Chủ nghĩa tiêu dùng đang cai trị thế giới này như thế nào?
Chủ nghĩa tiêu dùng chính là chủ nghĩa quyền lực nhất nắm trong tay quyền thống trị cả thế giới, chứ không phải chủ nghĩa tư bản hay bất cứ chủ nghĩa nào. Chủ nghĩa tư bản tuy mạnh nhưng nó cũng chỉ là bàn đạp và nền móng để tạo ra sức mạnh cho chủ nghĩa tiêu dùng mà thôi.
Tất nhiên tôi không phản đối sự thật rằng nhờ có chủ nghĩa tiêu dùng mà chúng ta đang được sống trong một xã hội phồn vinh giàu có với muôn hình vạn trạng hàng hóa phục vụ nhu cầu. Nhưng vì là một cuốn sách của những góc nhìn khác nên trong phạm vi cuốn sách này hôm nay tôi chỉ xin nhìn về những mặt trái của nó. Chỉ khi chúng ta nhìn ra cả hai mặt trái-phải của vấn đề thì chúng ta mới có khả năng để tác động vào nó hoặc thay đổi nó. Cũng như để biết về một tảng băng thì chỉ nghiên cứu phần nổi không là không đủ, đôi khi phần chìm còn to lớn và quan trọng hơn rất nhiều. Cuốn sách này xin được nhấn mạnh vào những phần chìm ấy để tìm ra những mặt tiêu cực của chủ nghĩa vật chất mà có thể bạn chưa bao giờ bận tâm.
Xét trên tầm mức các quốc gia và thế giới: Kể từ khi “sản xuất hàng hóa” hay “kinh doanh” trở thành chủ đề được ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia thì các chính phủ cũng dần thể hiện sự quan tâm và ưu ái cho nó hơn hẳn mọi thứ khác. Đến nỗi ở nhiều nơi, các tập đoàn còn giàu mạnh và ảnh hưởng đến đời sống người dân nhiều hơn cả chính phủ. Thậm chí nó chi phối luôn cả chính phủ các nước. Đây cũng là câu trả lời cho một trong những câu hỏi bên trên “Ai quyền lực hơn tổng thống Mỹ?” đó là những người chủ thật sự của nền kinh tế, những người đóng rất nhiều thuế để nuôi chính quyền hoặc tạo ra chính quyền trong trường hợp họ bỏ tiền ra để giúp các ứng viên chạy đua chức tổng thống hoặc những vị trí quan trọng khác trong chính quyền.
Chính phủ ở mọi nơi trên thế giới có thể đi theo những chủ nghĩa và mục đích khác nhau nhưng chung quy không một chính phủ nào lại không đi theo hướng của chủ nghĩa tiêu dùng là tìm mọi cách để hỗ trợ các doanh nghiệp, phục vụ các doanh nghiệp. Dần dà thì chính phủ cũng chỉ là một công cụ và phải tuân theo mọi yêu cầu chủ nghĩa tiêu dùng. Từ việc đề ra hình thức giáo dục tập trung để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp cho tới tạo ra những thói quen tiêu dùng, thói quen ứng xử nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp ấy. Sau cùng là ra các quy định, luật lệ để giữ cho môi trường kinh doanh được ổn định và phát triển hơn nữa.
Ngoại trừ Bhutan có lẽ chưa có một chính quyền nào trên thế giới dám thừa nhận nhiệm vụ của họ là giúp cho người dân đạt được cuộc sống hạnh phúc hơn.
Bởi vì chính trị là cơ quan đầu não quan trọng có khả năng tác động vào mọi mặt đời sống con người từ văn hóa, giáo dục, y tế, truyền thông, giải trí cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi mục tiêu của người dân trên mọi quốc gia cũng bị ảnh hưởng và lập trình theo cách các chính phủ muốn.
Vậy về tầm mức cá nhân và xã hội thì sao? Chúng ta đều đã và đang chịu sự chi phối của chủ nghĩa vật chất một cách sâu sắc và toàn diện. Mọi người đều được định hướng để theo đuổi một cuộc sống giàu có, quyền lực thay vì một cuộc sống nhiều niềm vui, hạnh phúc. Chủ nghĩa tiêu dùng đã thay chúng ta định nghĩa sự thành công là khả năng nắm giữ vật chất và đó là lý do mọi người chẳng mấy ai có cuộc sống hạnh phúc kể cả khi họ đã có vật chất dư thừa.
Chủ nghĩa tiêu dùng nói rằng nếu như bạn không mua sắm thì bạn sẽ không giúp cho xã hội phát triển được; nếu như bạn không mua sắm thì bạn là kẻ tụt hậu, quê mùa, thua kém mọi người; rồi thì giá trị con người bạn thể hiện ở những thứ đồ đạc trên người; thậm chí nó còn thẳng tay kết luận rằng nếu như bạn không mua sắm gì cả thì bạn là một kẻ ki bo hoặc nghèo hèn, một kẻ thất bại hoặc vô dụng và sự tồn tại của bạn chẳng giá trị gì hay đáng được tôn trọng chút nào.
Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không đánh giá một quốc gia bằng những chỉ tiêu như độ hài lòng, độ hạnh phúc mà lại chỉ đánh giá qua những con số về xuất-nhập khẩu trong kinh doanh? Tại sao chúng ta không đánh giá con người qua những giá trị như niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe mà lại đánh giá qua những đồ vật họ có thể mua và mang theo bên mình?
Chủ nghĩa vật chất hơn bất kì nguyên nhân nào chính là thứ vật cản lớn trên con đường phát triển tâm linh của nhân loại. Trong khi mọi tôn giáo đều hướng người ta đến một cuộc sống xem thường vật chất, trân trọng những gì mình đang có, biết tạ ơn, biết buông bỏ, không tranh đua, không tham lam, không phán xét… thì chủ nghĩa vật chất đi ngược lại tất cả.
Nó không chỉ khiến chúng ta sống trong dư thừa lãng phí, không biết trân trọng những gì mình có mà nó còn khiến chúng ta trở nên ganh tị, tranh đua và phán xét nhau trong cuộc đua sưu tập đồ đạc. Nó khiến chúng ta lạc lối trong việc nhận định đâu là ham muốn, đâu là nhu cầu. Nhu cầu vốn dĩ có thể lấp đầy dễ dàng nhưng ham muốn thì không. Con người vì chạy theo ham muốn mà cứ tưởng là nhu cầu để rồi không bao giờ còn biết thỏa mãn với những gì mình có, nói gì tới sự trân trọng hay biết ơn.
Nhờ có chủ nghĩa vật chất, con người không chỉ ngày càng rời xa những giá trị về tinh thần mà còn trở nên u mê dùng vật chất như lời giải đáp cho mọi câu hỏi về cuộc sống. Người giàu có ngày càng nhiều nhưng người hạnh phúc thì chẳng thấy mấy ai cả, vậy mà chúng ta vẫn cho rằng mình đang đi đúng đường sao? Liệu ý nghĩa cuộc sống này nên được đo đạc bằng vật chất hay tinh thần?
Câu hỏi kinh điển mọi người hay hỏi thăm nhau là “Dạo này công việc thế nào? Làm ăn ra sao?” mà chẳng ai hỏi nhau “Bạn vẫn đang hạnh phúc chứ?” Tôi thường hỏi thăm bạn bè mình bằng câu hỏi ấy và ngạc nhiên làm sao khi chẳng ai dám tự tin trả lời rằng họ hạnh phúc cả. Nhưng nếu tôi hỏi về công việc làm ăn thì hẳn nhiều người tự tin rằng công việc làm ăn của họ rất tốt. Tôi tự hỏi tại sao hạnh phúc lại khó kiếm tìm đến như vậy? Vì nó hiếm có hay vì mọi người đã quên mất hạnh phúc là gì khi họ còn đang phải quay cuồng trong vòng xoáy của cơm áo gạo tiền và chủ nghĩa vật chất?
Nhờ có chủ nghĩa tiêu dùng với mục tiêu lợi nhuận được đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu mà rất nhiều sự tiến bộ thật sự đã bị quên lãng và thờ ơ. Hãy nhớ về lời lão nông Fukuoka ở Nhật Bản cũng như lời của Joel Satalin nước Mỹ ta sẽ dễ dàng nhận ra một mẫu số chung, kết luận chung cho không chỉ hai người nông dân ở hai châu lục mà là trên toàn thế giới. Họ đã dành cả đời để chứng minh cho sự đúng đắn trong phương pháp làm nông và chăn nuôi của mình khi sản xuất ra nguồn lương thực thực phẩm không chỉ năng suất cao mà còn chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, vệ sinh và có thể cung cấp ra thị trường với một mức giá cả hợp lý. Vậy mà họ vẫn không được chính quyền hay những người lãnh đạo thừa nhận và hỗ trợ chút nào. Lý do là khi họ theo đuổi phương pháp của mình, họ đã không mua sắm gì cho chủ nghĩa tiêu dùng cả. Họ đã không mua phân bón, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hay máy móc gì trong khi quyền lực của những người lãnh đạo lại được đặt trên nền móng của những thứ đó. Vậy nên việc họ không được ủng hộ cũng không phải là điều khó hiểu.
Một mặt lợi của chủ nghĩa tiêu dùng là mang cho chúng ta đa chủng loại hàng hóa với mức giá rẻ nhưng xét cho cùng thì những lợi ích ấy cũng không thật sự lợi chút nào. Khi bạn đi mua sắm và trông thấy hàng hóa với mức giá rẻ bạn sẽ có cảm giác muốn mua nhiều hơn và khi mua nhiều hơn thì tất nhiên đồng nghĩa với việc nhiều tài nguyên hơn bị khai thác, nhiều ô nhiễm môi trường hơn, nhiều áp lực cuộc sống hơn và sau cùng là nhiều lợi nhuận hơn cho nhà sản xuất.
Cái hay của chủ nghĩa tiêu dùng mà không ai có thể chối cãi đó là nó thúc đẩy sự phát triển của máy móc kĩ thuật công nghệ. Nhưng những tiến bộ ấy không phải khi nào cũng mang lại lợi ích cho con người như câu chuyện tôi đã kể về những hạt giống biến đổi gen bên trên. Công nghệ dầu sao cũng chỉ là một công cụ phục vụ cho con người, nhưng khi nó bị lợi dụng để làm lợi chỉ cho một nhóm nhỏ những tập đoàn thì nó lại trở thành một thứ vũ khí có thể hủy hoại chính sự sống của con người nữa. Công nghệ giúp cho người ta phân tách một hạt ngô thành những thành phần khác nhau rồi lại lắp ráp các thành phấn ấy lại theo một công thức mới để tạo ra một loạt những thực phẩm mới. Ví dụ từ ngô người ta sẽ chiết xuất lọc tách thành những thành phần trong nguyên liệu làm ra chiếc bánh mì kẹp thịt, lon soda, thanh chocolate, chiếc bánh quy, gói snack và hàng loạt hàng hóa khác nữa. Sự đa dạng theo cách nào đó đã phá hủy khả năng thưởng thức “thực phẩm thật sự” của con người. Ví dụ dễ thấy nhất là thịt bò. Có lẽ chúng ta là những người may mắn khi sống ở Việt Nam và được ăn thịt bò Việt Nam – những con bò nhà nghèo phải ăn cỏ mỗi ngày – thứ thực ăn tự nhiên của chúng. Trong khi đa phần người Mỹ chỉ có thể ăn thịt bò Mỹ là những chú bò nuôi trong trang trại tập trung với thức ăn là ngô xay mịn trộn với các loại thuốc kháng sinh cùng một lượng mỡ bò, xương bò được xay nhuyễn hấp chín. Đến nỗi một số loài bò đã học được cách thích nghi với cuộc sống ấy và chúng không thể ăn cỏ được nữa. Thật là một bước “tiến hóa” kì diệu nhờ bàn tay con người.
Chưa hết, câu chuyện giải cứu hạt giống đã giúp tôi nhìn ra một số vấn đề khác của chủ nghĩa tiêu dùng. Tôi từng nể phục cách người ta tạo ra những loại thực phẩm mới như chuối màu tím, thăng long ruột đỏ, dưa hấu ruột vàng và cho rằng khoa học thật tiến bộ và đáng khâm phục. Nhưng sau đó khi biết rằng từ xa xưa số lượng các loài trong tự nhiên vô cùng đa dạng về chủng loại nhưng chính bởi chủ nghĩa tiêu dùng mà các loài đã bị xóa sổ dần đi để chạy theo cuộc đua lợi nhuận thì tôi không còn cảm thấy khâm phục nữa. Họ xóa sổ các loài, chỉ giữ lại những loài sinh nhiều lợi nhuận nhất và sau đó lại tung ra những loài mới (thật ra là cũ) với cái giá cao gấp nhiều lần. Trong khi nếu giữ sự đa dạng của muôn loài ngay từ ban đầu thì mọi thứ chẳng phải dễ dàng hơn rất nhiều hay sao? Cuộc sống chẳng phải tuyệt vời hơn rất nhiều hay sao?
Dần dà khi tìm hiểu sâu hơn về mọi thứ tôi cảm thấy bản thân mình thật ngu khi không hiểu nổi thứ logic đang được duy trì trên thế giới. Cuộc sống này vốn dĩ không hề khó khăn đến thế nhưng tại sao mọi người lại không tin, tại sao mọi người lại cứ làm cho nó phức tạp lên như vậy, rối rắm như vậy? Càng đi sâu tìm câu trả lời thì tôi lại càng thấy những mâu thuẫn, những vô lý và những sự thật đáng buồn về cách thế giới này vận hành. Nhưng chính trong những điều vô lý và mâu thuẫn ấy tôi lại cũng tìm thấy những câu trả lời rất thuyết phục và những giải pháp rất khả thi có thể vận dụng vào cuộc sống để thay đổi nó. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới này, chỉ cần chúng ta quyết tâm đồng lòng cùng hành động, vũ trụ cũng sẽ ủng hộ chúng ta.
Trước khi đi vào những giải pháp tất nhiên chúng ta phải hiểu được cách thức vận hành cũng như các công cụ tạo nên thành công cho chủ nghĩa tiêu dùng trước đã.
Nhắc đến chủ nghĩa tiêu dùng mà không nhắc đến công cụ đắc lực và “nguy hiểm” nhất của nó –truyền thông quảng cáo – thì thật là một thiếu xót lớn.
Nhắc tới truyền thông quảng cáo mà lại không nhắc về câu chuyện thuốc lá thì còn là một thiếu xót lớn hơn.
Hãy đọc và ngẫm nghĩ về bài báo sau nhưng đừng quá tức giận khi nhận ra bạn và chúng ta đều chỉ là “một lũ đần độn” trong mắt các nhà quảng cáo như thế nào nhé.
Kì tiếp theo sẽ đăng câu chuyện thuốc lá nhé
trích sách “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” – Phi Tuyết