Gần như trong suốt thời thơ ấu tôi sống cùng với ông bà ngoại. Những năm tháng đó thật không thể nào quên được. Thậm chí nếu tôi tới được thiên đường của Dante tôi vẫn sẽ nhớ như in những năm tháng đó. Một ngôi làng nhỏ với những người dân làng nghèo khó, nhưng ông ngoại tôi là một người rất hào phóng. Ông ấy nghèo, nhưng ông rất rộng lượng. Ông luôn đem cho mọi người bất cứ thứ gì ông có. Tôi học được nghệ thuật cho đi từ ông, hẳn là tôi đã học được nó từ ông. Tôi không bao giờ thấy ông nói không với bất cứ người ăn xin nào hay với bất cứ ai.
Tôi gọi ông ngoại là Nana, đó là cách người ta gọi ông ngoại ở Ấn Độ. Còn bà ngoại thì được gọi là Nani. Tôi thường hỏi ông ngoại “Nana, từ đâu mà ông có được người vợ xinh đẹp như thế?”
Bà ngoại tôi nhìn giống người Hy Lạp hơn là người Ấn. Có lẽ có một chút dòng máu Hy Lạp trong bà. Không có chủng tộc nào có thể khắng định sự thuần chủng của họ. Đặc biệt người Ấn càng không thể khẳng định về sự thuần chủng của bất cứ chủng tộc nào bởi người Hunas, người Moguls, người Hy Lạp và rất nhiều chủng tộc khác đã tấn công, chinh phục và cai trị Ấn Độ. Họ đã trộn lẫn dòng máu chính họ trong dòng máu Ấn Độ, và điều đó càng dễ được thấy rõ qua bà ngoại tôi. Nét mặt của bà không giống người Ấn, mà trông như người Hy Lạp, và bà là một người phụ nữ mạnh mẽ, rất mạnh mẽ. Nana mất khi ông không quá 50. Bà ngoại sống tới 80 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí không ai nghĩ bà có thể sẽ mất. Tôi hứa với bà một điều, đó là khi bà mất, tôi sẽ quay về, và đó là chuyến thăm viếng cuối cùng của tôi với gia đình. Bà mất năm 1970. Tôi đã phải hoàn thành lời hứa của mình.
Trong những năm đầu đời tôi biết tới Nani như mẹ của tôi, những năm đầu tiên của một đứa trẻ khi nó lớn lên. Vòng tròn đã được hoàn thiện, bánh xe có thể được dừng lại là nhờ công của Nani.
Mẹ ruột tôi xuất hiện sau đó, khi tôi đã đủ lớn, khi tôi đã có được một phong cách sống nhất định. Bà ngoại giúp đỡ tôi vô cùng. Ông ngoại yêu tôi, nhưng không giúp tôi nhiều. Ông rất thương tôi nhưng để có thể giúp thì cần ai đó có một sức mạnh nhất định. Ông ngoại luôn sợ bà ngoại. Ông, trong ý thức, là một người chồng sợ vợ. Ông yêu tôi, ông muốn giúp tôi nhưng tôi có thể làm gì nếu ông chỉ là một người sợ vợ? 99% những ông chồng đều sợ vợ, thế nên điều đó tốt thôi.
Đây là một điều cần ghi nhớ: khoảng 90 năm trước, ở Ấn Độ, Nani đã có đủ can đảm để yêu. Bà vẫn không hề kết hôn cho tới độ tuổi 24. Điều đó là rất hiếm. Tôi hỏi bà một lần tại sao bà lại kết hôn trễ như vậy. Bà là một người phụ nữ đẹp. Tôi chỉ có ý đùa khi bảo rằng thậm chí vua của Chhatapur, nơi ở của Khajuraho, hẳn cũng đã phải muốn lấy bà.
Bà nói “Thật lạ khi con lại nhắc tới chuyện đó, bởi vì ông ấy đã thật sự cầu hôn ta. Ta đã từ chối ông ấy, và không chỉ ông ấy mà rất nhiều người khác nữa.” Thời đó ở Ấn, những cô gái đã phải lấy chồng từ khi họ mới bảy, hay cùng lắm là chín tuổi. Có một nỗi sợ hãi về tình yêu, nếu họ lớn hơn họ có thể sẽ biết yêu. Nhưng cha của bà ngoại là một nhà thơ, những bài hát của ông ấy vẫn được hát ở Khajuraho và những ngôi làng gần đó. Ông ấy nhấn mạnh rằng trừ khi bà đồng ý, ông ấy sẽ không bắt bà kết hôn với bất cứ ai. Cho đến một lần nọ chuyện đã xảy ra, bà tôi đã rơi vào tình yêu với ông ngoại tôi.
Tôi hỏi bà “Điều này thậm chí còn lạ hơn: bà từ chối vua của Chatarpur mà đi yêu người đàn ông nghèo khổ này. Để làm gì? Ông cũng không phải là người đẹp trai gì cả, chưa kể ông không có gì đặc biệt theo bất cứ cách nào; tại sao bà lại yêu ông?”
Bà tôi nói “Con đang hỏi một câu sai. Đã là “sa vào” (fall in love – sa vào tình yêu) thì không có tại sao nào cho nó cả. Ta chỉ nhìn thấy ông ấy, và thế là đủ. Ta nhìn vào mắt ông ấy, và một niềm tin khởi lên trong ta mà ta biết nó sẽ không bao giờ dao động.”
Tôi đã hỏi ông ngoại “Nani nói bà bị sa vào tình yêu với ông. Điều đó thì ok về phía bà, nhưng tại sao ông lại đồng ý cho việc kết hôn xảy ra?”
Ông nói “Ta không phải một nhà thơ hay một người hay suy nghĩ, nhưng ta có thể nhận ra cái đẹp khi ta nhìn thấy nó.”
Tôi chưa bao giờ thấy người phụ nữ nào đẹp hơn bà ngoại tôi. Chính tôi cũng luôn trong tình yêu với bà, và yêu bà suốt cả đời tôi.
Tôi luôn là người may mắn theo mọi hướng, nhưng điều may mắn nhất là khi có được ông bà ngoại như ông bà tôi, và đó thật là những năm tháng vàng son tuyệt vời.
Tôi được sinh ra trong một gia đình theo một nhánh của đạo Jaina. Nana tôi thường đi đến ngôi đền mỗi sáng, nhưng ông chưa bao giờ nói “Hãy đi với ta”. Ông không bao giờ cố hướng đạo cho tôi cả. Thật là một điều vĩ đại khi ông không cố truyền đạo cho tôi. Người ta luôn cố hưỡng những đứa trẻ đi theo niềm tin của họ. Nhưng ông thì không hề cố thuyết phục hay cám dỗ tôi chút nào. Vâng, tôi gọi nó là sự cám dỗ vĩ đại nhất. Khoảnh khắc bạn thấy ai đó phụ thuộc vào bạn theo bất cứ cách nào, bạn bắt đầu hướng đạo người đó. Ông tôi thậm chí không bao giờ nói với tôi “Con là một người Jaina.”
Đạo Jaina là một tôn giáo rất nhỏ, chỉ ba triệu người theo nó. Gồm hai nhánh chính: Digambaras – họ tin rằng Mahavira sống khỏa thân, từ này có nghĩa như là “quần áo của bầu trời”, nghĩa bóng là “khỏa thân”- nhánh này lâu đời hơn.
Và Svetambaras – nghĩa là “quần áo màu trắng”, họ tin rằng dù cho Mahariva khỏa thân nhưng ông ấy vẫn được che phủ bởi Thượng đế trong một bộ quần áo màu trắng vô hình – điều này thật ra chỉ là một sự thỏa hiệp để làm thỏa mãn những người Hindu.
Tôi còn nhớ rõ cái lần mà một cuộc điều tra dân số xảy ra. Vài người công chức đến nhà chúng tôi. Họ đang làm một bảng điều tra về rất nhiều thứ. Họ hỏi tôn giáo của ông ngoại, ông ấy nói “Jaina”. Họ hỏi tiếp về tôn giáo của bà ngoại. Nana nói “Ông có thể tự hỏi bà ấy. Tôn giáo là một vấn đề riêng tư. Chính tôi cũng còn chưa bao giờ hỏi bà ấy theo tôn giáo nào nữa.” Thật là một người đàn ông hiếm có.
Bà ngoại tôi trả lời “Tôi không tin vào bất cứ điều gì ở bất cứ tôn giáo nào.Tất cả mọi tôn giáo đều chỉ dường như là trò trẻ con đối với tôi”. Những người công chức đó bị sốc. Cần quay ngược trở lại một chút. Bà tôi không tin vào bất cứ tôn giáo nào cả. Ở Ấn Độ, để tìm một người phụ nữ không tin vào bất cứ tôn giáo nào thật là điều bất khả. Nhưng bà được sinh ra ở Khajuraho, có lẽ trong một gia đình thuộc Tantrikas, những người không bao giờ tin vào bất cứ tôn giáo nào. Họ vẫn thực hành thiền định nhưng họ không bao giờ tin vào tôn giáo.
Điều đó nghe thật phi lý với tâm trí phương Tây: thiền định mà không tôn giáo ư? Vâng, trên thực tế nếu bạn tin bào bất cứ tôn giáo nào, bạn cũng không thể thiền định. Tôn giáo gây cản trở cho việc thiền định. Thiền định vốn không cần tới Thượng đế, không thiên đàng, không địa ngục, không sợ hãi bị trừng phạt, và không cố dẫn dụ người ta bằng sự thỏa mãn. Thiền định không có gì để làm với tâm trí, thiền định vượt ra ngoài nó, trong khi tôn giáo chỉ làm việc với tâm trí, nó đi sâu vào trong tâm trí.
Tôi biết Nani không bao giờ đi đến đền chùa,, nhưng bà dạy tôi một mantra – bài mật chú mà đây là lần đầu tiên tôi tiết lộ. Đó là một bài mật chú của người Jaina, nhưng không có gì để làm với người Jainas cả. Nó là một bất ngờ thuần khiết mà chỉ có chút liên quan tới đạo Jaina.
Bài mantra này rất đẹp. Nó cũng rất khó để dịch ra, nhưng tôi sẽ làm hết khả năng của mình.
“Tôi cúi đầu tạ lễ trước bàn chân của Arihantas.
Tôi chạm vào bàn chân của người trở nên nhận biết chính mình.
Tôi chạm vào chân của những vị thầy, những Uvajjhaya.
Tôi chạm vào chân của những thầy thừa sai.
Tôi chạm vào chân của tất cả những ai biết về chính họ.
(Arihanta giống như các vị La Hán trong đạo Phật; Uvajjhaya là những người tương tự như La Hán nhưng còn quan tâm tới thế giới, tới nhân loại, tới chúng sinh, trong khi các La hán thì không còn quan tâm nữa;
Và bạn cũng phải phân biệt những vị thầy với những thầy thừa sai, vị thầy là những người truyền đạt những điều mà chính họ đã trải qua, đã biết, trong khi thừa sai là những người nhận lãnh từ các vị thầy, họ truyền đạt lại những điều họ hiểu, nhưng chính họ chưa trải qua.)
Đặc biệt nhất là câu này:
Tôi chạm vào chân của tất cả những ai biết về chính họ.
Tỏ lòng tôn kính với bất cứ ai đã nhận biết chính họ, không có bất cứ sự phân biệt nào, kể cả họ có là người Hindus, Jainas, đạo Phật, Công giáo, đạo Hồi. Bài mantra này là bài mật chú đi được xa nhất, xóa bỏ hoàn toàn những rào cản và phân biệt, nó là tôn giáo duy nhất, nếu bạn có thể gọi nó là tôn giáo. Nó được trao cho tôi từ bà ngoại của tôi, bởi một đêm tôi nọ đã hỏi bà.
Một đêm đó bà nói “Con dường như vẫn còn thức. Con không ngủ được sao? Hay con đang lên kế hoạch cho những trò nghịch ngợm ngày mai?”
Tôi nói “Không, nhưng có gì đó như một câu hỏi đã khởi lên trong con. Mọi người đều có một tôn giáo và khi họ hỏi con “Cháu theo đạo nào?” Con chỉ biết nhún vai. Giờ, tất nhiên cái nhún vai không phải là một tôn giáo, vậy nên con muốn hỏi bà, con nên nói gì với họ đây?”
Bà nói “Chính ta đây cũng không thuộc một tôn giáo nào, nhưng ta yêu bài mantra này, và đây là tất cả những gì ta có thể trao cho con, bởi vì ta biết nó rất đẹp. Ta đã lặp lại nó hàng triệu lần và luôn luôn tìm thấy trong nó sự bình an lớn lao, chỉ là cảm giác chạm vào chân của tất cả những người đã trở nên nhận biết. Ta có thể trao cho con chỉ bài mantra này, ta không có gì để trao nhiều hơn nữa.”
Những đứa trẻ đã bị khai thác trong hàng thế kỉ chỉ bởi vì chúng sẵn sàng tin tưởng. Bạn có thể nói dối chúng một cách dễ dàng và chúng sẽ tin bạn. Nếu bạn là một người cha, người mẹ, chúng hẳn sẽ nghĩ bạn luôn phải đúng. Đó là cách toàn bộ nhân loại sống trong sự mục nát, trong một lớp bùn dày, rất trơn trượt, một lớp bùn dày của sự dối trá được trao cho những đứa trẻ qua hàng thế kỉ.
Nếu bạn có thể làm chỉ một điều, hãy làm điều đơn giản nhất: đừng nói dối một đứa trẻ, và hãy thú nhận với chúng sự dốt nát của bạn, sau đó chúng ta sẽ có thể trở nên tôn giáo hơn nữa. Những đứa trẻ rất ngây thơ, đừng nhồi vào chúng thứ gọi là kiến thức của bạn. Nhưng chính bạn trước tiên phải trở nên ngây thơ đã, không dối trá, nhưng thành thật, thậm chí nếu sự thành thật làm tan vỡ bản ngã của bạn và nó nhất định sẽ tan vỡ. Nó được tạo ra chỉ để lúc nào đó vỡ tan tành.
Ông ngoại không bao giờ bảo tôi đi đến ngôi đền nào, hay đi theo ông ấy. Tôi vẫn cứ đi theo ông rất nhiều lần, nhưng ông sẽ nói “Về đi. Nếu con muốn đi đến ngôi đền, hãy đi một mình. Đừng theo ta.”
ông ấy không phải một người đàn ông cứng rắn nhưng riêng điểm này ông ấy lại hoàn toàn cứng rắn. Tôi hỏi ông, hỏi đi hỏi lại “Ông có thể dạy cho con thứ gì đó mà ông đã kinh qua không?” Và ông luôn luôn tránh né.
“Tôi đi đến đôi chân của những người đã biết.
Tôi đi đến đôi chân của những người đã đạt được.
Tôi đi đến đôi chân của tất cả những vị thầy.
Tôi đi đến đôi chân của tất cả những thừa sai.
Tôi đi đến đôi chân của tất cả những người đã từng nhận biết.”
Vô điều kiện.
Ông ngoại muốn một nhà chiêm tinh nổi tiếng nhất Ấn Độ làm biểu đồ sao cho tôi. Mặc dù ông không quá giàu, trên thực tế ông không hề giàu có, chứ đừng nói đến rất giàu, nhưng trong ngôi làng đó ông vẫn là người giàu nhất. Ông sẵn sàng trả bất cứ giá nào cho biểu đồ sao của tôi. Ông đã đi một chuyến dài đến Varanasi và gặp nhà chiêm tinh nổi tiếng đó. Nhìn vào những ghi chú và ngày sinh mà ông tôi đưa, tất cả các nhà chiêm tinh lớn đều nói “Tôi xin lỗi, tôi chỉ có thể làm biểu đồ sao cho đứa trẻ này sau 7 năm nữa. Nếu sau đó đứa trẻ này vẫn còn sống thì tôi sẽ làm biểu đồ cho nó mà không nhận bất cứ khoản phí nào, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ sống sót quá bảy năm. Nếu nó sống, đó có thể là một phép màu, thậm chí đứa trẻ còn có thể trở thành một vị Phật nữa.”
Ông tôi về nhà và khóc. Tôi chưa bao giờ thấy nước mắt trong mắt ông, tôi hỏi “Chuyện gì vậy ông?”
Ông nói “Ta phải đợi cho đến khi con lên bảy. Ai biết được liệu ta có còn sống được cho tới những năm đó hay không? Ai biết được liệu nhà chiêm tinh có còn sống không, bởi vì ông ta quá già rồi. Và ta thì vẫn còn lo cho con.”
Tôi nói “Lo gì cơ?”
Ông nói “Ta không lo việc liệu con có chết hay không, điều làm ta bận tâm là con có thể sẽ thành một Phật.”
Tôi cười lớn, và ngay trong những giọt nước mắt ấy ông cũng bắt đầu cười lớn. Sau đó ông nói “Thạt lạ khi ta lại cảm thấy rất lo lắng như vậy. Ừ thì, trở thành một Phật thì có gì sai đâu chứ?”
Khi tôi lên bảy tuổi, một nhà chiêm tinh đã đến ngôi làng của chúng tôi để tìm tôi. Khi một con ngựa rất đẹp dừng lại trước nhà, chúng tôi đều chạy ùa ra. Con ngựa trông có vẻ thuộc sở hữu của hoàng gia, và người cưỡi ngựa không phải ai khác là một trong những nhà chiêm tinh nổi tiếng. Ông ấy nói với tôi “Vậy là cậu vẫn còn sống? Ta đã làm bản đồ sao cho cậu. Ta đã rất lo lắng, bởi vì những người như cậu thường không sống quá lâu.” Ông ngoại tôi bán tất cả đồ trang trí trong căn nhà chỉ để tổ chức một bữa tiệc cho tất cả những người hàng xóm xung quanh ngôi làng, để chúc mừng rằng tôi sẽ trở thành một vị Phật, và lúc đó tôi vẫn không nghĩ ông thậm chí có hiểu nghĩa của từ “Phật” hay không.
Ông ấy là một người Jaina và có thể chưa bao giờ nghe về từ đó trước đây. Nhưng ông rất hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, bởi vì tôi có thể sẽ trở thành một vị Phật. Thời điểm đó tôi không thể tin ông có thể hạnh phúc đến thế chỉ bởi cái từ “Phật” này. Khi mọi người ra về hết tôi mới hỏi ông “Phật có nghĩa là gì?”
Ông nói “Ta không biết, nhưng nghe có vẻ tốt. Hơn thế ta chỉ là một người Jaina. Để ta tìm hiểu thêm từ vài Phật tử nào đó đã.”
Trong ngôi làng nhỏ đó không có phật tử nào, nhưng ông nói “Một ngày nào đó, khi một tì kheo Phật giáo đến đây, chúng ta sẽ biết nó có nghĩa là gì.”
Nhưng ông vẫn rất hạnh phúc chỉ vì nhà chiêm tinh đã bảo tôi có thể trở thành một vị phật. Ông nói với tôi sau đó “Ta đoán ‘Phật’ có nghĩa là một người rất thông minh.” Trong tiếng Hindi từ Bubbha nghĩa là sự thông minh sáng suốt, vậy nên ông ấy nghĩ ‘Phật’ phải có nghĩa là một người thông minh.
Ông đã đến rất gần, ông gần như đã đoán đúng. Tiếc thay ông không còn sống nữa, nếu không thì ông sẽ nhận ra từ ‘Phật’ không mang nghĩa giống như trong từ điển, nhưng là một cái kết cho cuộc sống, một người thức tỉnh. Và tôi có thể tưởng tượng ra cảnh ông nhảy múa khi nhìn thấy cháu của ông đã trở thành một vị Phật. Nhiêu đó chắc cũng đủ khiến ông ấy trở nên giác ngộ. Nhưng ông đã mất. Cái chết của ông là một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất của tôi. Từ đó, cho đến mãi sau này.
Với tôi, ông không chỉ là ông ngoại.
Rất khó để tôi có thể định nghĩa ông là gì đối với tôi. Ông thường gọi tôi là Rajah. Rajah có nghĩa là vua và trong 7 năm ông đã xoay xở để tôi sống như một vị vua. Trong ngày sinh nhật của tôi ông thường mang đến một con voi từ thị trấn gần đó. Voi ở Ấn Độ những ngày đó, chỉ được nuôi bởi những vị vua, bởi vì việc chăm sóc, thức ăn và những dịch vụ mà con voi cần tới đều rất tốn kém nên chỉ vua mới có thể nuôi chúng hoặc là những vị thánh. Chỉ hai loại người đó mới có thể nuôi voi. Những vị thánh có thể nuôi voi bởi vì những người đi theo chăm sóc cho vị thánh đó cũng sẽ chăm sóc cho con voi. Gần làng đó có một vị thánh có một con voi, vậy nên trong sinh nhật tôi ông ngoại thường mang nó về. Ông đặt tôi lên lưng voi với hai cái túi, mỗi cái một bên, đầy những đồng xu bằng bạc, để tôi ném chúng cho mọi người.
Thời thơ ấu của tôi lúc ấy tiền giấy còn chưa xuất hiện; bạc nguyên chất vẫn được dùng cho những đồng xu. Đó là cách ông thường tổ chức sinh nhật cho tôi. Khi bắt đầu, ông thường đến với chiếc xe bò của ông đi phía sau tôi với những đồng rupees khác, rồi ông sẽ đi theo và nói với tôi “Đừng hà tiện. Ta vẫn còn đủ tiền. Con không thể ném nhiều hơn những gì ta có. Hãy tiếp tục ném đi.”
Tự nhiên, toàn thể ngôi làng đi theo con voi. Nó không phải một ngôi làng lớn, không nhiều hơn 300 người trong làng đó, vậy nên tôi sẽ đi vòng quanh làng, chỉ có một con đường trong làng đó. Ông xoay xở trong mọi cách để cho tôi ý tưởng rằng tôi thuộc về một gia đình hoàng tộc nào đó.
Trong ngôi làng của Nani tôi thường hay lui tới một hồ nước hoặc một con sông. Con sông thì hơi xa hơn một chút, có lẽ hai dặm, vậy nên tôi phải chọn đến cái hồ thường xuyên hơn. Nhưng đôi lần tôi cũng đi ra sông, bởi vì tính chất của hồ và sông là hoàn toàn khác biệt. Một cái hồ, theo cách nào đó, là chết, là đóng, không thể tuôn chảy, không đi tới bất cứ đâu, tĩnh. Đó là nghĩa của cái chết: không có chút nào năng lượng tích cực của sự chuyển động.
Dòng sông thì khác, luôn tuôn chảy đến một nơi không biết trước nào đó, có lẽ nó cũng không quan tâm nơi nó sẽ chảy đến là đâu, nhưng nó cứ chảy mãi, không quan tâm chảy để đạt được gì. Hồ thì bất động, cứ ở mãi nơi nó ở, đơn giản là chết, mỗi ngày đều chết, không có sự phục sinh. Nhưng dòng sông thì đầy sức sống, kể cả với một dòng sông nhỏ, hay sông lớn như đại dương, bởi vì sớm hay muộn nó cũng tới với đại dương.
Tôi yêu cảm giác của những dòng chảy: cứ trôi đi, tuôn trào, di chuyển một cách sinh động. Vậy nên thậm chí kể cả khi dòng sông xa hơn hai dặm, tôi cũng đi đến đó chỉ để được thưởng thức nó. Còn lại tôi thường chọn bơi trong hồ. Ông ngoại rất sợ. Ông nhờ một người đàn ông khác đi theo để bảo vệ tôi, ông ấy ngồi trong một cái thuyền. Trong ngôi làng nguyên sơ đó bạn không thể hình dung được cái thuyền là như thế nào đâu. Nó được gọi là cái dongi, không là gì ngoài một thân cây được đục một lỗ hổng. Nó là cái thuyền thông dụng nhất. Nó tròn và đó là điều lạ lùng: nếu bạn không phải một chuyên gia bạn sẽ không thể lái được nó. Nó có thể bị xoay tròn bất cứ lúc nào. Chỉ một chút mất thăng bằng là bạn sẽ ra đi mãi mãi. Nó rất là nguy hiểm.
Tôi học được cách giữ thăng bằng trong suốt quá trình học lái dongi. Không gì có thể hữu dụng hơn. Tôi học về “đường chính giữa” bởi vì bạn phải ở chính xác điểm giữa: nếu lệch về bên này, bạn đi, lệch bên kia, bạn cũng đi luôn. Bạn không thể thậm chí thở, và bạn phải giữ hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ sau đó bạn mới có thể lái cái dongi.
Trong suốt những năm đầu đời sống cùng với ông bà ngoại, tôi hoàn toàn được bảo vệ khỏi mọi sự trừng phạt. Ông không bao giờ nói “Hãy làm cái này” hay “Hãy làm cái kia”. Trái lại ông còn để người phục vụ trung thành nhất của ông, Bhoora, dưới sự sai bảo của tôi, để bảo vệ tôi. Bhoora thường mang theo một cái súng săn theo bên mình. Ông ấy thường đi theo tôi với một khoảng cách, nhưng điều đó là đủ để gây một chút lo sợ cho người làng, đủ để cho phép tôi làm mọi điều tôi muốn – bất cứ thứ gì một người có thể tưởng tượng ra.
Tôi thường ngồi quay lưng trên một con trâu với Bhoora theo sau.
Đặc biệt trong làng của tôi, và trên toàn Ấn Độ, không ai cưỡi trên một con trâu cả. Người Trung Quốc là những người rất lạ, với Lão Tử là người lạ lùng nhất, nhưng Chúa biết, và chỉ có chúa mới biết được, bằng cách nào mà tôi khám phá ra cái ý tưởng đó mặc dù tôi thậm chí không biết cách ngồi lên lưng một con trâu trong chợ, chứ đừng nói là ngồi ngược lại trên lưng nó. Tôi đoán có lẽ vì tôi luôn thấy thích những thứ điên khùng.
Những năm tháng đó nếu có thể có lại lần nữa, tôi sẵn sàng được tái sinh thêm một lần. Nhưng bạn biết và tôi cũng biết, không gì có thể lặp lại cả. Đó là lý do tại sao tôi lại nói tôi sẵn sàng được sinh ra thêm một lần nữa; nếu không thì ai muốn chứ, thậm chí chỉ cần nghĩ về những ngày đó cũng đủ lấp đầy tôi bằng những kỉ niệm xinh đẹp.
Tôi là một đứa trẻ tinh quái. Tôi không thể sống mà không làm gì đó tinh quái, nó như là thực phẩm nuôi sống tôi. Tôi có thể hiểu ông già đó – ông ngoại của tôi cùng rắc rối mà những trò tinh nghịch của tôi gây ra. Cả ngày ông chỉ ngồi trên cái Gaddi (một kiểu ghế của người giàu, ở Ấn Độ được gọi là Gaddi) và lắng nghe các khách hàng của ông thì ít, nhưng những người phàn nàn thì nhiều. Ông thường nói với họ “Tôi sẵn sàng trả bất cứ khoản thiệt hại nào mà thằng bé gây ra, nhưng hãy nhớ, tôi sẽ không trừng phạt nó đâu.”
Có lẽ sự kiên nhẫn của ông dành cho tôi, một đứa trẻ tinh nghịch như tôi. Thậm chí chính tôi cũng không thể tha thứ nếu một đứa trẻ như vậy được mang đến cho tôi trong hàng năm trời. Lạy Chúa! Thậm chí chỉ trong vài phút, tôi sẽ ném đứa trẻ đó ra ngoài cửa mãi mãi. Có lẽ những năm đó đã tạo nên một phép màu cho ông ngoại, đáp đền bằng đức tính kiên nhẫn vô cùng lớn lao. Ông ngày càng trở nên im lặng hơn. Tôi đã thấy nó lớn lên mỗi ngày – sự im lặng của ông. Một lần tôi đã nói “Nana, ông có thể trừng phạt con. Ông không cần phải khoan dung với con như vậy.” Và bạn có tin không, ông đã khóc. Với những giọt nước mắt, ông nói “Trừng phạt con ư? Ta không thể làm điều đó. Ta có thể trừng phạt chính ta nhưng ta không thể trừng phạt con.”
Không bao giờ, dù chỉ một khoảnh khắc, mà tôi nhìn thấy cái bóng của sự tức giận trong mắt ông đối với tôi, và hãy tin tôi, tôi đã làm mọi thứ mà một ngàn đứa trẻ có thể làm. Từ sáng sớm, thậm chí trước cả bữa sáng tôi đã bày những trò tinh nghịch, cho tới khi tối muộn. Thỉnh thoảng tôi còn về nhà rất trễ như khoảng tầm ba giờ sáng. Nhưng ông ngoại thật là một người đàn ông tuyệt vời! Ông không bao giờ nói “Con về trễ quá. Đây không phải giờ cho một đứa trẻ trở về nhà.” Không, thậm chí không một lần nào ông nói như vậy. Trên thực tế, trước mặt tôi ông còn tránh nhìn vào cái đồng hồ treo trên tường.
Phi Tuyết dịch