1. Công việc của cha mẹ là rất tinh tế và quý giá, bởi vì toàn thể cuộc sống của đứa con phụ thuộc vào điều đó. Đừng cho bất kì sự áp đặt nào lên đứa trẻ, dù là sự áp đặt tích cực – nhưng hãy giúp đứa con theo mọi cách có thể được để làm điều nó muốn làm.
Hồi nhỏ tôi hay trèo cây, có những cái cây rất an toàn để trèo: nhiều cành nhánh và rất vững chãi, bạn thậm chí có thể leo lên tới ngọn cây mà không lo rằng chúng sẽ gẫy; ngược lại cũng có những cây rất mềm. Tôi thì thường xuyên trèo lên những cái cây để hái quả, những quả chín cây ngon lành thế nên gia đình tôi rất lo lắng và họ luôn phải phái ai đó ra ngăn cản tôi.
Tôi nói với cha tôi “Thay vì ngăn cản con, xin cha hãy giải thích cho con cây nào là nguy hiểm – để con có thể tránh chúng, và cây nào là không nguy hiểm – để con có thể trèo chúng. Nhưng nếu cha không chỉ cho con mà chỉ cứ cấm cản con thế thì nhất định sẽ có nguy hiểm đấy vì con rất thích trèo cây, con sẽ không dừng việc trèo cây đâu, và khi con trèo lên một cây sai và té ngã, ấy thế thì là trách nhiệm của cha vì đã không hướng dẫn con đúng cách thay vì cứ cố gắng cấm cản con.
Công việc của cha là phải nói cho con đích xác cây nào con không nên trèo, vì nếu con trèo lên cây sai và con có thể té gãy xương hay làm hỏng thân thể con. Điều đó con biết là không tốt, nhưng cha đừng mang lệnh cấm đoán đến cho con, không có hiệu quả đâu.”
Và thế là cha tôi đã phải đi cùng tôi quanh thị trấn chỉ để dặn tôi cây nào là nguy hiểm. Thế rồi tôi lại nói với ông ấy “Cha có biết người nào leo trèo giỏi trong thành phố này không? Người có thể dạy con trèo ngay cả trên những cây nguy hiểm nhất này?”
Cha tôi nói “Con thật quá quắt, điều này đi quá xa rồi.”
Tôi nói “Con sẽ theo hướng dẫn của cha bởi vì con đã đề nghị điều đó. Nhưng những cây mà cha nói là nguy hiểm lại hấp dẫn không cưỡng lại được, bởi vì jamun – một loại quả của Ấn Độ – mọc trên những cây đó. Nó thực sự ngon, và khi nó chín con có thể không có khả năng cưỡng lại cám dỗ. Cha là cha của con, trách nhiệm của cha là giúp đỡ. Cha phải biết ai đó có thể giúp con chứ.”
Cha tôi nói “Nếu ta biết rằng làm cha lại khó thế, ta đã chẳng bao giờ trở thành một người cha – ít nhất cũng không phải là cha của con. Thôi được rồi, ta biết một người.”
Và cuối cùng ông ấy giới thiệu tôi với một ông già, người trèo cây giỏi nhất, công việc của ông ấy là làm nghề tỉa cây, bất cứ cây nào dù khó khăn và nguy hiểm đến đâu cũng không phải là vấn đề với ông ấy. Thế là bố tôi bảo ông ấy “Xin ông hãy dạy cho thằng bé này cách trèo cây, đặc biệt là cách trèo những cây nguy hiểm, những cây có thể gãy.”
Ông già ấy nhìn tôi và nói “Chưa bao giờ có ai yêu cầu tôi điều này, đặc biệt là một người cha đem đứa con tới… Đó là việc nguy hiểm nhưng nếu đứa nhỏ này yêu việc đó, thế thì tôi cũng sẽ thích dạy cho nó.” Và ông ấy đã dạy tôi tất cả các loại sách lược để tự bảo vệ mình, như là nếu bạn muốn trèo cao lên cây và không muốn ngã xuống đất, thế thì trước hết hãy buộc bản thân mình bằng dây thừng tại điểm mà bạn cảm thấy cây còn đủ mạnh, và thế rồi trèo lên. Nếu bạn ngã, bạn sẽ bị treo lơ lửng từ dây thừng, nhưng sẽ không bị ngã xuống đất. Và điều đó thực sự đã giúp đỡ tôi rất nhiều lần khỏi bị gẫy xương.
Công việc của người cha hay người mẹ là lớn lao, bởi vì họ đang đem một vị khách mới vào thế giới – người có rất nhiều tiềm năng đang tiềm ẩn bên trong. Những đứa trẻ đó đến với thế giới này với những sứ mệnh tiềm ẩn và chúng chỉ có thể hạnh phúc khi đạt được sứ mệnh đó của chúng, nảy mầm hạt giống mà chúng mang sẵn trong mình.
Cho nên, các bậc cha mẹ chừng nào còn chưa biết cách giúp đỡ đứa trẻ nở hoa theo đúng tiềm năng của nó – không phải tiềm năng cha mẹ muốn chúng trở thành – thế thì cha mẹ cũng chỉ là một dạng của nhà tù, của cai ngục.
2. Cũng trong thời thơ ấu của tôi, tôi thường được bảo phải đi ngủ sớm – đó cùng là cách mọi đứa trẻ được dạy trong hàng thế kỉ – tôi được bảo rằng “Đi ngủ sớm và dậy sớm vào buổi sáng, điều đó sẽ làm cho con thông minh.”
Tôi nói với cha tôi “Điều này thật kì lạ, khi con không cảm thấy buồn ngủ, cha buộc con phải đi ngủ sớm – trong nhà của người Jaina, ngủ sớm thật sự là rất sớm, chỉ sau bữa cơm chiều, khoảng 6 giờ, và chẳng còn gì để làm nên trẻ con sẽ được bảo phải đi ngủ.
Tôi nói với ông ấy “Khi năng lượng của con vẫn còn đang hoạt động, cha bắt con phải ngủ. Và vào buổi sáng khi con vẫn còn cảm thấy buồn ngủ cha lại lôi con ra khỏi giường. Đây là một cách kì lạ để làm cho người ta thông minh. Con không thể nhìn ra bất cứ sự liên hệ nào – làm sao con có thể thông minh bằng việc đi ngủ khi con không muốn ngủ? Và con cứ phải nằm yên hàng giờ trong bóng tối – khoảng thời gian quý giá ấy đáng lẽ phải được dùng để làm cái gì đó khác, cái gì đó mang tính sáng tạo – cha bắt con đi ngủ lúc ấy, nhưng giấc ngủ không phải thứ mà cha có thể quản được. Chỉ vì nghe lời cha mà con đã phí hoài biết bao nhiêu thời gian quý báu của mình vào việc chờ đợi giấc ngủ tới. Và buổi sáng con vẫn muốn ngủ cha lại bắt con dậy để đi dạo – làm sao những việc đó lại làm cho con trở nên thông minh? Con không thể hiểu được, xin cha hãy giải thích cho con! Xin cha hãy kể cho con, bao nhiêu người đã trở nên thông minh theo cách này vì con không thấy ai xung quanh con cả. Thậm chí đến cả ông nội, con đã nói chuyện với ông và ông cũng đã nói rằng đây là một cách ngu xuẩn, vô ích. Ông nói trí huệ không đến bằng việc đi ngủ sớm, nó không đến đâu, đừng để bị lừa bởi những quan niệm vớ vẩn.”
Tôi bảo với cha tôi “Cha hãy nghĩ về điều đó mà xem, và xin hãy công bằng với con. Hãy cho con điều tự do nhỏ nhoi này – rằng con có thể đi ngủ khi con cảm thấy giấc ngủ tới và con có thể dậy khi con cảm thấy rằng đó là đúng lúc và giấc ngủ không còn đó.”
Cha tôi đã suy nghĩ mất một ngày và rồi ngày hôm sau ông ấy nói “Thôi được có lẽ con nói đúng, con hãy làm nó theo nhu cầu của riêng con, hãy lắng nghe cơ thể con hơn là nghe lời ta.”
Điều này nên là nguyên tắc: trẻ con nên được giúp đỡ để nghe theo thân thể nó, nghe theo nhu cầu riêng của nó. Đừng ra lệnh cho đứa trẻ làm điều này, không làm điều kia nhưng hãy giải thích toàn thể những tình huống cho chúng, để chúng lựa chọn giữa làm hay không nên làm.
3. Thời thơ ấu của tôi là một cuộc chiến thường xuyên với cha tôi. Ông ấy là một người đáng yêu, rất hiểu biết, nhưng dầu vậy ông ấy vẫn như bao người cha khác khi thường xuyên nói “con PHẢI làm điều này, điều kia” và tôi luôn đáp lại là “Cha không thể ép con PHẢI làm gì được, cha chỉ nên gợi ý thôi và hãy nói rằng nếu con thích thì con hãy làm, nếu con không thích, thì thôi. Việc con sẽ làm nên là quyết định của con, không phải của cha. Con sẽ vâng lời với những gì là chân lý và tự do. Con có thể hi sinh mọi thứ cho chân lý, cho tự do, cho tình yêu, chứ không phải cho sự nô lệ. Và từ “PHẢI” của cha thì chỉ bốc mùi của sự nô lệ.”
Chẳng mấy chốc cha tôi hiểu rằng tôi không thuộc loại vâng lời hay không vâng lời. Tôi không nói “Con sẽ không làm” nhưng tôi nói “Cha hãy rút bỏ chữ “PHẢI” của cha đi đã. Hãy cho con không gian để quyết định liệu con có muốn nói có hay không, và cha cũng đừng phật lòng nếu con nói không. Đây là cuộc sống của con, con phải sống nó, và con có mọi quyền để sống nó theo cách riêng của con. Cha có nhiều kinh nghiệm hơn, cha có thể gợi ý, cha có thể khuyên nhủ, nhưng con sẽ không nhận mệnh lệnh từ bất kì ai. Dù cái giá là thế nào, dù hậu quả là thế nào, con cũng sẽ không nhận lệnh từ bất kì ai.”
Và dần dần bố tôi đã bỏ cái từ “PHẢI” của mình. Ông ấy bắt đầu nói “Có vấn đề này, nếu con cảm thấy đúng, con có thể làm giúp bố, nếu con cảm thấy không thích, đó là quyết định của con.”
Tôi nói “Đây mới là cách cha thể hiện tình yêu đích thực cha dành cho con”
Osho – TỰ DO – dũng cảm là bản thân mình