Men and women are both in miserable. Why don’t we respect and understand each other more?
Men should drop their beers. Woman should drop their high heels. Then let’s shake hands and give each other some smiles, cuddles, kisses… But, remember, don’t kiss anyone when their wife/husband is right there. lol The hospital doesn’t need more people!
Nỗi khổ của đàn ông Úc và đàn bà Việt
Thói quen và áp lực mỗi buổi sáng của tôi là chọn một chiếc tách trong bộ sưu tập cả trăm chiếc tách của mình để uống trà hoặc cafe.
Sáng nay tôi chọn chiếc tách màu hồng in hoạ tiết búi hoa phong cách “nữ hoàng” này để uống cafe. Tôi ít dùng chiếc tách này vì nó… nữ tính quá. Tôi cũng không mua nó nhưng nó là món quà của một người bạn mua tặng tôi từ tận nước Úc, trước khi anh ấy về VN du lịch để giản căng thẳng sau vụ ly hôn với cô vợ của mình.
Chắc chẳng mấy ai như tôi, khi được hỏi “em muốn quà gì” thay vì quần áo, giày dép, túi xách hay mỹ phẩm, điện thoại thì tôi lại chỉ muốn một chiếc tách uống trà. Tôi yêu những chiếc tách xinh đẹp ấy lắm.
Lý do anh ấy muốn mua tặng tôi quà là vì tôi đã giúp anh giải phóng suy nghĩ và lấy lại thăng bằng lẫn bình an rất nhiều sau sự kiện anh ấy ly hôn vợ và mất gần như tất cả tài sản.
Khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, tôi vẫn còn nhớ như in thái độ hằn học, tức giận, cay đắng của anh ấy. Anh ấy gọi vợ cũ của mình là “con quỷ cái” vâng tiếng Việt hẳn hoi vì ảnh là người Úc gốc Việt.
Tôi nói anh ấy rằng đừng gọi cô ấy như vậy, kể cả khi cô ấy phản bội anh hết lần này đến lần khác, lại còn lấy đi gần như tất cả tài sản anh làm việc dành dụm cả đời, tệ nhất là việc cô ấy giành quyền nuôi con và không muốn cho anh gặp lại các con nữa. Thật đáng sợ! Tất nhiên câu chuyện tôi nghe chỉ là từ một phía nên không bàn chi tiết sâu hơn. Nhưng có một điều tôi biết mình nên làm gì. Tôi an ủi anh ấy và khuyên anh ấy nhìn về phía trước, thay vì chỉ tức giận những thứ mình không thể kiểm soát nữa. Tôi khuyên anh ấy tận hưởng tự do ở hiện tại sau nhiều chục năm trời chịu đựng cô vợ mình. Đột nhiên anh ấy nhận ra sự thật đó, rằng từ nay mình sẽ có một cuộc sống mới, một cuộc sống tốt đẹp. Không còn những tranh cãi, tức giận sôi máu hay uất ức bất lực nữa mà sẽ là thời gian để sống cho bản thân mình một chút.
Anh ấy quả đã “hơi hết mình” một chút trong chuyến du lịch Việt Nam để sống cho bản thân mình ấy. Cụ thể là tôi đã có mặt ở Sài Gòn khi anh ấy về Việt Nam. Tôi đưa anh ấy đi một vài quán ăn, quán café và trò chuyện rất nhiều về cuộc sống cũ của anh ấy cũng như Việt Nam đã đổi khác thế nào sau bao nhiêu năm. Anh chàng này quý tôi. Mà xời, ai mà không quý tôi chứ vì tôi là người rất thân thiện, nhiệt tình nhưng lại cũng biết lắng nghe và thấu hiểu nữa. Haha thôi kiêu căng đủ rồi, trở lại câu chuyện thôi. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong một buổi vì sau đó tôi có công việc riêng cần hoàn thành. Tôi chúc anh những điều tốt đẹp và rời đi. Tối khuya hôm ấy, tầm 3-4 giờ sáng anh ấy gọi cho tôi và nói rằng cần tôi giúp đỡ. Anh ấy nghĩ mình đã bị “lừa”. Tôi hỏi chuyện gì xảy ra thì anh ta kể lại chuyện tối đó có hẹn một cô gái đi lên một quán bar uống bia, sau khi uống vài ly rượu thì anh ta không nhớ gì nữa. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang ở khách sạn cùng cô gái và tài khoản vừa bị mất một số tiền lớn. Có lẽ cô gái đã dụ anh chi trả cho bữa tiệc trên bar một cách quá tay mà anh không nhận thức được. Giờ thì không có mặt mũi nào để hỏi cô gái, cũng không cam tâm bị lừa nên nhờ tôi trợ giúp. Mà, tôi giúp được gì bây giờ khi lúc đó là tờ mờ sáng và tôi thì lại đang ở rất xa? Sau một hồi trò chuyện tìm cách tôi cũng chẳng nhớ mình đã khuyên những gì, chỉ biết sau hôm ấy anh ta lại tiếp tục mời cô gái ấy cùng đi du lịch một chuyến đến Đà Nẵng với mình. Thật hết nói nổi đàn ông. À nếu bạn muốn biết thì vâng, tất nhiên, anh ấy đã mời tôi cùng tham gia chuyến đi ấy từ trước khi anh ấy về VN, nhưng tôi đã từ chối.
Anh ấy là người Úc đầu tiên tôi gặp, có lẽ vậy, nên cũng không hiểu nhiều. Nhưng sau này khi tôi hẹn hò với một anh chàng người Úc chính thống, có nhiều thời gian hơn để trò chuyện về cuộc sống thì bức màn về một đất nước Úc không được kể trên các kênh truyền thông dần được hé lộ. Rồi sau nữa khi tiếng Anh của tôi tốt hơn, tôi gặp và trò chuyện với nhiều người nước ngoài hơn nữa, thì tôi cũng gặp nhiều người Úc hơn. Ngạc nhiên làm sao phải đến hơn phân nửa đàn ông Úc mà tôi tiếp xúc, kể cả tuổi trẻ hay đã cao (U40-50) đều chưa kết hôn và không hề có ý định kết hôn.
Bạn trai tôi đã kể tôi nghe rất nhiều về một mặt tối của đất nước ấy. Anh ấy kể rằng, ở Úc, bước vào một quán bar sẽ thấy đàn ông và phụ nữ chia làm hai phe, thậm chí không thèm nói chuyện và nhìn mặt nhau. Đàn ông tụm lại bàn chuyện thể thao, thời sự. Phụ nữ tụm lại để… nói xấu đàn ông. Nguyên nhân bởi vì văn hóa và pháp luật Úc rất đề cao và bảo vệ phụ nữ. Chuyện thường thấy ở Úc là một cặp đôi kết hôn, sau một thời gian thì ly dị và sau cuộc ly dị, người phụ nữ có gần như tất cả trong khi người đàn ông gần như không còn bất cứ gì, từ tài sản cho đến con cái. Rất rất nhiều người đàn ông Úc nhận ra kết hôn chỉ là một trò chơi ngu ngốc của hai phe mà phe đàn ông luôn thua. Dần dà họ truyền tai nhau rằng đừng dại dột mà kết hôn. Họ nhìn phụ nữ như nhìn một bầy quỷ dữ tham lam. Còn cách phụ nữ nhìn đàn ông thì bằng… nửa con mắt. Kiểu như phụ nữ là số một, đàn ông là thứ không đáng để bận tâm và hi sinh là một từ ngu ngốc chỉ có trong “cổ tích”. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với phụ nữ Úc nên không thể kiểm chứng điều này nhưng tôi tin một sự thật rằng luật pháp Úc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ rất nhiều. Điều này tôi cũng không biết có tốt không nhưng trong mắt đàn ông Úc, tất nhiên là không tốt.
Tôi được nghe rất nhiều câu chuyện. Ba mẹ của bạn trai tôi ly hôn từ khi anh ấy còn rất nhỏ và từ đó họ không gặp lại nhau. Hiện nay mẹ anh ấy đang bắt đầu cuộc sống nghỉ hưu nhàn rỗi trong một căn hộ hiện đại mới toanh cùng một tài khoản nhiều tiền không cần lo nghĩ. Trong khi ba anh ấy ở thuê trong một căn phòng nhỏ, làm công việc lái xe tải kiếm sống qua ngày. Nhiều người bạn khác của anh ấy sau ly hôn đều không còn lại gì và tiêu biểu nhất là người bạn thân của anh ấy đã phải dành một số tiền lớn cùng 5 năm tranh đấu vô cùng vất vả trên tòa chỉ để xin được quyền gặp và chăm cô con gái một tháng một lần. Lúc này thì tôi tin. Tôi từng dịch bài viết gây bão “kết hôn là sáng tạo ngu ngốc nhất của nhân loại” và bị “chửi” rất nhiều. Nhìn câu chuyện của những người đàn ông Úc bên trên, tôi muốn khẳng định một lần nữa “Ở Úc, kết hôn là ngu ngốc”. Ồ tất nhiên vẫn nhiều người yêu thương nhau và sống cuộc đời hôn nhân hạnh phúc chứ. Đừng hiểu sai ý tôi. Nhưng giờ tôi có lý do để tin vào sự thật tại sao đàn ông Úc ngày càng lười kết hôn và tại sao phụ nữ Úc lại bị gọi là “đồ quỷ cái”.
Tôi luôn cố gắng bảo vệ người phụ nữ. Đó là lý do khi anh chàng bên trên gọi vợ là “đồ quỷ cái” tôi đã phải biện minh rất nhiều cho cô ấy. Rằng có lẽ anh chưa làm tốt bổn phận làm chồng nên cô ấy mới phải đi tìm tình cảm ở nơi khác, có lẽ anh quá bận rộn để trao cho cô ấy một chút quan tâm, có lẽ anh mới là người thay đổi… Vâng tôi đã đặt mình ở phía phụ nữ để biện minh cho cô ấy rất nhiều nhưng không tác dụng. Càng biện minh và bảo vệ càng làm cho người đàn ông đó sôi máu hơn “Anh đưa cả nhà đi du lịch mỗi dịp lễ, anh luôn mua hoa mua quà cho cô ấy, lần gần đây nhất là một chiếc xe xịn hơn cả của anh. Nhưng cô ấy vẫn đi ngoại tình, hết lần này đến lần khác. Từng có lần anh suýt tự tử vì thất vọng và đau đớn…” Vâng, đó là luật pháp Úc, sau khi ly hôn, người chồng không chỉ thường mất tài sản cả đời dành dụm mà còn bị trừ tài khoản hàng tháng một cách tự động để chu cấp cho con cái, chẳng cách nào thoát được dễ dàng như những người đàn ông ở Việt Nam.
Bạn trai tôi cũng thuộc nhóm những người đàn ông không muốn kết hôn, cho dù có cũng không bao giờ là phụ nữ Úc. Vì phụ nữ Úc quá “mạnh”, họ biết mọi quyền lợi và lợi thế của mình nên đàn ông chẳng cách nào “sống sót” được cả. Không chỉ sợ kết hôn (May cho anh ấy là tôi cũng không muốn kết hôn) mà anh ấy còn sợ tôi bị trở thành phụ nữ Úc một ngày nào đấy nữa. Anh ấy nói, “Nếu như ở Úc mà em pha café sáng cho anh thì sẽ có người nói, ‘mày điên hả Phi, để nó tự làm, mày không phải là nô lệ cho nó, đừng làm hư nó như vậy’. Còn nếu như họ thấy em cắt móng tay cho anh như thế này ư? Họ sẽ nhìn em với đôi mắt của người ngoài hành tinh. Họ sẽ nghĩ em là một nô lệ. Họ sẽ làm mọi cách để em xem thường và tránh xa anh. Họ sẽ nói là anh không xứng đáng. Họ sẽ gọi em là đồ điên…”
Thật đáng sợ! Vâng, bạn không biết đâu. Tôi giỏi chăm sóc bản thân mình vì vậy tôi cũng giỏi chăm sóc người khác, nếu đó là người tôi yêu. Tôi muốn pha trà, café cho anh ấy mỗi sáng, nấu cho anh ấy những món ngon, cắt móng tay cho anh mỗi khi quá dài và một trong những việc yêu thích của tôi là… nặn mụn đầu đen cho anh ấy nữa. Tôi làm những việc này với tình yêu thương, không hề ép buộc gì cả. Tất nhiên nếu một người có thể làm cho tôi yêu anh ấy tới mức muốn chăm sóc như vậy thì đó cũng không phải một người đàn ông bình thường. Hẳn anh ấy cũng phải biết cách chăm sóc tôi chu đáo và yêu thương tôi với một tình yêu tương đương. Bạn trai tôi cũng từng muốn kết hôn. Ấy là thời gian đầu khi chúng tôi mới gặp nhau. Tôi cứ như một thiên thần và anh ấy đã nói rằng “lần đầu tiên trong đời anh ấy muốn kết hôn, chỉ với tôi”. Nghe cũng ngọt ngào đúng không? Bởi vì hồi đó tôi còn rất Việt Nam, vả lại chúng tôi gặp nhau khi cùng đang đi du lịch ở Philipines – một nước ngoài. Anh ấy là bậc thầy về du lịch, tôi là tay lơ mơ nên khi có dịp đi cùng nhau tôi để cho anh ấy sắp xếp mọi thứ. Lúc ấy tiếng Anh của tôi cũng chưa tốt nên tôi chỉ nghe chứ không nói nhiều.
Sau này khi anh ấy theo tôi về Việt Nam, tiếng Anh của tôi tốt hơn và cũng vì tôi hiểu về VN nhiều hơn nên dần dà tôi như người “nắm quyền chủ động” mọi thứ. Khi anh ấy nói hay làm gì không vừa ý, thay vì im lặng như trước, tôi sẵn sàng phản đối và tranh cãi đến cùng. Nhiều hôm tôi cũng bận rộn công việc kinh doanh lẫn viết lách nên để anh ấy ở nhà một mình gần như cả ngày mà chẳng bận tâm nhiều lắm việc phải làm cho ấy vui vẻ. Anh ấy ra shop và nói ở nhà chán quá, tôi sẽ đứng dậy ôm anh một cái và nói “Anh đi gym đi” rồi trở lại với công việc viết lách dang dở mà chẳng bận tâm anh ấy đang buồn thế nào. Vâng, tôi trở lại là tôi của trước đây: mạnh mẽ, hiên ngang và tự lập. Phần nào giống như tính cách của phụ nữ Úc, điều này làm anh ấy… sợ. Đặc biệt tôi nhiễm cách nói chuyện “rất Úc” của anh khi dùng những từ ngữ “mạnh” để tranh cãi. Một vài lần chúng tôi kết thúc một cuộc tranh cãi bằng câu “Fuck u!” cho cả hai bên. Trong khi hồi chúng tôi còn ở Phil, chỉ cần anh ấy nói câu “fuck” khi bực tức chuyện gì đó hay không vừa ý chuyện gì đó cũng đủ làm tôi nhăn mặt vì “khó nghe”. Vâng, tôi bị nhiễm tính cách “Úc” của anh ấy và nói thật, tôi không thích chút nào.
Cũng dễ hiểu tại sao phụ nữ Úc lại trở nên như thế. Tôi là người Việt Nam vốn có một tâm hồn nhạy cảm và mềm mỏng, chỉ tiếp xúc với anh trong vài tháng đã trở nên như thế, huống hồ gì phụ nữ bên ấy được sống trong một môi trường tự do, tự lập, mạnh mẽ thì còn “hung dữ” đến cỡ nào.
Cũng sáng nay khi đang ngồi trong vườn uống café, ngắm những bông hoa hồng nở rộ, nghĩ về anh chàng người Úc tặng cho tôi chiếc tách thì phía bên kia đường, căn nhà đầu hẻm lại đang xảy ra tranh cãi về chuyện ngoại tình của ông chồng nhà ấy. Vẫn là tiếng của bà mẹ chồng đang la mắng con dâu vì sự chịu đựng vô giới hạn của cô ta khi biết thừa chồng mình ngoại tình, thậm chí một cách công khai. Tôi không hiểu rõ sự tình nhà ấy, và cũng không muốn hiểu rõ hơn. Nhưng không cần hiểu rõ sự tình cũng có thể nhận ra một văn hóa vô cùng khác biệt của phụ nữ Việt Nam, so với những người phụ nữ Úc.
Phụ nữ Việt Nam sao mà cam chịu và nhẫn nhục đến thế? Bình thường các bà mẹ hay bao che con trai, riêng nhà này bà mẹ chồng lại bênh con dâu, ấy có lẽ đã là một điều tiến bộ so với nhiều nhà khác rồi. Tôi suy nghĩ truy tìm nguyên do vì đâu phụ nữ Việt Nam lại nhẫn nhục chịu đựng, thay vì mạnh mẽ phản kháng và giành quyền lợi của mình như những người phụ nữ Úc bên trên, thì tôi thấy có các nguyên do:
Văn hóa Khổng giáo – Nho giáo sau bao thế hệ đã khắc sâu vào tâm khảm người phụ nữ một tư duy nô lệ: Còn nhỏ thì phụ thuộc vào cha, lấy chồng thì phụ thuộc vào chồng, chồng chết thì phải phụ thuộc vào con cái. Cả cuộc đời người phụ nữ “chính chuyên” là phải lệ thuộc vào người khác, không một khoảnh khắc được tự do nghĩ cho bản thân mình, sống cho bản thân mình, sống theo cách riêng của mình.
Đàn ông của phong kiến xem phụ nữ như vật sở hữu, như một món đồ, một nô lệ thay vì một người quan trọng hoặc đáng giá. Nam giới có đủ mọi quyền hành trên phụ nữ, từ quyền năm thê bảy thiếp cho tới quyền đánh giá phụ nữ qua công dung ngôn hạnh và cái màng trinh be bé. Phụ nữ có quyền gì? Chẳng gì cả ngoài phục tùng và vâng mệnh đàn ông.
Đấy là trong quá khứ nhưng hiện tại cũng chẳng thấy khá khẩm gì hơn. Phụ nữ vẫn bị xem thường, đôi khi từ người cha (chỉ muốn gả con gái đi cho nhanh), người chồng và từ chính những người phụ nữ khác nữa. Không phải ngẫu nhiên mà phụ nữ Việt Nam được tung hô với những đức tính như giỏi hi sinh, chịu thương chịu khó, nhẫn nhục, kiên nhẫn… Đó là cái mánh của văn hóa và truyền thống. Họ treo trước mũi người phụ nữ những lời khen tặng và vì những lời khen tặng đó, phụ nữ sẵn sàng tiếp tục hi sinh chịu đựng. Hệt như cách người ta treo củ cà rốt trước mặt con lừa khi muốn nó chở hàng đi xa vậy.
Những đức tính hi sinh, nhẫn nhịn dần dà trở thành một nét văn hóa và người ta tự hào về nó. Chính vì vậy mới có chuyện phụ nữ Việt Nam thay vì khuyên nhau “mạnh mẽ lên, chống trả đi” thì sẽ chỉ khuyên nhau “mạnh mẽ lên, chịu đựng một mình đi”. Bao nhiêu thế hệ chịu đựng và chịu đựng, tất nhiên sức chịu đựng cũng được nâng cao vô kể. Cao đến nỗi khi chồng họ ngoại tình, thay vì rời bỏ thì người phụ nữ sẽ sống chung với nó, để bảo vệ bản thân mình và bảo vệ danh tiếng của mình – trên danh nghĩa bảo vệ gia đình.
Thêm một lý do tại sao phụ nữ thà chịu đựng, là vì pháp luật và truyền thống văn hóa không hề bảo vệ họ chút nào. Phụ nữ sau một thời gian, nhất là những người phụ thuộc vào tài chính từ người chồng sẽ trở nên sợ hãi. Họ sợ họ không kiếm đủ tiền để tự sinh sống nuôi mình và nuôi con khi hiện tại người chồng là người nắm giữ kinh tế. Họ sợ mất mặt với bạn bè và xã hội. Họ sợ sẽ không còn tương lai nào cho phụ nữ từng kết hôn. Sẽ không ai yêu thương họ nữa. Tất cả những nỗi sợ này đều chỉ bởi vì họ đã quá yếu đuối và phụ thuộc trong toàn bộ đời sống của mình.
Nếu một người phụ nữ đủ mạnh mẽ, trưởng thành, tự lập và can đảm thì những nỗi sợ bên trên sẽ không còn nữa. Họ sẽ quyết tâm ra đi tìm cho mình một tương lai khác, cho con cái một môi trường sống khác và kể cả cho người chồng một cơ hội để sống khác đi nữa.
Tôi không nói việc chịu đựng ấy là đúng hay sai, tốt hay xấu bởi vì tôi không phải người trong cuộc và cũng không phải quyền của tôi để mà phán xét. Nhưng một điều dễ dàng nhận thấy rằng bên cạnh những người phụ nữ nhịn nhục thì con số những người phụ nữ không nhịn nữa ngày càng tăng lên. Càng ngày tôi càng gặp nhiều người phụ nữ đã ly hôn, tiêu biểu như hai người hàng xóm nhà tôi vậy. Phụ nữ mạnh mẽ hơn, tự lập hơn thì sẽ dễ ly hôn hơn. Điều này dẫn đến việc tôi không biết mình nên vui hay nên buồn khi đọc vài thông tin nói rằng tỷ lệ gia đình ly dị tại Việt Nam ngày càng cao. Vâng, chẳng biết nên vui hay nên buồn. Có lẽ nên vui nhiều hơn vì phụ nữ sau cùng đã thoát khỏi tư duy nô lệ cho đàn ông và tư duy cho rằng “hi sinh nhịn nhục” là điều đáng kính trọng. Chẳng có do gì cho việc hủy hoại cuộc sống của mình và người khác lại là đáng kính trọng cả. Lại thêm một củ cà rốt mà thôi.
Một trong những độc giả “tuyệt” nhất của tôi là một chị, có thể coi là phụ nữ thành đạt. Chị làm giám đốc cho một tập đoàn kinh doanh thiết bị đồ dùng xây dựng của nước ngoài. Chị quý tôi vì chúng tôi cùng là mẫu phụ nữ độc lập tự chủ. Mỗi khi tôi xuống Sài Gòn chị mà biết thì nhất định sẽ rủ tôi đi ăn trưa hoặc tối và lần nào cũng trả tiền cho những bữa ăn ngon lành sang trọng ấy. Tôi thích gặp chị lắm, tất nhiên haha. Chị ly hôn đã lâu hiện đang nuôi hai con nhỏ. Thông qua chị mà tôi biết đến hội bạn thân của chị ấy, cũng toàn phụ nữ thành đạt đã ly hôn và đang nuôi con một mình. Hội các chị này thường xuyên tụ họp ăn uống, vui chơi, đi du lịch và chia sẻ nhau chuyện hẹn hò lẫn chuyện kinh doanh nữa.
Tôi thầm nghĩ không biết họ có giống như những nhóm phụ nữ Úc cũng tụ họp như thế để nói xấu đàn ông không nhĩ? Chắc cũng có, nếu như họ vừa gặp những gã đàn ông… xấu tính thật. Phụ nữ mà, tám chuyện ỉ ôi là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Cũng như đàn ông vậy, bia và thể thao cũng không thiếu được.
Thế giới này, tôi mong muốn đàn ông và phụ nữ yêu thương nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn thì sẽ tuyệt biết mấy.
Vì đàn ông hay phụ nữ, ai cũng có những nỗi khổ riêng, suy tư thầm kín và áp lực riêng phải gánh vác. Chẳng phe nào sung sướng hơn phe nào cả đâu. Nên thay vì cả hai bên cứ đặt mình qua hai đầu chiến tuyến và xem nhau như kẻ thù, xem mình như nạn nhân, thì hãy bỏ vũ khí xuống: đàn ông bỏ chai bia xuống, phụ nữ buông đôi giày cao gót trong tay xuống mà lại gần nhau, nắm tay nhau, ôm lấy nhau, không phải tốt hơn sao?
Nhưng nhớ, đừng ôm hay nắm tay một người khi mà anh ta/cô ta đang có vợ/chồng ở tay phía bên kia, là được!