Tử hình là bất nhân đạo

Tử hình là một việc cần bị xoá bỏ, đó là vô nhân đạo, là bất nhân.
Dùng cái chết để đáp đền cái chết là một trong những hình thức xử phạt ngu xuẩn của con người.
Anh không mang lại cho người ta sự sống thì anh cũng không có quyền tước đi sự sống của người ấy.
Công lý là gì khi mà chỉ đi lo chặt hết các cành cây bị bệnh trong khi cái gốc rễ gây ra bệnh tật ấy vẫn còn y nguyên?

Tôi thích câu chuyện phiên toà xử án một cụ già ăn trộm tiền để mua bánh mì cho cháu gái mình. Cụ già bị tuyên án có tội và phải nộp phạt 10 đồng bạc. Nhưng vị quan toà tối cao cũng không quên phạt tất cả những người tham dự phiên toà mỗi người 1 đồng vì tại sao cùng sinh sống trong một cộng đồng mà họ lại có thể để một người già sống nghèo khổ đến mức phải đi ăn trộm để nuôi cháu mình? Cụ già có tội và tất cả những người ở đó cũng là những người có liên quan. Tôi thích vị chủ toà này, tôi thích quan điểm này. Nếu anh muốn tuyên án ai thì anh phải hiểu hết thảy cái nguyên nhân sinh ra vụ án đó, hành động đó. Chỉ có giải quyết vấn đề từ tận gốc rễ thì cái xấu mới có khả năng được chuyển hoá mà thôi.

Xã hội hiện tại người ta không quan tâm cái gốc rễ mà chỉ quan tâm cái ngọn. Họ phát minh ra hàng trăm cách để chặt ngọn cây bị bệnh mà không có một cách nào để trừ bệnh cho cái cây từ tận gốc cả.
Thay vì trừng phạt tội lỗi của kẻ phạm tội bằng cái chết thì hãy nghĩ ra hình phạt nào đó nhân văn hơn tí đi. Có thể tống tất cả bọn họ ra một hoang đảo với một nắm hạt giống cho tự mình lao động vất vả sinh sống chẳng hạn; hay cho vào các trung tâm nhân đạo để họ chăm sóc người già người bệnh; cũng có thể đưa họ vào một quả đồi hoang cho lao động trồng rừng cải thiện đất đai nông nghiệp… Hình phạt nhân văn là hình phạt không chỉ trân trọng mạng sống của người đó mà còn cho họ một cơ hội để thay đổi, để tốt hơn. Nhiều cách lắm nhưng chẳng có cách nào có thể thực hiện được vì lý do đơn giản chẳng có ai chịu nghĩ về nó cả. Giết chết họ bằng tử hình thì nhanh gọn hơn nhiều đỡ mất công suy nghĩ.

Còn những người hô hào “giết chết” hay “tử hình” những tên tội phạm khác thì chính bản thân họ cũng đã là tội phạm rồi. Đầu tiên người ta phạm tội trong suy nghĩ trước sau đó từ suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động. Và tất cả những ai ủng hộ việc giết người, cho dù là tử hình kẻ xấu thì bản thân họ đã là một kẻ giết người đầy tiềm năng từ trong suy nghĩ rồi.

Mà nói qua nói lại cũng chưa vào vấn đề chính: vụ thảm sát cả gia đình ở Bình Phước tôi không tin chàng trai đó là thủ phạm, ngược lại tôi tin anh ta cũng chỉ là nạn nhân mà thôi, nạn nhân của một mưu đồ hắc ám và một thế lực hắc ám vốn dĩ đầy rẫy trong xã hội này – Cái xã hội mà đôi khi người ta giết người chỉ để tìm niềm vui!

Nhiều người nói:
– tử hình để răn đe những kẻ khác: Nếu tử hình là hình thức răn đe hiệu quả thì đã không còn một ai phạm tội nữa rồi. Tử hình là hình thức răn đe không hiệu quả nên mới có đầy những người khác cứ phạm đi phạm lại. Mà nếu nó đã chứng tỏ không hiệu quả thì cố chấp sử dụng làm gì?
– không có nhà tù thì phải làm sao?
đây là trích đoạn một bài viết của tôi từ vài năm trước về vấn đề này, hãy coi nó như một gợi ý:

“Một thế giới không nhà tù
Tư duy thoát hộp không chỉ ứng dụng trong công nghệ, kỹ thuật hay những thứ cao siêu. Mà nó có thể áp dụng trong hầu hết mọi sự việc, mọi vấn đề trên thế giới.

Hãy nghĩ về chuyện này: Làm cách nào để xóa bỏ hệ thống nhà tù trên toàn thế giới?

Đây là câu hỏi chủ đề thảo luận tôi đọc được trong cuốn sách nào đó, rất thú vị đúng không? Câu chuyện được kể thế này. Một vị chủ tọa đặt ra chủ đề thảo luận để cả lớp cùng nhau suy nghĩ và phản biện. Khi vị chủ tọa đặt vấn đề này với sinh viên trong lớp. Cả lớp đã nhao nhao lên phản đối, rằng làm sao mà thế giới lại không cần đến nhà tù chứ? Lấy chỗ nào để giam giữ những tên phạm nhân. Thế giới này sẽ loạn mất, cuộc sống rồi sẽ không còn an toàn, rằng đây là một ý tưởng điên rồ và không tưởng…

Vị chủ tọa lắng nghe, sau đó ông mỉm cười và giải thích với các bạn sinh viên rằng: Không gì là không thể cả, hãy tư duy ra ngoài chiếc hộp định kiến và thực tế, và hơn hết, đây chỉ là một bài tập, mọi người hãy cố gắng làm bài tập đó và đừng ngại đưa ra quan điểm của mình. Nên nhớ, đề bài là “làm thế nào để xóa bỏ nhà tù” chứ không phải “bỏ nhà tù thì tác hại thế nào”. Các bạn sinh viên, cũng như chúng ta thôi, bắt đầu ngồi lại và xem xét, dù sao cũng chỉ là bài tập chứ không phải thực tế mà, nghĩ gì nói đó thôi.

Và thế là họ bắt đầu nêu ý kiến của mình, ban đầu thì khá dè dặt và ấp úng, nhưng rồi như một làn sóng, mọi người bắt đầu nhao nhao lên tìm lý do và cách thức để xóa bỏ hệ thống nhà tù: Có lẽ chúng ta nên tạo ra nhiều trường học, trung tâm giáo dục và nơi ở hơn cho những người nghèo khổ, thất nghiệp và lang thang, vì họ chính là đối tượng dễ phạm tội nhất. Thay vì nhà tù chúng ta có thể tạo nên một kiểu trung tâm chức năng nhân văn hơn để giáo dục những phạm nhân. Chúng ta phải tạo nhiều công ăn việc làm hơn nữa và cả các trường dạy nghề cho người không có công việc và nghề nghiệp gì.

Cần các biện pháp khuyến khích người ta làm những việc như đọc sách, từ thiện. Có thể thay thế hình phạt giam giữ bằng những cách như lao động công ích, chăm trẻ mồ côi, chăm người bệnh tật và chăm người già trong viện dưỡng lão… để họ nhận thức được những nỗi đau của người khác, từ đó tâm họ sẽ thiện lành hơn. Cho các phạm nhân chuộc lại lỗi lầm bằng những việc làm thiết thực thay vì giam giữ họ lại. Phạm nhân là những con người, họ đã sai lầm thì cần phải học được từ sai lầm của mình, cần được đối xử như một con người và cần được cho cơ hội để làm lại tất cả…

Bắt đầu từ những cách để giảm thiểu những người phạm pháp, cho tới việc đối xử với những tù nhân hiện tại thế nào và các cách để thực hiện hình phạt cho những người phạm tội sau này ra sao để không cần đến nhà tù nữa. Đã có rất nhiều, rất nhiều những ý kiến và biện pháp khác nhau được đưa ra. Sau buổi thảo luận, tất cả các sinh viên trong lớp đều ngỡ ngàng khi nhìn nhận lại vấn đề. Họ đều nhất loạt cho rằng việc xóa bỏ nhà tù là điều hoàn toàn có thể làm được, chứ không chỉ là một ý tưởng nhảm nhí vớ vẩn như lúc ban đầu họ nghĩ. Họ đã thoát-hộp thành công.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ ra mình đã đọc được đâu đó, từ rất lâu rồi, những chuyện thú vị lạ lùng đại loại thế này: Một anh chàng phạm luật về môi trường đã bị tuyên án bằng việc trồng 100 cây xanh và chăm sóc chúng trong 5 năm, rồi một ông chồng phạm tội ngoại tình bị phạt bằng cách rải 1000 tờ rơi xin lỗi vợ và phải tặng cho bà vợ 1000 bông hồng, mỗi ngày một bông, một bạn trẻ phạm tội gì đó đã bị phạt đọc 10 cuốn sách về chủ đề đó…

Đây hoàn toàn là chuyện có thật, tôi không nhớ là đã đọc chúng ở đâu, chỉ nhớ rằng tôi thấy chúng thú vị đến mức đã ghi chép lại vào một cuốn sổ tay những điều lạ lùng, tiếc là cuốn sổ đã bị mất. À tôi còn nhớ một điều thú vị khác nữa có ghi trong cuốn sổ, đó là việc bạn hoàn toàn có thể làm tăng kích thước “của quý” của mình bằng cách học theo một bộ lạc trong rừng sâu. Xưa nay đây vốn là điều mọi người cho rằng không thể làm được đúng không? Ồ, hãy ra ngoài chiếc hộp đi, hoàn toàn có thể đó. Bộ lạc đó, họ sử dụng một loại vỏ và lá cây bí mật để bọc “của quý” của mình, sau một thời gian ngắn, chúng sẽ phồng rộp và sưng to lên… Ok, đó không phải cách hay ho gì, nhưng cũng là một kiểu tư duy bên ngoài chiếc hộp đúng không? Thôi được rồi, không đùa nữa.

Hãy suy nghĩ về việc này, liệu chúng ta có thể thay thế những năm tháng giam giữ tù nhân bằng những hình phạt nhân văn hơn? Một người phạm tội trộm cắp hoặc gây rối thay vì 5 năm trong tù sẽ phải dùng 5 năm đó để chăm sóc các trẻ em mồ côi hoặc hoặc người bệnh liệt giường. Một người phạm tội phá rừng phải chịu trách nhiệm trồng lại một đồi cây hoặc chăm sóc một vườn hoa công cộng, một ông chồng ngoại tình sẽ phải làm việc nhà thay vợ trong một năm và đưa vợ con đi du lịch 2 lần trong năm… Những hình phạt này nghe có vẻ điên rồ đúng không? Tôi lại cảm thấy thật thú vị, tùy mỗi tội sẽ có những hình phạt nặng nhẹ khác nhau, nhưng chung quy, hãy bắt họ đền bù bằng những hành động thiết thực, chứ không đơn giản là ngồi trong một căn nhà đá có người bảo vệ và cơm ăn hàng ngày.

Thời gian là thứ quý báu, đừng lãng phí thời gian của bản thân và cũng không nên làm lãng phí thời gian của người khác. Hãy để cho hành động thiết thực bù đắp những lỗi lầm. Người phạm nhân sẽ phải làm những việc ý nghĩa cho cuộc sống, xã hội cũng sẽ đỡ gánh nặng và thậm chí là tuyệt vời hơn. Có khi, những hình phạt nghe chừng nhân văn như trên lại khiến cho phạm nhân nổi da gà hơn cả việc ngồi không trong tù ấy chứ. Và tôi tin xác suất khiến họ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn sẽ cao hơn nhiều so với những hình phạt tài chính hay giam giữ hiện hành.”

trích bài viết tại link https://phituyet.com/think-outside-the-box-mot-the-gioi-khong-nha-tu-khong-truong-hoc/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *