Khi chán nản là một phúc lành – When boring is blessful

Chán nản là một phúc lành?

Tôi đang có một cảm hứng lớn lao để viết về sự chán nản. Không phải bởi vì tôi không chán, mà bởi vì tôi đang trong đỉnh điểm của sự chán nản. Có lẽ vậy!
Tôi từng đọc một cuốn sách, trong đó có ý rằng: thế giới cứ trôi qua một khoảng thời gian cụ thể phát triển trong hòa bình ổn định thì con người lại trở nên nhàm chán. Đó là thời điểm họ bắt đầu gây ra các cuộc chiến tranh. Vâng, chiến tranh, tội ác lớn nhất lịch sử nhân loại, không chỉ được bắt đầu bằng sự tham lam mà còn bởi sự nhàm chán. Những người lãnh đạo, những vua chúa uy quyền, những người giàu có nhất họ không có gì để làm. Họ quá giàu, quá mạnh nên họ mới nghĩ đến chuyện đi gây hấn, đi gây chiến với người khác vừa tạo thêm uy danh, vừa làm cho cuộc đời họ thêm hào hứng, thêm chiến tích để đời.
Facebook càng ngày càng trở nên một nơi đáng chán. Nếu bạn biết tôi, bạn cũng biết cách của tôi là unfollow hết những người suốt ngày than thở. Bởi vì tôi không muốn cái chán của họ lây sang mình. Tôi không muốn cái con sâu chán của người khác làm rầu nồi canh của mình. Nhưng sau khi thanh lọc những con sâu ấy, cái chán lại còn trở nên trầm trọng hơn nữa.
Facebook tôi giờ chỉ toàn những người mà có vẻ như chẳng bao giờ biết chán là gì. Cuộc đời họ, theo cách nào đó, đầy ắp niềm vui, sự hứng thú và luôn luôn đẹp đẽ trong từng khoảnh khắc. Tôi không tin những người luôn tỏ ra mình hạnh phúc trên facebook chút nào nữa.
Đôi khi họ là một những cô gái xinh đẹp, khoe hình đi chơi thật vui nhưng tôi nhìn thấy cái chán bên trong cuộc sống của mỗi người mà họ đang cố che giấu. Tôi nhìn thấy cả cảnh sau khi hào hứng chụp hình thật đẹp, ai cũng cắm mặt vào fb của mình, họ chán nhưng họ không dám thừa nhận mình chán.
À nói đâu xa, tôi và những người bạn thân. Họ đến thăm tôi vào dịp tết. Nói thật, tôi đang chán việc gặp gỡ mọi người, chỉ muốn một mình nhưng không thể và cũng không muốn từ chối nên vẫn tiếp đón họ chân tình. Chúng tôi đã gặp và kể nhau đủ thứ chuyện trong cả năm ở SG rồi nên khi gặp nhau ở một nơi khác, như nhà tôi, thì cũng chẳng còn gì nhiều để nói. Chụp xong đôi ba tấm ảnh vui vẻ đăng lên fb, ai nấy lại cắm cúi dô chiếc điện thoại của mình, cười với chiếc điện thoại thay vì cười với nhau. Đi café cùng nhau nhưng mỗi người cũng là những thế giới riêng. Ai cũng có những tâm sự, những chuyện buồn chán riêng trong lòng mà chẳng muốn nhắc lại nữa. Thế rồi khi các cô bạn ra về, tôi gặp người bạn khác. Người này thì khá hơn vì chúng tôi hiếm khi nói chuyện cùng nhau. Cuộc gặp gỡ không hề đụng đến chiếc điện thoại vì cả hai nói quá nhiều chuyện thú vị, chuyện ý tưởng, chuyện kinh doanh, chuyện quá khứ, chuyện tương lai. Chúng tôi không có hình để khoe lên facebook nhưng cuộc gặp thật hào hứng. Hào hứng là vậy nhưng bên trong mỗi người lại có sự chán nản riêng. Cô ấy kể tôi nghe sự chán nản về công việc, các mối quan hệ của mình. Những thứ mà tôi sẽ không bao giờ biết nếu chỉ nhìn nụ cười của cô ấy trên các tấm hình fb. Tôi không chán nản toàn thời gian mà chỉ trong những khoảnh khắc. Nhưng tôi lại có khả năng nhìn ra cái chán nản mà mọi người đều đang che giấu bên trong vẻ hạnh phúc của họ.
Giống như việc một người khoe thân hình quyến rũ bốc lửa của họ trong hạnh phúc, tôi sẽ nhìn ra cả sự chán nản của họ trong những giờ phút tập luyện thể thao mệt nhoài hay sự chán nản khi phải ăn một vài thứ đồ ăn kiêng khem hết ngày này qua tháng khác.
Nhờ vậy, khi nhìn thấy những cặp vợ chồng khoe cảnh gia đình hạnh phúc, tôi biết rằng đôi khi họ chỉ đang giả vờ là mình hạnh phúc mà thôi. Tôi nhìn thấy họ đang rất chán nhau, chán cuộc sống cùng nhau nhưng không thể nào bộc lộ cái chán ấy được. Vì còn phải đăng hình lên facebook.
Tôi nhìn thấy những người khoe hình đi du lịch một mình rất vui nhưng sâu bên trong tôi cũng thấy cái chán, sự cô đơn lạc lõng của họ ở vùng đất ấy, phía sau những tấm hình ấy.
Chẳng biết là do tự kỉ ám thị hay quá tự cao mà tôi luôn cho rằng mình nhìn thấy những gì nhiều người không thấy, hoặc giả như họ thấy nhưng họ không dám thừa nhận.
Những bà mẹ chán ngấy cảnh con cái khóc than, ốm đau bệnh tật, quấy phá cả đêm nhưng họ vẫn sẽ chụp một tấm hình khi họ đang ngắm nhìn đứa con trong hạnh phúc để đem khoe lên facebook.
Những bà vợ chán ngấy những ông chồng vô tâm, bẩn thỉu, vô dụng nhưng vẫn sẵn lòng chụp hai bàn tay nắm lấy nhau để khoe lên facebook rằng họ hạnh phúc và rất trân trọng nhau.
Những người đồng nghiệp chán ngấy sự nhiều chuyện, chơi xấu, tị nạnh của nhau nhưng vẫn chụp những tấm hình đi chơi chung thật vui vẻ và gọi nhau là gia đình.
Những người quay cuồng trong tiền bạc, vay mượn khắp nơi để duy trì một công việc kinh doanh tệ hại nhưng luôn có đầy những bức hình thành đạt hạnh phúc trong điện thoại để khoe lên bất cứ lúc nào.
Tôi biết nhiều câu chuyện thật phía sau những gì người ta thể hiện trên facebook. Vì vậy dần dà trong tôi nảy sinh một sự đa nghi và chẳng còn tin vào bất cứ gì nữa.
Tôi đã từng tự hào mình là một người có tất cả nhưng bạn có biết rằng tôi chán cái sự có tất cả ấy của mình. Tôi tin bất cứ ai từng ở trong trường hợp có tất cả sẽ đều cảm thấy rất chán nản. Chán còn hơn những người không có gì. Đó là lý do nếu như bạn sinh ra trong một gia đình cực kì giàu có, hoặc như đức Phật trong câu chuyện lần trước, bạn sẽ thấy rất chán. Cuộc sống có ý nghĩa gì nữa đây khi mà tiền bạc chẳng thành vấn đề, danh vọng quyền lực cũng không còn là vấn đề nữa? Đó cũng là lý do tại sao càng ngày người ta lại càng dính vào những tệ nạn, đặc biệt là các loại chất gây nghiện.
Những người nhậu nhiều nhất là những người đang nhiều chán nản bên trong nhất. Những người ngoại tình là những người đang chán mối quan hệ của mình. Những người nghiện ma túy là những người đang cố tìm một thế giới khác đỡ chán hơn thế giới này.
Con nhà giàu, người giàu thường dễ sa vào ma túy và các chất gây nghiện. Bởi vì họ không tìm ra cách nào khác để xua đi sự chán nản mỗi ngày trong cuộc sống. Phật Thích Ca đi một con đường đúng. Ông ấy sinh ra đã giàu có, ông ấy biết tiền tài danh vọng là vô nghĩa vậy nên ông ấy bỏ tất cả mà đi vào rừng để tìm kiếm một cánh cửa khác giải thoát cuộc đời. Những “hoàng tử, công chúa” ngày nay tuy cũng sinh ra trong tiền tài danh vọng nhưng lại không có đủ can đảm như đức Phật mà buông bỏ đi vào rừng sâu. Thay vì vậy họ tìm đến những quán bar, những sòng bạc, những trung tâm thương mại hoặc giấu mình trong nhà mà tìm đến ma túy. Họ cứ tưởng đó là cánh cửa khác giải thoát sự nhàm chán của họ bên trong. Tất nhiên con đường sai thì sẽ chẳng dẫn người ta đến giác ngộ được mà thay vào đó là sự hủy diệt và chán nản nhiều hơn nữa.
Cái chán đầu tiên là khi bạn không có đủ tiền. Cái chán thứ hai là khi bạn có quá nhiều tiền.
Cái chán đầu tiên là khi bạn không có thời gian. Cái chán thứ hai là khi bạn có quá nhiều thời gian.
Tôi tin vào sự thật đơn giản ấy, vì tôi đã phần nào trải qua cả hai.
Ngày này năm ngoái, tức là những ngày sau tết năm 2017, tôi quyết định “nghỉ hưu một năm” sau khi thấy chán việc đi làm kiếm tiền, chán chuyện kinh doanh và cả viết lách chia sẻ nữa. Gọi là nghỉ hưu nhưng thực tế, tôi giao công việc kinh doanh lại cho Phi Nhung rồi dành toàn bộ thời gian để làm những gì mà tôi cho rằng mình luôn mong muốn. Một trong số ấy là du lịch. Tôi đi du lịch khá nhiều suốt một năm qua, trong và ngoài nước. Gọi là nhiều nhưng chỉ là nhiều với bản thân tôi thôi, không dám so sánh với người khác. Giờ đây, có thể nói là tôi chán du lịch. Một vài tuần trước bạn trai tôi rủ tôi qua đảo Bali, nơi được cho là thiên đường du lịch, để chơi một tuần. Tôi từ chối, thậm chí kể cả khi anh ấy đề nghị sẽ chi trả tất cả mọi thứ, bao gồm cả vé máy bay. Việc duy nhất tôi cần làm là xách giỏ lên và đi thôi. Nhưng tôi từ chối, vì tôi cảm thấy chán du lịch.
Năm ngoái tôi đi khá nhiều các nước loanh quanh như Singapore, Malaysia, Indonesia và đặc biệt là dành cả mấy tháng trời để đi rất nhiều nơi trên đất nước Philipines. Kế hoạch của tôi là đi thêm Đài Loan, rồi Hàn Quốc, rồi Nhật Bản, sau đó sẽ mua tour đi Châu Âu, rồi qua Mỹ – nơi tôi có khá nhiều bạn bè sẵn sàng tiếp đón. Vâng, mới năm ngoái tôi còn muốn đi khắp mọi nơi nhưng bây giờ tôi chẳng còn muốn đi đâu cả. Du lịch trở thành một việc chẳng quan trọng chút nào nữa. Biển ở đâu thì nước biển cũng như nhau, thành phố nơi nào cũng bê tông giống nhau, con người ở đâu cũng cùng những bận tâm, lo lắng giống nhau. Càng đi nhiều, tôi càng không muốn đi thêm nữa.
Kì cục đúng không? Vì đa phần mọi người sẽ thổ lộ rằng càng đi nhiều, họ càng muốn đi nhiều hơn. Tôi thì chẳng muốn đi nữa, vì thấy chán. Ngay lúc này, có những người bạn sẵn sàng hỗ trợ tôi viết thư mời xin visa, mua vé máy bay cho tôi đến thăm họ ở những đất nước khác. Nhưng phải thừa nhận, tôi chẳng muốn đi đâu.
Cũng năm ngoái, khi cuộc sống nghỉ hưu quá nhàn hạ, tôi chưa bao giờ thấy chán như vậy. Tôi nghĩ, ai cũng làm việc cực khổ để mong nghỉ hưu khi về già, tôi nếm trải cảm giác nghỉ hưu quá sớm và nhận ra mình không muốn nó nữa. Tôi có tiền trong tài khoản, tôi có nhà cửa, tôi có một cuốn sách sắp được ra đời, tôi chẳng có áp lực phải làm bất cứ gì cả… Mọi thứ đều hoàn hảo như vậy mà tôi mới thấy chán làm sao.
Sau đó tôi tham gia một cuộc thi và được đi Philipines tham dự một hội thảo trong vòng một tuần, miễn phí. Sau cuộc hội thảo, tôi ở lại lâu hơn để du lịch và trong chuyến du lịch này, tôi gặp và quen bạn trai của mình – anh ấy cũng đang có công việc ở Philipines và cũng đang tranh thủ đi du lịch. Tôi từng gặp nhiều người nước ngoài, cũng hẹn hò nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi hẹn hò với người nước ngoài một cách nghiêm túc nhất. Sau khi đã đủ nghiêm túc, bây giờ, tôi thấy chán. Tôi cứ tưởng hẹn hò với người Việt rất chán, với Tây sẽ vui hơn vì họ có nhiều suy nghĩ phóng khoáng, cởi mở giống tôi hơn. Nhưng thực tế là hẹn hò với ai một thời gian cũng chán cả. Tôi hẹn hò anh ấy đến nay cũng đủ lâu, cũng đủ để hiểu về những đồng cảm lẫn những khác biệt, những ưu điểm lẫn nhược điểm. Chuyện tình yêu nào cũng vậy, có lúc vui lúc chán, lúc cần lúc không. Nếu một cặp đôi chưa chán nhau là bởi họ chưa dành đủ thời gian để ở bên nhau mà thôi. Tôi cũng vậy. Tôi trở nên chán hẹn hò, chán yêu đương dù cho chuyện hẹn hò yêu thương của tôi rất đẹp, đầy ắp những kỉ niệm ngọt ngào. Anh ấy hiện nay đã trở về Úc. Tôi chẳng có mong muốn đi Úc sống cũng chẳng có mong muốn anh ấy sẽ sống ở VN cùng mình nên việc khoảng cách giữa cả hai phần nào lại rất tốt đẹp và có ích cho mục tiêu duy trì mối quan hệ này. Cả hai chúng tôi cũng không có ý định kết hôn, không muốn có con cái, biết chắc không thể nhìn mặt nhau 24/24 mỗi ngày suốt phần đời còn lại cho nên cũng chẳng áp lực gì mấy chuyện kết hôn.
Sau năm 2017, tôi đã làm được rất nhiều chuyện mình muốn làm: du lịch nhiều, tìm được tình yêu, hẹn hò nghiêm túc, ra mắt cuốn sách đầu tay và có thêm hợp đồng cho những cuốn kế tiếp. Vâng, có thể nói tôi đã có rất nhiều, nếu không muốn nói là mọi thứ mình muốn. Ấy vậy mà tôi vẫn thấy chán. Bạn có hiểu được không?
Kể thêm chút về bạn tôi. Cái tuần anh ấy ở Bali một mình, không ngày nào anh ấy không gọi điện và than chán nản. Một người đàn ông không áp lực chuyện công việc, gia đình, có tiền trong tài khoản dư sống một thời gian, đang ở một mình trên hòn đảo thiên đường xinh đẹp nhất, ở trong khách sạn có hồ bơi trong xanh, ăn những món ngon, lại còn được sự cho phép của bạn gái để tiếp cận mọi cô gái mà anh ấy muốn… Vậy mà vẫn thấy chán. Anh ấy chán Bali đến nỗi gọi nó là địa ngục. Anh ấy thề rằng sẽ không bao giờ quay trở lại đó nữa. Gần như mỗi ngày, tôi phải nhắc nhở và động viên tinh thần cho anh ấy rằng rất nhiều người đang ao ước được như anh. Anh ấy nói “Đúng vậy. Anh biết rất nhiều người ước có được vị thế (sittuation) như anh lúc này. Nhưng anh vẫn thấy chán lắm.”
Tôi tin anh. Khi người ta chán nản bên trong, chẳng có gì có thể làm chúng ta vui ở bên ngoài cả. Như câu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” vậy. Đàn ông khi chán nản sẽ tìm đến rượu bia, công việc. Phụ nữ khi chán nản sẽ dành nhiều thời gian công sức hơn cho gia đình, con cái, tiêu tiền, làm đẹp hay tụ tập tám chuyện. Mọi người làm mọi chuyện để cố quên đi cái chán nản của mình. Chẳng ai muốn ngồi lại một mình, nhìn sâu vào cái chán để hiểu nó một cách tường tận, để vượt qua nó như đức Phật từng làm.
Du lịch là việc ai cũng yêu. Nhưng dần dà tôi nhận ra. Người ta yêu du lịch cũng chỉ bởi vì người ta chán. Người ta chán nhà của họ, công việc của họ, cuộc sống của họ thế nên họ muốn giải thoát, muốn đi đâu đó xa xa để trốn tránh nó, để tìm cái mới, con người mới, không gian mới. Ấy là lúc họ lên đường đi du lịch. Ấy là lúc họ đăng status “Vì cuộc đời là những chuyến đi”.
Nhưng trong khi du lịch, họ cũng sẽ thấy chán nữa. Ấy là lúc họ hô to lên “Đi xa là để được về nhà. Nhà là tuyệt nhất. Không đâu như ở nhà”. Tin tôi đi, về nhà chẳng bao lâu họ lại chán và lại muốn lên đường mà thôi.
Bạn chán đồ ăn Việt Nam, bạn ra ngoài và ăn mỳ Ramen của Nhật, bạn ăn mỳ của Ý, ăn pizza, gà rán của Mỹ, ăn bít-tết Pháp, ăn bánh gạo Hàn Quốc, ăn dim-sum của Tàu… Nhưng giây phút ăn xong những thứ đó, một lần, một vài lần, bạn lại thấy chán và lại chỉ muốn quay về cơm rau thịt kho cá chiên – thứ mà chỉ vài ngày trước bạn còn đang ngán tận cổ.
Càng nhìn sâu hơn vào cuộc đời. Tôi càng thấy con người cứ di chuyển quanh cái sự chán nản ấy, từ quá khứ cho tới hiện tại, từ Đông sang Tây, Nam tới Bắc, cứ quay tròn quanh một vòng xoay mà chẳng biết làm cách nào để thoát ra cả.
Ai đó chán mối quan hệ với người yêu/vợ/chồng mình. Họ tìm mọi cách thoát ra xong sớm muộn lại rơi ngay vào mối quan hệ với người khác.
Ai đó chán công việc của mình. Họ tìm cách thay đổi công việc nhưng sớm muộn lại thấy chán ngay cái công việc mới ấy.
Ai đó chán việc kiếm tiền, việc đuổi theo thành công danh vọng nhưng sớm muộn lại cũng quay về việc tìm kiếm thành công danh vọng, chỉ là theo cách khác nhau, ví dụ như con cái.
Ai đó chán ghét đám đông, chán thành một phần của đám đông nhưng cho dù có cố cách mấy, thoát ra một chút lại cảm thấy sợ hãi và cô đơn đến nỗi lại tự nguyện quay trở lại thành một phần của đám đông ấy.
Cuộc đời, theo đức Phật, là bể khổ. Còn theo tôi, có lẽ là một bể của sự chán nản khổng lồ. Ai cũng đang chán nản. Có người thừa nhận, có người giấu đi. Có người ngụy trang nó bên trong những vẻ mặt tươi cười hạnh phúc. Như một cô dâu che giấu đi khuôn mặt thật xấu xí buồn rầu sau lớp trang điểm đậm và nụ cười hạnh phúc để lên hình cưới cho thật đẹp. Họ không nói ra họ đã cảm thấy mệt mỏi và chán nản thế nào khi bộ ảnh cưới lung linh ấy được thực hiện. Họ cũng không thể nói những nụ cười trên hình của họ là giả dối, dù cho ai cũng biết nó là giả dối. Nếu như trang điểm cũng không thể đẹp lên, cười cũng không thể vui lên thì ngay lập tức bảo bối thần thông Photoshop sẽ giúp họ làm điều ấy. Ai cũng trở nên thật xinh đẹp đến nỗi chính cô dâu khi nhìn ảnh cưới còn không nhận ra mình. Ai cũng thật hạnh phúc đến nỗi họ không còn nhớ ra họ đã mệt mỏi thế nào trong giây phút ấy.
Chúng ta rất chán nhưng chúng ta lại có cả ngàn cách để che giấu cái chán của mình. Tôi cho là vậy.
Nếu như không có photoshop, nếu như những bức ảnh không được các tay nhà nghề làm cho trở nên đẹp đẽ lung linh, chúng ta sẽ ngay lập tức giật mình vì sự thật trần trụi đập vào mắt mình: cảnh vật thực tế chẳng đẹp đến thế, bản thân mình gồm cả khuôn mặt và cơ thể chẳng đẹp đến thế. Nhất là mình chẳng hề hạnh phúc như những gì mình đang cố thể hiện. Photoshop lẫn facebook trở thành công cụ hữu hiệu để chúng ta che giấu đi những sự thật chúng ta không muốn ai nhìn thấy. Che giấu đi cái chán nản bên trong cuộc sống của mỗi người mà ta chẳng muốn ai nhìn thấy. Chúng ta dần không thể sống thiếu chúng là vì vậy. Một sự ngụy trang, một vỏ bọc hoàn hảo.
Mẹ của bạn tôi, một phụ nữ Úc độc lập và mạnh mẽ. Ngay lúc này bà ấy đang có một cuộc sống mà mọi người ao ước: một căn hồ mới toanh trong một tòa nhà hiện đại giữa trung tâm Melboune, thủ đô của đất nước được đánh giá là đáng sống hàng đầu thế giới. Bà ấy mới nghỉ hưu không bao lâu và trong tài khoản có một số tiền khổng lồ đủ để không cần phải bận tâm lo nghĩ chuyện đi làm kiếm tiền hay bất cứ chuyện gì khác cho phần đời còn lại. Bà có ba đứa con đều trưởng thành tự lập. Vậy mà bạn trai tôi nói rằng, chưa bao giờ bà thấy chán như lúc này. Chán cảnh không có gì làm, không có gì để bận tâm. Chán mọi thứ.
Tôi không giàu có như bà nhưng tôi hiểu cảm giác ấy. Khi bạn không có thứ gì trong các thứ sau: tiền, thời gian, sức khỏe, tình yêu, bạn sẽ cảm thấy buồn. Nhưng khi bạn có tất cả những thứ ấy, bạn sẽ thấy chán. Vì bạn phát hiện ra ý nghĩa cuộc đời không nằm trong đó. Vậy ý nghĩa cuộc đời nằm ở đâu? Câu hỏi kinh điển qua muôn kiếp người. Tôi có một câu trả lời hơi mang tính lý thuyết nhưng nó chưa là thực tế của tôi nên bạn không cần tin quá.
Câu trả lời ấy là đời chẳng có ý nghĩa gì cả.
Cái khoảnh khắc bạn nhận ra đời chẳng có một ý nghĩa gì, chỉ là một sự chán nản toàn tập. Cái khoản khắc bạn chấp nhận sự chán ấy, bỗng nhiên bạn sẽ hài lòng với cả sự chán nản của mình, hài lòng với cái sự thật rằng đời chẳng có ý nghĩa gì. Lúc ấy bạn sẽ được giải thoát, như đức Phật đã tự giải thoát chính mình. Ngài đạt giác ngộ sau khoảng thời gian dài cố gắng đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Nhưng ngài thất bại. Cái giây phút ngài buông bỏ cả việc đi tìm ý nghĩa cuộc sống, cái giây phút ngài buông bỏ mọi cố gắng để đạt đến giác ngộ. Chính là giây phút ngài đạt được nó. Đời thật thần kì, thật nhiệm màu và cũng thật … tức cười, đúng không?
Tôi vẫn đang cố gắng mỗi ngày, trong cái sự chán nản của mình. Một mặt tôi muốn đẩy sự chán nản lên mức đỉnh nhất, một mặt tôi cố làm mọi thứ để xua đi cái chán nản ấy, để xem sau cùng tôi sẽ tới đâu. Ví dụ tôi vẫn sẽ đi du lịch, vẫn sẽ làm mọi cách để kiếm tiền, vẫn sẽ tập trung viết lách nhưng chỉ ½ là tìm ý nghĩa của những việc đó, ½ còn lại để xem bản thân mình còn chịu đựng được sự chán nản của những thứ ấy đến bao giờ.
Bạn sẽ không tin, nhiều lần, rất nhiều lần trong cuộc đời này, cụ thể là vài năm trở lại đây. Tôi cảm thấy chán nản đến mức muốn chết. Tôi ước tự nhiên đùng một cái mình mà chết đi thì chắc cũng hay (Tôi không đủ can đảm để tự tử, chỉ muốn đùng một phát lăn ra chết hoặc tan biến đi khỏi cuộc đời). Bạn ngạc nhiên đúng không? Tôi luôn lạc quan, vui vẻ, nói và viết về ý nghĩa cuộc đời, có mọi thứ mình muốn. Vậy mà tôi lại muốn chết quách đi để giải thoát mình khỏi cái vòng luẩn quẩn đi tìm ý nghĩa cuộc đời.
Tôi cũng từng chia sẻ suy nghĩ ấy với Phi Nhung và chúng tôi đi đến kết luận rằng: không nên chết bởi vì chết cũng chán.
Nếu như chỉ chết là mọi thứ xong xuôi, thoát khỏi bể khổ và sự chán nản thì có lẽ chẳng ai còn sống trên đời nữa. Nhưng nếu chết mà phải đi xuống luyện ngục, hỏa ngục đời đời (như những gì đạo Công giáo tin), hoặc phải đầu thai vào một kiếp khác (như niềm tin của đạo Phật và của tôi), thế thì chẳng phải cái chết như tôi muốn là rất vô nghĩa sao? Nghĩa lý gì khi chết để thoát khỏi cái chán xong lại đầu thai vào kiếp sống khác và lại… chán thêm một lần nữa. Rồi một lần nữa. Rồi lại một lần nữa.
Cái này chính là luân hồi. Tôi cho rằng luân hồi chỉ kết thúc khi bạn có thể thoát ra khỏi cái sự chán nản khổng lồ này của cuộc đời.
Đầu tiên là chán việc không có thời gian, không có tình yêu, không có tiền bạc. Sau đó khi bạn có tất cả, bạn thấy chán hơn. Rồi đỉnh điểm của cái chán, nếu như bạn có thể thoát ra khỏi nó, hạnh phúc với nó, chấp nhận nó rồi thì đột nhiên bạn sẽ giác ngộ, sẽ không bao giờ còn chán nản nữa.
Liệu suy nghĩ của tôi có đúng hay không? Tôi cũng chán cả việc hỏi câu hỏi này.
Đời là bể khổ. Qua được bể khổ là qua đời. Người ta hay an ủi nhau như thế. Nhưng để tôi cho bạn biết một sự thật khác: Qua bể khổ, qua đời rồi bạn sẽ lại bị rơi ngay vào một cái bể khác nữa mà thôi. Kiểu như tưởng đâu quay đầu là bờ, ai ngờ là Thái Bình Dương… vậy.
Việc quan trọng cần làm lúc này, có lẽ là chúc lành và tận hưởng cảm giác chán nản này. Không che giấu nữa, không trốn chạy nữa, không ngụy trang nó bằng những nụ cười giả dối nữa. Đi sâu vào nó để xem nó sẽ dẫn tới đâu.
Lạ ở chỗ, mỗi lần tôi cố tình đi sâu vào trong cái chán nản của mình, chấp nhận nó, tôi lại không thấy chán nữa. Tôi thấy đời ngập niềm vui và bình an.
Hệt như những gì Osho nói: Đừng trốn tránh nhưng hãy đi sâu vào trong mọi vấn đề đi, sâu tới tận cùng. Bạn sẽ nhận ra chẳng có vấn đề nào tồn tại cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *