sống khác #1 – tìm hiểu một tôn giáo khác

Một sáng chủ nhật đẹp trời tại một quần đảo xa xôi, mà thật ra cũng không xa xôi gì lắm vì Philipine chỉ cách Việt Nam 2,5 tiếng bay trên bầu trời…
Mẹ tôi nhắn tin, cũng lâu lắm mẹ mới nhắn tin nhưng chỉ cần biết tin nhắn đến từ mẹ, tôi không biết nên vui hay buồn:
“Hôm nay là chủ nhật lễ Chúa Thánh Thần đó không biết có đi lễ không nữa, dạo này khôn lớn trưởng thành rồi bố mẹ không còn quan trọng nữa mà đi chơi giao du với bạn bè mới là số một đúng không?”
Tôi trả lời mẹ: “Con đang đi lễ trong nhà thờ ở Phillipine.”
Mẹ nói “Sao lúc nào cũng đi chơi vậy chứ?”
Và tôi không muốn nói gì thêm nữa vì dù có nói gì tôi cũng không bao giờ có thể chiều lòng mẹ tôi. Mà trên thực tế việc làm mọi việc để chiều lòng mẹ cũng không phải là ưu tiên của tôi khi tôi muốn sống cuộc đời của riêng mình một cách rực rỡ và trách nhiệm.
Và bạn biết gì không?
Tôi sẽ nói cho bạn biết một sự thật, nhưng nhớ đừng nói cho mẹ tôi biết điều này. Ok?

*
Khi tôi nói với mẹ rằng tôi đang trong nhà thờ, tôi không nói dối nhưng đó không phải tất cả sự thật, sự thật là tôi đang ở trong một buổi hội nhóm – cách gọi một buổi lễ của đạo Tin Lành trong nhà thờ mỗi chủ nhật.
Vâng, đây là lần đầu tiên trong đời tôi tham gia một buổi lễ của đạo Tin Lành và … tôi thích nó!

*
Đó là một buổi “hội nhóm” chứ không phải buổi lễ như cách nhà thờ Công giáo hay làm bởi vì mọi thứ nghi thức dường như đều được bỏ đi mà thay vào đó là sự tâm tình và đoàn kết của những người cùng tham gia trong buổi hội nhóm.
Cậu bạn tín đồ Tin lành giải thích với tôi rằng sở dĩ nó được gọi là buổi hội nhóm vì họ muốn tổ chức buổi lễ như một cuộc họp thân tình giữa những người anh em với nhau, mọi người cùng tới đó để bắt tay nhau, cầu chúc cho nhau, tôn vinh tình yêu của Jesus và cầu nguyện cùng nhau, chỉ thế thôi!

Tôi đã chứng kiến một phần của buổi lễ và tôi đã bị ấn tượng, mọi thứ rất giống với những gì tôi hay tưởng tượng về việc nhà thờ Công giáo nên tiến hành như thế nào.
Sau một hồi chuông báo hiệu giờ nguyện đến thì đầu tiên là ca đoàn và mọi người trong nhà thờ cùng nhau hát vang một bài hát ca ngợi tình yêu Jesus. Họ có một người như MC dẫn chuyện, người này nói gì đó (tôi không hiểu lắm những gì họ nói, bằng tiếng Anh) và cậu bạn làm phiên dịch viên nhắc tôi đứng lên chào mọi người vì cô ấy vừa hỏi vừa đề nghị những người mới hãy đứng lên chào mọi người – tôi đứng lên và giơ tay chào, mọi người vỗ tay và chào lại tôi cùng một số người mới khác. Tôi cảm thấy họ như những người bạn lâu ngày gặp lại.
Tiếp sau đó tất cả mọi người đều đứng lên khỏi chỗ của họ, quay sau quay trước quay trái quay phải để chào buổi sáng, bắt tay hoặc thơm má những người xung quanh, tôi cũng làm một vòng bắt tay và chúc buổi sáng tốt lành một đống người lạ rồi quay lại chỗ của mình.
Sau đó tới phần mọi người cùng nhau nghe một trích đoạn kinh thánh, rồi một mục sư bước lên giảng hay nói gì đó mà tôi nghe chẳng được, rồi mọi người lại cùng nhau cất vang lời hát ca ngợi tình yêu Thiên Chúa – quả thật là một buổi hội nhóm tuyệt vời.

Tôi bị ấn tượng bởi cái cách ông mục sư tự tin và thân thiện sử dụng ngôn ngữ cơ thể lẫn sự tự do của đôi chân để đi xuống chỗ các tín đồ đang ngồi và giảng đạo như thể những người bạn đang nói chuyện với nhau chứ không quá nặng nề hình thức và xa cách như cách của bên Công giáo.
Tôi bị ấn tượng bởi cái ban nhạc đang cùng nhau chơi trên thánh đường cứ như thể trên một sân khấu nào đó, thật là đẹp: họ có đủ thứ như là ghita, trống, piano… nói chung là đủ các loại nhạc cụ cùng nhau chơi nhạc cho ca đoàn hát, và trong số các nhạc công đó có một anh chàng chơi ghita điện mới đẹp trai làm sao!
Tôi bị ấn tượng bởi cách mọi người được tự do khỏi các nghi thức khô cứng và những lời kinh lặp đi lặp lại, một cảm giác ấm áp với đền thờ giản dị thân thiện chứ không quá lạnh lùng trang nghiêm như những nhà thờ khác.

Tôi bị ấn tượng cả với những tín đồ trong buổi lễ, đặc biệt là hình ảnh một ông bố trẻ da trắng bồng bế và chăm sóc tận tình cho hai đứa trẻ da đen nhỏ xíu một trai một gái. Bé gái tầm 3 tuổi với những bím tóc đính đầy những trái tim màu hồng bằng nhựa và bé trai thì nhỏ đến nỗi ông bố trẻ ấy phải luôn bế cậu bé trên tay, có lẽ cậu tầm 1 tuổi. Hình ảnh đó cho tôi thấy tình yêu. Tình yêu của con người dành cho con người bất kể màu da, tình yêu của người cha dành cho những đứa con nhỏ, tình yêu của một tấm lòng đẹp. Hay thậm chí nếu 2 đứa trẻ rất đen là con ruột của anh chàng rất trắng ấy với một cô gái da đen (cô gái này hẳn phải có GEN cực kì trội) thì điều đó khiến tôi còn khâm phục hơn về tình yêu của họ.
Hình ảnh tuyệt đẹp về tình yêu đó thấm vào tôi hơn bất cứ lời giảng hay bài ca nào mà cả cộng đoàn xung quanh đang cố hướng về.
Có thể tôi không nghe được hết bài giảng của họ nhưng tôi nghe được từ Jesus – rất rất rất nhiều lần – và ấn tượng trong tôi – ấn tượng duy nhất không tốt lắm trong tôi khi tham gia buổi hội nhóm ấy là họ quá “tôn sùng” Jesus đến nỗi cứ như thể toàn bộ trọng tâm của cuộc đời này, thứ duy nhất có ý nghĩa trên đời này là bản thân Jesus chứ không phải thông điệp về tình yêu của Ngài ấy. Việc mọi bài hát, mọi lời giảng chỉ đều tập trung vào Jesus khiến tôi không thực sự hạnh phúc khi ở đây dù cho mọi thứ khác đều tuyệt vời.
Jesus có thể là một chứng nhân tình yêu, vâng, nhưng là của hơn 2000 năm trước. Giờ tôi chỉ muốn được nhìn những chứng nhân tình yêu mới – những người đang thể hiện ra bằng mọi cách rằng họ thấm đẫm thông điệp về tình yêu của Jesus và đang mang tình yêu đó vào cuộc sống của chính mình ngay lúc này.

Đó là lý do tại sao suốt cả buổi lễ tôi không thể rời mắt khỏi hình ảnh người cha da trắng to cao rất đẹp trai đang chăm sóc hai đứa trẻ đen nhỏ xíu rất đáng yêu bằng tất cả tình thương của anh ấy. Anh ấy chính là chứng nhân của tình yêu. Mọi người nên biết thêm về câu chuyện, về suy nghĩ của anh hoặc của những người bình thường ngay trong cuộc sống bình thường thay vì chỉ mỗi Jesus như vậy!

Anyway, dù sao tôi cũng vẫn thấy hạnh phúc lắm dù cho phải rời buổi hội nhóm từ khá sớm vì tới giờ hẹn công việc khác.

*

Từ nhỏ khi sinh ra cho tới khi trưởng thành, trong chúng ta mấy ai được quyền tự chọn tôn giáo cho riêng mình? Dường như tất cả mọi người (hay đa phần) chúng ta đều chỉ là kẻ thừa kế từ những người đi trước mà cụ thể là thừa kế tôn giáo của gia đình, chúng ta không có tự do ngay cả trong việc lựa chọn điều mình tin tưởng thế thì còn nói gì về những quyền tự do khác?

Trong mắt mẹ tôi hay có thể là cả gia đình tôi – tôi là một đứa con thuộc loại “tội đồ phản nghịch” – không phải vì tôi làm gì xấu phương hại gì đến ai nhưng là vì tôi đã có những hành động không theo mong muốn của truyền thống gia đình: tôi dám “hỗn láo” chỉ ra những điều tôi không hài lòng đối với nhà thờ Công giáo, chưa dừng ở đó mà tôi còn dám nghiên cứu tìm hiểu những tôn giáo khác nữa. Mới đây việc tôi nghe nhạc thiền và ngồi thiền cũng đã khiến mẹ tôi phát điên vì thất vọng và sợ hãi nữa. Nếu như mẹ biết tôi lại còn đi tìm hiểu, tham gia và ca ngợi Tin lành giáo như thé này nữa chắc hẳn mẹ tôi sẽ chỉ muốn từ tôi ra khỏi gia đình cho đỡ mất mặt. Có thể lắm chứ.

Nhưng có điều mẹ không hiểu.
Công giáo rất tuyệt.
Phật giáo rất tuyệt.
Tin lành cũng rất tuyệt.
Mọi tôn giáo đều rất tuyệt nhưng không thứ gì có thể thỏa mãn và lấp đầy trái tim tôi. Tôi đã tự có tôn giáo của riêng mình: một tôn giáo tổng hòa và tôn trọng tất cả các tôn giáo, một tôn giáo không nghi thức, không lễ lạc, không lý thuyết, một tôn giáo của “những gì là sự thật sẽ giải phóng con”, tôn giáo của độc lập – trưởng thành – trách nhiệm – tình yêu – tự do và hạnh phúc… tôn giáo của tôi là Tâm linh giáo.

Để biết sự khác biệt giữa tôn giáo và tâm linh, bạn có thể đọc lại bài này:

Tôn giáo giống như những bậc thang để đưa người ta đến với nhứng sự thật tâm linh tối thượng.
Nếu bạn cảm thấy tôn giáo của bạn mang lại cho bạn bình an, tình yêu, hạnh phúc và tự do… Ấy thế thì bạn đang đi đúng đường của tôn giáo là hướng đến tâm linh.
Nếu tôn giáo của bạn chỉ mang lại những sợ hãi, lo lắng hay nếu tôn giáo của bạn không làm cho bạn hết tham lam (qua việc dạy bạn xin hết thứ này thứ khác) thế thì bạn đang đi sai đường rồi.

Và quan điểm nhất quán của tôi là: chừng nào nhờ vào niềm tin của mình mà tôi còn cảm thấy mãn nguyện, yêu thương, tự do và hạnh phúc thế thì không thứ gì có thể thay đổi được niềm tin của tôi nữa.
Hãy để tôn giáo giải phóng bạn.
Đừng để tôn giáo biến bạn thành nô lệ cho bất cứ thứ gì – kể cả là nô lệ cho tình yêu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *