Sống tử tế 2 – những câu chuyện nhỏ mỗi ngày

Để làm rõ hơn quan điểm “lối sống tử tế được xây dựng bởi những hành động tử tế nhỏ bé”, xin kể vài câu chuyện mà tôi là người trong cuộc trong những ngày gần đây:

Lần nọ khi đang ngồi một mình nhâm nhi tách café buổi sáng, một anh chàng đang ngồi bên cạnh bỗng quay qua hỏi tôi “Xin lỗi, mình hút thuốc bạn có phiền không?”
“Có” – tôi trả lời và gật đầu
“ừ vậy thôi mình không hút nữa”
Để thưởng cho cái hành động rất lịch sự ấy, tôi gợi ý: “Đây là không gian công cộng mà, nếu rất muốn bạn có thể hút, mình chịu đựng được”
“Ồ không, mình không hút nữa, mình tôn trọng không gian chung mà”
Tôi mỉm cười, anh chàng mỉm cười và chúng tôi quay trở lại ly café của mỗi người.
Đấy, tử tế chỉ là chuyện nhỏ xíu như vậy thôi, là khi bạn quan tâm và tôn trọng không gian chung của mọi người, ý thức được việc làm của mình có thể phiền đến người khác nên mình hành động thận trọng hơn một chút, khiêm tốn hơn một chút. Ấy chính là lịch sự. Trong khi tôi nghĩ: đây là không gian công cộng, bạn có thể làm điều bạn muốn thì anh chàng lại giải nghĩa rằng: đây là không gian chung, tôi không thể làm mọi điều tôi muốn. Suy nghĩ kiểu gì sẽ hành động thế ấy. Bạn có suy nghĩ tôn trọng mọi người thì bạn sẽ hành động tôn trọng mọi người và bạn cũng sẽ được mọi người tôn trọng. Điều này thật dễ hiểu.

Cũng quán café ấy một lần khác tôi ngồi trong quán, thay vì ngoài hiên như lần trước và lần này đã ngộp thở bởi hai thanh niên trông rất bảnh bao somi quần tây đóng thùng kiểu dân văn phòng nhưng lại hút thuốc không ngơi nghỉ. Hai anh chàng ấy ngồi trước quạt máy và đốt thuốc nhưng không phải để hút, cứ như chỉ để hun khói mọi người cho vui vậy. Người nọ thay phiên người kia đốt thuốc rồi cầm trên tay cho tới khi tàn lại châm điếu khác bất kể mọi ánh mắt bực dọc xung quanh. Tôi không thể chịu đựng nổi và cũng không muốn làm phiền thú vui của họ nên chủ động chuyển ra ngoài hiên ngồi. Dù nóng nhưng ít nhất cũng không phải chịu đựng sự vô ý thức của người khác.
Hẳn bạn đã nghe về việc hút thuốc thụ động. Ai cũng biết hút thuốc là độc hại. Bạn có quyền đầu độc cơ thể của bạn nhưng không có nghĩa bạn có quyền đầu độc mọi người xung quanh chỉ vì một chút vô ý thức. Việt Nam mình vẫn còn dễ tính lắm trong các yêu cầu về bảo vệ không gian công cộng, chính vì thế mà mức độ ô nhiễm không khí càng càng tăng cao.

Bên cạnh chuyện khói thuốc thì người nước ngoài, đặc biệt người Phương Tây được giáo dục kĩ về các mối nguy gây hại cho sức khỏe, bên cạnh những thứ như vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc tránh xa những người bị ốm bệnh là điều họ rất bận tâm. Chỉ một cái ách xì hay một cái ho, họ cũng bụm tay che lại và nói xin lỗi. Cho nên khi đến Việt Nam, nhìn cảnh mọi người ho loạn xị ngầu vào những người xung quanh, họ thấy kinh khiếp lắm. Mà cũng lạ, giáo dục của ta dạy rất nhiều kiến thức toán lý hóa sinh sử địa, vậy mà những cái điều đơn giản trong đời sống như xin lỗi khi làm phiền người khác, xin phép trước khi quyết định làm gì ảnh hưởng tới không gian chung hay chuyện khi ho hoặc ách xì thì lấy tay che lại hoặc ho vào khăn giấy rồi vứt đi, không khạc trước mặt người khác mà sao chẳng thấy mấy ai quan tâm mấy.

Mới hôm qua khi tôi đang thưởng thức bữa trưa của mình trong một nhà hàng xinh đẹp được trang trí một cách rất nghệ thuật với những chậu cây treo lơ lửng trên trần, chùm đèn trần cũng được biến tấu một cách đẹp mắt bằng những món đồ Việt Nam dân dã như cái thúng tre, rổ tre. Khách trong quán toàn người trông thật sang chảnh lịch sự. Trên bàn tôi khi ấy là món phi lê cá basa phủ bột chiên giòn ăn kèm cơm và đồ chua ngon lành. Vậy mà tôi đã không thể nào thưởng thức bữa ăn đó chỉ vì một bạn trẻ ngồi bàn kế bên cạnh, cậu ấy liên tục ho và khạc những âm thanh gớm ghiếc ngay giữa một nhà hàng, ngay sát cạnh dĩa cơm của tôi. Tôi là người hay thông cảm với người khác nhưng trong chuyện này tôi lại chẳng thông cảm được.
Cho nên nếu cổ họng bạn có vấn đề, mà suy cho cùng cổ họng ai chẳng có lúc có vấn đề, hãy ý thức hơn trong việc ho hay khạc nhổ nơi công cộng. Nó không chỉ là vấn đề vệ sinh, nó là vấn đề của ý thức. Sống tử tế không chỉ bao gồm giữ vệ sinh cho bản thân mình mà còn bao gồm cả ý thức giữ vệ sinh cho những người xung quanh nữa. Hãy lấy tay hoặn khăn giấy che miệng khi bạn muốn ho và đi ra khỏi không gian chung khi bạn muốn khạc nhổ. Khó lắm sao?

Tôi hay uống một tách latte nóng mỗi buổi sáng trong lúc tranh thủ đọc sách hoặc viết lách. Tôi chọn quán P. ngay gần nhà bởi vì café ở đây rất ngon, giá tốt nhưng điểm trừ là không gian nhỏ chật và khá ồn ào do dân văn phòng hay tụ tập buôn chuyện trước khi vào giờ làm. Tôi sống chung với sự ồn ào ấy một thời gian và cũng làm quen dần với nó bởi vì không thể yêu cầu người khác im lặng khi uống café được. Nếu tôi làm vậy, tôi mới là người bất lịch sự chứ còn đi nói ai. Để giải quyết tình hình tôi mang theo mình chiếc tai nghe và trong lúc uống café đọc sách tôi thường mở bản nhạc yêu thích của mình để át đi mọi ồn ào xung quanh và tập trung tốt hơn. Cho đến ngày nọ:
Đang ngồi cafe ngon lành thì hai người đàn ông trông như khách du lịch bước vào ngồi cạnh. Khi ấy tôi đang đeo tai nghe bật nhạc hết cỡ mà vẫn không át đi được tiếng hai lão ấy nói chuyện với nhau. Tôi gỡ tai nghe ra thì một tràng những âm thanh léo nhéo đập vào tai, đúng như tôi dự đoán: hai ông ấy là người Trung Quốc. Độ ồn ào của hai người Trung Quốc này lớn đến nỗi át cả tiếng ồn của cả quán đầy người Việt đang nói chuyện với nhau. Nói ra điều này tự thấy bản thân không khách quan và có nhiều thành kiến nhưng quả thật không hiểu sao tôi rất không ưa khi gặp những người Trung Quốc ở những nơi công cộng. Mà có lẽ không chỉ mỗi tôi vì câu chuyện về cách hành xử lỗ mãng của người Trung Quốc vốn đã vô cùng nổi tiếng trên toàn thế giới. Họ ăn nói rất to, rất ồn ào từ già tới trẻ từ đàn ông đến đàn bà, ngay cả con nít nữa. Bất cứ khi nào tôi ở một nơi công cộng mà nghe một đám âm thanh ồn ào là y như rằng đó là người Trung Quốc. Xin bạn tha lỗi cho tôi vì thành kiến rất xấu xí và thiếu khách quan này.
Tôi luôn là kiểu người khi thấy bực cái gì, trước khi bực tiếp thì thường phải cố tìm lý do để biện hộ cho những người gây ra cái bực ấy, để xem có thông cảm được không. Thế là hôm ấy tôi đã dành nhiều thời gian truy tìm nguyên do tại sao người Trung Quốc nói chung lại ồn ào thế.

Sau đây là những điều tạm rút ra, vẫn theo cái nhìn chủ quan và thiếu hiểu biết của riêng tôi nên xin bạn đừng lạm bàn luận quá sâu chuyện đúng sai ở đây vì nó là việc không cần thiết lắm. Cái cần thiết là ta nhìn vào họ để rút ra bài học cho chính mình. Những lý do sau đây bạn chỉ cần đọc tham khảo cho vui thôi. Nếu thấy đúng thì tốt, nếu thấy sai thì cũng tốt luôn vì ít nhất chúng ta cũng có thêm được nhiều góc nhìn mới.
Tại sao người Trung Quốc hay ồn ào, thích ăn to nói lớn?
– Văn hóa Khổng giáo phong kiến cho rằng chỉ có những người như Vua quan mới được ăn to nói lớn, con dân mà ăn to nói lớn loạng quạng bị chém đầu như chơi. Dần dà nó sinh ra một thói quen khiến ai cũng phải kiềm chế mà ngậm miệng lại hoặc có nói thì phải nhỏ nhẹ dạ thưa các kiểu, nói chung rất ấm ức trong lòng. Văn hóa hiện đại xóa nhòa quyền lực vua quan dẫn đến những người dân thường cũng được quyền ăn to nói lớn bao nhiêu tùy ý. Bởi vì sự kìm nén lâu năm nên người người bắt đầu thi nhau nói to hơn, ý rằng tôi không phải con dân thấp hèn nữa đâu nhé. Việc nói to cho họ một chút cảm giác của người làm quan, người quan trọng. Một người, hai người, một trăm người cứ thế thi nhau nói to hơn khiến cho những người xung quanh muốn nói chuyện bình thường cũng không được nữa, buộc họ cũng phải nói to hơn thì mới giao tiếp được với nhau thế rồi sinh ra cả một xã hội thi nhau nói to nói lớn, ồn ào náo nhiệt không chỉ trong nhà mà còn ngoài đường, không chỉ trong nước họ mà ở nước ngoài nữa.
– Chúng ta đều biết các loài động vật trước thi giao đấu với nhau sẽ so tài sức mạnh qua… tiếng gầm. Con nào có tiếng gầm to thì thể hiện là nội lực khỏe mạnh và dễ đàn áp các con khác. Con người chẳng là gì khác ngoài động vật bậc cao, cũng cho rằng ai to miệng hơn thì uy lực hơn, dũng mãnh hơn. Người Trung Quốc không chỉ không ngoại lệ mà còn là ví dụ điển hình. Truyền thống ngàn năm luôn tự cho mình là Thiên tử, được sinh ra để cai quản thiên hạ, để làm con đầu đàn cho nên bản tính hung hăng thích phô diễn sức mạnh càng trở nên phổ biến. Đi đâu cũng cố nói cho to để thể hiện rằng người Trung Quốc mạnh mẽ, uy quyền, không sợ ai, không cần coi ai ra cóc khô gì.
– Những điều trên tôi rút ra khi đọc những cuốn sách của các học giả lớn bàn về Trung Quốc. Một trong số đó là cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” rất nổi tiếng của Lỗ Tương. Theo ông thì “người Trung Quốc nói to vì cứ nghĩ nói to đồng nghĩa với lý lẽ của mình mạnh. Càng nói to thì càng chứng tỏ mình đúng” Điều này không khó hiểu, cứ nhìn vào hai người đang cãi nhau thì thấy, người càng to miệng càng dễ tin mình đúng. Trong khi “to miệng và lý lẽ” thật ra là hai thứ chẳng ăn nhập gì với nhau cả.
Nói chung người Trung Quốc to miệng và tự hào vì sự to miệng của mình. Đi đâu cũng gây ồn ào náo nhiệt khiến mọi người tránh xa. Thấy người ta tránh xa thì lại càng tưởng người ta sợ mình và rồi càng khoái chí. Hóa ra chẳng ai sợ cả, người ta chỉ ngán ngẩm thôi. Tất nhiên không phải mọi người Trung Quốc đều như vậy nhưng rõ ràng vẫn khá nhiều cũng như chẳng phải mọi người Tây Âu đều lịch sự nhỏ nhẹ tử tế đâu. Càng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài tôi càng tin vào câu nói rằng: Văn minh không tạo nên bạn nhưng bạn chính là người tạo nên văn minh.
Việt Nam chúng ta chưa bao giờ được xếp hạng cao ở khía cạnh văn minh văn hóa nhưng tôi đã gặp nhiều người Việt mà sự văn minh và lối sống tử tế của họ ăn đứt rất nhiều người đến từ các quốc gia được cho là văn minh. Ví dụ cụ thể sẽ được kể sau. Lúc này xin quay trở lại chuyện ồn ào của người Trung Quốc và chuyện đất nước chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào đó như thế nào.

Việt Nam sống cạnh bên một tên khổng lồ với cái họng khổng lồ như Trung Quốc, lại còn bị họ đô hộ cả ngàn năm, bị áp đặt văn hóa của họ trong cả ngàn năm nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng mà.
Thực tế tôi đọc được rất nhiều quan điểm cho rằng trên đất nước Việt Nam chúng ta, người phía Bắc thì thích “ăn to nói lớn” hơn người miền Nam. Trừ chuyện ở đâu cũng có người này người kia thì quan điểm này được khá nhiều người đồng tình. Làm sao để lý giải hiện tượng này? Tôi lại lần nữa tin vào câu nói của ông cha “Gần mực thì đen” Mực tàu thì khỏi nói luôn vừa đen vừa mạnh nữa. Người Bắc sống gần Trung Quốc hơn người Nam nên có lẽ sự ảnh hưởng cũng có phần mạnh hơn.
Ngoài ra còn một điều khác lý giải tại sao người Bắc ăn to nói lớn hơn. Vì ngoài ấy là đất kinh kì, kinh đô, mười người dân thì nói vui rằng có tới bốn người là quan, sáu người còn lại là họ hàng bà con của quan, đâm ra cũng hưởng xái khí chất con cháu của quan. Quan thì bạn biết rồi, ăn to nói lớn là tất nhiên.
Đất Nam kì chả có kinh đô kinh kì gì sất, đâm ra dân nhiều hơn quan, 10 dân may ra 1 quan. Mà dân với dân thì nói chuyện với nhau nhẹ nhàng thôi, không cần quát tháo ra lệnh hay ăn to nói lớn với nhau làm gì cả cho nên cách giao tiếp cũng có phần nhỏ nhẹ hơn. Sau này bị ảnh hưởng của tinh thần dân chủ, quan mà nói tớ lớ mớ là bị dân nó chửi nó kiện cho bỏ xừ, đâm ra quan cũng biết điều, biết ngậm miệng hơn.
Tôi là người có gốc bắc nhưng cành lá thì lớn lên trong nam nên tự nhận mình có cái nhìn toàn cảnh và cảm thông hơn một chút khi được sống trong cả hai môi trường. Những điều trên là tôi tự tìm cách để lý giải và tôi tin vào chúng nhưng không yêu cầu ai tin theo cả. Chúng ta ở đây không phải để thuyết phục người khác tin theo mình hay để cãi nhau tranh luận đúng sai. Chúng ta ở đây để cùng nhìn lại bản thân, nếu mình thấy mình là người ồn ào náo nhiệt ăn to nói lớn thì từ hôm nay hãy quyết tâm tém tém cái miệng lại một chút, nhỏ nhẹ lại một chút, bớt ồn ào náo nhiệt đi là đã giúp phát triển nền văn minh cho đất nước cũng như giữ gìn hòa bình cho nhân loại lắm rồi.

Sau những sự việc bên trên tại quán café P, tôi ngán ngẩm quyết định dời sang một địa điểm khác để thưởng thức ly café sáng – quán H. Quán này thì không gian rộng rãi hơn nhưng café giá đắt và vị cũng không ngon bằng. Đa phần khách trong quán đều giữ im lặng nhiều hơn là truyện trò, phần lớn khách chỉ có một mình đến quán để làm việc – như tôi. Không gian khá yên tĩnh và “lạnh lùng” đúng bản chất công nghiệp của quán.
Hôm đó rất nhiều người đang ngồi uống café làm việc, học hành thì một chị khách mới bước vào với tai nghe trên tai, chị chọn cái bàn chính giữa để ngồi thưởng thức món đồ uống của mình. Chuyện không có gì đáng nói cho đến khi từ phía chị cứ phát ra một thứ âm thanh cực kì khó chịu, nó là âm thanh của một trò game gì đó như bắn súng cứ lặp đi lặp lại cực kì chói tai.
Mọi người xung quanh ai cũng cảm thấy phiền, tôi cũng cảm thấy phiền dữ lắm, thứ âm thanh đó gây nhức óc như thể tra tấn thần kinh vậy. Tưởng tượng cảnh chuông điện thoại hay chuông báo cháy cứ vang lên bên tai, sao ai mà tập trung nổi?
Chị ấy đeo tai nghe và đang xem gì đó trên điện thoại nên không để ý chuyện mọi người xung quanh đang chuyển chỗ dần ra xa hơn. Tôi cũng chuyển bàn hai lần mà vẫn không thoát khỏi thứ âm thanh đó. Lấy hết can đảm, tôi xin tờ bill của cô bé đang tự học tiếng Hàn bên cạnh và viết vào đó đôi dòng:
“Chị ơi, cảm phiền chị tắt cái âm thanh “&*^%@$$(*(*#&%@” đang phát ra từ điện thoại chị trong một lát được không ạ? Em nghĩ chị đeo phone nên không để ý đến nó lắm.
Em cảm ơn chị rất nhiều.
Xin chúc chị buổi chiều vui vẻ!”
Viết xong tôi chuyền mẩu giấy qua cho chị, chị ấy đọc và lôi một chiếc điện thoại khác trong giỏ xách ra và tắt âm thanh đó đi cùng lời xin lỗi “Sorry, chị cứ nghĩ là tắt tiếng rồi mà không hiểu sao…”
Tôi mỉm cười. Có lẽ vài người xung quanh cũng mỉm cười trong lòng dù cho mặt họ vẫn lạnh tanh đúng quy cách của những con người công nghiệp trong một quán cafe công nghiệp.
Bài học là đôi khi chúng ta vô tình làm phiền người khác mà ta không hề hay biết. Những lúc như vậy cần lắm những người can đảm nói cho chúng ta biết sự thật rằng chúng ta đang làm phiền họ. Khi biết mình đang vô tình không lịch thiệp, hãy sửa đổi bản thân với sự chân thành thay vì hằn học cau có. Quan trọng hơn, nếu như có một việc gì đó khiến chúng ta khó chịu, thay vì chỉ trốn chạy khỏi vấn đề, hãy thử tìm cách giải quyết nó. Trước giờ mà rơi vào những trường hợp này tôi thường chủ động rời ra xa nhưng lần này tôi muốn thay đổi cách tiếp cận, tôi muốn làm cái gì đó thay vì chỉ đơn giản là rời đi xa khỏi vấn đề. Mọi vấn đề đang tồn tại trên đời này không phải vì không có cách giải quyết mà chỉ vì chúng ta luôn trốn tránh cái trách nhiệm phải giải quyết nó.

Bạn có biết về “lý luận đà điểu” không? Nó nói rằng khi con đà điểu gặp kẻ thù trong sa mạc, nó lập tức chúi đầu mình xuống cát. Bằng việc mắt nhắm lại nó không nhìn thấy kẻ thù nữa và nghĩ rằng mình an toàn. Tôi không biết chuyện này có thật không vì chưa thấy đà điểu trốn kẻ thù bao giờ, nhưng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp trong cuộc sống mà khi chúng ta gặp vấn đề nào đó, thay vì tìm cách giải quyết, chúng ta chỉ nhắm mắt mình lại để khỏi thấy nó và cho rằng nhờ vậy mà vấn đề được giải quyết xong rồi.

Làm gì có vấn đề nào được giải quyết chỉ bằng việc chúng ta nhắm mắt và trốn tránh chứ?

Sáng nay khi đi bộ từ nhà tới quán café như thường lệ tôi thấy một tài xế xe ôm công nghệ đang quay lưng ra đường để tè vào bức tường của tòa nhà tòa án cổ kính xinh đẹp. Bạn hẳn cũng chẳng xa lạ gì chuyện Việt Nam mình vốn “nổi tiếng” với căn bệnh “tiểu đường” ở khắp mọi nơi. Tôi thì tôi thông cảm cho những người tài xế mà đường là nhà, nhà là đường như vậy lắm. Họ chẳng có chỗ nào giải quyết niềm riêng nên mới phải tè bậy khắp nơi như thế. Thế rồi tôi thử nghĩ đến việc chính quyền Việt Nam nên làm gì để giải quyết vấn đề này? Còn làm gì nữa ngoài chuyện xây thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng? Nhà vệ sinh không cần to lớn rộng đẹp hay ở vị trí đắc địa, cũng không cần người đứng thu tiền – kì lắm. Nó chỉ cần là một nơi khiêm tốn và đủ thoải mái cho người dân giải quyết nhu cầu là được. Có khó lắm không để giải quyết vấn nạn đái đường? Tôi tin rằng không có chuyện gì khó khăn cả nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng nhìn trực diện vào vấn đề và giải quyết nó, thay vì chỉ trốn tránh và gạt nó qua một bên như cách chúng ta vẫn thường làm.

Sống tử tế và sống lịch sự tuy hai mà một. Người tử tế thường hành xử lịch sự nhưng người lịch sự không có nghĩa là sẽ luôn sống tử tế. Lịch sự là phần nổi của tảng băng trong khi tử tế là phần chìm sâu, tuy không trông thấy nhưng cực kì quan trọng.

Hãy xây dựng lối sống tử tế, thay vì chỉ quan tâm đến chuyện lịch sự. Lịch sự là những hành động phần nổi chúng ta thường làm khi có những người khác xung quanh. Tử tế là những gì chúng ta hành động mọi lúc trong cuộc sống, kể cả khi có hay không có người khác xung quanh chăng nữa.

Tôi đang trong những ngày quyết tâm thực hành sống tử tế và khi càng suy ngẫm về nó nhiều hơn, tôi nhận ra bài học rằng để sống lịch sự người ta chỉ cần một chút tinh ý nhưng để sống tử tế thì người ta không chỉ cần tinh ý mà cần cả can đảm nữa. Can đảm để mỉm cười nói xin lỗi, cảm ơn, cảm phiền. Can đảm để nhận lỗi, sửa sai. Can đảm để khiêm tốn. Can đảm để sống độc lập không làm phiền người khác. Can đảm để tìm cách giải quyết vấn đề chung mà không trốn tránh nữa.
Làm hành động đẹp khi có người khác xung quanh là rất dễ nhưng để hành động đẹp khi không ai khác xung quanh thì là chuyện khác hoàn toàn. Nó cần một tinh thần tử tế bên trong con người bạn mà tinh thần này không nền giáo dục nào, không văn minh nào và không ai có thể dạy bạn được. Nó là chuyện bạn phải tự giáo dục chính mình.

Vâng, xin nhấn mạnh lại chỗ này: Theo tôi, giáo dục quan trọng nhất là tự giáo dục chính mình.

Phần 3 – giáo dục chính mình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *