Cuộc đời Osho 2 – Những câu chuyện từ trước khi được sinh ra

Lễ cưới của cha mẹ tôi

Hajji Baba ở Pakistan, người mà giờ đã gần 110 tuổi, đã hiện diện trong đám cưới của cha mẹ tôi và ông ấy đã từ nhà trai mà đến nơi của mẹ tôi. Điều này tạo ra một sự náo động lớn với toàn thể cộng đồng Jaina, bởi vì có một truyền thống rằng khi vị hôn phu đến nhà của cô dâu họ phải đứng tại ranh giới của thị trấn, và người đại diện gia đình sẽ được choàng vòng hoa. Ngoài vòng hoa người đó còn được trao một cái khăn turban, một cái khăn turban rất quý giá sẽ được đặt lên đầu người ấy, một đôi giày đẹp bằng nhung phải được xỏ vào chân người ấy và người ấy sẽ được trao một cái áo choàng dài, đặc biệt được làm riêng cho vừa vặn.

Ông nội tuyên bố “Hajji Baba chính là người đại diện trong gia đình chúng ta.” Giờ, một người Hồi giáo, đứng đầu một gia đình Jaina giáo điều đó khiến cho ông ngoại tôi cảm thấy vô cùng khó xử – phải làm gì đây? Hajji Baba nói với ông ngoại “Đừng làm điều đó”. Nhưng ông nội tôi là kiểu người không bao giờ nghe bất cứ ai. Ông ấy nói “Không sao cả. Thậm chí nếu chúng tôi phải quay trở về, chúng tôi sẽ trở về, nhưng ông ấy chính là người đại diện cho gia đình chúng tôi, tôi sẽ chỉ như em trai của ông ấy, và làm sao ông ấy có thể nhận được những thứ kia nếu ông còn cứ đứng yên đó?” Không còn cách nào khác, bà nội đành phải nhận Hajji Baba như là người đứng đầu gia đình.

Trong quá khứ những đứa trẻ kết hôn trước khi chúng lên mười. Thỉnh thoảng những đứa trẻ còn bị đính ước từ khi chúng còn ở trong bụng mẹ. Chỉ hai người bạn sẽ quyết định điều đó “Vì hai người vợ của chúng ta đều đang mang thai, nếu một đứa trẻ sinh ra là trai và và con của người kia là con gái, thế là việc đính hôn đã được thiết lập, lời đã được hứa.”
Họ không hề hỏi ý kiến của hai đứa bé một chút nào. Vì chúng thậm chí còn chưa ra đời. Họ cũng không hề biết được liệu cả hai đứa có cùng là con trai hay cùng là con gái hay không. Nhưng nếu một đứa là trai và một đứa là gái, việc đính hôn đã được thiết lập. Và người ta thì rất giữ những lời của họ, những lời hứa của họ.

Mẹ tôi phải kết hôn khi bà ấy mới bảy tuổi. Và cha mẹ của bà đã phải trói bà vào một cái cột bên trong ngôi nhà khi lễ cưới diễn ra. Trong lễ cưới ấy có rất nhiều pháo hoa, ngoài ra còn có âm nhạc và nhảy múa. Và mọi người đều ở bên ngoài ngôi nhà, mẹ tôi vẫn nhắc lại với tôi rằng “Ta không thể hiểu được tại sao chỉ mình ta bị bỏ lại bên trong ngôi nhà và lại còn bị trói. Họ không để cho ta ra khỏi đó.” Bà ấy muốn thấy, như mọi đứa trẻ khác, những thứ xinh đẹp đang diễn ra bên ngoài – khi mà cả ngôi làng đã tụ tập lại, và bà ấy đã khóc.
Cha tôi thì không quá mười tuổi, và ông ấy cũng không hiểu gì về những thứ đang xảy ra. Tôi thường hỏi cha tôi “Điều tuyệt nhất mà cha thấy thích trong đám cưới của cha là gì?
Ông ấy nói “Được cưỡi một con ngựa.” Thật là tự nhiên, đó là lần đầu tiên ông ấy được cho ăn vận như một vị vua, với một con dao dắt bên hông, và ông được ngồi lên một con ngựa, và mọi người đi vòng quanh ông. Ông ấy rất khoái việc đó. Đó là điều quan trọng nhất mà ông ấy thích trong đám cưới của mình.

Tuần trăng mật không phải là vấn đề. Liệu có nơi nào để bạn có thể mang một đứa trẻ nam mười tuổi và một đứa trẻ nữ bảy tuổi đến ở cho tuần trăng mật chứ? Vậy nên ở Ấn Độ tuần trăng mật là thứ chưa bao giờ tồn tại, và trong quá khứ, không nơi nào trên thế giới biết đến thứ gọi là tuần trăng mật đó cả.
Khi cha tôi lên mười và mẹ tôi lên bảy, bà nội tôi mất. Sau đám cưới, có lẽ một hay hai năm sau đó, toàn bộ trách nhiệm rơi vào mẹ tôi, một đứa trẻ chín tuổi. Bà nội để lại hai đứa con gái nhỏ và đứa con trai nhỏ nữa. Vậy nên bốn đứa trẻ, và trách nhiệm đó thuộc về một cô bé chín tuổi và một đứa con trai mười hai tuổi.

Ông nội tôi không bao giờ thích sống ở trong thành phố, nơi mà ông ấy sở hữu một cửa hàng. Ông ấy yêu cuộc sống vùng quê. Ông sở hữu một con ngựa rất đẹp. Và khi người vợ chết đi thì ông hoàn toàn tự do. Bạn sẽ không thể tin được, nhưng ở thời đại của ông – và nó mới không lâu trước đây – chính quyền đã trao đất cho những người tự do. Bởi vì có quá nhiều đất, mà lại không có nhiều người để cày cấy. Vậy nên ông nội tôi đã nhận được 50 mẫu đất miễn phí từ chính quyền. Và ông ấy rất yêu thích việc sống cách xa 16 dặm khỏi thành phố, nơi mà ông ấy đã giao lại toàn bộ cửa hàng cho con trai của ông – tức cha tôi và mẹ tôi – những đứa trẻ mới mười hai và chín tuổi đầu. Và ông ấy đã sống ở đó tận hưởng việc làm vườn, làm các công việc trang trại. Ông thích việc sống trong bầu không khí trong lành ở đó. Ông rất ghét thành phố.

Bây giờ bạn có thể nghĩ đến những vấn đề khi mà khoảng cách giữa các thế hệ được tạo ra. Cha tôi không bao giờ có bất cứ kinh nghiệm nào về sự tự do của những người thanh niên ngày nay. Ông ấy không bao giờ được coi là thanh niên theo cách ấy. Trước khi có thể trở thành thanh niên, ông ấy đã già rồi, bởi việc chăm sóc tất cả anh em trai gái và cái cửa hàng. Và khi ông ấy mới hai mươi ông đã phải sắp xếp hôn ước cho các em gái, hôn ước và học hành cho các em trai của ông.

Tôi không bao giờ gọi mẹ tôi là mẹ, bởi vì trước khi tôi được sinh ra bà ấy đã và đang chăm sóc bốn đứa trẻ gọi bà là Bhabhi. Bhabhi nghĩa là “chị dâu”. Và bởi vì bốn đứa trẻ đều luôn miệng gọi mẹ tôi là chị dâu, nên tôi cũng bắt đầu gọi bà ấy là chị dâu. Thậm chí ngày nay tôi vẫn gọi bà là chị dâu, nhưng bà ấy là mẹ tôi, không phải vợ của anh trai tôi. Và họ đã cố hết sức để làm tôi thay đổi cách gọi, nhưng nó đến một cách rất tự nhiên với tôi để gọi bà là chị dâu. Tất cả mọi em trai em gái của tôi đều gọi bà là mẹ. Chỉ mình tôi đủ điên khùng để gọi bà là chị dâu. Vì tôi đã học cách gọi như vậy từ rất sớm, khi bốn đứa trẻ kia cứ “chị dâu, chị dâu”.

Tôi có mối quan hệ rất tốt với các chú và các cô của tôi, mối quan hệ như những người bạn. Họ chỉ lớn hơn tôi một chút, nhưng không phải là một khoảng cách quá xa. Tôi chưa bao giờ nghĩ về sự kính trọng như đối với người lớn với họ. Họ cũng không bao giờ mong chờ việc nhận được sự kính trọng từ tôi. Họ chỉ đơn giản là yêu tôi, và tôi cũng yêu họ.

Đó dường như hoàn toàn là một thế giới khác, chỉ bảy mươi năm trước. Những thế hệ cứ chồng chéo lên nhau, và họ thường không có tuổi thanh xuân chút nào. Bây giờ tuổi thanh xuân đã dần được biết đến và ngày càng phổ biến hơn, bởi vì khi máy móc lấy đi càng nhiều công việc trong nhà máy, trong văn phòng, bạn có thể làm gì với con người? Họ không thể được để tự do làm bất cứ gì, nếu không thì họ sẽ làm những điều ngớ ngẩn, những điều phi lý, những điều điên rồ. Họ sẽ phát rồ. Vậy nên bạn phải kéo dài thời gian giáo dục họ. Và nhờ đó mà người ta cũng bắt đầu có thì giờ để biết tuổi thanh xuân là gì,

Bệnh tiểu đường của tôi giống như một di sản được truyền lại. Ông cố của tôi có nó, ông nội tôi có nó, cha tôi có nó vậy nên tôi cũng có, tất cả các chú của tôi đều có, tất cả các em trai của tôi cũng vậy. Nó dường như là thứ gì đó thuộc về bản chất, vậy nên nó không thể được chữa khỏi, nó chỉ có thể được kìm hãm mà thôi.

Mẹ tôi vừa kể với tôi hôm qua, rằng khi tôi được 5 tháng tuổi trong bụng bà ấy, một phép màu đã xảy ra.
Bà ấy đang đi từ nhà cha tôi sang nhà ông ngoại; và nó là vào mùa mưa. Đó là một tập quán ở Ấn Độ khi bà mẹ sinh đứa con đầu lòng, nó phải được sinh ở nhà ngoại, vậy nên mặc dù đang là mùa mưa và rất khó đi lại – không hề có những con đường, và bà ấy lại phải di chuyển nhờ một con ngựa, thế nên bà ấy đã rời đi từ sớm, như thế tốt hơn. Nếu đợi lâu hơn thì sau đó sẽ càng khó đi hơn nữa, vậy nên bà đã rời đi cùng một người anh họ.

Ngay giữa hành trình là một con sông lớn, sông Narmada. Nó đang bị lũ. Khi họ đến chỗ một con thuyền, người lái thuyền nhìn thấy mẹ tôi đang mang thai, và ông ấy hỏi người anh họ của mẹ “Mối quan hệ của hai người là gì?”
Bác tôi không nhận thức được rằng ông ấy sẽ bị đặt vào rắc rối sau đó nên ông ấy đơn giản trả lời “Chúng tôi là anh em.”
Người lái thuyền đã từ chối, ông ấy nói “Ta không thể đưa các người đi được bởi vì người em của anh đang mang thai, điều đó có nghĩa là các người không phải hai người, mà là ba.”

Ở Ấn Độ, đây là một tập quán, một tập quán lâu đời – có lẽ nó bắt đầu từ thời của Krishna – rằng một người không nên di chuyển bằng đường thủy, đặc biệt là trên một chiếc thuyền, với con trai của chị em gái người đó. Điều đó là một mối nguy có thể làm cho chiếc thuyền bị đắm.

Người lái thuyền nói “Cái gì có thể đảm bảo rằng đứa trẻ trong bụng cô ấy là một đứa trẻ gái chứ không phải một đứa trẻ trai? Nếu nó là con trai, tôi không muốn mạo hiểm để nhận rủi ro – bởi vì không phải chỉ là cuộc đời tôi, còn 60 người khác đang trên thuyền này nữa. Nên hoặc chỉ anh hoặc em gái anh có thể đi, nhưng không phải cả hai người.”
Con sông thì rất rộng, hai bên chỉ toàn những quả đồi và những khu rừng nhiệt đới. Con thuyền đó lại chỉ nhận chở khách mỗi ngày một chuyến. Nó rời đi vào buổi sáng và quay lại vào buổi tối. Sáng hôm sau nó lại đi lại, vẫn chỉ một con thuyền đó. Vậy nên mẹ tôi hoặc vẫn phải ở bên bờ bên này, rất nguy hiểm, hoặc đi sang bờ bên kia, cũng cùng sự nguy hiểm như nhau. Vậy nên trong ba ngày họ tiếp tục nài nỉ ông lái thuyền, cầu xin ông ấy, nói rằng bà ấy đang mang thai và ông ấy nên biết thấu hiểu.

Ông ấy nói “Tôi không thể giúp được – không thể làm được. Nếu các người có thể đưa cho tôi một sự đảm bảo rằng nó không phải là đứa trẻ trai thế thì ta sẽ đưa hai người đi, nhưng làm sao mà các người có thể đảm bảo với ta được?”
Vậy nên trong ba ngày họ đã phải ở trong một cái chùa gần đó. Trong cái chùa đó có một vị thánh sinh sống, rất nổi tiếng ở khu vực đó khoảng thời gian đó. Giờ thì xung quanh cái chùa đó đã mọc lên một thành phố nhưng sự việc vẫn còn trong kí ức của vị thánh ở đó, Saikheda. Saikheda nghĩa là “ngôi làng của những vị thánh”. Sai nghĩa là thánh, ông ấy được biết tới như là Sai baba. Không phải cùng một Sai Baba – người mà đã trở nên nổi tiếng thế giới – Sai Baba của Shirdi – nhưng họ cùng một thời.

Cuối cùng mẹ tôi đã phải hỏi Sai Baba “Ngài có thể làm gì không? Chúng tôi đã phải ở đây ba ngày rồi. Tôi thì đang mang thai và anh họ tôi thì đã bảo với ông lái thuyền rằng anh ấy là anh tôi, và ông ta sẽ không nhận chở chúng tôi qua sông. Giờ, nếu ông không làm gì thì ít nhất hãy nói với ông lái thuyền đi, rằng chúng tôi cùng đường rồi. Chúng tôi có thể làm gì đây? Anh tôi không thể để tôi ở đây một mình, tôi cũng không thể đi một mình qua bờ bên kia được. Phía bên đó cũng chỉ toàn rừng và rừng rậm, và nếu tôi qua tôi phải đợi anh ấy ít nhất 24 giờ đồng hồ, một mình.”

Tôi chưa bao giờ gặp Sai Baba, nhưng theo cách nào đó thì tôi đã gặp ông ấy rồi. Tôi đã được 5 tháng tuổi trong bụng mẹ. Và Sai baba, ông ấy đã có một hành động, ông ấy chạm tay vào bụng của mẹ tôi. Mẹ tôi nói “Ông đang làm gì vậy?”
Ông ấy nói “Tôi đang chạm vào chân đứa con của cô.”
Người lái thuyền nhìn thấy việc này, ông ấy nói “Ông đang làm gì vậy, Baba? Ông chưa bao giờ chạm vào chân bất kì ai cả.”
Và Baba nói “Đây không phải bất kì ai, và ông thật là một kẻ ngốc, ông nên đưa họ sang bờ bên kia. Đừng lo lắng. Linh hồn đang nằm trong tử cung này sẽ có thể cứu hàng ngàn người, vậy nên đừng lo lắng về 60 người kia, hãy đưa cô ấy đi.”
Vậy nên mẹ tôi nói “Từ lúc đó ta đã bắt đầu nhận thức được rằng ta đang mang thai một sinh linh vô cùng đặc biệt.”
Tôi nói “Từ lâu con đã biết Sai baba là một người đàn ông sâu sắc: ông ấy thật sự đã lừa ông lái thuyền! Không phải chuyện phép lạ gì cả, không phải đâu. Bởi không con thuyền nào sẽ bị đắm chỉ bởi vì ai đó đi cùng với con trai của em gái anh ta. Không có chút hợp lý nào cho cái ý tưởng đó, nó chỉ là điều vô lý. Có lẽ đã từng có một vài tai nạn xảy ra và sau đó điều này trở nên một ý tưởng quen thuộc với mọi người.”

Theo sự hiểu của tôi thì nguyên do của điều mê tín ấy bắt nguồn từ câu chuyện cuộc đời của Krishna. Bác của Krishna được một nhà chiêm tinh báo rằng “một đứa cháu trai, con của em gái ông, sẽ giết chết ông”, vậy nên ông ấy đã giữ em gái và em rể của ổng ở trong tù. Bà ấy sinh ra bảy đứa trẻ, bảy đứa con trai, và ông ấy đã giết tất cả chúng. Đứa thứ tám chính là Krishna, và tất nhiên khi Thần thánh được sinh ra, khóa của nhà tù bỗng mở ra, và người canh gác bỗng ngủ say như chết và rồi cha của Krishna đã đưa ông ấy trốn ra ngoài. Theo câu chuyện là như vậy.
Con sông Yamuna là biên giới đất nước của Kansa. Kansa là người đã giết tất cả bọn trẻ cháu của ông ấy vì sợ một đứa trong số chúng sẽ giết ổng. Sông Yamuna đang bị lũ – nó là một trong những con sông lớn nhất Ấn Độ. Cha của Krishna đã rất sợ, nhưng phải tìm cách nào đó để mang đứa trẻ qua bờ sông bên kia, đến nhà một người bạn của vợ ông ấy, người mà cũng vừa sinh một đứa trẻ gái vậy nên ông ấy có thể hoán đổi chúng. Ông ấy có thể mang đứa trẻ gái về nhà vì sáng hôm sau Kansa sẽ hỏi “Đứa bé đâu rồi?” và sẽ chuẩn bị để giết đứa trẻ. Một đứa trẻ gái thì sẽ không bị giết – ông ta chỉ cần giết những đứa trẻ trai.
Nhưng làm cách nào để qua sông? Không có thuyền nào đi trong đêm cả, nhưng họ cần phải vượt sông. Nhưng khi thần thánh mở cánh cửa tù mà không cần đến chìa khóa, không ai khác có thể mở chúng, chúng chỉ đơn giản tự mở ra, cánh cửa mở ra, người canh gác đang ngủ – các thần sẽ làm gì đó khác nữa. Vậy nên ông ấy đặt đứa bé vào một cái thùng gỗ, đội nó trên đầu và vượt qua con sông – một chuyện tương tự như chuyện Moses vượt qua đại dương bằng cách rẽ đôi làn nước. Việc này cũng xảy ra ở Ấn theo cách riêng của Ấn Độ như thế. Việc này không thể xảy ra với Moses vì biển đỏ không nằm ở Ấn Độ, nhưng sông thì có.

Khi ông ấy bước xuống dòng sông, dòng sông bắt đầu dâng cao hơn. Ông ấy càng sợ hơn nữa: chuyện gì đang xảy ra? Ông ấy hi vọng dòng sông sẽ lắng xuống, nhưng nó lại dâng cao hơn. Đến một điểm nơi mà nước sông chạm vào chân của Krishna, sau đó nước bắt đầu rút. Đó chính là cách thức của Ấn Độ, những chuyện như vậy không thể xảy ra bất cứ nơi nào khác. Làm sao để dòng sông có thể nhận ra một điểm như cái chân?
Kể từ đó mới có cái ý tưởng về sự thù địch giữa một người đàn ông và cháu trai của người đó, bởi vì Krishna sau đó đã giết Kansa. Dòng sông ấy đã hỗ trợ, đã xác nhận đứa trẻ đó. Từ đó về sau những con sông thì luôn nổi giận chống lại những người chú bên ngoại – tất cả các con sông ở Ấn Độ. Và cái điều mê tín ấy vẫn được giữ tới tận ngày nay.

Tôi nói với mẹ tôi “Chỉ có một điều chắc chắn, đó là Sai Baba là một người đàn ông rất sâu sắc và có một chút khiếu hài hước nữa.” Nhưng bà ấy không nghe, bà ấy nhất định cho đó là một phép màu – việc Sai Baba nói đứa trẻ trong bụng bà, tức là tôi, là một linh hồn đặc biệt. Điều này đã được cả làng biết đến sau đó và để hỗ trợ cho cái thông tin ấy, một tháng sau một điều khác đã lại xảy ra.
Trên đời có rất nhiều điều trùng hợp xảy ra sẽ khiến cho bạn ngỡ đó là phép màu. Chỉ một lần bạn tin theo phép màu thì sau đó bất cứ sự trùng hợp nào xảy ra cũng có thể trở thành phép màu trong mắt bạn.

Một tháng sau đó lại có một cơn lũ lớn, trước nhà mẹ tôi vào lúc mùa mưa sẽ trông như một con sông. Có một cái hồ, và một con đường nhỏ giữa cái hồ dẫn đến ngôi nhà, nhưng trong mùa mưa lớn thì nước sẽ nhiều đến nỗi con đường cũng trông giống hoàn toàn con sông. Cái hồ và con đường trở nên hợp nhất làm một. Nó trông gần như biển bởi điểm xa nhất mà bạn có thể nhìn cũng chỉ là nước. Và đó có lẽ là năm mà Ấn Độ diễn ra trận lụt lớn nhất từng có trong lịch sử.
Lũ lụt thì xảy ra mỗi năm ở Ấn, nhưng năm đó thì nhiều chuyện lạ lùng đã được ghi chép lại, rằng chính cơn lũ đó đã tạo ra dòng chảy cho các con sông. Những cơn mưa nặng hạt đến nỗi đại dương cũng không thể thu nhận nước đủ nhanh khi chúng tràn tới, vậy nên nước trong đại dương phía gần bờ như bị mắc kẹt, nó bắt đầu chảy theo hướng ngược lại. Nơi những con sông nhỏ đổ vào những con sông lớn cũng vậy, những con sông lớn từ chối nhận thêm nước, bởi vì chúng không thể chứa nổi nước của chính chúng nữa. Những con sông nhỏ vì thế cũng bắt đầu chảy dội ngược trở lại.

Tôi chưa bao giờ được thấy cảnh đó – đó là điều duy nhất mà tôi đã bỏ lỡ – nhưng mẹ tôi nói rằng đó trông như một hiện tượng rất kì quái khi thấy nước chảy ngược trở lại như vậy. Và nước bắt đầu tràn vào những ngôi nhà, nó cũng tràn vào ngôi nhà của mẹ tôi. Đó là một ngôi nhà hai tầng, và tầng dưới đã ngập tràn những nước. Sau nó nước bắt đầu dâng lên tầng thứ hai. Giờ, không còn nơi nào để đi nữa, vậy nên họ đều tụ lại và ngồi trên giường, nơi cao nhất còn có thể ở được. Nhưng mẹ tôi nói “Nếu những gì Sai Baba nói là sự thật, thì sẽ có chuyện gì đó xảy ra.”
Và nó đã thật sự là một sự trùng hợp khi nước dâng đến bụng của mẹ tôi và sau đó bắt đầu rút!

Vậy là đã có hai phép màu xảy ra, vì chúng xảy ra trước khi tôi được sinh ra, vậy nên tôi không có gì để nói về chúng với tư cách cá nhân. Nhưng những chuyện ấy bắt đầu được biết đến nhiều hơn, khi tôi sinh ra tôi đã gần như một vị thánh trong ngôi làng ấy. Mọi người đã tỏ lòng kính trọng rất nhiều, người ta đến chạm vào chân tôi, thậm chí cả những người già. Tôi được bảo sau đó rằng “cả làng đã chấp nhận tin rằng tôi là một vị thánh.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *