Nghề cao quý

Ai tự nhận mình là cao quý thì chẳng còn cao quý nữa – góc nhìn cá nhân, bạn không nhất thiết phải đồng tình.

Tại sao nghề giáo lại được cho rằng là nghề cao quý? Vì nó giáo dục người ta thành người tốt sao? Bằng chứng nào cho thấy các kiến thức về địa lý, lịch sử, hóa học, toán học, sinh học… có thể biến người ta thành người tốt?
Tôi tin một người tốt hay không là do cách anh ta tự học trong cuộc đời thông qua các sự kiện, biến cố và trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống, chẳng có liên quan gì tới giáo viên và trường học cả.
Sáng nay tôi tập yoga cạnh một trường tiểu học nên nghe những câu phát biểu sáo rỗng như mọi năm của mấy giáo viên trường ấy như là: các thầy cô đã hi sinh cả đời mình vì sự nghiệp cao quý… Thế nào là hi sinh cả đời? Họ cũng chỉ là đi làm công, nhận lương thì cố gắng làm tốt công việc của họ thôi. Ngành nghề nào mà chẳng như thế? Suy về bản chất thì nghề nào cũng có một chức năng nhất định trong xã hội và mọi chức năng đều cần thiết cả.
Nếu cho rằng nghề giáo là nghề cao quý nhất vậy hóa ra những ngành nghề khác thì không cao quý sao? Nghề bác sĩ, nghề công nhân, nghề nông dân, nghề lao công là thấp hèn à? Đối với tôi nghề nông dân còn cần thiết và quan trọng hơn cả nghề giáo ấy chứ. Hay thậm chí nghề hút hầm cầu cũng cao quý không kém. Không tin cứ thử để bồn cầu nhà bạn ngập ngụa ách tắc vài ngày xem bạn thấy ngành nào cao quý hơn, cần thiết hơn?
Tôi chẳng ưa người Nhật cho lắm nhưng tôi thích quan điểm của họ về chuyện này rằng nghề giáo cũng chỉ là một nghề, như mọi nghề, không hơn không kém. Đừng quá tô hồng nó, đánh bóng nó như là thứ “cao quý” nhất. Cuộc sống này chẳng cái gì cao quý hơn cái gì, mọi thứ đều cao quý như nhau và những người làm nghề giáo nên là những người đầu tiên cần thấm nhuần tư tưởng này mới phải.
Mới vài hôm trước tôi đọc một bài tâm sự của một giáo viên trên vnexpress, anh ta nói rằng “Đừng nói nghề giáo là cao quý nữa khi mà giáo viên không kiếm đủ cái ăn cái mặc, không lo được cho gia đình mình. Đến sinh nhai còn không xong, thì cao quý để làm gì?” Và tôi cũng đồng ý với anh ta. Xã hội đừng bắt học sinh phải tôn vinh giáo viên nữa mà thay vào đó hãy cải thiện môi trường giáo dục sao cho người giáo viên có thể sống no đủ tận tâm với nghề, người học sinh học được nhiều thứ từ trường học hơn là chỉ kiến thức địa lý toán học… Tạo điều kiện để cho học sinh yêu việc học và giáo viên yêu việc dạy, thế là đủ. Ai cần bận tâm ngày nhà giáo làm gì?
Tôi cũng đồng ý cách giải thích của O. về việc tại sao xã hội lại tôn vinh nghề giáo, vì họ là những người giúp đào tạo cho xã hội những con robot biết vâng lời, đào tạo ra thế hệ nô lệ lao động phục vụ cho xã hội nên xã hội tìm mọi cách tôn vinh họ cũng là điều tất nhiên.
Uầy, dù cho tôi nói những lời không hợp ý bạn nhưng xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi vẫn tôn trọng các giáo viên chứ, nhưng cũng chỉ bằng sự tôn trọng tôi dành cho một người nông dân hay bất cứ người lao công nào. Vì với tôi, sự cao quý không nằm ở việc người đó làm nghề gì, mà là bản chất con người ai cũng cao quý như nhau. Không có ngành nghề cao quý, chỉ có những con người cao quý. Nếu muốn tôi tôn vinh ngày giáo viên thì hãy tạo ra các ngày lao công, ngày nông dân, ngày công nhân, ngày thợ điện… nữa thì mới công bằng. Còn không thì bỏ hết luôn!

Vậy nếu tôi tuyên bố tôi trân trọng giáo viên bằng trân trọng một người lao công, thì cho hỏi các vị giáo viên ở đây, các bạn có cảm thấy bị xúc phạm không? Nếu không thì thật tốt, tôi tin bạn chẳng cần ngày nhà giáo để tôn vinh chính mình làm gì. Còn nếu bạn có cảm thấy bị xúc phạm thì… Tôi cũng không còn gì để nói!

Nhìn một góc khác, giáo viên tự thấy công việc của họ thật khổ cực, quản một vài đứa con đã mệt thử hình dung bạn phải quản vài chục đứa đang tuổi quậy phá xem coi đó có phải là việc dễ dàng. Chưa kể người giáo viên họ còn phải làm “tăng ca” rất rất nhiều: soạn giáo án, ra đề thi, chấm bài thi, bài kiểm tra… Cả một đống công việc mệt mỏi như thế mà tất cả những gì họ được nhận chỉ là vài đồng lương còm cõi không đủ nuôi sống bản thân, đừng nói tới gia đình. Thế thì tất nhiên họ sẽ cho rằng đó là nghề cao quý. Cao quý ở đây nghĩa là rất cực khổ nhưng không đủ ăn. Thế là thành ra sự hi sinh, thành ra cao quý.
Theo tôi, thay vì tự an ủi mình đây là nghề cao quý, công đoàn giáo viên hãy cùng nhau đứng lên làm một cái gì đó, như là cùng nhau kiến nghị lên bộ giáo dục, lên nhà nước không chỉ về chuyện lương bổng, mà về thực trạng ngành giáo dục, về sự lỗi thời và lạc hậu của giáo dục, sự rập khuôn của giáo dục… Đấy hãy cùng nhau làm điều đấy. Mang lại sinh khí thật sự cho công việc giáo dục, mang đến sự hứng thú, kiến thức cuộc sống đa dạng cho học sinh. Giúp chúng trở nên trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn, tự lập hơn, sáng tạo hơn về cuộc sống chứ không phải chỉ là đạt điểm số cao hơn trong các kì thi. Hãy yêu thương học sinh và dạy dỗ chúng như con cái trong nhà chứ không phải như một gánh nặng về trách nhiệm hay công việc mưu sinh. Giáo viên nếu như họ có thể thay đổi bản thân mình trước thì học sinh cũng sẽ được thay đổi và rồi tương lai đất nước này cũng sẽ được thay đổi. Lúc ấy, tôi sẵn sàng thừa nhận nghành giáo là ngành cao quý.
Còn bây giờ à, đến mở miệng nói ra cái xấu của ngành giáo dục, của thực trạng đất nước hay đến việc dạy học sinh những kiến thức thực sự về cuộc sống, về chính trị đất nước, lịch sử thật sự của đất nước cũng không dám vì sợ mất việc, mất biên chế… thì lấy gì để mà dạy học sinh nên người? lấy gì để mà tự hào là ngành cao quý?

Tất nhiên bài viết trên không vơ đũa cả nắm, ai thấy nó không đúng với bản thân mình hay với những gì mình biết, thì xin cứ coi như bài này không nói về mình, là xong!

Nhân ngày 20/11 chúc tất cả mọi người trên thế gian này một ngày tươi vui và hạnh phúc, kể cả các bạn đang là giáo viên!

Bonus thêm quan điểm về một ngành giáo dục thật sự, câu hỏi dành cho mọi người “thứ chúng ta đang gọi là giáo dục, có thật sự là giáo dục hay chưa?”

“Giáo dục là một cây cầu giữa khả năng và thực tế. Giáo dục là để giúp bạn trở thành điều đó cái mà bạn chỉ ở trong một dạng hạt mầm. Và cái điều đang được làm trong các trường học bình thường và các cao đẳng và các đại học không là giáo dục. Nó chỉ chuẩn bị cho bạn có một công việc tốt, một việc kiếm sống tốt; nó không là giáo dục thực. Nó không cho bạn cuộc sống. Có lẽ nó có thể cho bạn một mức sống tốt hơn, nhưng mức sống tốt hơn không phải là tiêu mức tốt hơn của cuộc sống; chúng là không đồng nghĩa.
Nền giáo dục này đã thịnh hành trong quá khứ là rất không đầy đủ, không hoàn thiện, hời hợt. Nó chỉ tạo ra những người có thể kiếm sống, nhưng nó không mang lại bất cứ cái nhìn sâu sắc vào chính bản thân cuộc sống. Nó dạy bạn cạnh tranh, nó làm cho bạn tham vọng. Nó không là gì mà là việc chuẩn bị cho một kẻ giết người, thế giới cạnh tranh nơi mọi người đều là kẻ thù của mọi người khác.
Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn cạnh tranh; nó sẽ dạy bạn hợp tác. Nó sẽ không dạy bạn tranh đấu và đi tới thứ nhất. Nó sẽ dạy bạn sáng tạo, đáng yêu, phúc lạc, không có bất kì so sánh nào với người khác. Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn cố gắng trở thành ngườ đứng nhất nhưng nó sẽ bảo bạn tận hưởng bất kì cái gì bạn đang làm, không vì kết quả, mà vì bản thân hành động.
Nền giáo dục cạnh tranh tạo ra những người không biết yêu thương. Toàn bộ nỗ lực là để trở thành người thành đạt – có tên tuổi, nổi tiếng, và tất cả các loại tham vọng. Rõ ràng là họ phải đấu tranh và giành giật cho chính họ. Điều đó phá hủy niềm vui và sự thân thiện của họ. Có vẻ như tất cả mọi người đều đang chiến đấu chống lại cả thế giới.
Chính vì vậy thế giới đã trở thành một nhà thương điên. Tình yêu không thể xảy ra. Làm sao tình yêu có thể xảy ra trong một thế giới bạo lực, tham vọng, cạnh tranh như vậy?
Giáo dục đúng nên chuẩn bị cho bạn để là bản thân bạn, để bạn không là một kẻ bắt chước.
Từ “education-giáo dục” có hai nghĩa, cả hai đều đẹp.
Một nghĩa được biết rất rõ ràng là: để kéo cái gì đó từ bạn ra, kéo cái khả năng của bạn ra bên ngoài. Nhưng thực tế hiện tại giáo dục lại chỉ là rót vào, nhồi vào bên trong bạn bao nhiêu thứ rác ruởi. Bạn trở thành con vẹt. Bạn đã được xem như chiếc máy tính; chỉ như họ nạp dữ liệu vào máy tính, họ nạp vào bạn. Các cơ quan giáo dục của bạn là những nơi mà ở đó nhiều thứ được nhồi vào trong đầu bạn. Giáo dục thực sẽ phải mang ra ngoài cái ẩn dấu bên trong bạn – cái mà Thượng đế đã đặt vào trong bạn như một kho báu – để khám phá nó, để biểu lộ nó, để làm cho bạn tỏa sáng.
Và một nghĩa khác của từ này, nó thậm chí sâu xa hơn: “education-giáo dục” đến từ từ “educare”; nó ngụ ý dẫn bạn từ bóng tối ra ánh sáng. Một nghĩa cực kỳ quan trọng: để dẫn dắt bạn từ bóng tối ra ánh sáng”.
OSHO

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *