“… Khi cha mẹ tôi hỏi tại sao tôi lại cứ mất thời gian ở những đám tang mà tôi thậm chí không có bất cứ mối liên hệ nào với người đã chết, tôi nói “Đó không phải là về mối liên hệ với một con người. Con nhất định có mối liên hệ nào đó với cái chết, thứ mà cha không thể phủ nhận được. Chẳng vấn đề gì việc ai chết cả – nó chỉ là một thứ biểu tượng đối với con. Một ngày nào đó con sẽ chết. Con phải biết người ta hành xử như thế nào với cái chết, và cái chết thì ảnh hưởng thế nào đến những người còn sống; hơn nữa, hẳn con có thể học hỏi được gì đó từ nó.”
Họ nói “Con luôn có những lý lẽ thật lạ lùng”
“Nhưng” tôi nói “cha mẹ phải thuyết phục con rằng cái chết không liên quan gì tới con, rằng con sẽ không bao giờ chết. Nếu cha mẹ có thể thuyết phục con điều đó, con sẽ không đi nữa, bằng không xin cứ để con tự khám phá.”
Họ không thể nói với tôi rằng tôi sẽ không chết, nên tôi nói “Vậy thì cha mẹ hãy giữ yên lặng. Con định nói với cha mẹ rằng con sẽ đi đến đó và thưởng thức mọi thứ xảy ra ở đó.”…
Điều đó đã xảy ra trong thời thơ ấu của tôi – về cảm giác khi ở gần một người chết trong vui vẻ.
Một người rất thánh thiện trong làng tôi chết. Tôi có một mối quan hệ nào đó đối với ông. Ông ấy là thầy tu trong một ngôi chùa nhỏ, một người đàn ông nghèo, và bất cứ khi nào tôi đi ngang qua – tôi rất thường đi ngang qua đó ít nhất hai lần mỗi ngày, khi đi đến ngôi trường nằm ngay cạnh ngôi chùa, mỗi lần tôi đi ngang qua ông ấy sẽ gọi tôi lại chỉ để cho tôi một ít trái cây, hay ít kẹo, luôn như thế.
Khi ông ấy chết, tôi chỉ là một đứa trẻ đến để nhìn ông lần nữa. Cả ngôi làng đều tụ tập lại, ngạc nhiên làm sao tôi không thể tin được những gì đã xảy ra – tôi bắt đầu cười lớn. Cha tôi cũng ở đó, ông ấy cố cản tôi lại bởi vì ông cảm thấy rất xấu hổ. Một người chết không phải là lúc để cười. Ông ấy cố để bắt tôi phải im miệng. Ông ấy nói tôi hết lần này đến lần khác “Con hãy giữ trật tự đi. Con trật tự được không?”
Tiếc là từ đó tôi đã không bao giờ còn cảm thấy cảm giác đó nữa, không bao giờ – cảm giác khoan khoái vui vẻ khiến tôi cười rất lớn giống như một cái gì đó tuyệt đẹp vừa mới xảy ra và tôi đã không thể giữ nó cho riêng mình. Tôi cười lớn đến nỗi mọi người đã rất tức giận, tôi bị đưa trở về nhà và cha tôi nói “Con không bao giờ được phép tham gia bất cứ sự kiện nghiệm túc nào nữa! Bởi vì con mà ta đã cảm thấy thật xấu hổ. Tại sao con có thể cười chứ? Chuyện gì đã xảy ra ở đó? Có cái gì trong cái chết mà đáng để cười? Mọi người thì khóc và buồn khổ trong khi con lại cười.”
Và tôi nói với ông “Có gì đó đã xảy ra. Ông già đó đã để lại thứ gì đó và nó thật sự đẹp, đẹp tuyệt vời. Ông ấy đã chết một cái chết cực đỉnh.” Không chính xác những từ đó, nhưng tôi đã bảo với cha tôi rằng tôi cảm thấy ông ấy đã chết một cách hạnh phúc, đầy phúc lành và tôi muốn dự phần vào niềm vui của ổng. Ông ấy đã cười, năng lượng của ông ấy vẫn tiếp tục cười.
Tôi bị cho là điên. Làm sao một người đàn ông đã chết lại có thể cười? Và từ đó trở đi tôi đã quan sát thêm rất nhiều cái chết khác, nhưng không bao giờ còn thấy kiểu cảm xúc đó lần nào nữa.
Khi bạn chết, bạn giải phóng năng lượng và năng lượng đó là kinh nghiệm trong toàn bộ đời sống của bạn. Bất kể cảm xúc những cảm xúc của bạn là gì – buồn bã, hạnh phúc, yêu thương, giận dữ, nóng nảy hay đầy trắc ẩn – bất kể là gì, năng lượng đó mang theo toàn bộ sự rung động trong cuộc đời bạn. Nếu như có một vị thánh sắp lìa trần, được ở bên ông ấy là một món quà lớn; chỉ cần được hiện diện trong nguồn năng lượng của ông ấy đã đủ tạo nên một niềm cảm hứng lớn lao. Bạn sẽ được đặt trong một chiều hướng hoàn toàn khác. Bạn sẽ được uống đầy năng lượng ấy, bạn sẽ cảm thấy say sưa.
Cái chết có thể được hoàn thành một cách trọn vẹn, nhưng chỉ khi cuộc sống đã được sống một cách trọn vẹn.
Việc đi theo những đám tang dần trở thành một trong những trò tiêu khiến của tôi thời đó. Cha mẹ tôi rất lo lắng “Con không quen biết người đàn ông vừa chết, con không có mối quan hệ nào, không tình bạn nào với ông ta cả. Tại sao con lại phải bận tâm và lãng phí thời gian của mình như vậy?” – bởi vì những đám tang ở Ấn Độ thường mất đến ba, bốn hay năm giờ đồng hồ.
Đầu tiên đoàn đưa tang sẽ ra khỏi thành phố, mang theo cái xác đến giàn hỏa thiêu… Và bạn biết người Ấn Độ rồi, họ không thể làm việc gì một cách hiệu quả cả: cái giàn thiêu sẽ không thể bén được ngọn lửa; hoặc ngọn lửa sẽ rất yếu ớt đến nỗi cái xác không thể cháy được. Và mọi người sẽ làm tất cả các loại nỗ lực bởi vì họ muốn rời khỏi nơi đó càng nhanh càng tốt. Nhưng người chết thì cứ như đang đùa cợt, cứ cố làm mọi cách để giữ cho bạn ở đó càng lâu càng tốt.
Tôi nói với cha tôi “Đó không phải là về mối liên hệ với một con người. Con nhất định có mối liên hệ nào đó với cái chết, thứ mà cha không thể phủ nhận được. Chẳng vấn đề gì việc ai chết cả – nó chỉ là một thứ biểu tượng đối với con. Một ngày nào đó con sẽ chết. Con phải biết người ta hành xử như thế nào với cái chết, và cái chết thì ảnh hưởng thế nào đến những người còn sống; hơn nữa, hẳn con có thể học hỏi được gì đó từ nó.”
Họ nói “Con luôn có những lý lẽ thật lạ lùng”
“Nhưng” tôi nói “cha mẹ phải thuyết phục con rằng cái chết không liên quan gì tới con, rằng con sẽ không bao giờ chết. Nếu cha mẹ có thể thuyết phục con điều đó, con sẽ không đi nữa, bằng không xin cứ để con tự khám phá.”
Họ không thể nói với tôi rằng tôi sẽ không chết, nên tôi nói “Vậy thì cha mẹ hãy giữ yên lặng. Con định nói với cha mẹ rằng con sẽ đi đến đó và thưởng thức mọi thứ xảy ra ở đó.”
Thứ đầu tiên tôi quan sát được là không ai nói về cái chết, kể cả ngay tại một đám tang. Lửa thì đang thiêu cha ai đó, anh em ai đó, chú – bạn bè – kẻ thù của ai đó: người đó hẳn có mối quan hệ thân thuộc với tất nhiều người ở đây theo rất nhiều cách. Người đó đã chết – và tất cả những người kia đều thật hờ hững.Họ nói chuyện về những bộ phim, họ nói về chính trị, họ nói về thị trường; họ nói về tất cả mọi thứ thuộc mọi chủ đề, trừ cái chết. Họ chia thành những nhóm nhỏ và ngồi xung quanh cái giàn thiêu. Tôi cứ đi từ nhóm này sang nhóm khác và thấy rằng không ai nói gì về cái chết cả. Tôi biết một cách chắc chắn rằng họ đang nói về mọi thứ khác chỉ để giữ họ không nghĩ đến cái xác đang bị cháy – bởi vì đó sẽ là chính cơ thể họ, một ngày nào đó.
Họ có thể thấy, nếu họ có một tí xíu ánh sáng bên trong, rằng chính là họ đang cháy ở đó trên giàn thiêu – không phải ai khác. Chỉ là câu hỏi về vấn đề thời gian. Ngày mai ai đó khác trong số những người này sẽ được mang đến giàn thiêu. Ngày kia sẽ là một người khác nữa – mỗi ngày người chết đều được mang đến đây.
Một ngày nào đó tôi cũng sẽ được mang đến giàn thiêu và đây là kiểu thái độ mà họ sẽ mang đến với tôi sao? Đây sẽ là lời từ biệt cuối cùng của họ: nói về việc giá cả lên xuống, sự mất giá của đồng rupee – ngay trước cái chết.
Và tất cả bọn họ đều ngồi quay lưng lại với giàn hỏa thiêu.
Họ phải đến, nên họ sẽ đến, nhưng họ không bao giờ muốn đến. Vậy nên họ đã ở đó với một sự hiện diện hờ hững, chỉ để lấp đầy sự phù hợp của xã hội, chỉ để chỉ ra rằng họ đã có hiện diện. Và nhiêu đó là quá đủ để chắc chắn rằng khi họ chết đi họ sẽ không bị đưa đi bởi những chiếc xe mai táng công ích. Bởi vì họ đã tham gia vào rất nhiều đám tang của người khác, một cách tự nhiên bắt buộc những người khác sẽ phải đến với họ trong đám tang của họ. Họ biết tại sao họ ở đó – họ ở đó bởi vì họ muốn mọi người ở đó khi họ nằm trên giàn thiêu.
Nhưng những người này đang làm gì chứ? Tôi hỏi những người mà tôi biết. Thỉnh thoảng một giáo viên của tôi ở đó, nói về những điều ngu ngốc – như là ai đó đang tán tỉnh với vợ ai đó khác… Tôi nói “Đây là phải lúc thích hợp để nói về vợ người khác và những gì bà ta đang làm không? Hãy nghĩ về vợ của người đàn ông đã chết đi. Không ai lo lắng về điều đó, không ai nói về điều đó. Hãy nghĩ về vợ của thầy khi thầy chết đi. Liệu có ai ở đó để tán tỉnh cô ấy không? Cô ấy sẽ làm gì? Thầy đã chuẩn bị chút nào cho việc đó chưa? Thầy không nhìn thấy những điều ngớ ngẩn này à? Cái chết đang hiện diện và thầy lại cố tránh nó bằng mọi cách có thể.”
Nhưng tất cả các tôn giáo đều làm cùng điều đó. Và tất cả những người này đơn giản là đại diện cho những truyền thống nhất định của những tôn giáo nhất định.
Một trong những giáo viên của tôi chết.
Ông ấy là một người đàn ông vui vẻ, rất mập mạp, hay dùng một cái khăn xếp loại rất lâu đời – rất lớn, có lẽ phải dài đến 36 feet hoặc hơn. 36 feet là kích thước thường gặp ở các loại khăn xếp cổ xưa đó. Gương mặt của ông cứ như thể bạn không thể tìm thấy nó mà không có nụ cười. Và ông ấy là thầy dạy tiếng Phạn của tôi.
Ông ấy là một người đàn ông đơn giản – thực tế còn hơi đần đần. Chúng tôi đã bày rất nhiều trò lừa, đủ mọi loại mà ông ấy không bao giờ có thể tìm ra được ai là thủ phạm, ông cũng không bao giờ trừng phạt ai cả. Chúng tôi thật sự đã gây rất nhiều khó khăn cho ông, như là cưa chân chiếc ghế của ổng trước khi ổng đến và làm ông ấy ngã kềnh ra với chiếc turban trải khắp sàn – đó thật sự là một trận cười lớn, nhưng ông ấy sẽ đứng lên, bình thản cuốn lại chiếc khăn và tiếp tục viết lên bảng, như không hề bị làm phiền tí nào cả. Ông ấy quả thực sự là một người bạn đáng yêu.
Và ông ấy chết. Chúng tôi thường gọi ông ấy là Bhole Baba, đó không phải tên thật. Baba là một từ thể hiện sự tôn trọng – như ông nội. Bhole nghĩa là người khờ dại, rất ngây thơ đến nỗi bất cứ ai cũng có thể lừa ông ấy. Tôi hoàn toàn quên mất tên ông bởi vì chúng tôi chưa từng dùng tới nó, cứ luôn gọi ổng là Bhole Baba thôi. Tôi đã cố gắng tìm cho ra tên thật của ổng nhưng không thể tìm được bất cứ cái tên khả dĩ nào trong đầu.
Khi tôi đến nhà ông ấy, cùng với cha tôi, vợ ông ấy chạy ra từ bên trong ngôi nhà – thật tội cho ông bạn già đó – bà ấy kêu lên “Ôi, Bhole Baba của tôi”. Tôi không thể nén được tràng cười nên cha tôi đã phải cố ngăn tôi lại “Hãy giữ trật tự”!
Tôi nói “Con càng cố gắng yên lặng bao nhiêu thì càng khó khăn bấy nhiêu. Con không thể nén lại được, hãy cứ để con cười!”
Nhưng mọi người đều bị sock: ai đó chết đi và bạn lại cười lớn tiếng. Tôi nói “Làm ơn đi, đừng shock. Nếu mọi người biết mọi thứ như con biết, mọi người cũng sẽ cười lớn thôi.”
Và tôi kể lại mọi chuyện, rằng ông ấy đã luôn bị khó chịu mỗi khi bị gọi là Bhole Baba. Và chúng tôi đã thường viết lên tấm bảng đen mỗi ngày, “Xin chào mừng, Bhole Baba”. Và điều đầu tiên ông ấy sẽ làm, là cố xóa chúng đi. Và bây giờ thì người đàn ông tội nghiệp đó đã chết và vợ của ông ấy thì gọi ổng là Bhole Baba…
Khi tôi nói với họ điều này, mọi người cũng bắt đầu cười, trong khi người vợ trở nên im lặng và nói “Thật lạ khi tôi lại gọi ông ấy là Bhole Baba, bởi vì tôi thường nói một cậu bé là đừng gọi ổng là Bhole Baba nữa, đó không phải tên ổng.”
Và ai là cậu bé mà bà ấy nhắc đến? Tôi chính là cái đứa luôn đi ngang qua nhà ông ấy, gõ cánh cửa và gọi to “Có Bhole Baba ở nhà không?” Và vợ ông ấy biết tôi. Với cánh cửa đóng bà ấy sẽ nói vọng ra “Không, ông ấy không có trong nhà” – nhưng tôi biết ông ấy luôn ở trong đó, bà ấy nói “Nhưng nhớ, đừng gọi ông ấy là Bhole Baba! Nếu cháu khôg gọi ông ấy là Bhole Baba nữa thì ta sẽ mở cửa và cháu có thể tìm thấy ông ấy trong nhà”. Tôi vẫn cứ tiếp tục gọi thật to “Bhole Baba, Bhole Baba”.
Tất nhiên, một người vợ Hindu không được phép gọi tên chồng. Bà ấy không thể, đó là một hành động thiếu tôn trọng – thật là chỉ dành cho tâm trí của những người sùng tín. Người đàn ông có thể gọi người phụ nữ bằng tên của bà ấy, nhưng người phụ nữ lại không được phép gọi người đàn ông bằng tên. Nên khi không còn thời gian để nhớ ra nên làm gì, cái tên Bhole Baba đã xuất hiện đầu tiên trong đầu bà.
Nhưng rồi thậm chí người vợ cũng bắt đầu cười lớn vì nghĩ rằng điều này thật là quá mắc cười đi. Bà nói “Vậy mà cả đời tôi đã đi khuyên bảo cậu và những đứa bạn của cậu – những đứa mà luôn gõ cửa chỉ để giả vờ hỏi thăm “Bhole Baba có bên trong không” mỗi khi đi ngang qua nhà.”
Cái chết đã trở nên một trận cười vui vẻ. Nhưng khi trở về nhà, cha tôi nói “Ta định sẽ không bao giờ mang con đến đám tang nào hay một buổi hỏa táng nào nữa. Hay ít nhất là không phải cùng ta. Tất cả những gì con đã làm thật không đúng.”
Tôi nói “Mọi người đều cười, thậm chí cả người vợ đang khóc lóc cũng đã bắt đầu cười. Cha nên tưởng thưởng con vì đã làm cho cái chết trở nên bớt nghiêm trọng, trở nên vui vẻ, một trò vui.”
Phi Tuyết dịch