Những quả táo thay đổi lịch sử nhân loại

Câu chuyện quả táo

Quả táo đầu tiên được nhắc đến trong lịch sử loài người có lẽ là quả táo cấm – thứ quả mà Thượng đế cấm Adam-Eva ăn vì Ngài muốn thử thách khả năng chịu đựng cám dỗ của loài người. Loài người tất nhiên là loài vô cùng mạnh mẽ có thể chống lại mọi thứ – trừ sự cám dỗ, cho nên Eva và Adam đã rủ nhau cùng ăn quả ấy để rồi nhận sự trừng phạt vô lý từ thượng đế: bị đuổi cổ khỏi vườn địa đàng – mãi mãi.

Chính bởi trái táo này mà con cái muôn đời sau của Adam-Eva cũng bị khép luôn tội tổ tông truyền là tội cãi lời Thượng đế và bất cứ ai trong con cái loài người, cứ hễ ai cãi lời cha mẹ – bất kể cha mẹ đúng hay sai- đều sẽ bị coi là “mất dạy” là “láo toét”và sẽ bị cả cộng động lên án, nguyền rủa.
*
Tôi bảo mẹ tôi “Người ta bảo Thượng đế đầy yêu thương và công bằng, loại yêu thương và công bằng gì mà tổ tiên phạm tội một lần xong con cái của họ muôn ngàn đời sau cũng bị coi là tội nhân luôn. Một đứa bé mới ra đời trong trắng ngây thơ thế mà cũng bị vướng trọng tội nặng nhất – tội tổ tông truyền – cho đến khi nó rửa tội, mà rửa tội xong có phải là hết đâu, nó vẫn phải đến nhà thờ mỗi tuần trong cả đời để nghe đi nghe lại, lặp đi lặp lại câu “con là kẻ có tội, con là kẻ có tội” – vậy mà mẹ kêu Thượng đế (Chúa Cha) là công bằng và yêu thương sao? Loại yêu thương gì lạ thế? Trừng phạt con cái mình khi nó chỉ muốn được giỏi như mình sao?”
*
Thật ra, quả táo ấy xứng đáng được tuyên xưng là quả táo thánh, vì sao? Vì nó tượng trưng cho một sự lột xác, một bước trưởng thành sâu sắc trong tư duy của con người, nó cho con người một sự lựa chọn mới – ấy chính là sự lựa chọn khởi đầu của một Ý chí tự do. Quả táo ấy cùng với sự bất tuân của Adam-Eva đã mang đến cho con người một phẩm cách hoàn toàn mới: con người không muốn chỉ là những nô lệ nghe lời sai bảo, con người muốn mình trở nên tốt đẹp hơn, tốt đẹp nhất có thể (Thượng đế là thứ tốt đẹp nhất, là cái đích cao cả nhất con người muốn vươn tới, điều ấy có gì sai?) Con người muốn được tự do, tự do làm theo ý mình, bất kể phải chấp nhận hình phạt cho sự tự do ấy.

Ý chí tự do mà Thượng đế hứa ban cho loài người chỉ là một lời hứa suông nếu như Ngài không cho phép con người được tự do lựa chọn những gì mình muốn. Adam và Eva đã chọn việc ăn táo, chọn việc đi theo ý muốn của bản thân mình thay vì ý muốn của Thượng đế, điều này không có gì đáng bị trừng phạt cả, nếu Thượng đế thực sự là một đấng biết giữ lời và giàu tình tha thứ, yêu thương.

Từ trái táo đầu tiên ấy, nhân loại thật sự đã đánh dấu bước ngoặt cho tâm thức tự do của mình và giành lại quyền tự quyết cho bản thân thay vì quyền vâng lời Thượng đế – đó quả thật là một phúc lành lớn lao.
Không có Eva, Adam có lẽ đã không ăn táo và rồi mãi mãi sẽ không nếm được chút xíu hương vị tự do nào cả. Thay vì đổ tội và lên án, Adam nên cảm ơn Eva mới phải. Phụ nữ luôn đứng sau những quyết định quan trọng của đàn ông và nếu quyết định quan trọng ấy đưa bạn tới địa ngục chăng nữa, hãy tự nhận lỗi về mình thay vì chỉ đi đổ lỗi, đấy mới là đấng nam nhi đích thực.

*
Thế rồi quả táo tiếp theo xuất hiện trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng toàn thế giới: trái táo của mụ phù thủy cố hại nàng công chúa Bạch Tuyết. Trái táo này tẩm độc và tượng trưng cho sự độc ác của mụ phù thủy. Cái hay không ai nhận ra rằng bất kì ai trong chúng ta cũng có một ít “phù thủy” bên trong mình mong muốn những điều phù du như tiền tài, danh vọng, sắc đẹp… và chúng ta sẵn sàng làm mọi thứ để có được những điều đó, kể cả làm hại người khác.

*
Tôi có hẹn gặp Ray – một anh chàng Canada bảnh trai làm ngành phim ảnh, chúng tôi hẹn gặp nhau lần đầu trong một nhà hàng nhỏ ấm cúng chuyên các món ăn Nhật Bản. Lần đầu tiên gặp nhau ấy tôi mang tặng cho anh chàng một trái táo đỏ. Anh chàng hỏi “Ồ, tuyệt quá, lần đầu tiên anh được tặng quà trong buổi hẹn đầu đấy, nhưng tại sao em lại tặng táo cho anh?”
Tôi đáp “Con Bạch Tuyết nó suốt ngày đi ăn táo của người khác xong gây cả đống rắc rối, em là Phi Tuyết nên em thích mang táo đi tặng hơn.”
Ray cười “Táo này có độc không đấy?”
Tôi đáp “Tất nhiên là có, không có thì tặng anh làm gì? Độc của nó nguy hiểm lắm đấy, hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi ăn nhé.”
“Bộ ăn nó xong là anh “ghiền” em luôn hả? Vậy anh ăn liền”
Tôi chưa kịp “Ừ” thì anh chàng đã cắn quả táo nhai rộp rộp. Hai đứa cười phá lên như điên trong cái nhà hàng nhỏ bất chấp những ánh mắt một mí xung quanh liếc nhìn ý nhị.
Cuộc đời thì ngắn thế, hãy ăn nhiều đồ ăn ngon như người Nhật nhưng đừng tiết kiệm nụ cười như người Nhật nha.

*
Táo là loại quả kì lạ thế, Adam-Eva cắn một miếng thôi và bị đuổi khỏi địa đàng. Bạch Tuyết cắn một miếng nhỏ thôi cũng đủ bất tỉnh nhân sự như chết khiến các chú lùn đớn đau. Lấy cảm hứng từ trái táo cắn dở ấy mà “Quả táo thép” – Apple của Steve Jobs đã trở thành một trong những thương hiệu quyền lực nhất toàn cầu. Lúc này chúng ta có thể thấy rõ cái hay cũng như cái độc của quả táo ấy, nó mang đến cho con người sự kết nối, nguồn giải trí, thông tin, kiến thức, kênh mua sắm cũng như cơ hội vô hạn để mở rộng cuộc sống trong một thế giới mới do con người tạo ra – thế giới mạng. Nhưng nó cũng lấy đi biết bao năng lượng lẫn thời gian của con người khi sống trong thế giới do thượng đế tạo ra – thế giới hiện hữu.
Đấy, những quả táo đầy mê hoặc và quyền lực làm sao. Bản thân tôi nếu Thượng đế để trước mặt tôi một rừng đồ điện tử và bảo tôi không được chọn Táo – có lẽ tôi vẫn cãi lời Thượng đế mà chọn Táo mất thôi, tội tổ tông truyền đúng là có thật các bạn ạ. Trở lại chuyện Quả Táo thật là quan trọng đối với việc hình thành lịch sử lẫn tính cách nhân loại, những câu chuyện này có thể bạn đều đã biết nên hôm nay tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện khác – cũng là về táo – nhưng trái táo này “thật” hơn tất cả những quả táo bên trên, nó là những trái táo của ông lão Kimura, một nông dân Nhật Bản.

Một ngày đẹp trời nọ tôi vừa đến văn phòng làm việc thì nhận được tin nhắn từ cậu bạn đặc biệt: Lờ Đờ, cậu ấy hẹn tôi ra quán café và tặng tôi một hộp sách lớn nhân dịp… sinh nhật của cậu ấy. Tôi đã bảo cậu bạn này đặc biệt mà. Bên trong hộp là mấy chục cuốn sách thuộc nhiều thể loại triết học, tôn giáo và những cuốn Lờ Đờ tự in để đọc vì không thể đi mua. Nổi bật trong đống sách là một cuốn có bìa trông thật bắt mắt: một cụ ông đang cười toét miệng trong một khu vườn đầy hoa nở rộ, cụ ông trông thật hạnh phúc dù không còn cái răng nào cả. Tên cuốn sách là “Những trái táo thần kì của Kimura”

Tôi đọc ngấu nghiến cuốn sách vì bản thân rất yêu thích những thứ “thần kì” lẫn những cuộc cách mạng thay đổi tư duy loài người. Xin tóm tắt lại cho bạn câu chuyện của ông lão Kimura và cuộc cách mạng trong khu vườn táo của ông ấy.

Kimura còn trẻ rất giỏi công việc máy móc và thích làm việc trong nhà máy nhưng do kết hôn nên ông phải về ở rễ và nhận phụ trách công việc làm nông của gia đình vợ. Ông mong muốn ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào việc làm nông cho nhàn hạ và năng suất cao hơn. Ông mua máy móc và trồng trọt độc canh cây ngô đúng theo cách làm nông nghiệp của các nước phương Tây tân tiến. Một ngày kia ông vào hiệu sách tìm mua một cuốn sách về các loại máy móc công nghiệp nhưng do bất cẩn và do “nghiệp” nên ông làm rơi bẩn một cuốn sách khác bên cạnh và đành phải mua luôn cuốn ấy cho đúng tinh thần của người Nhật.

Rất lâu sau đó vô tình ông mới thấy lại cuốn sách này và mở ra đọc, cuốn sách ấy chính là cuốn “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Fukuoka nói về việc làm nông nghiệp thuận tự nhiên không dùng hóa chất, phân bón hay máy móc. Cuốn sách thôi miên Kimura và ông quyết định đi theo hướng nông nghiệp thuận tự nhiên, có điều ông trồng táo chứ không phải trồng lúa như Fukuoka nên những điều trong cuốn sách không thể cứ thế bắt chước làm y chang được. Dầu vậy ông vẫn quyết tâm mang những khu vườn táo của mình để thí điểm phương pháp trồng táo thuận tự nhiên.

Đền đáp cho công sức của ông, nhiều năm trời vườn táo không ra lấy một bông hoa cũng như không sinh một quả nào, nó thậm chí tiêu tốn toàn bộ gia tài của ông khiến cho cuộc sống gia đình vô cùng khốn khổ nghèo khó. Ông đã thử mọi cách trên các cây táo nhưng sâu hại vẫn đầy tràn và bệnh tật không biến mất, vườn táo chết dần, ông cũng chết dần niềm tin nơi chính mình lẫn niềm tin về trồng táo thuận tự nhiên. Ông bỏ cuộc nhưng không theo cách thông thường là trở lại với phân bón, hóa chất. Ông bỏ cuộc theo một cách rất Nhật Bản là mang theo cuộn dây thừng vào rừng tự tử để chứng minh sự thất vọng lẫn kiên quyết của mình.

Ấy là một đêm đẹp trời dưới ánh trăng sáng đầy thơ mộng, ông chọn tìm một cây to và ném sợi dây thừng lên cành cây nhưng vì hậu đậu, sợi dây thừng lại rơi theo hướng khác. Trong lúc đi nhặt lại sợi dây ông vô tình phát hiện ra một sự thật hiển nhiên mà ông chưa từng lưu ý tới: tại sao những cây trong rừng không ai bón phân bón thuốc mà chúng lại xanh tốt khỏe mạnh như vậy? Trong ánh trăng ông nhìn một cây táo dại sáng lên lấp lánh đầy khỏe mạnh kiêu hãnh liền chạy tới bên cây để quan sát và ông phát hiện ra một điều cực kì quan trọng: đất rừng là thứ tạo nên sức sống cho cây rừng và đất vườn thì không có cửa để so sánh với đất rừng chút nào về độ tơi xốp, màu mỡ lẫn tự nhiên.

Ông òa lên vui sướng, vậy là trong mấy chục năm trời ông chỉ tập trung chú ý vào cây táo và những sâu bệnh trên cây táo mà quên hẳn việc tái tạo lại chất lượng đất trong khu vườn. Đất mới là thứ tối quan trọng tạo nên một môi trường cho cây phát triển khỏe mạnh và tự nhiên, cây khỏe thì bệnh tật hay sâu hại sẽ không là vấn đề, cây yếu thì chẳng cách nào chống lại bệnh tật được, mà bệnh tật đã không chống được, lấy đâu sinh lực để cây ra hoa kết trái?

Tất cả vấn đề, từ nguyên nhân cho tới giải pháp của việc trồng táo thuận tự nhiên, kì lạ thay mà cũng hiển nhiên thay, chính là chất lượng đất. Nghĩ thông suốt nên ông bắt đầu cải tạo lại đất vườn táo của mình, ông trồng các cây họ đậu, để cỏ mọc lên tự nhiên và nhiều phương pháp khác nhằm tái tạo đất vườn trở nên tơi xốp màu mỡ như đất rừng và sau một vài năm tập trung vào cải tạo đất song song chăm bón, trò chuyện với những cái cây, cuối cùng một ngày kia vườn táo cũng ra hoa trở lại và đơm ra những trái ngọt lành.

Câu chuyện cứ tưởng đến đây là hết ai dè chưa hết đúng bản chất cuộc đời, ông lão Kimura tội nghiệp chưa kịp mừng vì táo trổ bông kết trái thì lại gặp ngay vấn đề khác: táo tự nhiên vừa xấu vừa không ngon ngọt như táo được nuôi trồng hóa chất và thị hiếu người tiêu dùng chưa mấy ai chấp nhận ăn một loại táo xấu xí như vậy.

Lại mất thêm vài năm mang những trái táo tội nghiệp của mình đi bán khắp nơi trong vô vọng, cuối cùng hôm nay Kimura đã đạt được thành công, táo trong vườn luôn được đặt mua trước và ông trở thành người tiên phong trong việc trồng táo thuận tự nhiên, ông đi khắp nơi để thuyết giảng về việc trồng táo không phân bón hóa chất cho mọi người và hôm nay chúng ta mới có câu chuyện hay này để đọc.

*

Bài học thì tất nhiên là nhiều vô số, thông điệp cũng nhiều nhưng với tôi, bài học quan trọng hơn tất thảy là về tầm quan trọng của đất trong công cuộc nuôi trồng thực phẩm thuận tự nhiên mà ở đây là cây táo và sau nữa là bài học về tầm quan trọng của môi trường sống đối với một cá nhân khỏe mạnh hạnh phúc. Môi trường sống không chỉ có nghĩa là đất đai, khí hậu, sông ngòi trong tự nhiên mà còn là môi trường về văn hóa và tâm linh – một môi trường cũng quan trọng không kém trong việc tạo ra nhân loại lành mạnh nhưng lại bị xem thường bỏ bê hết sức.

Bài sau (nếu có) sẽ nói sâu thêm về vấn đề này!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *