Đừng để thế giới của bạn bé lại bằng chiếc điện thoại
Tôi đang ngồi trong quán café, trước mặt tôi là một gia đình nhỏ gồm 2 vợ chồng và một con trai nhỏ. Họ dẫn nhau đi café trong một sáng đẹp trời – cảnh tượng thật tuyệt đúng không. Nhưng sự thật là nhìn họ tôi cảm thấy buồn. Một gia đình: ba người, ba chiếc điện thoại. Ai nấy cắm cúi vào thế giới của riêng mình qua cái màn hình be bé, chẳng ai thèm nói chuyện với ai, chẳng ai thèm nhìn mặt ai. Tôi quan sát một lúc lâu mà vẫn không thấy có gì khác cả. Cảnh tượng này ngày nay không hiếm, thậm chí là ở khắp nơi.
Tôi nhớ về vài ngày trước đây, một người anh (anh Quốc Khánh) chia sẻ trên facebook hình ảnh một cặp mẹ con đang ngồi trên tàu điện ở một quốc gia văn minh nào đó, trên hình ấy, con ngồi trong lòng mẹ, mẹ đọc sách, con đọc sách. Cùng với một câu caption ngắn gọn nhưng tôi tin nó xứng đáng làm kim chỉ nam cho mọi bậc cha mẹ trên đời:
– Làm cách nào cô thuyết phục được đứa nhỏ đọc sách thay vì chơi với các thiết bị điện tử thông minh?
– Bọn trẻ không thích nghe thuyết phục, chúng thích bắt chước.
Vâng, chính xác là như thế. Bạn không nhận thấy điều vô nghĩa sao khi mà bạn cầm điện thoại trên tay và thuyết phục con mình đừng chú ý cái điện thoại nhưng hãy đọc sách? Cũng hệt như một ông bố miệng chửi tục từng câu nhưng lại kêu con trai của mình không được chửi tục? Toàn là vô nghĩa hết.
Tôi bất chợt nhớ về Phi Nhung – cô em gái của tôi cùng cậu con trai nhỏ của cô ấy – Rio. Tôi kể về cô em mình khá nhiều trong các cuốn sách, cả điều tốt lẫn điều xấu. Trong cuốn “Khi ta muốn, ta sẽ tìm cách” có những đoạn như là: “Tôi thấy Phi Nhung mỗi tối nằm chơi với chiếc điện thoại, trong khi Rio chơi một mình với con khủng long nhựa hoặc con robot. Khi chán đồ chơi và khi không được mẹ cho mượn điện thoại, tôi thấy nó thật cô đơn, thật đáng thương.” Rồi đoạn khác như là “Tôi chứng kiến tất cả những cảnh cô em nóng giận, bực bội rồi trút lên đầu thằng nhỏ và lấy cớ rằng nó hư, nó không nghe lời hay bày bừa. Mỗi khi Rio bày bừa tôi bực thằng nhỏ một nhưng bực cô em tới 10 lần vì cái tật hay nổi nóng, la mắng thay vì trò chuyện, làm gương.”
Rất nhiều những đoạn nho nhỏ như vậy mà tôi thuật lại những gì tôi đã trải qua, đã thấy và ngẫm nghĩ như một cách để tự giáo dục chính bản thân mình. Tôi viết sách để kể về hành trình thay đổi của bản thân và nếu như những người đọc sách nhờ đó mà thay đổi thì quá tốt. Tôi không có tham vọng thay đổi thế giới.
Thế rồi vài ngày trước đây Phi Nhung nhắn tin cho tôi, nó nói “Dạo này bỏ facebook rồi. Ngồi đọc sách thôi, không đọc thì thêu hay nghe nhạc. Dạo này đây ít cầm điện thoại nên Rio nó cũng hiếm khi đòi coi điện thoại, về nhà cũng ít đòi coi tivi, toàn ra bãi cỏ chơi với cái xe bé tí hon được cô cho khi đi học. Đến nỗi ngồi ăn cũng không đòi coi điện thoại nữa, ăn là ngồi ăn thôi. Từ hôm đọc cái đoạn đây hay quát mắng Rio thấy đúng quá nên giờ thật sự là không hay la mắng quát tháo nó nữa. Nên là cảm ơn bạn về những cái đoạn nói xấu đó. Không thấy tức mà thấy biết ơn, haha. Chứ như hồi trước là sẽ giận lắm và sẽ hỏi ‘tại sao lại viết xấu về tui như vậy?’ Từ lúc đây đổi tính thì Rio nó cũng đổi tính luôn, không cáu gắt lì lợm nữa mà dễ bảo và nghe lời hơn nhiều. Nói chung là cảm ơn vì cuốn sách này. Rất hay. Đọc mà cứ sợ hết, không muốn nó hết. Đọc một lèo luôn.”
Trong mọi lời review, tôi khoái đọc nhất là lời review từ cô em gái của mình bởi hai lý do, thứ nhất, nó không bao giờ giả vờ nói tốt chỉ để làm tôi hay ai vui lòng. Chúng tôi học được tính cương trực từ mẹ và tính nhu hòa từ bố để chẳng bao giờ phải nói dối làm đẹp lòng ai. Thứ hai, cô em gái của tôi từng rất không thích đọc sách. Tôi đã làm mọi cách để nó đọc sách mà… thất bại cho đến khi những cuốn sách của tôi ra đời. Ban đầu nó đọc chỉ để ủng hộ thôi nhưng đọc xong thì tự nhiên tâm tính thay đổi ra (theo hướng tích cực hơn rất nhiều). Thế nên việc nhận những dòng comment từ cô em gái khiến tôi vui lắm. Vui hơn nữa là khi nó có thể thay đổi bản thân mình thông qua những cuốn sách. Dù cho sách của tôi không thay đổi được bất cứ ai khác ngoài cô em gái, tôi vẫn cho rằng mình đã thành công. Đấy, sống đơn giản cho đời bình an là như vậy, đặt mục tiêu thấp thấp thôi cho đỡ “trèo cao té đau” haha.
Trở lại câu chuyện điện thoại và giáo dục. Cuốn “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, Khi không muốn ta tìm lý do” có đoạn thế này:
“Nếu như mọi người cùng buông điện thoại xuống để nhìn vào mắt nhau, nhìn thật sâu vào mắt nhau, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Mọi người sẽ cùng phá lên cười, hay là bật khóc nức nở? Bởi vì cảm thấy mình trần trụi, mình cô đơn quá. Bởi vì nhận ra không có chiếc điện thoại mình cứ như con ốc sên bị lấy mất cái vỏ ốc, như người chơi hóa trang bị tháo mất chiếc mặt nạ… Không còn an toàn nữa, không còn nơi nào để trốn tránh nữa. Bởi vì nhận ra không có chiếc điện thoại để làm mặt nạ, mình sẽ chẳng thể giả vờ, giả vờ như mình hạnh phúc, mình đang ổn, mình mạnh mẽ.
Nếu như mọi người cùng buông điện thoại xuống, để đôi tay rảnh rang trao nhau cái ôm, cái bắt tay thân tình thay cho lời hỏi thăm đãi bôi qua điện thoại.
Nếu như mọi người cùng buông điện thoại xuống, để trao đổi nhau những món quà, những câu chuyện vui, những nụ cười và cả những giọt nước mắt nữa. Chẳng phải sẽ tốt hơn khi phải gửi những thứ ấy thông qua chiếc điện thoại hay sao?
Nếu như những người mẹ người cha có thể buông điện thoại xuống, để chơi với con mình, đọc truyện cho nó nghe, dạy nó những bài học về cuộc sống chẳng phải tốt hơn việc chỉ dùng điện thoại để học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con khắp năm châu sao?
Nếu như những cặp vợ chồng, tình nhân có thể buông điện thoại xuống, để nắm tay đi dạo trong công viên, để cùng nhau nấu một bữa ăn ngon lành, để tâm sự nhau những điều khó nói… chẳng phải tốt hơn sao?
Nếu như những người bạn, có thể buông điện thoại xuống để nhìn vào mắt nhau mà hỏi rằng “bạn có đang hạnh phúc không?” “Tôi đang buồn chán quá bạn ạ” “bạn có đang buồn chán không?” thì chúng ta sẽ biết được rất nhiều những câu chuyện mà mỗi người trong chúng ta đang cố giấu kín phía sau những hào nhoáng đẹp đẽ được đăng tải lên fb mỗi ngày.
Nếu như những người đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng một mình có thể buông điện thoại xuống mà nhấc một cuốn sách lên, mở nó ra và đọc thì chẳng phải rất tốt sao? Hoặc là đơn giản thu hết can đảm để mở lời trò chuyện với một người cô đơn khác đang ngồi ngay bên cạnh. Biết đâu đấy họ đang cần ai đó giúp họ buông bỏ chiếc điện thoại xuống.”
Cuốn “Tại sao chúng ta không hạnh phúc” thì chỉ rõ hơn những điều tương tự:
“Tôi đề cao sự tự học của mỗi cá nhân nhiều hơn việc giảng dạy của nhà trường và đặc biệt mong muốn mỗi người trong chúng ta hãy bắt đầu nhận trách nhiệm nhiều hơn, thay vì chỉ đi đổ lỗi cho người khác. Đặc biệt là các phụ huynh, họ nên nhận nhiều trách nhiệm hơn trong quá trình giáo dục con cái thành người trưởng thành, người có ích. Đừng nghĩ chỉ đưa con cái đến trường là xong nhiệm vụ, rồi thì trường học sẽ dạy mọi thứ đứa trẻ cần. Chẳng có trường học nào dạy mọi thứ đâu. Nếu phụ huynh chỉ lo chạy theo cơm áo gạo tiền vật chất mà quên đi cuộc sống tinh thần của gia đình cũng như trách nhiệm giáo dục con cái mình, thì làm sao có thể mong đợi người khác dạy con mình cho tốt được? Làm sao có thể mong người khác yêu thương con mình như con của họ? Làm sao có thể tức giận khi con mình không học được gì cả? Tôi cảm thấy những bậc cha mẹ như vậy thật vô lý.
Những đứa trẻ học nhiều điều từ cuộc sống hơn là những điều trong sách vở. Nếu cha mẹ không phải người can đảm, trung thực thì lấy gì để mà dạy con về lòng can đảm và sự trung thực? Làm sao một người mẹ khóc lóc mỗi đêm vì một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc có thể dạy con cái thế nào là hạnh phúc hay cách để sống hạnh phúc?
Chúng ta luôn tập trung vào lý thuyết quá nhiều mà quên bẵng tầm quan trọng của thực tế. Hãy bắt đầu nghĩ đến việc giáo dục con cái thông qua tấm gương là chính mình, thay vì những tấm gương khác xung quanh.
Mọi sự thay đổi đều phải khởi nguồn từ trong gốc rễ mới có thể tạo ra sự thay đổi thực sự.”
Ngay lúc này, trước mặt tôi, gia đình 3 người đã đổi bàn và tăng thêm số lượng, một người phụ nữ cùng hai đứa trẻ khác nhập hội cùng họ. Có vẻ như là hai người bạn họp gia đình cùng nhau thế nên thay vì 3 người 3 điện thoại thì giờ đây sự thay đổi trở thành 6 con người – 6 điện thoại. Hai người phụ nữ nói chuyện với nhau khi cùng nhìn một màn hình có vẻ như bàn luận về ai đó. Ba đứa trẻ bàn luận về trò game khá ồn ào. Ba người lớn thỉnh thoảng nhắc nhở lũ trẻ không được ồn, ngồi im mà chơi. Bạn có thấy toàn cảnh vấn đề không? Trẻ con nên được chơi một cách ồn ào mới phải, chỗ của chúng là công viên, hồ bơi chứ không phải quán café. Cha mẹ cho bọn trẻ đi café rồi cho chúng chơi điện thoại thật ra chỉ là một cách mua chuộc, một cách khác để giữ cho chúng yên lặng, nghe lời mà thôi. Mỗi khi nhìn thấy cảnh con nít dán mắt vào màn hình như này, từ thành thị tới nông thôn (các cháu tôi ở nhà cũng vậy) tôi lại thấy buồn ghê gớm. Tôi phục thay ông Bill Gates không phải vì ổng giỏi mà vì ổng có thể cấm con cái trong nhà không được xài đồ công nghệ. Tôi phục anh Hưng đồng nghiệp của tôi vì con ảnh cũng không có tivi, không điện thoại máy tính mà thay vào đó là sách, rất nhiều sách trong nhà. Tôi cũng phục mọi bậc cha mẹ đang dùng điện thoại để mua chuộc con cái của họ và trách mắng những người như tôi là “ích kỉ, điên rồ” chỉ vì tôi nói mình không muốn có con.
Có con là một đặc ân và cũng là một nghĩa vụ. Nếu bạn không thể dành thời gian cho con cái của mình, nếu bạn không thể chịu trách nhiệm việc giáo dục nó đúng cách để trở thành người tự do, độc lập, hạnh phúc. Ấy thế thì bạn không nên có con. Tôi vẫn tin vào điều đó.
Osho nói với cha của mình khi còn nhỏ xíu “Con không cần cha mua bánh kẹo hay xe đạp hay bất cứ thứ quà cáp gì về cho con cả. Con chỉ cần cha mang về cho con một chút sự tôn trọng, một chút tự do, để cho cha và con có thể là những người bạn thay vì là món đồ sở hữu. Cha sinh ra con, con rất biết ơn, nhưng không có nghĩa cha có thể bắt con làm mọi điều cha muốn mà không cho con quyền lựa chọn. Nên từ nay, bất kể cha muốn con làm gì, xin vui lòng đừng bao giờ nói rằng “Con phải làm cái này cái nọ” nhưng xin hãy thuyết phục con, cho con những thông tin cần thiết để con có thể tự đưa ra quyết định của mình. Con không cần cha quyết định thay con hay cho con cả đống lời khuyên Vì khi lời khuyên là thứ miễn phí và rẻ rúng thế thì con ai bận tâm đi tìm câu trả lời của riêng mình? Cha cũng đừng bao giờ cấm con làm cái này cái nọ, thay vì vậy hãy giải thích và hãy giúp con làm những điều con muốn sao cho không nguy hại, đó mới là nghĩa vụ của một người cha.”
Cha của Osho đáp lời “Nếu ta biết làm cha lại khó như vậy, ta sẽ không bao giờ làm cha.”
“Vâng, vì nó khó nên xin cha hãy cố gắng, đừng bỏ cuộc, đừng nổi nóng, nhưng xin hãy từ bi hơn và tôn trọng con hơn. Chỉ khi cha tôn trọng con thì con mới tôn trọng cha được.”
Vâng, sự tôn trọng, sự tự do, tinh thần trách nhiệm của một người không phải là thứ trên trời rơi xuống hay có thể ra cửa hàng mà mua được. Chúng ta phải tạo ra nó, tìm kiếm nó và bảo vệ nó cho đến hơi thở cuối cùng.
Bạn và tôi, xin chúc chúng ta thành công.