1. Nhật Bản đã từng là một đất nước nghèo khổ với quá khứ tan hoang, tài nguyên cạn kiệt, chiến tranh tàn phá và những trận động đất liên miên như cơm bữa. Nhưng chính nhờ việc nhìn vào những biến cố đó mà người Nhật tiến lên và không ngừng lớn mạnh khiến cả thế giới nể phục. Một lý do quan trọng khi lý giải sự phát triển thần kì của Nhật mà ai cũng phải đồng ý đó là Văn hóa. Văn hóa Nhật với sự khiêm tốn, ham học hỏi, giỏi chịu đựng, tinh thần thép với tính kỷ luật cao, đề cao lợi ích cộng đồng hơn lợi ích cá nhân… Nhắc tới cái hay của văn hóa Nhật chẳng biết khi nào mới hết nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng chính nhờ vào những biến cố trong quá khứ, bao gồm cả các sự kiện lịch sử lẫn thiên tai mà nước Nhật đã tạo nên một nền văn hóa đủ tốt đẹp để làm cái nền cho sự phục hồi và đi lên của cả đất nước.
2. Dân tộc Do Thái xây dựng nên một đất nước Israel từ những con số 0 tròn trĩnh: không tài nguyên, không đất đai hay lợi thế nào. Chưa kể họ cũng phải trải qua những đau thương của quá khứ khi cả dân tộc bị đọa đày lưu lạc khắp nơi và bị Hitler tìm mọi cách diệt chủng. Ấy vậy mà giữa những loạn lạc và đau thương họ cũng đã đứng lên một cách mạnh mẽ. Họ biến đất nước họ thành một vương quốc thần kì với những khả năng về sáng tạo và sức sống khiến cả thế giới ghen tị và nể phục. Làm sao Israel có được như ngày hôm nay nếu dân tộc họ không có một nền tảng văn hóa chung thống nhất: đó là tinh thần sáng tạo, sự lạc quan, kiên cường và không ngừng học hỏi, cải tiến chính mình trong mọi sự… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thần kì của Israel nhưng tôi dám chắc Văn hóa của dân tộc đóng góp một vai trò cực kì quan trọng.
3. Tôi nhìn lại Việt Nam, chúng ta cũng có một quá khứ bi thương chẳng kém một dân tộc nào trên thế giới. Chúng ta không chỉ phải tranh đấu liên miên với các nước khác mà tệ hơn tất cả các nước vì chúng ta còn mất vài chục năm chém giết lẫn nhau đến mức không còn sức lực để xây dựng đất nước khi đã thống nhất nữa. Chúng ta có đủ lợi thế về địa lý, thổ nhưỡng, bờ biển, tài nguyên thiên nhiên vân vân Nhưng sao chúng ta lại thua kém những nước khác nhiều đến vậy? Liệu có phải vì chính trị hay là vì văn hóa hay cả 2?
4. Giả như dân tộc Việt Nam có nền văn hóa hệt như dân tộc Nhật hay người Do Thái, tôi đảm bảo đất nước chúng ta không chỉ phát triển, mà cực kì phát triển. Còn giả như người Nhật và người Do Thái có văn hóa hệt như chúng ta thì sao? Liệu họ có được như hôm nay hay cũng không khác gì VN hiện tại, thậm chí còn tệ hơn vì họ còn không có tài nguyên thiên nhiên và còn bị thiên tai thường xuyên tàn phá nữa? Tôi cho rằng họ không thể đâu, nếu văn hóa của họ cũng giống văn hóa của chúng ta, bất kể thể chế chính trị của họ là gì.
5. Cho nên, nếu ví một đất nước như một con người thì có thể xem chính trị như bộ não (cái đầu), kinh tế chính là xương sống, là da thịt (hoặc là cả cơ thể), còn văn hóa chính là tâm hồn. Đó là thứ chúng ta khó nhìn thấy và thường hay xem thường nhưng không biết rằng nó lại vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách và cuộc đời của người đó. Chính văn hóa là cái nền tảng tạo nên suy nghĩ, phản ứng cho cả một dân tộc trước mỗi tai biến hay mỗi giai đoạn lịch sử. Một người có thông minh đến đâu và cơ thể khỏe mạnh thế nào nhưng nếu mang một tâm hồn xấu xí thì liệu có làm nên chuyện?
6. Tại sao trong khi các nước khác nhìn vào quá khứ đau thương họ cảm thấy đau buồn để rồi rút ra những bài học đắt giá giup đất nước đi lên thì chúng ta lại ngược lại? Chúng ta hả hê với quá khứ đầy máu, kể cả máu mình hay máu quân thù. Chúng ta ngênh ngang tự cao tự đại với những chiến công trong quá khứ đến mức không còn nhìn thấy những yếu kém của thực tại nữa. Chúng ta cứ đứng mãi giữa quá khứ đến nỗi quên cả việc bước đi trong khi thế giới thì tiến tới với tốc độ chóng mặt. Làm sao mà ta không yếu kém cho được? Làm sao mà sánh vai với hàng xóm chứ đừng nói tới năm châu.
7. Lịch sử tạo nên văn hóa và văn hóa tạo nên thực tại cũng hệt như thói quen tạo nên tính cách và tính cách tạo ra cuộc đời. Nhưng tại sao chúng ta lại thờ ơ với văn hóa của chính mình đến vậy? Tại sao chúng ta lại xem thường cái phần hồn dân tộc đến vậy? Văn hóa của chúng ta dù cũng có nhiều cái hay ngoài “văn hóa lúa nước, văn hóa tre làng, văn hóa nhậu, văn hóa xe máy…” thì cũng chắc chắn chưa đủ tốt, chưa đủ mạnh để tạo nên bất cứ sự thay đổi đáng kể nào cho đất nước.
Nói cách khác, văn hóa chính là tập quán, quan niệm. Việc xây dựng văn hóa chính là xây dựng những thói quen mới cho cả cộng đồng cả dân tộc mà chính những thói quen và cách hành xử của dân tộc mới là yếu tố tiên quyết khiến đất nước thay đổi.
8. Kinh tế – Chính trị – Văn hóa là 3 cái kiềng không chỉ chống đỡ mà còn tạo ra hình hài đất nước với tầm quan trọng như nhau, nhưng mỗi một lĩnh vực lại là một con đường với những hoạt động và lộ trình khác nhau. Ai chọn tham gia con đường nào thì cứ làm hết sức mình ở con đường ấy nhưng điều khiến tôi bực bội là tại sao ngày càng nhiều người được coi là trí thức, là tư tưởng tiến bộ lại không chịu thừa nhận những con đường khác ngoài con đường họ đang đi? Nói thẳng ra là tôi đang nói về cái anh NNHĐ ấy. Anh ta đang hoạt động chính trị, tốt thôi, hãy cứ làm tốt cv của mình, nhưng có nhất thiết phải đi chê bôi, xỉa xói, khinh thường những người đang cố gắng thay đổi văn hóa đất nước này như vậy không? Không phải lần đầu tiên a ấy gọi những người như Tony Buổi Sáng là ru ngủ này nọ, tôi thì cũng không thần tượng gì Tony nhưng ít nhất tôi hiểu những gì Tony đang làm. Tony đang cố thay đổi văn hóa hành xử và suy nghĩ nơi giới trẻ, hướng họ tham gia vào nền kinh tế để thay đổi cuộc sống của riêng mình trước khi góp phần thay đổi đất nước.
Những người như Tony mới tạo nên thay đổi vì ông ấy thay đổi nhận thức của giới trẻ – bộ phận rất quan trọng nhưng lại không được quan tâm đúng cách. Còn những người tối ngày chỉ nói về chính trị, có thể họ nói đúng hoặc rất đúng nhưng họ không thay đổi được tư duy nhận thức của ai cả. Những người đồng ý với họ là những người đã quan tâm chính trị rồi còn những người chưa quan tâm thì dù có post 1000 cái stt mới mỗi ngày cũng chẳng làm thay đổi được ai cả. Có ích gì không?
Và cũng tự hỏi nếu như chính trị thay đổi mà văn hóa dân tộc cứ mãi xấu xí như hiện tại thì có tạo nên được khác biệt tích cực không?
9. Tất cả chúng ta đều cùng chung một niềm mong mỏi đó là thay đổi đất nước này, làm cho đất nước Việt Nam phát triển theo đúng kì vọng và khả năng, cũng như khiến cho dân tộc VN được ngẩng mặt tự hào. Đấy chẳng phải là mục tiêu của cả dân tộc sao?
Mục tiêu là vậy nhưng việc phải làm thì rất nhiều và một lần nữa nhắc lại, chúng ta không chỉ phải làm kinh tế, quan tâm chính trị mà còn phải thay đổi nếp văn hóa hiện tại nữa vì nếu cứ giữ nếp văn hóa xấu xí hiện tại thì có thay đổi thể chế 1000 lần cũng không tạo nên khác biệt bao nhiêu cả.
Văn hóa đến nhiều từ giáo dục và cũng phải thừa nhận văn hóa chịu sự tác động rất lớn từ chính trị nữa. Nhưng chúng ta không thể đợi chính trị thay đổi mới kéo văn hóa đi theo được, còn tình hình giáo dục hiện nay của VN thì đừng mong gì cả, phải tự thân vận động thôi. Nếu như không phải nhờ những bài viết “ru ngủ” của Tony Buổi Sáng thì lấy gì để thay đổi văn hóa đây? Truyền hình ư? trường học ư? giáo viên ư? Cả trăm năm nay rồi họ đã không làm được gì thì 100 năm nữa cũng đừng mong họ làm được gì hết.
10. Văn hóa là tâm tính, là thần hồn dân tộc, đất nước không bao giờ có thể tốt lên nếu như chúng ta còn xem thường vai trò của nền văn hóa.
Đoàn kết là một nét văn hóa cực kì quan trọng, chừng nào những người tự nhận mình là tiến bộ còn không thể đoàn kết với những người khác thay vì xỉa xói, chê bôi nhau thì cũng đừng mong tạo ra được giọt thay đổi nào cho đất nước.
Các bạn trẻ có thể chưa có điều kiện làm kinh tế hay quá sợ hãi để cất tiếng nói chính trị thì hãy tham gia vào con đường văn hóa, bằng cách tạo ra những nếp văn hóa mới hay đơn giản là bắt chước văn hóa của những nước chúng ta khâm phục. Đầu tiên là nâng cao nhận thức, văn hóa cho chính mình rồi lan sang những người xung quanh mình. Mỗi người mỗi việc chúng ta sẽ tạo ra thay đổi.
Dùng câu này của NGK thay cho lời kết vậy:
“Người ta học những bài học từ lịch sử. Chúng ta không chỉ có một lịch sử dối trá mà chúng ta còn rút ra những bài học hết sức sai lầm và tai hại nữa.”
“Văn hóa là thái độ và cách ứng xử của dân tộc trước thời vận… (cái gì đấy quên cha nó rồi nhưng đại loại là nếu cứ xem thường vai trò của văn hóa thì chẳng làm nên trò trống gì cả)
Riêng câu này của Phi Tuyết “nếu các anh không đoàn kết được với nhau thì ít nhất các anh cũng đừng hành xử như những tên Chí Phèo trí thức”
Xong, xin lỗi vì đã hơi bực tức, tôi cũng chỉ là muốn chúng ta cùng đoàn kết yêu thương thôi!
Xin hết!