Đừng khóc lóc hay cầu xin nữa, Chúa không thích đâu! – Don’t be weak. God don’t like it!

1. Nếu bạn có một đàn con – mà thôi một đứa trước đã – thế thì đứa con như thế nào sẽ khiến bạn hài lòng và hạnh phúc hơn:
– đứa con tự lập và bản lĩnh, biết ơn những gì nó có và không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, đứa con tin nó là người mạnh mẽ, trách nhiệm và cố gắng sống tốt nhất khả năng của nó không làm bạn phải bận tâm
hay một đứa con
– cả ngày van vỉ, khóc lóc, không những không biết cảm ơn những gì đã có mà còn luôn miệng xin xỏ thứ này thứ khác, đòi hỏi thêm thứ nọ thứ kia; một đứa con yếu đuối, luôn sợ hãi và lo lắng mọi thứ xung quanh, luôn luôn đổ lỗi.

Bạn muốn có đứa con như nào?
Tất nhiên là đứa tự lập, mạnh mẽ đúng không? Ai lại muốn có đứa con yếu đuối cơ chứ. Vậy bạn hãy nhân đứa con ấy lên thành một đàn con hàng tỉ đứa đi rồi bạn sẽ hiểu cảm giác của Thượng đế là chán nản bực bội thế nào.
Một đàn con tối ngày chỉ biết khóc lóc than van, xin xỏ, đổ lỗi cho ma quỷ, cho Thượng đế về những gì nó làm được và không làm được. Không bao giờ nhìn vào những gì mình đang có là đủ đầy như nào nhưng luôn luôn tỏ ra mình túng thiếu, nghèo đói để xin xỏ thứ này thứ kia, thậm chí xin ban từ hòa bình thế giới cho đến lòng yêu mến mọi người… cái gì cũng xin cho được.
Đừng như vậy nữa.
Đừng biến mình thành đứa con nhu nhược, yếu đuối, ngu si, tham lam và đổ lỗi nữa.
Hãy biến mình thành đứa con khiến Thượng đế tự hào đi, hãnh diện đi, an tâm đi.
Bằng việc tự mình chăm lo cho cuộc sống của mình, làm cho nó thành thứ đáng giá nhất, lấp đầy nó bằng lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo ra cuộc đời chính mình, tìm cách đạt được điều mình muốn đi. Đừng xin nữa! Thượng đế ban cho bạn đủ sức mạnh và ban cho trái đất này đủ mọi thứ cần thiết rồi. Đừng xin thêm bất cứ gì nữa, nhưng thứ gì bạn muốn có thì tạo ra nó rồi đặt nó vào thế giới đi.
Nếu bạn muốn có hoa hồng, đừng xin hoa hồng, hãy tự trồng một vườn hoa đi.
Nếu bạn muốn sống trong thế giới của tình yêu, thế thì tự mình yêu đi, yêu bản thân rồi yêu mọi người, truyền tình yêu đó vào thế giới đi, nghĩa lý gì mà đi “xin cho con biết yêu thương mọi người”?
Nếu bạn muốn được tha thứ khỏi tội lỗi thì tự mình tha thứ cho mình trước đi, rồi tỉnh táo để đừng bao giờ phạm những tội lỗi đó một lần nữa. Nghĩa lý gì mà cứ suốt ngày đến trước mặt Thượng đế xin xóa tội lỗi trong khi bản thân không hề tìm cách sống một cuộc sống khác đi: một cuộc sống xa rời tội lỗi: tội tham lam, tội phán xét, tội ngủ quá sâu không chịu thức dậy, tội quên đi tình yêu, tội không chịu trách nhiệm cuộc đời mình, tội luôn luôn đổ lỗi cho người khác, tội yếu đuối…

2. Nhân nói về tội

Loại cha mẹ nào lại cho rằng con mình – một đứa trẻ bé nhỏ mới sinh ra đời đã mang trọng tội vì ông bà tổ tiên trong truyền thuyết của nó từng là một tội nhân?
Đó chính là những cha mẹ Công giáo. Tôi không nghĩ Đức Jesus lại đồng tình với quan điểm một đứa trẻ trong trắng vừa sinh ra đã mắc một tội gọi là “tội tổ tông” và phải đến nhà thờ để rửa tội đó – đó là ý nghĩa của lễ rửa tội – xóa đi tội lỗi của tổ tông khỏi đứa trẻ nhưng từ đó về sau không một giây phút nào không nhắc nó rằng nó vẫn luôn là một kẻ có tội, tới chết vẫn có tội và mọi hành động trong đời nó là phải nhớ về những tội ấy để ăn năn – thế khi một người luôn phải nhớ về tội của họ thì thời gian đâu để cho họ trở nên mạnh mẽ, trách nhiệm và sáng tạo?
Bí tích đầu tiên một đứa trẻ nhận là rửa tội – kể từ đó coi như nó là một thành viên Công giáo và từng mảnh niềm tin được nhồi vào đầu đứa trẻ một cách tinh tế đến nỗi lớn lên nó cũng chưa bao giờ nghi ngờ niềm tin đó. Nó không chọn tôn giáo đó, niềm tin đó nhưng ai đó khác đã chọn cho nó – ai đó luôn rao giảng về thông điệp của Chúa nhưng quên đi thông điệp quan trọng nhất – Thượng đế ban cho con người quyền tự do chọn lựa. Vậy ngay từ điểm đầu tiên, việc chọn lựa niềm tin cho chính mình nó còn không được chọn, vậy tự do là gì? tự do ở đâu?

Sau rửa tội đến bí tích xưng tội lần đầu tiên, rồi tới thêm sức để chống trả lại tội lỗi vân vân mây mây không một nghi thức chính thống nào của nhà thờ Công giáo mà không ngụ ý: trực tiếp hoặc gián tiếp rằng con người chỉ là kẻ tội lỗi, không bao giờ thoát khỏi tội lỗi và mãi mãi sống trong tội lỗi.
Lẽ hiển nhiên, một kẻ luôn được nói rằng nó là kẻ tội lỗi thì làm sao nó có thể tự hào mình là một đứa con xứng đáng, rằng mình cần biết ơn hơn là van nài, rằng mình mạnh mẽ chứ không phải kẻ yếu đuối, đớn hèn và ngu si…
Cho nên tôi nói, nhà thờ và các nghi lễ của họ – là thứ có lỗi lớn nhất trong việc tạo nên sự chán chường của Thượng đế. Họ biến đàn con mạnh mẽ của Ngài thành một đàn con yếu đuối, tội lỗi, suốt ngày chỉ biết khóc lóc xin xỏ. Tôi chia buồn với nỗi buồn của Thượng đế…

3. Trọng tội

Một trong những tội trọng của luật Công giáo là “bỏ lễ ngày chủ nhật” – bạn có bao giờ hỏi tại sao? Chắc chắn là không, cả đời bạn đã bị biến thành robot hoặc thành một kẻ thiểu năng đến nỗi không bao giờ hoài nghi, không bao giờ thắc mắc, không bao giờ đặt câu hỏi cũng như không bao giờ có khả năng thấu hiểu những ngụ ý nữa. Và bạn cho đó là sức mạnh của niềm tin? Không, niềm tin là thứ phải tạo ra cho người khác sức mạnh và trí thông minh, tỉnh thức chứ nếu niềm tin là thứ chỉ tạo nên sự mù mờ, mất khả năng hoài nghi và lý giải, thế thì niềm tin để làm gì?

“Thiên Chúa là tình yêu” hay “Thượng đế là tình yêu” – tôi thích dùng từ Thượng đế hơn, đừng bận tâm điều này, cứ thay bằng từ Thiên Chúa nếu bạn thích.
Câu này ai cũng thuộc nằm lòng, ai cũng có thể đọc vanh vách nhưng bao nhiêu người thật sự có khả năng hiểu? Tôi nghi ngờ điều đó.

Điều Thượng đế muốn và điều Hội thánh công giáo muốn đôi khi có hơi khác nhau, hội thánh chỉ muốn bạn đến nhà thờ ít nhất ngày chủ nhật bất kể trong tâm trí bạn đang bận rộn cỡ nào và dù thân thể bạn ở trong nhà thờ nhưng tâm trí và trái tim bạn không hề ở đó cũng không sao, họ chỉ cần thân xác bạn – đây là thứ hình thức nhất trong các thứ hình thức mà nhà thờ buộc bạn phải làm, họ nói rằng nếu bạn không làm, bạn sẽ phạm trọng tội.

Nhưng Thượng đế có thực muốn bạn đến nhà thờ không? Một lần nữa hãy đọc lại câu nói trên “Thượng đế là tình yêu” – thứ Ngài ấy muốn là bạn hãy yêu thương, sống trong yêu thương, đừng bao giờ quên đi tình yêu, chứ không phải việc phủ mình trong nhà thờ mỗi tuần.
Ý nghĩa của điều răn này không phải là đừng quên đến nhà thờ, nhưng là đừng quên Thượng đế – nói thẳng ra là đừng quên đi Tình yêu, bởi tình yêu mới là thứ đáng tôn thờ, mới là thứ đáng quý nhất trong cuộc sống của nhân loại nói chung, chỉ khi nhớ đến tình yêu, sống trong tình yêu thì bạn mới không ở trong đau khổ: tội lỗi không gì khác hơn là những thứ mang cho bạn cảm giác đau khổ. Thế thì chỉ bằng việc sống trong tình yêu, lấp đầy cuộc sống của mình bằng tình yêu, không bao giờ quên đi tình yêu thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ phải sống trong bất cứ dạng đau khổ nào.
Bỏ lễ chủ nhật không có tội nhưng vì mọi thứ mà quên đi tình yêu thì nhất định đó là tội và tội thì sinh ra đau khổ. Cho nên thông điệp của điều răn này chỉ đơn thuần một ý nghĩa thôi “Đừng quên Thượng đế – tức đừng quên Tình yêu”
Bạn nên biến cuộc sống mình thành một đền thờ của tình yêu: nghe theo tình yêu, cư xử với tất cả trong yêu thương. Và khi chính cuộc sống của bạn có thể trở thành đền thờ thì là bạn đã trở thành chứng nhân của Thượng đế về thông điệp yêu thương của Ngài. Nếu bạn sở hữu một đền thờ bên trong thì sao còn bận tâm việc phải đi đến các đền thờ bên ngoài – đó là việc không cần thiết nữa. Vì cuộc đời bạn là của lễ rồi, còn gì đáng quý hơn để dâng tặng?

Một người đi nhà thờ đều đặn thường có cảm giác mình là một người đạo đức nhưng tôi thật, trong số bao nhiêu người trong đó thật sự có thể biến cuộc đời họ thành chứng nhân cho tình yêu, đền thờ cho tình yêu? Thứ họ dâng trong đền thờ cho Thượng đế chỉ là những thứ thuộc về hình thức, những thứ sáo rỗng và họ nghĩ Thượng đế không biết tất cả những điều đó sao? Họ ra rả đọc kinh về tình yêu nhưng sâu bên trong họ không có tình yêu mà chỉ có những tính toán, những lo toan, những nỗi phiền muộn về cuộc sống và họ không biết rằng ngay trong chính nhà thờ, ngay trong chính lúc dâng thánh lễ đó họ ĐÃ và ĐANG bị ma quỷ cám dỗ rồi mà không biết. Dâng lời kinh như con vẹt trong lúc đang sống trong thế giới của ma quỷ ư? Tôi thà không đến nhà thờ!

4. Bạn biết ma quỷ là gì không? Bạn thấy sự vô lý của nó không?

– Ai tạo ra ma quỷ – chính là chúa, ma quỷ không thể tự nhiên mà có được, nó phải được tạo ra và Chúa của bạn chính là người tạo ra chúng. Vậy chính Chúa mới là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc tội lỗi của bạn mới đúng.
– Tại sao Ngài lại tạo ra ma quỷ nếu không muốn chúng quấy rầy con cái Ngài? Nếu Ngài lỡ tạo ra rồi và thấy chúng làm cho con cái Ngài đau khổ quá thì sao Ngài không tiêu diệt hết chúng đi? Ngài không muốn tiêu diệt hay Ngài không thể?
– Tất nhiên không thể có chuyện không thể nên chắc chắn Ngài không muốn tiêu diệt chúng, thậm chí có lẽ Ngài muốn chúng tự do quấy rầy đàn con yếu đuối của Ngài để chúng có thể trở nên mạnh mẽ hơn. Nghe có vẻ hợp lý.
Vậy sau cùng ma quỷ là gì? Làm cách nào để chống lại chúng và tránh xa chúng:

Hãy nhớ về một hình ảnh luôn được dùng trong kinh thánh – đó là một hình ảnh vô cùng đáng giá: Con rắn. Rắn luôn được khắc họa như hiện thân của ma quỷ – của sự cám dỗ người ta lâm vào tội lỗi – từ dụ Adam-Eva cho tới dụ dỗ đức Jesus khi Ngài ở trong hoang địa. Rắn đã bị mang tiếng xấu quá lâu nhưng bạn chưa từng hiểu về những ẩn ý sau nó đâu.
Rắn chỉ là một biểu tượng, nó đại diện cho sự tinh ranh, khả năng thuyết phục, lý luận sắc bén và kiến thức vô cùng… Nó chính là TÂM TRÍ của bạn. Bạn không cần sợ ma quỷ nào bên ngoài kia cả, thứ bạn thật sự nên đề phòng chính là TÂM TRÍ của bạn – chỉ mỗi tâm trí của bạn mà thôi, nó chính là ma quỷ đấy, nó chính là thứ dụ dỗ bạn bước vào tội lỗi đấy, không gì khác cả.

Trái tim của bạn tượng trưng cho tình yêu, tức là Thượng đế.
Trí óc của bạn tượng trưng cho sự tâm trí, tức là ma quỷ.

Trái tim luôn nhắc nhở bạn về tình yêu, thế nào là tình yêu, hãy đứng về phía tình yêu. Nhưng tâm trí của bạn thì luôn luôn tính toán, đo đếm, suy nghĩ liên miên không thể dừng lại. Chắc chắn, khi bạn bận rộn lắng nghe theo tâm trí bạn sẽ không thể nào lắng nghe được trái tim.

Trái tim mách bảo bạn hãy ở bên người này đi, vì bạn yêu họ, vì ở bên họ thật dễ chịu, thanh thản, hạnh phúc. Nhưng tâm trí bạn lại mách hoàn toàn khác: hãy ở bên người kia kìa, người đó mới có nhà, có tiền, có ngoại hình đẹp.. người đó sẽ mang lại cho bạn rất nhiều sự ghen tị từ những người khác, cần gì quan tâm đến tình yêu, vật chất mới là quan trọng.

Trái tim mách bảo bạn hãy chúc phúc cho một người bạn, hãy chia sẻ niềm hạnh phúc đó đi nhưng tâm trí bạn lại bảo bạn nên ganh tị đi, tìm ra lý do để không chúc phúc đi, hoặc cứ chúc phúc nhưng giả vờ thôi, người đó không xứng đáng…

Trái tim mách bảo bạn hãy bẻ nửa cái bánh mì trong giỏ của bạn chia cho đứa trẻ đáng thương bạn gặp bên đường đi, nhưng tâm trí lại nhắc bạn rằng con bạn ở nhà đang đói, nó cần cả ổ bánh mì này, giờ nếu chia thì con bạn sẽ không còn bao nhiêu, con bạn xứng đáng có cả ổ bánh mì còn đứa trẻ này thì … kệ nó đi.

Trái tim mách bảo bạn hãy biết ơn tất cả những gì bạn có đi nhưng tâm trí bạn lại bảo sao phải biết ơn, những thứ bạn đang có là hiển nhiên bạn phải có, đáng lý bạn nên có nhiều hơn, bạn luôn cần nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, bao nhiêu cũng không đủ.

Trái tim mách bảo bạn hãy yêu thương những người xung quanh đi và đừng phán xét gì cả vì ai cũng có lý do của riêng mình – nhưng tâm trí bạn lại gào lên những lý do để phán xét và thù ghét người khác, gần như mọi người: ai đó có gì hơn bạn, ai đó từng làm bạn buồn, ai đó có khả năng mai này sẽ làm bạn buồn… Cả ngàn lý do để bạn xem cả thế giới là kẻ thù, thay vì là những người anh em.

Trái tim bảo bạn nhân loại là anh em nhưng tâm trí lại nhắc bạn một triệu lý do rằng mọi người ngoài kia chỉ là kẻ thù hoặc đối thủ, không ai là anh em cả, không thể tin ai cả.

Trái tim bảo bạn hãy cứ như đứa trẻ: vô tư, hồn nhiên thưởng thức cuộc sống đi nhưng Trí óc lại thúc bạn phải trường thành bằng mọi cách, và trong định nghĩa về trưởng thành của tâm trí không gì khác hơn là hãy sử dụng tâm trí nhiều hơn nữa và gạt bỏ hẳn những gì thuộc về cảm xúc, tình cảm, tình yêu đi.

Trái tim từng ở trung tâm nhưng vì loài người đặt trí óc lên trên hết và chạy theo trí óc đến nỗi trái tim mất luôn vị trí trung tâm của nó. Và rồi con người hài lòng với kết luận “đời là bể khổ”. Không, đời không là bể khổ chút nào khi bạn còn sống trong tình yêu, còn lắng nghe tình yêu, còn trân trọng tình yêu.

Mà này, khi tôi dùng từ “tình yêu” làm ơn chỉ đừng xem nó là thứ tình yêu nam-nữ của nhân loại nhé.
Hãy tập nghĩ về môt thứ tình yêu CAO CẤP hơn hẳn: tình yêu của Thượng đế: thứ tình yêu vĩnh hằng và vô điều kiện.

Đó cũng là toàn bộ thông điệp của Đức Jesus: Ngài là minh chứng cho tình yêu: trong tình yêu người ta có thể hi sinh tất cả, thậm chí cả mạng sống của mình. Trong tình yêu người ta bao dung và tha thứ cho tất cả, kể cả những người hại chết mình. Trong tình yêu người ta không hề mảy may tính toán thiệt hơn, chỉ đơn thuần nghe theo trái tim mình. Jesus đã có thể được sống nếu Ngài ấy chịu khó tính toán và chịu khó thừa nhận từ bỏ niềm tin về tình yêu của mình – nhưng người nào đã sống trong tình yêu thì vốn dĩ sẽ mất đi khả năng tính toán – mất đi khả năng nghe lời của tâm trí, tức của ma quỷ!

Jesus nói “Ta là đường, là sự thật và sự là sự sống…” bạn hiểu câu đó không? Ngài ấy là đường, bạn phải bước đi trên đường để đến đích, Ngài ấy không nói “Ta là đích” một chút nào. Phương tiện để bạn bước đi trên con đường ấy là tình yêu, dùng tình yêu để sống từng khoảnh khắc mà bạn đang có, bạn có làm được không?
Hãy đi trên đường, hãy sử dụng phương tiện, đừng chỉ tôn thờ phương tiện, đừng chỉ tôn thờ con đường và quên đi hành trình tới đích của chính mình, bạn có làm được không?

5. Nếu bạn là một tín đồ Công giáo và đã đọc tới đây, có thể bạn sẽ:
– mặc kệ tôi thích nói gì thì nói
– vẫn yêu quý tôi và bắt đầu suy nghĩ về những gì tôi nói
– tức giận, thù ghét với tôi vì những gì tôi nói không giống suy nghĩ của bạn

Vậy, suy nghĩ của bạn là gì?
Nếu bạn là người Công giáo đích thực, đứa con của Thượng đế đích thực, người lắng nghe thông điệp đích thực, thế thì bạn vẫn yêu thương tôi bất kể khi niềm tin của tôi khác bạn.

Nếu bạn cảm thấy ghét tôi, bực mình với tôi, thậm chí muốn Thượng đế tống tôi vào hỏa ngục… thì này này cẩn thận nhé, tâm trí bạn đang làm việc lấn át trái tim đấy, tức là ma quỷ đang xúi giục bạn đấy. Hãy bình tĩnh, nhắm mắt lại và đợi cho cảm giác bực tức qua đi đã, sau đó thì… hãy yêu thương tôi nhiều hơn ahihiiiii

Thượng đế là tình yêu.
Tôi không cần đến nhà thờ để nói tôi yêu Ngài vì tôi sẽ tự tìm cách biến đời mình thành đền thờ…

Nếu ai đồng ý với tôi, thực sự hiểu những gì tôi nói thì tôi rất hạnh phúc vô cùng để là người đầu tiên chìa bàn tay để chúng ta cùng nắm tay nhau biến cuộc sống này thành Thiên đường và làm cho Thượng đế phải tự hào về chúng ta…

Phi Tuyết 20/3/2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *