Những năm tháng học cách tự lập của tôi

Tôi học cách tự lập từ năm 11 tuổi như thế nào?

Nhà tôi có một truyền thống rất hay.
Các anh chị em trong nhà sau khi hoàn thành cấp tiểu học trường làng ngay gần nhà. Lên cấp hai sẽ được bố mẹ gửi ra “ở ké” nhà một ông bác ở ngoài “phố” để theo học cấp hai. Dù cho vẫn có trường cấp hai ở gần nhà. Bởi vì chúng tôi luôn quan niệm trường ngoài phố thì tốt hơn trường ở làng. Cũng bởi vì bố có một ông anh hai, mà chúng tôi gọi là bác, sinh sống ngay “phố”. Nên cứ tới 11 tuổi, bước vào cấp hai là đứa nào đứa nấy khăn gói “lên đường”.
Phố cách nhà ba mẹ tầm mười mấy cây số, khoảng 30 phút đi xe thôi nhưng đối với chúng tôi ngày ấy, nó là cả hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Cuộc sống ở làng yên ả bình dị bao nhiêu thì cuộc sống ở phố lại sôi nổi, nhộn nhịp và bận rộn bấy nhiêu.
Mỗi lần được mẹ chở đi phố hay mỗi lần có dịp giỗ chạp, tết nhất được ra nhà bác là tôi vui lắm. Cứ nhớ mãi cái cảnh vác chiếc ghế gỗ nhỏ ra trước nhà ngồi, chẳng để làm gì mà chỉ để ngắm xe cộ qua lại thật đông vui.
Các anh chị tôi đều đi học ở nhà bác trước tôi. Tôi mong đợi được ra phố sống lắm nên khi bố thông báo tôi không thể ra phố học được vì đã quá trễ để chuyển trường cho tôi. Khỏi phải nói tôi đã buồn, tức giận và cả lo sợ như thế nào. Tôi khóc rất nhiều. Cảm thấy đời mình chấm hết.
Thế rồi nhìn thấy sự đau khổ ấy bố tìm ra một con đường vòng. Ông quen một nhà mà nhà đấy quen một giáo viên dạy ở trường đấy nên bằng cách nào đó, cô ấy đã giúp tôi được nhập học. Khi nghe tin, tôi hạnh phúc trên mây mất mấy ngày trời.
Giờ nghĩ lại, nếu như không có cái truyền thống cho đi học xa nhà ấy thì chị em chúng tôi, đặc biệt là tôi, không thể nào sống tự lập được như hôm nay.
Điều tôi không nghĩ tới là, cả hai chị gái của tôi đều học buổi sáng, một người cuối cấp hai, một người cuối cấp ba. Trong khi tôi thì học buổi chiều. Việc học trái buổi này khiến họ không thể lo chuyện cơm nước hay bất cứ chuyện gì cho tôi được. Tôi phải học làm mọi thứ, một mình, mà không có một ai để hỏi. Hai bác đi làm suốt ngày lại có hai cô con gái nhỏ hơn tôi nhiều nên hỏi bất cứ ai chuyện này chuyện nọ đều là bất khả thi.
Vốn sống lâu nay ở nhà cùng bố mẹ, mọi chuyện ăn uống giặt giũ đều có người lo. Tôi chưa từng phải đụng tay làm bất cứ việc gì, kể cả rửa chén bát. Vậy nên cuộc sống tự lập lúc ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm.
Lần đầu tiên nấu cơm, tôi còn không biết phải cho nước vào cùng với gạo. Lúc ấy tôi bỏ gạo vào nồi, cố nhóm lửa rồi cứ vậy ngồi đợi cả tiếng chẳng dám rời nửa bước cũng chẳng dám mở nắp nồi ra xem. Cho tới khi lâu quá, nghĩ chắc cơm chín rồi thì mới phát hiện tất cả gạo và nồi đã cháy đen thui từ lúc nào. Vâng, tôi thậm chí còn chẳng nhận ra được mùi cháy nữa. Khỏi nói tôi đã sợ hãi như thế nào. Cảm giác tội đồ như mình vừa tiêu diệt hết cả trái đất vậy. Tôi khóc dữ lắm mà không biết phải làm gì. Cứ khóc mãi cho tới lúc phải đi học thì bình tĩnh hơn. Đổ chỗ than trong nồi vào cái túi nilon mang tút ra sau vườn rất xa để vứt. Nhét cái nồi cháy xuống dưới gầm giường và viết một bức thư xin lỗi hai chị, để trên bàn rồi đi học với đôi mắt sưng vêu, cảm giác tội lỗi, sợ hãi lẫn… đói bụng.
Sau đấy thì tôi khá hơn, không chỉ biết nấu cơm (bằng bếp củi) mà còn biết nấu canh nữa. Tôi hay nấu món canh cà chua bằng cách đun nước cùng với cà chua cho sôi lên rồi bỏ ít muối và bột ngọt vào. Thế thôi là xong một thứ súp loang loảng có mùi cà chua, tạm gọi là canh cà chua vậy. Tôi ăn cái món canh đó suốt mấy tháng trời, có khi là cả năm nếu trí nhớ tôi còn tốt. Bởi vì nó là món duy nhất tôi biết nấu. Món canh đó ám ảnh tôi đến tận giờ này. Tôi tự hứa với lòng mình không bao giờ ăn canh cà chua nữa. Thỉnh thoảng buổi tối các chị nấu gì đó như kho thịt kho cá thì trưa hôm sau nếu còn lại, tôi sẽ được ăn. Nếu không còn gì thì chỉ cơm cà chua ăn rồi đi học. Giờ ngẫm lại mới thấy các chị mình cũng thật vô trách nhiệm làm sao. Có mỗi con em gái mà chẳng bao giờ lo được cho nó bữa ăn đàng hoàng. Hừ. Có thể đó lại thêm một lý do sau này tôi cứ còi cọc mãi, bởi vì ăn uống quá thiếu chất suốt một năm ấy.
Lần đầu tiên giặt đồ, tôi thậm chí còn chẳng biết phải bỏ xà bông vào ngâm, hay cách giặt thế nào, hay lại còn phải xả lại bằng nước sạch thêm vài lần. Vâng, không biết một chút nào tất cả cái quy trình ấy. Tôi chỉ bỏ quần áo vào chậu, giũ giũ vài cái rồi treo lên cho khô là xong.
Chuyện kinh dị nhất trong hành trình tự lập của tôi mà kể ra đây cũng thấy hơi xấu hổ, ấy là chuyện đi tắm. Lúc nhỏ ở nhà tôi chỉ đi tắm khi bị mẹ nhắc nhở hoặc lôi đi, con nít mà, không thích tắm chút nào cả. Trừ tắm suối.

Thế cho nên khi ở tự lập một mình, không có ai nhắc nhở, cũng không còn bùn đất bám lên quần áo, tôi quên béng chuyện phải đi tắm trong nhiều ngày trời. Cho đến một ngày nọ khi các bạn trên lớp nói chuyện đi tắm, kiểu như là “Hôm nay nóng quá, về phải tắm một cái cho mát mới được” tôi như bị á khẩu, chỉ dám nghĩ trong đầu “Tắm, ừ đúng rồi, lâu quá rồi không tắm, quên béng mất” Ấy thế là lần ấy, tôi đã tự giác đi tắm lần đầu tiên trong đời, có lẽ vậy.
Công cuộc tắm cũng lắm gian nan. Ở nhà tắm mưa không thấy lạnh, tắm trong nhà thì có mẹ hoặc bà pha nước nóng cho nhưng tắm ở nhà bác thật là một sự kinh khủng. Tôi phải ra cái giếng phía sau nhà, vì giếng đó cạn hơn giếng trong nhà, để kéo nước trong cái thùng nhựa lên và tắm. Sợ lắm, sợ bị rớt xuống giếng không ai biết. Hên là chưa bị rớt lần nào cả nếu không thì cũng không còn ở đây mà viết những dòng này. Nhớ lần tắm ấy quả là một kỉ niệm khó quên vì tôi cực kì bẩn. Có thể nói là ghét bám khắp người mà không hề biết, cũng chẳng hề bận tâm chút nào. Lúc đó da cũng đen nên không thấy bẩn chăng? Lần ấy tôi kì cọ như chưa bao giờ được tắm trong đời, kì hết lớp bụi đất bám quanh người mê say đến nỗi khi xong việc thì toàn thân cũng đỏ bừng như vừa lột da vậy.
Sau đó tôi nhiều kinh nghiệm hơn, kéo nước chuyên nghiệp hơn và tất nhiên là cũng tắm gội nhiều hơn, có lẽ … 3 lần một tuần. hahaah
(ê ê giờ tôi tắm mỗi ngày nha, hừ)
Chuyện đi học
Đường từ nhà bác đến trường khá xa xôi, tầm 5 cây số, tôi đoán vậy. Trong suốt từ lớp 7 tới lớp 9 tôi đã đạp quãng đường 10-20km mỗi ngày, nếu như trúng ngày học thêm nữa. Đường xa, nắng nóng tôi lại không bao giờ đội mũ nón, đeo khẩu trang hay có bất cứ phương pháp nào để “bảo vệ” mình cả. Đó là lý do từ sớm tôi luôn đen nhẻm, đầy tàn nhang và cả nám nữa. Và cho tới bây giờ thật hiếm khi nào tôi dùng tới khẩu trang hay bôi kem chống nắng, kể cả khi đi biển. Lối sống “buông thả” “vô trách nhiệm” với sắc đẹp hình thành từ ngày ấy và kéo dài cho tới tận bây giờ.
Bởi vì đạp xe đi học xa một cách cần mẫn, may thay chân tôi dài ra. Dài nhất trong số các chị em trong nhà.
Tôi lên lớp 7, các chị tôi chuyển trường. Chị hai đi thành phố học đại học. Chị ba vào cấp 3 thì chuyển về gần trường ở trọ cùng bạn đi học cho gần vì đạp xe mệt quá. Mình tôi ở lại nhà bác cùng một “bà dì” bằng tuổi tôi – dì Hiền, người ở cùng tôi suốt từ lớp 6 đến lớp 9 nhưng chúng tôi chẳng thân nhau lắm. Mạnh đứa nào đứa nấy sống mà thôi.
Từ lớp 7 tôi tự lập khá hơn. Đã biết nấu các món đơn giản để nuôi bản thân mình. Thích nhất mỗi buổi sáng ngồi trước cửa nhà, đợi mẹ đi chợ lấy hàng ngang qua thì hú gọi mẹ, mẹ dừng lại cho cái bánh mì, ít trái cây, lúc thì cá thịt rau củ. Nói chung mẹ cứ cung cấp đồ ăn đều đặn nếu như tôi “bắt” được đúng giờ mẹ đi chợ về. Mẹ cũng lạ. Đáng lẽ như “mẹ người ta” là phải dừng xe lại để ghé thăm rồi đưa đồ ăn cho tôi mới đúng. Vì nhà bác nằm trên trục đường mẹ buộc phải đi qua mỗi ngày. Đàng này mẹ chẳng bao giờ tự động dừng lại. Tôi toàn phải ra ngồi đợi như đợi rước tổng thống ý. Có hôm mẹ đi qua lúc nào chẳng biết. Đợi từ sáng sớm tới trưa không thấy thì vào chuẩn bị đi học, buồn muốn khóc.
Ở nhà bác chẳng có gì làm nên ngoại trừ giờ học trên lớp, tôi lại học bài ở nhà. Đi học về là ngồi ngay vào bàn học, hoàn thành bài vở đâu ra đấy. Nói chung là học rất chăm, đến nỗi năm nào cũng đạt học sinh giỏi, có năm còn giỏi nhất khối và được trường thưởng tiền nữa.
Hồi ấy có một ít tiền tiêu vặt mỗi tuần, tôi xài tiết kiệm dữ lắm. Thú vui mỗi ngày trên đường đi học hay đi học về là ghé ngang chợ mua một túi chè đậu đen giá 500 đồng. Có hôm nào can đảm và thèm quá thì mua 2 túi chè 500đ là hết 1000đ để ăn cho được nhiều chứ cũng không như người ta mua luôn một túi 1000đ cho rồi.
Nhìn cô bạn thân mua cho em cô ấy một cây xúc xích, tôi thèm chảy nước miếng mà không dám mua, kể cả khi có tiền. Vì suốt cả thời thơ ấu chưa bao giờ phải xài tiền cả.
Gần trường có chỗ kia bán bún và bánh canh mà học sinh hay ăn rất đông. Mọi người hay ăn tô 3000đ với một cục xương to trong tô bún. Tôi luôn và chỉ luôn dám gọi tô 2000đ với vài lát thịt be bé vì tô 3000đ là thứ quá xa xỉ. Bánh khoai bánh chuối cũng là món hot phải ăn mỗi khi đi học. Người ta mua 2000-5000 tôi luôn chỉ mua đúng một cái 500đ. Không hiểu sao hồi ấy lại … sợ xài tiền đến vậy. Cứ cảm giác mình mà tiêu xài nhiều là mình phung phí và có lỗi với bố mẹ lắm.
Càng lớn thì khả năng xài tiền của tôi cũng tăng dần lên!
Mỗi cuối tuần, bố hoặc anh hai sẽ ra đón tôi về nhà thăm nhà. Đều đặn mỗi tuần một lần. Từ nhà ra đi học tôi lại mang theo đồ ăn đồ uống vì nhà tôi bán tạp hóa mà, nhớ không?
Tôi ở nhà bác tới khi hết lớp 9, qua lớp 10 thì cũng chuyển tới một phòng trọ gần trường để đi học cho tiện. Từ lúc ấy Phi Nhung ra ở cùng với tôi.
Cấp ba của tôi là những năm tháng khác hoàn toàn.
Bố giao cho chúng tôi xe máy. Tôi cũng “biết cách xài tiền” hơn nên mỗi tuần về nhà tôi đều mang theo rất nhiều tiền để chi xài. Mẹ không bao giờ đưa tiền cho chúng tôi, cũng không bao giờ hỏi. Chúng tôi cứ tự giác thích lấy bao nhiêu trong cái thùng gỗ bán hàng thì lấy.
Có lẽ trong số toàn bộ bạn bè, tôi là người có cuộc sống tự do nhất và cũng giàu có nhất thời điểm ấy. Những năm cuối cùng, tôi và em gái sống một cuộc sống hoàn toàn khác biệt với mọi người. Hai chị em sáng đi học, chiều đi “phố” chơi, khi thì café khi thì mua sắm. Chúng tôi cũng thường ăn uống ở bên ngoài, những món ngon lành nhất mà chúng tôi có thể nghĩ ra. Tất nhiên cũng có tự nấu ăn nữa nhưng số lần đi ăn quán bên ngoài thì nhiều hơn. Thời ấy, thỉnh thoảng người ta mới đi ăn ngoài mà thôi, chúng tôi thì đi thường xuyên lắm. Đến nỗi việc nấu ăn ở nhà chỉ khi không còn nghĩ ra thứ gì muốn ăn ở bên ngoài.
Mua sắm là một trong những hoạt động chúng tôi yêu thích nhất. Chúng tôi mua rất nhiều quần áo, giày dép, mọi thứ đến nỗi căn phòng trọ nhỏ chật kín quần áo các loại. Các bạn tôi vài tháng mới được mua cho quần áo mới. Toi và em gái luôn có quần áo mới mỗi tuần đều đặn.
Không tuần nào tôi và em gái không đi hát karaoke, chỉ hai đứa với nhau, gọi vài chai nước ngọt và hát thay phiên cho tới khi khô cuống họng rồi về. Chúng tôi thật sự thưởng thức việc hát karaoke ngày ấy. Chỉ là hát, chẳng cần ai nghe cả.
Không chỉ mua sắm hay café, chúng tôi cũng thường xuyên rủ thêm bạn bè đi bar cuối tuần nữa. Vũ trường thời ấy dễ thương lắm chứ không hỗn loạn như bây giờ. Hồi ấy, người ta bán vé, đâu tầm 30-40k/vé vào cửa, bao gồm một món đồ uống, bia hoặc nước ngọt. Chúng tôi chỉ chọn nước ngọt và cùng tham gia nhún nhảy cùng tất cả mọi người bên trong. Chị ba tôi là người đầu têu dẫn chúng tôi tới đây. Khi chị đi học xa thì tự chúng tôi tìm tới. Vũ trường mở nhạc dance, đôi khi là những bản romance, xì-lô nhè nhẹ, bàn ghế kê sát tường còn lại chừa một khoảng trống lớn ở giữa làm sân khấu chung cho mọi người cùng nhau nhún nhảy theo nhạc. Tôi thích kiểu vũ trường đúng nghĩa ấy chứ không phải kiểu bar ngày nay người ta chỉ đứng tụm lại quanh một cái bàn cao, lắc lư theo tiếng nhạc đinh ta nhức óc và cố chuốc nhau uống thật nhiều chả vui gì cả.
Chính nhờ những năm cấp ba vui chơi mua sắm “tẹt ga” như vậy đã phần nào định hình cuộc sống của tôi sau này. Thứ nhất, một người mà tôi gọi là “anh hai”, là chủ quán café mà tôi thường lui tới. Chúng tôi có mối quan hệ anh em thân tình khá tốt với nhau, cho đến giờ.
Tôi hay ghé quán anh đến nỗi trở thành khách thân quen và sau đó tôi xin làm thêm ở quán anh, không phải vì tôi cần tiền, mà vì tôi muốn có trải nghiệm mới. Làm được vài ngày không hiểu sao mẹ phát hiện và bắt tôi nghỉ. Tôi không làm nữa nhưng vẫn đến quán chơi và phụ anh mỗi khi rảnh. Anh ấy đã gieo cho tôi một hạt mầm khiến tôi nghĩ rằng “Mai này mình sẽ làm chủ giống như anh ấy”. Nhiều năm sau, tôi cũng làm chủ, cũng là chủ một quán café mà có lẽ chỉ cách quán cũ của anh ngày ấy vài bước chân. Thật tuyệt khi nhìn ước mơ thành hiện thực, dù cho một thời gian ngắn.
Việc mua sắm nhiều cũng vậy. Nó khiến cho tôi yêu thời trang và có lẽ đó là lý do sau này tôi đã chọn việc mở một shop thời trang ở Bảo Lộc sau khi ra trường, thay vì học liên thông hay đi xin việc như các bạn khác.
Còn về quán bar, tôi đã kịp tận hưởng hương vị đúng chất, đúng nghĩa của những quán bar từ khi tôi còn là một học sinh cấp ba và thế là đủ, tôi không quay trở lại nơi đó nữa. Giờ dù ai có đi bất cứ quán bar lớn nhỏ nào, tôi đều tìm cách từ chối. Vì khoảng thời gian đó với tôi, với những điệu nhảy nhẹ nhàng, những con người lịch sự, những câu chuyện đùa trong quán bar ngày ấy đủ để tôi biết bar thật sự là như thế nào. Karaoke ư? Không một ai có thể rủ tôi đi karaoke được nữa, cho tới giờ. Vì tôi không thích hát cho ai nghe cả mà có lẽ, cũng chả ai thích nghe tôi hát đâu.
Một kỉ niệm buồn vào năm lớp 11, sau thời gian năn nỉ, bố mẹ đồng ý mua cho chúng tôi một dàn máy tính, khá đắt tiền. Tôi vẫn còn nhớ con số tổng là hơn 10 triệu, rất lớn ngày ấy và cũng vẫn lớn lúc này. Tôi và em gái xài được 1-2 tháng thì trong dịp về nghỉ tết, chúng tôi bị trộm lẻn vào cuỗm sạch. Vậy là mùng 1 tết năm ấy khi nghe tin báo, tôi khóc tức tưởi, khóc nức nở vì cảm giác buồn, hối hận. Tôi không thương mình. Tôi thương bố mẹ. Tôi nghĩ mình sẽ bị ăn đòn nhưng không. Mẹ không tức giận, không trách mắng bất cứ câu nào còn bố, chỉ nói duy nhất một câu “Của đi thay người con ạ, đừng khóc nữa. Lần sau mình cẩn thận hơn.”
Bố mẹ tôi tuyệt vời quá đúng không!
Sau này ngẫm lại thấy rằng đời tôi có một cái may mắn lớn nhất, đó là được làm con của bố mẹ, được sinh ra trong ngôi làng xa xôi ấy. Nhờ vậy mà tôi có một tuổi thơ “dữ dội” đúng nghĩa quanh con suối, quả đồi. Quảng thời gian ấy tôi được tự do và được tạo mọi điều kiện để sáng tạo mọi thứ mình muốn.
Cũng chính vì sinh ra từ làng nhưng có bố mẹ tư tưởng cấp tiến nên tôi mới được “đẩy” ra ngoài tự lập sớm để rồi trở thành một người trưởng thành sau này. Nếu không có những tháng ngày tự mình xoay xở mọi thứ của hồi cấp hai thì giờ hẳn tôi cũng không thể tự chăm sóc bản thân mình từ đó đến giờ. Chúng tôi, mọi chị em trong nhà đều trở nên rất giỏi nấu ăn là nhờ vậy. Và nếu không có thời cấp ba ăn chơi mua sắm như thế có lẽ tôi đã không chọn con đường trở về kinh doanh thời trang, trở thành một “cô chủ bé”. Mà chính việc kinh doanh này đã cho tôi cuộc sống ngày hôm nay, những trải nghiệm, những bài học, những cuốn sách, bao gồm cả sách tôi đọc và sách tôi viết nữa.
Dù cho hồi cấp ba chơi bời nhiều là thế nhưng tôi lại học rất tốt. Còn nhớ hồi chuẩn bị thi đại học, tôi không chọn trường, mà chọn ngành. Đó là lý do tôi thi đậu đại học kinh tế với số điểm 21 điểm trong khi trường chỉ lấy 19 điểm năm ấy, nhưng lại không học trường kinh tế vì tôi đã đăng kí chuyển tất cả số điểm qua học ngành Quản trị du lịch của trường Hồng Bàng – một trường mà không cần thi cũng đậu vì chỉ tổ chức xét tuyển. Hối tiếc cũng muộn. Tôi không thể học trường Kinh tế, mà cũng chẳng có ngành nào bên ấy tôi thích cả. Cũng không theo học trường Hồng Bàng. Tôi đậu Cao Đẳng Kinh tế Đối Ngoại với số điểm 24, nên theo học ngành Marketing bên ấy.
Kì lạ làm sao, đây cũng là một bước ngoặt trong đời tôi vì sau khi học xong tôi mới nhận ra rằng tôi ghét nó. Từ đó về sau, tìm hiểu sâu hơn về quảng cáo, chủ nghĩa tiêu dùng… Tôi trở thành một người “thù ghét” Marketing lúc nào không hay. Vâng, tôi vẫn kinh doanh nhưng lại ghét Marketing. Chính vì vậy việc kinh doanh chỉ luôn tạm ổn chứ không thể “phất cao” lên được. Rồi lại chính nhờ việc kinh doanh không quá chú trọng doanh thu lợi nhuận mà tôi có thời gian để làm mọi điều tôi muốn, trải nghiệm mọi thứ tôi muốn và biến cuộc sống trở nên phong phú, xinh đẹp và ý nghĩa như bây giờ.
Có thể bạn không tin, tôi biết bạn không tin, nhưng ngay lúc này, tôi cảm thấy mình có đầy đủ mọi thứ mà một người trên đời có thể cần: sức khỏe, vật chất, tinh thần, trải nghiệm và… hạnh phúc.
Chúng là kết quả của một cuộc đời, có thể không có gì nổi bật hay đặc biệt nhưng đối với tôi mà nói, tôi không mong đợi gì hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *