Giáo dục và sỉ nhục, ranh giới mong manh
Ngày này hai năm trước tôi viết một bài có tựa đề “Đàn ông Việt làm ơn đừng trở thành Soái Ca”. Sỡ dĩ tôi viết bài đó vì cảm giác quá mệt mỏi khi phải nghe và đọc quá nhiều từ “Soái ca” ở khắp nơi trên mọi diễn đàn, mọi kênh tin tức. Có thể tôi hơi “quê mùa” và “bảo thủ” nhưng thành thật mà nói, tôi ghét hai từ “soái ca”. Sau soái ca chưa được yên ổn bao lâu thì lại rộ lên “nam thần”. Soái ca là gì? Nam thần là gì? Đây có phải từ ngữ Việt Nam không mà tại sao một người viết rất nhiều như tôi lại chẳng thể “ngấm” được?
Bất giác tôi cảm thấy buồn. Chẳng lẽ ngôn ngữ Việt Nam không có từ nào để miêu tả mẫu đàn ông trong mơ của các chị em hay sao mà chúng ta lại cứ phải đi vay mượn ngôn từ ngoại như vậy? Tại sao ngôn ngữ Việt Nam phong phú thế lại không có từ nào miêu tả danh từ ấy? Phải chăng vì đàn ông Việt Nam chưa có ai đủ xứng đáng để được tôn làm hình mẫu nên chúng ta mới thiếu đi danh từ gọi họ?
Tôi từng nghĩ như vậy cho tới khi chứng kiến một “cú nhảy lịch sử” xảy ra ngay trước mắt. Tôi không bàn về bóng đá vì tôi không phải fan của môn thể thao này. Nhưng tôi mừng cho việc các chị em phụ nữ Việt, lần đầu tiên có ai đó “thuần Việt” như các cầu thủ U23 để họ “mê say” với cả trái tim, thay vì chạy theo những ộp-pa Hàn Quốc và những nam thần Trung Quốc như trước kia.
Niềm vui khi vị thế đàn ông Việt được nâng cao trong lòng chị em phụ nữ chưa được bao lâu thì nỗi buồn về vị thế của những người phụ nữ Việt bị hạ thấp khiến tôi buồn bấy nhiêu.
Bắt đầu từ việc Vietjet air dùng những cô người mẫu bận bikini để đón tiếp đội tuyển. Chưa bàn đến chuyện đúng sai xấu đẹp, đối với tôi cái buồn hơn cả là việc người ta cứ mang thân thể người phụ nữ ra để làm trò, từ mua vui cho tới những việc kinh doanh và quảng bá thương hiệu. Cơ thể người phụ nữ vừa trở thành những món hàng nhưng cũng là những tấm bia cho người ta vừa phán xét vừa tấn công nữa.
Lằn ranh giữa nghệ thuật trình diễn và phản cảm thật mong manh.
Mong manh hệt như tình cảm yêu mến của người hâm mộ dành cho đội tuyển U2 vậy. Cùng là thứ tình yêu cuồng nhiệt nhưng chỉ cần đi lệch một chút thôi ngay lập tức trở thành một thứ hận thù nhắm vào cầu thủ đội bạn và gây cả phiền toái mệt mỏi cho người được yêu nữa. Nghĩ cảnh bạn phải di chuyển từ sân bay về Hà Nội mất nhiều tiếng đồng hồ trong đói khát mệt mỏi đi. Nghĩ cảnh từng hành động trong quá khứ của bạn bị soi đến từng chi tiết đi. Tôi không biết các cầu thủ còn chịu đựng được tình yêu cuồng nhiệt này bao lâu nữa. Lằn ranh của việc được yêu thương hâm mộ quá nhiều và nỗi phiền toái sao thật mong mạnh.
Nhưng mong manh hơn cả, đáng buồn hơn cả vào lúc này, đối với tôi, là lằn ranh của giáo dục và sự sỉ nhục cá nhân; lằn ranh giữa những thứ được gọi là pháp luật và phi pháp luật.
https://tuoitre.vn/cong-an-beu-ten-nguoi-mua-ban-dam-giua-d…
Hành động của một công an khi bêu tên người mua bán dâm giữa phố đông người, ấy là giáo dục hay vô giáo dục, là nhân đạo hay phi nhân đạo, là thi hành pháp luật hay xem thường pháp luật? Lằn ranh ấy sao mà mong manh thế.
Trên danh nghĩa tự do ngôn luận và khiếu hài hước, một giáo viên tiếng Anh được cho là xúc phạm danh dự tướng Giáp và anh ta đã bị dư luận lẫn chính quyền trừng phạt. Vậy ai sẽ trừng phạt vị công an này khi anh ta trên danh nghĩa thi hành pháp luật đã xúc phạm danh dự của những người dân ấy? Liệu có nhân văn không, có công bằng không khi ta nhân danh chính nghĩa để trừng phạt và tra tấn tinh thần người khác một cách đầy xúc phạm như vậy?
Dù không phải một người quá sùng đạo nhưng tôi vẫn nhớ câu chuyện của Đức Jesus khi dân chúng mang đến cho ngài một người phụ nữ ngoại tình và yêu cầu Ngài phán xử. Ngài đã phán “Ai trong các người không có tội hãy ném đá trước đi”. Có thể bạn cũng biết câu chuyện này rồi nhưng bạn có biết rằng chính tình yêu, sự thứ tha của Đức Jesus đã cảm hóa người phụ nữ ấy và biến cô từ một tội nhân đã trở thành một vị thánh – thánh Maria Madalena.
Tất nhiên tôi chẳng dám mong chúng ta có thể hành xử được như đức Jesus nhưng tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể làm ít nhất một việc đó là hãy buông lỏng bàn tay và bỏ viên đá trong tay mình xuống. Nếu cánh tay của chúng ta không thể trao đi một cái ôm thì ít nhất cũng đừng dùng nó để tát ai cả.
Sự kiện “phán xử công khai” này khiến tôi cảm thấy buồn cho những người thực thi pháp luật, xấu hổ thay cho những người dân chân chất phải nghe những câu từ thô tục nhắc đi nhắc lại như thể một đoạn phim khiêu dâm quay chậm trong tâm trí. Không dám kể đến những đứa trẻ nhỏ trong sáng vô tình có mặt ở đó sẽ học được gì khi chứng kiến vụ xử án công cộng ấy? Liệu nó có về nhà và hỏi cha mẹ nó “Mẹ ơi, bú liếm là làm gì hả mẹ?”
Nhưng có lẽ thương hơn cả là cho số phận người phụ nữ vốn đã bị xem là rẻ rúng từ học thuyết Khổng tử trong quá khứ nay càng trở thành miếng mồi ngon cho những đạo đức giả và phân biệt bất công.
Những cô “người mẫu” trên máy bay ấy họ được thuê để làm điều đó và họ nhận được gì ngoài sự đổ lỗi từ cấp trên, sự lên án của cộng đồng và thậm chí sự cười cợt từ quốc tế nữa.
Còn những người phạm tội bán dâm bị xét xử công khai kia thì sao? Họ có tội nhưng không có nghĩa họ phải sống với nỗi dằn vặt về tội lỗi ấy cả đời. Pháp luật bên cạnh trừng phạt còn có trách nhiệm bảo vệ và tạo điều kiện cho người ta hồi lương và làm lại cuộc đời mới đúng.
Trừng phạt là một chuyện nhưng trừng phạt thế nào cho hiệu quả và văn minh lại là chuyện rất khác. Bên cạnh nêu ra lỗi lầm của phạm nhân liệu có vị quan chức nào từng tự vấn bản thân mình tại sao những tệ nạn ấy lại hoành hành đến vậy? Liệu có phải chăng vì nền giáo dục của chúng ta chưa hiệu quả trong việc dạy mọi người về lòng tự trọng, nhân phẩm và trách nhiệm? Liệu công tác an sinh xã hội chưa hiệu quả khiến cho người dân thất nghiệp phải làm mọi cách để kiếm cơm, kể cả những công việc phạm pháp? Liệu hệ thống pháp luật đang được duy trì có thực công bằng và hiệu quả để mang lại sự tin tưởng nơi người dân hay chưa?
Cũng tương tự như thế về việc hành xử với các cô người mẫu Vietjet, các bạn có bao giờ thắc mắc tại sao thân thể phụ nữ lại ngày càng được dùng như những món hàng ở khắp nơi? Là bởi vì trong tâm trí mỗi người chúng ta, chưa có mấy ai thực sự quý trọng người phụ nữ cả. Đàn ông không quý trọng phụ nữ đã đành, phụ nữ cũng chưa biết quý trọng nhau. Phụ nữ chưa biết quý trọng nhau đã đành, chúng ta còn chưa biết quý trọng chính mình.
Nếu vị tổng giám đốc Vietjet biết quý trọng người phụ nữ khác như cô ấy quý trọng chính mình, có lẽ ngay từ đầu họ đã không lấy hình ảnh sexy ra để quảng bá thương hiệu cho hãng bay.
Nếu các cô người mẫu ấy biết quý trọng bản thân mình, có lẽ ngay từ đầu họ đã lên tiếng phản đối sô diễn ấy.
Nếu các chị phụ nữ kia biết quý trọng bản thân mình, có lẽ ngay từ đầu họ đã không bước vào con đường phạm pháp ấy.
Nếu toàn cánh đàn ông biết quý trọng phụ nữ thì hẳn chẳng người phụ nữ nào trở thành món hàng hay trò mua vui cho thiên hạ như thế này.
Là một người quan tâm đến văn hóa, tôi biết rằng ngôn từ, thái độ, cách hành xử của mỗi người không chỉ là sản phẩm của văn hóa mà còn là chất liệu làm nên văn hóa. Chúng ta đang cùng nhau xây dựng đất nước từ chính những hành động của mình trong mỗi ngày. Không chỉ hành động của những người dân bình thường như tôi, mà còn là hành động của những người hoạt động nghệ thuật, người làm kinh doanh, người điều hành đất nước nữa.
Trách nhiệm tạo ra một đất nước đáng tự hào là của tất cả mọi người, chứ không chỉ của các bạn trẻ trong đội tuyển bóng đá.
Là một người trẻ, tôi khao khát cảm giác được tự hào về đất nước mình, dân tộc mình. Xin đừng ai phá hoại sự tự hào của tôi bằng những hành động thiếu ý thức, thiếu nhân văn và vô trách nhiệm như những bạn cổ động viên chửi bới cầu thủ đội bạn, như hãng Vietjej hay chú công an bên trên.