Chuyện của Phi (1)

25398654_1797927136921212_3625614143332250494_n

25398654_1797927136921212_3625614143332250494_n

Đó là một ngôi nhà nhỏ sơn màu đỏ nâu đất, cái màu không biết vui hay buồn. Có lẽ với người đang vui thì nó là màu vui, còn với những ai đang mang trong lòng tâm trạng u sầu thì nó rõ ràng là một màu buồn bã.

Nổi bật trên nền ấy là một ô cửa sổ màu trắng, phía trước ô cửa là một khu vườn nhỏ xinh xắn với bãi cỏ kim Nhật xanh rì cùng những chậu dương xỉ vừa được chiết ra từ một búi lớn, vài chậu lá ngọc treo trên cao đang rủ cành lơ lửng xuống đám sen đá đang bắt đầu nảy mầm phía dưới.

Ngồi trước ô cửa sổ, trên chiếc ghế bành nhỏ êm ái bọc lớp vải nhung sọc vàng nâu, là một cô gái trẻ.

Thật ra ở độ tuổi của cô nhiều người sẽ gọi cô là “gái già”. Cái độ tuổi lưng chừng khoảng giữa 20 và đang tiến rất nhanh đến mốc 30, trong mắt xã hội và gia đình – cô đã già; trong mắt các bà cô khó tính – cô già khú đế; trong mắt bạn bè – cô chưa đến nỗi hết hạn sử dụng; nhưng trong mắt mình, cô vẫn trẻ lắm.

Người ta luôn trẻ khi tâm hồn người ta tươi trẻ, chẳng phải sao?

Cô gái chậm rãi di di hai bàn tay quanh cái tách màu xám ấm nóng in hình vài cành hoa dại mộc mạc. Cô có cả một bộ sưu tập những chiếc tách sứ nhỏ nhắn đủ màu sắc, đủ kiểu dáng. Mỗi khi đi du lịch đến vùng đất nào cô luôn chỉ muốn mua một chiếc tách nhỏ xinh xinh về làm kỉ niệm, không mua bất cứ gì khác. Dường như cô chưa bao giờ du lịch để mua sắm. Nhờ vậy mà cô có thể đi lâu hơn, đi nhiều hơn và tâm trạng thoải mái hơn để trải nghiệm cái hồn của mỗi vùng đất, thay vì hàng hóa của nơi ấy. Cô ghét chủ nghĩa tiêu dùng và cũng hơi bực mình bản thân khi có thể kiềm chế tốt việc mua sắm mọi thứ, từ quần áo, mỹ phẩm, đồ công nghệ nhưng lại không thể kìm hãm lòng tham khi mua ba thứ: sách, cây cối và những chiếc tách uống trà nhỏ xinh. Trong ngôi nhà nhỏ của cô, nếu bạn bước vào thì đập vào mắt trước tiên nhất định là một tủ sách to đùng, sau đấy là kệ gỗ chất đầy bộ sưu tập ly tách cứ như một cửa hàng vậy. À, tất nhiên bạn chỉ thấy hai thứ đó sau khi đã băng qua khu vườn nhỏ xíu chứa đầy các loại cây cũng nhỏ xíu phía trước ngôi nhà. Chậu lớn chậu nhỏ, vừa đặt trên bàn, vừa đặt trên thềm, vừa treo lơ lửng trên cao… Khắp xóm nhỏ này không ai yêu cây cối nhiều như cô gái ấy và cũng không ai “đủ can đảm” bứt một bông hoa hay một chiếc lá từ đám cây của cô nếu không muốn nhận một ánh nhìn sắc lẹm.
Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên khiến cô đau đầu luôn là lựa chọn chiếc tách nào để dùng sáng nay. Chiếc tách rực rỡ cô mua ở vùng biển Boracay hay chiếc tách trà dạng “quý tộc” được một người bạn ở Úc tặng? Chiếc tách tinh tế với đĩa lót hình vuông mà một người bạn khác tặng từ cửa hàng gốm sứ Nhật Bản hay chiếc tách xanh da trời nhạt mà cô và E. đã cùng nhau chọn từ một cửa hàng trong chuyến đi chơi cùng nhau? Thật đau đầu.

Mới tháng trước, ngày nào cô cũng phải ra quán cafe ven hồ để làm một “nghi lễ” buổi sáng trước khi bắt đầu ngày mới, đó là thưởng thức một ly cappuccino thơm nức ngọt ngào. Cảm giác nhâm nhi một ly cappu trong khí trời buổi sáng ven hồ trong lành, cùng với người mình yêu quý thì còn gì hơn? Nghi thức ấy thật ra không phải thói quen của cô, mà của E. – anh chàng người yêu cô. Anh chỉ ở đây một thời gian ngắn nên cô muốn dành thời gian ở bên anh nhiều nhất có thể. Giờ anh đi rồi nên cô “được quyền” trở lại với nhịp sống thường ngày: tận hưởng trọn vẹn buổi sáng ở góc sân nhỏ trước nhà với bản nhạc giao hưởng du dương. Bất kể quán café bên ngoài đẹp đẽ thế nào, ai cần ra quán khi ở nhà có cả một địa đàng tuyệt vời thế này?

Sáng nay cô không uống café nữa mà chuyển qua món trà chanh gừng pha với nước ấm và mật ong. Món đồ uống không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe nữa. Nghĩ mà xem, trời vào đông mà nhâm nhi một tách trà thơm lừng nóng hổi thì còn gì bằng?

Sáng nào cô gái cũng ngồi như vậy. Hôm đọc sách; hôm thì nghe nhạc; hôm thì chuyện trò đôi câu với người hàng xóm vui tính về chủ đề “phụ nữ không vướng víu chồng con mới sung sướng biết bao nhiêu”. Nhưng sáng nay cô không bận tâm tới sách, cũng chẳng bận tâm tới nhạc, cô lặng yên ngắm nhìn bụi hoa hồng leo hôm nay đang nở rộ trên hàng rào, dường như lần đầu tiên bụi hoa nở rộ thế kể từ khi biết ra bông. Ngắm những bông hồng mong manh đu đưa trong gió, cô hít hà làn không khí mát lạnh trong lành buổi sáng – thứ khí lạnh hiếm hoi mà có lẽ chỉ duy nhất thành phố nhỏ nơi cao nguyên này mới có. Thứ khí lạnh mà những người sống nơi thành phố lớn vùng đồng bằng chỉ có thể tưởng tượng và ước ao. Cô hít hà thật sâu như sợ ai đó tranh mất phần không khí ngọt ngào thoảng nhẹ hương hoa hồng lẫn hương thơm đặc trưng của khóm Rosemarry đàng góc sân. Nhưng ai có thể tranh giành chứ? E. đi rồi. Anh ấy đang dành vài ngày khám phá hòn đảo Phú Quốc xinh đẹp trước khi visa của anh hết hạn. Cô không thể và cũng không muốn đi theo anh vì cuối năm là thời gian kinh doanh bận rộn nhất. Chưa kể lý do to đùng rằng cô chẳng thích biển tí nào. Biển luôn nóng bức và thoảng không khí tiệc tùng. Cô không ưa tiệc tùng. Cô thuộc về nơi đây, nơi thành phố nhỏ với những ngọn núi xanh thẫm bao quanh bảo vệ. Thật hùng vĩ nhưng cũng thật tĩnh lặng. Cô yêu sự tĩnh lặng của những ngọn núi gấp nhiều lần sự tĩnh lặng giả dối của biển. Biển trông tĩnh lặng trên bề mặt đấy nhưng ai biết bên trong là cả ngàn con sóng lớn nhỏ đang ầm ì. Có lẽ chính vì vậy E. luôn gọi cô là “mountain girl” – cô nàng của núi non.

Cô gái mặc một chiếc áo len mỏng màu trắng rộng thùng thình in hình một cái dreamcatcher với những cái lông chim đang bay trong gió. Cái áo ấy cô lấy từ cửa hàng chuyên bán đồ nam của mình. Cái áo ế ẩm vốn chẳng ai thèm mua nằm rất lâu trong cửa hàng không hiểu sao lại trở nên dễ thương đến thế khi cô mặc nó lên thân hình gầy guộc. Nó khiến cô cảm thấy mình bé nhỏ mong manh.

Cô rất thích kinh doanh và đã thử rất nhiều việc kinh doanh khác nhau. Đa phần trong đó đã thất bại, chỉ một duy nhất vẫn còn tồn tại và dần chứng minh là một việc kinh doanh tốt, ấy là cái shop thời trang mà có lẽ là nhỏ và cũ nhất trong cả thành phố này, nhưng cũng độc lạ và cá tính nhất. Mỗi thất bại trôi qua cô lại học được rất nhiều bài học quan trọng và chưa bao giờ hối hận về chúng. Kể cả đôi khi chúng khiến cô bị mất rất nhiều tiền dành dụm.
“Con người làm ra tiền, tiền không làm ra con người. Tiền mất coi như tiền mua những bài học kinh nghiệm, rồi từ những bài học ấy, mình sẽ kiếm lại được chúng sớm thôi” – ấy là câu nói cô dùng để tự an ủi mình và cả ba mẹ cô nữa. Khi họ tỏ ý buồn phiền về thất bại của cô. May mắn thay câu nói ấy đã phát huy hiệu quả rất nhiều. Cô không cảm thấy buồn hay nản chí chút nào.

Việc mất đi một số tiền lớn nhưng lại cảm thấy dễ chịu và thanh thản, là một bước ngoặt lớn trong đời cô. Nó chứng minh cô đã trưởng thành, đã thấu hiểu và làm chủ được những cảm xúc của mình. Nó còn là dấu hiệu cho một sự biến chuyển bên trong vô cùng sâu sắc: sự biến chuyển về tâm linh – con đường tôn giáo mới mà cô đang theo đuổi đã tỏ ra thật đúng đắn và hiệu quả.

Cô gái có sở thích sưu tập đồ cũ, nhìn đồ dùng trong nhà cô là biết. Cái ghế sopha đơn mà cô đang ngồi sáng nay được mua lại từ một cửa hàng đồ cũ với giá rất rẻ. Cô mang nó tới tiệm làm sopha yêu cầu thợ bọc lại một lớp vỏ mới để dùng. Những cánh cửa sổ đầy màu sắc đính trên hàng rào kia cũng là cô đi lang thang nhìn thấy rồi xin người ta mang về. Đồ dùng trong nhà cũng là những thứ được “nhặt” từ chỗ này chỗ nọ: cái bàn ăn và bàn làm việc màu trắng mua lại từ một shop thanh lý, cả cái tủ quần áo và cái giường nữa. Rồi hai chiếc ghế gỗ màu nâu xám được cô xin từ một quán cafe đang muốn thay bàn ghế mới… Cô trân trọng những món đồ cũ ấy lắm vì cảm thấy chúng không chỉ là món đồ vô tri mà dường như chúng có bên trong “một ít cái hồn” – hồn của thời gian.

Không chỉ những món đồ cũ, cô trân trọng cả “người cũ” của mình.

Sáng nay là một ngày đặc biệt, lần đầu tiên bụi hoa hồng leo nở rực rỡ đến thế và cũng là lần đầu tiên sau hai năm trời yên lặng, “người cũ” đã nhắn tin cho cô. Người mà cô đã yêu, hay đúng hơn là vẫn còn yêu – một tình yêu câm lặng và vô điều kiện kể từ ngày anh ra đi hai năm trước đó.

Hôm nay, chả hiểu vì lý do gì anh lại comment lên cái page cô thường post bài mỗi sáng, cái page có tên kì lạ “Triết Học Tâm Hồn” – triết học thì có liên quan gì đến tâm hồn cơ chứ? Hẳn nhiều người sẽ nói như thế, cô cũng từng nghĩ như thế thật cho đến khi phát hiện ra rằng chúng rất liên quan. Không ai thấy sự liên quan thì cô sẽ chỉ ra cho họ thấy. Ấy là nơi cô chia sẻ những suy nghĩ, những chiêm nghiệm của mình về cuộc đời – nói theo cách của cô là “dạy cho lý trí cách để cảm nhận tâm hồn”.

Người cũ, anh ấy nói một câu ngắn gọn “Chúc mừng em” phía sau bài đăng của cô. Chẳng ai biết được cái dòng chữ nhỏ xíu ấy lại lấy của cô nhiều thời gian đến thế để… đọc và trả lời. Im lặng hay trả lời đây? Trả lời thì nói gì đây? “Chuyện gì đã xảy ra? Sao bỗng nhiên hôm nay anh lai nhắn tin cho em? Anh có biết em đã chờ tin nhắn của anh lâu đến thế nào không? Em xin lỗi vì mọi chuyện đã xảy ra, vì đã làm anh thất vọng. Anh có biết em đã đau lòng thế nào khi làm như vậy không? Mà thôi quên chuyện quá khứ đi. Cuộc sống của anh dạo này thế nào? Mình trở lại thành bạn được không? Anh đang hạnh phúc chứ? Em thấy anh chăm sóc cô ấy thật tốt. Cô ấy cũng chăm sóc anh tốt chứ?” Đấy, cô muốn nói nhiều lắm, muốn hỏi nhiều lắm nhưng sau cùng lại cũng chỉ có một dòng nhỏ xíu được phép thành lời “You make my day. Thank you!”
Dịch câu này thế nào? Nói câu này bằng tiếng Việt thế nào? Chẳng lẽ đúng nghĩa đen “Anh tạo nên ngày của em, cảm ơn anh”? Nghe thật kì cục.

Ngôn ngữ là thứ thật tuyệt vời nhưng cũng thật lạ. Chỉ vài chục kí tự be bé xinh xinh vô tri vô giác mà người ta có thể kết hợp lại thành một thứ phương tiện vô cùng hữu dụng. Không chỉ giúp mọi người hiểu nhau mà còn giúp nhân loại trao đổi, lưu giữ một kho thông tin và kiến thức khổng lồ từ đời này qua đời nọ. Không chỉ truyền tải kiến thức khô khan mà ngôn ngữ còn truyền tải cả bao tình cảm và ẩn ý trong đó nữa. Kì diệu hơn ở chỗ mỗi dân tộc khi dùng những ngôn ngữ khác nhau cũng sẽ tạo ra nền văn hóa khác nhau khiến cho đời sống nhân loại trên khắp thế giới trở nên phong phú vô cùng. Chính vì vậy mà có những từ ngữ khi diễn tả phải dùng bằng tiếng Việt chứ tiếng Anh không có từ nào thay thế cả. Như từ “thương” chẳng hạn. “Anh thương em” rất khác “Anh yêu em” nhưng khi nói bằng tiếng Anh thì chỉ có một câu “I love you” mà thôi. Ngược lại cũng có những hoàn cảnh mà đến người Việt cũng chẳng biết phải diễn tả bằng tiếng Việt như thế nào. Như những gì cô muốn trả lời người cũ lúc này, chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả cảm giác ấm áp mung lung chộn rộn ấy. Thường khi không thể dùng từ ngữ để diễn tả cảm giác của mình, cô sẽ im lặng. Nhưng lần này cô không muốn im lặng nữa. Ngôn ngữ kì diệu vậy nhưng thỉnh thoảng nó cũng thật bất lực làm sao.

Dù hay dùng tiếng Anh, dù đang có bạn trai là người nước ngoài, dù có một cuộc sống đúng phong cách phương Tây nhưng cô thừa nhận mình là một người “sính nội” chính hiệu. Đối với cô Việt Nam tuy bị mang nhiều tiếng xấu nhưng là nơi tuyệt vời nhất để sinh sống. Nếu như người ta có thể nhìn ra và tận dụng những thứ tích cực, những lợi thế của đất nước này – như những gì mà cô đã và đang làm, như cuộc sống tuyệt vời mà cô đang có – thì có lẽ chẳng ai phải cố công tìm cách ra nước ngoài sống làm gì nữa. Cô cũng không thích sống ở nước ngoài, dù chưa từng sống ở nước nào khác. Nhưng cô yêu Việt Nam, cô yêu những gì mình đang có ở Việt Nam. Cô từng ghét Việt Nam lắm những ngày đầu tìm hiểu chính trị, lịch sử nhưng vì là một người Tâm Linh, cô tin phải có lý do gì đó khiến linh hồn cô chọn đất nước này để đầu thai. Nhất định phải có lý do gì đó và giờ cô đã tìm ra nó. Vậy nên cô vô cùng hài lòng.
Chung quy khi người ta bình an mãn nguyện, hạnh phúc vui vẻ ở trong tâm thì việc sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất này cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Nhân nói về ngôn ngữ, cô là một người làm việc với ngôn ngữ, cụ thể là ngôn từ, từ ngữ. Cô là một tác giả sách, một blogger dù cho blogger của cô chẳng mấy ai biết tới cả, điều ấy không thành vấn đề, cô viết như một niềm vui để chia sẻ suy nghĩ của mình hơn là để tìm kiếm sự nổi tiếng hay tiền bạc. Nhưng bằng cách nào đó việc viết hiện tại của cô không chỉ mang lại niềm vui mà lại còn mang cả chút tiền và sự quan tâm của mọi người nữa. Điều ấy chẳng phải quá tuyệt vời sao?

Bài viết sáng nay của cô trên trang cá nhân, một cách vô tình, cũng liên quan đến chuyện ngôn ngữ, như thế này:

“Có một thứ ngôn ngữ kì lạ nhất và cũng khó học nhất trên thế giới
Ngôn ngữ ấy không ai có thể dạy được, nếu bạn muốn học, chỉ có một cách là bạn phải tự học một mình.
Lạ ở chỗ khi học được rồi bạn lại không thể dùng nó để giao tiếp với bất cứ ai.
Nhưng bù lại bạn lại có khả năng giao tiếp với gió, với cỏ cây, với hoa, với cuộc sống, với sự bình an trong tâm hồn.
Đó cũng chính là thứ ngôn ngữ duy nhất có thể giúp bạn giao tiếp với Thượng đế.
Dùng ngôn ngữ ấy không giúp bạn hiểu thế giới đâu, nhưng nó giúp bạn hiểu về chính mình.
Kì lạ ở chỗ, sau khi hiểu được chính mình, đột nhiên bạn hiểu cả thế giới.
Sáng nay trong sân, bụi hồng nở rộ nhất tôi từng thấy.
Tôi không dám thốt lên “đẹp quá” bởi vì sợ ngôn ngữ bằng lời sẽ quấy rầy cuộc chuyện trò của tôi với những đóa hoa.
Vậy nên tôi chỉ biết lặng yên chiêm ngắm và cảm nhận!
Ngôn ngữ kì diệu ấy chính là Sự Im Lặng!
Tôi đang học nó.”

Quả đúng là cô đã và đang học thứ ngôn ngữ kì diệu ấy được một thời gian rồi. Khi mới được biết về loại ngôn ngữ kì diệu giúp cô giao tiếp với Thượng đế, với cỏ cây muôn loài, cô đã tìm cách học nó. Cô đã tự mình đặt ra và trải qua những khoảng thời gian khi là một ngày, khi là một tuần để cho phép bản thân mình chìm hoàn toàn vào sự im lặng. Cô tách biệt và rời xa các đám đông hết sức có thể, xa những tiệc tùng ồn ào hay thậm chí tách bản thân khỏi mọi khả năng phải giao tiếp với ai đó. Việc trải nghiệm cảm giác của một người bị câm đã dạy cô rất nhiều điều. Khi người ta đóng bớt một giác quan, người ta khai mở và sử dụng các giác quan khác một cách hiệu quả hơn. Khi cô im lặng, tai cô nghe tốt hơn, mũi ngửi tốt hơn và cả trái tim cũng cảm nhận cuộc sống một cách rõ ràng hơn rất nhiều. Càng im lặng nhiều cô càng học hỏi được nhiều điều hơn về cuộc sống. Cô thấy mình như một người khác: trở nên thông cảm hơn, thấu hiểu hơn, nhạy bén hơn, trầm tư hơn và cả bình an hơn trước đây rất nhiều.
Giờ thì cô không im lặng như trước nữa nhưng vẫn không muốn giao tiếp hay nói chuyện quá nhiều với bất cứ ai. Trừ E. Anh ấy là một người nói nhiều khủng khiếp. Việc phải nói chuyện, phải trả lời, phải giải thích các câu hỏi của anh khiến cô đôi lúc như phát điên lên nhưng chính vì vậy lại khiến cho trình độ giao tiếp tiếng Anh của cô tốt lên rất nhiều.
E. Anh ấy đang làm gì nhỹ? Chắc hẳn là đang ngủ vì giờ này vẫn còn quá sớm, chỉ mới 6h30 sáng. Cô nhớ anh, và cô nhớ cả Q. – người cũ của cô nữa. Có lạ lùng không, có phải là tham lam không khi cô nói rằng mình yêu cả hai người? Cô không cho đó là tham lam nhưng cô tin mình là người can đảm khi dám thừa nhận sự thật ấy. Sự thật rằng trái tim con người có khả năng để yêu nhiều hơn chỉ một người. Luật hôn nhân gia đình nói một người chỉ được phép yêu một người nhưng luật cuộc sống luôn chứng minh điều ngược lại. Cô không phải kiểu người mở luật hôn nhân gia đình để xem mình có theo đúng luật không. Cô là kiểu người im lặng quan sát trái tim mình để tìm câu trả lời. Nếu trái tim cô cho rằng nó yêu cả hai, thế thì nhất định là cô yêu cả hai.
Việc các loại luật lệ tin và ủng hộ cho thuyết “một chỉ được yêu một”, theo cô, đã làm cho tổng lượng tình yêu trên thế gian này bị giảm đi rất nhiều. Đáng lẽ một người nên được khuyến khích yêu thương nhiều người nhất có thể. Thế thì cả thế giới này sẽ được tưới đẫm trong tình yêu. Đó nhất định là một thế giới tốt hơn nhiều so với thế giới chất đầy ghen ghét, hận thù, đố kị, cạnh tranh và kìm hãm ngày nay.
Dù yêu nhiều người nhưng với mỗi người, cô lại có những cung bậc tình cảm khác nhau không hề lẫn lộn. Tính chất tình yêu cho mỗi người cũng khác nhau. Nếu như với K. – người cũ, đó là một tình yêu không điều kiện, không cần đáp trả thì với E. – người yêu hiện tại, đó lại là một tình yêu có điều kiện và cần được anh đáp lại.
Cô yêu cả hai nhưng nếu nói chỉ được chọn một người duy nhất trên đời để yêu, có lẽ, cô sẽ không chọn ai cả. Người duy nhất trên đời mà cô chọn để yêu mãi mãi, trân trọng mãi mãi, nhất định không bao giờ từ bỏ, không bao giờ phản bội, không bao giờ hối hận – đó chính là bản thân cô. Liệu cô là người ích kỉ nhất trên đời, tham lam nhất trên đời hay là người kì lạ nhất trên đời?
Chẳng biết nữa, có thể một ngày cô sẽ thay đổi quyết định nhưng cho đến giờ cô vẫn tin vào sự lựa chọn của mình. Việc yêu bản thân trước tiên và sau cùng đã mang đến cho cô một cuộc sống tự do, độc lập, mạnh mẽ, trách nhiệm và vô cùng hạnh phúc. Cô yêu bản thân mình và cam kết sẽ làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc mà không cần nhờ tới ai cả. Tới giờ cô vẫn làm rất tốt việc đó và cô cũng khẳng định luôn điều đó như một chân lý cho riêng mình: Ai không biết yêu thương bản thân mình đúng cách sẽ chẳng có thể yêu thương được ai khác cả. Chỉ duy nhất người biết cách yêu bản thân mình, biết cách làm mình hạnh phúc thì mới có thể làm cho người khác hạnh phúc được.
Yêu bản thân như thế nào cho đúng cách vốn không phải việc dễ dàng. Cô đã mất nhiều năm và hi sinh nhiều thứ để có thể học được bài học ấy. Bài học quan trọng và cần thiết nhất trên đời: Học cách yêu bản thân mình.

Phi16/12/2017

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *