Anh ngữ là một bảo bối, một cánh cửa thần kì

Làm chủ Anh ngữ là “định mệnh” của chúng ta

Một sáng cuối tháng 8, năm 2019

Cuộc đời có những sắp đặt thật lạ lùng nhưng cũng thật dễ thương. Tôi hay gọi những sắp đặt như vậy là kế hoạch của Thượng đế và bằng việc “đổ hết trách nhiệm” cho Thượng đế như vậy mà cuộc đời tôi cứ như một phép màu.

Sứ mệnh của cuốn sách này, là cũng biến đời bạn thành một phép màu như thế.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cuốn sách này được đặt bút viết vào hôm nay bạn ạ. Tôi cho rằng Thượng đế đã tạo điều kiện và thậm chí là chiến đấu rất gian khổ để cho tôi để hoàn thành nó. Vâng, Ngài ấy đã thắng cuộc chiến trường kì với “con quỷ trì hoãn và lười biếng” trong tôi. Đấy, chẳng phải do tôi lười đâu, mà là do tôi bị “Quỷ lười” nó ám đấy chứ. Thật là thích khi tha hồ đỗ lỗi cho những thế lực siêu nhiên mà họ chẳng “cãi” hay thanh minh được. Nhưng cũng thật vui khi có thể bắt đầu ngồi xuống và viết ra những dòng này, đối với tôi mà nói đó thật là một phép màu. Tại sao là phép màu?

Để tôi kể cho bạn vài “dấu hiệu” nhé, vì nếu bạn không tin cơ duyên cầm cuốn sách này trên tay là phép màu và việc học của chúng ta sẽ bị bớt thú vị và kém hiệu quả hơn đấy.

Đời đầy màu sẽ đẹp hơn đời chỉ đen và trắng nhiều, đúng không? Như tivi màu tất nhiên coi sướng con mắt hơn tivi trắng đen vậy.

Trí nhớ tôi vốn không tốt, việc xảy ra mới ngày hôm qua tôi còn chẳng nhớ nổi huống hồ những sự việc của vài năm trước. May nhờ có Thượng đế, ngài tạo ra facebook, bằng cách nào đó trở thành một “bộ nhớ ngoài” vô cùng hiệu quả không chỉ giúp tôi lưu trữ những kỉ niệm mà còn nhắc lại cho tôi nhớ những gì xảy ra ngày này những năm trước, nhờ vậy mà tôi mới khám phá ra những vòng xoay kì diệu của cuộc đời mình.

Ngày này đúng 5 năm trước, tức 25 tháng 8 năm 2014, sau 13 năm biết tới sự tồn tại của một thứ ngôn ngữ cứng đầu cứng cổ mang tên tiếng Anh, lần đầu tiên tôi can đảm bắt chuyện với một ông chú người Canada khi chú dừng xe trước cửa tiệm của tôi để cột lại hành lý trước khi tiếp tục lên đường đi Đà Lạt. Chú tầm 60 tuổi, nghỉ hưu và đang đi du lịch khắp Việt Nam bằng xe máy. Sau buổi nói chuyện đó, chúng tôi hẹn nhau sáng hôm sau sẽ cùng ăn sáng uống cafe. Lần đầu tiên nào cũng thật đáng nhớ. Chính tôi lúc ấy cũng không thể tin mình lấy đâu ra can đảm để bắt chuyện với chú ấy, không thể tin mình “dám” vượt qua bản thân để gạt bỏ nỗi sợ lẫn nỗi xấu hổ vì luôn cho rằng mình không thể nghe họ nói gì và mình nói gì họ cũng không hiểu.

Tôi tin bất cứ ai khi chưa tự tin vào khả năng giao tiếp của mình sẽ đều có chung cảm giác ấy.

Sở dĩ tôi can đảm như vậy là vì thời gian đó tôi đang theo một giáo trình tự học Anh văn có tên gọi “Phương pháp Doremon Thần Kì” mà tôi rất tâm đắc, cũng sẽ chia sẻ với bạn trong phần sau của cuốn sách này. Tự tin khả năng nghe của mình đã cải thiện một chút nên tôi mới can đảm bắt chuyện và sau đó chúng tôi đã trò chuyện với nhau khá nhiều.

Mọi cuộc trò chuyện đều có cách để bắt đầu sao cho trôi chảy và hứng thú hơn. Cách dễ nhất là hãy bắt đầu với những lời khen chân thành. Dù con trai hay con gái, đàn ông hay đàn bà, quốc tịch màu da nào chăng nữa cũng đều thích được nghe khen, tôi cũng không ngoại lệ. Chú khen tôi nào là xinh đẹp, quyến rũ và đặc biệt là “một cô gái truyền thống kiểu mới” khiến tôi khoái nghe và lấy làm sung sướng lắm. Nếu sự việc chỉ dừng ở đấy thì có lẽ tôi chẳng kể làm gì, chẳng hiểu tại sao điều khiến ta nhớ nhất dường như luôn là điều khiến ta xấu hổ nhất.

Tôi nhớ rõ cảm giác nổi giận bốc lên đầu sau khi chú khen tôi có một bộ “ass” đẹp. Đó là một lời khen chân thành đấy chứ vì thời gian đó quả thật tôi tập gym rất hăng say và khá hãnh diện với thành quả ngay trên vòng ba của mình. Nhưng vì là một người chưa có kinh nghiệm giao tiếp với người nước ngoài cũng chẳng rành văn hoá Âu Mỹ, thay vì dịch “vòng ba quyến rũ” tôi lại dịch trong đầu mình thành “cái đít đẹp” và thế là trời ơi, nghĩ lại thật xấu hổ, tôi giận điên lên và cho rằng chú ấy quá thô lỗ, bất lịch sự. Tôi còn bảo chú “may” đấy vì tôi không phải người khó tính chứ nếu gặp các cô gái truyền thống hơn chắc họ đã bỏ về luôn rồi. Nghĩ lại thật buồn cười, tội nghiệp chú ấy có lẽ chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, mặt chú chưng hửng và xin lỗi rối rít khi thấy tôi tự dưng nổi cáu. Sau màn giận hờn vô lý ấy, chú rủ tôi đi ăn trưa nhưng tôi từ chối. Sau này chú nhắn tin hỏi thăm tôi đôi lần nhưng tôi cũng chẳng thèm trả lời do đầu óc vẫn đinh ninh ông chú này “dê xồm”.

À quên, tôi bảo bạn là trí nhớ tôi kém chưa nhĩ, toàn nhớ mấy thứ râu ria trong khi chuyện chính lại quên béng. Thêm một điều tôi nhớ về buổi gặp đó, cũng như nhiều buổi gặp gỡ với những người bạn nước ngoài khác sau này, có một câu “thần chú” tôi luôn nói với họ, ấy là “Mày nói chậm thôi nhá, chứ tiếng Anh của tao không tốt, tao nghe không kịp đâu”.

Tôi thích thành thật như vậy ngay từ đầu và nó luôn khá hiệu quả. Buổi gặp mặt ông chú Canada hôm ấy cũng vậy, tôi cũng nói với chú đích xác câu ấy. Vậy mà…

 

Hôm nay, ngày 27 tháng 8 năm 2019, chính xác 5 năm sau cuộc gặp với người nước ngoài đầu tiên ấy, định mệnh lại lặp lại hệt như lần trước nhưng có một chút “đổi vai”.

Thong thả rời lớp học yoga sáng sớm, tôi đang thả bộ thong dong về nhà thì gặp một cụ già râu tóc bạc phơ đi bộ ngược chiều. Tôi từng thấy cụ già này mấy lần trên phố nhưng mắt cận thị không biết ông ấy là người Việt Nam hay người nước ngoài. Có kì lạ không khi còn trẻ bất kể bạn có tóc màu gì chăng nữa thì khi già chúng đều sẽ chuyển sang bạc trắng dù cho da bạn có màu vàng, trắng hay đen? Bộ râu tóc bạc phơ của ông cụ ấy khiến tôi không biết cụ là người nước nào, lại thêm tôi hay đi xe máy nên cũng không có thời gian thăm hỏi trò chuyện.

Như một thói quen, từ sau buổi gặp đầu tiên vài năm trước, tôi thường hay bắt chuyện với những người nước ngoài mỗi khi có thể, đặc biệt là khi thấy họ lang thang ở trong phố của mình. Sáng nay vô tình đụng cụ già trên đường và nhận ra đó là một người nước ngoài, tôi chào buổi sáng và nói chuyện với ông cụ. Ông ấy người Pháp, có vợ làm việc ở Sài Gòn, làm gì đó trong cụm sân khấu Lan Anh, có lẽ vợ ông người Việt.

Cũng như các cuộc trò chuyện với người nước ngoài khác, lời khen là thứ bạn rất hay được nghe, cụ già này cũng không ngoại lệ, cụ khen nhìn tôi từ xa bước tới không hề nghĩ tôi là người Việt Nam vì phong thái của tôi khác tất cả mọi người xung quanh. “Có lẽ cô ấy người Nhật” cụ ấy nghĩ vậy. Nghe cũng thú vị nhưng tôi không ngạc nhiên vì những điều này tôi nghe khá thường xuyên, duy có một câu nói của ông cụ làm tâm trí tôi bất giác đứng hình và hơi sững lại, cụ nói, chính xác như vầy: “Cô nói chậm chậm thôi nhá, chứ tiếng Anh của tôi không tốt lắm, cô nói nhanh quá tôi nghe không kịp đâu”.

Người Pháp, đặc biệt người già thường không giỏi tiếng Anh cho lắm nhưng tinh thần học của họ vẫn cao vì họ thích du lịch, tôi từng giao tiếp với nhiều người Pháp thú vị mà sẽ kể bạn nghe sau khi có dịp. Nhưng với người Châu Á chúng ta khi thấy người da trắng chúng ta thường mặc định họ nói tiếng Anh và giỏi tiếng Anh, điều này chưa chắc. Càng gặp nhiều người nước ngoài tôi càng tin điều này, chuyện tôi từng hẹn hò với anh chàng đẹp trai người Pháp cũng là một câu chuyện thú vị bạn sẽ được nghe để biết rằng chuyện học tiếng Anh không phải chuyện của mỗi người Châu Á chúng ta.

Nhưng sáng hôm nay khi nghe cụ ông người Pháp, có lẽ 70 tuổi nói với tôi rằng ‘hãy nói chậm lại vì ông ấy không giỏi tiếng Anh’ bất giác khiến tôi như nhìn thấy chính mình vài năm trước, thậm chí chỉ một năm trước. Mà đúng hơn, thỉnh thoảng tôi vẫn nói câu ấy mỗi khi gặp với những người bạn mới và họ mặc định nghĩ tôi rất “đỉnh” tiếng Anh hệt như tôi từng mặc định cứ dân da trắng là giỏi tiếng Anh vậy.

Việc “nhận dốt” này là một trong những mẹo học tiếng Anh mà tôi rất tâm đắc, nó cứu tôi khá nhiều “bàn thua trông thấy” khi nhận ra cuộc chuyện trò đang “… đi xa quá, anh đi xa em quá…”

 

Nói tóm lại, hành trình năm năm, từ một người lấy hết tự tin để nói những câu xã giao tiếng Anh đầu tiên cho tới một người tự tin bắt chuyện với bất cứ ai dù ngoài đường phố, trong nhà hàng quán xá hay kể cả trong những hội nghị cấp quốc tế. Thậm chí ngày nay, chuyện tôi nói tiếng Anh cả ngày, có ngày chẳng nói câu tiếng Việt nào do hoàn cảnh cuộc sống và công việc yêu cầu (mà thú thật là tôi cũng thấy thích thích nữa chứ).

Vậy tôi đã làm điều ấy như thế nào? Hành trình tự học tiếng Anh của tôi ra sao? Cuốn sách này là để chia sẻ cho bạn tất tần tật những gì tôi biết và đã thực hiện cũng như rút kinh nghiệm để tạo ra một phương pháp học Anh ngữ của riêng mình mà tôi xin được phép “khiêm tốn” gọi nó là: Phương pháp học tiếng Anh thông minh, hoặc để cho thêm phần thần bí, xin gọi nó là Học Viện Anh Ngữ Thần Chú, tại sao là thần chú thì dần dần bạn sẽ hiểu thôi. Anh ngữ – một trong bốn bảo bối của bộ sách Học Viện Đầu Tư do Phi Tuyết “sáng lập và cầm đầu”.

Tiếng Anh quả thực là “món” đầu tư mang nhiều “lợi nhuận” nhất mà tôi từng thực hiện.

Cuộc đời đã mang cho tôi vô vàn cơ hội học tiếng Anh một cách vừa hiệu quả vừa đầy hứng thú, để giờ đây cả một thế giới rộng lớn mở ra trước mắt, tôi tin đã đến lúc tôi trả lại “học phí” cho Ngài, thông qua bộ sách này, để mong giúp bạn cũng “làm chủ” ngôn ngữ này và mở ra thế giới mới cho riêng bạn.

Làm chủ được đặt trong ngoặc kép để bạn tự đặt ra mục tiêu học tập cho riêng mình, đừng để ai đặt mục tiêu thay bạn nhé.

Với tôi “làm chủ” ở đây không có nghĩa học thuật, không có nghĩa bạn thuộc mọi từ đồng nghĩa và luôn đúng tất cả ngữ pháp trong mọi trường hợp. “Làm chủ” theo nghĩa của tôi đó là bạn tự tin giao tiếp với bất cứ ai trong mọi hoàn cảnh và có khả năng khiến đối phương cảm thấy thu hút, thú vị và… muốn gặp lại bạn để nói chuyện nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Hơi buồn cười nhưng tôi tin mình có khả năng này, cụ thể ra sao bạn cứ đọc thêm sẽ biết, đừng sốt ruột nha. Học gì cũng vậy, học tiếng Anh cũng vậy thôi, sốt ruột chưa bao giờ làm nên chuyện cả nhưng kiên nhẫn và chăm chỉ thì nhất định không nên cơm cũng sẽ nên cháo.

Bộ sách này có nghĩa vụ chia sẻ với bạn mọi “bí kíp” học tiếng Anh của tôi để mong bạn cũng có thể sống một cuộc sống xinh đẹp hơn, rực rỡ hơn nhưng điều quan trọng hơn nữa là nó sẽ rút ngắn cho bạn rất nhiều thời gian lẫn công sức và tiền bạc trong hành trình chinh phục môn ngôn ngữ tuy hơi cứng đầu nhưng rất đáng giá này.

Tôi cực kì thích câu nói của Osho, guru của tôi: “Nếu bạn đủ thông minh, bạn có thể học từ bài học của người khác. Nhưng nếu bạn không đủ thông minh, bạn thậm chí chẳng học được gì từ bài học của chính mình.”

Tôi muốn nói rằng: “Nếu bạn không đủ thông minh cũng không chăm chỉ, bạn đầu tư bao nhiêu thời gian và tiền bạc e là cũng không hiệu quả đâu. Nhưng nếu bạn thông minh, việc học Anh văn sẽ không chỉ vui, thú vị, ngọt ngào, hiệu quả mà còn có thể sinh ra lợi nhuận rất nhiều nữa.”

Để ví dụ cụ thể về việc học Anh văn tạo ra tiền bạc thế nào, tôi sẽ kể cho bạn “phép màu” thứ hai, điều khiến tôi thêm tin rằng việc viết cuốn sách này và chuyển nó tới tay bạn, ấy là một “định mệnh”.

Cuốn sách này được tôi viết trên chiếc Macbook mới mua ngày hôm qua, bằng chính tiền… học Anh văn của mình. Vâng, bạn đọc không nhầm đâu, tôi mua chiếc Macbook này bằng tiền HỌC Anh văn, không phải DẠY Anh văn. (Sở dĩ nhắc đi nhắc lại chuyện Macbook là vì tôi hơi tự hào với bản thân một tí xíu, lần đầu tiên tự thưởng cho bản thân một món mà tôi chỉ từng dám mơ ước như vậy). Bạn có thể thấy, người ta dạy Anh văn để kiếm tiền còn tôi kiếm tiền bằng chính việc tự học Anh văn của mình. Bạn có tin được không? Không chỉ kiếm tiền mà còn kiếm rất khá, khá hơn mọi thứ tôi từng làm trong đời: kinh doanh thời trang, kinh doanh quán càfe hay viết sách… Tôi đã làm gì và làm như thế nào, một lần nữa xin nhắc lại (cái câu chán òm này) rằng cuốn sách này sẽ cho bạn câu trả lời nếu bạn tiếp tục theo dõi.

 

Phép hơi hơi màu là ở chỗ ngày tôi mua chiếc Macbook này để viết sách cũng chính là ngày tôi bán combo sách cuối cùng. Laptop cũ của tôi hiệu Dell được một anh độc giả thân thiết ở Mỹ mua tặng từ 3 năm trước, mẫu máy nhỏ gọn cho người “gầy gò” như tôi tiện mang đi khắp nơi cho dễ – lời Tony, người tặng tôi chiếc máy chia sẻ. Tôi nhận máy của anh sau khi laptop cũ hiệu Waio bị kẻ trộm cắt cửa sắt đột nhập vào cửa hàng lấy trộm mất. Tôi đã dùng chiếc máy ấy để viết nên những cuốn sách của mình và cả dịch, học Anh văn nữa. Chiếc laptop vừa hoàn thành sứ mệnh của nó thì bị hư, tôi cố chạy chữa nhưng không thành công vì dòng máy đó ở Việt Nam hiếm xài nên phụ tùng thay thế gần như không kiếm ra. Tôi đã định viết cuốn “bí kíp” học tiếng Anh này từ sớm nhưng luôn trì hoãn, lần nữa vì bận nhiều công việc khác và vì… lười. Những ngày qua tranh thủ laptop hư, tôi chẳng viết gì, chỉ tập trung đọc và chăm sóc cho ngôi nhà nhỏ. Một ngày đẹp trời sau khi bán xong combo sách dịch cuối cùng, laptop cũ vẫn chưa được chữa trị, tôi quyết định mua laptop mới bằng tiền bán sách và ấy cũng là ngày facebook dồn dập “nhắc nhớ” tôi về những kỉ niệm với hành trình học tiếng Anh của mình và Thượng đế đã dùng chiếc laptop mới này gõ boong lên đầu tôi ra hiệu đã tới lúc đặt bút viết cuốn đầu tiên cho bộ Học Viện Đầu Tư mà tôi ấp ủ bao lâu nay. Tôi chọn Hành trình Anh Ngữ làm cuốn đầu tiên để bắt đầu, dầu cho cuốn về Bảo Bối Viết Lách mới là cuốn mà tôi đã chuẩn bị biết bao lâu nay.

 

Bạn thấy đấy, tôi tin Thượng đế đã có những sắp đặt của riêng Ngài để khiến tôi làm những gì tôi đang làm ở đây. Ngài muốn tôi sống một cuộc sống xinh đẹp và hạnh phúc, sau đó giúp những người khác cũng sống cuộc sống xinh đẹp và hạnh phúc. Đó là những gì tôi đã làm, đang làm và sẽ luôn làm. Đó là sứ mệnh của tôi, sứ mệnh mà tôi đã chọn để theo đuổi.

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn bộ sách “Tự Học tiếng Anh thông minh” này. Tôi tin nếu bạn chăm chỉ học và làm theo hướng dẫn, đầu tư đủ “lượng” thời gian và công sức thì bạn nhất định có thể “làm chủ” ngôn ngữ thú vị này trong thời gian sớm nhất, sớm bao nhiêu là tuỳ thuộc vào bạn. Khi làm chủ nó rồi bạn sẽ đồng ý với tôi nó chính là một phép màu quan trọng làm thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi, chẳng phải theo kiểu thần thông mê tín gì đâu nhưng là biến đổi theo các định lý khoa học và logic thực tiễn hẳn hoi. Phương pháp học của tôi cũng được dựa trên rất nhiều quy luật khoa học tự nhiên mà cả thế giới công nhận, như là: Quy luật lượng-chất: lượng đổi chất sẽ đổi và cả những “luật tâm lý” nữa như là: Bạn chỉ học tốt nhất thứ mà bạn yêu thích, khi “đệ tử” sẵn sàng – “vị thầy” sẽ xuất hiện (vị thầy ở đây đơn thuần là phương pháp học thôi ấy mà)…

 

Học Anh văn thì ở đâu chả được nhưng học mà vừa vui vừa hứng thú lại vừa sinh lợi nhuận thì biết đâu có thể đây là nơi đầu tiên đấy.

 

Bởi vì cuốn sách này thuộc bộ Đầu Tư, mà đã là đầu tư thì phải sinh lời, cho nên đây không chỉ là cẩm nang phương pháp học Anh văn bình thường, nó còn là một cơ hội đầu tư sinh lời cho bạn nữa. Cụ thể như thế nào thì cuối sách tôi sẽ chia sẻ với các bạn về những ý tưởng, dự án mà chúng ta có thể làm cùng nhau để sao cho việc học này vừa vui hơn và cũng sinh lợi nhiều hơn, lợi không chỉ mặt tinh thần mà còn mặt vật chất nữa.

 

Anh ngữ là một bảo bối thần kì đã giúp tôi làm chủ số phận của mình và sống cuộc đời như mơ ước. Tôi hi vọng nó cũng sẽ đối tốt với bạn như thế!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *