Bẫy chuột – Bẫy người

Hôm qua tôi mua một cái bẫy chuột kiểu mới. Nó được thiết kế như cái hang khi bọn chuột tò mò bước vào hang thì cửa sập lại và chú ta sẽ bị nhốt bên trong, không thương tích hay đau đớn gì cả. Người bán bẫy không quên dặn tôi: “Về cứ lẳng lặng mà đặt bẫy thôi, đừng nói lời nào hết. Vì bọn chuột khôn lắm. Nó nghe nó hiểu đấy”.
Tôi hơi ngạc nhiên, bọn chuột khôn tới mức ấy cơ á? Nhưng rồi tôi nhớ ra thực tế cũng nhiều lần đã chứng minh sự thật ấy. Mỗi lần tôi đặt keo dính chuột thì chỉ ngày đầu tiên là có chuột bị dính, từ ngày thứ hai trở đi chúng không bao giờ lại gần keo dính nữa. Và tôi cũng nhớ mình đọc ở đâu đó rằng loài chuột là loài thông minh, chúng có khả năng đánh giá nguy hiểm để tránh xa và báo động cho đồng bọn nữa.

Vậy mà khi về nhà tôi vẫn quên béng, tôi giải thích cho anh bạn cách cái bẫy hoạt động ra sao. Có lẽ đó là lý do sáng nay ngủ dậy cái bẫy vẫn trống trơn chẳng có đứa chuột nào chịu chui vào lồng để ăn thóc. Trong khi cái chổi rơm ở góc nhà thì bị cắn nát tươm vương vãi khắp nơi. Lý nào rơm lại ngon hơn thóc? Không thể nào. Chỉ có thể nói là bọn chuột quá khôn. Trong một số trường hợp thậm chí chúng còn khôn hơn cả con người.

Tại sao tôi có thể nói như vậy?
Vì khi xét đến loài người và những cái bẫy của con người thì tôi thấy quá nhiều nạn nhân đã sập trong cái bẫy ấy mà không hề hay biết. Hay thậm chí biết đó là bẫy nhưng vẫn cố tình chui vô. Không chỉ chui một mình mà còn rủ người thân bạn bè cùng chui vô nữa.

Nói về việc này có lẽ không có ví dụ nào rõ ràng cho bằng ví dụ về các chất gây nghiện: rượu bia, thuốc lá, thuốc phiện các loại.
Ai cũng biết chúng là độc hại, là nguồn gây bệnh tật, bệnh cả về thân xác lẫn tâm trí nhưng rồi sao? Họ vẫn uống, vẫn hút và không dừng lại ở đó, họ còn mời gọi nhau, ủng hộ nhau, ép buộc nhau, khích bác nhau cùng làm điều ấy nữa.
Loài người thì bẫy chuột nhưng con người lại bẫy chính con người và tiêu diệt con người. Thông minh làm sao. Ai sản xuất ra thuốc lá rượu bia hóa chát? Ai cho phép và ủng hộ các doanh nghiệp ấy tồn tại? Đều là con người cả! Con người tự hại nhau nhiều hơn bất cứ nguyên nhân nào khác.

Nếu rượu bia thuốc lá là bẫy của cánh đàn ông thì chị em phụ nữ cũng không khá gì hơn. Họ mắc vào cái bẫy kết hôn. Họ sống trong dằn vặt, cam chịu, đau khổ nhưng họ lại không ngừng “rủ rê”, “thúc giục” những cô nàng độc thân khác mau chóng chui vào cái bẫy hôn nhân giống như họ. Vì ở trong bẫy một mình thì thật buồn, ai cũng thích nhìn cảnh người khác đau khổ như mình hoặc hơn mình thì càng tốt. Vì bản chất con người vốn không ghen tị nhưng chúng ta đã được dạy sự ghen tị, tranh đua cả đời rồi. Thông qua giáo dục, truyền thông, văn hóa…

Sáng nay tôi gặp một nạn nhân đã vướng vào cái “bẫy người” ấy mà tôi không tin anh ta có thể sớm thoát ra khỏi nó. Mới sáng sớm anh ta đã đi siêu vẹo như một tên say, mà chắc là say thật. Anh ta bước vào một phòng khám tư nhân và ngồi vắt chân như một vị hoàng đế. Anh ta hỏi xin tiền những người xung quanh, một cô thấy phiền quá đã rút cho anh ta mấy đồng. Anh ta bước ra ngoài tới hiệu thuốc tây mua gì đó rồi lại dặt dẹo những bước siêu vẹo đi đến chỗ bác xe ôm để nhờ bác ấy chở đi đâu đó…

Bạn hỏi tôi có thương những người như anh ta không à? Không. Câu trả lời hơi vô cảm nhưng đúng sự thật là không. Hệt như bạn hỏi tôi có thương mấy con chuột bị sập bẫy không vậy. Câu trả lời vẫn là không! Vì đời là thế, có nguyên nhân thì cũng sẽ có nạn nhân.
Cuộc đời là một cái bẫy khổng lồ mà con người tự tạo ra và quay cuồng trong nó lâu đến mức không còn nhận ra nó là cái bẫy cính mình đã góp phần sắp đặt.
Giáo dục là một cái bẫy với tấm bằng là miếng mồi thơm, nó biến người ta thành những kẻ tranh đua và bắt chước.
Truyền thông là một cái bẫy khi nó lái người ta đích xác đến nơi mà nó muốn. Quảng cáo càng rõ ràng hơn. Mỗi ngày hàng triệu người sập những cái bẫy quảng cáo để mua những thứ họ không cần chút nào cả.
Truyền thống, dư luận, văn hoá cũng là những cái bẫy.
Sĩ diện, niềm tin, định kiến là những cái bẫy.
Danh tiếng là một cái bẫy. Công việc là một cái bẫy. Chính trị cũng là một cái bẫy lớn tạo ra nhiều cái bẫy khác.

Ví dụ khi các nước nghèo ra sức tạo điều kiện để các nước giàu đầu tư thì mặt khác, các nước giàu rất vui. Tại sao các nước giàu không đầu tư trên nước họ? Vì họ không muốn dùng tài nguyên trên đất của họ, vì họ không muốn xả rác xả độc trên đất của họ, vì họ không muốn trả lương bèo bọt cho người dân nước họ… Ấy thế thì đầu tư là phương án tốt nhất để có thể dùng tài nguyên của nước khác, sức lao động của nước khác, gây ô nhiễm môi trường cho nước khác… để đem tiền về cho nước mình. Cả hai bên cùng vui vẻ làm sao bởi các nước nghèo cho rằng đó là cơ hội lớn để phát triển. Phát triển cũng là một cái bẫy nữa đó. Hãy nhìn bài học về công ty xả thải ở biển Hà Tĩnh đi thì thấy ngay thôi.

Suy cho cùng thì dù đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, tôn giáo hay sắc tộc nào thì ai cũng đang bị dính trong cái bẫy lớn nhất của chủ nghĩa vật chất, tiêu dùng . Và trong các bẫy ấy thì tiền bạc, danh vọng, vật chất luôn là miếng mồi thơm ngon mà ai cũng muốn được cắn một miếng cho bằng được. Miếng to thì càng hãnh diện và sung sướng!

Cho nên bạn ạ, không ai cứu chúng ta đâu nếu chúng ta không biết tỉnh táo để tự cứu chính mình. Bước đầu tiên là hãy nhận diện những cái bẫy xung quanh bạn và tìm cách thoát ra khỏi chúng trước khi quá muộn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *