Viết về quan niệm của người Việt: Sự tai hại của những đồng tiền khôn và suy nghĩ “trẻ con thì biết cái quái gì?”

Như đã nói ở bài trước, văn hóa là một đề tài vô cùng rộng và sâu. Để nói hết về văn hóa là điều không thể, nhưng để nói những điều bất cập cơ bản đang tồn tại trong xã hội, trong cuộc sống của chúng ta, lại chẳng khó khăn gì. Vì chúng đã tồn tại một cách khách quan quanh ta quá lâu rồi, tệ hơn là chúng còn ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người đến mức khó lòng mà gỡ ra được, dù ta biết chúng chẳng tốt đẹp gì đi chăng nữa. Sau đây là một vài quan niệm trong đời sống, văn hóa ứng xử có lẽ đã lỗi thời, lạc hậu hay sai lầm trong đời sống mà chúng ta có lẽ đã ít nhất một lần gặp phải.

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn

Đây có được coi là một “nét văn hóa” của người Việt Nam chúng ta không? Nó cũng là kinh nghiệm được đúc kết, là hoạt động con người tạo ra, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau, như một hành động khôn ngoan, như một bước đi tắt giúp chúng ta đạt được điều mình muốn. Nghe thì có vẻ tốt, nhưng hãy nhìn xem “nét văn hóa” này đã làm cho cuộc sống chúng ta trở nên trì trệ và xấu xí như thế nào.

Khoan hãy nói đến khôn và dại, trước tiên là cụm từ “đồng tiền đi trước”, khá rõ ràng ý của câu nói là chúng ta nên nghĩ về cách sử dụng tiền bạc sao cho đúng thời điểm để đạt được điều ta mong muốn, tránh gây phiền phức về sau. Chúng ta đã nghe lời dạy cha ông và thực hành câu nói này khá tốt, tốt đến nỗi nó tạo nên một nét văn hóa đặc thù: văn hóa của những đồng tiền. Một nét văn hóa xấu xí tác động lên mọi ngóc ngách của cuộc sống, khiến cho một phần nhỏ xã hội thích thú vui mừng, còn một phần lớn còn lại ức chế, tức tối và đau lòng. Càng đau lòng hơn khi gần như không có cách nào ngăn nét văn hóa này lại được cả.

Ai cũng muốn khôn, thế nên ai cũng muốn cho đồng tiền đi trước. Người muốn cho đồng tiền đi trước một, thì người muốn nhận đồng tiền đi trước lại nhiều gấp mười. Tất cả mọi người, dù cho làm nghề nghiệp gì, dù cho tuổi tác và giới tính ra sao, dù cho ở địa phương nào, cũng đều mong muốn được nhận những đồng tiền này. Những đồng tiền sinh ra trước cả khi họ bỏ công sức, dù cho công sức làm việc đó là nghĩa vụ của chính họ. Thật vậy, càng ngày chúng ta lại càng phải trả tiền nhiều hơn cho những dịch vụ chính đáng ta cần, một cách vô lý.

Nghĩ xem, nhiệm vụ của giáo viên là gì? Có phải là dạy dỗ học sinh thật tốt? Nghĩa vụ của bác sĩ là gì? Có phải là chăm sóc bệnh nhân thật tốt? Nhiệm vụ của những người làm công việc hành chính – nhà nước là gì? Có phải là phục vụ người dân? Những công việc đó, là nghĩa vụ của họ, họ việc họ PHẢI làm. Họ đã được trả lương để làm điều đó rồi. Vậy tại sao ta lại phải trả cho họ thêm một khoản khác ngoài lương, chỉ để họ làm công việc đó cho chúng ta, với cùng một chất lượng? Tại sao lại phải thêm tiền cho giáo viên để họ dạy con mình tốt hơn, chăm con mình chu đáo hơn? Tại sao phải trả thêm tiền cho bác sĩ để họ chữa bệnh cho ta? Tại sao phải trả thêm tiền cho những người làm việc hành chính để họ làm cùng một việc chẳng tốt hơn chút nào?

Thật ra thì ai cũng biết, tất cả vì những thứ này không đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Chúng ta cần họ, quá nhiều người cần họ nên họ mới làm cao và yêu sách. Thời gian là vàng bạc, ta muốn mọi việc được giải quyết nhanh chóng thì buộc phải “xì” ra một ít tiền đi trước. Mọi người đều muốn được giải quyết nhanh nên ai cũng cố nhồi tiền vào tay những người làm dịch vụ và rồi, có gì phải ngạc nhiên, văn hóa “tiền khôn” ra đời. Biết trách ai đây khi người đưa thì tự nguyện đưa, người nhận thì tự nguyện nhận. Hai bên chẳng ai trách ai chỉ về nhà rồi thở dài trách văn hóa Việt Nam ngày càng xuống cấp, trách tiền bạc sao quá lên ngôi. Hậu quả là một nét văn hóa đặc thù xấu xí kinh dị nhưng không cách nào xóa được. Muốn giải quyết ư, người dân không thể chỉ đơn giản không lót tay là xong, điều này sẽ gây ra nhiều rắc rối. Người nhận tiền không thể từ chối là xong, như thế không công bằng với bản thân vì mình không nhận người khác cũng nhận, và vì không nhận lấy gì mà ăn cho ngon mặc cho đẹp với đồng lương như hiện tại?

Lại theo tôi, một trong những lý do để nét văn hóa xấu xí này tồn tại, vì cung dịch vụ không đủ cầu, vì tình trạng độc quyền và trạng thái không minh bạch, tất nhiên, cả vì sự đạo đức giả dối nữa. Tại sao nhà nước phải cố công duy trì một bộ máy cồng kềnh nặng nề khủng khiếp để mọi hoạt động trở nên nhởn nhơ ì ạch như một bà già mập phì thừa cân như thế? Nếu như bộ máy chính quyền của chúng ta có thể tinh giảm thật sự để trở nên gọn gàng linh động thì chắc chắn tiền lương của những người làm công trong đó sẽ được nâng lên, họ sẽ luôn dư đủ cái ăn cái mặc, không còn phải đi tìm mọi cách thu thêm khoản lợi mờ ám nào nữa. Chẳng thà cứ để cho lương của mấy ông lãnh đạo cao ngút để họ tận tâm hơn cho đất nước, còn hơn những con số lương nhỏ bé giả tạo đến vô nghĩa khiến họ dành toàn bộ thời gian đi kiếm thêm bên ngoài như hiện nay. Mặt khác phải gỡ bỏ ngay các thủ tục hành chính nhiêu khê phức tạp, không được để tình trạng một hồ sơ phải lấy chục con dấu ở chục nơi trong chục ngày như hiện nay. Điều này làm thất thoát của xã hội biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc, thật là lãng phí. Tại sao lại đối xử với người dân như vậy? Còn nữa, để xóa bỏ tình trạng này, chúng ta cần phải thị trường hóa, cạnh tranh hóa những dịch vụ mà hiện nay một số tổ chức đang độc quyền phân phối. Tại sao rất nhiều những dịch vụ cần thiết nhất, như giáo dục, y tế, nhiên liệu, hàng không… đều không đủ nhiều hoặc không đủ tốt cho xã hội nhưng không mấy ai được quyền đứng lên cạnh tranh? Những điều này có lẽ lên tới tầm vĩ mô mất rồi và tôi không đủ hiểu biết để đi sâu thêm nữa. Chỉ đau đớn thừa nhận rằng, chính chúng ta đã tạo nên nét văn hóa xấu xí này, chúng ta đang phải oằn mình để chịu đựng nó nhưng chẳng có phương án nào triệt để để thay đổi nó cả.

Một xã hội trọng đồng tiền, tôn đồng tiền lên trước mọi giá trị cuộc sống là một xã hội tồi tệ. Xã hội tồi tệ bởi những nét văn hóa tồi tệ. Chính chúng ta là người tạo ra nó, thì hãy tìm cách thay đổi nó, hãy bớt than van đi. Chính tay ta dúi cho mấy ông cảnh sát vài trăm ngàn rồi về chửi bới họ làm tiền. Ta trách xã hội trọng đồng tiền nhưng chính ta cũng chẳng hề xem nhẹ nó. Ta đòi tăng lương khi bản thân chẳng làm được gì hơn những việc đã được kí kết thỏa thuận trong hợp đồng. Nói chung, ta quá quan trọng sức mạnh của đồng tiền đến nỗi quên đi những giá trị khác của cuộc sống, làm cho gía trị của đồng tiền trở nên sai lệch và đáng ghét. Trở nên thần tiên thay vì chỉ là công cụ, trở nên sức mạnh thay vì là giấy vô tri. Và nguy hiểm hơn, mỗi ngày dù vô tình hay cố ý, ta vẫn đang cố truyền lại những nét văn hóa xấu xí này cho các thế hệ sau. Làm sao để ngăn điều đó lại? Làm sao để dạy cho con cái ta rằng cuộc sống còn nhiều giá trị cao đẹp hơn những đồng tiền. Làm sao để cho chúng hiểu tiền bạc chỉ là một thứ công cụ, không phải mục đích, rằng con người nên tìm đến những giá trị nội tâm, hơn là giá trị bên ngoài? Làm sao để cho chúng có thể sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan và hữu ích?

Để có thể dạy được chúng điều gì, trước tiên, xin hãy làm gương! Bạn không thể dạy con mình xem thường đồng tiền, khi bạn xem trọng nó. Bạn không thể dạy con mình thanh liêm, khi bạn nhận tiền khôn từ người khác thường xuyên. Bạn không thể dạy con mình cố gắng khi bạn đem tiền ra cố gắng  giải quyết mọi chuyện. Chính bạn, chính chúng ta, đã tạo nên nét văn hóa xấu xí này, nếu như có cách nào để sửa đổi, hãy làm gương và giáo dục lại những nét văn hóa tốt đẹp khác (cả về tiền bạc) cho con cái của mình.

Điều này dẫn đến một nét văn hóa khá sai lầm tiếp theo của người Việt: Trẻ con thì biết cái gì?

Đúng vậy, sai lầm lần này, chính là văn hóa “xem thường trẻ em” của chúng ta. Chúng ta yêu thương chúng, chăm sóc chúng nhưng chẳng hề xem chúng như những con người thực sự. Phần lớn chúng ta xem con cái mình như những con búp bê thì đúng hơn. Và sai lầm nhất là luôn nghĩ chúng còn nhỏ, chẳng hiểu gì.

Không đâu, bạn sai rồi, bọn trẻ, dù rất nhỏ, chúng vẫn hiểu hết đấy. Hiểu về cuộc sống, hiểu về bạn và những việc bạn làm. Chính điều đó tạo nên nhân cách và hành vi của chúng sau này.

Trong khi bạn luôn mặc định rằng bọn trẻ thì chỉ biết ăn, biết chơi, bạn quên rằng chúng cũng biết suy nghĩ nữa. Thậm chí đôi khi chúng còn suy nghĩ và biết nhiều hơn cả những gì bạn nghĩ. Nếu như nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là dạy dỗ bọn trẻ từ những việc thường ngày thì phần lớn chúng ta chọn cách lờ chúng đi. Nếu như nhiệm vụ của cha mẹ là giải thích cho chúng hiểu về cuộc sống, về thế giới này thì phần lớn chúng ta cũng chọn cách trả lời mọi câu hỏi của chúng bằng một câu ngắn gọn “con hỏi nhiều quá, hỏi hoài à”. Nếu như nhiệm vụ của cha mẹ là làm cho bọn trẻ có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình thì phần lớn chúng ta cũng chọn cách giấu đi tất cả. Điều này thể hiện rõ trong vấn đề tiền bạc và chuyện về giới tính. Chúng ta luôn lấy lý do chúng còn nhỏ để lãng tránh nhiệm vụ dạy dỗ của mình.

Chúng ta thường hay cho rằng mình dạy bọn trẻ rất tốt, nhưng thật sự có bao nhiêu gia đình thực sự dạy dỗ bọn trẻ qua những bài học, qua những lời dặn dò hay tình huống thực tế? Phần lớn chúng ta để chúng tự học qua cách hành xử của chính mình. Và phần lớn chúng học được những điều ta không hề muốn chúng học, cũng từ tấm gương gia đình. Làm sao một đứa trẻ có thể tôn trọng người khác hoặc cảm nhận được tình yêu thương khi cha mẹ chúng suốt ngày chửi bới, sỉ vả lẫn nhau trước mặt chúng. Làm sao bọn trẻ có thể biết lời hứa là rất quan trọng khi cha mẹ chúng cứ hứa hết điều này điều kia rồi khiến chúng thất vọng. Những lời hứa như ăn hết cơm đi rồi mẹ mua đồ chơi cho, nín khóc đi rồi mai mẹ mua kem… Làm sao bọn trẻ biết được tiền bạc là đáng quý nếu cha mẹ luôn đáp ứng mọi thứ chúng yêu cầu? Làm sao bọn trẻ biết đến tình thương khi cha mẹ chúng bịt mũi đi qua những người ăn xin? Làm sao bọn trẻ biết hòa đồng khi chúng ta dặn con mình chỉ được chơi với bạn này không được chơi với bạn khác? Chúng ta muốn con mình học những điều hay lẽ phải, nhưng chính chúng ta lại làm gương xấu cho chúng mỗi ngày, dù vô tình vì một lý do rất đơn giản “Ôi dào, con nít ấy mà thì biết cái gì?”

Đó là một quan niệm sai lầm, và không tôn trọng trẻ em đúng mức cũng như quá bảo bọc chúng như kiểu những con búp bê là một nét văn hóa sai lầm cần thay đổi.

Ngày hôm qua tôi đọc được một bài văn của em học sinh tiểu học được chia sẻ trên mạng. Em miêu tả gia đình mình rằng bố làm hải quan thường xuyên mang hàng hóa như quần áo, mỹ phẩm, điện thoại về cho mẹ bán lại. Ông nội em phản đối hành vi ăn cắp này nên ông và bố thường cãi nhau vào bữa cơm tối mỗi ngày. Với những lời lẽ ngây ngô nhất, điều ước của em là bố hãy thôi lấy trộm đồ của người khác để ông và bố không cãi nhau nữa. Một bài văn hơi dễ thương nhưng quá sức đau lòng, hiện thực tham lam vô trách nhiệm của một số người làm hải quan lần đầu được nhìn thấy qua lăng kính vô tư của một cậu bé. Tôi không biết cha mẹ của cậu bé này sẽ nghĩ sao khi đọc được bài văn của con mình. Họ sẽ tức giận, hay xấu hổ, hay sợ hãi vì đã vô tình làm gương cho con họ một cách xấu xí như vậy? Khi ở nhà không biết họ có nghĩ là mình là những kẻ trộm cắp, trong mắt con cái mình là kẻ trộm cắp? Tôi nghĩ là không, tôi nghĩ là họ cũng như bao nhiêu gia đình khác. Nghĩ con mình còn nhỏ thì biết cái gì nên tha hồ làm những hành động xấu xí và hằn trong tâm khảm chúng những bài học tồi tệ. Nếu lỡ một ngày đứa trẻ này lớn lên và trở thành một kẻ trộm cướp, họ có ngạc nhiên không? Họ có thể dạy dỗ nó không khi nó trả lời “ngày xưa ba mẹ cũng ăn trộm thường xuyên thì lấy gì dạy tôi?”

Rồi sáng nay trong một quán ăn, tôi không khỏi thở dài ngán ngẩm khi nhìn một bà mẹ trẻ (cô này là giáo viên, tôi biết cô ấy tuy không học trực tiếp bao giờ) cúi gập người xuống sàn để xỏ giày cho cậu quý tử tầm 6-7 tuổi của mình. Chưa kể đến chuyện cô ấy là giáo viên, tôi ngạc nhiên tại sao chúng ta lại có thể biến con cái mình thành những đứa trẻ bù nhìn đến thế? Liệu sau này chúng có lớn lên với đầy đủ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và độc lập một người đàn ông cần phải có? Đây không phải hành động cá biệt, chị gái tôi đến giờ vẫn phải đút cơm cho cậu nhóc 6 tuổi vì lý do “cho nhanh, nó tự ăn chậm lắm”. Tôi yêu quý cháu mình, tất nhiên, nhưng tôi không thể nào chấp nhận những cảnh tượng đó. Đúng là do tôi chưa có con, tôi không thể yêu đứa trẻ cho bằng ba mẹ nó. Nhưng yêu thương con cái nhất thiết là phải làm mọi việc cho chúng, từ đút ăn, thay quần áo, xỏ giày… kể cả khi chúng đã lớn như những thanh niên nhỏ thế sao? Chẳng lẽ các ông bố bà mẹ hiện đại đó không ai muốn con mình trở thành một người bản lĩnh, tự lập à? Nếu có, hẳn họ đã không làm như vậy.

Luôn cho rằng con mình còn nhỏ, thậm chí khi con cái lập gia đình, nhiều bậc cha mẹ vẫn coi con mình như một đứa trẻ. Đó là một nét văn hóa lỗi thời lạc hậu. Khi cho rằng con cái còn nhỏ, ta nghĩ chúng không thể làm được việc gì, hoặc làm không tốt, nên ta làm mọi thứ cho chúng. Khi cho rằng con cái còn nhỏ, chúng sẽ không biết, không hiểu gì sự đời nên ta trốn tránh việc dạy dỗ chúng, trốn tránh việc làm gương sáng cho chúng và tự an ủi mình bằng câu “lớn lên rồi nó sẽ hiểu”. Cha mẹ càng yêu con bằng tình yêu mù quáng thì hiển nhiên con cái càng chẳng có cơ hội lớn  khôn được.

Rồi thậm chí, khi những đứa con lớn lên, các bậc phụ huynh vẫn xem chúng như trẻ nhỏ, vẫn giữ quan niệm “trẻ con thì biết cái gì?” và rồi họ nghiễm nhiên tiếm lấy của con cái những quyền cơ bản: quyền được chọn ngành nghề mình thích, quyền theo đuổi đam mê, quyền yêu đương và lựa chọn bạn đời, thậm chí cả quyền nuôi dạy con cái của chính chúng ta nữa. Người lớn – họ luôn cho rằng con cái thì không hiểu gì, không biết mình thật sự cần gì hay thứ gì là quan trọng nhất. Tất cả những điều này, tạo nên một thế hệ những người trẻ lạc lõng, chán chường, sống như những cái bóng làm vui lòng người lớn. Vậy rốt cuộc cuộc sống còn ý nghĩa gì?

Tôi ngạc nhiên khi rất nhiều bậc cha mẹ còn lấy con cái ra làm bình phong, làm lý do cho sự hèn nhát của họ. Khi cuộc sống không hạnh phúc, họ cho rằng họ phải làm mọi thứ để cho con cái một gia đình đủ cha đủ mẹ. Họ cho rằng mình hi sinh hạnh phúc cá nhân vì cuộc sống của con. Vậy có bao giờ họ thực sự hỏi con mình rằng: “con có hạnh phúc không nếu mẹ làm vậy?” Phụ huynh thường ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc con cái cần một gia đình đủ cha mẹ hay cần hạnh phúc hơn. Và tất nhiên, không phải khi nào gia đình đầy đủ cha mẹ cũng là hạnh phúc. Họ thường tự quyết điều đó thay cho con cái, thay vì thực sự hỏi chúng muốn gì. Tất nhiên đa phần đứa trẻ không bao giờ muốn cha mẹ mỗi người một nơi, nhưng cũng có những đứa trẻ thà để cho gia đình tan vỡ còn hơn phải chứng kiến những màn cãi nhau nảy lửa mỗi ngày, thậm chí những dối trá, khinh miệt nhau của bố và mẹ. Những hạnh phúc giả tạo, những trận khẩu chiến và cả động tay chân, không đứa trẻ nào hạnh phúc với điều đó cả. Nếu như đánh đổi những ngày bình yên với một gia đình đủ bố mẹ nhưng không bao giờ hạnh phúc. Đứa trẻ chọn gì bạn biết không? Muốn biết thì hãy hỏi nó, đừng đoán mò và rồi bắt chúng sống chung với sự lựa chọn sai lầm của mình. Những đứa trẻ sống trong một gia đình hỗn độn chiến tranh tâm lý sẽ lệch lạc, hoặc trở nên hung bạo hoặc trở nên sợ hãi yếu đuối. Nhưng một đứa trẻ sống trong một gia đình tan vỡ nhưng bố mẹ tôn trọng lẫn nhau và cùng dành cho chúng sự quan tâm cần thiết sẽ khác. Không hoàn toàn nhưng chúng vẫn còn có cơ hội để được hạnh phúc hơn. Kể cả những chuyện trọng đại này, bạn đã bao giờ hỏi ý kiến lũ trẻ chưa?

Nên, để thay đổi tư duy và nét văn hóa cũ kĩ này, xin hãy luôn nhớ rằng con bạn, ngoài ăn, chơi và ngủ, chúng còn có một cặp mắt quan sát nhạy bén, một bộ óc thông minh có thể suy nghĩ và hiểu rất nhiều vấn đề bạn không ngờ tới. Bạn cần phải tôn trọng và đối xử với con cái của mình như những cá thể đầy đủ nhận thức. Hãy tìm hiểu điều chúng hiểu, dạy những điều đúng và chỉnh lại những điều sai khi cần. Và dẹp ngay tư duy “trẻ con thì biết cái quái gì” đi nhé!

 

Phi Tuyết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *