinh nghiệm mà tớ phải mất 13 năm mới cảm nghiệm được. Một kinh nghiệm rất đau thương (đau nhưng rất thương ^^), năm 13 hay 14 tuổi gì đó, tớ đã “dọn dẹp” hết cái phòng sách của tía tớ để … bán ve-chai (tớ đã chia sẻ điều này với cậu rồi nhỉ- “tuổi thơ” nông cạn và dữ dội). Tía tớ -một người rất mê sách- đã lưu truyền lại cho tớ điều gì? khi mà tớ đã bán đi phần lớn cái gia tài đó!? Ông ấy dường như đã biết điều gì đó, ông ấy biết mình đã lưu truyền lại cho tớ điều gì! Đó là một thói quen đọc sách, một cảm thức để đọc sách, Ông già ấy đã gieo loại hạt mầm đó vào lòng anh em tớ. Bằng những thói quen đọc sách của mính, bằng sự động viên và khuyến khích anh em tớ đọc sách (truyện tranh), chẳng biết từ khi nào, Ông ấy gieo được cái hạt mần yêu quý những cuốn sách được gieo vào lòng tớ. Ông ấy tiếp tục chờ đợi thêm những 10 năm nữa để thấy cái hạt nảy mầm. Tía tớ đã biết những cuốn sách là những vật sống nên một ngày nào đó nó sẽ chết đi, và nó sẽ phải được thay thế bằng những sách khác vào thời của tớ. Tía tớ biết điều đó nên đã không cản tớ, khi tớ dọn dẹp và bán đi những người bạn của ông ấy. Một cách nào đó, Tía tớ đã chọn cách gieo vào lòng anh em tớ cái mần yêu quý sách và đợi nó triển nở, chứ không phải để lại cho anh em tớ một đống sách chết. Tía tớ đã truyền lại cho anh em tớ cái tinh thần quan trọng đó .. một con người biết quý sách! Tự nhiên thấy buồn và nhớ Tía quá TT. Uhm trở lại với vấn đề lợi ích của việc đọc sách, … … … Thôi! phần này để cậu tự cảm nhé PêTê, mạch văn của tớ bị nỗi niềm và cảm xúc đánh gãy rùi. Sau này, con trai của cậu có lỡ bán ve-chai hết cái phòng sách của cậu, thì cậu cũng khoan *^&^#*@ với tên nhóc đó nhé. Bởi biết đâu, có thể cậu đã gieo một hạt mầm mang tên “tinh thần đọc sách” vào trong nó qua thói quen và sự yêu quý những trang sách của cậu (tớ không nghĩ ra được cái tên nào cho cái hạt mần đó nên gọi tạm vậy). Phải 15 năm sau hoặc hơn , cách nào đó, “cái hạt” ấy mới bắt đầu nảy mầm và phát sinh những hoa trái của nó. Tớ thấy điều này mới là quan trọng và lớn lao hơn rất nhiều so với một đống sách chết mà chúng ta có thể truyền lại cho thế hệ mai sau.

Chia sẻ điều cuối này nữa thôi nhé ^^ để cậu còn đi làm chuyện khác nữa chứ. Mặc cho thời đại công nghệ bùng nổ, tớ vẫn thích đọc “sách giấy” chứ không thích đọc “sách số”. Điều này khó diễn tả … tớ thử nhé! Khi PêTê cầm một cuốn sách, cậu sẽ tiếp xúc phần lớn mọi giác quan cảm giác của cậu vào nó, tay cậu cảm nhận được từng trang giấy, mũi cậu ngửi thấy mùi giấy mới, cảm giác chắc chắn khi cầm một khối vuông nặng nặng, cảm giác lật từng trang sách luôn rất thật, cậu có thể cảm giác được đoạn cao trào, kịch tính, hay kết thúc nhẹ nhàng khi cuốn sách được lật mỏng dần đến những trang cuối. … thua! tớ không diễn tả cái ý “cảm sách” này được ^^. Tớ có lần đã thử đọc một cuốn sách trên ipad, sách rõ hay nhưng sao nó cứ nhạt nhẽo và mệt mỏi thế nào đó.

Tớ chỉ có thể tới đây thôi he! Tớ đi hẹn hò với Da Vinci và Michelangelo đây, đã lâu quá rồi tớ chưa gặp hai ông ý, tớ đang có kế hoạch đắp một vài bức tượng (trong đó có tượng chân dung của cậu) và biết đâu hai đại ca ấy sẽ nhắc lại cho tớ một vài chiêu giải phẫu chuẩn mực nào đó. Có thể cách hành văn của tớ chán phèo nhưng biết sao được T.T. Chúng ta có thể có chung một sứ mệnh là hoàn trọn cuộc đời trần thế này của mình, cùng có chung mong ước lan chuyền đi những điều thú vị đến cho bất kỳ ai lỡ ngồi gần ta. Nhưng theo cách riêng và sở trường của mỗi người mà ta lan truyền đi những điều tốt đẹp, những tiếng cười và sự yêu đời đến mọi người. Cùng cổ động cho nhau nhé! Tớ dùng gõ phím lại đây, nếu tiếp tục gõ nữa thì tớ sẽ thành chuyên gia viết sách giống cậu mất ( ^^cái này là tớ chém gió). Nhưng dù sao, khi xưa, Edison đã phải tiến hành của ngàn cách để tìm ra sợ dây tóc bóng đèn, La Quán Trung chắc đã phải nghiền ngẫm cả triệu trang giấy mới cô đọng lại thành bộ Tam Quốc. Nên lý gì ta lại ngừng cố gắng, cứ tiếp tục bình tĩnh và cổ động cho nhau TIẾN lên nhé. ( ^_^ cái này có thể gọi là “trảm phong” đó).

…Bố tớ tên là Tiến nên chữ này bắt buộc phải viết hoa trong mọi trường hợp…
( in đậm nữa thì càng tốt)

Chúc cậu một buổi chiều ít nắng nhé PêTê!

11/04/2016
Bình Dương chiều đầy gió…
… Đời người được mấy hớp – việc gì mà cứ phải lớp tớp!!!

PM 11h45′
P/S : Hình như, “Não phải” của tớ đang xuất hiện sự chờ đợi về chuyện cậu sẽ chia sẻ một đề mục khác mang tên: “Lợi ích của việc đọc sách thì nhiều vậy! Nhưng sao tuổi trẻ lại ít muốn đọc sách vậy?”, hay ” Cách nào để khởi đầu đọc một cuốn sách?”… tắt đèn đi ngủ thật đây…z..z…z..

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *