Hãy mang thiền định vào xã hội cộng sản, chúng ta bình đẳng trong cơ hội trở thành những vị Phật

Cộng sản và ngọn lửa thiền, cơn gió thiền.

Những câu chuyện thiền

“Thầy kính yêu”, Yakusan hỏi một vị sư “Ông đến từ đâu?”
“Từ Nansen…”
Nansen là một trong những vùng đất vĩ đại nhất về thiền. Câu trả lời của vị sư rằng ông ấy đến từ Nansen, và Yakusan lập tức hỏi “Ông ở đó trong bao lâu?”
“Từ mùa đông cuối cùng cho đến mùa hè” vị sư trả lời
“Vậy ông phải trở thành một con bò tốt rồi” Yakusan nói thêm
Tôi phải nói với các bạn chuyện về con bò – tôi đã kể bạn về nó trước đây rồi.
Trong một câu chuyện cổ Trung Hoa, có mười bức tranh, mười bức tranh rất đẹp về con bò bị chăn dắt – con bò của bậc thầy.
Trong bức tranh đầu tiên, con bò trốn thoát khỏi chủ và chạy vào trong rừng sâu. Người chủ tìm kiếm nó xung quanh, nhưng ông ta chỉ thấy toàn cây và cây, và không có con bò nào cả.
Trong bức tranh thứ hai, ông ấy tìm thấy dấu chân con bò. Giờ đã có một ít hi vọng, ông ta đi theo dấu chân.
Trong bức thứ ba, ông ấy tìm thấy con bò đang ẩn mình sau một bụi cây, chỉ lưng và đuôi là có thể thấy được. Nhưng ông ấy rất hạnh phúc khi nghĩ “nó cố tình lừa ta”.
Trong bức thứ tư ông ấy thấy toàn bộ con bò.
Bức thứ năm, ông ấy nắm lấy cái sừng con bò. Nó là một cuộc chiến khó khăn, con bò luôn khỏe hơn con người rất nhiều.
Với nhiều gian khổ, ông ta cũng quản lý được. Trong bức thứ sáu, ông ấy cưỡi lên lưng con bò. Bức thứ bảy, ông ấy đi trở về lại nhà.
Bức thứ tám, ông ấy đặt lại con bò nơi nó thường bị nhốt. Bức thứ chín, ông ấy ngồi trước túp lều tranh và thổi sáo.
Khi những bức tranh này đến tới Nhật Bản, bức thứ mười đã bị bỏ đi. Bởi vì người ta nghĩ nó nguy hiểm. Đặc biệt là với những người mới, những người không biết sự toàn bộ trong thế giới thiền.
Bức thứ mười nói về sự hạnh phúc của ông lão. Ông ấy lấy một chai rượu chạy thẳng ra chợ, có lẽ chạy đến một cái pub, để uống cùng bạn bè mình. Ông ấy đã tìm được con bò, giờ thì ông ấy đi ăn mừng.
Người ta sợ rằng bức tranh sẽ khiến mọi người nghĩ rằng họ có thể uống rượu, điều này chống lại lời Phật, cho nên người ta đã bỏ nó đi.
Nhưng tôi yêu bức tranh thứ mười, bởi vì nó không diễn tả rượu. Rượu chỉ là một biểu tượng cho sự say sưa với thần thánh. Nó là biểu tượng cho việc hoàn toàn hòa tan vào sự tồn tại: chỉ thư giãn, trong âm điệu, trong hòa âm, trong sự hòa hợp. Việc ông ấy chạy đến quán rượu cũng là một biểu tượng nữa. Nó là chạy thẳng về phía tinh chất cuộc đời của bạn, trở về trung tâm của bản thể bạn, nơi mà bạn có thể say sưa.
Loại say xưa này không bao giờ kết thúc. Một lần bạn được nếm trải nó, bạn có nó, nó không bao giờ tan biến đi. Nó sẽ chảy tràn trong suốt cuộc đời bạn. Cả đời bạn sẽ trở nên như một lễ hội của ánh sáng, cả đời bạn sẽ trở nên như một nghi thức của tiếng cười, của nhảy múa, của bài ca, của âm nhạc.
Bức thứ mười đã bị lấy mất vì người ta sợ hãi. Giờ đây tôi muốn mang nó trở lại, thậm chí tới Nhật Bản.
Ishida đang ở đây, ngồi kia. Cô ấy tới từ Nhật Bản, từ một ngôi đền Shinto. Tôi sẽ làm cho cô ấy trở thành đại sứ ở Nhật. Tôi có những đại sứ như vậy ở khắp nơi trên thế giới. Sớm thôi tôi sẽ có cả đại sứ ở Soviet nữa.
Tôi muốn nói với Ishida rằng bức tranh thứ mười phải được trả lại chỗ của chín bức kia, bởi vì chín bức kia là không hoàn chỉnh.
Đây là câu chuyện của một con bò.
Nên khi Yakusan nói “Vậy thì ông hẳn đã trở thành một con bò tốt”
Vị sư nói “Vấn đề là, tôi đã ở đó nhưng tôi đã không thậm chí đi đến phòng ăn.”
“Nhưng ông không thể đi qua chỉ như một cơn gió thổi”
“Ồ không quá tệ như vậy, Osho…”
Osho là một từ đẹp. Nó nên được thêm vào mọi ngôn ngữ. Chỉ âm điệu của nó cũng đã đẹp rồi: Osho. Nó thể hiện sự tôn trọng, nó thể hiện tình yêu, nó thể hiện lòng biết ơn. Nó không chỉ là một từ khô khan như “tôn kính”. Nó là một từ đáng yêu và thân thiện, hầu như có mọi giác quan của những người đang yêu.
Người đàn ông nói “Không quá tệ như vậy, Osho”. Yakusan cũng là một bậc thầy vĩ đại.
“Luôn có một người giữ cái thìa cho tôi.”

Thiền nói về những biểu tượng, đó là lý do tại sao nó cứ mãi giữ nguyên tình trạng như một dòng chảy nhỏ trong thế giới thần bí vĩ đại mà không thể trở thành một hiện tượng đại chúng. Có lẽ nó quá tốt đẹp để trở nên phổ cập đại chúng. Mọi thứ mà đã trở thành hiện tượng đại chúng đều bị xuống cấp dần, bởi vì số đông con người là những kẻ ngu ngốc. Trong mọi khoảnh khắc, một kẻ ngốc lại được sinh ra trên thế giới. Dân số cứ tiếp tục tăng lên.

Khi tôi ở Mỹ, tôi đã bình luận với người phỏng vấn truyền hình, rằng “Toàn bộ Oregonians” – nơi chúng tôi sống – “là những người trì trệ”. Oregonians đã rất tức giận, đặc biệt là vị tổng chưởng lý của Oregon, David Frohnmeyer, và chính quyền, các chính trị gia đều trở nên tức giận. Vì tôi đã nói rằng cả bang này toàn người ù lì chậm trễ.
Nhưng đại học Oregon lại đưa ra một tuyên bố. Họ khảo sát một phần của xã hội Oregon, và họ khảo sát công xã của tôi. Kết quả của họ đã làm bực mình thống đốc, tổng chưởng lý và tất cả các chính trị gia. Kết quả là độ tuổi đánh giá tâm lý trung bình của người Oregon nằm ở con số bảy – đó là tuổi của những người chậm phát triển. Trong khi độ tuổi tâm lý của người ở công xã ở con số 14, gấp đôi của người dân Oregon.
Nhưng những kẻ ngu ngốc luôn cố gắng phá hủy những cộng đồng thông minh trên thế giới. Dù cho họ có những bác sĩ phẫu thuật vĩ đại, bác sĩ, giáo sư, hầu hết đều có bằng đại học về một vài ngành, hàng trăm những tiến sĩ, hàng trăm những D.Litts. Đó là một nhóm người rất thông minh.

Thiền vẫn cứ chỉ là một dòng chảy nhỏ, một đường rãnh nhỏ, nhưng vô cùng giàu có. Nó được chứa đựng trong những biểu tượng. Nếu bạn không hiểu những biểu tượng, câu chuyện sẽ trở thành vô nghĩa.

Vậy những biểu tượng gì trong lời nói của nhà sư? “Nó không quá tệ như vậy, Osho. Đừng nghĩ rằng tôi đói chỉ bởi vì tôi chưa bao giờ đi vào nhà bếp. Luôn có một người giữ cái thìa cho tôi. Đó chính là Nansen, người nuôi dưỡng tôi. Nhìn thấy tôi không bước vào nhà ăn, ông ấy luôn – và ông ấy là một vị thầy – luôn mang thức ăn đến cho tôi. Không chỉ thức ăn vật lý, mà còn là sự nuôi dưỡng tâm hồn nữa.”
“Giữ cái thìa cho tôi” nghĩa là sự nuôi dưỡng. Ở đó có người luôn chăm sóc tôi: đó là thầy của tôi, Nansen. Tôi đơn giản chỉ đợi ở ngoài phòng ăn để xem liệu thầy có chăm sóc mọi người, liệu ông ấy có nhìn ra ngoài cửa sổ và nhìn thấy một vị sư đang đứng ngoài, không bước vào trong.
Vậy nên nó không quá tệ. Khi tôi đói khát, Nansen nuôi dưỡng tôi, qua cái cửa sổ. Nó không chỉ nuôi dưỡng cơ thể tôi: sự chú ý của ông ấy, sự chăm sóc của ông ấy cho tôi cũng là sự nuôi dưỡng nữa. Tôi không là ai cả vậy mà ông ấy đã dành quá nhiều sự chăm sóc. Mỗi ngày ông ấy đều nhớ tôi, nhớ rằng tôi đang đứng ở bên ngoài.
Rời khỏi bàn ăn, ông ấy đến và trao cho tôi đồ ăn. Ông ấy không bao giờ hỏi “Tại sao ông lại cứ mãi đứng bên ngoài?” – bởi vì đó là điều căn bản của thiền: không làm phiền đến cuộc sống của bất cứ ai. Mọi người có một lãnh thổ riêng là một khu vực nhất định. Đừng bước vào trong đó. Đó là phẩm giá của họ, là niềm tự hào của họ. Hãy để những điều ấy lại cho họ. Đừng bước vào, đừng mang đi.
Và ông ấy không chỉ cho tôi đồ ăn, ông ấy còn mang cả sự nuôi dưỡng tâm linh nữa. Điều đó không quá tệ, Osho. Đừng hiểu lầm tôi, đừng hiểu lầm cả thầy của tôi – Nansen.”

Câu chuyện thiền số 2

Vào một dịp khác, Yakusan đã trở lại ngôi đền của ông ấy với một bó đuốc đang cháy khi một người sư hỏi ông “Ông đã ở đâu vậy?”
Yakusan đáp “Tôi có bó củi”
Vị sư chỉ vào thanh kiếm của Yakusan và nói “Nó tạo ra âm thanh tap-tap”
Có lẽ bởi vì ông ấy đang mang theo bó củi, và thanh gươm treo ngay hông. Nó đã chạm vào bó củi và tạo ra âm thanh tap-tap. Ông ấy nói “Cái gì đã tạo nên âm thanh tap-tap đó?”
Tới đây vị thầy liền rút thanh gươm ra và đứng với tư thế của một chiến binh. Ông ấy đứng như một chiến binh.
Đâu là ý định của Yakusan muốn tỏ ra cho vị sư?
Đầu tiên, vị sư đã hỏi “Ông đã ở đâu?” Ông ấy không trả lời câu hỏi đó, bởi vì những gì trong quá khứ là quá khứ, cái gì trong tương lai là tương lai. Chúng không có gì liên quan tới thiền.
Sự bận tâm của thiền chỉ là trong khoảnh khắc hiện tại.
Bạn có thể hỏi một câu hỏi về quá khứ, nhưng bạn không thể làm phân tâm vị thầy khỏi hiện tại. Vậy nên ông ấy đã không trả lời ông ấy đã ở đâu, mặt khác, ông ấy đơn giản nói “Tôi có bó củi.” Chỉ trong hiện tại, ngay lúc này, bạn có thể nhìn thấy bó củi và bạn có thể hiểu nơi đâu tôi đã ở – đi nhặt củi. Nhưng điều đó không cần phải được nói ra. Nó là quá khứ. Tôi đơn giản chỉ là cho bạn thấy hiện tại. Và hiện tại ngụ ý về quá khứ, theo một cách tế nhị, nó còn ngụ ý cả tương lai nữa, nhưng không gì có thể nói về nó. Nó là những thứ đã xảy ra, đã đi rồi, nó là những thứ còn chưa xảy ra, chưa đến.

Chúng ta chỉ có thể sống trong giây phút hiện tại này. Đây là thời gian của chúng ta. Người không bao giờ biết cái gì đang xảy ra trong khoảnh khắc kế tiếp.

Chỉ ba ngày trước, một sannyasin người Canada đã ở đây trong ba ngày, đã thiền định. Và trước khi thiền định anh ấy đã bộc lộ điều anh ấy khao khát rằng, “Tôi muốn được trở thành một sannyasin tối nay”. Trong khi thiền định, anh ấy chết. Tối nay ấy không bao giờ đến.
Người ta nghĩ, trong hai tiếng rưỡi, anh ấy đang ngồi thiền. Nhưng khi anh ấy không nhúc nhích, ai đó đã lay và phát hiện rằng anh ta đã chết. Nhưng theo tôi, chỉ cái ý định sẽ được trở thành một sannyasin là đủ.
Anh ấy đã là một sannyasin rồi.
Sannyas không phải là thứ gì đó ở bên ngoài, nó là thứ gì đó khởi lên bên trong bạn, như một sự thúc giục, một khao khát sâu thẳm. Và anh ấy đã chết trong khi thiền định – còn sự khởi đầu nào tốt hơn thế? Anh ấy đã chết như một sannyasin. Trong sự tĩnh lặng bao la, anh ấy biến mất về nơi xa.

Thiền không nói về quá khứ và tương lai. Nó chỉ bận tâm một cách toàn bộ vào lúc này và ngay tại đây.

Tôi luôn yêu thích kể những câu chuyện nhỏ. Câu chuyện số 3:

Một người biện hộ vô thần rất giỏi đã viết lên trên tường phòng khách của nhà anh ta một dòng chữ viết hoa:
THƯỢNG ĐẾ KHÔNG Ở NƠI NÀO. (GOD IS NOWHERE)
Tất nhiên, mọi người đến gặp anh ta sẽ phải đọc dòng chữ ấy vì nó ở ngay trước mắt, lại còn được viết rất to.
Khi đứa con đầu của anh ta ra đời, một ngày nọ anh ta chơi với nó. Đứa trẻ đang bắt đầu học ngôn ngữ một cách chậm rãi, vậy nên nó đọc câu viết trên tường. Nó có thể đọc “Thượng đế ở không nơi nào” nhưng bởi vì cụm từ “không nơi nào” là một cụm từ lớn. Nó kông thể đọc cả cụm trong một lần phát âm. Thế nên nó đã cắt cụm chữ ra làm hai và đọc lớn GOD IS NOW HERE “Thượng đế ở đây bây giờ” (NOWHERE = NOW HERE) từ Nowhere đã bị cắt thành hai mảnh.
Lần đầu tiên anh ta nhìn lại dòng chữ và nói “Lạy Chúa, đứa trẻ này đã thức tỉnh tôi. Từ giờ tôi không thể nào đọc câu ấy theo cách trước đây được nữa. Tôi sẽ luôn luôn nhớ về “ở đây, bây giờ.”
Đó là khoảnh khắc biến đổi lớn lao cho vị biện hộ. Lần đầu tiên anh ta bắt đầu suy nghĩ “Làm sao tôi có thể biết rằng Thượng đế không ở đâu cả? Tôi đã bao giờ khám phá toàn bộ không gian? Tôi đã bao giờ khám phá bản thể bên trong của mình?”

Người vô thần lẫn người hữu thần cũng đều là những người mù. Cả hai đều là những người sùng tín. Chỉ một người có thể đúng là người đồng nhất; người không vô thần cũng không hữu thần; người mà đơn giản là tìm kiếm chân lý. Người không có hệ thống niềm tin, không định kiến, không có bất cứ một ý thức hệ bị lập trình nào.

Tôi không thấy nhiều khác biệt giữa người vô thần của Soviet với người hữu thần của Vaticam. Người hữu thần của Vatican được đặt nền tảng trên niềm tin của cuốn kinh thánh. DAS KAPITAL là kinh thánh đối với những người Soviet – bởi vì Marx nói rằng không có thượng đế. Nó đã trở thành một chương trình cho mọi đứa trẻ. Trong 70 năm thế hệ già đã biến mất. Giờ mọi đứa trẻ đều tin rằng không có Thượng đế. Tại Ấn Độ mọi đứa trẻ đều tin rằng có Thượng đế. Cả hai đều tin: một là niềm tin tích cực, một là tiêu cực, nhưng niềm tin vẫn là niềm tin. Soviet không biết gì về chân lý, cả Vatican nữa.

Người mà biết sẽ nói rằng: việc nói về cái tối hậu là điều bất khả. Cái tối hậu không thể được mang vào trong bất cứ ngôn ngữ nào. Nó vẫn cứ mãi là điều thần bí. Bạn có thể đi vào trong nó, nhưng bạn không thể nói bất cứ điều gì về nó. Bạn có thể thưởng thức nó, bạn có thể hân hoan trong nó, bạn có thể nhảy múa trong nó, nhưng ngôn ngữ thì quá nghèo nàn để chứa đựng và thể hiện nó.
Đây là cái nghèo của triết học, rằng nó không thể diễn tả cái kinh nghiệm tối hậu của thiền định.
Chỉ những người thuộc trường phái bất khả tri mới có thể trở thành một người thiền định. Anh ta phải đặt sang một bên mọi chương trình được cài đặt sẵn. Không quan trọng đó là chương trình của vô thần hay hữu thần. Tất cả mọi chương trình, mọi tâm trí, đều phải bị đặt sang một bên. Rồi bạn phải bước vào trong khoảng không của vô tâm trí.
Trong cái vô trí đó sẽ không có thời gian, chỉ có những khoảnh khắc hiện tại và sự im lặng bao la, sự trong suốt tuyệt đối. Bạn là một bản thể phát sáng chói lọi, ở đây, ngay bây giờ.

Đó là lý do tại sao Yakusan nói “Tôi có bó củi”. Phần còn lại anh có thể hiểu. Nhưng đừng hỏi tôi về quá khứ.
Vị sư sau đó đã chỉ vào thanh kiếm của Yakusan và nói “Cái này tạo ra âm thanh tap-tap. Nó là cái gì vậy?”
Bạn đã bao giờ từng nghĩ về nó. Thậm chí một thứ nhỏ bé không thể định nghĩa được. Nếu ai đó hỏi bạn “Màu vàng là gì?” Bạn sẽ nói gì? Bạn có thể chỉ vào thứ có màu vàng, nhưng bạn không thể đưa ra bất cứ định nghĩa nào. Màu vàng là gì, màu đỏ là gì? Bạn có thể nói “đỏ là đỏ”. Nhưng điều đó không mang lại câu trả lời nào. Nó là từ đồng âm. Bạn chỉ đơn giản lặp lại “một bông hoa hồng là một bông hoa hồng là một bông hoa hồng” nhưng bạn sẽ chẳng đi tới đâu với câu trả lời ấy. Bạn không thể định nghĩa hoa hồng là gì. Bạn chỉ có thể biểu thị nó “đây là…”. Không định nghĩa nào là có thể cả – chỉ có những cách biểu lộ.
Vậy nên khi người đàn ông hỏi “cái gì tạo ra âm thanh tap-tap?” vị thầy đã không trả lời “Nó là một thanh gươm.” Bởi vì thiền không tin vào ngôn ngữ. Nó tin vào sự tồn tại.
Ông ấy tuốt gươm khỏi bao và cho vị sư xem một thế đứng của chiến binh, cách một chiến binh đứng với cây kiếm “Đây là nó. Nếu ông có mắt ông có thể nhìn. Nếu ông không có mắt thì tôi cũng không giúp gì được.”
Nhưng không có đối thoại, chỉ có những dấu hiệu là tồn tại.

Thơ haiku

Shiro viết
“Trong màn sương mù tuyết trắng
Nơi mà biển và trời là một
Chỉ một cái đĩa màu đỏ – mặt trời mọc.”
Haikus là những bức tranh, hãy hình dung chúng. Chúng không phải những bài thơ theo các giác quan thông thường.
Chỉ hình dung:
Trong màn sương của tuyết trắng
Nơi biển và trời là một
Một cái đĩa màu đỏ – mặt trời mọc.
Những bài thơ haiku đến từ thiền định.
Có lẽ Shiro đang ngồi thiền bên bờ biển, và ngay khi ông ấy mở mắt ra
Trong màn sương mù của tuyết trắng nơi biển và trời là một,
Trên đường chân trời, đột nhiên
Một cái đĩa màu đỏ – mặt trời mọc.
Phần của ông ấy hoàn toàn im lặng, ông ấy không còn ở đó nữa. Ông ấy hoàn toàn bị thấm, bị hấp thụ vào trong đại dương, trong màn sương mù, trong mặt trời đang mọc.
Cùng điều đó đã xảy ra cho Picasso – nó sẽ giúp bạn hiểu.

Picasso đang vẽ. Một người đàn ông khác cứ liên tục quan sát việc vẽ ấy trong một giờ rưỡi. Cuối cùng không thể kháng lại sự cám dỗ – bởi vì ông ta không thể hiểu những gì Picasso đang vẽ, chỉ những mảng màu, không có ý tưởng nào về những gì sau những mảng màu ấy. Cuối cùng, không thể cưỡng lại cám dỗ được biết, ông ấy lay Picasso và hỏi “Ông đang vẽ gì vậy?”
Như bừng tỉnh khỏi cơn mê, Picasso tỉnh dậy. Ông ấy nói “Cái gì…? Tôi đã không ở đây. Chỉ việc vẽ cứ diễn ra, tôi đã không vẽ. Tôi không biết gì cả. Khi bức vẽ được hoàn tất, những nhà phê bình sẽ tìm hiểu tôi đã vẽ gì, bởi vì tôi đã không vẽ. Tôi đơn giản chỉ quệt những màu sắc lên miếng vải sơn dầu. Thứ gì đó đã xảy ra, thứ gì đó được hoàn thành, nhưng tôi không biết chắc nó là gì.”
Một người phụ nữ giàu, rất giàu, hỏi ông ấy “Ông đã bao giờ vẽ chân dung chưa?”
Ông ấy chưa bao giờ vẽ bất cứ bức chân dung nào, bởi vì ai lại đi đề nghị ông ấy vẽ chân dung chứ? Chỉ nhìn vào các bức tranh của ông ấy mà xem.
Ông ấy nói “Tôi chưa bao giờ vẽ chân dung.”
Người phụ nữ nói “Tôi sẵn sàng trả bất cứ giá nào. Đừng bận tâm chuyện tiền nong, tiền không thành vấn đề.” Bà ấy là một góa phụ Mỹ cực kì giàu có.
Chỉ để từ chối người phụ nữ, Picasso nói “Một triệu đôla.” Người phụ nữ đáp “Được thôi, hãy bắt đầu đi!”
Ông ấy bắt đầu vẽ cho bà ấy một bức chân dung. Khi bức chân dung hoàn tất, người phụ nữ hoàn toàn bị sốc, bị kinh ngạc. Bà ấy nói “Chỉ một câu hỏi thôi. Mũi của tôi đâu? Bởi vì từ cái mũi, tôi sẽ tìm ra mắt của tôi, miệng của tôi, tai của tôi nữa. Một điểm trung tâm thôi. Chỉ một câu hỏi, tôi sẽ không hỏi bất cứ cái gì khác.”
Picasso nói “Tôi đã bảo với bà, tôi không vẽ chân dung! Tôi đã biết rõ nó từng nằm ở đâu, nhưng giờ tôi không biết. Tôi đã bị mất trí khi đang vẽ nó, ai bận tâm về cái mũi của bà? Bà có thể mang nó đến cho các nhà phê bình, những người sành sỏi. Đưa cho họ bức tranh và hỏi họ, có lẽ họ sẽ tìm ra nó.”

Khi một thiền nhân chìm sâu vào thiền định, anh ta không còn ở đó nữa.
Vậy nên trong buổi sáng, sáng sớm tinh mơ, khi trời vẫn còn tối và mặt trời ở dưới đường chân trời, đó là thời điểm tốt nhất, trời lạnh nhất.
Và nếu như bạn ở gần biển…
Làn gió lạnh mang theo hơi mặn của biển
Và sự tĩnh lặng bao quanh bạn
Tiếng sóng cứ vỗ rì rào
Tạo ra sự rung động của âm nhạc…
Nó hoạt động gần giống cách cảu một bài hát ru. Như mẹ bạn đang đung đưa bạn trong vòng tay và hát một bài hát… tiếng sóng tiếp tục, cùng một âm thanh cứ lặp đi lặp lại mãi. Nó tạo ra một bài hát ru. Nó giúp bạn thư giãn. Giờ người ta thường dùng loại âm thanh đó cho việc ngủ.
Shiro hẳn phải đang ngồi ở bên bờ biển, hoàn toàn thư giãn, và sau đó ông ấy mở mắt mình ra, trong suốt và rõ ràng, như một tấm gương. Đó là sự phản chiếu: màn sương mù gặp gỡ biển cả. Và đột nhiên thoát ra khỏi màn sương, thoát ra khỏi biển cả một cái dĩa màu đỏ nhô lên – là mặt trời.
Thơ haiku là những bức tranh của lời. Tâm trí thiền định như một cái nền phía sau là điều chắc chắn cần đến. Không ai, ngoại trừ những thiền nhân có thể viết thơ haiku.
Không người phương Tây nào có thể viết thơ haiku cả. Họ không hiểu rằng nếu không thiền định họ không thể viết haiku. Bạn có thể sáng tác một bài thơ. Bạn có thể biết về mọi âm vần trong một bài thơ haiku. Bạn có thể sáng tác, nhưng sáng tác đó đến từ tâm trí. Haiku thật sự đến từ vô tâm trí, từ sự tĩnh lặng bao la khi bạn không là gì, chỉ là một tấm gương. Nó không phải thứ vượt ra ngoài những suy nghĩ, nhưng nó đến từ sự vô-nghĩ.

Câu hỏi số 5
Maneesha đã hỏi một câu:
“Thầy kính yêu,
Có phải, điều thúc giục không phải là sự thấu hiểu, nhưng điều thúc giục thực ra là việc trở thành một – cả những gì thuộc thế giới bên trong và những gì thuộc thế giới bên ngoài, đúng không?”

Đúng vậy, Maneesha. Cô đã hỏi một câu rất phức tạp, dù nó trông có vẻ đơn giản.
Tôi phải mang Sigmund Freud vào đây.
Sigmund Freud là người đầu tiên trên thế giới nói về sự thúc giục trong việc tìm kiếm chân lý, sự giải phóng, sự cứu rỗi. Nó khởi lên, không bởi gì ngoài sự thiếu thốn. Đứa trẻ sống trong bụng mẹ trong chín tháng, một mình với mẹ. Đó là toàn bộ thế giới của nó, toàn bộ vũ trụ của nó, nó không biết bất cứ gì khác.
Tử cung là toàn bộ vũ trụ, và nó thật đẹp, thật thoải mái. Đứa trẻ không phải lo lắng gì chuyện bị phá sản, nó cũng không lo về những bà bợ, hay chuyện con của chúng đang trở thành những kẻ nổi loạn.
Nó không lo lắng chút nào. Mọi điều cần thiết cho sự nuôi dưỡng đều được chu cấp từ người mẹ. Từ Oxy cho đến mọi thứ khác đều được chu cấp mà không đợi đứa trẻ phải lên tiếng đòi hỏi. Đứa trẻ sống 9 tháng trong thiên đường.
Nhưng rồi sau chín tháng đó, nó bị ném ra khỏi thiên đường, hệt như cách Adam, Eva từng bị ném ra khỏi vườn địa đàng vậy. Thế rồi đứa bé có cuộc chạm trán với toàn thế giới – một đứa trẻ vô dụng – và toàn thế giới thì quá lớn. Mỗi ngày những vấn đề mới lại tới. Mỗi ngày nó học điều mới, điều nọ nối tiếp điều kia.
Rồi sớm thôi nó sẽ phải đi đến trường, ở đó quá nhiều thứ cần học. Rồi sớm thôi nó sẽ kết hôn – một việc mà còn mang lại nhiều rắc rối hơn nữa. Sớm muộn gì nó bắt đầu phải làm những công việc kinh doanh, hay những công việc theo yêu cầu. Rồi thì nó phải mang tất cả mọi thể loại mặt nạ trong cuộc sống: trước mặt người vợ, trước mặt bạn gái, trước mặt ông chủ, trước mặt những người đầy tớ. Nó sẽ phải thay đổi những cái mặt lạ ấy một cách liên tục. Một khao khát khổng lồ được trở lại bụng mẹ khởi sinh.
Theo Sigmund Freud và tôi đồng ý với ông ấy – mong ước được biết chân lý, mong ước được giải phóng, mong ước được trở thành một với sự tồn tại, chính là một sự mở rộng cái kinh nghiệm trong bụng mẹ. Toàn vũ trụ trở thành bụng mẹ vào cái khoảnh khắc bạn đi sâu vào thiền định.
Tại trung tâm của bản thể, bạn được kết nối với vũ trụ. Nếu không thì bạn không thể sống thậm chí trong một khoảnh khắc. Cuộc đời của bạn không phải là của bạn nữa. Nó là cuộc đời mà vũ trụ đang trút lên bạn một cách liên tục. Hơi thở của bạn cũng không còn là của bạn. Nó là vũ trụ đang không ngừng trút oxi với một tỉ lệ chính xác mà bạn cần. Nếu nó rời khỏi bạn một giây, tôi không nghĩ bất cứ ai có thể tồn tại được. Bạn sẽ quên. Ai đó xúc phạm bạn và bạn sẽ quên thở. Bạn thấy một phụ nữ đẹp và bạn quên rằng trái tim bạn vẫn phải tiếp tục đập, nó sẽ ngừng. Để nhớ mà duy trì những việc như thở đều đặn, tim đập đều đặn sẽ là điều bất khả, nếu nó được giao cho bạn kiểm soát. Điều đó thật khó khăn. Đó là công việc của vũ trụ và sự tồn tại. Nó là một phép màu. Bạn không phải lo về chuyện thở và chuyện phải làm cho tim luôn đập.
Sự tồn tại chăm sóc bạn, giữ mọi thứ cần thiết cho bạn trong khả năng của nó. Cần trao cho bạn những gì, ấy là câu hỏi xoàng xĩnh. Tất cả những gì cần thiết đều được tính đến một cách rõ ràng và chắc chắn trong tầm tay của sự tồn tại.
Khi đạt đến độ sâu của bộ rễ bên trong bạn, qua thiền định. Bạn sẽ tìm thấy một cánh cửa mở ra toàn bộ vũ trụ phía trước. Bạn sẽ biết rằng mỗi khoảnh khắc cuộc sống đều đang chạy về phía bạn. Bạn càng mở rộng bao nhiêu, ở điểm trung tâm, cuộc sống của bạn càng trở nên phong phú bấy nhiêu. Nhiều đến nỗi bạn muốn chia sẻ nó với toàn thể thế giới. Vậy mà nó vẫn vô tận.
Vâng, Maneesha, cái mong muốn, cái thúc giục để hiểu biết, chính là cái thúc giục được trở nên một với toàn vũ trụ. Sau đó thì không còn sinh, không còn tử. Vũ trụ là vô tận. Nó chưa bao giờ được tạo ra, không như những gì Cơ đốc giáo vẫn cứ luôn bảo bạn, và cả những tôn giáo khác nữa. Nó phát triển từ cái vô tận tới cái vô tận.
Tôi chống lại người Mỹ, Cơ đốc, tôi chống lại tổng thống Ronald Reagan, không phải bởi vì chuyện cá nhân tôi hoặc công xã bị họ gây hại. Tôi chống lại họ bởi vì Ronald Reagan đã gây ra một vết thương sâu đến toàn bộ nền trí thức trên thế giới, qua việc đốt bỏ tất cả sách của Charles Darwin, trong mọi thư viện, mọi trường cao đẳng, mọi trường trung học và đại học – bởi vì những sách ấy dạy về tiến hóa, trong khi Cơ đốc lại dạy về sự sáng tạo. Ronald đốt chúng như lời tuyên bố chống lại những cái mới, những ý tưởng mới, phát kiến mới.
Có hai học thuyết mâu thuẫn nhau. Học thuyết về sự sáng tạo của Thượng đế là cái đầu tiên. Nó cho rằng mọi thứ luôn luôn hoàn chỉnh. Cái thứ hai nói về Sự tiến hóa, cho rằng mọi thứ không bao giờ hoàn chỉnh, luôn luôn thay đổi. Nó cho rằng cái đích luôn ở rất gần, đã rất gần nhưng khi bạn di chuyển, cái đích cũng di chuyển xa hơn. Cái đích như đường chân trời vậy: trông có vẻ như chỉ một vài dặm nữa thôi. Bạn lái tới đó, và bạn lái xa bao nhiêu thì đường chân trời cũng lùi xa bấy nhiêu, xa hơn nữa. Khoảng cách giữa bạn và đường chân trời luôn duy trì đích xác như cũ – bạn có thể đi vòng quanh cả trái đất- bởi vì đường chân trời chỉ là một ảo ảnh.
Cái đích, mục tiêu, mọi cái đích, đều là những ảo ảnh. Người sống trong sự hiểu biết về cuộc sống sẽ không có cái đích nào cả. Anh ta đơn giản yêu việc sống, anh ta đơn giản yêu việc yêu. Anh ta đơn giản yêu việc ca hát và nhảy múa và tận hưởng từng khoảnh khắc, tận hưởng cơ hội sống mà sự tồn tại đã trao cho anh ta.
Trong việc nhảy một cách toàn bộ, bạn sẽ trở thành một. Trong việc hát toàn bộ, khi người ca hát biến mất, bạn trở thành một.
Tôi đã nói với bạn về Nijinsky, một trong những vũ công vĩ đại nhất trên thế giới. Sự vĩ đại của anh ta không phải về điệu nhảy của anh ấy. Sự vĩ đại là trong những khoảnh khắc, khi đang nhảy múa, anh ta nhảy lên rất cao đến mức gần như không thể, xét trên những nghiên cứu của các nhà khoa học. Bởi vì trọng lực sẽ hút bạn xuống, có một giới hạn nào đó với trọng lực. Nhưng anh ấy luôn luôn vượt giới hạn quá xa đến nỗi nó trông như một phép màu. Điều gì đã xảy ra? Điều gì đã xảy ra cho lực hút của trái đất?
Và không chỉ có vậy, khi anh ta đáp lại xuống mặt đất… Trọng lực sẽ luôn kéo bạn xuống. Bạn đáng ra sẽ té trên sàn như bị trúng một cú đánh! Nhưng Nijinsky lại rơi xuống cứ như một cọng lông vũ, chuyển động một cách chậm rãi. Điều đó nữa cũng chống lại lực hấp dẫn.
Người ta cứ hỏi anh ấy hết lần này đến lần khác “Bí mật là gì?” Anh ấy nói “ Bí mật ư, tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là bất cứ khi nào tôi cố gắng để thực hiện việc đó, tôi không bao giờ thành công. Những lúc chỉ một mình, tôi cố làm lại nhưng tôi chưa bao giờ thành công cả. Nhưng khi trên sân khấu, khi tôi quên bản thân mình một cách hoàn toàn trong điệu nhảy, khi không còn Nijinsky nữa, chỉ có mỗi điệu nhảy, đột nhiên nó lại thành công. Nó là một ngạc nhiên đối với bạn, nó cũng là một ngạc nhiên đối với chính tôi nữa. Nó không phải hành động của tôi.”
Thiền không phải là hành động của bạn. Bạn cùng lắm chỉ đang tạo ra một chút nỗ lực, nhưng thiền không phải việc bạn có thể làm. Nỗ lực của bạn là cần thiết để chuẩn bị cái nền móng, cái sàn nhà. Nhưng khi cái nền tảng sẵn sàng, đột nhiên bạn thấy bạn không còn ở đó nữa, nhưng là toàn bộ vũ trụ. Bạn vừa bước vào một cái tử cung lớn hơn, một cái tử cung vô tận của bình an ngây ngất.
Bây giờ là thời gian dành cho Sardar Gurudayal Singh.
Sarda đâu rồi? Vắng mặt ư? Có lẽ đang chìm sâu trong thiền định…

Hãy giữ im lặng.
Nhắm mắt lại và cảm nhận cơ thể bạn đang bị đóng băng hoàn toàn.
Đây là thời khắc tuyệt vời để nhìn vào bên trong. Với toàn bộ năng lượng sống của bạn, hãy hướng về phía trung tâm của bản thể.
Cần cả sự nhận thức toàn bộ của bạn nữa.
Hãy trở thành một mũi tên.
Bắt nó phải đi sâu hơn, sâu hơn nữa,
nhanh hơn, nhanh hơn nữa,
với một sự thúc giục như nó là
khoảnh khắc cuối cùng của bạn trên trái đất.
Nếu không có sự hối thúc ấy, bạn sẽ không bao giờ có thể đạt tới trung tâm bản thể của bạn.
Nó là điểm mà tại đó, bạn được kết nối với toàn bộ vũ trụ. Nó cũng là điểm sẽ chuyển hóa bạn trở thành một vị Phật, vào trong cùng một sự nhận biết của Phật. Nó cũng là cái điểm mà bạn học về sự vĩnh hằng: bạn đã luôn ở đó rồi, bạn sẽ luôn ở đó – bên trong cơ thể này hoặc không có cơ thể nào cả.
Bạn đang đến gần hơn và gần hơn tới bản thể của bạn. Một sự tĩnh lặng bao la đang trùm lên bạn. Và một sự bình an vô cùng khởi lên bên trong bản thể bạn.
Khoảnh khắc bạn chạm được đến trung tâm.
Bạn không còn nữa.
Chỉ một vị phật.
Cùng một chất liệu của phật.
Đó là một nhận thức thuần khiết
Tỉnh thức
Chứng kiến tất cả.
Chứng kiến là từ khóa cho tất cả những thiền nhân.
Chứng kiến rằng bạn là không ai cả.
Chứng kiến rằng bạn không là tâm trí.
Chứng kiến rằng bạn chỉ là một chứng nhân.
Đột nhiên, một phúc lành lớn lao khởi sinh trong bạn
Từ hư không
Những bông hoa vô hình đẹp ngây hồn
Bắt đầu mưa xuống trên bạn.
Bạn là nguồn của những ngọt lành cuộc sống.
Để làm cho sự chứng kiến rõ ràng, Nivedano…
Hãy thư giãn.
Hãy đi nhưng hãy giữ nguyên sự chứng kiến.
Đó là điều duy nhất bạn phải nhớ – bạn là một chứng nhân – và mọi thứ khác chỉ xảy ra theo cách của riêng nó.
Tôi có thể thấy mười ngàn vị Phật đang hoàn toàn thư giãn trong trung tâm của riêng họ. Gautam, thính phòng của Phật đang thay đổi vào trong đại dương của sự nhận biết, bởi vì tất cả các bạn đang tan chảy, những ngăn cách của bạn đang bị giải trừ bởi sự tồn tại.
Đại dương của sự tỉnh thức không có một làn sóng, không có bất cứ gợn sóng nào.
Nó hoàn toàn tĩnh lặng và im ắng.
Khoảnh khắc này tất cả các bạn là những người được chúc lành trên trái đất. Bởi vì mọi người khác đều đang bận tâm đến những thứ những thứ tầm thường: tiền bạc, uy danh, quyền lực. Không ai dường như bận tâm chuyện biết về chính họ, và không ai dường như bận tâm để viết về cái vĩnh hằng của họ.
Khoảnh khắc này, bây giờ và ở đây, bạn đang được kinh nghiệm sự rõ ràng nhất, kinh nghiệm sự tối hậu nhất mà con người có thể trải qua.
Kinh nghiệm sẽ tiếp tục trở thành Ngọn Lửa Thiền của bạn, Cơn Gió Thiền. Lửa sẽ đốt cháy mọi thứ sai bên trong bạn. Gió sẽ lấy đi mọi thứ chỉ để lại nhân phẩm của bạn.
Ra khỏi lửa này và gió này.
Bạn sẽ là vàng ròng nguyên chất.
Bạn cần hiểu sự biến đổi xảy ra trong khoảnh khắc này. Bạn đã sống toàn bộ cuộc đời theo chiều ngang, trên một đường thẳng, từ cái nôi cho đến nghĩa địa. Trong thiền định sự biến đổi đã xảy ra: bạn không còn là một đường thẳng ngang nữa. Bạn trở thành một đường thẳng đứng. Bạn đạt đến đỉnh cao nhất trong nhận thức và đạt đến điểm sâu nhất trong nhận thức ấy nữa.
Chiều cao
Và chiều sâu
Sẽ tiết lộ.
Kinh tin kính của riêng bạn.
Ở đó không có Thượng đế, nhưng có một thứ chất mà bạn gọi là sự tin kính. Nó bao gồm lòng trắc ẩn, tình yêu, tình bạn, niềm vui, sự sáng tạo. Nó mang đến cho bạn những bài ca mới, điệu vũ mới. Nó mang đến cho bạn sự thật, nó nhúng bạn vào trong chân lý.
Hãy thu thập càng nhiều kinh nghiệm về nó càng tốt, bởi vì bạn phải mang nó đi cùng bạn. Nó phải trở thành một phần của những thói quen hàng ngày của bạn.
Chặt cây hay bổ củi, bạn phải giữ im lặng như bạn đang lúc này. Kéo nước lên từ giếng, bạn nên giữ mình trong phúc lành và ngây ngất như bạn đang là lúc này.
Kể cả khi ngồi im lặng, không làm gì, bạn cũng nên giữ mình phúc lạc như lúc này.
Tính chất Phật, là bản chất tự nhiên bất tử của bạn, luôn đi cùng bạn.
Đầu tiên, phật sẽ đến như một cái bóng, đi theo bạn – nhưng cái bóng sẽ mang theo một sự duyên dáng vĩ đại và sự phong phú dạt dào của cuộc sống. Sự chúc phúc vĩ đại mà bạn có thể mưa lên cả thế giới. Nhưng nó mới chỉ là bắt đầu – ban đầu phật chỉ như một cái bóng. Sớm thôi, phật sẽ đi trước bạn, và bạn sẽ trở thành cái bóng. Đó là bước số hai.
Và bước thứ ba, bạn hợp nhất vào trong phật, thậm chí cái bóng biến mất, chỉ phật còn lại, sự nhận biết thuần khiết.
Bạn sẽ được vào trong bụng mẹ của vũ trụ.
Nivedano…
Hãy trở lại, nhưng trở lại như một vị Phật, với cùng một sự duyên dáng, cùng tĩnh lặng, cùng phúc ân.
Hãy ngồi xuống trong một vài giây phút để thu lại con đường dát vàng mà bạn đã đi.
Và cảm nhận – sự hiện diện của phật tính ngay phía sau bạn.
Hãy nhớ, trong mọi hoạt động bình thường nhất, vị phật đang hiện diện ngay phía sau bạn.
Sự hiện diện của Ngài biến đổi mọi hành động thường ngày thành những hoạt động phi thường. Mọi từ ngữ trở nên giàu có và đầy chất thơ, đầy chân lý, đầy tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng sâu như Thái Bình Dương. Mọi khoảnh khắc trong đời bạn như đang di chuyển lên cao hơn trong miền ý thức. Như thể bạn đang đi trên đỉnh cao nhất của dãy Himalaya, đỉnh Everest.
Tôi đang dạy bạn Ngọn Lửa của Thiền.
Tôi đang dạy bạn Ngọn Gió của Thiền.
Chúng sẽ đốt mọi thứ sai, sẽ lấy đi mọi thứ không đúng trong bạn và để lại duy nhất chân lý, sự thật tối hậu.
Sự thật tối hậu đó mang lại tự do.
Đây là tâm linh duy nhất, tôn giáo duy nhất.
Nó là cá nhân – nó không liên quan tới nhà thờ nào, bất cứ tôn giáo có tổ chức nào. Nó không liên quan gì tới các thánh thư. Nó chỉ liên quan duy nhất tới sự truy tìm bản chất nguyên thủy của bạn – cái mà thiền gọi là “bộ mặt nguyên thủy”
PHật là bộ mặt nguyên thủy của bạn.
Vậy được chứ, Manessha?
Vâng, Thầy kính yêu.
Osho
Chủ nghĩa cộng sản, Ngọn lửa thiền, Cơn gió thiền

Phi Tuyết dịch

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *