Làm sao để đạt được điều mình muốn?

Nguyên tắc một: Biết mình muốn gì.

Sự thật hơi khó tin là đa phần chúng ta đều không biết mình muốn gì. Chúng ta thường quan tâm những gì người khác muốn ta làm, hơn là quan tâm điều mình muốn. Chúng ra thường tìm cách bắt người khác mang lại cho mình điều mình muốn, hơn là tự mình tìm kiếm điều đó. Chúng ta đặc biệt thường xuyên đồng hoá ý muốn của người khác thành ý muốn của mình – một cách vô thức. Thấy người khác có cái miệng xinh đẹp tự nhiên muốn mình có cái miệng giống vậy, thấy người khác có công việc thú vị tự nhiên muốn mình có công việc y chang như vậy, thấy người khác mua chiếc ô tô cũng tự nhiên muốn có chiếc xe như thế, thấy người khác du lịch cũng nghĩ “ừ mình muốn du lịch”, thấy người khác thành công cũng chậc lưỡi “ừ mình muốn có được thành công”. Nếu đi vào thật sâu những điều chúng ta mong muốn, bạn sẽ nhận ra đa phần chúng đều là những mong muốn tới từ thế giới bên ngoài, rất ít khi chúng ta chịu đặt câu hỏi để tìm hiểu tự bản thân mình từ sâu thẳm bên trong, chúng ta muốn gì?

Nếu hỏi một trăm bạn trẻ ngày nay “Bạn muốn gì?” có lẽ sẽ nghe tới 99 người trả lời “Muốn thành công” nhưng thành công như thế nào thì lại mù tịt hoặc sẽ theo một khuôn mẫu có sẵn nào đó bên ngoài “Ừ thì đại khái như là kiếm nhiều tiền nè, nổi tiếng nè, đi du lịch khắp thế giới nè…” Nếu hỏi thêm một chút “Muốn làm gì để kiếm nhiều tiền” có lẽ sẽ nghe “Thì kinh doanh cái gì đấy” nhưng kinh doanh cái gì thì chịu thua chả có ý tưởng gì cả. May mắn gặp được ai trả lời “tôi muốn làm điều mình thích mà vẫn kiếm được nhiều tiền, thế là nhất” “vậy bạn thích làm gì và giỏi kĩ năng gì?” “Ừm không biết nữa” Cứ hỏi thêm một chút, sâu hơn một chút về những gì người ta mong muốn đi, bạn sẽ rất nhanh đi vào ngõ cụt. Bởi vì lý do đơn giản chẳng mấy người trong số chúng ta thật sự biết mình muốn gì cả, đừng nói tới việc lên kế hoạch để đạt được điều mình muốn.

Bạn sẽ không có thứ bạn muốn đâu, cho tới lúc bạn biết mình muốn gì, càng cụ thể chính xác càng tốt. Nhớ là thứ bạn muốn nhá, chứ không phải thứ người khác muốn nơi bạn. Hãy dành thời gian nghĩ về thứ mình thật sự muốn, nó sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian và năng lượng sống đấy.

Đây là một câu chuyện nhỏ: một vị khách tới thăm nhà người bạn và gặp cậu con trai đang ngồi học bài:
– Cháu giỏi quá. Thế cháu muốn trở thành gì trong tương lai?
– Mẹ muốn cháu thành bác sĩ, bố muốn cháu thành kĩ sư, thầy cô muốn cháu thành công, ông ngoại muốn cháu đi tu, bà nội muốn cháu sớm kết hôn rồi sinh nhiều con cái…
– Nhưng rốt cuộc cháu muốn gì?
– Cháu không biết, chưa từng có ai hỏi cháu câu ấy cả!

Các thế hệ trước liên tục nhồi nhét mọi ý tưởng và mong muốn vào các thế hệ sau, chỉ bởi vì họ không đạt được điều họ muốn. Đến thế hệ sau khi lớn lên phải dành toàn bộ thời gian để “chiều lòng” và đi theo mong muốn của thế hệ trước mà quên mất mình muốn gì. Bởi vì họ lỡ mất cuộc đời mình cho nên đến lượt họ khi có con cái, họ tiếp tục đặt mong muốn ước vọng của họ lên chúng… cái vòng tròn này cứ tiếp diễn mãi không hồi kết và mọi người đều lỡ mất cuộc sống của mình. Đó là lý do thật hiếm tìm thấy người hạnh phúc trên đời.

Cách thức để phá vòng tròn ấy là hãy tự mình đặt câu hỏi và suy tư trả lời nó một cách nghiêm túc nhất: Bạn muốn gì? Bạn muốn sống một cuộc đời như thế nào? Xong rồi lên kế hoạch để sống đời mình muốn song song giúp người khác sống cuộc đời họ muốn. Khó nhưng không có nghĩa là không làm được.

Chúng ta từng nghĩ mình muốn công việc ổn định, muốn lập gia đình sinh con cái, muốn thành công… có thật không? Bao nhiêu cha mẹ từng nhìn vào mắt con mình với tình yêu thương và tôn trọng để hỏi nó “Con muốn gì? Con muốn sống cuộc đời như thế nào?” Không. Cha mẹ thậm chí còn chả quan tâm con mình có muốn theo tôn giáo của mình không, có muốn đi học mỗi ngày không, nếu không vì lý do gì, có thích ăn món mình nấu không, có muốn nghe lời khuyên của mình không… Bởi vì lý do đơn giản chưa bao giờ có ai hỏi họ những câu ấy cả.

Các bạn trẻ, đến lúc tự mình đặt ra những câu hỏi rồi thay vì chỉ nghe câu trả lời từ tất cả mọi người – những người thậm chí còn chẳng quan tâm bạn muốn hỏi gì hay có muốn nghe câu trả lời từ họ không.

Hãy nhận trách nhiệm đặt câu hỏi trước khi tìm câu trả lời và câu hỏi bạn nên tự hỏi mình hôm nay: Tôi muốn gì? Tôi thật sự muốn gì?

Một ví dụ nhỏ mà chẳng nhỏ cho bạn hiểu thêm chỗ này: Một cô gái nói rằng cô ấy muốn lấy chồng nhưng sự thật là cô ấy muốn:
– Một cuộc sống đủ đầy, an toàn
– Không phụ thuộc vào cha mẹ
– Có ai đó yêu thương chăm sóc mình
Tất nhiên nhiều lý do nữa nhưng đa phần các cô gái chỉ là muốn thoát khỏi tình trạng bị xem như gánh nặng, như bom nổ chậm bởi ba mẹ của cô ấy. Cô ấy muốn có cuộc sống riêng, tự lập, làm điều mình thích, sống tự do… nhưng bởi vì cả đời cô chưa bao giờ dám sống một mình nên cô rất sợ việc tự lập và sau cùng cô nghĩ ra giải pháp “Ừ hay là lấy chồng đi rồi mình sẽ được thoát khỏi căn nhà này, mình sẽ được tự do, mình sẽ được sống như ý muốn…” Nghĩ vậy nên cô đến chỗ ba mẹ và nói “Con muốn lấy chồng”
Làm sao “Muốn lấy chồng” có thể thay thế được cho “muốn tự do, hạnh phúc, muốn được chăm sóc, yêu thương, tôn trọng…” Vậy mà đầy người trong chúng ta vẫn nghĩ như vậy đó.
Nếu bạn là một cô gái và nghĩ rằng mình muốn lấy chồng xin hãy ngồi lại, lấy giấy bút ra và tự hỏi bản thân thật nhiều câu hỏi, thật sự bạn muốn lấy chồng hay muốn thông qua việc lấy chồng mà bạn có được những gì mình muốn: ai đó ở bên, được chiều chuộng, cảm giác an toàn, được ba mẹ tôn trọng… RỒi tiếp theo hãy viết tiếp: có cách nào khác để mình đạt được điều mình thực sự muốn mà không phải lấy chồng không?

Cũng tương tự với các bạn nam đang nghĩ rằng mình muốn thành công, muốn giàu có, muốn trở thành đại gia… hãy tự hỏi mình thật nhiều câu hỏi hơn nữa để truy xét tới gốc bạn muốn gì, có cách gì để bạn đạt được những điều bạn muốn đó không?

Biết mình muốn gì là điều tối quan trọng, là bậc thang đầu tiên, là nền móng giúp bạn đứng vững trước khi hành động để có được điều bạn muốn.

Kì sau:
Nguyên tắc 2: Biết mình muốn gì nhưng lại chẳng chịu làm gì để đạt điều ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *