Là học sinh, bạn hạnh phúc chứ?
Giống như hàng triệu học sinh trên cả nước, bạn đi học buổi sáng, chiều học thêm trên trường và tối có khi còn có từ 1-2 ca học thêm nữa. Tôi cá rằng bạn không hề lấy làm vui cho một thời gian biểu cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt 12 năm đến trường. Đi học không hề vui. Và tự học không hề hiệu quả( nếu bạn không có chí và không đủ kiên nhẫn). Chả thế mà “họ” cấm dạy thêm mà các lớp học ngoài giờ vẫn mọc lên như nấm đó thôi! Học là quyền lợi- nhưng học cũng là nghĩa vụ. Dù cho chúng ta không muốn nhưng chúng ta vẫn buộc phải làm.
Có thể nhiều người sẽ không đồng tình với một số quan điểm của cá nhân tôi, hãy cứ phê bình và chỉ trích nếu bạn muốn, nhưng tôi tin rằng, sẽ có rất, rất nhiều người học sinh có cùng suy nghĩ với tôi, chỉ là họ không muốn chia sẻ, hoặc… không dám viết hay nói ra mà thôi.
Trở lại nhé, đi học thực sự rất chán! Chán ngắt!
Nhà văn yêu thích của tôi, chị Phi Tuyết, cho rằng mọi người đều cảm thấy chán, chán nhiều thứ, hoặc mọi thứ. Còn chúng ta, những người học sinh thì có lẽ chán nhất là học, và đi học. Có nhiều thứ khi đã chán ta có thể thay đổi, lại có những điều khiến ta bất lực, ví dụ như… học!
Học không phải là nguồn gốc của cái chán đối với chúng ta, chỉ là ngành giáo dục làm cho nó trở nên chán mà thôi. Vâng, họ không ngừng thay đổi, nhưng càng thay đổi thì lại càng rối rắm, càng làm khổ học sinh mà thôi. Tôi không muốn so sánh với người khác, hay bị người khác so sánh, nhưng lại có quá nhiều kì thi để người ta cạnh tranh, ganh đua, đánh giá nhau dựa trên một đề bài và căn cứ vào điểm số. Điểm toán tôi cao hơn T(cậu bạn học giỏi toán nhất lớp) trong kì thi vào 10- tôi có thể học toán giỏi hơn bạn ấy ư? Điểm văn giữa kì bạn cao hơn tôi, đừng bao giờ ảo tưởng rằng tôi dốt văn hơn bạn. Không có một bài thi nào có thể đánh giá được năng lực toàn diện của một học sinh. Vậy thì, tại sao các thầy cô, các bậc phụ huynh lại đặt nặng vấn đề thành tích, nhận định khả năng thành tài của học sinh dựa trên phiếu điểm mà không màng tới năng khiếu và thế mạnh của bạn? Nếu ai đó, bạn bè hay thầy cô của Louis Pasteur cho rằng ông ấy sẽ phải đi học nghề nào đó để kiếm cơm với thành tích học tập khá kém của mình và ngay cả ông ấy cũng cho rằng như vậy thì ai sẽ là người phát minh ra vacxin dại? Ai sẽ thay ông trở thành nhà bác học lỗi lạc của thế giới? Những kẻ đã từng khinh bỉ ông ư?
Đạt được thành tích chưa bao giờ là một niềm vui cả. Thật đấy! Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn sẽ hạnh phúc khi bạn trở thành học sinh trong TOP đầu của lớp, hay đứng nhất khối đi chăng nữa. Khi bạn đạt được thành tích ấy, thứ bạn nhận được chỉ là sự mệt mỏi, những ánh mắt ghen tị, không phục và cả những lời bịa đặt bạn không bao giờ ngờ tới. Bản thân tôi, trước khi được học sinh trong trường biết tới, các thầy cô nhớ tên và ban giám hiệu chào đón, tôi là một hoc sinh bình thường, rất bình thường trong lớp. Tôi học đội tuyển văn nhưng ngoài sự quý mến của cô Văn thì chả được lòng ai, từ cô chủ nhiệm, các thầy cô bộ môn đến bạn bè trong lớp, thậm chí có lúc tôi bị cả lớp tẩy chay- đó là quãng thời gian tăm tối nhất cuộc đời học sinh, tôi muốn chuyển trường và nhiều lúc còn nghi ngờ mình bị trầm cảm. Sau đó, tôi thề, tôi thề rằng tôi phải trở thành một học sinh xuất sắc, khiến bọn họ phải nhìn tôi bằng con mắt khác, để bố mẹ, thầy cô cũng không thể xem thường tôi được nữa. Trong các kì thi hàng tháng tiếp theo thì mọi bài thi văn của tôi đều được 9 điểm, các bài kiểm tra trên lớp điểm 10 chiếm đa số, còn Toán tôi cũng được trung bình là 8,4. Tôi bắt đầu được “chú ý” hơn, nhưng là sự chú ý chẳng hề có ý tốt. Thành tích tốt nhất hồi cấp 2 của tôi là giải Quốc gia của cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em (UPU46). Khi nhận được thông báo đoạt giải của Bộ thông tin và truyền thông, tôi đã không kiềm chế được mà nhảy cẫng lên vui sướng. Lúc đó tôi ngây thơ tới mức nghĩ rằng các bạn trong lớp sẽ chúc mừng thành tích của tôi, nhưng tôi chẳng cần ai ngưỡng mộ mình cả. Một hôm đến lớp sớm tôi mới biết rằng họ cực kì “không thể ưa nổi”, “cảm thấy chán ghét” và dành cho tôi những lời lẽ tổn thương nhất. Nhưng có lẽ sốc nhất là khi tôi biết tin cô bạn thân cùng tham gia dự thi với tôi đã tuyên bố với tất cả mọi người rằng tôi “ăn cắp” bài làm của cô ấy để đạt giải. Bạn có tin được người bạn tôi coi trọng nhất lại đối xử với tôi như vậy không? Vậy mà nó đã thực sự xảy ra đấy. Tôi biết họ nói gì sau lưng tôi. Nhưng tôi không giải thích. Tại sao ư? Vì chưa bao giờ tôi cố gắng làm cho ai đó tin tưởng mình cả, dù có bị hiểu lầm thì tôi cũng sẽ không giải thích. Tôi vẫn luôn kiếm tìm người có thể tin tưởng tôi vô điều kiện, dù cho cả thế giới quay lưng với tôi thì tôi cũng chỉ cần người bạn ấy bên cạnh thôi, nhưng sao khó quá!
Ngoài giải QG, tôi cũng có 2 giải thành phố, 1 giải Nhất và 1 giải Nhì nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy thất vọng về bản thân và luôn yêu cầu mình phải chinh phục được những mục tiêu lớn mà nhiều người sẽ cho rằng đó là điều viển vông đối với tôi. Mâu thuẫn nhỉ, tôi khuyên bạn không nên so sánh, không nên chạy theo thành tích nhưng cá nhân tôi lại coi trọng thành tích như vậy đấy. Có lẽ tôi cố gắng như vậy, đôi khi là “liều mạng”, viết đi viết lại bài dự thi ấy gần 20 lần chỉ để “ tạm hài lòng” mà gửi đi, chỉ để khẳng định rằng mình không phải là một đứa kém cỏi chăng? Tôi phấn đấu vì điều gì? Cũng có khi tôi nghĩ rằng mình cố gắng đạt được những thành tích ấy là để bố mẹ vui lòng, suy đi tính lại chắc cũng chỉ vì lẽ đó thôi. Nhưng tôi không hạnh phúc! Tôi không hề thấy vui vẻ khi cứ phải cố gắng, cố gắng để bản thân được công nhận, cố gắng để thầy cô tự hào, cố gắng để không bị quên lãng như một học sinh vô danh, cố gắng để gia đình hãnh diện, và cố gắng để… đạt được thành tích! Tâm sự đôi chút về tôi như vậy thôi, nếu bạn tìm thấy điểm chung nào với bản thân mình, đừng đi theo lối mòn ấy nhé. Đừng cố quá nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, mà lòng tham con người vô đáy lắm, khi đạt được rồi lại cứ muốn nhiều hơn -cứ gồng mình lên thì chúng ta sẽ càng đau khổ, phải không nào?
Giờ đây, khi lên cấp 3, tôi lại chọn cách trở về với “hình tượng” một học sinh khá, không quá nổi bật trong lớp, chỉ có thói quen đọc sách và viết lách của tôi vẫn chẳng hề thay đổi. Tôi chọn cách đi chậm lại, để tìm lại được cảm giác bình yên. Bởi vì, “Người không so sánh, người không phán xét, người không đua tranh… ấy là người hạnh phúc.”- Phi Tuyết.
Tuổi học trò phải là lứa tuổi hồn nhiên, vô tư và ắp đầy kỉ niệm tươi vui nhất cuộc đời, nếu bạn đang cảm thấy buồn, chán, thất vọng, áp lực thì hãy tìm nơi nào đó hét lên thật to, hay cười thật lớn, mở những bản nhạc sôi động “quẩy” để tìm lại khoảng thời gian không âu lo mà ta đã đánh mất, bạn nhé~!
Cảm ơn vì đã đọc đến tận dòng này, thân ái!
HP, 16/8/2018
T.N – Cỏ May Mắn
Phi Tuyết: Tôi rất đồng cảm với em. Bản thân tôi cũng là một học sinh giỏi những năm tháng cấp 2, tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi nhất khối vào năm lớp 8, may mắn thay càng ngày học càng đỡ giỏi đi một tí để rồi sau cùng tốt nghiệp Cao đăng chỉ với một tám bằng trung bình-khá. Tôi nhận ra cái sự học giỏi, rất giỏi ở cấp 3 chẳng có mấy ý nghĩa gì cả đối với cuộc đời này – về lâu về dài. Nhưng việc học giỏi lại đang là một mục tiêu, một trách nhiệm và cả một chiếc còng tay trói chặt cuộc đời những em học sinh. Tôi nhìn thấy cảnh ấy và tôi đau lòng. Làm sao tôi có thể giúp họ nhận ra rằng cuộc đời này rất nhiều thứ đáng làm, đời thiếu niên là khoảng thời gian tuyệt đẹp, đừng chỉ phung phí nó vào việc học? Nếu tôi nói như vậy có lẽ tôi sẽ trở thành kẻ thù của toàn bộ các phụ huynh học sinh mất. Nhưng ý tôi không nói rằng sự học là vô ích mà ý là việc học thật sự vốn bao la và thú vị hơn rất nhiều so với sự học lý thuyết giáo điều trong sách giáo khoa. Việc học nên được làm nhẹ lại để các em dành thời gian cho những hoạt động quan trọng khác: thể thao, ngoại khóa, học kĩ năng, đọc sách, phát triển và nuôi dưỡng đam mê (viết lách, chơi cờ, viết lập trình, sáng tạo máy móc, hướng đạo viên, du lịch…)
Nhưng thôi, tôi là ai mà dám thay đổi tư duy của phụ huynh về cách giáo dục con cái họ?
Cho nên, các em thân mến. Nếu như các em đọc được những dòng này, hãy can đảm, hãy mạnh dạn lên. Cha mẹ các em có thể không nghe các em, không quan tâm các em muốn gì, thầy cô cũng không bận tâm về ước nguyện và năng khiếu của các em. Nếu như các em thấy mình không được lắng nghe chút nào, không được thấu hiểu. Nếu như các em thấy mệt mỏi và hoang mang, hãy chia sẻ với chị. Hãy viết suy nghĩ của các em và chị sẽ chia sẻ lên đây cho những bạn trẻ khác cũng có thêm can đảm cất lên tiếng nói của họ. Chị tin rằng dần dà khi thật nhiều tiếng nói cất lên, chúng ta sẽ tìm ra cách để thay đổi, để mỗi người chúng ta đều có thể sống hạnh phúc hơn.
Chị xin chào các em và chúc chúng ta luôn được sống cuộc đời thật xinh đẹp, thật hạnh phúc.
P/s: Đứa nào ước được quay trở lại thời học sinh, hẳn là đứa ấy đang “vô tình” quên đi những lần thi cử haha