Bí mật nguồn gốc các tôn giáo: nó bán cho bạn niềm tin

Cuộc sống là điều bí ẩn. Bạn càng hiểu nó, nó càng trở nên bí ẩn. Bạn càng biết nhiều, bạn càng cảm thấy rằng bạn chẳng biết gì. Khi nhận thức càng sâu, mọi thứ càng mờ mịt đến độ bạn không thể nói được gì về nó. Do đó mới có sự im lặng, sự nín thở và đôi khi là sự mất hút hoàn toàn của những người nhận biết trước vẻ đẹp kì diệu của cuộc sống.

Nhưng có một vấn đề với sự bí ẩn đó là bao giờ cũng có khả năng cho những lừa gạt, dối lừa. Trong thế giới khoa học, điều đó là không thể. Vì mọi thứ thuộc khoa học đều rất thận trọng, khách quan, logic, hợp lý với đủ thể loại bằng chứng cụ thể cho mỗi tuyên bố. Nhưng trong thế giới thần học, tức tôn giáo thì ngược lại. Tôn giáo là bí ẩn, là thứ thuộc chủ quan, không logic chút nào, không hợp lý chút nào mà cũng chả có phương cách nào để thẩm tra kiểm định thông tin cả. Bởi vì nó nghiên cứu về những thứ bên trong, những thứ không thể nhìn thấy được. Đó là lý do chỉ có một khoa học mà thôi nhưng có tới gần 3000 tôn giáo khác nhau trên thế giới mà bạn không thể chứng minh tôn giáo nào là thực, tôn giáo nào là giả. Mọi thứ cứ mơ hồ, mông lung.

Bạn không thể tìm được kinh doanh nào trên thế giới tốt hơn tôn giáo. Bạn có thể hứa hẹn rất nhiều về sản phẩm, dịch vụ mà chẳng cần phải chuyển giao hàng hoá chút nào cả, vì hàng hoá là vô hình.

Khi mọi thứ là vô hình, bạn có thể cứ bán, cứ hứa hẹn mà chẳng ai bắt bẻ hay hoài nghi được. Hàng hoá là vô hình nên không ai đã từng phát hiện ra chúng là thật hay giả, tốt hay xấu, lợi hay hại. Có nhiều người bị lừa và nhiều người đang lừa. Chuyện này tinh vi đến mức không cái gì có thể được nói để ủng hộ hay chống đối.

Tôn giáo bao giờ cũng nguy hiểm bởi vì nó là mảnh đất bí ẩn, bất hợp lý. Bất cứ cái gì xảy ra, không cách nào biết được, không cách nào phán xét được. Mặt khác bao giờ cũng có những người với tâm trí cả tin. Họ luôn sẵn sàng tin vào cái gì đó, bởi họ cần chỗ đứng nào đó. Nếu không có niềm tin, họ cảm thấy bị lung lay, như thuyền không được bắt neo, như cây không được bắt rễ. Những người như vậy họ cần đâu đó để đi, cái gì đó để tin và thế rồi họ cảm thấy mình được bắt rễ vào cuộc sống.

Niềm tin là nhu cầu sâu sắc của con người. Tại sao? Bởi vì không có niềm tin bạn sẽ cảm thấy cuộc sống như một mớ hỗn độn. Không niềm tin bạn không biết tại sao bạn tồn tại, không ý nghĩa trong cuộc sống. Không có niềm tin thì mọi câu hỏi đều không có câu trả lời: mình là ai, tại sao mình ở đây, mình tới từ đâu, mình cần đi đâu? Không có niềm tin người ta cảm thấy cuộc sống không có nghĩa gì, bản thân họ không có nghĩa gì. Đó là lý do tại sao tôn giáo tồn tại – để cung cấp niềm tin – vì mọi người cần chúng như cơ thể cần thức ăn vậy.
Bạn không thể sống mà không có niềm tin. Niềm tin cho bạn sự nâng đỡ để sống. Nó cho bạn ý nghĩa nào đó, dù cho ý nghĩa ấy có giả thế nào, bạn vẫn cần chúng. Như đứa trẻ rời vú mẹ sẽ cần một cái núm vú giả để ngậm trong miệng. Kể cả khi cái núm ấy không mang lại chút sữa nào, đứa trẻ vẫn muốn chúng. Nó cho bạn một kế hoạch tổng thể cho cuộc sống, cách đi, nơi đi. Niềm tin cho bạn một món hàng, biến bạn thành một phần của đám đông. Thế thì bạn không cần nghĩ về món hàng riêng của bạn, thế thì bạn không còn trách nhiệm cho hiện hữu riêng của bạn. Thế thì bây giờ bạn có thể đổ lỗi cho đám đông.

Một cá nhân Hindu giáo hay Hồi giáo không bao giờ xấu như một đám đông Hindu giáo hay đám đông Hồi giáo. Tại sao? Vì trong đám đông không ai cảm thấy có trách nhiệm. Là cá nhân, bạn phải cảm thấy có trách nhiệm với hành động bạn làm nhưng trong đám đông, thật dễ dàng để trốn tránh trách nhiệm và ẩn mình sau nó. Mọi tội lỗi lớn của nhân loại đều xảy ra thông qua đám đông, không do một cá nhân nào.

Người sống tách rời khỏi đám đông hay người không tuân theo một niềm tin tôn giáo nào là người rất, rất dũng cảm. Họ sống trong sự bí ẩn của cuộc sống mà vẫn tin cậy và biết ơn và trân trọng mọi điều trong cuộc sống. Tự họ học cách đi mà không cần ai chỉ đường cả. Họ hiểu biết rằng họ chỉ là một bộ phận, một nốt trong bản giao hưởng vĩ đại, một cơn sóng nhỏ trong đại dương. Họ hoà mình vào đại dương cuộc sống, họ không chống lại nó. Họ tận hưởng nhưng không quá đà. Họ thấu hiểu nhưng không phô trương. Họ tách rời nhưng vẫn hoà nhập.

Mọi người được sinh ra với những niềm tin. Nhiệm vụ của bạn là biến niềm tin ấy thành sự tin cậy. Chúng khác nhau hoàn toàn. Sự tin cậy không cần điều kiện. Nó là thứ bên trong bạn khởi ra chứ không phải thứ được dạy từ bên ngoài. Với sự tin cậy, bạn trở nên can đảm, yêu thương, tận hưởng, vui vẻ, chẳng hề lo lắng bận tâm đến bất cứ gì. Như một đứa trẻ chơi ở nhà trong vòng tay mẹ thật dễ chịu. Nó tin mẹ luôn ở đó sẵn sàng cho nó mọi thứ nó cần. Khi đứa trẻ đến nhà trẻ, sự tin cậy không còn nữa, nó được dạy những niềm tin bởi những người lạ tên là thầy cô giáo. Những người này dạy nó đủ loại niềm tin. Nó có thể giả vờ tin nhưng bên trong nó rất sợ hãi, lo lắng và bắt đầu đánh mất dần sự ngây thơ vui vẻ mà nó từng có. Con người dù già tới đâu vẫn luôn có những đứa trẻ bên trong mình. Khi nào đứa trẻ bên trong ấy lớn dần lên, sự ngây thơ, tin cậy và vui vẻ quay trở lại một lần nữa. Nó được coi như đã phục sinh thành con người mới. Giáng sinh – phục sinh của Công giáo nói rất nhiều về sự biến đổi này: hãy trở lại thành đứa trẻ và bạn sẽ được vào nước thiên đàng.

Thiên đàng là nơi dành cho những người ngây thơ, tin cậy, vui vẻ, đơn giản như những đứa trẻ.
Hãy làm sống lại đứa trẻ ấy bên trong bạn.

Trích sách “Cỏ tự nó mọc lên” – Osho

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *