Trẻ em nào phải thú cưng

sách: Cách mạng giải phóng trẻ em

  1. Trẻ em nào phải thú cưng

 

Bởi vì tôi không thích đi học, lại trốn học nhiều nhất có thể nên cả gia đình đã phải phân công thay phiên nhau đưa tôi đến trường, tận cửa lớp. Cho đến khi một giáo viên ra nhận và dẫn tôi vào. Họ làm mọi thứ để tôi không trốn học.

Tôi bảo với họ: “Đây là giáo dục sao? Giáo dục là biến con người thành một tù nhân như vậy sao? Con là một con người hay con chỉ là một con vật nuôi của mọi người? Con thậm chí còn không được quyền quyết định rằng mình có muốn đi học hay không. Nếu như giáo dục là biến con người thành thú nuôi, thành nô lệ như vậy, giáo dục để làm gì?”

Và khi tôi ngồi trong lớp, chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy hàng trăm những chú vẹt nhảy nhót nô đùa trên cành cây. Chúng thật hạnh phúc làm sao khi không phải đi học. Tôi còn không được tự do bằng chúng. Con người còn không được tự do bằng động vật sao?

 

*

Những đứa trẻ rất mong manh. Chúng không thể tự mình tồn tại. Vì vậy bạn có thể tận dụng điều này để khai thác chúng, bắt chúng làm theo ý bạn. Bạn có thể bắt ép đứa trẻ học những thứ mà bạn muốn nó phải học, hệt như cách người ta huấn luyện chim bồ câu chơi bóng ping-pong.

 

Thủ thuật dạy cho chim bồ câu chơi bóng không khác gì cách người ta huấn luyện bọn trẻ hay mọi loài động vật khác, đó là dựa trên cơ chế thưởng và phạt.

 

Nếu chúng chơi, chúng được thưởng, nếu không chúng sẽ bị phạt. Nếu chúng di chuyển đúng cách người huấn luyện muốn, chúng sẽ được thưởng đồ ăn. Nếu chúng di chuyển sai ý đồ người huấn luyện, chúng sẽ bị một cú sốc điện nhẹ. Bằng cách này thậm chí ngay cả bồ câu cũng bắt đầu học cách chơi ping-pong. Đó là những gì xảy ra trong sở thú, bạn có thể đến đó mà xem. Thậm chí sư tử, những con sư tử đẹp bị nhốt trong lồng. Voi thì di chuyển dựa theo cách sợi roi da của người huấn luyện. Chúng đang bị nô lệ hóa và họ thưởng cho chúng khi chúng vâng lời, song song trừng phạt khi chúng trái ý. Cơ chế thưởng và phạt này là toàn bộ trò chơi.

 

Những gì người ta làm trong sở thú với những con vật thì bạn cũng đang làm với chính những đứa con của bạn. Nhưng bạn làm nó mà không nhận thức được toàn bộ trò chơi lẫn tác hại của nó. Bởi vì trò chơi này cũng đã được làm với bạn theo cùng một cách bởi cha mẹ của bạn. Đây là cách duy nhất mà bạn biết trong việc huấn luyện và dạy dỗ một đứa trẻ. Đây là những gì bạn gọi là “dạy dỗ” và “nuôi nấng” đấy. Trên thực tế nó chỉ làm hại thôi.

 

Nó là cách để bạn ép buộc những đứa trẻ vào cái khuôn mẫu xấu xí khô cứng như khuôn của người máy. Nó là cách tinh vi để bạn hạ bản thể của chúng xuống chứ không phải là cách để nâng chúng lên một tầm cao mới.

 

Một đứa trẻ thường không biết cái gì là đúng và cái gì là sai cho nên chúng ta phải chỉ dạy chúng. Vấn đề là ở chỗ chúng ta chỉ dạy chúng theo hình mẫu trong tâm trí mình. Cùng một thứ có thể là đúng ở Tây Tạng nhưng sai ở Ấn Độ. Cùng một thứ có thể đúng trong nhà bạn nhưng sai trong nhà hàng xóm của bạn. Nhưng bạn vẫn cố nhồi nhét, cố áp đặt những tư tưởng ấy vào trong đứa trẻ: “Điều này là đúng, điều này là sai”: Tôn giáo của bạn là đúng, tôn giáo của người khác là sai. Niềm tin của bạn là đúng, niềm tin của người khác là sai. Lương tâm là đúng, cám dỗ là sai. Trắng là đúng, đen là sai. Nghe lời là đúng, truy vấn là sai.

 

Bạn chấp thuận đứa trẻ khi nó làm việc này và từ chối khi nó làm việc khác. Khi nó nghe lời bạn, bạn hạnh phúc và bạn vỗ nhẹ vào lưng chúng. Khi nó không nghe lời bạn, bạn tức giận và bạn tra tấn bọn trẻ bằng những cái vỗ mạnh hơn, đau hơn. Bạn đánh đòn chúng. Bạn cho chúng ăn những lời cằn nhằn chửi bới. Bạn không trao tình yêu đến chúng nữa hoặc giới hạn tình yêu của bạn lại.

 

Một cách tự nhiên đứa trẻ bắt đầu hiểu rằng sự tồn tại của nó là xung quanh một cái cọc. Nếu nó nghe lời cha mẹ thế thì mọi thứ đều ổn, nếu không họ sẽ trừng phạt nó.

 

Đứa trẻ có thể làm gì bây giờ? Làm cách nào nó có thể thuyết phục chính mình chống lại quyền lực khủng khiếp của cha mẹ? Cha mẹ như một lực lượng khổng lồ, đầy quyền lực. Họ nắm trong tay mọi thứ, họ có thể làm bất cứ gì. Dường như trẻ con trong mọi văn hoá và dân tộc đều có chung ý định muốn rời bỏ khỏi ngôi nhà của cha mẹ từ rất sớm. Chúng chơi búp bê và gấu bông vì muốn bắt chước quyền lực của người lớn. Chúng không thể điều khiển bạn nên sẽ điều khiến búp bê và gấu bông để thay thế. Chúng có thể bắt búp bê đi ngủ hay ăn uống hay tắm khi chúng muốn hệt như cách bạn làm với chúng. Đây là cách của chúng để bộc lộ bản thân mình, để xả những kìm nén bên trong mình.

 

Mọi trẻ con đều thích làm nhà riêng dù cho căn nhà bằng thùng các tông hay những cái gối, nhà trên cây hay nhà dưới gầm bàn. Bạn nghĩ chúng chơi trò đó để làm gì? Đó là cách để chúng nói với bạn rằng chúng muốn được “ra riêng”, được tự do, được độc lập và được tôn trọng như một cá nhân chứ không phải một nô lệ.

 

Đứa trẻ còn nhỏ không có quá nhiều cách để bộc lộ bản thân nó. Ban đầu nó khóc và mè nheo nhưng sau này khi thấy rằng khóc và mè nheo không hiệu quả nữa, nó bắt đầu học cách sống chung với lũ. Nó sẽ học cách thương thuyết và lúc này đây nó bước chân vào thế giới của bãi chợ, của kinh doanh và chính trị: làm cái gì để được lợi nhiều hơn, làm cách nào để điều khiển người khác, để có được điều chúng muốn từ người khác.

 

Ngày trôi qua khi đứa trẻ trở nên mạnh hơn thì nó cũng đã bị thiết lập xong rồi. Các nguyên tắc ứng xử, luật của bãi chợ, điều gì làm người khác vui, điều gì nó phải làm, tất cả những điều này được thiết lập sâu thẳm bên trong nó đến nỗi không cần cha hay mẹ theo sát chúng nữa. Chúng sẽ hành xử tự động như một cái máy tính đã cài xong chương trình.

 

Một trong những sự cài đặt mà cha mẹ thiết lập trong con trẻ và được cả xã hội “chống lưng ủng hộ”, ấy là thứ chúng ta gọi là lương tâm.

 

Lương tâm sẽ theo đuổi và tra tấn cả đời đứa trẻ. Bạn luôn cho rằng lương tâm là tốt, là ngọn đèn soi rọi và hướng con người theo điều thiện. Nhưng bạn quên rằng định nghĩa thiện và ác, đúng và sai này rất mang tính phiến diện và độc tài.

 

Mỗi tôn giáo khác nhau có định nghĩa đúng sai khác nhau, mỗi văn hoá khác nhau lại có những niềm tin khác nhau và lương tâm là thứ được xã hội khác nhau ấy quy định. Lương tâm là thứ rất mang tính địa phương. Ví dụ trong tôn giáo Jaina thì ăn thịt là trọng tội. Lương tâm Jaina khiến đứa trẻ cả đời xem thịt như thứ tội lỗi, thậm chí ăn cà chua cũng là có tội vì cà chua có màu đỏ như máu. Hay Hồi giáo cho phép đàn ông cưới nhiều vợ trong khi Ki-tô giáo lại chỉ cho phép một vợ một chồng mãi mãi. Đa phần mọi tôn giáo đều thống nhất giết người là tội lỗi nhưng cũng có tôn giáo lại cho rằng giết người dưới danh nghĩa Thượng đế thì không phải tội lỗi mà còn là ân huệ. Mỗi tôn giáo có niềm tin khác nhau sẽ góp phần tạo nên lương tâm khác nhau. Tuy nhiên có một điều đa phần các tôn giáo đều thống nhất, nó nói rằng tính dục là tội lỗi. Nhưng nếu bạn xét kĩ, tính dục có phải tội lỗi không? Lương tâm đã quyết định xem tính dục như tội lỗi trong nhiều thế kỉ.

 

Ví dụ khi đứa trẻ bắt đầu chơi với bộ phận sinh dục của chúng và bạn ngăn cản. Đây là hành động đơn giản mang lại niềm vui cho đứa trẻ, một niềm vui rất tự nhiên bởi vì cơ thể của đứa trẻ vốn rất nhạy cảm. Nó không mang chút dục tính nào cả như cách bạn hay nghĩ rằng cứ đụng vào đó là sinh ra dục tính. Đứa trẻ rất rất sống động và tự nhiên. Sự sống động ấy của cơ thể lôi kéo nó chú ý vào bộ phận sinh dục hơn là các bộ phận khác trên cơ thể. Đó là nơi mà toàn bộ năng lượng cuộc sống được tích trữ. Đó là điểm nhạy cảm nhất. Đụng vào và chơi với bộ phận ấy khiến đứa trẻ hoàn toàn hạnh phúc, vui vẻ hài lòng. Nhưng bạn thì sợ. Nó là vấn đề của bạn. Bạn bắt đầu sợ rằng đứa trẻ sẽ thủ dâm hay sao đó. Nó không phải như thế. Nó đơn giản là một người đang thích thú khám phá cơ thể mình để hiểu chính mình. Hoàn toàn vô hại. Bạn luôn gạt tay đứa trẻ ra mỗi khi nó đụng vào bộ phận sinh dục của nó. Nhiều lần như vậy bạn cho đứa trẻ một thông điệp rằng hành động này là sai trái, là đáng xấu hổ, là tội lỗi.

 

Đứa trẻ còn rất nhỏ, nó không hề biết gì là đúng là sai, bạn đã nhồi ý tưởng đúng sai vào đầu nó. Bạn có quan sát khi trẻ con còn nhỏ chơi với nhau không? Chúng trần truồng và vậy mà vẫn trong veo thánh thiện thế. Bạn không chấp nhận được việc khoả thân vì khoả thân gợi cho bạn những ý tưởng về dục. Bạn kết án khoả thân là xấu xa tội lỗi và bạn gán luôn việc trẻ con khoả thân là xấu.

 

Mỗi lần thấy trẻ con khoả thân bạn “lêu lêu” chúng và truyền cho chúng ý tưởng rằng cơ thể là xấu. Thế rồi không dừng lại ở trẻ con, nhiều nơi trên thế giới người ta còn bắt đầu cho rằng động vật khoả thân cũng là xấu nữa. Và rồi thời trang cho động vật ra đời, một điều hoàn toàn trái với tự nhiên nhưng đang dần được cổ xuý.

 

Dục tính là ám ảnh tội lỗi của bạn, nó là nỗi sợ của bạn. Nó dần trở thành thước đo đạo đức của con người. Một người dù đạo đức đến đâu nhưng nếu bị phát hiện có những thú vui về dục mà không được số đông chấp nhận thì người đó mau chóng bị đánh giá là không có đạo đức.

 

Dục trở thành nỗi ám ảnh đạo đức vì nó được cha mẹ truyền lại cho bạn qua hệ thống niềm tin của họ. Đến đời bạn, bạn cũng làm như thế. Ai đó có thể thấy con trai bạn đang đụng vào bộ phận sinh dục của nó và họ có thể nghĩ rằng bạn không biết cách nuôi dạy con cái. Họ có thể trách bạn, “Hãy làm cho chúng cư xử văn minh, dạy chúng đừng làm như thế”. Vậy nên bạn dừng đứa trẻ lại, bạn la mắng nó. Bạn nói “Bỏ ra ngay. Làm vậy là xấu, là hư” hết lần này đến lần khác. Sự tức giận đó của bạn sẽ đi rất sâu vào trong tâm trí đứa trẻ, dần trở thành thứ gọi là “lương tâm”. Và lương tâm này sẽ trở thành một phần lớn trong vô thức của đứa trẻ.

 

Sau đó thì sao? Khi lương tâm này vận hành, chỉ cần đứa trẻ tự đụng vào chính nó, không cần bạn ở bên la mắng, tự đứa trẻ sẽ cảm thấy có lỗi, thấy sợ. Nó sẽ nghe thấy tiếng của bạn bên tai “Bỏ ra ngay”. Nó có thể tưởng tượng cha mẹ nó đang ở xung quanh nhìn ngó. Ngay lập tức nó sẽ cảm thấy mặc cảm, thấy có lỗi.

 

Nhất là khi người ta bắt đầu dạy đứa trẻ về một “Thượng đế là cha đang liên tục quan sát khắp xung quanh”. Ý tưởng này về Thượng đế là một sự gây tê liệt tạm thời lên mọi giác quan của bạn. Sau đó bạn sẽ không còn tự do chút nào nữa. Thậm chí trong phòng tắm ở nhà mình bạn cũng không thấy tự do. Không còn nơi nào mà bạn cảm thấy tự do nữa. Thượng đế toàn năng đang theo dõi bạn khắp mọi nơi như một thám tử sành nghề. Khi bạn làm tình với một người phụ nữ bạn cũng có thể tưởng tượng ra vị Thượng đế kì cục ấy cũng đang nhìn bạn với đôi mắt phán xét và ông ấy có vẻ không hài lòng. Quả thật ông ta là siêu-cảnh-sát trong mọi cách. Đấy là cách cha mẹ đã tác động vào thứ gọi là lương tâm của bạn.

 

Cuộc sống là thế: bạn càng biết nhiều, bạn càng sống sâu. Bạn càng sống sâu thì lại càng biết nhiều hơn. Chúng đi cùng nhau, tay trong tay. Biết và sống là hai mặt của cùng một đồng tiền.

 

Bản chất của cuộc sống là tự nhiên. Bất kì cái gì bạn làm đều tự nhiên. Bản năng là thứ tuyệt vời bạn được trao cho. Dục là món quà của tự nhiên. Niềm vui trong khi ăn uống cũng vậy. Nhưng các tôn giáo kết án bạn vì những thứ thuộc bản năng tự nhiên ấy. Họ cứ kết án mọi thứ thuộc về tự nhiên và thông qua đó tạo ra mặc cảm trong bạn thông qua lương tâm. Toàn thể trái tim bạn đầy mặc cảm. Mặc cảm đó kéo bạn lại, không cho phép bạn sống một cách toàn bộ. Nó không cho phép bạn thưởng thức và ca múa hân hoan. Nó kìm nén bạn bằng nhiều phương cách mà lương tâm chỉ là một trong số chúng.

 

Lương tâm là một bộ quy tắc ứng xử mà người khác trao cho bạn như một ngọn đuốc. Nó khiến bạn không còn khả năng để hành xử theo ánh sáng của riêng mình. Tệ hơn, nó còn khiến bạn không nhận biết bản thân bạn chính là ánh sáng.

 

Lương tâm của một người Ki-tô giáo thậm chí không cho phép người đó yêu người khác tôn giáo với mình hay đi đám cưới của một người Ki-tô giáo kết hôn với người ngoại đạo. Nếu họ làm điều đó họ sẽ cảm thấy tội lỗi và cắn rứt vô cùng. Cảm thấy cắn rứt về điều mình làm – dù nó không có gì sai cả – đó là sức mạnh của toà án lương tâm. Lương tâm cho bạn cái nhìn về đúng sai nhưng cái nhìn này là của người khác chứ không thực của bạn. Lương tâm là góc nhìn đúng sai của xã hội, do xã hội quy định chứ không phải góc nhìn đúng sai từ nhận thức nguyên sơ của bạn.

 

Đó là lý do tại sao mọi bậc thầy tâm linh và hiền nhân đều nhắc đi nhắc lại về một chân lý, rằng khi bạn bỏ tâm trí đi, quên đi mọi lời mà người khác dạy bạn, thì bạn đạt được trạng thái bản thể tinh khiết của mình và tại đó sẽ không còn đúng và sai nữa.

 

Một đứa trẻ có cha mẹ ly hôn và nó ở cùng mẹ, toàn bộ thời gian nó phải nghe mẹ nó nói xấu, kể tội và kết án cha nó là kẻ tồi tệ. Mẹ nó thậm chí còn ra điều kiện rằng nếu nó còn qua lại với cha thì đó là việc làm phản bội. Thế là đứa con, hoặc sẽ ghét bỏ cha mình chỉ vì mẹ nó thù ghét người cha, hoặc là vẫn yêu thương cha mình trong cảm giác dằn vặt áy náy vì nó biết tình yêu này là sự phản bội đối với mẹ. Nó bị giằng xé, nó nhớ cha nhưng không dám gặp vì điều đó sẽ làm mẹ nó tức giận. Trái tim của nó đau khổ bất lực trong khi lương tâm cũng bị giằng xé vì chẳng còn biết đâu là đúng đâu là sai.

 

Một người mẹ đối xử với con chung và con riêng của chồng theo cách khác nhau, lương tâm người đó hoàn toàn thấy yên ổn. Người đó thậm chí còn nghĩ rằng nếu đối xử công bằng với cả hai đứa trẻ thì điều đó là bất công đối với mình. Mọi người vợ sau đều mang theo ít nhiều ghen tị và thù oán với người vợ trước, vì họ biết họ không phải người duy nhất hay quan trọng nhất đối với người đàn ông. Họ chuyển thù ghét và ghen tị của mình vào trong đứa trẻ nhỏ mà chẳng bị lương tâm dày xé chút nào. Điều này cho thấy lương tâm cũng có điểm mù và và sự thật là nó có rất nhiều những điểm mù.

 

Một người cảm thấy áy náy khi nói dối chuyện lớn lao nhưng lại chẳng áy náy gì khi nói những lời nói dối nho nhỏ. Đôi khi tình thế bắt họ phải nói dối những điều lớn lao và họ cũng chẳng áy náy gì. Thế thì lương tâm về sự trung thực là thứ ánh sáng rất yếu ớt, rất nhấp nháy. Họ không thể trung thực với mọi người nhưng lại mong muốn tất cả trung thực với mình. Nếu như hai người cùng phát hiện nói dối nhau thì người ta chỉ chăm chăm vào việc mình bị lừa dối như thế nào chứ ít khi nghĩ đến chuyện mình cũng đã lừa dối người kia ra sao.

 

Nếu ví lương tâm là ánh sáng soi rọi hành động của con người thì nó là thứ ánh sáng rất yếu ớt, như con đom đóm vậy, và dễ tắt như ngọn nến trước gió. Lương tâm về sự phản bội, về tính trung thực, về sự ngay thẳng… lương tâm về mọi thứ đều yếu ớt như nhau. Nó yếu vì nó không phải ánh sáng thoát ra từ nhận thức riêng của bạn. Nó yếu vì nó được trao cho bạn như một món thừa kế từ khi bạn chỉ là một đứa trẻ và được bảo cái gì là đúng và cái gì là sai – dựa trên hệ thống niềm tin của cha mẹ bạn.

 

Một đứa trẻ Phương Tây sẽ lớn lên với lương tâm không ăn thịt chó, nó thấy điều đó là man rợ nhưng đứa trẻ Phương Đông tại nhiều nước thì chẳng thấy vấn đề gì. Nếu đứa trẻ Phương Tây qua Phương Đông và được cho ăn món này mà không hề biết đó là thịt chó, có lẽ nó vẫn sẽ ăn ngon lành mà chẳng thấy tội lỗi hay man rợ gì cả. Nhưng khoảnh khắc nó biết đó là gì, rất có thể nó sẽ nôn mửa.

 

Cũng như thế, đứa trẻ Phương Đông được nuôi dạy rằng không nghe lời cha mẹ mà chỉ sống theo ý thích của bản thân thì là hư hỏng, bất hiếu. Nhưng nếu nó được nuôi dạy ở Phương Tây thì nó lại chẳng thấy có vấn đề gì trong việc tự sống cuộc đời riêng của mình theo ý của mình. Nó thấy rằng việc cha mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống của nó mới là điều sai trái.

 

Với nhiều người thì uống rượu hút thuốc nhiều là hại bản thân và lãng phí sức khoẻ hoặc ngoại trình là sai trái. Nhưng hỏi người Pháp đi, rất có thể họ sẽ nói “Hút thuốc uống rượu ngoại tình, tất cả đều là những thú vui, sống mà không có thú vui thì là lãng phí cuộc sống, ấy mới là sai trái”.

 

Lương tâm là tốt khi người ta còn mù, khi người ta còn trong bóng tối toàn bộ. Nó cho người ta chút ánh sáng lập loè. Nhưng một người với đôi mắt sáng và đi trong ánh sáng của nhận thức rõ ràng như ban ngày, thì chẳng cần thứ ánh sáng lập loè của lương tâm nữa. Giống như một người đi trong đêm thì cần đuốc nhưng ban ngày thì cần gì? Việc cứ mang bên mình ngọn đuốc trong ánh sáng ban ngày còn khiến người đó mỏi mệt, nóng bức và kiệt sức hơn.

 

Tương tự như vậy, luật lệ và điều răn cũng là những dạng khác của lương tâm. Chúng là cần thiết khi một người còn chưa có ánh sáng của riêng mình, chưa có nhận thức của riêng mình.

 

Đứa trẻ chưa có nhiều nhận thức nên bạn cho nó những lời răn, những luật lệ. Điều này không sai nhưng cái sai là ở chỗ bạn không cho chúng quyền được nghi vấn các lời răn đó và càng không cho chúng quyền được chọn lựa việc có đi theo các lời khuyên răn đó hay không. Bạn trở nên độc tài và bạo lực trong việc bắt con cái phải nghe theo mình và làm theo lời mình.

 

Tệ hơn cả việc áp đặt các lời răn và các định kiến là việc bạn không hề sống với các lời răn mà bạn dạy chúng chút nào cả. Bạn dạy chúng không tham lam nhưng bạn lại rất tham lam. Bạn dạy chúng im lặng lắng nghe nhưng bạn không im lặng lắng nghe bao giờ. Bạn dạy chúng không phán xét nhưng bạn luôn phán xét, ít nhất là luôn phán xét con của bạn. Bạn dạy chúng không bạo lực và bằng việc không đánh đòn chúng, bạn cũng nghĩ mình không bạo lực. Bạn không thấy bạo lực của bạn trong từng câu nói chì triết, trong từng ánh mắt sắc lẹm và cái nắm tay siết chặt khi tức giận của bạn.

 

Bạn không sống với lời bạn dạy. Bạn cũng không cho con cái được quyền chọn lựa cái gì là đúng và cái gì là sai. Đây là lý do mọi lương tâm được truyền dạy đều rất mong manh yếu ớt và gây mâu thuẫn.

 

Chừng nào bạn còn hành động theo lương tâm mà không phải theo ánh sáng nhận thức của mình, chừng đó bạn còn thấy mâu thuẫn trong hành động. Kể cả việc làm có vẻ tốt như từ thiện của bạn cũng nảy sinh mâu thuẫn, việc chung thuỷ của bạn cũng sinh mâu thuẫn, tình yêu của bạn cũng đầy mâu thuẫn.

 

Nhưng nếu bạn hành động dưới ánh sáng nhận thức đầy đủ của bản thân về nguyên nhân và kết quả, thì dù cho bạn chẳng làm việc từ thiện nào, chẳng chung thuỷ với ai trong tình yêu thì trong thâm tâm bạn cũng không cảm thấy mâu thuẫn chút nào.

 

Nếu bạn là cha mẹ, hãy tập trung giúp con mình nâng cao nhận thức, nâng cao ánh sáng của bản thân nó, chứ không phải nhồi ánh sáng lương tâm vào nó và bắt nó nghe theo.

 

Để có thể giúp con cái bạn nâng cao nhận thức, chẳng có cách nào khác ngoại trừ việc bạn phải nâng cao nhận thức của mình trước tiên đã.

 

Một trong những nhận thức đầu tiên là: Con bạn không phải tài sản hay nô lệ của bạn. Nó là một cá nhân, một hạt mầm thông qua bạn để lớn lên và nở hoa. Mọi hành động của bạn lên đứa trẻ sớm muộn gì cũng đều sinh hậu quả hay kết quả. Hãy cẩn thận trong mọi hành động của mình, từ việc làm tới từng lời nói. Nếu có thể, thận trọng ngay cả với những suy nghĩ của bạn.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *