Thà không có đạo đức còn hơn là một người đạo đức giả

Một người Công giáo có thể ngồi trong nhà thờ và rưng rưng khi nghe lời dạy của Jesus: “Hãy đưa má trái cho người tát má phải của con” – nhưng cứ thử tát người đó một cái đi, đảm bảo họ sẽ trả lại cho bạn đầy đủ hai cái tát: một bên trái và một bên phải nữa.

Một người Phật giáo có thể ngồi trong chùa và rớt nước mắt khi nghe lời Phật dạy: “Hãy buông bỏ đi” – nhưng cứ thử đưa cho người đó hai chọn lựa: hoặc là mất tất cả những gì đang có nhưng được bình an trong lòng hay là vẫn sống như cũ nhưng có gấp 3 số tài sản họ đang có – xem họ sẽ chọn gì.

Tất nhiên luôn có ngoại lệ, tôi không nói về ngoại lệ ở đây.
Nhưng hãy nhìn lại đi: Các bạn có thật sự nghe và thấm nhuần lời dạy của những người mà các bạn đang thờ lạy không?
Nếu không, sự thờ lạy của các bạn chỉ là giả tạo, là đạo đức giả! Thế thì thờ lạy làm gì? Đi nhà thờ đền chùa làm gì?

Như tôi này, thà ngồi một mình dưới một cây hoa đẹp trên một bãi có đẹp để thinh lặng chiêm ngẫm về cuộc đời còn hơn ngồi một tiếng trong nhà thờ với hàng trăm những con vẹt đang tụng kinh mà không bao giờ nghĩ về ý nghĩa của những câu kinh ấy chưa kể sau khi rời nhà thờ thì sẽ dành toàn bộ thời gian còn lại đi ngược những lời kinh ấy.

Và tôi thề tôi gặp những người đạo đức kiểu đấy nhiều lắm rồi.

Một người có thể luôn có thể tuân theo luật hội thánh Công giáo và cho rằng mình rất tôn kính lời dạy của Jesus nhưng cũng chính người đó lại là người thích phán xét và hay phán xét người khác nhất. Hãy thử nghĩ về một người tuân theo rất nhiều giới luật, điều răn của Hội Thánh, một cách tự nhiên người đó sẽ tự cho mình là người đạo đức. Và khi một người cho mình là đạo đức thì bản ngã của người đó đạt đến mức cao siêu lắm rồi. Và với một bản ngã cao siêu, nó sẽ tự cho mình là hơn người khác và khi hơn rồi thì tất nhiên là nó sẽ tự cho mình có quyền phán xét những người thấp hơn: “người này tội lỗi lắm dám bỏ lễ nhà thờ; người kia còn đáng khinh hơn, đi ngoại tình với người khác; con bé đấy lấy người ngoại đạo, khai trừ nó ra khỏi dòng họ và không ai được phép đi đám cưới của nó, nếu không cũng sẽ là người tội lỗi…”
Bạn còn nhớ câu chuyện Osho kể về một người đàn ông cực kì khiêm tốn không? Ông ta đến và cúi xuống cham vào chân Osho và nói “Tôi chỉ là hạt bụi dưới chân ngài”, và khi Osho làm một phép thử nhỏ nói lại rằng “Đúng vậy, ông chỉ là một hạt bụi dưới chân tôi” thì ông ấy lập tức hét lên “Cái gì?” với khuôn mặt giận dữ đỏ bừng như muốn bốc cháy… Có lẽ ông ta đang mong được khen rằng “Không, người khiêm tốn như ông không thể là hạt bụi được, ông quý giá như ánh dương, ông là tấm gương sáng cho tất cả mọi người” hay có lẽ ông ấy cũng đã quen với việc hợp tác với những người khác một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi “chúng ta hãy cùng khen nhau, nâng đỡ nhau”… bla, tiếc rằng người ông ấy gặp lần này lại là Osho – kẻ không thỏa thuận với bất cứ gì nếu thấy điều ấy không xứng đáng! Đấy chính là bản ngã cao siêu đấy. Thứ bản ngã ấy ẩn mình trong những lời nói, cử chỉ vô cùng tốt đẹp, thánh thiện, nhưng chỉ cần cào nhẹ bề mặt là cái ruột sẽ lộ ra ngay.

Một người khác có thể luôn dùng lời của Phật để nói lại với mọi người “buông xả đi, đừng tham lam” nhưng bản thân người đó thì lại là một lòng tham thủng đáy. 10/10 lần họ đến Chùa chỉ để làm một việc duy nhất: XIN. Nhà Chùa từ khi nào dường như đã trở thành nhà xin xỏ – nơi mọi người đến xin mọi thứ: xin công danh, xin tiền tài, xin con cái, xin tình yêu, xin nhân duyên, xin bình an… xin xin xin và xin… vấy thế mà cùng những người đấy lại luôn cho rằng họ đang “buông xả” và rồi đi khuyên người khác “buông xả” nữa.

Tôi mới trải qua một trường hợp như vậy – một người mở miệng ra là “tôi là một Phật tử, tôi sống đàng hoàng lắm, bạn không cần phải lo” vân vân mây mây – nhưng cũng chính người đó đã cố tình làm vài việc khiến tôi mât đi công sức và tiền bạc của mấy năm trời dành dụm. Buồn? tất nhiên nhưng tôi cảm thấy sợ nhiều hơn. Và như những người khác họ sẽ khuyên rằng “sao vậy được, phải làm cho rõ chứ” này nọ nhưng thôi, tôi chấp nhận buông, chấp nhận đưa má phải cho họ tát thêm nhát nữa bằng việc cho qua tất cả. Không phải vì mình đạo đức gì, nhưng bởi vì tôi sợ, tôi rất sợ những người như vậy. Và cách để tôi tránh nỗi sợ này là tránh xa họ ra, không muốn gặp dù thêm chỉ một lần một giây phút nào nữa. Tôi không có đủ can đảm để đối diện với những người như vậy.
Nhưng tin vui là mặc dù tôi không phải Phật tử nhưng tôi vẫn rất tôn kính Phật, và bởi vì niềm tôn kính của tôi là thật tâm nên cho dù có gặp thêm 1000 Phật tử như vậy nữa cũng không thể thay đổi được niềm tôn kính của tôi với Phật. Tôi yêu Phật, không có nghĩa tôi yêu hết những người thờ Phật.
Cũng như tôi yêu mến Jesus, không có nghĩa tôi phải yêu hết những người Công giáo khác.
Trên thực tế, tôi yêu mọi người trên tinh thần nhân loại, tinh thần tâm linh. Nhưng không có nghĩa tôi phải thích hay cố tình tỏ ra vui vẻ với tất cả. Đúng không? Giống như tôi không ngại nói về Dục không có nghĩa tôi thích nói về nó 24/24 trong mọi câu chuyện của mình…
Để nói rõ quan điểm này tôi sẽ kể lại cho các bạn 2 sự việc mới xảy ra gần đây:

1. Một inbox từ một người lạ muốn làm quen với tôi: ông ấy tầm u50 và người Đức hay gì đó bên Âu, quên rồi, ông ấy nói rằng cảm nhận được “tinh thần tâm linh” của tôi nên muốn làm quen và mong sẽ gặp tôi một ngày nào đó. Ông ta khoái tôi, tôi cảm nhận được điều đó vì ổng cứ nhắn tin hỏi thăm mãi cuững như send cho tôi rất nhiều clip như là clip ổng đi làm, clip quay nhà của ổng vân vân. Tôi chỉ giao tiếp với ổng bình thường thôi, không hề tỏ ra quá thân mật gì cả, thậm chí nhiều lần thoái thác nói chuyện.
Và một lần ông ấy đi làm về liền chụp gửi tôi một tấm hình ổng mới chụp: thân hình béo núc ních cởi trần và quả đầu trọc nói chung tổng thể trông khá xấu xí nhưng đấy không phải điều tôi quan tâm, điều tôi quan tâm là ánh mắt ông ta trong bức hình đó khiến tôi nổi da gà.
Và ông ấy cũng cảm nhận được điều đó, ông ấy nói có phải đã làm tôi giật mình rồi không? Tôi nói không hẳn giật mình nhưng mà cũng không đủ hấp dẫn để tôi nhìn bức hình đó hoài. Sau đó ổng cứ liên tục nói mãi về việc đi làm về là ổng thích cởi áo ra cho mát mẻ tự do… Ok tốt thôi, tôi nói, nhưng không cần thiết ổng cứ chụp hình send tôi hoài vậy, vì trên thực tế, tôi mới u20 và tôi vẫn ưa nhìn những anh chàng trẻ trung bắt mắt hơn.
Bạn biết sao không? Ổng nổi giận với tôi. Ổng nói rằng cứ tưởng tôi là một người có tư tưởng tự do, có một tâm trí mở, rằng tôi sẽ không đánh giá ai qua vẻ bề ngoài, rằng tôi sẽ chấp nhận mọi người như chính họ..
Đến lượt tôi tức giận, tôi nói đại loại: này, tính tâm linh của tôi có nghĩa là tôi tôn trọng mọi người nhưng không có nghĩa tôi phải khoái ngắm nhìn những người xấu xí hơn những người bạn đẹp đẽ khác của tôi, và việc tôn trọng mọi người trước tiên phải bao gồm cả tôn trọng chính tôi nữa. Tôi kệ mẹ mình có tâm linh hay có tâm trí mở hay không, việc tôi thích ngắm nhìn ai hay không thích nhìn ai, thích nói chuyện với ai hay không thích nói chuyện với ai, thích gặp ai hay không thích gặp ai… chẳng có can hệ mẹ gì tới chuyện tâm linh cả. Tôi đơn giản tôn trọng cảm xúc của bản thân trước tiên và tôi cho rằng mình có quyền làm điều đó. Việc duy nhất tôi không làm được có lẽ là tỏ ra giả dối để chiều lòng người khác. Rõ ràng tôi có thể mặc kệ ông nói gì, chụp gì, gửi gì vẫn có thể giả bộ khen nhưng tôi không thích giả bộ, hay trên thực tế là không thể giả bộ thích điều tôi không thích được. Nên nếu ổng vẫn muốn nói chuyện với tôi, tôi sẵn sàng, nhưng nhớ đừng bao giờ nghĩ tôi là người thế này thì tôi phải thế nọ thế kia cho vừa ý của ông, hay vừa ý của bất cứ ai.
Sau đó tôi chúc ổng ngày tốt lành và tới giờ mấy ngày rồi ổng không nói chuyện với tôi nữa.

2. Một bạn trẻ khác, cũng quan tâm Osho như tôi, đó là lý do bạn ấy follow tôi và tôi không chặn bạn ấy khi chuyện này diễn ra:
Trong post về chính trị mới đây tôi dùng từ “đéo” và bạn trẻ ấy dô comment khá nhiều, tôi đơn thuần xem “đéo” là từ chửi tục ít nghĩa nhất trong những từ chửi tục của ngôn ngữ VN, nên nếu tôi dùng từ nào để diễn tả cái sự tức giận, bất lực và tránh xa của mình trước chuyện chính trị thì tôi sẽ dùng từ “đéo: đéo chịu nổi, đéo hiểu được, đéo quan tâm” – trong ngôn ngữ đơn giản VN “đéo” = “không”. Tôi nghĩ vậy, nhưng bạn trẻ kia thì không nghĩ vậy, bạn ấy bắt đầu đi sâu dô giải thích từ “đéo” nghĩa là hành động làm tình này nọ kia… Sau đó tôi phải nói với bạn ấy rằng tôi sẽ xóa những comment này vì nó đi xa ý nghĩa ban đầu quá. Và bạn ấy inbox riêng nói với tôi rằng “tôi cứ nghĩ bạn là một người cũng hiểu về tâm linh thì bạn sẽ không ngại nói chuyện về tình dục ngay cả ở nơi công cộng chứ, hóa ra bạn vẫn còn sợ sệt”…

Tôi thở dài, mà không, đéo phải dài nữa mà là dàiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii như thế này này. Xong lấy hết kiên nhẫn, tôi giải thích cho bạn ấy đại loại rằng: tôi tự do khi nói về dục, tôi không sợ khi nói về nó, không có nghĩa là tôi thích nói về nó mọi nơi mọi lúc hay thích đăng hình các cơ quan sinh dục lên trang cá nhân. Rằng khi tôi no bụng thì cho dù đồ ăn có ngon đến mấy tôi cũng không quan tâm, không màng, không muốn tốn thời gian để ngồi nghĩ về nó, nói về nó, thời gian đó để làm việc mà tôi quan tâm thì giá trị hơn. Tôi cũng nói rõ ràng rằng có thể hiện giờ tôi no nhưng không có nghĩa tôi không đói lại hoặc tôi phải viết những điều ca tụng hay chống lại đồ ăn. Đơn giản vô cùng: khi một người no bụng, người ta không nghĩ tới đồ ăn nữa. Dục cũng vậy, khi tôi tự do với nó, tôi đơn thuần không nghĩ tới nó và không hứng thú dành thời gian nói chuyện về nó, bất kể ở đâu, bất kể với ai…

Bạn thấy không? Mọi người dường như luôn có một suy nghĩ ngầm khi họ thấy tôi viết về những thứ như tôn giáo, tự do, tâm linh… Họ luôn cho rằng tôi phải thế này thế nọ thế khác. Nhưng không, xin tuyên bố với tất cả một lần cho tất cả: Tôi không giống với bất cứ suy nghĩ nào bạn đang nghĩ về tôi, bất kể bạn nghĩ về tôi tốt xấu đúng sai thế nào, tôi không phải vậy. Nếu bạn chỉ toàn nghĩ xấu về tôi, bạn sai rồi. Nếu bạn chỉ nghĩ tốt về tôi, bạn còn sai hơn nữa. Thật đấy.

Chính tôi còn đang chẳng biết mình là ai, mình là người thế nào. Vậy sao mọi người là ai mà lại làm như họ biết tôi rõ thế? Tôi còn đang cố gắng dùng cả đời này để định nghĩa chính bản thân mình đây mà sao mọi người chưa gặp tôi đã định nghĩa về tôi như thể họ còn biết về tôi nhiều hơn tôi biết chính mình nữa.

Và nhân tiện nói về chủ đề đạo đức, về những người đạo đức giả, nói vậy không có nghĩa tôi đang tự cho mình là một người đạo đức thật.
Không! Sự thật là tôi chả quan tâm đến thứ mà các bạn gọi là đạo đức.
Thứ duy nhất mà tôi quan tâm là làm sao để bản thân được tự do, vui vẻ và hạnh phúc, song song với việc không làm phiền đến quyền đi kiếm tự do, vui vẻ và hạnh phúc của người khác. Thế là đủ!
Tôi là một người không có đạo đức nên khỏi ai cần nhận xét đạo đức của tôi là thật hay giả. Ok!
Tôi thà không có đạo đức để mọi người tránh xa tôi ra ngay từ đầu còn hơn là một người đạo đức giả để được mọi người kéo đến ngồi bên.
Đạo đức là gì? là một khuôn những quy tắc ứng xử mà xã hội đồng tình và áp đặt lên tất cả mọi người. Đối với tôi cái khuôn đạo đức ấy là một thứ rất giả – thứ biến con người ta thành robot, thành giả tạo, thành máy móc. Đạo đức thật sự phải là thứ tự tâm người ta phát ra, chứ không phải là một cái khuôn mẫu được áp lên tất cả.
Lấy ví dụ: – một đứa con được xã hội cho là đạo đức khi nó tôn thờ cha mẹ, vâng lời cha mẹ, không bao giờ cãi lại họ, không bao giờ làm trái ý họ. -> Vậy nếu cha mẹ nó kêu nó đi ăn cắp, cha mẹ nó bắt nó lấy một người nó không yêu, bắt nó làm một việc nó không thích thì sao? Chẳng phải cuộc đời nó đã bị phí hoài vì cái thứ được gọi là đạo đức ấy?
– một cặp vợ chồng sống không tình yêu nhưng vẫn duy trì thứ gọi là “gia đình” chỉ vì cái mác của đạo đức. Thế rồi cả hai người họ sống như những cái bóng ma trong gia đình ấy, nghĩ rằng mình tốt đẹp khi hi sinh tình yêu cá nhân cho đứa con và hài lòng khi được xã hội đánh giá là đạo đức. Và thế là nhờ đạo đức mà cả hai người họ đã bỏ lỡ cơ hội sống một cuộc sống thật sự trong tự do hạnh phúc – hai cuộc đời bị phí hoài.
vân vân mây mây những ví dụ như vậy khiến tôi không muốn tham gia vào thứ gọi là “chuẩn mực đạo đức” của bất cứ ai cả.
Tôi thích tự đặt ra chuẩn mực cuộc sống của mình, không dựa trên đạo đức, nhưng dựa trên lương tâm và cảm xúc. Tôi không làm hại ai và tất nhiên cũng không thích ai làm hại mình, ngược lại, tôi chỉ cố gắng hết sức để làm sao có cuộc sống độc lập – tự do – hạnh phúc, thế thôi.
Và trên con đường ấy, tôi thích chia sẻ những gì mình nghĩ, mình làm, như bài viết này, cũng chẳng phải để dạy đời ai, nhưng là để chính mình quan sát hành trình trưởng thành của mình. Nếu qua đó nó vô tình giúp được ai trong hành trình trưởng thành của họ, thế thì quá tốt. Trên thực tế hình như cũng có ích với vài người vì thỉnh thoảng tôi có nhận được vài lời cảm ơn, nhưng sự thật, tôi cảm thấy biết ơn họ nhiều hơn họ cảm ơn tôi. Vì cảm giác hạnh phúc của tôi thường nhân lên rất nhiều lần khi được nhìn những người xung quanh tôi cũng dần trở nên hạnh phúc.
Vì các bạn không biết đâu, hạnh phúc một mình buồn lắm, cũng hơi cô đơn. Khi bạn đầy tràn hạnh phúc bạn sẽ muốn chia sẻ nó. Tôi là đám mây đang đầy hơi nước, là bông hoa dại đang chứa đầy hương, là cái kho đang đầy hạt giống… chỉ muốn được bung ra, được trao đi, không hẳn để giúp ai nhưng là để bản thân thấy nhẹ nhõm hơn, sẵn sàng chứa đựng những điều ý nghĩa hơn nữa.

Tôi ích kỉ, tham lam và cũng hống hách lắm đấy. Một dạng bản ngã lộn ngược – một dạng của bản ngã cao siêu – tôi nói mình đếch quan tâm người khác nói gì về mình nhưng thật ra chưa hẳn đâu, với điều kiện tôi không nghe thấy cơ, chứ nếu nghe thấy ai đó nói những điều rất tệ, rất sai về mình tôi vẫn còn biết buồn đấy! Buồn nhưng không cố gắng để thay đổi suy nghĩ của họ nữa. Và nếu nghe ai đó khen mình vài câu là mũi vẫn còn biết phổng lắm đấy…
Nói tóm lại, tôi là một người bình thường, bình thường, bình thường….
OK?
– Tôi nói tôi không quan tâm vật chất quá nhiều không có nghĩa là tôi ghét tiền, không, tôi vẫn thích tiền lắm đấy, vẫn muốn có nhiều tiền để làm nhiều thứ… nhưng chỉ là tôi không làm mọi thứ vì tiền, tiền không phải thứ quan trọng nhất, vật chất không phải quan trọng nhất, kiếm tiền không phải việc quan trọng nhất.
– Tôi nói tôi không muốn sinh con không có nghĩa tôi ghét trẻ con, không, tôi vẫn yêu mến chúng lắm, chúng rất dễ thương, nhưng chỉ là tôi lựa chọn để không sinh ra một đứa – hai điều này khác nhau.
– Tôi nói tôi không cần danh vọng cũng không đúng lắm đâu, dù tôi không nghĩ rất khó để làm mình trở nên nổi tiếng hơn một chút với việc viết về chính trị hay những đề tài gây sốc, chê trách chửi bới ai đó… không, dù thích nổi danh hơn nhưng tôi sẽ không làm mọi thứ để nổi tiếng hơn, như là không quảng cáo các trang này cho nhiều bạn đọc hơn chẳng hạn. Nhưng tôi vẫn thích được biết đến nhiều hơn vì lý do nếu được nổi tiếng hơn thì khi đó các thông điệp về cuộc sống của tôi có lẽ sẽ tới được nhiều người hơn nữa, biết đâu lại giúp nhiều người sống an yên hơn một tí thì lúc ấy việc nổi tiếng cũng có cái hay.
– Tôi nói mình không thích kết hôn thì liền có cả đống người nghĩ tôi sẽ phải sống cô đơn vò võ tới già. Thôi nào, làm ơn đi. Tôi không kết hôn thôi chứ không có nghĩa tôi sẽ không có ai để gọi là chồng, hay người yêu. Trên thực tế, chính vì không kết hôn mà tôi có khả năng để có cả đống người yêu, toàn những người tuyệt vời và tôi cũng có thời gian để yêu cả đống người. Chả lúc nào tôi cô đơn cả nên đừng lo chuyện đó nữa nha.
À tiện có người bữa rồi hỏi tiêu chuẩn chọn người yêu của tôi là gì?
Một thôi: người đó phải là một người có tinh thần và cuộc sống tự do. Một phần của sự tự do đó là chấp nhận trong vui vẻ hài lòng cái ý tưởng rằng tôi không chỉ có một người yêu hay một bạn trai.
haha

#PhiTuyet260317

Nếu Thượng đế là người thích nghe những câu kinh viết sẵn ngày này qua ngày kia của một đám đông hơn là những lời tâm sự, cảm xúc thật tâm của một người – thế thì tôi thà tâm tự với một cái cây…
Tôi thà không có đạo đức còn hơn là đạo đức giả

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *