Nghệ thuật biến rác thành vàng tại Thụy Điển

Câu chuyện Giả Kim: nơi biến rác thành vàng

Estonia và Thụy Điển là hai trong số ít những nước đang phải nhập khẩu hàng triệu tấn rác mỗi năm từ các nước khác vì nhà máy tái chế và xử lý rác thải của họ làm việc quá hiệu quả.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên có thể tái chế tới 99% rác thải sinh hoạt của người dân. Để làm được điều đó đầu tiên truyền thông ở đây đã phải tốn khá nhiều thời gian để giúp người dân ý thức chuyện phân loại rác và giữ gìn vệ sinh công cộng.
Giấy được nghiền thành vụn để tạo ra giấy mới, chai nhựa bị nung chảy để tạo ra vật dụng mới; thực phẩm thừa trở thành phân bón. Xe thu gom rác cũng được chạy bằng điện hoặc khí sinh học. Thậm chí đến các hiệu thuốc cũng chấp nhận mua lại thuốc thừa, khiến rác thải y tế ở đây gần như không có.
Trong số 99% rác tái chế, có khoảng 50% sẽ được đốt, nhưng là để tạo thành một nguồn năng lượng mới. Nguồn năng lượng này sẽ được quay vòng, trở thành nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt.
Rác đốt đi vẫn còn tro bụi, và chúng chiếm tới 15% khối lượng trước khi đốt. Tuy nhiên, số tro này sẽ được sàng lọc lại một lần nữa. Kim loại được tái sử dụng, trong khi sứ và gốm không cháy được sẽ tận dụng để xây đường. Cuối cùng, chỉ còn khoảng 1% rác thải không thể sử dụng được nữa, buộc phải đưa ra ngoài môi trường. Dù vậy, lượng khí và nước thải cũng trải qua một lần lọc nữa trước khi giải phóng ra thiên nhiên.
Ngoài ra, người dân Thụy Điển luôn có xu hướng lựa chọn mua đồ thân thiện với môi trường. Các nhà hàng, cửa tiệm cũng đưa ra nhiều ưu đãi ủng hộ điều đó, như đổi quần áo cũ để được giảm giá, hoặc đổi vỏ chai bia lấy bánh hamburger…
Thành quả của Thụy Điển xuất phát từ việc tuyên truyền ý thức quan tâm đến thiên nhiên vào cuối thế kỷ 20. Cụ thể hơn thì từ những năm 1990, Thụy Điển đã tiên phong đánh thuế rất nặng vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời luôn chú trọng vào những nguồn nhiên liệu sạch, dễ thay thế. Đến nay, quá nửa nguồn điện năng ở đất nước này có thể quay vòng.
Điều tuyệt vời này đang xảy ra ngay trên trái đất. Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao các quốc gia không bắt chước hay đơn giản là mua những công nghệ như vậy về cho đất nước mình, biến rác thải thành nguồn năng lượng sạch vừa hiệu quả vừa bảo vệ môi trường? Đặc biệt như Việt Nam chẳng hạn.
Thế rồi tôi nhớ ra, cùng một bài học với lão nông Fukuoka Nhật Bản và anh nông dân trồng cỏ Satalin ở Mỹ: những tiến bộ tuy tốt cho thế giới cho loài người nhưng nếu đụng tới những lợi ích nhóm thì sẽ khó được chấp nhận và tạo điều kiện.
Năng lượng là một món hàng giá trị mà ai cũng cần đến dù cho ở bất cứ quốc gia nào vì ngày nay chúng ta phụ thuộc vào công nghệ quá nhiều. Chính bởi năng lượng là món hàng hời như vậy nên những nhóm lợi ích sẽ muốn duy trì nó càng lâu càng tốt, bất kể sự thật nó tàn phá môi trường sống đến đâu. Việc thu những khoản tiền lớn từ người tiêu dùng thì tốt hơn nhiều so với việc không có đồng nào từ họ, nói gì tới việc trả lại tiền cho người tiêu dùng như Đức đã làm khi nguồn điện từ gió của họ quá dồi dào và họ đã trả tiền cho người dân để tiêu dùng nhiều hơn.
Bên cạnh việc đụng chạm lợi ích nhóm thì nền tảng cho việc áp dụng những tiến bộ này không phải dễ. Vì nó kêu gọi sự đóng góp công sức của không chỉ một nhóm người, mà toàn xã hội.
Những nhà máy chế biến rác thành điện bên trên sẽ không thể hoạt động ở Việt Nam nếu như người dân Việt Nam không hề được dạy về tầm quan trọng của việc phân loại rác thải ở nhà cũng như ở nơi công cộng.
Việc giáo dục con người vào những thói quen tốt như biết tiết kiệm, phân loại rác là việc vô cùng khó khăn mà cần sự hỗ trợ, đồng lòng, quyết tâm của cả một bộ máy khổng lồ từ chính quyền cho đến người dân, từ cộng đồng lớn tới gia đình nhỏ. Việc giáo dục ấy phải có sự kết hợp của mọi thành phần trong xã hội, từ tôn giáo đến truyền thông, phá bỏ nhiều nếp văn hóa và xây dựng nên một nền văn hóa mới.
Quả thật là một việc vô cùng khó khăn và nhiều thử thách nhưng không có nghĩa chúng ta không làm được.
Vậy bạn nghĩ ai có thể làm công việc ấy?
Ai chịu trách nhiệm công việc ấy?
Xin thưa đó chính là ngành Giáo dục!

Trích sách “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” – Phi Tuyết
Chương 4: Chủ nghĩa tiêu dùng
Chương 5: Câu chuyện giáo dục

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *