Ngày này hai năm trước tôi viết một bài trên blog cá nhân có tựa đề “Đàn ông Việt làm ơn đừng trở thành Soái Ca”. Sỡ dĩ tôi viết bài đó vì cảm giác quá mệt mỏi khi phải nghe và đọc quá nhiều từ “Soái ca” ở khắp nơi trên mọi diễn đàn, mọi kênh tin tức. Có thể tôi hơi “quê mùa” và “bảo thủ” nhưng thành thật mà nói, tôi ghét hai từ “soái ca”.
Những ngày này, tôi không còn ghét hai từ ấy nữa vì báo chí đã thôi không dùng và các chị em cũng đã phần nào nguôi cơn sốt “soái ca”. Cứ tưởng được yên ổn ai ngờ “bão chưa đi, dông lại tới” khi một danh từ khác đã kịp xuất hiện và thay thế cho các Soái ca trong quá khứ: các Nam Thần.
Soái ca là gì? Nam thần là gì? Đây có phải từ ngữ Việt Nam không mà tại sao một người viết rất nhiều như tôi lại chẳng thể “ngấm” được?
Bất giác tôi cảm thấy buồn.
Là một người quan tâm và viết nhiều về văn hóa, tôi biết rằng từ ngữ, ngôn từ không chỉ là sản phẩm của văn hóa mà còn là chất liệu làm nên văn hóa. Mỗi quốc gia khác nhau lại có những nhân vật khác nhau thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật làm biểu tượng cho văn hóa đất nước ấy. Khi văn học nghệ thuật một nước du nhập vào nước khác cũng sẽ mang theo những hình ảnh biểu tượng của đất nước họ vào văn hóa nước chủ nhà.
Nhưng điều đáng buồn là nếu như phim ảnh Hàn Quốc với các oppa dịu dàng tinh tế khiến chị em phụ nữ say mê; phim ảnh Âu Mỹ với các siêu anh hùng mạnh mẽ cũng khiến các chị em chao đảo và Trung Quốc với các soái ca, nam thần cũng đi vào đời sống tinh thần chị em phụ nữ Việt theo cùng cách như vậy. Ấy thế mà ngay tại Việt Nam, khi tôi cố gắng tìm kiếm một hình mẫu đàn ông Việt với những đức tính cao đẹp đủ để thu hút được sự quan tâm, yêu quý, ngưỡng mộ của cánh chị em phụ nữ thì lại… vô vọng.
Lục lại trí nhớ về những nhân vật nam giới trong văn học Việt Nam từ những ngày học phổ thông. Phải thừa nhận rằng tôi đã rất xấu hổ khi nhân vật nam mà tôi còn nhớ vì có dấu ấn sâu đậm nhất lại chính là… Chí Phèo. Một kẻ chuyên đi phá hoại, nhậu nhẹt say xỉn tối ngày, vay mượn tiền bạc không thể trả, bạo lực, ghen tuông, hung hăng côn đồ và thậm chí còn là một tên sát nhân máu lạnh nữa. Chưa hết anh ta còn vô cùng nổi tiếng với câu nói mang đầy hàm ý bất lực, yếu đuối, đổ lỗi hoàn cảnh và ngập tràn thù hằn, tức giận “Tao muốn lương thiện. Ai cho tao lương thiện?”
Không chỉ dừng lại ở cảm giác xấu hổ, tôi còn giật mình một chút khi liên tưởng rằng chẳng lẽ vì Chí Phèo là hình tượng dàn ông “nổi tiếng” nhất trong văn học Việt Nam mà ngày nay đàn ông Việt cũng có đôi ba phần tính cách của anh ta? Những tính cách như là gia trưởng, không bao giờ nghe bất cứ ai, luôn tự cho mình là đúng, hung hăng ưa bạo lực, hay nuốt lời, không giữ nổi lời hứa hay đôi khi còn chẳng nhớ mình đã hứa những gì, thích tranh cãi mà đúng hơn là chửi bới, luôn cằn nhằn chê bai mọi thứ, dễ bị hoàn cảnh làm cho tha hóa, thích đổ lỗi cho hoàn cảnh, và quan trọng nhất là cực kì ưa nhậu nhẹt… Có quá lời không nếu tuyên bố rằng bên trong nhiều đàn ông Việt hiện đại đều đang có một vài phần Chí Phèo như vậy? Câu trả lời xin dành cho các chị em, tôi không dám lạm bàn thêm.
Không cam chịu Chí Phèo là hình mẫu đàn ông Việt, tôi cố gắng nhớ lại những nhân vật đàn ông khác trong nền văn học nước nhà. Bạn biết tôi nhớ được những ai không? Một Thạch Sanh thật thà ngốc nghếch bị Lý Thông gian xảo mưu mô lừa lên gạt xuống. Một anh Khoai hiền lành yếu đuối được bụt giúp cưới được vợ sau khi chỉ cho đọc vài câu thần chú khắc nhập khắc xuất hù bố vợ mình sợ chết khiếp. Một Mai An Tiêm chịu thương chịu khó rồi đổi đời nhờ may mắn phát hiện ra vài hạt dưa khô. Một Từ Hải chết đứng vì yêu. Một anh chàng nghèo đói mừng húm vì có vợ sau khi cho cô ta chén bánh đúc lúc cô sắp chết đói trong tác phẩm Vợ Nhặt… Đấy là tất cả những gì tôi còn nhớ, tất nhiên bỏ qua Thánh Gióng ham ăn chóng lớn đi đánh giặc, Trọng Thủy dối lừa người yêu, Lạc Long Quân đẻ ra ngàn đứa con… Là do trí nhớ tôi rất tệ không thể nhớ hơn được nữa hay tại văn học Việt Nam quả thật chẳng có hình mẫu đàn ông nào đáng để nhớ tới và đem ra làm biểu tượng? Bạn đừng xem thường các hình mẫu trong văn học bởi vì như đã nói, văn học là một tấm gương phản chiếu văn hóa và ngược lại, văn hóa cũng chính là nguyên liệu cho văn học và bị định hình rất nhiều bởi văn học. Chính vì không có hình tượng nào về mẫu đàn ông như vậy cho nên cũng không có bất cứ danh từ nào để mô tả một người như thế.
Chẳng lẽ đó là lý do các chị em phụ nữ trong nước lại say mê hình tượng đàn ông ngoại đến vậy? Vì chẳng có hình tượng nào trong nước đáng để họ đem ra làm hình mẫu và biểu tượng? Cũng như chẳng có một danh từ nào để gọi một người đàn ông hoàn hảo như thế trong ngôn ngữ Việt Nam?
Xin đừng hiểu lầm, tôi không chê văn học Việt Nam cũng không có ý chê bai đàn ông Việt, nhưng tất cả những gì tôi muốn là làm sao để đàn ông Việt có thể trở thành hình mẫu và thần tượng cho phụ nữ Việt ngưỡng mộ và trầm trồ. Tôi muốn có một danh từ chung để chỉ hình mẫu đẹp đẽ đàn ông Việt như Trung Quốc có soái ca, nam thần vậy.
Liệu có ai cũng nghĩ như tôi về việc tự tạo cho dân tộc chúng ta một hình tượng, biểu tượng giá trị và xứng đáng, thay vì cứ mãi chạy theo những biểu tượng của các dân tộc khác?
Đàn ông Việt Nam thật đáng thương. Họ không có nổi một hình tượng đủ tốt đẹp để mà phấn đấu, để mà theo đuổi. Họ cứ mãi lạc trong cái mê trận văn hóa ngoại nhập và dần đánh mất hết những phẩm chất của riêng mình. Phụ nữ Việt cũng quá đáng thương, họ ở bên đàn ông Việt nhưng lại phải luôn chiêm ngưỡng những hình mẫu đàn ông Hàn Quốc – Trung Quốc – Âu Mỹ rồi so sánh, rồi thất vọng.
Không một ai, kể cả đàn ông hay phụ nữ Việt nghĩ đến việc xây dựng cho dân tộc mình một hình mẫu người đàn ông, đàn bà đúng mực hay sao? Một hình mẫu vừa giữ được tinh túy văn hóa tốt đẹp của truyền thống nhưng cũng thích nghi với các giá trị hiện đại?
Cho nên, các anh chị em, làm ơn hãy dẹp bỏ mấy hình tượng soái ca nam thần đi. Cũng đừng chờđợi một mẫu đàn ông hoàn hảo sẽ xuất hiện trong văn học hay phim ảnh nữa. Thay vào đó hãy tập trung xây dựng bản thân sao cho đủ tốt để người bên cạnh mình tự hào và hãnh diện. Có khó quá không? Các anh luôn cho rằng bản lĩnh đàn ông là phải khiến bạn bè nể phụ ở trên bàn nhậu, khiến đối thủ nể phục trên thương trường. Rồi các anh đuổi theo những mục tiêu ấy nhưng sau hết khi trở về nhà, các anh lại để cho người phụ nữ bên cạnh mình đi hâm mộ, khâm phục những hình mẫu đàn ông ngoài bên ngoài như vậy mà coi được sao?
Bao nhiêu người đàn ông Việt Nam dám tuyên bố mình đang làm cho người phụ nữ bên cạnh mình nể phục và tự hào? Nếu không làm cho người phụ nữ bên cạnh mình tự hào được thì bạn bè và mọi đối thủ trên thương trường có nể phục các anh bao nhiêu cũng còn ý nghĩa gì?
Tôi tưởng tượng đến cảnh một gia đình có người mẹ đang cố dạy đứa con trai nhỏ của cô về việc khi lớn lên trở thành người như thế nào. Thay vì phải tìm hình ảnh các nam thần, soái ca ở tận đâu đâu làm ví dụ, thay vì ngao ngán những hình ảnh đàn ông trong văn học Việt Nam thì họ có thể dạy con trai của mình rằng “Con hãy noi theo gương của ba của con là đủ. Ba con là người đàn ông tuyệt vời nhất. Hãy như ba.”
Thế chẳng phải là quá đủ sao? Bao nhiêu đàn ông Việt tự hào và muốn con trai trở thành bản sao của chính mình lúc này?