13/5/2016 tôi từng viết
Nước “người ta” làm nông nghiệp bằng cách tận dụng mọi khoảng trống và áp dụng mọi loại kĩ thuật công nghệ để trồng cây trồng quả ở khắp mọi nơi – cụ thể là Nhật Bản với mô hình trồng hoa màu, lúa, rau, cây ăn trái ngay trong những khoảnh trống rộng lớn của các tòa nhà văn phòng. Điều này không chỉ làm không gian làm việc trở nên xinh đẹp thoáng đãng gần gũi thiên nhiên mà còn là nơi xả stress thư giãn cho mọi người sau ngày làm việc đầy mệt mỏi áp lực gò bó trong văn phòng. Việc làm các công việc tay chân của người nông dân: ngắm nhìn hoa màu trổ bông ra trái và thu hoạch tận hưởng chính thành quả lao động của mình khiến cho các nhân viên văn phòng cảm thấy yêu đời hơn cũng như tiết kiệm tiền bạc mua thực phẩm. Một công quá chừng việc quá chừng lợi ích. Ước gì chúng ta cũng có thể bắt chước mô hình tuyệt vời ấy của họ.
Bên dưới là hình ảnh một tòa nhà với mô hình nuôi trồng thực phẩm được góp công bởi chính các nhân viên văn phòng trong tòa nhà:
Nhìn người ta ngẫm lại nước mình mới thấy: Đất nước nông nghiệp mà làm nông nghiệp chả đâu vào đâu: Không chỉ không tận dụng được những lợi thế tuyệt vời từ đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu mà còn làm cho mọi “lợi thế” biến thành “hại thế” hết.
Nói vui, nếu tôi có đủ quyền hành tôi sẽ dẹp hết những khu công nghiệp hay tiến trình công nghiệp hóa đang băm vằm tan nát đất nước ta. Vâng dẹp hết. Thay vào đó là đưa đất nước về nông nghiệp hóa ráo trọi: nông nghiệp cao cấp, nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch…. Nuôi trồng đủ các loại rau trái – hoa quả – hải sản – nông sản thơm ngon khắp mọi vùng miền. Vùng hợp với chuối thì trồng chuối, vùng hợp mít thì trồng mít, vùng hợp xoái trồng xoài… Loại đất nào cũng hợp để trồng loại cây nào đó, kể cả đất cát nóng bức như sa mạc cũng trồng được Thanh Long cơ mà. Nói chung là nông nghiệp hóa cả nước. Công nghiệp chỉ mang tính bổ trợ cho nông nghiệp như phát triển các ngành chế tạo máy móc dùng cho nông nghiệp, công nghiệp sơ chế biến thực phẩm… Không phát minh được cái gì thì đi mua công nghệ hiện đại từ nước ngoài như Israel hay Nhật Bản chẳng hạn. Biến đất nước thành xuất siêu nông-hải sản cho cả khu vực rồi thì thế giới luôn. Song song biến người nông dân thành những người học thức, văn minh và giàu có. Tất cả dịch vụ hay công nghiệp khác có thể dựa vào nông nghiệp mà phát triển như là du lịch vườn sinh thái, công nghiệp sơ chế, chế biến, đóng hộp, làm lạnh, bảo quản thực phẩm, ngành xây dựng cũng là xây dựng các kiểu nhà vườn, nhà trong vườn, vườn trong nhà, tòa nhà xanh, khoa học kĩ thuật công nghệ thì ưu tiên phục vụ nông nghiệp trước tiên, tiến sĩ giáo sư cũng phải tập trung vào mà nghiên cứu – sáng chế cho nông nghiệp… vân vân và vân vân
Đóng tiệt cửa khẩu với TQ không nhập hàng không cho TQ được ăn gì của mình dù 1 cọng rau hay 1 con cá hoặc chỉ xuất – cấm nhập bất cứ thứ gì từ nó. Mà xuất với giá thật cao kìa.
Nhân loại có thể không cần thép, không cần súng đạn, không cần công nghệ robot hay tên lửa bay vào vũ trụ… nhưng nhân loại không thể không cần thực phẩm.
Tự nhiên nhớ tới cái câu slogan của GMO “ai làm chủ hạt giống là làm chủ ngồn lương thực, ai làm chủ nguồn lương thực là làm chủ cả thế giới” Ngày nay GMO làm chủ tương đối nguồn thực phẩm rồi, mình có thể tách ra đi con đường riêng là đất nước không thực phẩm GMO chẳng hạn. Nhất định sẽ luôn có thị trường.
Đấy, nói chung vài năm trước nghĩ như vậy đấy.
10/5/2018
Sau 2 năm một cách tình cờ – tôi lại quay về chủ đề nông nghiệp ấy với những ý tưởng bổ sung khác đa chiều hơn:
Hổm rồi tôi trông thấy một cái băng rôn rất to đề dòng chữ “Tháng toàn dân tích cực hưởng ứng phong trào an toàn vệ sinh thực phẩm” nghe ngứa hết cả tai. Tại sao?
Vì:
Toàn dân hưởng ứng kiểu gì khi mà thực phẩm từ chợ tới siêu thị đều độc hại, đồ ăn từ lề đường đến nhà hàng đều bẩn? Đi ăn hàng thì người nấu bẩn, nấu tại nhà thì thực phẩm cũng bẩn. Người giàu còn phải ăn bẩn mà không biết huống gì người nghèo. Toàn dân hưởng ứng kiểu gì đây? Nhịn kinh doanh đồ ăn hay nhịn ăn?
Hưởng ứng kiểu gì khi mà cái gốc là sự quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là việc của các ông cầm quyền mà các ông còn chả làm được gì hoặc chả muốn làm gì. Chợ hoá chất chình ình ngay đó không một ai quản lý, thực phẩm độc hại tràn lan mọi ngõ ngách tràn vào từ đường xá tới cả trường mầm non của bọn trẻ, thuốc lá rượu bia độc hại thì giá rẻ mạt, thuốc thang viện phí đắt đỏ mà còn bị làm giả lên giả xuống, đi viện trả tiền mặt hay thẻ y tế cũng đều bị hành tới hành lui. Tivi thì tuyên truyền cho những mặt hàng độc hại ra rả ngày đêm. Lương người lao động thì rẻ mạt làm sao mua thực phẩm tốt? Ngay cả cái gốc thực phẩm – nông nghiệp nước nhà còn bị đầu độc thì biết tin vào đâu, dựa vào đâu mà hưởng ứng?
Rồi thì chuyện an toàn thực phẩm nên là chuyện lâu dài, cả đời chứ không nên là chuyện phong trào một hai tháng rồi thôi. Dân chán phong trào lắm rồi hãy làm gì đó thực tế hơn chút đi. Cả lịch sử chúng ta cứ quay cuồng hết phong trào này tới phong trào nọ, có cái nào hiệu quả không? Đã đến lúc để ngừng các phong trào lại mà thay vào đó là những đề án thiết thực dài hơi cần sự góp sức của toàn dân và sự hỗ trợ về truyền thông, vốn lẫn giáo dục sáng tạo từ chính quyền. Chúng ta không thiếu ý tưởng hay để thực hiện, chúng ta chỉ thiếu lãnh đạo có tầm nhìn và có tâm kiên quyết hỗ trợ những ý tưởng ấy.
Rồi thì, nông nghiệp sạch trong nước thì không được chú trọng phát triển, ưu tiên nhập đủ loại thực phẩm bẩn TQ, nông dân Việt thì làm không đủ sống phải bỏ xứ đi khắp nơi tha hương cầu thực mới mong đủ ăn. Một đất nước nông nghiệp mà nông sản càng ngày càng đi xuống cả lượng lẫn chất, thì lấy nông sản chất lượng ở đâu ra mà hưởng ứng phong trào vệ sinh? Nói cách đơn giản, cái đói còn đang ngay đây chưa giải quyết, ai có thời gian mà lo về cái an toàn, cái sạch? Qua rồi cái thời “đói cũng phải ăn cho sạch” ngày nay người ta đói, cái gì người ta cũng nuốt chứ ai mà bận tâm sạch hay bẩn. (Cần một dự án “cấm ăn bẩn” từ trong nội bộ chính quyền trước thì sau đó người dân may ra mới tin mà nghe theo được)
…
Muốn nói nhiều lắm nhưng chung quy là thay vì kêu gọi *TOÀN DÂN hưởng ứng an toàn vệ sinh thực phẩm* thì hãy đổi thành *Dân góp sức cho NHÀ NƯỚC mạnh tay loại trừ thực phẩm bẩn* ra khỏi thị trường luôn là tốt nhất. Mà để làm điều đó thì chẳng cần băng rôn nào ngoài đường cả. Mấy ông làm chính trị nên tự dán cái sticker nên trán mình cho nhớ mà làm thì tốt hơn. Băng rôn ngoài đường chả nghĩa lý gì đâu ngoài chuyện làm phố xá thêm bẩn thỉu luộm thuộm.
(Chưa tính đến cái vụ không biết ý tưởng của đứa nào mà gắn mấy cây sắt thấp lè tè ngang mấy cây cột điện để treo băng rôn mỗi dịp lễ kỉ niệm ấy – nguy hiểm không chịu được. Ai cao cao đi bộ mà không để ý thì bị nó phang vào mặt dễ như chơi ấy – hên là mình lùn)
Tôi tuy không làm nông nghiệp nhưng cứ suy nghĩ mãi để tìm những lý do giải thích cho việc tại sao VN mình lợi thế nông nghiệp nhiều thế mà cứ mãi không phát triển được. Dần dà tôi đã tự mình tìm và nghiệm ra cả đống câu trả lời như thế này (không chắc đúng, bạn đừng vội tin)
1.
Thực phẩm bẩn -> dân đau bệnh -> ngành y tế bao gồm mọi thứ từ thuốc thang đến dịch vụ bệnh viện sẽ luôn đảm bảo doanh thu từ các bệnh nhân. Không nguồn thu nào tốt cho bằng thu từ sức khoẻ vì khi con người mất sức khoẻ họ sẵn sàng trả mọi khoản tiền để lấy lại sức khoẻ, kể cả việc bán mọi thứ họ có chăng nữa. Sức khoẻ trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và quan trọng như thế đó. Nếu không có thực phẩm độc hại thì ngành ấy sẽ tiêu tùng. Vậy nên việc bảo vệ và thậm chí tiếp sức ngầm cho ngành thực phẩm bẩn là một trong những bước cần làm để bảo vệ nguồn thu khổng lồ từ Khu vực Y tế nói chung. Chính quyền giống như người mẹ trong một gia đình, nếu người mẹ thật tâm muốn bảo vệ gia đình mình khỏi thực phẩm bẩn thì người ấy có thể làm cả ngàn việc như tự nuôi trồng thực phẩm, tự nấu nướng hoặc tìm nguồn thực phẩm đủ yêu cầu chất lượng cho gia đình mình chứ không chỉ là bảo mọi thành viên “hãy nhớ vệ sinh an toàn thực phẩm” một cách suông đâu.
2.
Những tin tức liên quan đến thực phẩm bẩn, sức khoẻ luôn thu hút được một lượng quan tâm lớn của dư luận nên nó phần nào trở thành công cụ đắc lực cho việc gây nhiễu thông tin, quản lý scandal, điều khiển sự quan tâm của dư luận trong những dịp cần thiết. Tất nhiên với sự hỗ trợ cực kì đắc lực của cánh truyền thông.
Nào là café trộn pin, bia rượu giả đóng lon, nước ngọt hóa chất, nội tạng thiu thối… mọi scandal đều được xuất hiện một cách bài bản đúng lúc – nếu bạn tinh ý.
3.
Nếu nhà nước ta ưu tiên phát triển nông nghiệp một cách bài bản thì người dân VN sẽ rất nhanh giàu mà nếu dân giàu thì không ai có thể “quản lý” hay “điều khiển” được nữa. Đọc cuốn Cách mạng một cọng rơm bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một sự thật đau lòng: Ngay cả một quốc gia nổi tiếng văn minh như Nhật Bản cũng không có nghĩa sẽ lên tiếng ủng hộ những ý tưởng nông nghiệp thuần túy. Giới chức Nhật không ủng hộ và không muốn mô hình làm nông tự nhiên của Fukuoka bởi vì họ cho rằng: nếu ai cũng làm như vậy thì ngành phân bón, thuốc hóa học và ngành máy móc nông cụ sẽ bị phá sản ráo. Họ không quan tâm việc phải tạo ra nguồn thực phẩm tốt nhất, rẻ nhất, năng suất cao nhất. Họ chỉ quan tâm việc làm sao để các ngành khác cũng phải sống được. Đấy chính là nguyên do cho mọi bất ổn của chúng ta ngày nay. Chúng ta phải dùng thuốc sâu phân bón, phải ăn uống các chất độc hại chỉ để giữ cho xã hội vận hành trôi chảy cách mà nó đang vận hành. Đây chính là sự tàn bạo của chủ nghĩa tiêu dùng và cũng là mặt trái của cuộc sống.
Bạn chỉ ở VN bạn sẽ không bao giờ nhận ra được tiềm năng và ưu ái của tự nhiên dành cho VN mình với muôn loài hoa trái quanh năm. Hãy đi ra nước ngoài, vào các cửa hàng, chợ, nhà hàng để nhìn giá cả của những thực phẩm mà bạn đang rất xem thường trên đất nước mình. Tôi tin bạn sẽ ngạc nhiên lẫn tức giận như tôi đã từng.
Người nông dân là người rất quan trọng. Họ trực tiếp làm ra lương thực thực phẩm nuôi sống xã hội và tạo nguồn thu trực tiếp cho đất nước thông qua xuất khẩu. Họ xứng đáng được tôn trọng, được quan tâm và nhất là xứng đáng có được một cuộc sống đủ đầy sung túc chứ không phải chỉ cực khổ quanh năm và bị xem thường là bậc thất học, quê mùa.
Bạn biết ai sẽ tức giận không vui khi VN mình giàu? Chính là TQ. VN mà giàu thì TQ sẽ không thể điều khiển hay bắt nạt được vì vậy một trong những nhiệm vụ đối ngoại của TQ đối với VN – theo tôi – là phá hoại nền kinh tế VN mà quan trọng và dễ nhất vẫn là nông nghiệp.
TQ tích cực phá hoại nông nghiệp VN bằng nhiều cách như tóa thương lái “rỏm” đi khắp miền quê mua đuôi trâu, đuôi mèo, mua rễ cây, mua hoa, quả, lá non nhằm phá hoại mùa màng và tạo lòng tham xấu cho người nông dân. Họ cũng bán hoá chất độc hại kèm các phương thức đầu độc thực phẩm giá rất rẻ cho nông dân Việt để người dân Việt chúng ta trước mắt là tự đầu độc nhau, sau là tự mình bôi bẩn thương hiệu nông sản VN trên trường quốc tế. Từ chuyện xả thải ở vùng biển gây đầu độc hải sản khiến Âu Mỹ ngưng nhập khẩu hải sản VN cho tới chuyện bán rẻ nông sản đẹp rẻ độc hại của họ sang VN để trà trộn với nông sản trong nước. Chung quy những chiêu trò bẩn này có lẽ không ai qua mặt được TQ và VN thật đáng tiếc quá gần họ để rồi không thoát khỏi quy luật “xa thơm gần thối” hay “gần mực thì đen” mà ông cha ta đã truyền dạy.
4.
Hôm rồi ngồi nói chuyện với anh bạn người Úc, phân tích về kinh tế và cuộc sống người Úc so với người VN, tôi đã nghiệm ra được một điều thật hay bổ sung vào nhóm lý do tại sao nông nghiệp VN không phát triển. Nó là như thế này:
Úc nói riêng và các nước công nghiệp nói chung họ phát triển đất nước theo con đường này: ngân hàng cho người dân vay tiền dễ dàng để tiêu xài mua sắm xe cộ nhà cửa -> người dân luôn mang nợ, luôn phải làm việc quần quật để trả nợ -> chỉ cần mất việc là nhà cửa xe cộ cũng có nguy cơ mất luôn, đồng nghĩa mất công sức nhiều năm lao động nên ai cũng ráng làm ráng trở nợ -> cuộc sống xoay vòng quanh chuyện đi làm kiếm tiền, trả bill (bill tức là chi phí duy trì cuộc sống lẫn chi phí nợ nần) -> mỗi công dân biến thành một con trâu làm việc hăng say kéo cỗ xe Công nghiệp chạy không ngừng nghỉ -> đất nước được xây dựng nhanh chóng và mau lẹ.
Ở Việt Nam nói riêng và các nước nông nghiệp nói chung: nếu mỗi người dân đều làm nông nghiệp tức là tự cung tự cấp thực phẩm cho gia đình -> luôn đủ sống -> tiền vàng của cải dư ra thì đào hố sau nhà chôn -> người dân không mang nợ, không cần lo sợ, luôn đủ ăn đủ mặc -> không tái đầu tư tiền bạc vào xây dựng đất nước vì không tin tưởng chính quyền và cũng không giỏi chuyện kinh doanh -> chính quyền này sẽ thất bại ngay vì không thể điều khiển hay bắt ép người dân xây dựng đất nước -> nước nông nghiệp trông thường nghèo vì không có điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng.
Vì vậy cho nên nhà nước ta, nếu muốn đuổi theo con đường công nghiệp hóa của các nước lớn, không cách gì khác hơn ngoài việc phải hạn chế người dân đi theo con đường nông nghiệp. Phải làm cho nông nghiệp trở thành một ngành không đủ ăn, không dư dả, rất cực khổ thế thì người ta mới chuyển dần từ làm nông sang công nghiệp được. Mà lối sống công nghiệp đồng nghĩa với làm việc nhiều hơn, chi xài nhiều tiền hơn, nợ nần dễ dàng hơn, căng thẳng hơn, cần nhiều dịch vụ y tế, giải trí hơn -> kéo đất nước phát triển theo hướng khác. Hướng ấy có thể là đồng bộ hơn và nhìn văn minh giàu có hơn nhưng không có nghĩa là sẽ hạnh phúc hơn, bình an hơn, mãn nguyện hơn chút nào.
Ở nước ngoài khi người dân có tiền, người ta tái đầu tư vào kinh doanh hoặc đem gửi ngân hàng (ngân hàng là nơi cho người khác mượn tiền để kinh doanh) nói chung là tiền luôn nằm trong nền kinh tế, xoay vòng đều đặn để sinh lời nhiều hơn. Nói chung là tiền bạc luôn phải làm việc miệt mài hệt như con người ở đó vậy.
Ở đất nước như Việt Nam thì ngược lại. Trong quá khứ không có nhiều ngân hàng và vì không có tư duy kinh doanh, cũng không tin tưởng được ai nên mỗi khi có tiền người ta liền cất đi đâu đó thay vì mang vào đầu tư kinh doanh. Điều này khiến cho tiền bạc trở nên ù lì thụ động, không xoay vòng nhiều, không nhiều cơ hội sinh lợi gấp năm gấp ba – nếu có thì do lạm phát thôi chứ không phải do số vàng làm tăng giá trị tài sản tích cóp. Vì vậy mà ngày nay chính quyền mới tìm mọi cách để người dân mang số tiền tích trữ này vào kinh doanh sản xuất thay vì chỉ tích trữ. Cho phá sản ngân hàng là một chiêu bài của họ.
Vậy cái đã!