Mặc cảm tội lỗi khiến chúng ta không hạnh phúc – Feeling guilty doesn’t help us to be happy!

Tôi là một đứa kì lạ, kì lạ tới mức vớ vẩn, rằng lúc nào tôi cũng cảm thấy có lỗi với mọi người, mọi việc cảy ra xung quanh mình.
Ví dụ, hồi trước hay đi Grab, mới đầu thì trả tiền mặt, không bo thêm thì có lỗi mà bo thì bo quài cũng tiếc tiền, vì đôi khi tiền bo cũng bằng tiền cả chuyến đi ý chứ, tôi lại hay di chuyển nhiều. Sau đấy may quá nó sinh ra cái dịch vụ trả bằng thẻ tiện ghê, đỡ phải tìm tiền lẻ, đợi thối tiền và nhất là đỡ thấy có lỗi khi không bo thêm cho tài xế. Sau đấy nhận ra các tài xế tỏ vẻ không vui mỗi khi khách không chịu trả tiền mặt. Ấy thế là mỗi khi book xe và trả bằng thẻ, lúc nào tôi cũng cảm thấy có lỗi, như mình là tội phạm đẩy họ dô tình thế khó khăn không bằng. Xong mới đây chuyển qua đi Goviet, họ đang có gói giới thiệu dịch vụ với giá rất yêu thương chỉ 5 ngàn/chuyến. Mỗi lần đi xong tôi rút tiền trả 5 ngàn, dù biết đó là thuận mua vừa bán và tài xế cũng sẽ được công ty trả bù lẫn hỗ trợ mặt khác, vậy mà không lúc nào tôi không cảm thấy cắn rứt, thấy có lỗi. Cứ như thế tôi vừa lấy đi con cá, miếng thịt trên mâm cơm tối của họ, lấy đi hộp sữa trong cặp đứa con nhỏ của họ vậy.

Tối hôm nọ tôi đi hai chuyến, chuyến đầu tiên là một cậu em sinh viên nghèo, đi chiếc xe cà tàng lắm (mà hình như tôi chưa thấy ông Goviet nào đi xe không cà tàng – haha) đến nỗi yên xe sau còn không có đệm, có mỗi tấm sắt ấy mỗi lần xe bị sóc là đau hết cả cái mông xương xẩu tội nghiệp. Điện thoại em ấy lại còn bị bể màn hình một góc hệt như điện thoại của tôi. Thấy tội tội lúc trả tiền đã cho em thêm 5k, vậy mà sau đó trong bữa ăn tối tôi cứ cảm thấy có lỗi mãi. Chả biết lỗi cái quái gì mà lỗi hoài. Không cho thêm cũng thấy có lỗi mà cho thêm rồi vẫn thấy có lỗi. Bực mình bản thân ghê luôn. Chuyến sau đó tôi book tài khác đi về quãng đường dài hơn, chú tài đến đón trạc tuổi bố tôi, chạy một chiếc Rim có cái giỏ xe đàng trước, tự nhiên nước mắt muốn ứa ra, nhớ bố. Nhớ hồi sinh viên, bố giao cho tôi chiếc xe bố quý nhất, cũng là một chiếc rim như thế này. Tôi còn nhiều chuyện gắn cho nó một cái giỏ đan bằng mây tre màu nâu đất trông chẳng hợp với cái xe chút nào. Bố trông thấy thế thì tiếc xe, chê bóng gió để tôi gỡ ra nhưng nào tôi có chịu Cứ kiên quyết giữ cái giỏ thì thấy nó thật cool ngầu, giờ ngẫm lại thấy mình như con điên đã làm hỏng hết cả cái sự điềm tĩnh mộc mạc của chiếc rim hồi ấy. Trở lại với chú tài xế, chú chở tôi về thì tâm sự nhiều lắm nào chuyện công việc, chuyện đời sống, chuyện gia đình. Rồi chú nói “Nhiều người kì lắm, làm chú buồn, chú cũng có tủi thân nữa đó con. Họ book xe xong khi chú lại gần họ thấy xe này xấu cái họ cancel, chú bị hoài hà.” “Vậy hả chú? Nhiều người kì ha” “Ừ, xã hội giờ họ trọng bề ngoài dữ lắm. Cuốc xe có mười mấy ngàn hà, mà hủy lên hủy xuống quài” “Con thì thấy chú đi xe này tới đón cảm giác vui vui, như là ba con ngày xưa chở đi học về vậy.” Hai chú cháu nói chuyện trên trời dưới biển xong chú kể tiếp chuyện con gái chú mới lén đi du lịch biển xong đi xe máy bị cái váy dài quấn vào bánh xe té chấn thương sọ não. Vậy mà nó giấu mãi làm vợ chồng chú khóc hết nước mắt. May sao giờ nó khỏe khỏe lại rồi, mổ thành công rồi… Tôi nghe chú kể vậy tự dưng cũng cay cay mém khóc theo. Vì tôi không chỉ thương thương cô chú mà còn thương nhớ tới bố mẹ tôi lẫn mọi người bố mẹ khác trên đời, sao mà làm con cái cũng nhiều cái khổ, làm cha mẹ cũng khổ quá vậy? Bụng nghĩ thầm chút xíu sẽ gửi chú nhiều tiền bo hơn vì chắc chú cũng hoàn cảnh khó khăn nên 9h tối mới còn đi kiếm khách để chở. Cái tự nhiên chú khoe thêm rằng con gái chú, cái đứa chấn thương ấy, nó đi làm công ty nước ngoài lương hơn 3000USD/tháng, nó cho chú nhiều tiền để ở nhà thôi mà chú buồn nên lái chở khách chơi chứ ở nhà hoài chán lắm. Rồi thì nhà chú xe ga có mà đầy tại chú không thèm lái thôi. Xe hơi cũng mua được mà không thèm mua thôi. Tự nhiên bất giác tôi thở phào. Thật tốt khi không phải tất cả mọi người đều đi làm vì miếng cơm manh áo. Thật tốt khi vẫn còn nhiều người có cuộc sống đủ đầy đi làm chỉ cho vui. Tự nhiên tôi thấy hạnh phúc lắm, tôi mừng cho chú – thật tâm ấy – dù rằng bình thường tôi ít mừng cho ai lắm đấy nhớ. Đấy có lẽ là lần duy nhất tôi trả 5k cho một chuyến xe mà không thấy có lỗi. Thật tuyệt làm sao cái cảm giác không có lỗi với ai cả.

Đấy là chuyện xe cộ, ngoài ra thì tôi còn cảm thấy có lỗi khi người ta mời mua vé số mà không mua; thấy có lỗi khi ai đó nhờ cái gì mà mình không làm (dù cho mình có lý do chính đáng như đang bận chăng nữa); thấy có lỗi khi trễ hẹn dù chỉ một vài phút; thấy có lỗi khi gặp quá nhiều may mắn trong đời; thấy có lỗi khi ai đó hỏi mượn tiền mà không cho (cho nên mới mất tiền hoài là như vậy) rồi thậm chí người ta mượn tiền tôi mà không trả, tôi cũng không dám mở miệng ra hỏi vì cảm thấy có lỗi. Ơ cái kiểu người gì kì cục thế nhỡ? Ngu thế nhỡ? Rõ ràng tôi có lỗi gì đâu?

Chuyện viết lách – ra sách cũng vậy. Không viết gì thì cảm thấy có lỗi với bản thân, với những bạn độc giả đang chờ đợi sách. Viết rồi thì cảm thấy có lỗi với bên xuất bản vì tính tôi ghét quảng cáo, ghét phô trương, ghét truyền thông, ghét bán hàng. Dạo này tôi hay đăng post nói về sách của mình nhiều hơn là vì vậy. Là vì tôi muốn san một phần trách nhiệm việc Pr, bán sách với các bạn bên xuất bản. Thế rồi khi đăng những bài như vậy thì tôi lại nhận được tin nhắn kiểu “chị khác thế, chị thay đổi rồi à? Ngày xưa chị đâu bận tâm mấy việc đấy? Ngày xưa chị đâu bận tâm chuyện doanh số, kinh doanh, quảng cáo…” thế là lại một lần nữa cảm thấy có lỗi, dù chả biết có lỗi với cái gì, với ai.

Chuyện gia đình rồi chuyện tình cảm cũng đại loại vậy, lúc nào tôi cũng trong tình trạng cảm thấy có lỗi với người này, người kia. Ai thích tôi mà tôi không đáp lại tình cảm được, cũng thấy có lỗi. Sống sung sướng một chút cũng không quen, cũng phải tìm lý do để biện minh, để không cảm thấy có lỗi – kiểu như mẹ sẽ không vui đâu nếu biết mình tiêu xài kiểu này. Rồi bị người ta bắt nạt, dù rằng đang ở thế yếu, vậy mà vẫn cảm thấy có lỗi…Riết cứ như luôn có một tảng đá vô hình đè nặng lên tâm trí, khiến tôi dù trông có vẻ rất vui vẻ hạnh phúc đấy nhưng dường như vẫn không tự do hoàn toàn được. Có thể nói cảm giác có lỗi như một sợi dây cước níu tôi lại mặt đất này nếu không thì tôi sẽ tan ra và biến vào trời xanh rồi vậy. Viết tới đây thì cụ già bán vé số vừa lại mời mua, tôi lắc đầu rồi vội cắm mặt vào điện thoại viết tiếp vì không muốn trông thấy đôi mắt buồn ấy. Lại cảm giác có lỗi chết đi được huhu

Đấy, không biết tại sao mà lại ra cớ sự thảm thương như vậy. Hẳn bạn cũng biết, cảm giác có lỗi là một cảm giác rất tồi tệ. Nó như một cái bóng đè nặng lên bạn khiến cho bạn rất khó để hạnh phúc, rất khó để buông thư và tận hưởng cuộc sống. Làm gì có ai vẫn hạnh phúc khi đang bị tội lỗi đè nặng chứ? À ngoại trừ những ông chồng đang nuôi bồ nhí bên ngoài thôi. Nhưng thành thật mà nói, nhắc đến chuyện ngoại tình của cánh đàn ông thì các chị em phụ nữ cũng kì cục lắm. Nói là họ mong hạnh phúc thì cũng đúng nhưng sự thật lại có không ít người rất mong được tự tay phá vỡ hạnh phúc của mình. Nhất là các bà vợ ghen tuông. Bạn biết họ mong muốn gì nhất không? Không phải là chồng họ không ngoại tình mà là chồng họ ngoại tình và họ bắt quả tang điều đó. Ôi cảm giác đó khiến họ thấy mình như người chiến thắng vậy. Đau đớn nhưng vẫn là bên chiến thắng nên vẫn vui. Trông bên ngoài thì những người phụ nữ ấy có vẻ đau đớn tổn thương, nhưng sâu thẳm trong thâm tâm thì họ có cái mừng riêng của họ. Cái mừng của một kẻ cho rằng ai đó có lỗi với mình, mình sẽ nắm quyền thống trị với kẻ đó. Mình sẽ có nhiều quyền lực hơn với kẻ đó.

Bạn biết tại sao phụ nữ hay cằn nhằn không? Việc cằn nhằn cho họ quyền lực, họ luôn bộc lộ rằng mình không hài lòng, không hạnh phúc, không thoả mãn để khiến cho đàn ông cảm thấy tệ, thấy có lỗi. Khi đàn ông thấy có lỗi thường trở nên dễ thương lắm, chiều chuộng phụ nữ lắm – nếu như họ còn yêu. Nước mắt phụ nữ trở thành món vũ khí hữu hiệu cũng là vì lý do đó. Đàn ông không sợ nước mắt đâu nhưng họ sợ cảm giác có lỗi với phụ nữ, vì cảm giác có lỗi luôn đè nặng tâm trí bất cứ ai dù mạnh khỏe đến đâu – khiến họ không thể nào sống nhẹ nhõm thung dung được nữa – cái này là đang nói về những người đàn ông vẫn còn lương tri, lương tâm thôi nghen.
Mà trở lại chuyện bản thân trước khi đi quá xa: Tôi mất nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình lại hay cảm thấy có lỗi như vậy thì tìm được các lý do sau:

Gia đình tôi theo đạo Công giáo gốc và tôi đã trải qua toàn bộ 3/4 cuộc đời mình để học và thấm nhuần triết lý của Công giáo: “chúng ta là kẻ có tội, hãy ăn năn hối lỗi.” Thông điệp nguy hiểm này ám ảnh tôi quá sâu sắc hệt như cách các ông kẹ bà kẹ ám ảnh những em bé tội nghiệp và chuyện chồng mình đang ngoại tình ám ảnh các bà mẹ bỉm sữa vậy. Mọi nỗi ám ảnh đều cực kì nguy hiểm và đáng sợ. Nhớ có lần tôi tranh luận với mẹ, mẹ cũng nói hệt như các linh mục “chúng ta đầy tội lỗi, hãy ăn năn, hãy đi nhà thờ để tạ ơn và luôn nhớ là phải ăn năn hối lỗi”. Tôi đã nói với mẹ rằng “Ngày xưa chúa Jesus chịu chết để chuộc tội cho nhân loại và tất nhiên cho cả con rồi mà sao ngày nay con vẫn cứ bị cho là có tội, là sao? Kể cả khi con sống tốt, con vẫn bị cho là có tội. Vậy chẳng phải việc chuộc tội ngày xưa của chúa Jesus là vô ích?” Mẹ miệt mài giải thích nhưng càng giải thích tôi càng không đồng tình bởi vì những giải thích ấy không phải là do mẹ tự tìm ra, mà là do mẹ được dạy thế. Tôi nói tiếp “Công giáo không tin vào luân hồi. Vậy con bây giờ là con của bây giờ, của thời hiện đại. Con không phải người trong quá khứ buộc tội và đóng đinh Ngài ấy. Thế thì tại sao con lại cứ bị mang tội là giết Ngài để rồi phải đến nhà thờ cảm tạ lẫn hối lỗi ăn năn? Thật chẳng có gì hợp lý cả.” Mẹ tôi chẳng giải thích được nên lại khuyên tôi hãy ăn năn hối lỗi vì những gì mình vừa nói.

Tôi nghĩ, hoá ra đấy là một trong lý do khiến người Công giáo ai cũng căng thẳng phiền muộn, chẳng thấy ai hạnh phúc cả. Đặc biệt là trong nhà thờ. Sợ tôn kính sợ hãi mà nhất là sự ăn năn hối lỗi khiến mọi người ai cũng khổ sở trong thâm tâm – chả mấy ai hạnh phúc. Nếu có hạnh phúc thì họ lại nói đó là do Chúa ban cho. Hạnh phúc mà tuỳ thuộc vào bất cứ ai, kể cả Chúa, ấy là hạnh phúc giả. Tại sao không một ai nhìn ra điều đó?
Tin lành là tôn giáo như thế. Họ nói nhiều hơn về tình yêu thương, niềm vui, sự chia sẻ nhưng tất tất đều là do Chúa – vì Chúa – bởi Chúa mà ra cả. Tôi từng đi nhà thờ Tin lành một lần ở nước ngoài. Có thể tiếng Anh của tôi lúc ấy không đủ tốt để hiểu hết những gì linh mục nói nhưng tôi nhận ra: dường như không một câu giảng nào của vị mục sư không nhắc đến tên Jesus. Thật là mệt! Mỗi khi nói chuyện với người theo Tin Lành là thấy ngay điều ấy. Một câu Chúa, hai câu Chúa, n câu cho tới câu cuối vẫn là về Chúa. Nhiều Chúa quá nghe mới oải làm sao. Mất cả cảm giác về một buổi lễ thân thiện dễ thương mà tôi thấy lúc đầu khi mọi người nhìn mặt nhau cười nói, bắt tay, cúi đầu chào hỏi rồi cùng hát những bài thánh ca…
Tôi nghiên cứu về đạo Phật nữa và cũng thấy không khá hơn. Câu slogan của Phật mà ai cũng biết kể cả có theo Phật hay không là “Đời là bể khổ”. Cái này là khổ, cái kia là khổ. Giàu là khổ mà nghèo cũng khổ, đói thì khổ mà no cũng khổ… nói chung cái khổ bao trùm toàn nhân loại và mục tiêu tối thượng trên đời là diệt khổ.
Đấy, hai tôn giáo lớn nhất nhiều người theo nhất đều đặt nền tảng trên hai thứ có năng lượng rất nặng nề là tội lỗi và cái khổ. Trọng tâm mà đặt ở đâu thì tất yếu cuộc sống sẽ xoay quanh đó. Cái tâm điểm nền tảng mà đã đầy năng lượng nặng nề tiêu cực thì trong cuộc sống làm sao người ta sống thanh thản, bình an, vui sướng cho được.

Tôi đã nghĩ như vậy đấy, rằng các tôn giáo hiện tại với quá nhiều lễ nghi, sự trừng phạt và nỗi lo sợ về đời sống sau cái chết không khiến người ta hạnh phúc chút nào. Một tôn giáo mà không khiến người ta sống hạnh phúc hơn, an yên hơn thì ấy hẳn là một tôn giáo giả hình – nghĩa là không chánh thực.
Nhân tiện đây xin kể câu chuyện này về chủ đề tôn giáo mà tôi có dịp tranh luận cùng một tài xế khác:

Phật tử và Thiên Chúa tử tại sao không thể nắm tay nhau?

https://phituyet.com/phat-tu-va-thien-chua-tu-tai-sao-khong-nam-tay-nhau-christ-budda-good-friends/

câu cuối trong bài: Tôi chợt nhớ đến câu nói của Osho “Mỹ là đất nước đạo đức giả” không phải là không có nguyên do.

À tiện nhắc tới nguyên do mới nhớ, thôi quay trở lại chủ đề ban đầu nhé: Đề phòng bạn quên béng tôi đang viết về cái gì thì xin nhắc lại vậy: Cảm giác tội lỗi khiến chúng ta không hạnh phúc.
Giờ tới nguyên do thứ hai lý giải tại sao tôi luôn cảm thấy cắn rứt, có lỗi trong mọi sự:

Ấy là vì tôi sống tự lập một mình đã quá lâu, từ hồi nhỏ xíu. Điều ấy khiến tôi luôn phải tự ra mọi quyết định cho bản thân mà không dựa vào ai, lệ thuộc ai. Khi mình ý thức được mọi sự là do mình chọn thì hẳn nhiên mình không đổ lỗi cho ai được khi có chuyện không vừa ý xảy ra. Cái thói quen mọi sự là do mình, tại mình ấy đã biến tôi thành người quá trách nhiệm đến mức kì cục, đến mức nhiều chuyện không liên quan cũng là do mình cả. Tất nhiên điều này có cái tốt là nó giúp bạn không đổ trách nhiệm lên ai mà ngược lại luôn phấn đấu hơn nữa để nhận nhiều trách nhiệm hơn. Nhưng mặt xấu là khi một người có quá nhiều trách nhiệm thì hẳn nhiên làm sao họ hạnh phúc được? Trách nhiệm đè nặng mỗi chúng ta không giống như núi đá đè lên Tôn Ngộ Không mà giống như vòng kim cô ấy. Cứ siết vào đời ta một cách vô hình, biến ta thành nô lệ. Ai mà hạnh phúc khi đang là nô lệ chứ? Ngộ Không là một dạng nô lệ tự nguyện hệt như chúng ta vậy.

Mặc cảm tội lỗi thường khiến chúng ta trở nên nhỏ bé, tự ti, tiêu cực. Nhìn ra được cái sự thật dở hơi ấy, tôi đã đề ra cho mình một mục tiêu mới: Thoát khỏi mặc cảm tội lỗi để sống cuộc đời thanh thản hơn. Đó cũng chính là lý do tôi không đi nhà thờ nữa, vì nhà thờ ngoài việc nhắc nhở tôi là kẻ tội lỗi, tội đồ, kẻ đáng chết, kẻ đáng khinh bỉ, đáng xót thương… ra thì nó chẳng hề cho tôi một chút nào của kẻ tự trọng, kẻ trách nhiệm. Nhà thờ biến tôi thành kẻ xin xỏ, đòi hỏi, đổ trách nhiệm và thích than van. Tôi từ chối đến nhà thờ, đồng nghĩa với tôi tự nhận trách nhiệm “cứu chuộc” về chính mình. Tôi nghĩ những cách để sống tốt, sống đúng tinh thần yêu thương bác ái mà Jesus rao giảng thay vì chỉ chạy theo những nghi thức lễ lạc và lời hăm dọa về một tương lai bị tống vào hỏa ngục. Tôi nhận trách nhiệm biến đời mình thành Eden, thành vườn địa đàng, thành thiên đường thay vì trông chờ vào một thiên đường nào đó sau khi chết. Và tôi tin, mình sẽ không xuống địa ngục như lời ba mẹ tôi vẫn nói đâu.

Nếu cảm giác tội lỗi biến mất, tôi tin chẳng có ai đến nhà thờ nữa. Họ đến đó vì cả đống tội họ đã phạm cần được xin tha thứ, họ đến đó vì họ được nói rằng nếu không đi thì sẽ có tội. Đấy, càng vòng luẩn quẩn ấy không phải vòng kim cô thì là gì.

Khi viết những dòng trên về ông chú xe rim, tôi nhớ bố, tôi nhắn tin qua facebook cho mẹ “Sao lâu rồi không thấy bố gọi điện hay nhắn tin cho con nhĩ? Có khi bố quên cả con gái rồi. Mẹ bảo bố là con gái rượu nhắn chào bố nhé” Sáng nay tôi nhận được tin nhắn của mẹ “Bố thất vọng về đứa con gái không đi nhà thờ còn chống đối. Bố không muốn gọi điện nữa.” Thật là buồn!
Nhưng cũng thật là may mắn làm sao khi tôi sống độc thân từ sớm nên không có nhiều mối quan hệ với chính gia đình mình, điều ấy đã gỡ tôi khỏi mối mặc cảm tội lỗi to lớn nhất: cảm giác có lỗi với cha mẹ, với gia đình. Bạn có cho là tôi bất hiếu không? Tôi thì không? Tại sao tôi lại bất hiếu khi mà tôi sống rất tốt, rất trách nhiệm, rất yêu thương, rất chia sẻ? Tại sao tôi lại bất hiếu khi mà tôi chỉ muốn làm những điều tốt nhất cho mình: sống độc thân, sống tự do, sống hạnh phúc? Quan điểm về chữ hiếu là một trong những vòng kimco quyền lực nhất kìm hãm con người hạnh phúc và tự do.

Nhân nói đến chuyện này, tôi sực nhớ về cuốn sách của mình mà mới nhận được lời từ chối xuất bản vì lý do bên kiểm duyệt đánh giá là nhạy cảm. Tại sao lại là nhạy cảm khi tôi chỉ nói lên những sự thật về đất nước, con người Việt Nam? Về văn hóa, truyền thống, lịch sử, truyền thông hiện tại? Họ nói nó nhạy cảm có lẽ vì nó phá vỡ những cái vòng kim cô quyền lực giam giữ tự do và hạnh phúc của con người. Trong cuốn sách ấy tôi nói về mặt trái xấu xí của nếp văn hóa lúa nước, của truyền thống Khổng gia, của nhà tù gia đình. Vâng, tôi đã viết về những thứ ấy và vì vậy mà nó không được xuất bản. Thật là buồn, lần hai. Lần buồn này có pha cả buồn cười nữa chứ không chỉ mỗi buồn đau. Đương nhiên tôi là kẻ không bỏ cuộc dễ dàng như thế, bởi vì “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách” mà đúng không? Nhưng còn câu “Khi không muốn ta tìm lý do” cũng có một nghĩa khác nữa – như tôi đang làm đây. Tìm lý do không phải để biện minh và trốn chạy, nhưng là tìm lý do để giải thích cho hiện tượng và rồi từ các lý do ấy mình mới có thể nảy ra cách mà thay đổi nó được chứ. Tìm cách khi chưa biết nguyên do sẽ giống như việc diệt cỏ không diệt tận gốc vậy, cỏ sẽ mọc lại hoài.

Quay trở lại một chút với những mặc cảm tội lỗi chúng ta thường gặp và cách hiểu đúng để thoát khỏi nó:
– Bạn không có lỗi khi sống theo cách riêng của bạn, miễn là nó không làm hại tới bất cứ ai.
– Bạn không có lỗi khi không thể làm cho tất cả mọi người yêu thích bạn. Bạn không có trách nhiệm phải làm mọi người yêu thích mình. Không ai có thể cả.
– Bạn không có lỗi khi nói ra sự thật, bất kể sự thật ấy gây đau đớn cho người nghe. Nếu ai đó giận bạn chỉ vì bạn nói sự thật, thế thì không cần làm bạn với họ cũng được.
– Bạn không có lỗi khi theo đuổi những mục tiêu của riêng mình, dù cho những mục tiêu ấy bị chê cười hay phản đối.
– Bạn không có lỗi khi bạn khác biệt. Bởi vì khác biệt là món quà, không phải lỗi lầm gì cả.
– Bạn không có lỗi khi rời xa khỏi những người độc hại đối với cuộc đời bạn.
– Bạn không có lỗi khi bạn bỏ cuộc vì mệt mỏi và chán nản.

Nhưng bạn có lỗi với cả thế giới này, khi bạn không hạnh phúc.

Tôi đã học được cách để vượt lên trên cảm giác có lỗi ấy, để mà sống mỗi ngày thật vui tươi, hạnh phúc và ý nghĩa.
Nếu như chúng ta có thể hạnh phúc với những gì mình làm, chúng ta không có lỗi với ai cả.
Mà thôi,
Viết tới đây thì mệt rồi, thôi không viết nữa.
Học cách viết và ngừng giữa chừng mà không cảm thấy có lỗi xem sao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *