Thế giới viễn tưởng: thế giới của cảm xúc và yêu thương

26/6/2015

Thật khó để có thể thừa nhận rằng, có những điều mới hôm qua thôi tôi còn cho đó là chân lý, nhưng hôm nay lại không còn nữa. Thật sự khó để thừa nhận điều đó.

Trong bài “xác định đúng trọng tâm cuộc đời và ta sẽ không bao giờ còn cảm thấy chông chênh” tôi đã chia sẻ với các bạn về những cách đặt trọng tâm cuộc đời mà tôi đã biết hoặc đã làm, như là vào nguyên tắc sống, vào những mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn khác nhau trong đời…

Hôm nay tôi sẽ lại chia sẻ một cách đặt trọng tâm khác mà tôi đang áp dụng, có lẽ cách này không được phổ biến lắm, không “bình thường” lắm, vì trước giờ người ta đã luôn cố tìm mọi cách gạt nó qua một bên.

Nhưng tôi sẽ cảm thấy rất có lỗi nếu không nói ra cách này, vì đối với tôi, với con đường tôi đang đi hiện tại, với cái phương châm sống “hiện tại là trên hết” và “chia sẻ mọi thứ” thì tôi không thể giữ nó cho mỗi mình được. Có thể bạn sẽ không tin vào điều này, có thể bạn sẽ gạt ý tưởng này qua một bên, thậm chí có thể bạn sẽ công kích và dẫm đạp nên nó như một thứ khủng khiếp, hoàn toàn không sao cả. Vì tôi không có ý khuyên bạn, nhưng tôi chỉ đang nói với bạn về cách tôi đang làm, một cách đặt trọng tâm mới, chiều sâu hơn, hướng tâm hơn, đó là, hãy đặt trọng tâm cuộc sống vào những cảm xúc bạn cảm nhận được trong trái tim mình.

Thật vậy, tất cả những cách khác, như nguyên tắc sống, vật chất, gia đình, mục tiêu, danh vọng, tất cả những thứ chúng ta đang đặt làm trọng tâm đều là những thứ bên ngoài, những thứ thực sự tách rời với bản chất con người chúng ta. Nhưng có một thứ luôn ở bên trong ta, không bao giờ tách rời, đó là trái tim, là cảm xúc thì ta lại thờ ơ và không màng tới. Đó thật sự là một thiếu sót trầm trọng.

Chúng ta luôn được dạy rằng, sống phải tuân theo lý trí, phải tuân theo ý thức, không thể chỉ tuân theo cảm xúc được. Vì nếu người ta chỉ tuân theo cảm xúc thì thế giới sẽ loạn.

Ôi, tôi đã từng tin, đã từng rất tin vào điều đó.

Nhưng rồi hãy nhìn xem, cái thế giới mà chúng ta đang sống bằng lý trí nó có tuyệt vời không hay nó loạn đến thế nào?

Tôi đã từng luôn cho rằng lý trí là nhất, ý thức là nhất. Nhưng đến hôm nay tôi mới nhận ra một sự thật phũ phàng mà chắc chắn sẽ rất rất nhiều người phản đối, như tôi đã từng phản đối, rằng lý trí đang phá hoại cuộc sống của chúng ta nhiều hơn ta có thể nghĩ. Tôi đã nhận ra rằng, chúng ta nên xây dựng thế giới bằng cảm xúc, những cảm xúc tích cực chân thật, chứ không phải bằng lý trí, thứ lý trí mù quáng. Đúng vậy, là lý trí mù quáng chứ không phải cảm xúc mù quáng, thế mà xưa giờ tôi luôn bị nhồi rằng cảm xúc là thứ mù quáng.

Cảm xúc là thứ chân thật nhất thế gian, làm sao một thứ chân thật lại mù quáng được? Nhưng ngược lại, lý trí là thứ giả dối, nó là thứ không phải tự thân chúng ta có, mà là thứ ta được dạy, được chỉ bảo, được giáo dục mà ra. Giáo dục lại là một thứ công cụ hoàn toàn chủ quan. Người ta không dạy thứ người khác muốn học, mà người ta chỉ dạy thứ người ta muốn người khác học. Một thứ như thế, làm sao có thể không mù quáng?

Để nhìn ra sự thật về cảm xúc và lý trí, hãy nhìn một đứa trẻ.
Một đứa trẻ khi được sinh ra thì hoàn toàn hành động chỉ vì cảm xúc, nó vui thì cười vang, nó buồn hoặc đau thì nó khóc, thật vô tư, thật hồn nhiên. Nó ghét thì sẽ biểu lộ ngay ra mặt, nó yêu thì chẳng ngại ngần ôm hôn. Thế đấy, làm gì trên đời có gì đẹp hơn những đứa trẻ, bởi vì chúng luôn sống với cảm xúc, luôn sống trong sự chân thật của con tim. Điều đó thật đẹp tuyệt vời. Người ta hay dùng từ “đồ con nít” để chê bai một người sống chỉ tuân theo cảm xúc, một người ngốc nghếch. Nhưng, nếu giả như cả thế giới này có thể sống với những cảm xúc chân thật như những đứa con nít, tôi dám cá thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Người ta sẽ hào hứng học hỏi mọi điều mới lạ, người ta chẳng sợ hãi gì, chỉ có một niềm khát khao khám phá mọi thứ. Người ta yêu thương các loài động thực vật như bạn bè, người ta không tranh đua, ghen ghét hay tìm cách hãm hại nhau. Mà ngược lại, người ta sẽ chỉ làm những điều con tim mách bảo và con tim, theo tôi, là thứ không bao giờ sai cả dù cho nó có bị loài người chúng ta xem thường và gạt qua một bên tới mức lệch hẳn sang một bên như ngày nay. Nhưng dù gạt qua một bên, trong tâm khảm chúng ta vẫn luôn có một sự ý thức mù mờ rằng tim chúng ta nằm chính giữa lồng ngực, chứ không phải lệch về bên trái. Khi người ta xúc động, người ta đặt tay giữa lồng ngực, như một phản xạ vô điều kiện. Hãy hỏi một đứa trẻ tim ở đâu, nó sẽ chỉ vào giữa ngực, chứ không phải lệch bên trái. Liệu đó có phải là những dấu tích cho một quả tim thật sự nằm giữa lồng ngực? Quả tim của những cảm xúc dạt dào?

Đạo Thiên Chúa giáo chúng tôi có câu “Không ai vào nước trời dễ cho bằng những đứa trẻ”. Đó là những đứa trẻ chỉ hành động bằng lời mách bảo của con tim, chứ không phải lý trí và vì thế, mọi ngày chúng sống đều là thiên đường, cho tới khi chúng đủ lớn và người ta bắt đầu bắt chúng đến trường để “đi học”. Từ khi “được đến trường” học hành, bọn trẻ bắt đầu mất dần sự ngây thơ đáng yêu và chuyển thành những người mang “ý chí”. Sự ngây thơ đáng yêu ấy mất dần khi chúng lớn lên. Và khi chúng lớn bằng chúng ta thì mất hẳn, chúng ta chẳng còn tý nào sự đáng yêu của một đứa trẻ mà thay vào đó là những thứ của “người trưởng thành”: sự toan tính, mưu mô, ghen ghét, đố kị, tranh giành, ham muốn… Tất nhiên có cả những đức tính tốt nữa như sự chân thành, giản dị, yêu thương, sáng tạo… nhưng chẳng phải những đứa trẻ mới là những người có nhiều nhất những đức tính quý báu này hay sao?

Bắt những đứa trẻ đánh đổi cảm xúc để lấy lý trí có thật sự là điều đáng làm? Đó là điều nền giáo dục đang làm.

Hãy nhìn vào nền giáo dục của chúng ta. Tất cả đều chăm chăm nhồi nhét vào đầu đứa trẻ những thứ kiến thức tạp nham, những thứ chẳng mấy quan trọng và cần thiết. Nhưng còn một thứ cực kì quan trọng, là cảm xúc, thì giáo dục lại lờ đi. Điều này tạo nên những thế hệ người rất lý trí, nhưng rồi sao, lý trí đấy nhưng lại làm tuột đi hết những thứ xúc cảm chân thành và trong lành trong tim chúng. Tôi cho rằng đó chính là lý do cốt yếu tại sao thế giới này lại rối ren như thế với hàng vạn hàng ngàn những thứ xấu xa độc hại. Đương nhiên thế giới này cũng không thiếu những điều tốt đẹp, nhưng có vẻ như càng ngày chúng càng ít đi, bởi đơn giản, người ta đã dần trở nên vô cảm. Sự vô cảm đã xóa đi những điều tốt đẹp và chỉ để lại những thứ toàn toàn “lý trí”. Chính thứ lý trí này đã hủy hoại cuộc sống địa đàng của địa cầu.

Không hủy hoại sao được, khi mà:
– Thâm tâm người ta không muốn chặt cây, không muốn phá rừng, không muốn giết hại động vật, nhưng lý trí lại nói rằng chẳng có gì quan trọng cả, dù cho là giết một con chó, một cái cây, một rừng cây hay cả bầu khí quyển này.
– Thâm tâm người ta muốn con cái mình được hạnh phúc, được vui vẻ, nhưng lý trí lại bảo rằng nó chỉ được vui vẻ khi hơn người khác, hơn bạn bè, rằng nó hạnh phúc hay không không quan trọng, quan trọng là phải điểm cao, phải tài giỏi, phải thành công đã.
– Thâm tâm người ta muốn chia sẻ, muốn giúp đỡ những người gặp khó khăn, nhưng lý trí lại nói rằng họ lừa đảo đấy, rằng mình cũng đâu có giàu có gì, sẽ có người khác giàu hơn giúp đỡ họ, hoặc mình sẽ được gì khi giúp người này, họ có gặp khó khăn thật không? Lý trí vô cùng bận rộn trong việc làm lu mờ cảm xúc của trái tim.
– Thâm tâm người ta muốn làm điều người ta ước ao, muốn thực hiện đam mê và sống cuộc đời của chính mình, nhưng lý trí lại nói rằng phải nghe lời ba mẹ chọn đường an toàn thôi, rằng bạn bè mình chẳng có ai làm thế cả, mình sẽ bị chê cười, lỡ mình thất bại thì sao?
– Thâm tâm người ta thấy không còn yêu nhau nữa, người ta muốn được giải thoát, muốn được sống trong yêu thương thật sự. Nhưng lý trí sẽ ngay lập tức cản họ lại với trăm ngàn lý do, truyền thống không cho phép, tôn giáo không cho phép, lương tâm không cho phép… Và thế họ họ dối trá nhau, cùng nhau sống trong đau khổ dằn vặt cả đời.
– Thâm tâm người ta muốn tự do, muốn bùng cháy với cuộc sống nhưng rồi lý trí sẽ ngay lập tức ngăn họ lại. Không thể làm như thế, thế giới sẽ loạn mất, mình còn nhiều thứ phải lo, còn nhiều mục tiêu để phấn đấu… Và thế là, người ta tự trói mình dô mọi sợi xích xung quanh, tự chui mình vào mọi kiểu nhà tù mà cứ tưởng là nhà mình. Lý trí biến nhà mình thành nhà tù. Còn con tim thì ngược lại, nó biến nhà tù thành nhà mình, biến mọi nơi đáng sợ thành thiên đường, chỉ cần với một con tim yêu thương ngập tràn cảm xúc.

Thế nên, tôi mới nói, tôi đồng lòng với cách nghĩ của Osho và của tất cả những người đang trên đường tìm cách hướng tâm khác, rằng, cảm xúc, mới chính là thứ quan trọng nhất, mới chính là trọng tâm của cuộc sống, mới là thứ mọi người cần tập trung hướng vào.

Thế giới mà không có lý trí thì thế giới sẽ đẹp đẽ tươi vui như thế giới tuổi thơ. Thế giới mà không có cảm xúc thì đó sẽ là một thế giới chết, một hoang mạc không hơn không kém. Và thế giới chúng ta đang sống hiện nay, với sự tiếp tay của chủ nghĩa tiêu dùng, đang dần bị biến thành hoang mạc. Hoang mạc tình người nhưng đầy ắp đồ đạc vô tri.

Cũng giống như mạng xã hội được thiết kế để người ta xích gần nhau hơn, nhưng lại tạo ra một thứ khoảng cách mới tách chúng ta xa nhau hơn bao giờ hết.
Cũng giống như điện thoại được tạo ra để người ta nói chuyện với người ở xa dễ hơn, nhưng rồi nó lại khiến người ta khó nói chuyện trực tiếp với nhau đến thế nào.
Cũng vậy thôi, lý trí là thứ được chúng ta tạo ra, tưởng rằng có thể làm cho thế giới tốt đẹp, nhưng chính nó lại phá hoại cuộc sống theo cách biến cuộc đời trở thành bể khổ, thành một cuộc chiến, thành một nơi hoang mạc tình người.

Tôi biết nhiều người sẽ không thể chấp nhận được ý tưởng này, cái ý tưởng lý trí là thứ tệ hại thật không thể chấp nhận nổi. Nhưng có một cách rất hay tôi đọc được để biết một ý tưởng có tốt hay không. Đó là hãy hình dung về một thế giới mà tất cả mọi người cùng như thế.

Nghĩa là, hãy hình dung về một thế giới chỉ ngập tràn lý trí, ai cũng lý trí, lý trí chi phối mọi thứ trên đời. Thoạt nghe thì nó rất hay ho đấy, đó nhất định là một thế giới gọn gàng ngăn nắp, chẳng có tội phạm tội ác nào. Mọi thứ đều quy củ. Nhưng hãy nhìn sâu vào bên trong. Ở nơi gọn gàng đó là một người chán nản công việc nhưng không thể từ bỏ vì lý trí không cho phép. Ở nơi đó là những gia đình hạnh phúc giả tạo, nơi vợ chồng chán ngấy nhau nhưng vẫn lê lết sống cùng nhau qua ngày vì lý trí không cho phép họ được làm khác. Ở nơi đó những người muốn được thực hiện đam mê nhưng không thể vì lý trí bắt anh ta phải chạy theo tiền bạc, danh vọng… Thế giới này sao giống thế giới của chúng ta thế nhỹ?
Giờ hãy hình dung ngược lại. Thế giới mà ngập tràn cảm xúc, tất cả mọi người đều làm những việc bị cảm xúc chi phối. Người ta chia sẻ với nhau mọi thứ, người ta theo đuổi những cảm xúc người ta muốn đạt được. Người ta yêu thương, người ta xúc động, người ta đồng cảm, người ta tha thứ… Chẳng thể hình dung nổi thế giới đó ra sao, nhưng đó thực sự là những gì đang xảy ra tại những nơi có sự sống tiến hóa ở bậc cao theo như cuốn Đối Thoại vs Thượng Đế mô tả, đó chính là “một nhân loại mới” mà Osho đang cố nói đến, đó chính là thế giới mà Đức Jesus và Đức Phật nhắc đến trong mỗi bài giảng của mình. Thế giới của tình yêu thương. Nhưng bạn cũng biết đấy, số phận của những người dám nói đến một thế giới yêu thương ấy mà, họ sẽ bị ám sát chết ngay. Bởi vậy mới có câu “Hãy nhìn những người đang cố nói về một thế giới của tình yêu thương: Jesus, Ganhi, Krisna, Osho, Apraham Lincoln… và Bùm, tất cả họ đều đã bị ám sát hoặc bị kết án tử vì những điều họ dám nói. Rõ ràng nhân loại chưa bao giờ sẵn sàng cho một thế giới chỉ toàn tình yêu thương.”

Nhưng tin vui là bạn, tôi và chúng ta, chúng ta không cần biến cả thế giới thành những người yêu thương, chỉ cần tự biến bản thân mình thành người yêu thương là đủ. Đừng cố theo đuổi việc tạo ra một nhân loại sống trong cảm xúc, coi chừng bạn sẽ bị ám sát ngay. Nhưng tự bản thân mình, hãy là một người đầy xúc cảm. Thế là đủ rồi. Cảm xúc là thứ dễ lây truyền, chỉ cần bạn đầy cảm xúc, người khác cũng sẽ “được lây”.

Việc bạn cần làm, việc tôi muốn khuyên cho những người đồng tình, đó là hãy chọn ra thứ cảm xúc mà bạn muốn cảm nhận, và đuổi theo nó, đặt mọi hoạt động sống vào nó.

Tất nhiên bạn có thể muốn trải nghiệm cảm giác được mọi người tôn trọng, nể nang. Hãy đặt nó là trung tâm và thiết kế những cách thức để đạt được cảm giác đó. Cách thức có thể là sự giàu có, học vị, chức tước, nhưng cũng có thể là trở thành một người hiểu biết hoặc người giúp đỡ người khác… Tất cả những cách thức này đều là những phương tiện để bạn đạt được cảm xúc. Không phải khi nào tiền bạc danh vọng mới là thứ phương tiện tối ưu, xin đừng nhầm lẫn. Thật sự có rất nhiều cách để đạt được cảm xúc mà bạn mong muốn, nhưng trước tiên, hãy xác định cảm xúc trọng tâm bạn muốn trải nghiệm là gì, rồi tìm cách thực hiện nó. Điều này có đơn giản quá không?

Tôi sẽ mang mình ra làm ví dụ, được chứ, cho bạn dễ hình dung thôi chứ không phải để chứng tỏ điều gì cả.
Tôi đã chọn hai thứ cảm xúc mà mình muốn trải nghiệm, cả đời. Đó là sự vui vẻ (đã bảo gồm hạnh phúc) và sự tự do. Cho đến giờ, từ khi thay đổi nhận thức, tôi bắt đầu làm mọi thứ vì hai thứ trọng tâm đó. Tôi làm mọi điều và thiết kế mọi con đường để đưa mình đến với sự vui vẻ và tự do. Không phải là sự vui vẻ và tự do trong tương lai, nhưng là ngay hiện tại.
Một trong những điều tôi làm để mình được vui vẻ, đó là làm những điều mình muốn làm, đi những nơi mình muốn đi, giúp đỡ mọi người theo cách tôi có thể, biến cuộc sống của mình thành một thứ đáng sống, hẹn hò những người tôi yêu quý… những việc này thật sự đã khiến cuộc sống của tôi luôn rất vui vẻ, hạnh phúc. Việc đặt cảm xúc thành trọng tâm, đó không phải như đặt mục tiêu, bạn không phải đợi kết quả xảy ra mới cảm nhận được, mà đó hoàn toàn là sự tận hưởng quá trình, cảm giác sẽ đến trong từng việc nhỏ bạn làm để hướng đến mục tiêu.

Còn việc tôi làm để hướng đến tự do ư? Đó đơn giản là tôi bắt đầu thoát ra khỏi những nhà tù, đập tan những sợi xích giam hãm mình. Điều này đối với tôi tương đối dễ dàng hơn các bạn, vì tôi độc thân. Tôi thoát khỏi nhà tù của những tư tưởng được định hướng, tôi tìm ra con đường của mình, tìm ra chân lý của riêng mình, và thế là tôi tự do. Những việc tôi làm đang dần không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi những thứ: truyền thống, văn hóa, tôn giáo, gia đình… nữa. Tôi không còn sợ chết và vì thế, tôi tự do với cái chết, tư tưởng tôi tự do, thân xác tôi tự do. Và điều tôi đang cố làm thời gian này, điều tôi khao khát chưa được thực hiện lúc này, là tâm trí tôi chưa tự do. Và tôi đang tham thiền để làm được điều đó. Trả tự do cho tâm trí, cho linh hồn. Thiền là điều duy nhất tôi khao khát được trải nghiệm lúc này – sự tự do tuyệt đối. Rắc rối ở chỗ tôi không thể trải nghiệm thiền một khi lý trí còn hoạt động, một khi còn khao khát, còn mong chờ, còn phân tích thì cảm giác đó không thể xảy ra. Và đó là rắc rối của tôi, tôi đang phải từng bước loại bỏ hẳn lý trí của mình để có thể đạt được trạng thái tự do đích thực.
Tôi không chọn trải nghiệm đau khổ cả đời như đa phần người ta đang (vô tình) làm, đau khổ không phải là đức hạnh, nó đơn thuần là một món quà. Tôi cần có nó để có thể hiểu được thế nào là hạnh phúc và vui vẻ. Tôi sẽ trân trọng nó, nhưng nhất định tôi sẽ không bao giờ chọn trải nghiệm nó cả đời, không bao giờ. Tôi cũng đã viết một bài về “cái đẹp của những nỗi đau”, sẽ chia sẻ với các bạn sớm. Hi vọng khi đọc xong bài đó các bạn sẽ không còn sợ hãi và trốn tránh đau khổ nữa.

Còn bài viết này, điều tôi hi vọng sau bài viết này, đó là mong bạn sẽ bỏ chút thời gian để nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại cảm xúc của mình và cho tôi biết bạn thì sao? Bạn nghĩ sao?
1. Bạn cho là cảm xúc hay lý trí chi phối cuộc sống của bạn, của nhân loại? Nếu là lý trí đang chi phối thì bạn có hài lòng với thế giới như hiện nay?
2. Thứ nào quan trọng hơn? Cảm xúc hay lý trí?
3. Thứ cảm xúc nào bạn muốn trải nghiệm cả đời là gì, hãy viết nó ra và tìm cách đạt được nó, ngay lúc này.
4. Nếu bạn quan tâm đến những ý tưởng trong này, bạn có thể tìm đọc thêm các cuốn sách của Osho và/hoặc, cuốn sách đang khá hot hiện nay “Nhà Giả Kim” của Paulo Coelho để chúng ta lại có thể đặt trái tim vào vị trí trung tâm, một lần nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *