Sống tử tế là gì? Be kind to people, not because they are kind but you are

Sống tử tế với mọi người, không phải vì họ tử tế, mà vì mình tử tế…

Tử tế là gì? Tôi chẳng biết, chẳng định nghĩa được. Nhưng nếu buộc phải định nghĩa về tử tế, tôi cho rằng đó là khi chúng ta đối xử tốt với nhau. Làm cách nào để sống tốt với nhau, theo tôi chỉ có một cách đơn giản nhất: hãy đặt mình vào vị trí của người khác, như câu nói: đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.
Khi ta đặt mình vào vị trí của người đối diện, ta mới có thể hiểu được họ, đồng cảm được với suy nghĩ, hành động của họ. Khi đồng cảm rồi, chẳng có gì mà không thể chấp nhận hay thứ tha – đó chẳng phải chính là bản chất của Từ Bi trong đạo Phật và Yêu thương bác ái trong đạo Công giáo đó sao?

Sáng hôm qua(18/8), như mọi ngày tôi đến quán café quen, mang theo cuốn sách “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách” để tặng cho Vi – cô bé độc giả mà nay đã phần nào trở thành bạn, tôi hứa sẽ tặng cô cuốn sách này từ bữa giờ. Nhưng khi đến quán café, tôi đổi ý và tặng nó cho các bé nhân viên ở quán bởi vì chúng tôi khá thân nhau và tôi muốn tặng các em một món quà gì đó nhân dịp một ngày đẹp trời. Sáng nào tôi cũng uống cappuccino ở đó, chỉ cần thấy tôi tới là các bé biết liền tôi uống gì và mỗi lần tôi trả tiền, các bé ấy sẽ tự động gom cả đống giấy bill đã in để đưa cho tôi. Tôi hay dùng các giấy bill ấy để kẹp lại thành một cuốn “sổ tay handmade” vì toàn bộ mặt sau của các tờ bill đều trắng tinh có thể sử dụng được (không khuyến nghị các bạn dùng vì chính tôi cũng chưa biết giấy đó có tác hại gì không). Thật ra tôi muốn các em ấy đọc là vì trong sách có một chương gồm 5 bài viết tôi viết về những bài học tôi có được bên tách Cappuccino, tôi muốn các em – những người làm ra tách cappu cũng đọc được những bài học ấy.

Như đã nói, cuốn sách ấy đáng lẽ tôi dành cho Vi, cô bé ấy đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn của cuộc đời. Có thể nói là điểm đen tối nhất của cả đời cô ấy: Tình cảm, tiền bạc, lòng tin, sức khỏe… mọi thứ như sụp đổ cùng một lúc. Cô ấy cô đơn và cần người để tâm sự. Mấy nay chúng tôi rất hay nói chuyện cùng nhau là vì thế. Thành thật với bạn, tôi không thích nghe tâm sự buồn của mọi người ngày này qua tháng khác, tôi thấy oải lắm vì mọi người tuy luôn nói rằng họ cần lời khuyên nhưng thật ra họ không, thật ra cái họ cần không phải lời khuyên mà là một chút can đảm để chấp nhận sự thật mà thôi. Tôi có thể cho lời khuyên nhưng tôi không thể cho lòng can đảm, vì vậy, tôi chán nghe tâm sự lắm nhất là khi tâm sự ấy mỗi ngày mỗi ngày lại giống hệt nhau – dù cho đến từ những người khác nhau.
Sáng ấy cô bé nhắn tin cho tôi và nói rằng “Em sao thế này, tại sao bản thân lại không hề có chút lý trí nào thế này” – tôi nói “Em nói đúng rồi đấy, em đang mất hết lý trí rồi, nhưng trong hoàn cảnh của em thì ai cũng sẽ vậy thôi”
– Em có nên abc xyz không?
– Em hỏi câu này bao nhiêu lần rồi và chị cũng trả lời bao nhiêu lần rồi, chị chán trả lời lắm rồi vì quan trọng là em còn không biết em muốn gì nữa. Em đừng hỏi chị, em tự hỏi bản thân mình ấy, rằng em muốn gì.
– Chị nói đúng, em còn chả biết mình muốn gì. Dù sao cũng cảm ơn chị vì đã kiên nhẫn lắng nghe em.
– Ừ, thật ý, chị thấy chị kiên nhẫn lắm luôn rồi ý. Như bình thường là chị lơ luôn hay chửi luôn rồi ý chứ. Kiểu như: em không biết nên làm gì, thì sao mà chị biết? Em không biết em muốn gì, thì làm sao chị biết?
– Ôi em thấy mình thật là điên.
– Đúng vậy, em là đồ điên, đồ Vi điên, lêu lêu.
Cô bé phá lên cười làm tôi thấy nhẹ cả người, vì quả thực tôi không phải là người kiên nhẫn đến mức cứ đi nghe một câu chuyện than van ngày này qua tháng khác. Điều lớn hơn nữa khiến tôi thấy tuyệt vời, ấy là chuyện tôi nói thật với em ấy rằng tôi chán nghe chuyện này lắm rồi, chán cho lời khuyên lắm rồi. Ôi dám thừa nhận cảm xúc của mình sao mà tuyệt thế.

Vậy mà chúng ta thì sao? Chúng ta luôn che giấu cảm xúc thật của mình và bao bọc nó bằng những từ ngữ giả, cảm xúc giả. Tất nhiên có nhiều lý do để ta làm như vậy và tôi cũng nhiều lần làm như vậy. Ví dụ như lúc đầu cô ấy gọi cho tôi rất nhiều cuộc gọi, tôi từ chối hết. Tôi nhắn lại “em nhắn ở đây này, chị đang bận không nghe điện thoại được” nhưng sau đó tôi nghĩ lại rồi nhắn thêm “Chị không nghe điện thoại thật ra là vì chị không muốn nghe đấy, không phải chị bận đâu” – Cái khoảnh khắc thừa nhận điều ấy, tôi cảm thấy vừa tuyệt vừa có lỗi. Nếu như cô bé giận thì hẳn là phần có lỗi sẽ lớn lắm nhưng may sao cô bé cười cho nên phần tuyệt vời trở nên lớn hơn.
Tôi thấy rằng, tử tế chính là như vậy đấy. Là mình thừa nhận với nhau những cảm xúc thật. Mình lắng nghe nhau, mình an ủi nhau nhưng mình cũng phải giúp nhau nhận ra bản chất vấn đề nữa chứ không chỉ là mỗi giả vờ lắng nghe xong rồi thôi. Và bản chất vấn đề càng đi sâu càng dễ nhận ra rằng nó nằm ngay trong chính bản thân mình chứ chẳng phải nằm ở đâu cả. Mình đau khổ, cứ tưởng do người này người kia làm cho mình khổ. Không phải đâu nha. Do mình hết đấy. Do mình ngu, do mình mù, do mình yếu đuối không dám chấp nhận sự thật và do mình quá vô trách nhiệm không chịu nghĩ cách thoát khỏi cái khổ đấy thôi.
Lần thừa nhận cảm xúc này khiến tôi thấy tuyệt quá cho nên tôi quyết làm thêm lần nữa khi một anh độc giả nhắn tin “Combo sách với giỏ của tui đâu Phi Tuyết, sao tui chưa nhận được nữa nè” Tôi nhắn trả lời anh “Có rất nhiều lý do để biện minh cho chuyện chưa gửi hàng đi, nhưng mình thừa nhận sự thật là vì mình lười đấy. Vì lười nên chưa đi gửi ấy. Mong bạn không giận nha” Và đúng là anh chàng không giận thật chắc vì thấy lời thú nhận dễ thương quá. Tôi lại thấy tuyệt. Chà chà, việc thừa nhận sự thật này xem bộ hay à nha, tôi sẽ phải duy trì nó thật nhiều mới được.

Rời quán café buổi sáng hôm ấy, tôi lên văn phòng làm việc thì phát hiện ra mình để quên chìa khóa ở đâu không nhớ. May quá cô tạp vụ đang ở đó nên tôi nhờ cô mở cửa. Cô tạp vụ này không lạ gì tôi bởi vì chúng tôi chào hỏi và nói chuyện với nhau mỗi ngày. Hôm nọ tôi nói “Cô, con mới mua một mớ cam đang để ở nhà, mai con mang lên đây, chúng mình vắt nước uống với nhau nha” Cô nói “Lại còn uống với nhau luôn mới chịu hả?” Tôi nói “Nói vậy nghe cho dễ thương. Chúng mình là người đẹp mà nên mình nói chuyện cũng phải dễ thương vậy chớ” Cô cười lớn. Chả là chúng tôi hay gọi nhau “người đẹp, người đẹp” mỗi khi thấy mặt. Tôi chào cô “chào buổi sáng người đẹp” cô cũng chào “Chào con đẹp” Mới đầu cô còn ngại lắm, nói “Cô mà đẹp gì nữa” Tôi nói “Cô có năng lượng rất đẹp, mỗi sáng thấy cô là con thấy vui tươi yêu đời liền” cô cười tít mắt “Con mới đẹp đó. Ở cái văn phòng này toàn người đẹp” “Vâng, nhiều người đẹp quá bực hết cả mình” “Ơ sao thế” “Thì nhiều người đẹp quá, mình bực mình chứ cô vì mình không đẹp bằng họ” – hai cô cháu phá ra cười. Không hiểu sao tôi lại có thứ năng lực khiến mọi người cười nhiều thế chứ. Tôi khoái lắm nên chọc mọi người cười hoài.

Tử tế phải chăng là như thế? Là mình mang niềm vui và nụ cười đến cho nhau, đến với những người bình thường nhất xung quanh, mà không phải vì mục đích tư lợi gì cả?

Mới chiều nay tôi bắt một chuyến Grab, chàng trai trẻ đến đón tôi đi một chiếc xe độ với những món phụ kiện gắn khắp xe. Một trong số đó là hai cái đồ để chân cao tít, nghĩa là có tới 4 cái đồ để chân cho người ngồi sau. Tôi nhìn thấy thế thì chọc “Cái gì thế này em?” Cậu bé giải thích “Đồ để chân đó chị, để chị thích để chân ở đâu thì để”. Một tài xế grab khác đang đợi khách thấy thế liền nhập cuộc “Thấy chiều khách ghê không? Quá trời chỗ để chân muốn để đâu thì để nha, lùn cao thấp gì cũng để được hết” Tôi nói “Con tưởng đâu cái này là để cho những vị khách đặc biệt nào mà có… 4 chân á chứ” Mọi người phá lên cười. Tôi tiếp “Hoặc là xe này để dành chở riêng mấy ông say rượu, mấy ông mà không ngồi nhưng nằm bẹp trên xe. Thế thì họ sẽ có 2 chỗ để chân và 2 chỗ để tay”. Ai cũng cười và chúng tôi rời đi. Trên đường đi tôi lại kiếm chuyện chọc cười bạn tài xế trẻ khi thấy đầu xe bị bể nát, cậu bé giải thích “Do em đập người ta xong người ta kéo đến đập lại em mà không đập được em nên họ đập xe em” – “Trời ơi ghê vậy, em chọc giận giang hồ hả?” – “Không chị, người trong nhà không á. Anh em uýnh nhau” Tất nhiên tôi không phán xét hay chê bai gì mà chỉ đệm thêm vài câu vui vui như là “Chà, thời này người trong gia đình thể hiện tình cảm theo cách đặc biệt quá em nhỹ!”. Khi xuống xe tôi nói thêm với cậu “Chúc em nhiều khách nha, đừng mà đừng khách nào có 4 chân nha” Lại cười, rồi lại đi!

Trở lại chuyện hôm qua, sau khi vào được trong văn phòng nhờ sự giúp đỡ của cô tạp vụ, tôi hoàn thành hai bài viết trên blog về nụ cười và lòng tử tế rồi sẵn sàng đến một cuộc hẹn ăn trưa. Tôi sẽ đi gặp một người đàn ông da đen. Vâng, lần đầu tiên trong đời tôi đi gặp một người da đen. Mấy nay tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của người nước ngoài ở Việt Nam nên đi hẹn gặp người nước ngoài khá nhiều, gần như mỗi ngày. Nhưng đa phần là da trắng mà thôi, lần này tôi quyết tâm đi gặp một người da đen để cho bản thân một cơ hội tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh của cuộc sống. Vì thú thật, mỗi chúng ta đều mang trong mình những tâm trí phân biệt dù nhiều hay ít. Tôi nhìn những người da trắng và những người da đen thì thường chọn gặp người da trắng nên lần này tôi muốn cái gì đó khác lạ. Chúng tôi đã nói chuyện qua điện thoại vài lần và anh chàng là một người rất lịch sự tử tế. Tôi nói thẳng với anh chàng rằng đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một người da đen. Anh chàng nói “Hi vọng tao sẽ không làm mày thất vọng” Buổi nói chuyện diễn ra rất vui và cực kì tốt đẹp. Anh chàng da đen nhưng là người Mỹ, rất học thức, rất tử tế lịch thiệp. Tôi sẽ kể về cuộc gặp ở cuốn sách khác nhưng điều quan trọng ở đây mà tôi muốn nói là… gì nhờ tự nhiên quên mất?… À, điều quan trọng là khi chúng ta dẹp bỏ được cái tâm trí phân biệt, phán xét, so sánh qua một bên thì tự nhiên chúng ta sẽ phần nào trở thành người tử tế. Tử tế là khi bạn chấp nhận và tôn trọng tất cả mọi người, với tư cách một con người bình đẳng và đầy thứ để học hỏi, chứ không vì những thứ như màu da, sắc tộc, tôn giáo, địa vị hay gì cả. Ấy cũng chính là tử tế ha!
Tôi đến buổi hẹn trễ tới hơn nửa tiếng đồng hồ. Vì mưa to bất chợt một phần, phần lớn còn lại là vì tôi không thể bắt được một chiếc taxi hay grab car nào cả. Tôi đổi ý, chuyển qua bắt một chiếc grab xe máy, chỉ để thật nhanh đến chỗ hẹn – khá gần văn phòng tôi, chỉ tầm 15 phút đi bộ. Vậy mà thật lâu mới tìm được tài xế, mưa gió mà, người ta không muốn ra đường cũng là lẽ tất nhiên.

Khi tôi có tài xế đầu tiên, cậu ấy bị lạc và ngày càng rời xa chỗ tôi đang ở, gọi cho cậu không liên lạc được, hết cách lại không muốn đợi quá lâu, tôi hủy bỏ chuyến đi và book lại một chuyến khác. Lần này ai dè cũng phải đợi lâu không kém vì tài xế một lần nữa – đi lạc. Khu này đường một chiều nhiều nên các tài xế không quen đường cứ chạy lòng vòng như thể đang chơi game trong mê cung vậy. Tôi gọi cho cậu, cậu nói chị đợi em thêm chút nữa. Tôi Ok nhưng càng đợi lại càng thấy cậu di chuyển đi xa mãi xa mãi. Tôi nổi cáu thật sự. Không chịu đựng thêm được nữa, dù rằng anh chàng da đen kia liên tục trấn an “Không sao đâu, tao đợi được – Mày muốn ăn gì tao order cho – Đồ ăn ra rồi này, mong là mày đến kịp trước khi đồ ăn bị nguội” Tôi ngại quá, xấu hổ quá nên quyết định chạy bộ dưới mưa đến cuộc hẹn, may sao mưa vừa nhỏ bớt không còn to lắm. Tôi chạy đến nơi tuy không đến nỗi bị ướt nhẹp nhèm nhem nhưng cũng khá ướt, đầu tóc bết lại, giày lõng bõng. Tôi bước vào quán café sang trọng nơi anh chàng đang đợi tôi với một dĩa bít-tết ngon lành đã sẵn sàng chỉ chờ tôi ăn.

Quên cái này cũng khá quan trọng, trên đường chạy tới chỗ hẹn tôi lôi điện thoại ra gọi cho bạn tài xế. Bạn ấy lại nói đợi em tí nữa em sắp đến rồi” Xạo thế chứ nhìn trên bản đồ thấy em ấy đang đi xa tít mù. Tôi nói “Chị không đợi nổi nữa vì quá trễ rồi mà em cũng đang xa quá. Nhưng chị không muốn bấm cancel nên em hãy bấm là đã đón khách và hoàn thành chuyến đi rồi nha” Bạn ấy bối rối “Chị đợi em tí xíu thôi mà” Tôi bắt đầu cáu vì trời vẫn đang mưa và tôi đang chạy bộ hết tốc lực dưới mưa nên gắt: “Không, chị muốn em bấm nhận khách và trả khách an toàn rồi cơ. Chị đến gần tới nơi rồi. Em khỏi đón nhé.” Cậu bé giờ mới hiểu ra, cảm ơn lẫn xin lỗi rối rít. Tôi cũng tự mỉm cười một mình vì cảm giác mình không làm cậu ấy bị mất công, dù rằng tôi mới là người mất công lẫn ướt nhẹp.

Tử tế có phải là khi mình thấu hiểu cho hoàn cảnh của người khác và rồi không nổi cáu khi việc không xảy ra giống ý mình? Và rồi sau đó mình sẽ lại được người khác thấu hiểu cho hoàn cảnh của mình? Hẳn rồi. Anh bạn da đen tên J. đã rất tử tế và thông cảm với tôi, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất tuyệt về chủ đề văn hóa – tôn giáo. Sau khi anh bạn đi khỏi, tôi ngồi lại quán đọc sách cho đến khi chị P. một chị bạn khá thân rủ tôi đi uống rượu vang. Tôi đồng ý.

Tôi đi bộ qua chỗ chị một đoạn đường khá đẹp và mưa vẫn lất phất. Trên đường đi, tới ngay góc ngã tư trước Vincom tôi thấy một chiếc xe máy đang bị đổ kềnh ra đường, một người phụ nữ đang loay hoay dựng xe lên mà dựng hoài không được. Những người khác dừng đèn đỏ xung quanh nhưng không ai muốn xuống xe cả vì trời vẫn đang mưa lất phất. Tôi lại gần, hóa ra là một bà cụ có lẽ tầm 60-70 đang loay hoay bên chiếc xe, đứng phía sau bà là một cậu trai trẻ bị mắc hội chứng Down. Cậu bé trông lớn tướng nhưng khuôn mặt ngô nghê cứ chỉ tay về phía khác mà lẩm bẩm “Có tông xe đàng kia, có tông xe đàng kia” Người phụ nữ già tội nghiệp vẫn đang loay hoay mãi, bà quá già để dựng lại chiếc xe của mình dù cho đó chỉ là một chiếc xe cub 50. Tôi chạy lại và đỡ xe dậy cùng bà, bà nói “Ôi không hiểu sao tự nhiên nó bị chết máy xong đổ kềnh ra, nâng mãi không được, cảm ơn cháu” Tôi “vâng” nhè nhẹ mà mắt cay xè như muốn khóc, có khi tôi bật khóc ngay lúc ấy rồi mà vì mưa nên không biết đó là nước mắt hay nước mưa. Tôi thấy buồn quá, tại sao không ai xung quanh chịu bước xuống xe đỡ bà cụ cả? Kể cả những vị khách du lịch nước ngoài xung quanh. Sự tử tế đâu hết rồi? Tình thương, sự đồng cảm của mọi người đâu hết rồi? Mỗi lần gặp chuyện như vậy tôi lại nghĩ tới ba mẹ mình, nếu đây là mẹ tôi và em tôi, bị đổ xe giữa đường không ai giúp đỡ, tôi sẽ cảm thấy sao? Thật đáng sợ. May mắn thay một chiếc xe máy dừng lại kế bên tôi, một anh trai dựng xe rồi tiến lại gần giúp tôi và bà cụ đỡ xe dậy, dắt vào lề. Tôi bỗng cảm thấy ấm áp quá. Bao nhiêu con người đang dừng đèn đỏ nhìn chúng tôi chòng chọc, không biết họ nghĩ gì, tôi không biết mà cũng chẳng quan tâm. Tôi nói với anh chàng “Anh giúp bà tiếp nhé” rồi tôi tiếp tục bước đi vì nghĩ rằng xe chết máy anh ta mới giúp được chứ tôi cũng không giúp được gì. Có lẽ chính cái suy nghĩ ta không giúp được gì khiến cho mọi người trong xã hội này ngày càng thờ ơ lạnh lùng với nhau hơn?

Vậy đó, vậy thôi đó mà nguyên cả buổi tối tôi cảm thấy hối hận và day dứt vô cùng. Đáng lẽ tôi nên ở lại thêm xem tình hình ra sao, đáng lẽ tôi không nên bước đi nhanh như thế mới phải, liệu anh chàng có giúp bà cụ tới cùng không hay chỉ dắt vào lề rồi đi luôn? Nếu anh ấy đi luôn thì bà ấy phải làm sao? Tôi cắn rứt lắm và cả bực bội với cả chính mình vì cho rằng mình đã không làm được nhiều hơn.
Tôi tới quán rượu vang xinh đẹp ấy, gặp những người bạn xinh đẹp, uống rượu, ăn phô mai, bánh mì, thịt xông khói và nói những câu chuyện về nhân gian cuộc đời nhưng sâu trong thâm tâm, tôi không thể quên hình ảnh về bà cụ bị đổ xe và đứa con bị Down đang đứng chơ vơ trong cơn mưa giữa đám đông dừng đèn đỏ – không ai giúp đỡ. Tôi buồn lắm. Nghĩ lại cảnh ấy tôi vẫn thấy buồn.

Thế nên sáng này, khi tôi đi đến văn phòng, tôi bắt gặp hai cô thu mua phế liệu đang khiêng từng bó sắt vụn từ trong sân tòa nhà ra ngoài vỉa hè – tôi đã nhất nhất đòi giúp hai cô. Mặc kệ họ năn nỉ “Thôi em đừng làm, cái này nặng lắm, cái này sẽ làm rách tay em đó, dơ hết quần áo em rồi kìa. Chị ghi nhận tấm lòng của em rồi, cái này nặng lắm em không làm được đâu…” Tôi vẫn nhất quyết làm. Không phải vì tôi muốn chứng tỏ mình là người tốt, chỉ vì tôi sợ cái cảm giác có lỗi giống như tối qua, khi tôi rời khỏi hai mẹ con cụ già bị hư xe đó. Vì tôi không muốn hôm nay lại thấy cắn rứt nữa. Tôi làm điều này hoàn toàn là vì chính mình, để giúp chính tôi thấy nhẹ lòng hơn mà thôi, không phải ý giúp đời hay chứng tỏ gì cả.

Những chú bảo vệ ngồi đó trông xe thấy tôi khiêng mớ sắt thì cứ vậy nhìn theo, còn chọc các cô ấy “Các cô có bạn đến giúp hả” Tôi nghe cô trả lời “Dạ không, cổ đi ngang qua đây thấy tụi em làm rồi cứ đòi giúp, em kêu thôi khỏi rồi mà cổ cứ muốn giúp, em chỉ sợ cổ bị rách tay hay dơ quần áo hết thì tội” Tôi chỉ nghe, không nói gì, lẳng lặng chuyển những thứ tôi có thể chuyển, cho tới cọng thép cuối cùng. Một đống sắt thép phế thải nhìn thì mong manh như cọng củi nhưng nặng vô cùng. Một cô nói “Hôm qua khiêng cả ngày mới xong. Vừa khiêng xong ra ngoài thì họ kêu không cho được nên tụi chị phải khiêng hết vào lại. Hôm nay thì họ lại gọi đến để khiêng ra. Mong là lần này họ cho thật.” Cô cười mà tôi thấy toát cả mồ hôi vì quả thật chỗ sắt thép ấy nặng quá chừng.
Thật ra tôi không giúp được bao nhiêu cả, chỉ vài lần chuyển thôi là xong mất rồi. Họ đã chuyển được 90% khi tôi bắt đầu giúp – nhưng cái tôi có, không phải lời cảm ơn của các cô ấy, càng không phải cái nhìn của những chú bảo vệ, thứ quý giá nhất mà tôi có, là cảm giác nhẹ nhõm, không hề cảm thấy có lỗi chút nào. Cảm giác nhẹ nhõm ấy khiến tôi thích lắm dù cho tay chân quần áo dày dép dính bụi nhớt bẩn, tôi vẫn cảm thấy thật hạnh phúc.

Kể ra những chuyện nhỏ xíu này ở đây bạn tưởng tôi tự hào? Không, tôi cảm thấy xấu hổ. Kiểu như “Lỡ kể ra mọi người lại nghĩ là mình khoe khoang thì sao?” Tôi sợ lắm. Tôi làm mấy việc này và kể chúng ra đâu có phải để khoe. Mà khoe cái gì cơ chứ? Khoe mình tốt đẹp à? Tôi đâu phải người tốt đẹp đến thế? Vì bạn ạ, chẳng ai tốt đẹp thật sự mà lại kể chuyện tốt đẹp mình đã làm đâu. Tôi kể ra một phần để cho bạn hiểu, tôi không tốt đẹp như bạn nghĩ đâu, nhưng mặt khác, tôi muốn bạn nhìn thấy một sự thật rằng: chỉ cần một chút lòng tử tế với nhau, cuộc đời ta sẽ trở nên đẹp lắm, đáng sống lắm. Chúng ta cứ luôn ngồi đợi người khác tử tế với mình và khi đợi không thấy, ta nổi giận. Thay vì vậy, sao ta không chủ động làm những điều tử tế cho những người xung quanh? Cho người quen lẫn người lạ, cho ai đó và cũng là cho chính mình? Tôi không phải người tử tế đúng nghĩa bởi vì mọi điều tốt tốt tôi làm, đều là cho chính mình chứ không phải cho ai cả.

Người ta nhắc nhau “tôi sẽ tử tế với bạn, nếu bạn cũng tử tế với tôi, và ngược lại, nếu bạn xấu với tôi, đừng trách tôi xấu với bạn” – cái này đâu phải tử tế, cái này là tính toán, là kinh doanh, là trao đổi. Sự tử tế thật sự là sự tử tế mà bạn trao đi không phải để được nhận lại. Sự tử tế thật sự là khi nó được trao đến cho mọi người, bất kể người đó có tốt với bạn hay không.
Tôi làm những việc trên, thành thật mà nói chỉ vì một mục đích thôi: tôi đang cố tử tế với chính mình. Tôi không muốn đối xử tệ với bản thân, không muốn bản thân cảm thấy có lỗi vì mình lỡ nóng giận, lỡ phán xét, lỡ vô tình với những người khác. Cứ mỗi lẫn có chuyện gì mà tôi vô tình nóng giận hay trách ai là y như rằng ngay sau đó tôi thấy hối hận. Chính vì thế mà càng ngày tôi càng bớt nóng giận, bớt cáu kỉnh, bớt tức tối và đột nhiên, tôi dường như trở nên tử tế hơn.
Hai tôn giáo lớn nhất hiện nay: Phật giáo và Công giáo, bạn biết không, có thể nói chúng cùng nói về sự tử tế đó mà thôi. Đạo Phật gom về một câu: Cái gì gây ra khổ, thì đừng làm – dù cho là khổ mình hay khổ ai. Đạo Công giáo gom về một câu: yêu thương, đối xử với người khác như chính mình. Liệu có phải là mình cứ sống cho thật tử tế thôi, ấy là mình sống đúng đạo lẽ rồi?
Tôi nhận ra: Sống tử tế là sống trong chia sẻ, cảm thông, tôn trọng, yêu thương. Là không làm cho ai khổ cũng như không làm mình khổ. Chẳng phải sao?
Tăng làm yêu, bớt làm khổ. Ấy chính là tử tế.
Tôi muốn làm người tử tế và tôi sẽ cố gắng để sống thật tử tế. Thế thôi!
Cảm ơn các bạn đã đọc tới tận đây, các bạn thật là tử tế với tôi. Tôi biết ơn bạn lắm. Hihi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *