Thay vì thờ lạy con đường, hãy đi trên con đường hoặc tự tạo ra con đường

Một vài góc nhìn mới và sâu – về chủ đề tôn giáo:

1. Minh Binh

“Viết chút chút cho các độc giả của Tuyết về Jesus và Phật.
Tôi không thích nói về tôn giáo có tổ chức, có kết cấu chặt chẽ như Thiên Chúa giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo…bởi đó không là tôn giáo thật sự. Đó là hình mẫu của các ý tưởng cá nhân, những con người muốn áp đặt một khuôn mẫu lên những người khác.

Jesus không phải là người sáng lập ra Thiên Chúa giáo, những môn đệ của Ngài ấy mới là người lập ra tôn giáo ở đó có sự phân chia thứ bậc. Đức Phật cũng không phải là người sáng lập ra Phật giáo, các môn đệ của Ngài ấy mới là người tạo ra các thứ bậc trong Phật Giáo. Trong thông điệp của cả Jesus và Đức Phật, có tính tôn giáo trong đó, nhưng cả hai vị ấy không hề lập ra tôn giáo có tổ chức, cơ cấu như một nhà nước trong xã hội. Hơn nữa, cả hai vị ấy không để lại bất kì một trang sách nào, hai vị ấy chỉ sống và rao giảng những gì mình sống.
Tôi có thể nói thế này, hai con người ấy đã đi vào tự do thật sự, đi vào tình yêu, từ bi thật sự, hiểu về chân lý thật sự. Nhưng những kẻ đi theo sau, chỉ là bắt chước, có nhiều người chỉ lợi dụng học thuyết để mưu lợi cho bản thân về quyền lực, danh vọng và tiền bạc.
Tôi không nói con đường của cả hai con người trên là sai nếu bạn đi theo lời dạy của họ, tôi chỉ bảo hầu hết mọi người đều không đi vào thật sự các lời dạy đó của Jesus và Phật.

Tại sao Đức Jesus để cao tích góp của cải trên trời, tìm kiếm kho báu được ẩn dấu qua đời sống, trong khi Đức Phật lại đề cao từ bỏ, buông bỏ, sống một đời sống không cầu, không bản ngã. Tôi xin nói rằng, cả hai vị đó đều đạt tới chân lý trong hoàn cảnh sống của mình, và điều đó chứng minh rằng: điểm xuất phát của bản thân không thể ngăn cản bạn đến với tính tôn giáo thật sự, nếu bạn biết hoc hỏi từ cuộc sống của mình.
Đức Jesus đã sống với mẹ và cha Ngài gần 30 năm, và đến tuổi 30 Ngài mới bắt đầu sự rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Ngài ấy phải học hỏi rất nhiều từ sự nghèo đói của gia cảnh mình, hiểu rõ được rằng cuộc sống này luôn giàu có, chỉ là mọi người không biết tìm kiếm sự giàu có đó qua đâu. Ngài ấy nói về Tình yêu nhiều hơn bất kì ai, và bài ca tình yêu đẹp nhất chính là “bài giảng trên núi” mà bất kì ai, khi để lời kinh đó thấp nhập vào đều sẽ trở nên giàu có, và ngập tràn tình yêu.

Đức Phật trước khi giác ngộ là một chiến binh, là một hoàng tử, và đã có gia đình. Có thể nói Đức Phật là hình mẫu lí tưởng của một con người thành công, thành đạt cho mọi xã hội. Và rồi cũng từ cuộc sống đó, Đức Phật học hỏi được rất nhiều và nhận ra: tiền bạc, của cải, sự giàu sang, quyền lực, ái tình chỉ là tam thời, nó hơn hết là vô nghĩa hay tệ hơn là đầu mối cho mọi khổ đau. Một con người giàu sang như vậy, quyền lực như vậy lại có thể nói: đời là bể khổ, thì không thể nào lại không phải là người học hỏi từ chính cuộc sống của mình. Phật đi vào thiền và rồi trở nên giác ngộ. Lúc này Ngài ấy mới nhận ra, mọi thứ vật chất đều có giá trị tạm thời, có chăng giá trị là chỉ để con người duy trì cuộc sống thể xác. Vì thế Ngài ấy dạy đừng tích góp, đừng mưu cầu, đừng tư lợi vì nó là nguồn cho khổ đau, hay sống từ bi, sống cho đi.

Cả Jesus và Phật đều đi đến cùng một điểm chung, đó là hướng tới một đời sống viên mãn. Jesus bảo ngài là con đường, là ánh sáng, là sự thật để đi tới Chúa Cha. Còn Phật lại bảo, Ngài ấy chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng chứ Ngài ấy không phải là mặt trăng. Nếu bạn đi vào đời sống của mình, chiều sâu của mình, bạn cũng sẽ đi tới một điểm như Phật và Jesus đã đi, và nói cũng một chân lý như hai người đó đã từng nói. Có thể từ ngữ bạn dùng sẽ khác, nhưng hướng tới và đối tượng bạn ngụp lặn trong đó là không khác.

Đó là lí do vì sao tôi không thích bàn về các tôn giáo có tổ chức, bởi họ đều đặt nền tảng trên sự bắt chước, tuân phục, và mù quáng. Các tín độ luôn được treo phần thưởng nếu là người bắt chước giỏi, tuân phục đấng bề trên giỏi. Hãy là tín đồ ngoan, nhưng tôi nói nghe: bạn sẽ chẳng có kho báu như Jesus đã hứa, và cũng cách đó sẽ chẳng đạt tới Giác Ngộ như Đức Phật đã đạt tới. Bởi cÁi mà người ta bảo bạn, kêu bạn vâng phục, bắt chước đó, tất cả chỉ là sự diễn giải của giám mục, linh mục, thầy tu, nhà sư theo cái trí hạn hẹp và đóng khung của họ.

Bạn phải có tôn giáo, điều này không ngụ ý rẰng bạn nên gia nhập một tôn giáo có tổ chức. Cuộc sống mà thiếu tính tôn giáo, bạn chỉ sống hời hợt, sống trên bề mặt, chẳng bao giờ có tự do thật sự, tự do bên trong. Thiếu chiều sâu tâm linh thì bạn sẽ chẳng khác nào những con robot, những cÁi máy chạy theo các nhu cẦu của kinh tế. Hãy đi tới tôn giáo và đạt tới chiều sâu trong chính hoàn cảnh sống của bạn, và rồi bạn sẽ nhẬn ra: hầu hết mọi người đều đang sống vô thần, kể cẢ những người như thiên chúa giáo, do thái giáo, hồi giáo…”

2. Mắt Đời – một tín đồ Công giáo

“Tôi đã không xưng tội rước lễ, đi nhà thờ cũng 13 năm rồi. Tôi không tin vào tội tổ tông, không tin vào sự bất di bất dịch của phép hôn phối hay những luật của hội thánh, với tôi luật duy nhất là tình yêu – sự thật – công bằng. Chúa Jesus dạy bằng ngụ ngôn để con người hiểu mà không làm theo một cách máy móc hay bằng những luật lệ. Lịch sử của loài người có sự lặp lại vì nó phải tuân theo những quy luật của trần gian, ngày xưa Chúa phá bỏ những luật của con người để chỉ ra luật của Thiên Chúa, nhưng sau 2000 năm, tôn giáo lại tạo ra luật lệ y như cũ. Ai vượt qua ràng buộc của tôn giáo thì hiểu rằng Thiên Chúa hoàn toàn khác với tôn giáo, Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo cũng không gói gọn trong cái hình ảnh của đạo Do Thái hay Công Giáo, Ngài là toàn diện, trong Phật Giá, Ấn Độ Giáo…mọi tôn giáo đều có hình ảnh của Ngài, không một dân tộc hay giáo dân của tôn giáo nào là con riêng của Ngài, mà là tất cả.

Nhưng ở một mức độ thấp hơn, tôn giáo cần tồn tại cho đa số con người. Về sự thay đổi của Công Giáo là không tránh khỏi vì được điều hành bởi con người, và khi tôn giáo gắn với lợi ích của trần gian thì không thể thoát khỏi sự biến chất (bất kỳ tôn giáo nào). Tuy nhiên trong mọi ngã đường, tôi chọn con đường mà Chúa Jesus đã đi, vì chỉ có tình yêu mới là cứu cánh của con người. Khi có tình yêu, dù kiếp này hay kiếp sau đều là thiên đàng.

3. Huỳnh Thiện Nhơn

“Tôn giáo là cần thiết đối với sự thăng tiến tâm linh của mỗi cá nhân. Tùy căn cơ để mỗi cá thể thăng tiến. Có bực thượng căn thì cũng có bậc hạ căn. Bực thượng căn chỉ một manh mối cũng có thể tự tìm ra con đường đi tới chân lý. Nhưng với bực hạ căn thì mối quan tâm của họ ko phải là chân lý, họ bị ràng buộc với cái cuộc sống hằng ngày. Mối quan tâm của họ chỉ là sự bình an tạm thời để tiếp tục lao vào cuộc đời bởi vì cuộc đời đảm bảo hơn rõ ràng hơn gần gũi hơn theo cái cách họ thấy. Lúc ấy tôn giáo là cần thiết để có thể ko bị lún sâu thêm. Nhưng sẽ đến một lúc cái nhu cầu tâm linh trở nên mạnh mẽ khi mà các khát khao của họ ko thể được thỏa mãn trong thời gian rất dài hằng bao nhiêu kiếp sống. Khi đến một thời điểm khi mà chiếc áo cũ nay đã quá chật chội thì tôn giáo đã hoàn thành xong nhiệm vụ của nó. Người ấy bắt đầu tìm kiếm trong bản thân dựa vào những kinh nghiệm mà tôn giáo mang lại hay những nơi khác để tự tìm ra câu trả lời. Tôn giáo là cần thiết trong 1 giai đoạn nào đó bạn cần bước những bậc thềm đầu tiên để có thể tới đỉnh, cần trải qua hạ rồi mới đến thượng nó là cả 1 quá trình dài lâu, phần còn lại là do nỗ lực của bản thân.
Vài lời loạn bàn.”

4. Ngô Thanh Minh Ngôn

“Những bài viết phản biện một chiều dựa trên cái nhìn từ bên ngoài mà chưa có cảm nghiệm về 1 tôn giáo thật sự thì đó chỉ là 1 người hành khách đi xe bus, đến & dừng tại mỗi trạm (rùi selfie, check in) & tự cho rằng mình đã biết về vùng đất đó, con người đó thì oan cho họ quá. Bất cứ tổ chức nào đều có gót chân ‘ô-sin’, nên khi nói tới điều đó đó thì gióng như điểm vào yếu huyệt làm cho đối phương khó phản kháng được. Theo quan điểm thiển cận của bản thân, nếu ta nhìn mọi vấn đề, mọi tổ chức & mọi người ở góc nhìn tích cực thì tâm thức sẽ phát triển tròn đầy. Lúc đó không cần bàn đúng sai, không chêm ý cá nhân vào rồi nguỵ biện là ý chung, không dùng kiểu lập luận A,B,C nói câu này là có ý này. Mà cần phải hiểu tổng hợp, chan hoà cốt lõi ý tứ của cá thể đó. Thiên Chúa là Tình Yêu, Đức Phật là Bậc Giác Ngộ. Việc những đệ tử của Ngài hay những người tự nhận đệ tử của Ngài chưa được tốt lắm là việc bình thường. Và việc Họ thuyết pháp, rao giảng những giá trị cốt lõi thành nhiều dị bản thì cũng là điều tự nhiên. Quy luật cung cầu luôn đúng tại mọi thời đại, những người bình thường liệu cơm gắp mắm mà ta thương họ thì góp thêm chút dưa cà, bánh mứt (vì gần tết). Thay vì chối bỏ hoàn toàn những giá trị truyền thống/lac hậu.”

5. Phi Tuyết – nãy có viết xong một bài rất dài, lỡ đăng lúc rớt mạng mất hết luôn, giờ chả biết nói sao nữa.

Hãy hiểu về tôn giáo đơn giản thế này:
Tất cả nhân loại đều đang tham gia một hành trình tới một đích đến như nhau, nhưng con đường thì khác nhau.
Phật, Jesus, Lão tử, Osho… đều là những người đã hoàn thành hành trình đó, đã đến đích và họ đã kể lại về con đường của họ, họ đã để lại những tấm bản đồ cho nhân loại tham khảo hoặc đi theo, nếu muốn.

Nhưng điều đó không có nghĩa chỉ những con đường ấy mới dẫn được chúng ta tới đích. Có rất nhiều con đường cùng dẫn về một đích như nhau. Lữ khách thì khác nhau, con đường thì khác nhau nhưng đích đến thì chỉ một. Bạn có thể đi theo những con đường lộ được họ chỉ ra hoặc bạn có thể tự tìm ra con đường của chính mình. Dù là con đường có sẵn hay không có sẵn, dù là con đường của Phật, của Chúa, của Lão tử hay Osho… bạn chỉ có thể tham khảo nhưng dù tham khảo bao nhiêu thì người bước đi trên hành trình đó cũng phải là chính bạn. Họ đã chỉ cho bạn con đường nhưng họ không bước đi thay bạn, tất cả chúng ta đều phải tự mình hoàn thành hành trình đó, bất kể chọn con đường nào.

Trên thực tế các tôn giáo thay vì hướng dẫn người ta đi trên con đường, thay vì hướng dẫn người ta tự tìm ra con đường thì lại bày ra những lễ nghi để bắt người ta quỳ mọp xuống thờ lạy và tôn vinh những con đường đó.
Con đường được tạo ra là để người ta bước đi trên nó, không phải là để người ta cúi mình thờ lạy nó, rải hoa lên nó hay hát ca chúc tụng nó. Không, nó cần được đi trên.

Bất kể bạn chọn con đường nào, nếu trên con đường ấy bạn cảm thấy mình tràn đầy hạnh phúc, tươi vui, biết ơn, yêu thương vạn vật. Thế thì bạn đang đi đúng đường. Còn nếu như bạn cứ luôn cảm thấy lo sợ, bất an, oán trách về mọi thứ, thế thì bạn đang đi sai đường. Không cần quan tâm người khác đang đi trên đường nào, không cần quan tâm con đường của bạn có ai cùng đi không, chỉ cần niềm tin của bạn khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, tự do, trân trọng cuộc sống, ấy thế là đủ rồi.

Tôn giáo không phải là không tốt, nhưng nó không đủ tốt cho tất cả, nếu như không muốn nói rằng nó là có hại – theo góc nhìn nào đó. Nó khiến bạn trở nên mù quáng, nó khiến bạn quên đi hành trình của chính bạn, quên đi đích đến của chính bạn mà chỉ bận tâm ca tụng con đường của người khác, hành trình của người khác.

Con đường muốn dẫn bạn đến đích, con đường không cần bạn ca tụng, con đường không cần bạn biết ơn – dù rằng khi bạn đi trên đường và yêu thích hành trình của mình, tự nhiên lòng biết ơn sẽ nảy sinh, nhưng là nảy sinh một cách tự nhiên, không gò ép, không áp đặt. Con đường yêu thương lữ khách, lữ khách trân quý con đường. Không có hình phạt địa ngục hay hỏa ngục nào nếu lữ khách không thờ phượng con đường cả.

Các tôn giáo hiện tại đặt nền tảng trên nỗi sợ hãi, vì sợ hãi mà người ta nghe lời tôn giáo: nỗi sợ bị trừng phạt, nỗi sợ bị đày xuống chín tầng địa ngục, nối sợ phải trả nợ ở những kiếp sau… vì sợ mà người ta đi trên con đường – đó là cách của tôn giáo. Và cách này không chứng tỏ được hiệu quả, nó làm lãng phí con đường, con đường quá lâu không ai bước đi sẽ trở thành đường mòn, hoang phế, sẽ khó khăn hơn cho những người muốn bước đi trên nó.
Việc tôn giáo cần làm là hãy trở về với phận sự của nó – người dẫn đường – là giúp nhân loại đi trên con đường đã có hoặc khai phá những con đường mới – chứ không phải chỉ chăm chăm thờ lạy con đường.
Phật là một con đường.
Jesus là một con đường.
Lão tử là một, Osho là một…

Hãy tự chọn một con đường thích hợp cho bạn, rồi bước đi trên nó. Nếu bạn đủ thông minh và sáng suốt bạn thậm chí chẳng cần đến người dẫn đường, vì bản đồ hoàn toàn nằm trong tay bạn. Nhưng trước khi quyết định được con đường nào thích hợp với bạn, bạn phải chắc chắn mình đủ hiểu về những con đường đó. Và nếu không con đường nào bạn thích, hãy tự khai phá con đường riêng.

Hành trình là một nhưng lữ khách thì rất nhiều, đừng bắt người khác phải đi con đường của bạn và cũng đừng để người khác quyết định con đường bạn muốn đi.

Tôi thích dùng hai thứ khác nhau nay để phân biệt: người tôn giáo và người tâm linh
– Người theo tôn giáo là những người chỉ biết thờ lạy con đường.
– Người tâm linh là những người đi trên con đường.

Tôi chỉ là một kẻ đang đi tìm đường!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *