Không sợ chết

Sự Công bằng của cuộc sống

Nhiều người cho rằng đời vốn dĩ không công bằng khi rõ ràng nhiều người giàu có hơn, sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn, sung túc hơn, ngoại hình đẹp đẽ hơn trong khi nhiều người khác thì sinh ra trong nghèo khổ ốm đau mà không thể thay đổi số phận của mình.
Một vài người khác, như tôi, thì lại cho rằng đời rất công bằng.
Ai cũng có đúng 24h/ngày, 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm và không ai có nhiều thời gian trong một ngày hơn ai cả, dù chỉ một giây. Ai cũng phải tuân theo và chịu tác động của cùng những định luật cuộc sống và những quy luật bất biến của vũ trụ giống nhau. Nói một cách dễ hiểu là chẳng ai có thể thoát khỏi lực hấp dẫn của trái đất bất kể họ được sinh ra trong hoàn cảnh nào.
Nhìn rộng hơn ta sẽ thấy ai cũng có khả năng để thay đổi cuộc đời của mình và ai ai cũng đều có cùng nền tảng cơ hội để sống hạnh phúc hơn.
Đấy chính là sự công bằng của cuộc sống.

Vâng, đời có thể không công bằng về vật chất nhưng lại tuyệt đối công bằng về tinh thần.
Người giàu cũng có thể cảm thấy giận dữ, bất an dù cho họ có tất cả mọi thứ trên đời. Người nghèo, ngược lại, cũng có thể có cuộc sống bình an mãn nguyện kể cả khi họ chẳng sỡ hữu thứ gì cả. Người giàu có nhiều đồ ăn hơn nhưng không có nghĩa sức khoẻ sẽ luôn tốt hơn. Người giàu có nhiều nhà hơn nhưng không có nghĩa sẽ ngủ ngon hơn. Người nghèo ngủ trên chiếc giường sập xệ nhưng không có nghĩa giấc mơ của họ bị giới hạn. Người nghèo không có nhiều đồ xa xỉ nhưng không có nghĩa họ không có những niềm vui thú vị trong cuộc sống.
Một thực tại là ngày nay người nghèo thường chỉ nhìn và thèm muốn vật chất của người giàu mà không biết thứ người giàu đang tìm kiếm lại chính là thứ mà người nghèo luôn có trong tầm tay: sự ngon miệng trong mỗi bữa ăn, sự tin tưởng vào cuộc sống, niềm vui, tiếng cười, sự bình an, sự thanh thản…
Hãy nhìn vào những khía cạnh như vậy để nhìn thấy sự công bằng hoàn hảo của cuộc sống. Việc bạn nhìn đời thế nào rất quan trọng trong việc kiến tạo cuộc đời của bạn. Hệt như cách người ta nhìn vào định mệnh và số phận vậy.
Có hai kiểu người: một là buông xuôi và đổ lỗi cho số phận rằng cuộc đời vốn không công bằng. Loại còn lại thì cố gắng thay đổi cuộc đời mình vì họ tin rằng đời rất công bằng: ai cũng có khả năng thay đổi. Từ việc thay đổi chính mình mà thay đổi cuộc đời mình và rồi thay đổi cả thế giới mình đang sống.
Người cho rằng đời không công bằng thường là những người thích đổ lỗi cho hoàn cảnh, thích tìm lý do hơn tìm cách bởi vì tìm lý do bao giờ cũng là việc dễ dàng hơn tìm cách rất nhiều. Khi tìm lý do ta đặt mình vào vị thế nạn nhân còn khi tìm cách ta phải đặt mình vào vị thế của nguyên nhân. Chúng ta đã được giáo dục theo cách đặt mình làm nạn nhân của mọi thứ từ rất lâu đến nỗi không thích ý tưởng mình là nguyên nhân chút nào.
Nhưng nếu như chúng ta muốn sống cuộc sống khác đi thì buộc lòng chúng ta phải thay đổi cách nghĩ và cách hành động. Hãy tin rằng cuộc đời luôn công bằng để rồi phấn đấu tìm cách thoát khỏi thực trạng hiện tại, bớt đổ lỗi đi mà trân trọng mọi thứ mình đang có.
Như câu nói “nếu bạn không thể tìm thấy một con đường, hãy tự tạo ra con đường”. Đường không tự nhiên mà có nhưng là do người ta đi mãi mà thành. Bạn nhìn người khác có con đường đẹp đẽ, êm đềm, rộng rãi thênh thang và rồi bạn ghen tị cho rằng đời bất công. Sự thực thì bạn chỉ đang quên mất khả năng mở ra con đường của riêng mình. Mọi người đều có khả năng để mở ra những con đường riêng bởi lẽ chúng ta được sinh ra trong các hoàn cảnh khác nhau, môi trường khác nhau và mục tiêu sống khác nhau. Giáo dục hiện tại hướng con người đến việc bắt chước hoặc đi theo người khác khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên khổ sở. Tưởng tượng cảnh có hai cánh cổng hoặc hai con đường cùng dẫn về một đích nhưng một bên to rộng và đang có hàng triệu người khổ sở làm mọi cách để chen chân vào. Trong khi cánh cổng còn lại thì hoàn toàn vắng người mà chẳng có ai chịu bước vào cả. Chúng ta không hề được dạy hay được khuyến khích để mở ra con đường của riêng mình. Chúng ta cũng không được dạy cách sống can đảm để trở thành những người mở đường cho người khác. Tất cả chúng ta đều được dạy hãy đi theo cái này, làm theo người kia, chạy theo xu hướng nọ. Giờ đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy ấy.

Nhớ rằng đời công bằng, không phải ở chỗ mọi con đường đều dễ dàng như nhau, nhưng ở chỗ ai cũng có khả năng tự mở ra con đường của mình. Và mọi con đường dù khác biệt thế nào cũng đều dẫn về một đích cuối cùng mà thôi. Cái đích ấy giống nhau cho tất cả, bậc đầu tiên là Cái chết cho thể xác và bậc cao hơn nữa là cái chết cho bản ngã. Để rồi từ cái chết đó bạn có thể tái sinh trong Tỉnh thức, sự tỉnh thức sau cùng mà mọi tôn giáo đều nói tới dù cho cách dùng từ là khác nhau, Niết Bàn hay Thiên Đường, Giác Ngộ hay vương quốc của Thượng đế. Chỉ một nơi thôi, nơi mà bạn không thể tới nếu không chết nhưng cũng là nơi bạn biết mình không bao giờ chết!

Cái chết lại cũng là một trong những thứ công bằng nhất trên cuộc đời. Ai rồi cũng phải chết bất kể người đó có là tội nhân hay thánh nhân, vị vua hay kẻ hành khất, giàu hay nghèo. Cho nên thay vì sợ hãi và tìm mọi cách để trốn tránh, hãy học cách chấp nhận và tôn trọng nó. Chỉ những người không còn sợ chết nữa mới được coi là thực sự sống và ngược lại, người đã thực sự sống sẽ không còn cảm thấy sợ chết chút nào.
Sống và chết là hai mặt của đồng xu hệt như ánh sáng và bóng tối vậy. Bóng tối không đáng sợ như bạn nghĩ nhưng mặt khác nó trao cho người ta sự thư giãn, nghỉ ngơi, sự tĩnh lặng sâu sắc. Cái chết phần nào cũng giống như bóng tối, nó trao cho người ta sự nghỉ ngơi cuối cùng, sự tĩnh lặng cuối cùng.
Một người làm việc cực nhọc và hoàn thành công việc của mình trong cả ngày sẽ đi ngủ rất ngon lành bình an. Ngược lại một người lãng phí cả ngày trong buồn rầu chán nản sẽ khó mà có giấc ngủ ngon được. Cuộc đời của bạn cũng thế. Nếu như bạn sống hết mình, sống không lãng phí cuộc đời, không lãng phí thời gian, sống ý nghĩa từng giây phút thì khi cái chết tới bạn sẽ đón nhận và biết ơn nó hệt như khi bạn kết thúc một ngày trong mãn nguyện. Còn nếu bạn lãng phí cuộc đời mình trong những thứ vô nghĩa thì bạn sẽ rất sợ chết, sẽ tìm mọi cách để trốn tránh cái chết. Ai cũng biết việc trốn tránh cái chết là điều bất khả. Bạn chỉ đang làm điều vô nghĩa khiến cho cuộc sống thêm căng thẳng mà thôi.
Cái chết là thứ rất đẹp nếu bạn có thể nhìn nó với một đôi mắt khác. Mọi sự đều sinh ra và chết đi, đó là vòng tuần hoàn của cuộc sống, là quy luật của vũ trụ. Hãy nhìn bông hoa hồng buổi sớm, nó nở ra trong buổi sáng và rồi tàn úa chết đi trong buổi tối. Đó là cái đẹp của sự sống. Nếu như bông hoa không bao giờ tàn thì ai thèm trân trọng nữa? Lúc đó nó chỉ là một bông hoa vải giả tạo mà thôi.
Cuộc đời là sự phối hợp nhịp nhàng hoàn hảo của sự sống và cái chết. Thực vật chết đi khi làm đồ ăn cho động vật, động vật chết đi khi làm đồ ăn cho con người. Con người khi chết đi lại trở thành đồ ăn cho vi sinh vật và hoàn thành vòng tròn tuần hoàn của cuộc sống.
Mọi cái chết đều có ý nghĩa thiêng liêng và đều để lại những bài học quý giá, kể cả cái chết của Chúa Jesus hay của Judas, kể cả cái chết của một chú chim hay một con người, một bông hoa hồng hay bông hoa dại. Đừng sợ hãi và cũng đừng xem thường cái chết nhưng hãy học cách sống sao cho cái chết của bạn trở thành một dấu chấm hết cho một câu chuyện hay, một bản nhạc tuyệt vời.
Sống như thế nào cho đúng là rất quan trọng nhưng chết như thế nào cho đúng lại còn quan trọng hơn nữa. Có một thuyết giải thích về các thiên tài rằng kiếp trước khi họ chết, họ đã chết trong tỉnh thức nên có thể mang một phần khả năng của họ trong kiếp ấy sang kiếp tiếp sau này. Những ai có thể chết trong sự tỉnh thức tuyệt đối thì được cho là sẽ trở nên chứng ngộ và hoàn thành cái đích cuối cùng của cuộc đời.
Việc học hỏi cách sống của người khác là điều ai cũng đang làm nhưng học hỏi từ cách chết của người khác lại là điều chưa ai từng được dạy.

Vài năm ngoái khi người ta nói về cái chết của tiến sĩ Alan Phan – một người thầy tuyệt vời dạy thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ kiến thức kinh doanh mà còn kiến thức về cuộc sống. Tôi đọc rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận của các bạn trẻ thể hiện sự tiếc thương ông ấy nhưng không một ai, có lẽ mình tôi, thể hiện sự biết ơn và chúc lành cho sự ra đi của ông. Ông đã hoàn thành cuộc đời của mình một cách rực rỡ nhất, ý nghĩa nhất. Ông ra đi nhưng lời dạy của ông vẫn còn nguyên đây cho bao nhiêu người học hỏi. Những người đang tiếc thương ông, bao nhiêu người trong số đó đọc lại những lời dạy dỗ tâm huyết của ông? Bao nhiêu người thể hiện sự biết ơn những gì ông đã làm thay vì tiếc cho những gì ông có thể làm nếu như vẫn còn sống? Tôi thấy mọi người thật tham lam. Nếu bạn thật sự yêu quý ông đến vậy thì hãy thực hành lời ông dạy sao cho những kiến thức ấy không bị mai một và lãng phí mới đúng.
Cũng không khác khi tôi nhìn vào những tín đồ Công giáo. Họ khóc thương thật nhiều cho cái chết của Chúa Jesus nhưng lại bỏ qua việc thực hành những thông điệp sâu sắc nhất của Ngài về cái chết.

Tiếc thương cho cái chết là quan niệm cũ rồi. Chúc lành cho cái chết, tìm ra ý nghĩa cuộc đời qua cái chết, trân trọng cái chết ngay khi còn sống mới là tâm thức đúng đắn cho những con người thời đại mới.
Cuốn sách đầu tiên của tôi “Sống như ngày mai sẽ chết” cũng mang một ý nghĩa như vậy. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người rằng đừng sợ hãi cái chết nhưng hãy xem nó như một cơ hội, một đòn bẩy để bạn sống cuộc sống này tươi vui hơn, rực rỡ hơn, ý nghĩa hơn và rồi bạn sẽ chẳng bao giờ còn bận tâm khi nào mình sẽ chết nữa.
Dù cho là 10 năm sau, 50 năm sau hay ngày mai, miễn bạn có thể mỉm cười một cách tỉnh thức ngay trước khoảnh khắc lìa đời ấy là bạn đã sống thành công. Người ta thường vì quá sợ hãi cái chết mà lãng phí luôn cả cuộc sống hiện tại trong lo lắng bất an. Đã đến lúc để chúng ta thay đổi cách nhìn về cái chết. Hãy sống tốt, sống ý nghĩa, sống yêu thương thế thì cái chết sẽ trở thành một sự nghỉ ngơi hoàn hảo, một nấc thang để đưa bạn tiến hóa lên một cấp bậc tâm thức mới.
Có hai bài hát về cái chết mà bạn nên nghe, một là bài “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi” như tôi đã nhắc tới ở trên và bài thứ hai hẳn rất nhiều người đã biết là bài “nếu chỉ còn một ngày để sống”. Mong rằng bạn sẽ nghe hai bài hát ấy hôm nay.
Tôi U30 và một trong những thành công lớn nhất của tôi là tôi không hề sợ chết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *