Một góc nhìn sâu vào toàn bộ nền giáo dục

Nền giáo dục đang lạc lối (2)
Cách mạng giáo dục – Osho

Vai trò thực sự của giáo viên trong xã hội

Mối quan hệ hiện tại giữa giáo viên và xã hội đã chứng tỏ là mối nguy hiểm.
Mối quan hệ đó là gì? – Xã hội là ông chủ và giáo viên thực chất chỉ như những nô lệ.
Xã hội muốn khắc sâu những kiến thức cũ kĩ, những ghen tị cũ kỹ, những thù hằn cũ kỹ và những suy nghĩ cũ kỹ tới từ hàng ngàn năm trước vào tâm trí mới tinh của những đứa trẻ nhỏ và giáo viên là người được giao cho thực hiện nhiệm vụ đó.
Thật đáng kinh ngạc khi các giáo viên không chỉ làm các công việc đó một cách ngoan ngoãn mà thậm chí họ còn có vẻ rất tự hào nữa.

Tại sao xã hội lại cứ muốn truyền bá những thứ cũ kĩ?
Những nhà chính trị muốn duy trì quyền lực của mình nên họ muốn xã hội phải giữ nguyên cấu trúc của nó như từ quá khứ. Nhân loại ngỡ mình đã xóa bỏ được chế độ nô lệ nhưng không, loài người vẫn là nô lệ, nô lệ cho xã hội theo cách này cách khác.
Trong quá khứ nô lệ phụ thuộc vào ông chủ, còn hiện tại xã hội biến người ta thành nô lệ một cách tinh vi hơn, nó biến người ta thành nô lệ cho vật chất, cho giáo điều, cho nỗi sợ hãi, cho danh vọng, quyền lực… Chung quy các chính trị gia luôn muốn con người là nô lệ nên họ phải duy trì mọi thứ trong xã hội theo những quy ước cũ.
Đây là nỗi hổ thẹn lớn lao cho các giáo viên. Điều hổ thẹn là những hủ bại thế kỷ trước mắc phải được truyền sang thế kỷ này, thông qua giáo viên, đúng như yêu cầu của xã hội.

Vì sao giáo viên lại được trọng vọng?
Bởi hoàn thành công việc rất tốt nên giáo viên được trọng vọng. Xã hội bắt mọi người phải tâng bốc giáo viên, phải trọng vọng giáo viên bởi vì nếu không các giáo viên sẽ không chịu làm việc này nữa. Đó là lý do người ta nói giáo viên là đáng kính, và lời khuyên của ông ấy phải được nghe. Tại sao? – Bởi vì xã hội muốn truyền lại toàn bộ mẫu hình niềm tin cho những đứa trẻ – thông qua giáo viên.

Bàn về một nền giáo dục đúng nghĩa

Giáo dục đúng nghĩa phải là những hoạt động giúp phát triển, giúp sáng tạo, giúp người ta hướng đến tương lai.
Nhưng toàn thể giáo dục của chúng ta hiện tại chỉ là hướng vào quá khứ. Hết thảy học thuyểt, ý tưởng và lý tưởng của chúng ta được tạo dựng từ quá khứ. Quá khứ là cái đã chết và ra đi rồi. Chúng ta đang cố gắng áp đặt những thứ hàng ngàn năm tuổi lên trí óc của những đứa trẻ tinh khôi.
Giáo viên được làm tin rằng anh ta là người truyền bá tri thức. Anh ta chẳng phải người truyền bá tri thức, anh ta là kẻ bảo quản và duy trì hiện trạng của tri thức đã được phát triển trong quá khứ, và anh ta là chướng ngại cho tri thức có thể phát triển trong tương lai. Kết quả là, chúng ta tiếp tục làm rất nhiều kiểu điều ngu xuẩn như đã và đang làm với cuộc sống này, với hành tinh này.

Sự cần thiết của những giáo viên nổi dậy

Theo tôi, một người có thể trở thành người thầy đúng nghĩa chỉ khi ông ta có trong mình ngọn lửa mãnh liệt của sự nổi dậy.
Giáo viên không có ngọn lửa của nổi dậy bên trong sẽ trở thành đại diện của một số đường lối, một số lợi ích – có thể của xã hội, có thể của tôn giáo, hay có thể của chính trị. Mọi giáo viên phải có ngọn lửa nổi dậy mãnh liệt, phải có những suy nghĩ riêng và phải biết tham chiếu lẫn phản chiếu.
Nhưng các giáo viên hiện nay đã có ngọn lửa của suy nghĩ độc lập hay chưa? Dường như chưa hề, giáo viên hiện nay hầu hết chỉ là những con vẹt và bắt học trò cũng trở thành những con vẹt. Nếu các giáo viên không có một chút nào tư duy mới mẻ và khả năng khuyến khích tư duy mới mẻ thì về bản chất, họ có khác gì hơn những người trông trẻ?

Sự ngớ ngẩn của giáo dục hiện hành

Trẻ em trên khắp thế giới được dạy rằng chúng phải yêu thương lẫn nhau. Nhưng toàn thể cấu trúc giáo dục lại được xây dựng không dựa trên yêu thương mà dựa trên cạnh tranh? Giáo dục được cho là dạy yêu thương, nhưng toàn bộ sắp xếp là để dạy cạnh tranh. Nơi có cạnh tranh thì không thể có yêu thương. Cạnh tranh là một dạng của đố kỵ, một kiểu kích động mãnh liệt, ghen tỵ. Rốt cuộc giáo dục đang dạy người ta cái gì vậy?

Khi một đứa trẻ đứng nhất lớp, những đứa trẻ khác được bảo rằng chúng kém cỏi, ngu dốt. Bạn đang dạy chúng sự tâng bốc, sự cạnh tranh và phải làm mọi cách để vượt lên trước. Bạn đang dạy về bản ngã, bảo chúng rằng người nào đứng nhất thì cao hơn, và người ở phía sau thì thấp hơn.
Trong những cuốn sách, bạn bảo chúng khiêm nhường và yêu thương, trong khi toàn bộ sắp xếp của bạn lại dạy chúng căm ghét, đố kỵ và cố làm sao để đứng nhất. Đứa nào đứng thứ nhất thì được thưởng huy chương vàng và bằng khen chứng nhận; Nó được đội vòng hoa và chụp hình, và những đứa khác, những đứa đứng sau, bị xúc phạm bởi cả hệ thống, từ trường học, gia đình cho đến bạn bè…

Kể cả khi đứa trẻ đứng nhất hay đứng chót thì bạn cũng chỉ luôn đang dạy chúng về bản ngã, bạn dạy về sự ghen tỵ và cạnh tranh như thế, làm sao chúng có thể yêu thương được? Yêu thương là cho phép những người mình yêu quý đi trước. Tình yêu luôn có nghĩa rằng luôn ở sau cùng còn cạnh tranh thì luôn có nghĩa là phải làm mọi cách để đứng nhất. Hãy nhìn lại đi, làm sao người ta có thể vừa cạnh tranh vừa yêu thương? Rốt cục yêu thương quan trọng hay cạnh tranh mới là quan trọng? Nếu yêu thương là quan trọng làm ơn đừng bắt chúng phải cạnh tranh. Nếu cạnh tranh là quan trọng thì hãy ném vào thùng rác mọi câu nói đạo đức giả về tình yêu thương. Chỉ chọn một thôi.
Đối với thế giới được tạo nên từ nền giáo dục cạnh tranh như thế này thì giáo viên phải chịu trách nhiệm. Ông ta đã trở thành công cụ để lợi dụng. Dưới danh nghĩa mang giáo dục tới trẻ em, giáo viên đã trở thành công cụ trong tay những người luôn chiếm hữu những quyền lợi bất di bất dịch.

Nếu đây là giáo dục, thì tốt hơn là ngừng việc giáo dục hoàn toàn. Có lẽ theo cách đó một con người sẽ còn tốt hơn. Một người vô giáo dục sống trong khu rừng sẽ là người tốt hơn bởi vì anh ta có nhiều yêu thương hơn và ít tranh giành hơn, nhiều trái tim hơn và ít tâm trí hơn.

Chúng ta gọi điều này là giáo dục! Chúng ta dạy trẻ em ngay điều mâu thuẫn lại với điều chúng ta mong đợi chúng làm; toàn thể cấu trúc của chúng ta dạy những điều mâu thuẫn.

Chúng ta dạy cái gì? Chúng ta dạy cảm thông và khoan dung. Nhưng làm sao tâm trí cạnh tranh có thể độ lượng và cảm thông? Nếu có cảm thông trong tâm trí người cạnh tranh, làm sao người đó có thể cạnh tranh được? Tâm trí cạnh tranh sẽ luôn luôn khắc nghiệt, bạo lực và không độ lượng – mọi người buộc phải thế. Theo cách này, những xưởng máy giáo dục đang gia tăng. Chúng ta gọi chúng là trường học và đại học. Đấy chỉ là dối trá.

Chúng ta dạy trẻ em không tham và sợ; nhưng chúng ta thực sự đang làm gì với chúng? – chúng ta đang dạy chúng tham lam và sợ hãi mọi lúc, bắt đầu bằng việc tham những con điểm tốt và sợ những lỗi lầm.

Hàng nghìn năm người ta dùng hình ảnh địa ngục và cõi trời để làm cho con người sợ hãi và tham lam. Sợ vào cõi ngục và tham vào nước trời. Hãy nhớ, bất kì chỗ nào có thưởng và phạt đều sẽ có tham và sợ. Và giáo dục của chúng ta không gì khác hơn ngoài việc đang dạy người ta tham và sợ. Nếu chúng mắc lỗi, chúng sẽ bị phạt bằng nghìn cách và đó là lý do mọi người đều sợ mắc lỗi đến nỗi người ta thậm chí không dám hành động bất cứ gì họ muốn, chỉ vì sợ sai. Và chuyện về thưởng, nếu chúng nghe lời chúng sẽ được thưởng cho cả đống biểu tượng, đôi khi là huy chương, đôi khi là danh tiếng, chức vụ, địa vị trong xã hội… Toàn bộ giáo dục này chỉ nói về thưởng và phạt, thưởng và phạt là hình ảnh đại diện cho những nỗi sợ. Nên toàn bộ giáo dục này chỉ được dùng để lan truyền nỗi sợ. Tiêu biểu nhất, sợ không thành công!
“Nếu thành công em sẽ có tất cả”. Chúng ta tạo những cám dỗ như thế trong tâm trí trẻ em. Chúng ta đã bao giờ dạy chúng sống cuộc sống của bình an và vui sướng? Không, chúng ta đã dạy chúng sống cuộc sống bằng cách vươn lên những vị trí cao hơn. Chúng ta đã dạy chúng cách kiếm nhiều tiền hơn và có quần áo tốt hơn. Chúng ta đã dạy chúng ngày một tham lam hơn, bởi vì điều đó được gọi là thành công.

Trong hệ thống giáo dục này không có chỗ cho những người không thành công. Chúng ta đang tạo ra cơn sốt thành công, và do vậy điều tự nhiên duy nhất là người muốn thành công trên thế giới sẽ làm mọi điều người đó có thể làm để thành công, kể cả bằng những cách làm sai trái.

Chúng ta đã biến thành công thành trung tâm cuộc sống; và hệ lụy cùng với nó là những dối trá tăng lên, chúng ta đều trở nên rất không hạnh phúc. Chừng nào thành công còn là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá, dối trá, không trung thực và trộm cắp sẽ luôn còn đó. Chúng ta cứ kêu khóc rằng sự dối trá đang tăng lên. Nó nhất định tăng, bởi vì đó là quả của tất cả những gì chúng ta dạy suốt năm ngàn năm qua.
Thành công không có giá trị nào cả. Con người không cần thành công nhưng con người cần phải hoàn thành đời sống của mình theo cách đẹp đẽ tươi vui hạnh phúc nhất. Kính trọng nên được trao cho các hành vi tốt, không nên trao cho thành công. Kính trọng nên được trao cho những người hạnh phúc nhất, bình an nhất, không phải cho những người thành công nhất.

Nhưng thành công đã trở thành giá trị và toàn thể cuộc sống xoay quanh trung tâm đó.

Người hạnh phúc là người thành công, không phải chiều ngược lại.

Một sai lầm đặc biệt khác của giáo dục, là làm đại trà hóa, biến những thứ độc đáo riêng biệt thành những thứ phổ thông giống nhau như những món hàng, biến con người thành những con robot và đặc biệt là tạo ra một khuôn mẫu xấu xí và cứ nhét mọi người vào cái khuôn đó cho bằng được.

Đá nhỏ thì nhỏ, và đá lớn thì lớn. Có thực vật nhỏ và thực vật lớn. Nhành cỏ là nhành cỏ và hoa hồng là hoa hồng. Tự nhiên hài lòng với cả sự nhỏ bé của nhành cỏ lẫn sự đẹp đẽ của hoa hồng. Nhành cỏ hạnh phúc hệt như hoa hồng hạnh phúc. Bạn còn nhớ câu chuyện về loài hoa ghen tị với loài hoa khác? Thật vớ vẩn, điều đó ám chỉ đúng tâm trí của con người. Chẳng loài hoa nào muốn trở thành loài hoa khác cả, chúng không điên, chúng không ngu – như con người.

Giáo dục đã làm gì với sự độc đáo của mỗi người? Giáo dục so sánh. Hãy nhớ rằng chừng nào chúng ta còn tiếp tục so sánh người này với người khác chúng ta bao giờ cũng sẽ vẫn còn trên đường sai. Đường sai đó là ở chỗ chúng ta tạo ra ham muốn trong con người để giống ai đó khác; và sự kiện là ở chỗ không ai đã từng hay có thể giống bất kỳ người nào khác. Trong cả cuộc đời, bạn có thấy ai đích xác giống y hệt người khác chưa? Trong toàn thể thế giới thậm chí chẳng thể tìm được hòn sỏi nào bằng hòn khác. Ở đây mọi thứ là duy nhất và vô song.

Bạn biết tại sao Thượng đế vĩ đại không? Vì Ngài ấy có thể tạo ra mọi thứ mà không một thứ gì bị trùng lặp cả, không có hai bông hoa giống nhau hoàn toàn cũng như không có hai giọt nước giống nhau hoàn toòa, chưa kể tới những con người… Ấy vậy mà chúng ta lại không tôn trọng Thượng đế một chút nào, chúng ta hủy hoại tính duy nhất mà Thượng đế đã cố công gầy dựng bằng cách tạo ra những khuôn mẫu và nhồi mọi người vào thông qua hành động “giáo dục – đào tạo” đầy hoa mỹ.

Khi mà chúng ta không kính trọng tính duy nhất của mọi cá nhân thì dĩ nhiên tính ganh đua, cạnh tranh, sát hại và bạo hành sẽ vẫn còn. Mọi người cứ phải gồng lên để cho giống một ai đó khác.
Hãy tưởng tượng nếu thiên nhiên cũng làm như vậy: Nếu các loài hoa đều cố gắng trở thành hoa hồng và mọi loài vật đều cố gắng trở thành sư tử?

Nếu các loài hoa được đến trường nghe giáo viên giáo dục chúng nhất định sẽ đều nghĩ mình phải trở thành hoa hồng.
Nếu các loài vật đều phải đi học và nghe giảng thì hẳn chúng nhất định đều muốn mình trở thành loài sư tử – chúa sơn lâm.
Và thế giới sẽ chỉ toàn hoa hồng và sư tử sao? Ai có thể sống trong thế giới đó? Ai muốn sống trong thế giới đó? Đó quả là một thế giới nhàm chán vô cùng tận.

Đây là bất hạnh lớn lao cho con người. Bất hạnh hay nguyền rủa lớn lao nhất dành cho con người là anh ta đang khao khát trở thành giống như người khác.

Ai đang dạy cái này? Ai đã thiết lập âm mưu này? Chính là nền giáo dục hàng ngàn năm của chúng ta chịu trách nhiệm. Bạn có tin vào Thượng đế không? Nếu có thì bạn có nghĩ Thượng Đế đã mắc lỗi khi tạo ra bạn chăng? Nếu Thượng Đế đủ khôn ngoan, ông ấy đã có thể chỉ tạo ra mười hay mười lăm loại người cố định như Rama hay Phật, hay Jesus, hay nếu ông ấy khôn ngoan hơn nữa – thì ông ấy đã có thể chỉ tạo ra một kiểu người đơn nhất. Sao phải tạo ra hàng trăm hàng ngàn triệu loại người khác nhau để chúng phải cố tìm cách trở thành một loại duy nhất?
Vậy nếu thế giới chỉ có một loại người duy nhất thì sẽ ra sao? Mọi người hẳn sẽ đi tự tử cho rồi khi nhìn xung quanh chỉ toàn Rama và Rama. Cuộc sống sẽ quá buồn tẻ, nhìn thấy Rama khắp mọi nơi, thế thì sẽ chết mất. Nếu tất cả bụi cây chỉ mọc lên hoa hồng thế thì hoa hồng sẽ chẳng có gì đáng để nhìn – không cần ngắm chúng chút nào, chúng vô dụng.

Không phải là không có ý nghĩa gì trong việc mọi người đều có tính cá nhân riêng của mình. Đấy là điều lớn lao đáng để tự hào rằng bạn thì khác với người khác. Bạn không cần được ai định giá như món hàng, so sánh như món đồ. Không cần. Mọi sự định giá là sai cả. Nhưng chúng ta đã luôn dạy những điều sai này trong hàng ngàn năm qua. Nó sẽ còn tiếp tục đến bao giờ nữa nếu không ai nghĩ cách thay đổi nó?

Kỷ luật áp đặt chỉ tạo ra những con robot

Các cuộc họp giáo viên được tổ chức và điều được phàn nàn nhiều nhất là học sinh không có kỷ luật, và rồi một cách tự nhiên họ thảo luận kĩ càng về cách đưa học sinh vào kỷ luật. Thôi mà, hãy từ bi chút xíu đi; hãy để cho học sinh được vô kỷ luật hoàn toàn đi – bởi vì chúng ta biết kết quả của kỷ luật bị áp đặt trong năm nghìn năm rồi. Học sinh đã ở dưới kỷ luật trong hàng nghìn năm rồi, và điều gì đã xảy ra? Một thế giới vô trật tự và ngu ngốc nhất được tạo ra chỉ bởi mọi người muốn nhồi người khác vào kỉ luật.

Nghĩa của dạy kỷ luật là gì? Nó có nghĩa là bất kỳ cái gì giáo viên nói cũng đều phải được coi là đúng. Nó có nghĩa là nếu giáo viên ngồi trên bục, học sinh phải ngồi thấp hơn; và khi bạn gặp giáo viên bạn phải chào ông ấy bằng tay chắp lại. Không nghi ngờ ngay cả điều giáo viên nói không có vẻ đúng. Bạn chỉ cần đi theo mọi hướng ông ấy bảo. Nếu ông ấy bảo bạn ngồi, thì ngồi; nếu ông ấy bảo bạn đứng, hãy đứng. Đến giờ đây là kiểu kỷ luật. Nhưng đấy là mưu đồ để giết chết tính người, để làm cho không ý thức, không nhận biết và không trí huệ nào còn lại trong người đó.
Người ta làm gì trong huấn luyện quân đội? Họ bắt lính mới thực hiện các bài tập trong ba hay bốn năm. Mọi loại điều ngu xuẩn được dạy: quay phải và quay trái. Để cho họ cứ làm như được ra lệnh và trí thông minh của họ bị phá huỷ. Điều gì sẽ xảy ra bởi việc bảo một người quay phải hay quay trái? Tâm trí người đó có thể còn không bị ảnh hưởng được bao lâu? Nếu người đó từ chối quay phải hay trái, bạn phạt người đó. Trong vòng vài ngày thông minh của người đó sẽ bị phá huỷ và phẩm chất người của người đó cũng sẽ chết. Nếu bạn bảo người đó quay phải, người đó quay như cái máy. Nếu bạn bảo người đó giết ai đó, người đó giết. Người đó đã thôi là một người, người đó đã trở thành một cái máy. Điều này được gọi là kỷ luật sao? Và chúng ta mong rằng sẽ phải có kỷ luật này trong trẻ em nữa sao? Biến trẻ em thành cái máy, thành robot là nghĩa của kỉ luật là gì. Giáo dục hiện nay không gì khác hơn là đưa người ta vào kỉ luật một cách từ từ, nghĩa là biến người ta thành máy móc một cách từ từ, chậm rãi.

Kỉ luật nên được sinh ra từ trí thông minh và nhận thức, chứ không phải vì bị áp đặt. Đứa trẻ nên tự biết xả rác là xấu, là ảnh hưởng môi trường chung chứ không phải chỉ được dạy phải giữ sạch sẽ nhà mình, nếu chỉ là sự ép buộc chúng có thể xả rác qua nhà hàng xóm nữa. Nhưng nếu kỉ luật đến từ nhận thức và trí thông minh thì bọn chúng không chỉ không xả rác của mình mà còn có thể đi dọn rác của những người khác xả ra nữa. Đấy mới đúng khi nói về kỉ luật – nó phải là thứ người ta tự nhận thức, từ tâm trí, từ trái tim và linh hồn của đứa trẻ. Không phải từ thưởng-phạt như cách giáo dục đang làm.

Hãy đánh thức tư duy và thông minh của đứa trẻ, thay vì làm mất chúng thông qua những hình phạt kỉ luật.
Thế giới này sẽ tốt hơn nhiều nếu không ai cố đặt kỷ luật lên người khác. Hãy để cho tình yêu – tình yêu là hướng dẫn của bạn. Sống cuộc sống đầy tình yêu đi, đừng đầy máy móc.
Sự thật không ai chịu hiểu rằng đứa trẻ càng thông minh, càng sống động thì càng vô kỉ luật, càng không muốn và không để ai áp đặt mức kỉ luật nào cho mình. Đứa trẻ càng ngu si đần độn thì lại càng biết nghe lời, bởi chúng không có khả năng để mà suy nghĩ.

Nếu mọi thanh niên đều có kỉ luật thông qua ý thức riêng của họ, liệu bạn có thể nói ai đó đi tới chiến trường và giết người đi? Họ sẽ từ chối, họ sẽ nói không, họ sẽ nói các người im đi, đừng nói những điều ngu ngốc nữa. Chỉ những kẻ đủ ngu mới đi nghe lời người khác để giết người. Và hiện tại, họ được gọi là người lính, họ cũng được tôn vinh vì lẽ tất nhiên, họ phục vụ xã hội, phục vụ chính quyền.
Những người lính sẽ giết người ngay nếu được yêu cầu bởi lẽ thông minh của họ đã bị bẻ gãy ngay từ khi bị bắt phải quay phải quay trái một cách vô nghĩa thường xuyên. Đối với họ suy nghĩ là vớ vẩn, chỉ có lệnh và kỉ luật là chân lý.

Tại sao các chính khách và tu sĩ đã giảng dạy về kỷ luật trên thế giới? Bởi vì những nhà cầm quyền này không muốn người ta có chút thông minh nào, họ không muốn ai có khả năng nổi dậy và càng không muốn ai có sức mạnh suy nghĩ. Mọi thứ thật dễ dàng nếu mọi người trên đời đều là những nô lệ, những người lính và toàn thể thế giới này không khác gì một trại quân sự khổng lồ. Qua nhiều nhiều cách thức, trong đó có giáo dục, họ cố gắng để chắc chắn không ai tạo ra rắc rối nào cả.

Nếu giáo viên có tính nổi dậy, và nếu cái nhìn cuộc sống của ông ta thận trọng và khôn ngoan, ông ta có ích cho xã hội. Ông ta có thể giúp ích trong việc tạo ra các xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong tương lai. Nếu ông ta không vậy, ông ta sẽ chỉ trút đầy tâm trí của trẻ em mới bằng rác rưởi cũ. Ông ấy đã làm điều này trong thời gian lâu dài. Cần phải có cách mạng, cách mạng lớn, ở đó các cấu trúc giáo dục cũ bị phá huỷ và cấu trúc mới với những giá trị mới được tạo ra. Trong cấu trúc mới đó sẽ không đề cao việc thành công hay đứng đầu đứng cuối, trong cấu trúc mới đó sẽ không còn so sánh người này với người khác. Trong cấu trúc đó sẽ chỉ có tình yêu và dạy người ta cách nỗ lực để phát triển bản thân thông qua tình yêu. Trong cấu trúc đó sẽ khuyến khích người ta nghĩ cách để tạo ra, để phát triển một thế giới mới đầy diệu kỳ và tràn đầy hương thơm tuyệt đối của tự do, an lạc và hạnh phúc.
Tôi không nói rằng bất kỳ điều gì tôi đã nói cũng đều đúng và là chân lý, bởi vì đó là điều giáo dục cũ đã luôn khẳng định. Tôi chỉ truyền đạt cho bạn quan điểm của tôi. Nó có thể sai, có thể không có lấy một giọt chân lý trong nó, và do vậy tôi không khăng khăng đòi sự đồng ý của bạn với tôi hay tin vào tôi. Tôi chỉ đòi hỏi bạn nghĩ về các vấn đề này. Nghĩ đi, và nếu bạn tìm ra bất kỳ cái gi là đúng trong điều tôi đã nói, nó sẽ không còn là của tôi nữa, nó sẽ là kết quả của suy nghĩ của bạn. Bạn sẽ không trở thành tín đồ của tôi; bạn sẽ tìm ra nó từ trí huệ riêng của bạn và nó sẽ là của bạn.

Xin nghĩ về đôi điều này. Hiện thời thế giới cần nhiều cú thúc để cho nó được đánh thức, để cho cái gì đó được sinh ra. Chúng ta gần như ngủ say như chết. Và mọi thứ cứ trôi qua bên cạnh. Tôi hy vọng bạn sẽ nhận được những cú choáng từ nhiều hướng, để cho bạn mở mắt ra và bắt đầu nghĩ.
Trách nhiệm lớn lao nhất của các giáo viên là cứu bản thân họ khỏi sự kiếm soát của chính trị, các chính khách, cứu bản thân họ khỏi những kẻ quyền lực và độc tài. Trách nhiệm của các giáo viên là hãy nghĩ cách để thay đổi, để không còn cạnh tranh nào giữa những đứa trẻ. Giúp bọn trẻ phát triển tình yêu thương và tìm được niềm vui vẻ trong cuộc đời, không cạnh tranh và ganh đua, không cần thành công theo bất cứ mong muốn nào của bất cứ ai cả.
Cầu mong Thượng đế giúp cho bạn có trí huệ này, có tâm linh nổi dậy này.
Tôi đầy lòng biết ơn vì các bạn đã lắng nghe tôi trong yên lặng.
Tôi xin chào thiêng liêng ngụ trong bạn.
Xin chấp nhận lời chào của tôi.

Phi Tuyết viết lại, có thêm bớt theo bản dịch của Lê Xuân Khoa từ cuốn Osho – cách mạng trong giáo dục. Có thể tìm đọc thêm trong link:
http://demento.vn/osho-cach-mang-trong-giao-duc.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *