We would regret more about what we didn’t do… So, let’s do what we want!

Làm thêm và du lịch, hai việc đã góp phần thay đổi đời tôi

1. Làm thêm lần đầu

Sáng 11/9 trên xe bus bác tài mở nhạc không lời nhè nhẹ thật dễ thương.

Tôi nhắm mắt tập trung hít thở nhưng tâm trí thì nhớ về Mark, nhớ cách anh ấy tỉ mỉ dậy tôi cách đi tàu điện lần đầu tiên khi còn ở Philipines và nhớ cả một ngày cách đây vài tháng anh ấy hướng dẫn tôi cách đi bus ở… Sài Gòn nữa vì tôi chẳng biết gì về xe bus cả. Vâng, tự lập đã lâu nhưng tôi mắc bệnh sợ bus nên chẳng biết làm sao để bắt bus và xuống chỗ nào ra sao cả. Giờ thì tôi là chuyên gia xe bus rồi nhé.

Đang miên man nhớ về anh chàng thì tiếng một cô nói với một cô bên cạnh “Con tôi nó bướng, nó hư lắm. Tôi không cho nó tiền xài là nó tự bỏ ra ngoài kiếm việc đi làm thêm để kiếm tiền xài. Nó không chịu nghe lời chút nào. Rất là bướng”

Tôi hết hồn khi nghe những câu ấy. Và dường như mọi bà mẹ đều có suy nghĩ như vậy, cứ con cái cãi không theo ý mình sẽ lập tức quy cho nó là hư, là bướng trong khi tôi nhìn theo góc độ khác thấy đứa con của cô này rất tuyệt đấy chứ. Nó là đứa khá tự lập, khá mạnh mẽ. Vì tuổi trẻ làm sao mà chỉ ru rú trong nhà chơi game, xem phim, đơi mẹ hầu ăn tận miệng thì chắc mới được ba mẹ tự hào? Một khi tuổi trẻ đã ra ngoài, nhất định là nó cần tiền. Khi cần tiền mà cha mẹ không cho thì sao? Nó đi làm thêm, không trộm cắp là tốt chứ sao?

Cha mẹ nên ủng hộ cho con cái đi làm thêm, đi lao động để chúng nó biết trân quý sức lao động, trân quý tiền bạc, biết cách quản lý và tự chủ tài chính. Đừng nghĩ rằng con cái ham tiền là xấu, kể cả khi nó là xấu chăng nữa thì phải thông qua cái xấu người ta mới học hỏi, mới trưởng thành được chứ. Cha mẹ thấy mặt trái của đồng tiền (hay mặt trái của việc kiếm tiền rất khổ cực, xấu xí, tham lam, bất chấp) và nghĩ rằng họ biết nhiều hơn con cái nên họ cố bảo vệ con cái bằng cách làm cho con cái tránh xa thế giới đồng tiền càng xa càng tốt. Việc này lợi bất cập hại, câu này nghĩa là gì nhờ, tự nhiên nhớ ra thôi chứ ý mình là việc cha mẹ làm cho con cái tránh xa chuyện tiền bạc là một việc không có ích gì cả, thậm chí gây hại về sau. Con cái không biết việc kiếm tiền cực khổ sẽ không trân quý đồng tiền, không trân quý sức lao động và có xu hướng lãng phí tài nguyên. Việc của cha mẹ là tạo cho con cái mọi điều kiện để nó tự lập: lao động kiếm tiền là một trong những việc giúp nó tự lập hơn, thì tại sao không?

Hồi tôi học lớp 12, tôi tự ý đi xin làm phục vụ trong một quán cafe mà tôi là khách quen. Tôi không đi làm vì tiền, tôi muốn trải nghiệm cảm giác được đi làm thêm. Ba mẹ tôi biết chuyện, bắt tôi phải nghỉ ngay và luôn không nói nhiều vì họ sợ nếu thiên hạ biết thì họ sẽ mất mặt chuyện tôi đi làm nhân viên phục vụ. Tôi cũng hiểu nỗi khổ tâm của họ nên xin nghỉ dù rằng mới chỉ đi làm được một hai ngày.

Thế rồi tôi có cách khác, tôi vẫn đến quán như một người khách, nhưng lại tự nguyện giúp những bạn nhân viên khác làm đủ thứ khác: order đồ ăn đồ uống, dọn dẹp, tính tiền… Thế là tôi vừa được trải nghiệm cảm giác đi làm, vừa không làm ba mẹ bực mình. Việc làm phục vụ tự nguyện này khiến tôi học được rất nhiều điều hay và cả có mối quan hệ rất tốt với nhiều người khác. Hồi ấy thật là vui. Chính vì có cơ hội quan sát tiếp xúc với thế giới kinh doanh tự do từ sớm nên sau này tôi cũng chọn con đường kinh doanh tự do. Việc ấy hoá ra thay đổi đời tôi rất nhiều nếu không muốn nói là thay đổi đời tôi hoàn toàn.

Chuyện làm thêm, mặt xấu là nó lấy đi quá nhiều thời gian, công sức của một người hoặc có thể làm cho người ta trở nên ham mê đồng tiền một cách mù quáng. Nhưng làm sao cha mẹ có thể dạy cho con cái không mê tiền khi mà bản thân họ cũng rất là mê tiền? Mặt xấu vậy thôi nhưng mặt tốt thì nhiều vô kể. Khi một người lao động, nó sẽ hiểu về thế giới vất vả của đồng tiền mồ hôi nước mắt, nó sẽ biết tôn trọng sức lao động của nó trước tiên và sau đó nó cũng sẽ biết tôn trọng sức lao động của người khác nữa. Nó sẽ học được rằng không ai yêu thương chăm sóc và hào phóng với nó cho bằng những người trong gia đình. Rồi nó cũng sẽ học được những bài học quan trọng của cuộc đời mà không cần cha mẹ dạy vì có cha mẹ nào dạy con được mọi điều đâu. Kể cả khi dạy được lý thuyết thì thiếu đi thực hành, bao nhiêu lý thuyết vẫn là không đủ. Con cái càng không cần cha mẹ sớm bao nhiêu thì càng tự lập và trưởng thành bấy nhiêu.

Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con cái trưởng thành, tự lập và trách nhiệm chứ không phải ôm nó trong lòng và bắt nó phải ru rú ở nhà nghe lời mình, tuân lệnh mình như một nô lệ.

2. Du lịch xuất ngoại lần đầu

Chuyến “xuất ngoại” đầu tiên của tôi là năm 22 tuổi, bởi một lý do rất tình cờ.

Khi là sinh viên, dù không quá thiếu thốn tiền bạc nhưng tôi vẫn nung nấu ý định xin đi làm thêm. Tôi đi xin vài ba chỗ và… đều bị từ chối cả ba, từ shop thời trang, quán cafe cho tới cửa hàng quà tặng. Lúc ấy không hiểu tại sao nhưng sau này nghĩ lại mới nghi rằng do lúc ấy mình “nhà quê” quá lại nói giọng Bắc nên chẳng mấy người Nam họ thích nhận mình dô làm cả, hoặc cũng là do chẳng có kĩ năng gì vì chưa từng làm ở đâu cả. Sao cũng được, nói chung là bị từ chối mọi chỗ xin làm thêm.

Có một cửa hàng lưu niệm kia dù anh chàng quản lý từ chối tôi nhưng tôi may mắn có được… số điện thoại của anh chàng sau cú điện thoại từ chối ấy. Rồi tôi nhắn tin hỏi thăm gì đó hình như là “nếu anh có biết chỗ nào cần người làm thì anh báo cho em với” thế là hai anh em giữ liên lạc với nhau, rồi chuyển qua facebook nói chuyện nhiều hơn.

Một thời gian sau anh nhắn tin nói rằng anh đã nghỉ làm ở chuỗi cửa hàng quà tặng rồi, giờ anh kinh doanh riêng và thường xuyên đi đường bộ qua Thái Lan lấy hàng. Anh hỏi tôi có muốn đi cùng không? Tôi đồng ý vì may mắn quá, tôi vừa có passport (cũng do một lý do rất tình cờ) chứ hồi ấy còn chưa đi du lịch trong VN, huống hồ nghĩ tới đi ra ngoài VN. Nói chung là thiên thời địa lợi, vừa có passport kịp lúc, vừa có anh bạn rành đường đi nước bước dẫn đi – thiếu mỗi yếu tố còn lại: nhân hòa. Thú thật tôi hơi sợ, vì anh trai này tuy nói chuyện với tôi khá thân nhưng chúng tôi chưa gặp bên ngoài bao giờ trừ cái lần đến xin việc. Lỡ ảnh mang tôi qua Cambodia – Thái Lan rồi bán tôi đi thì sao? Nghĩ tới đó lại run bắn lên vì tôi có nói được tiếng Anh nhiều đâu, lần đầu “xuất ngoại” cũng nhiều lo lắng lắm. Thế là tôi nảy ra một ý – rủ một cô bạn trên lớp đi cùng, cô này được tôi “lựa chọn” kĩ vì tính chúng tôi khá hợp nhau, cô ấy cũng thích du lịch, cũng chịu chơi và cũng mới có passport nữa. Không ngạc nhiên, cô ấy tuy thích nhưng từ chối vì cho rằng chưa kịp chuẩn bị gì. Tôi đã không bỏ lỡ cơ hội, tìm mọi cách để thuyết phục cô nàng. Tôi có nói gì đó như là “Nếu bạn không đi, bạn sẽ hối hận đấy vì người ta thường hối hận về việc người ta không làm. Hơn nữa chuyến này đi đường bộ nên sẽ rẻ hơn rất nhiều, có người dẫn đường thì mình không phải lo gi nữa. Thậm chí nếu bạn không có tiền mình có thể cho mượn, hai đứa xài tiết kiệm thôi nhưng có lẽ vẫn đủ.” Không hiểu do tôi thuyết phục thần tài hay do cô bạn cũng hơi ham chơi mà sau cùng, cổ đồng ý. Tôi mừng như bắt được vàng.

Thế là chúng tôi lên đường. Chuyến đi ấy thật là vui và đầy ắp kỉ niệm. Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên – nó đã tạo ra một ấn tượng lớn lao lẫn động lực để sau này tôi đi du lịch nhiều hơn nữa, mở tầm mắt mình rộng hơn để nhìn thế giới.

Cô bạn này, tôi qua chúng tôi mới gặp nhau đi ăn đi uống cùng một đám các cô bạn hồi đại học ngày ấy. Chúng tôi đi ngang một quán bar xinh xinh và cô bạn chợt nhắc “Style giống hệt quán bar ở Thái Lan hồi đó tụi mình đi nè” – vâng, cách đây đúng 6 năm về trước và hôm nay kỉ nệm ấy ùa về.

Thì các bạn có thể thấy, tôi “hơi hơi khôn” trong việc tìm cách đạt được ý mình nhưng thành thật thú nhận là tôi cũng không thuộc loại tốt đẹp thánh thiện gì mấy đâu haha.

Cô bạn này và anh chàng quản lý đã có một chút tình cảm với nhau vào lúc ấy. Tôi ở giữa tha hồ tự do, không cần bận lòng và hết lòng hết sức enjoy chuyến đi đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *