Chuyện của Phi: Chuyện kết hôn

Sáng nay tôi ngồi uống cappuccino trước cửa shop. Bình thường tôi hay ngồi phía bên trong nhưng sáng nay chợt nghĩ, mình có shop đối diện ngay một hồ nước xinh đẹp để làm gì? Thế là mang cappu ra ngồi trước cửa ngắm đường xá tiện hít hà chút không khí trong lành buổi sáng.
Thế rồi bác ấy đi tới.
Tôi chào bác.
Bác chào lại tôi và câu chào là “Chào con dâu”. Tôi lại phải nhắc nhở bác rằng “Bác đừng gọi con như vậy”. À nếu bạn không nhớ thì để tôi nhắc lại một chút. Bác trai này bán báo và vé số lâu năm. Hồi tôi còn mở quán cafe, tôi hay đặt báo của bác mỗi buổi sáng, để ủng hộ bác thôi chứ thời nay có mấy ai đọc báo giấy trong quán cafe nữa đâu. Tôi cũng hay trò chuyện với bác rất lễ phép và thân thiện. Thế rồi bác quý tôi lúc nào không hay và nhất định muốn tôi làm con dâu của bác. Tôi biết bác không đùa bởi vì lần nào cũng như lần nào, mỗi lần gặp bác luôn hỏi tôi câu “Làm con dâu bác nhé” “Bác đi xem tuổi hai đứa rồi, hợp lắm” “Chịu làm con dâu bác đi.”
Nói thật với các bạn, tôi thấy mệt. Cái sự thân thiện với mọi người của tôi nhiều lần làm tôi thấy mệt. Không phải vì “Con trai bác nó hơi già rồi, ngày xưa nó đẹp trai lắm, nó mới đi tù về, bị tù oan thôi, giờ thì nó đang làm bảo vệ cho công ty kia, nó bị gãy mất hai cái răng cửa…” mà cái việc lần nào gặp bác ấy cũng nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc “làm con dâu bác đi” khiến tôi thấy rất rất rất mệt.
Một lần nọ tôi ngồi uống cafe với bạn trai thì bác đi tới. Tôi nói với bác, “Đây là bạn trai con” bác cười nói “Ừ” xong rồi đi. Vậy mà lần tiếp sau gặp vẫn cái điệp khúc ấy lặp lại “làm con dâu bác đi, hai đứa hợp tuổi lắm”
Tôi không có ý chê cười hay khinh thường gì nhưng nói thật với các bạn, mỗi lần gặp bác ấy là tôi bắt đầu thấy bực mình nhiều hơn. Tôi xấu tính quá đúng không? Nhưng yên tâm là dù bực trong lòng nhưng tôi vẫn chào hỏi với bác ấy bình thường, chỉ mong bác dừng cái điệp khúc “con dâu” là tôi hạnh phúc lắm rồi.

Tôi là đứa ghét bị áp lực, dù cho từ người lạ hay người quen.

Vài ngày trước là sinh nhật mẹ tôi, chúng tôi mua một cái bánh kem về nhà làm cơm cho mẹ. Tôi rất ít về thăm nhà, đợt tết vừa rồi tôi cũng chỉ ở nhà duy nhất một ngày mùng một bởi vì thời gian còn lại tôi muốn được tận hưởng sự một mình. Bạn có thể chê cười nếp sống này, kệ bạn. Nhưng tôi mới là người biết mình muốn gì và cần gì, đồng ý không?
Cuối buổi tiệc sinh nhật, bố tôi trò chuyện cùng một vị khách và ông nói với vị khách “Đấy con gái tôi đấy, nó bị ế rồi. Anh xem có biết ai tốt tốt giới thiệu cho nó với.” Khỏi nói với các bạn tôi bực thế nào. Bực không phải vì chuyện bố xem tôi là ế nhưng bởi vì đây là lần đầu tiên bố can dự và không tin tưởng vào sự lựa chọn của cuộc đời tôi. Ông luôn tôn trọng mọi quyết định của tôi nhưng dù sao ông cũng vẫn là một người bố bình thường như mọi ông bố khác khi luôn lo lắng con gái của mình bị “ế”.

Tôi thầm nghĩ, bao nhiêu cô gái trong xã hội này đã phải kết hôn chỉ vì ba mẹ của cô ấy muốn đẩy cô ra khỏi nhà cho khỏi mang tiếng ế? Bao nhiêu cha mẹ thực sự mong con mình hạnh phúc thay vì chỉ quan tâm đến thể diện của mình sẽ bị mất đi khi trong nhà có đứa con gái ế, nghĩa là họ nuôi dạy con rất dở không ai thèm rước, nghĩa là họ bị mất mặt với mọi người… Những cô gái khác họ sống trong nhà của ba mẹ nên khi cảm nhận được một lực đẩy lớn từ ba mẹ đẩy mình ra khỏi nhà. Họ chấp nhận kết hôn dù thâm tâm họ chẳng muốn. Tôi may mắn hơn. Tôi sống riêng, sống tự lập nên chẳng cần ba mẹ phải đẩy, tôi tự đi. Có điều không đi kết hôn mà đi về nhà riêng của mình sống tiếp.
Tôi nghĩ nếu ba mẹ thực sự quan tâm đến hạnh phúc của con cái thì họ nên tôn trọng quyền quyết định của con cái nữa. Nếu như con họ đang sống độc thân mà hạnh phúc thì tại sao không chứ? Tôi nhìn ra xung quanh các anh chị em họ hàng lẫn những người bạn mà tôi biết. Ai cũng có những nỗi đau khổ riêng sau khi kết hôn. Tuyệt đối không một ai hài lòng, mãn nguyện và hạnh phúc cả. Ai cũng “ước gì, giá như, giá mà”. Vậy tại sao tôi lại phải hi sinh tương lai mình chỉ vì để làm vui lòng cha mẹ? Tại sao tôi có cuộc sống mãn nguyện, hài lòng, hạnh phúc mà ba mẹ vẫn không hài lòng?

Bạn nghĩ, nếu cha mẹ muốn tôi kết hôn mà tôi lại không muốn thế thì tôi ích kỉ hay ba mẹ ích kỉ? Mỗi người có sự ích kỉ riêng cho bản thân mình. Tuân theo ý người khác mà hủy hoại cuộc sống của riêng mình, nó không phải ích kỉ, mà là ngu ngốc. Tôi có thể là một người ích kỉ, nhưng tôi không ngu ngốc. Cũng có thể là cả hai nhưng nếu tôi hạnh phúc với cái ngu của mình thì cũng tốt mà đúng không?

Một lần, tôi nói chuyện với bạn trai: “Em đang có cuộc sống rất tốt, mọi thứ đều tốt đẹp nhưng không hiểu sao thỉnh thoảng em vẫn thấy thật buồn. Có những khoảnh khắc em cảm thấy tại sao mình lại phải sống tiếp, cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả, chẳng có lý do gì để sống cả. Phải chăng đây là lý do mọi người cứ kết hôn và sinh con? Vì khi sinh ra một đứa con, đứa con trở thành lý do sống của họ. Họ cảm thấy họ phải sống vì con cái, đời họ có một ý nghĩa, đó là chăm sóc và nuôi dạy con cái, cho tới khi chúng trưởng thành. Đứa con trở thành mục tiêu, niềm tin và cả cuộc đời của họ nữa. Họ cảm thấy tốt khi đời họ có lý do để sống.”
Bạn trai tôi nói: “Em nói đúng. Có lẽ anh nên đưa cho em một đứa con”. Tôi hét lên “KHÔNGGGGG” và chúng tôi cùng cười òa.

Tôi không muốn dùng con người như phương tiện. Tức là không muốn dùng một đứa con để tìm ra mục đích sống lẫn ý nghĩa cuộc đời. Bạn có cho rằng tôi quá đáng không?

Sẽ dễ có hai luồng suy nghĩ hiểu lầm khi bạn đã đọc tới đây mà tôi cần làm rõ. Một là tôi rất yêu quý và tôn trọng cha mẹ mình, với tát cả trái tim nhưng không phải tất cả khối óc. Tôi yêu họ và sẽ làm mọi thứ có thể để họ hạnh phúc nhưng không vì vậy mà tôi phản bội niềm tin lẫn bản thân mình.
Hai là tôi không muốn kết hôn và có con lúc này, nhưng ai mà biết được tương lai chứ. Bất cứ khoảnh khắc nào tôi cũng có thể thay đổi và khi suy nghĩ của tôi thay đổi, hành động của tôi cũng thay đổi. Nhưng ít nhất lúc này khi tôi còn đang hạnh phúc với sự lựa chọn của mình, chẳng ai lay động được nó cả.

Tôi không thích sự trung thành cho lắm, vì nó thuần ý trí nhiều hơn trái tim, nhưng nếu phải chọn, tôi chọn trung thành với chính bản thân mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *