Phật có Niết bàn, Chúa có Thiên đường còn chúng ta có gì?

Khuyến cáo: Bài viết này không dành cho những người thủ cựu

1. Đạo Phật là đạo của người Giàu (xét trên khía cạnh nguồn gốc ra đời) vì bản thân Phật là một hoàng tử, Ngài ấy có tất cả và Ngài ấy thấy sự vô nghĩa của vật chất, danh vọng, quyền lực… nên đã buông bỏ và cũng dạy người ta buông bỏ tất cả để được hạnh phúc.
Đạo Chúa là đạo của người Nghèo, vì bản thân Chúa Jesus sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở một vùng đất nghèo khó. Ngài cảm thông với những con người nghèo khổ, chúc lành và khuyến khích họ đi tìm một kho báu tốt đẹp là cuộc sống đời sau.

2. Phương Tây ngày xưa là vùng đất nghèo khổ trong khi phương Đông rất giàu có nên mỗi nơi sinh ra một tôn giáo phù hợp với điều kiện của nơi đó.
Theo thời gian, phương Tây trở nên giàu có vì mỗi người đều tích cực đi tìm và tích cóp kho báu trong khi phương Đông thì ngược lại, người ta nghèo dần đi vì cứ buông bỏ mọi thứ, kể cả trong khi mình chẳng có gì, người ta tránh xa việc làm giàu và phát triển vì theo giáo lý nhà Phật những thứ đó chẳng quan trọng gì.

3. Đến một ngày, như ngày nay, khi phương Tây đã giàu có và thịnh vượng, họ bắt đầu tìm thấy sự tương đồng nơi đạo Phật – đạo của nhà giàu, họ bắt đầu buông bỏ mọi thứ, vật chất, danh vọng… để tìm về với phương Đông, họ bắt đầu yêu thích đạo Phật và triết lý của nhà Phật.
Ngược lại, khi phương Đông trở nên nghèo khổ thì những người phương Đông lại tìm thấy sự tương đồng nơi đạo Công giáo – đạo của những người nghèo, họ an ủi bản thân rằng mình nghèo đời này thì sẽ được chúc phúc và giàu có đời sau.

4. Vấn đề của đạo Phật là nó dạy người ta buông bỏ tất cả nhưng lại quên rằng không phải ai sinh ra cũng đã là Hoàng tử như Phật để có tất cả mà buông bỏ. Người ta mắc kẹt trong việc không biết nên tin theo thực tế hay lý thuyết nhà Phật: nên tìm kiếm những tiện nghi vật chất cuộc sống này hay bỏ tất cả những gì mình đang có để theo con đường Phật. Miệng người ta nói buông bỏ nhưng tay người ta lại cứ cố gom mọi thứ về mình. Chính điều đó làm cho làm cho chẳng mấy ai đi con đường Phật mà được trở thành như Phật. Phật thì buông còn họ thì cố gom mọi thứ, bởi một lẽ đơn giản, người ta không thể buông khi người ta chẳng có gì để buông cả.

5. Vấn đề của đạo Công giáo là nó khuyên người ta đi tìm kho báu cho đời sau nhưng lại cũng dạy người ta xem thường những gì là kho báu của đời này. Tín đồ Công giáo thi nhau tìm kiếm kho báu, tích cóp kho báu nhưng cũng chính họ lại chịu sự mâu thuẫn khi được dạy kho báu không phải là tiền bạc vât chất đời này. Họ được dạy đi tìm kho báu nhưng cũng song song phải từ bỏ kho báu. Họ được dạy không được tham lam đời này nhưng lại khao khát tìm được kho báu vô giá cho đời sau. Đấy không phải tham lam thì là gì? Quả là một mâu thuẫn lớn khi người ta cố đi tìm kho báu nhưng chẳng biết kho báu đó là gì và cũng chẳng biết cách nào để đạt được cả. Và thế là cũng chẳng mấy ai theo chân Jesus mà làm được như Jesus.

6. Cái sai của những tín đồ Phật giáo lẫn Công giáo là họ đều quên lời dạy quan trọng nhất của Phật và của Chúa:
– “Người phải tự bước đi trên con đường của mình, ta không thể bước thay ngươi” (cái này mình nhớ mang máng vì được nghe giảng chứ không chủ động tìm hiểu nên không nhớ lắm, đại loại vậy)
– “Ai muốn theo ta, hãy vác thập giá mình mà theo ta”
Cả hai lời dạy đều nói rằng mỗi người phải tự bước đi trên con đường riêng, nếu là con đường của Chúa thì ít nhất cũng phải là vác một thập giá riêng của chính mình – thập giá riêng tức là một cuộc sống riêng, cuộc đời riêng.
Thế mà tất cả các tín đồ Phật đều ngày đêm chỉ cố đi theo con đường i hệt của Phật, mang lời dạy của Phật áp dụng một cách vô tội vạ như thể Phật đang bước đi trên con đường của họ thay cho họ vậy.
Còn những tín đồ Công giáo thay vì vác thập giá của riêng mình thì lại đi tranh nhau vác thập giá khổ hình của Chúa Jesus. Mỗi người có cuộc đời riêng, thập giá riêng, tại sao không vác thâp giá của mình mà chỉ đợi để vác chung thập giá với Chúa?
Ai cũng nhận mình nghe lời Phật, nghe lời Chúa nhưng toàn nghe như vẹt, có mấy ai thực sự hiểu mà làm theo?

7. Niết bàn chính là Thiên đường, đó là hai con đường cũng dẫn về một đích đến. Phật và Chúa là hai người dẫn đường, họ không phải là cái đích để nhắm tới. Mỗi người có những triết lý khác nhau hợp với từng thời đại và lối sống của mỗi phương trời. Không cái nào tốt hơn và xấu hơn. Cũng như không con đường nào tốt nhất.
Phật không phải đấng tối cao duy nhất và Chúa Jesus cũng không phải là người con duy nhất của Thượng Đế (Chúa Cha)
Tất cả chúng ta, đều là những Phật và cũng đều là những người con khác của Thượng Đế, chúng ta chỉ cần tin vào điều đó và tìm đường để đạt được điều đó.
Đó là sứ mệnh của linh hồn và là mục đích loài người trên đời: Trở thành Phật, trở thành người kế thừa vương quốc của Thượng đế, cũng là trở thành Thượng đế.

8. Tôi chịu trách nhiệm điều mình nói và tin, tôi không chịu trách nhiệm điều bạn nghĩ và điều bạn tin cũng như mọi điều bạn suy diễn từ bài viết này.
Tôi cũng đã có con đường của riêng mình, không phải cả hai con đường trên – thật hạnh phúc vì điều đó!

Xin cảm ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *