Real revolution for kids – Cuộc cách mạng cho những đứa trẻ

Tính chất đặc biệt của những đứa trẻ

Những kinh nghiệm thời trẻ con luôn là thứ ám ảnh cả đời người trưởng thành khiến cho ai cũng muốn trải qua nó thêm lần nữa – cái cảm giác của sự ngây thơ, sự ngạc nhiên lớn lao trước những thứ bình dị của cuộc đời, một cảm nhận trong veo thuần khiết về cái đẹp. Những cảm giác ấy về cuộc sống giờ đây sao mù mờ xa xôi quá khiến bạn cảm thấy như chúng chỉ tồn tại trong mơ.

Những đứa trẻ có một thực tại riêng, chúng sống trong một thế giới riêng mà bạn không thể can thiệp được. Đôi khi chỉ một bông hoa, một ánh cầu vồng, một giọt sương trên lá… những thứ nhỏ bé thế cũng có thể trở nên xinh đẹp đến mức diệu kì trong thế giới trẻ thơ. Trẻ con có một trí thông minh, sự nhạy cảm, tính sáng tạo mà người lớn khó lòng bì kịp dù cho có cố gắng cỡ nào. Với những khả năng đặc biệt ấy, bọn trẻ cảm thụ thiên nhiên và cuộc sống một cách ngây thơ, háo hức, đầy trân trọng và yêu thương. Sau đó thì với sự hỗ trợ của giáo dục, văn hóa, tôn giáo, khi những đứa trẻ càng trưởng thành thì chúng càng mất dần đi những khả năng đặc biệt này cùng với sự háo hức với cuộc đời. Giảm là còn tốt, chuyện thường xảy ra là khả năng ấy bị mất hẳn luôn.
Không phải một cách ngẫu nhiên mà người lớn – cả đời họ dường như là cố gắng không ngừng để được quay trở lại thời trẻ thơ một lần nữa. Tất nhiên cơ thể họ không thể nhỏ lại như đứa trẻ nhưng nhận thức thì hoàn toàn có thể trở nên ngây thơ, trong veo một lần nữa như hồi họ còn là trẻ thơ. Đó là bí mật chúng của mọi thuyết tâm linh huyền bí: tất cả đều mong muốn đưa bạn trở về trạng thái đứa trẻ một lần nữa, cùng sự ngây thơ, tinh khiết, chưa bị biến đổi bởi bất cứ kiến thức nào, bất cứ hiểu biết nào – mặc dù vẫn nhận thức về mọi thứ xung quanh – với một sự ngạc nhiên sâu sắc và một giác quan về thứ bí ẩn không thể giải thích của cuộc sống.

Bọn trẻ không sung sướng như bạn nghĩ

Không ai cho phép con của họ nhảy múa hát ca hay la hét nhảy nhót một cách tự do. Vì nhiều lý do, đôi khi vì cha mẹ sợ con cái bị ướt quần áo, bị bẩn, bị đau khi chơi đùa – vì những lý do nhỏ như vậy đấy mà chúng bị ngăn cấm hoàn toàn khỏi những việc chúng muốn làm: tắm mưa, nghịch bùn, thả diều, tắm suối… Vì những lý do đó mà chất lượng của những tâm hồn, sự tinh nghịch vui đùa, khả năng vui chơi và hòa nhập với thiên nhiên cuộc sống hoàn toàn bị phá hủy.

Những đứa trẻ vâng lời được cha mẹ thầy cô được mọi người yêu quý còn những đứa trẻ ham vui tinh nghịch thì thường bị trừng phạt. Sự ham vui của chúng có thể hoàn toàn vô hại nhưng nó vẫn bị trừng phạt bởi vì sâu bên trong sự vui chơi ấy ẩn chứa tiềm tàng về một hạt mầm nguy hiểm của sự nổi loạn. Nếu một đứa trẻ được lớn lên với toàn bộ tự do được vui chơi, nghịch ngợm theo ý muốn, nó sẽ sớm trở thành một người nổi loạn. Nó sẽ không dễ dàng trở thành một nô lệ theo ý người khác. Nó sẽ không dễ dàng tham gia bất cứ đội quân nào để làm hại người khác hay để cho ai làm hại chính nó.

Một đứa trẻ nổi loạn sẽ sớm trở thành một tuổi trẻ nổi loạn. Vậy thì bạn sẽ không thể bắt ép nó kết hôn, kiếm việc hay làm bất cứ gì chỉ để lấp đầy cái mong muốn vô đáy của bạn – với tư cách là cha mẹ. Tuổi trẻ nổi loạn sẽ đi theo hướng đi riêng của nó. Nó sẽ sống cuộc sống tuân theo những mong muốn từ tận đáy lòng nó, không theo ý tưởng của bất cứ ai cả.

Vì những lý do như vậy mà sự nghịch ngợm phải bị kiềm chế, bị đè bẹp ngay từ lúc ban đầu. Những bản tính tự nhiên của đứa trẻ bên trong bạn sẽ không bao giờ được cho phép để cất lên tiếng nói. Từ từ một cách chậm rãi bạn bắt đầu mang theo một đứa trẻ “chết” bên trong chính bạn. Đứa trẻ chết này từ sâu bên trong sẽ dần phá hủy sự hài hước của bạn: bạn không thể cười với toàn bộ trái tim mình, bạn không thể chơi đùa, không thể tận hưởng những điều nhỏ bé của cuộc sống. Bạn trở nên quá nghiêm trọng đến nỗi cuộc đời bạn, khả năng phát triển của bạn càng ngày càng bị rút vào, co quắt lại.

Cuộc sống nên là những hoạt động sáng tạo trong từng giây phút quý giá theo mọi cách có thể. Đặc biệt với những đứa trẻ, hãy để cho chúng được vui đùa, được sáng tạo. Những gì chúng tạo ra không quan trọng – đôi khi chỉ là những bức tượng hay lâu đài bằng cát chẳng ra hình thù gì trên bờ biển – nhưng tất cả đều rất đáng giá bởi vì chúng xuất phát từ một tâm hồn tự do và tinh thần vui chơi. Thế rồi dần dà chúng sẽ có cơ hội và biết cách để kiến tạo nên một cuộc đời đầy ắp niềm vui.

Trí thông minh của bọn trẻ

Trí thông minh không phải là thứ người ta có thể kiếm được hay thu lượm được, nó là vốn sẵn có, là vốn bẩm sinh, nó là thứ thuộc bên trong chính cuộc sống. Không chỉ trẻ con mới thông minh, động vật cũng thông minh theo cách riêng, cây cũng thông minh. Tất nhiên chúng hoàn toàn là những kiểu thông minh khác nhau bởi vì bản thân chúng là không giống nhau. Nhưng giờ đây một sự thật đang được thảo luận rằng mọi dạng sống đều thông minh. Thật ra sự sống và sự thông minh là hai thứ song hành, toàn bộ sự sống thì vô cùng thông minh: không có bất cứ thứ gì dư thừa trên cuộc đời này cả, kể cả một hạt cát.

Con người sống trong cảnh tiến thoái lưỡng nan vì lý do đơn giản rằng anh ta không chỉ thông minh mà còn nhận thức được cả sự thông minh của mình. Đó là thứ duy nhất chỉ loài người mới có. Đó là một đặc quyền, đặc ân, niềm vinh dự nhưng nó có thể thay đổi dễ dàng để biến thành sự khổ sở của anh ta. Con người nhận thức rằng mình thông minh và nhận thức đó mang lại những vấn đề của riêng nó. Vấn đề đầu tiên là nó tạo ra bản ngã.
Bản ngã không tồn tại ở nơi nào khác ngoại trừ trong tâm trí con người, và bản ngã bắt đầu lớn dần lên hệt như cách một đứa trẻ lớn lên. Cha mẹ, trường học, mọi thứ đều giúp làm mạnh thêm cho bản ngã vì lý do đơn giản: trong hàng thế kỉ con người đã phải tranh đấu để tồn tại nên ý tưởng về việc trở nên mạnh hơn, quan trọng hơn đã dần được ấn định, được thiết lập vào sâu thẳm vô thức của loài người. Nó nói rằng chỉ những người có bản ngã đủ mạnh mới có thể tồn tại trong cuộc chiến cuộc đời. Cuộc đời trở thành một cuộc tranh đấu để tồn tại. Rồi thì các khoa học gia thậm chí còn làm cho việc này thêm phần thuyết phục bằng học thuyết về sự tồn tại của phiên bản thích hợp nhất – sự chọn lọc tự nhiên dành cho những kẻ mạnh nhất. Vậy nên toàn xã hội vận hành xoay quanh việc cố gắng giúp cho mỗi đứa trẻ trở thành ngày càng mạnh hơn về bản ngã, và đó chính là khi các vấn đề khác nảy sinh.

Bản ngã càng mạnh thì nó bắt đầu bao quanh trí thông minh giống như một lớp dày của bụi bẩn, của bóng tối. Trí thông minh là ánh sáng, bản ngã là bóng tối. Trí thông minh thì rất mong manh, bản ngã lại cứng nhắc. Trí thông minh giống như một bông hoa hồng, bản ngã thì giống như một tảng đá. Và nếu bạn muốn tồn tại, họ nói – những người tự cho là mình hiểu biết – thì bạn phải trở nên giống như đá tảng. Bạn phải mạnh, phải cứng rắn, không được mong manh nhạy cảm. Bạn phải trở thành một thành trì vững trãi, đóng kín, vậy thì bạn không thể bị tấn công từ bên ngoài. Bạn phải trở nên dày và cứng đến độ không thể bị khoan thủng.
Nhưng thế thì bạn trở nên đóng kín. Thế thì bạn trở nên một hiện tượng chết trước cả khi kịp bận tâm đến trí thông minh của mình. Bởi vì trí thông minh cần một bầu trời rộng mở, cần gió, cần không khí thông thoáng, cần mặt trời để có thể lớn lên, để mở rộng ra, để tuôn chảy. Để duy trì sự sống thì luôn cần những dòng chảy liên tục, nếu nó bị ứ đọng thì nó sẽ trở nên hôi thối và thành hiện tượng chết.

Trí thông minh của bạn như là một cây hoa dại bị cất vào trong một hốc đá vững chãi của bản ngã. Nó an toàn nhưng nó chết.

Người lớn không cho phép trẻ con được giữ nguyên trí thông minh của chúng. Điều đầu tiên là nếu chúng thông minh chúng sẽ trở nên nhạy cảm, chúng sẽ trở nên mong manh, chúng sẽ trở nên rộng mở. Nếu chúng thông minh chúng sẽ có thể thấy rất nhiều điều dối trá trong xã hội, trong cuộc sống, trong những nhà nguyện nhà thờ, trong hệ thống giáo dục. Chúng sẽ trở nên nổi loạn chống lại những hệ thống ấy. Chúng sẽ trở nên cá nhân và không dễ bị biến thành những con lừa một cách dễ dàng. Bạn có thể vò nát chúng nhưng vẫn không dễ dàng biến chúng thành nô lệ được. Bạn có thể phá hủy chúng theo nhiều cách nhưng bạn không thể ép buộc chúng thỏa hiệp được. Đó là điều nguy hiểm đầu tiên của thông minh mà người ta cố tránh. Người ta có thể dùng đá để đập nát một cây hoa nhưng không thể nào bảo cây hoa phải ngưng nở, nhưng tỏa hương thơm – không cách nào điều khiển được cả.

Một mặt, trí thông minnh là thứ rất mỏng manh, như hoa hồng, mặt khác nó lại có sức mạnh riêng của nó. Một thứ sức mạnh tinh tế mong manh, không hề thô cứng. Thứ sức mạnh ấy là sức mạnh của sự nổi dậy, của một thái độ không thỏa hiệp. Một người không sẵn sàng bán đi linh hồn mình. Bạn đã thấy những cây hoa mọc ra từ tảng đá chưa? Những cây hoa đâm ra từ xi măng, đâm thủng lớp nhựa đường cứng ráp? Đó chính là sức mạnh của nó.

Hãy quan sát những đứa trẻ nhỏ và bạn sẽ thấy sự thông minh của chúng. Vâng, chúng không pahir những người hiểu biết đâu – nếu bạn muốn thấy chúng theo kiểu hiểu biết bạn sẽ không thấy chúng thông minh chút nào theo cách đó. Nếu bạn hỏi chúng những câu hỏi liên quan đến thông tin, chúng sẽ trông có vẻ không thông minh. Nhưng hỏi chúng những câu thật sự mà xem, những câu mà không liên quan đến thông tin kiến thức ấy, những câu mà liên quan đến cảm xúc nội tâm chẳng hạn thì bạn sẽ thấy chúng thông minh hơn bạn rất nhiều. Tất nhiên bản ngã của bạn sẽ không cho phép bạn chấp nhận nó, nhưng nếu bạn có thể chấp nhận, nó sẽ hữu ích vô cùng. Nó sẽ giúp bạn, bởi vì nếu bạn có thể thấy trí thông minh của chúng thì bạn có thể học hỏi từ chúng.

Mặc dù xã hội đang cố gắng phá hủy trí thông minh của bạn nhưng may thay, nó không dễ bị phá hủy một cách toàn bộ, nó chỉ bị bao phủ bởi rất nhiều lớp bụi bẩn của thông tin. Đấy cũng chính là toàn bộ chức năng và ý nghĩa của thiền định. Thiền định bản chất là mang bạn vào sâu bên trong chính bạn, xuyên qua mọi lớp dày của bụi bẩn tâm trí để tiến tới chỗ sâu thẳm nhất vẫn còn nguyên vẹn trong sạch. Nó là phương pháp đào bới sâu vào bên trong bản thể của bạn tới điểm mà bạn chạm được vào suối nguồn thông minh của mình – nơi bạn có thể khám phá cơn hồng thủy thông minh của chính mình. Chỉ khi bạn thiền định tới điểm khám phá ra một bầu trời tuổi thơ vẹn nguyên đang được giấu kín bên trong bạn, chỉ khi đó bạn mới hiểu những điều tôi ám chỉ và hiểu tại sao tôi lại không ngừng nhấn mạnh rằng bọn trẻ con thật sự rất thông minh.

Ngây thơ

Những đứa trẻ thì luôn rất ngây thơ nhưng sự ngây thơ ấy là tự nhiên chứ không phải do kiếm chác mà có được. Chúng ngốc nghếch nhưng sự ngốc nghếch ấy tốt hơn thứ được gọi là khôn ngoan do học tập. Bởi vì người học tập lý thuyết đơn giản chỉ là đang cố bao phủ sự ngốc nghếch của mình bằng các lớp kiến thức mà chỉ cần cào nhẹ một chút thôi bạn sẽ thấy bên trong đó không có gì ngoài bóng tối, không gì ngoài sự ngu ngốc.

Người ngây thơ vừa can đảm lại cũng vừa trong suốt. Không cần phải đi tìm lòng can đảm nếu bạn là người ngây thơ. Không có nhu cầu cho bất cứ sự làm sạch nào bởi vì không có gì trong trẻo hơn sự ngây thơ. Vậy nên toàn bộ vấn đề là làm sao để bảo vệ sự ngây thơ của một người, đặc biệt là một đứa trẻ. Sự ngây thơ không phải là thứ gì đó có thể đạt được. Nó cũng không phải là thứ có thể học được. Nó không phải một dạng tài năng như hội họa, âm nhạc, thơ ca, điêu khắc mà nó giống như hơi thở – thứ mà bạn sinh ra đã có rồi. Sự ngây thơ là tính tự nhiên của con người.

Không ai được sinh ra mà thiếu sự ngây thơ. Làm sao một người có thể sinh ra mà thiếu ngây thơ cho được? Sau khi sinh ra, bạn bước vào thế giới như là một trang giấy trắng, không có gì viết sẵn trên ấy. Bạn chỉ có tương lai, không quá khứ. Đó chính là ý nghĩa của sự ngây thơ. Vậy nên đầu tiên hãy cố hiểu ý nghĩa của sự ngây thơ.
Điều đầu tiên là: không quá khứ, chỉ tương lai. Bạn đến thế giới này như một người quan sát chưa biết gì về thế giới, trong suốt.

Tôi đã xoay xở để giữ nguyên sự ngây thơ của mình trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Vì luôn giữ được sự ngây thơ nên tôi cũng là người can đảm. Tôi đã không làm bất cứ gì cả. Nó cứ đơn giản xảy ra vậy nên tôi không thể thừa nhận là tôi đã cố gắng để giữ nó. Có lẽ nó xảy ra cho tất cả mọi người nhưng bởi vì bạn hứng thú với những thứ khác mà chẳng hề bận tâm tới chuyện phải giữ cho được sự can đảm ấy bởi vì nó là nguy hiểm – mọi người sẽ cản trở bạn nhiều nhất có thể. Bạn sẵn sàng mặc cả và hi sinh sự ngây thơ của mình để có được những thứ mà gia đình lẫn cuộc sống trao cho bạn. Thế giới có rất nhiều thứ để trao cho bạn, bạn chỉ có một thứ để trao đi và đó chính là tính chính trực, lòng tự trọng của bạn. Bạn không có nhiều, chỉ một thứ bạn có thể gọi nó là: sự ngây thơ, sự thông minh, tính đích thực nhưng chúng đều là một, là bản tính của bạn khi vừa được sinh ra.

Trẻ con theo cách tự nhiên rất hứng thú với mọi thứ mà nó thấy xung quanh. Nó không ngừng muốn cái này, cái nọ, đó chính là phần rất tự nhiên của con người. Nếu bạn quan sát một đứa trẻ nhỏ, thậm chí là một đứa bé sơ sinh, bạn có thể thấy nó bắt đầu dò dẫm tìm kiếm thứ gì đó, tay nó cố với cái gì đó. Nó đã bắt đầu cho hành trình riêng của mình.

Trong chuyến hành trình ấy nó sẽ đánh mất chính mình, bởi vì bạn không thể đạt được bất cứ gì trên thế giới này mà không phải trả thứ gì đó. Đứa trẻ tội nghiệp không thể hiểu những gì nó phải trả thì quá giá trị đến nỗi nếu toàn thế giới ở một bên thì tính bản thể nguyên vẹn lúc ban đầu ấy của nó ở một bên. Sự toàn vẹn ấy còn giá trị hơn, nặng kí hơn mọi thứ. Đứa trẻ không có cách nào để biết điều đó.
Nó đã thỏa hiệp, đã trao đổi cái “chính mình” thủa nguyên sơ ấy để lấy mọi thứ khác mà thế giới trao tặng: quyền lực, tình yêu, vật chất, đồ chơi, sự tôn trọng… để rồi hành trình cả đời sau này là phải tìm lại thứ mà nó đã trao đi – tìm lại chính mình – tìm lại sự ngây thơ, sự can đảm, sự trong trắng của mình khi vừa mới ra đời.

Tôi may mắn đã không đánh mất chính mình kể cả khi tôi còn rất nhỏ và đó là lý do tôi đã trở thành một đứa trẻ kì quái, nổi loạn, can đảm, nói chúng là khác biệt – không chỉ với những đứa trẻ xung quanh mà còn với phần còn lại của cả thế giới.

Phi Tuyết dịch từ cuốn “Osho for kids”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *