Trích “Đứa trẻ nổi loạn”: Phúc lành thay những đứa trẻ không vâng lời

Không nghe lời, là tốt

Tôi luôn làm điều ấy trở thành rất rõ ràng với mọi người trong gia đình, tôi nói: “Không phải là con không nghe lời, con sẽ nghe lời chứ, nếu như lời của mọi người là đúng, nếu như mọi người có thể thuyết phục con, chứng minh cho con điều mọi người nói là hoàn toàn chính xác, hợp lý, có cơ sở. Bằng không, tại sao con phải nghe? Mọi người có dám cam kết rằng tất cả những lời mọi người nói ra là tuyệt đối đúng hay không? Nếu mọi người dám cam kết, con sẽ nghe theo. Dù sao mọi người cũng chẳng bao giờ dám cam kết điều này vì chúng ta đều biết, chẳng ai luôn luôn đúng cả. Cho nên nếu mọi người không thể cam kết rằng mình luôn đúng thì xin hãy tôn trọng con, xin hãy khiêm tốn và cho con được lựa chọn, được suy nghĩ, đừng bắt con phải nghe lời một cách mù quáng, nhưng hãy thuyết phục con bằng lý lẽ của mọi người và rồi để cho con quyết định xem rằng lời của mọi người có đáng để nghe hay không.”

Việc nổi dậy của bọn trẻ là cần thiết – mọi đứa trẻ đều phải trải qua điều đó. Một khoảnh khắc tới khi đứa trẻ phải nói không, nó khăng khăng nói không. Thực ra, chừng nào đứa trẻ chưa học nói không, nó sẽ không bao giờ có khả năng nói có, có của nó sẽ bất lực nếu không có bối cảnh của không. Cái không nền tảng được cần như bảng đen; chỉ trên bảng đen nền tảng của cái không đó, cái có mới hiện lên một cách rõ ràng được.

Bạn cần phải hiểu rõ ý của tôi khi tôi dùng từ “Bất tuân, không vâng lời” trong các câu chuyện. Nó không mang ý nghĩa như trong từ điển. Ý của tôi về việc không vâng lời không phải là chuyện bị sai bảo, hay trong phản ứng, làm ngược lại những gì người khác muốn mình làm.

Sự vâng lời không cần đến trí thông minh. Tất cả các loại máy móc đều biết vâng lời,- chưa bao giờ có một loại máy móc nào bất phục tùng cả. Sự vâng lời cũng rất đơn giản. Nó nhấc cho bạn gánh nặng trách nhiệm. Không cần phải phản ứng, bạn chỉ việc đơn giản làm theo những gì người ta nói. Trách nhiệm là của người đưa ra mệnh lệnh. Theo một cách nhất định bạn rất tự do: bạn không thể bị lên án vì hành động của chính mình.

Phục tùng mệnh lệnh chỉ là sự ngu dốt,- việc bất tuân mệnh lệnh mới cần đến một chút thông minh ở mức độ cao hơn. Bất kỳ một thằng ngốc nào cũng có thể tuân lệnh, trên thực tế thì chỉ có kẻ ngu dốt mới phục tùng mệnh lệnh thôi. Người khôn thì sẽ hỏi tại sao? – “Tại sao tôi lại phải làm việc đó?”, và, “Trừ khi tôi được biết lý do và mục đích của việc đó, còn không thì tôi sẽ chẳng đụng chạm đến nó đâu”. Rồi người đó sẽ chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Trách nhiệm không phải là trò đùa. Đó là một trong những cách sống thật nhất – mà cũng nguy hiểm nữa – nhưng nó không có nghĩa là bất tuân mệnh lệnh vì mục đích của những kẻ bất tuân. Như thế thì cũng chỉ là ngu dốt mà thôi.

Thế nhưng với việc làm trái ngược những gì người ta sai bảo bạn cũng không thể nâng trí thông minh của mình lên một mức cao hơn được. Bạn vẫn ở cái tầm ấy thôi. Việc vâng lời hay không vâng lời chẳng thể thay đổi trí thông minh được. Đối với tôi bất tuân lại là một cuộc cách mạng vĩ đại.

Nhưng nó không có nghĩa là bạn sẽ nói không trong mọi tình huống. Đơn giản nó chỉ có nghĩa là bạn phải quyết định có nên làm việc đó hay không, liệu việc đó có ích hay không. Làm như vậy là bạn đã gánh lấy trách nhiệm rồi. Vấn đề không phải là bạn ghét cái người ra lệnh hay ghét bị sai bảo, vì với sự căm ghét đó bạn không thể hành động theo cách tuân lệnh hay bất tuân; thực ra là bạn đang hành động một cách vô thức đấy. Bạn không thể hành động một cách thông minh được.

Khi bạn bị sai bảo làm một việc gì, bạn có được cơ hội để đáp lại. Có thể những gì người ta sai bảo là đúng; thế thì hãy làm theo, và hãy biết ơn người đã nhắc bạn làm việc đó đúng lúc. Có thể những điều đó là không đúng – vậy hãy nói rõ. Hãy nói ra lý do của bạn, tại sao nó lại không đúng; rồi giúp người kia hiểu rằng anh ta đang suy nghĩ chệch đường rồi. Tuy nhiên, sẽ không có chỗ cho sự thù ghét đâu. Nếu đúng thì hãy làm theo bằng tình yêu. Nếu nó không đúng, thì sẽ càng cần có nhiều tình yêu hơn nữa, vì bạn sẽ phải nói chuyện với người kia, giải thích cho người đó hiểu rằng như vậy là không đúng.

Đứa trẻ loài người là đứa trẻ yếu ớt nhát trong toàn thể sự tồn tại. Điểm yếu của nó hóa ra lại là một phúc lành được ngụy trang, nhưng cũng có thể bị bao phủ quá mức – và đó là những gì đã được hoàn thành trong hàng thế kỉ. Cha mẹ không bao giờ cho phép sự yếu ớt; sự vô dụng và phụ thuộc của đứa trẻ trở thành sự độc lập, sức mạnh, toàn vẹn, cá tính… Mục đích của họ là giữ cho đứa trẻ vẫn giữ nguyên tình trạng nghe lời – điều này là tự nhiên thôi vì chỉ những đứa trẻ nghe lời mới không tạo ra rắc rối. Một đứa trẻ bất tuân sẽ cứ liên tục tạo ra rắc rối mà thôi, nhưng một đứa trẻ bất tuân mới thật là một con người.

Đứa trẻ vâng lời chỉ đơn giản như một đống phân bò. Một đứa trẻ không thể nói không, chúng không có quyền nói không. Và nếu một đứa trẻ không thể nói không tới thứ nó không muốn, thì cái “có” của nó cũng là vô nghĩa. “Có” là có nghĩa chỉ khi đứa trẻ ấy có khả năng nói “không”. Sau đó tùy thuộc vào sự thông minh của đứa trẻ mà nó quyết định “có” hay “không”. Nhưng thật dễ dàng cho cha mẹ khi đứa trẻ luôn luôn nói “có” – tức là nói “vâng”. Nó sẽ được thưởng cho sự vâng lời và nó sẽ bị phạt khi không vâng lời. Tình thế tương tự như vậy ở trường học nữa, giáo viên muốn bạn trở nên vâng lời, dễ bảo, chỉ thế thì mới dễ dàng cho họ trong việc kiểm soát bạn, kiềm chế bạn, thống trị bạn.

*
Cha tôi đã chỉ trừng phạt tôi một lần duy nhất. Đó là khi tôi tự ý bỏ đến một hội chợ chơi mà không xin phép.

Hội chợ đó được tổ chức hàng năm cạnh một con sông cách xa thành phố vài dặm và tôi đã đi đến đó mà không hỏi bất cứ sự xin phép nào. Quá nhiều thứ tuyệt vời và hấp dẫn ở trong hội chợ đó nên vốn dĩ ban đầu tôi chỉ định đi một ngày rồi trở về trong đêm nhưng tôi không làm được, không trở về trong một ngày được, thế nên tôi đã ở đó trong ba ngày. Trong ba ngày đó toàn bộ gia đình trở nên hỗn loạn và lo lắng vì họ không biết tôi đi đâu, tôi đơn giản tự nhiên biến mất và họ hỏi khắp nơi nhưng không ai biết tôi ở đâu cả.

Điều đó chưa từng xảy ra, tôi chưa từng biến mất như vậy, thường thì tôi sẽ về nhà rất muộn, khoảng nửa đêm hay thậm chí gần sáng nhưng tôi luôn luôn trở về. Và lần đó thì tôi đi mà không xin phép cũng chẳng để lại một lời nhắn nào.

Khi tôi trở về cha tồi đã trở nên hoàn toàn tức giận, ông ấy tát tôi. Tôi im lặng. Rồi tôi nói: “Cha có muốn tát thêm nữa không? Cha có thể, vì con đã tận hưởng đủ trong ba ngày. Cha không thể đánh đòn con nhiều hơn những gì con đã tận hưởng, vậy nên cha có thể đánh thêm một vài cái nữa cũng được. Nếu việc đó làm cha bớt nóng giận thì tốt thôi; còn đối với con thì nó chẳng là vấn đề gì cả, con vẫn ở trong sự cân bằng vì con đã tận hưởng quá nhiều.”

Ông ấy nói: “Con thật là quá quắt. Đánh con không có nghĩa lý gì cả. Con không những không tránh nó, không cảm thấy đau mà còn đề nghị ta đánh thêm nữa. Liệu con có thể phân biệt được giữa thưởng và phạt không?”
Tôi nói: “Không, với con mọi thứ đều là phần thưởng xét theo cách nào đó. Có rất nhiều cách thưởng khác nhau nhưng nhìn chung mọi thứ vẫn đều là thưởng.”
Và ông ấy hỏi tôi: “Con đã đi đâu trong ba ngày qua?”
Tôi nói: “Cha nên hỏi điều này trước khi cha đánh con. Giờ cha đã làm mất quyền hỏi của cha rồi. Con đã bị trừng phạt trước khi có thể nói, vậy là đủ, không cần phải nói thêm gì nữa. Nếu cha muốn biết, cha nên hỏi con trước, nhưng cha đã không có một chút kiên nhẫn nào. Chỉ một phút cũng đủ nhưng cha lại không có dù chỉ một phút để hỏi con trước.

Tôi ngừng lại, nhìn vào mắt ông ấy đang giận sôi lên, tôi nói tiếp: “Đáng lẽ con không cần trả lời cha, nhưng vì con không muốn cha lo lắng việc con đã đi đâu nên con sẽ vẫn nói cho cha biết rằng con đã ở chỗ hội chợ.”
Ông ấy hỏi: “Tại sao con không hỏi xin phép ta?”
Tôi nói: “Bởi vì con muốn đi. Cha hãy trả lời thành thật đi: nếu con hỏi xin phép cha, liệu cha có đồng ý hay thông? Hãy nói thật.”
Ông ấy nói: “Không”
Tôi nói: “Điều đó giải thích mọi thứ rằng tại sao con lại không xin phép cha – bởi vì con muốn đi, nếu con xin phép và cha nói không và con sẽ vẫn cứ đi, thế thì điều ấy sẽ chỉ gây thêm khó khăn cho cha mà thôi. Thế nên để làm cho mọi thứ dễ dàng hơn với cha con đã không hỏi, và giờ con đang được cha thưởng cho việc đó bằng một cái tát. Cha có thể thưởng thêm vài cái, con đã sẵn sàng rồi. Nhưng con nhắc cho cha biết, hội chợ đó rất tuyệt vời, con rất thích nơi đó và dự định sẽ đến đó mỗi năm khi nó mở, thế nên lần tới khi không thấy con thì cha biết con đang ở đâu rồi đấy, đừng lo lắng.”

Ông ấy nói: “Đây là lần cuối cùng mà ta đánh con hay phạt con. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Có lẽ con nói đúng, nếu con thật sự muốn đi thế thì đó là cách duy nhất, bởi vì ta nhất định sẽ không cho phép con đi. Hội chợ đó đầy rẫy những thứ làm người ta hư hỏng: thuốc phiện bán khắp nơi, gái điếm và đủ mọi loại tệ nạn khác nữa, nên nhất định ta sẽ không cho phép con đi. Và nếu con muốn đi đến đó thì có lẽ con đã đúng khi không xin phép ta.” – Bạn nên biết tại thời điểm đó thuốc phiện là thứ hợp pháp ở Ấn Độ và dường như tất cả mọi sư Hindu đều dùng chúng.

Tôi nói: “Con đến đó và không bận tâm về bất cứ thứ gì khác ngoài những trò ảo thuật. Nếu con bận tâm và muốn thử các loại thuốc phiện hay muốn xem các cô gái nhảy múa thì ai có thể cản con chứ? Thuốc phiện và các cô gái đều có trong thị trấn này, cha chỉ cần biết là con không hứng thú với những thứ đó. Thứ duy nhất mê hoặc con là những trò ảo thuật. Hội chợ đó có đủ các thể loại ảo thuật gia trình diễn những màn ảo thuật của họ và có một vài trò thật sự rất tuyệt vời. Mối quan tâm của con là cách họ làm cho những phép màu trở thành ảo thuật. Ảo thuật chỉ là những trò lừa – không có tí phép màu nào trong đó cả – nhưng nếu cha không biết về những trò lừa thì cha sẽ thấy nó giống như phép màu vậy.”

Và đó là lần duy nhất tôi bị trừng phạt. Tôi đã tận hưởng từng trò đùa tinh nghịch của mình nên tôi không bận tâm về chuyện trừng phạt một chút nào. Hình phạt không có chút nghĩa lý nào với tôi cả.

Thưởng và phạt là cách bạn huấn luyện những con thú, không phải con người

Những gì người ta làm trong sở thú với những con vật bạn đang làm với chính những đứa con của bạn. Nhưng bạn làm nó mà không nhận thức được toàn bộ trò chơi bởi vì nó cũng đã được làm với bạn theo cùng cách đó. Đây là cách duy nhất mà bạn biết để làm sao huấn luyện và dạy dỗ một đứa trẻ. Đây là những gì bạn gọi là “dạy dỗ” “nuôi nấng” đấy, trên thực tế nó chỉ làm hại thôi. Nó là cách để bạn ép buộc những đứa trẻ vào cái khuôn mẫu xấu xí thấp kém, hạ chúng xuống chứ không phải là cách để nâng chúng lên một tầm cao mới.

Một đứa trẻ thường không biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Chúng ta dạy chúng. Chúng ta dạy chúng theo hình mẫu trong tâm trí mình. Cùng một thứ có thể là đúng ở Tây Tạng nhưng sai ở Ấn Độ, cùng một thứ có thể đúng trong nhà bạn nhưng sai trong nhà hàng xóm của bạn. Nhưng bạn vẫn cố nhồi nhét, áp đặt những thứ ấy vào trong đứa trẻ: “Điều này là đúng, điều này là sai”. Đứa trẻ được chấp thuận khi nó làm việc này và bị từ chối khi nó làm việc khác. Khi nó nghe lời bạn, bạn hạnh phúc và bạn vỗ nhẹ vào chúng; khi nó không nghe lời bạn, bạn tức giận và bạn tra tấn bọn trẻ bằng những cái vỗ mạnh hơn, bạn đánh đòn chúng, bạn bỏ đói chúng, bạn không trao tình yêu đến chúng nữa.

Một cách tự nhiên đứa trẻ bắt đầu hiểu rằng sự tồn tại của nó là xung quanh một cái cọc. Nếu nó nghe lời cha mẹ thế thì mọi thứ đều ổn, nếu không họ sẽ trừng phạt nó. Đứa trẻ có thể làm gì bây giờ? Làm cách nào nó có thể thuyết phục chính mình chống lại quyền lực khủng khiếp của cha mẹ? Cha mẹ như một lực lượng khổng lồ, đầy quyền lực, họ có thể làm bất cứ gì.

Ngày trôi qua đứa trẻ trở nên mạnh hơn và khi ấy nó đã bị thiết lập xong rồi. Lúc này sự thiết lập, áp đặt đã đi vào sâu thẳm bên trong nó đến nỗi không cần cha hay mẹ theo sát chúng nữa. Sự cài đặt bên trong này chính là những gì mà được gọi là lương tâm, lương tâm này sẽ theo đuổi và tra tấn nó.

*

Tôi được sinh ra trong gia đình Jaina – thật không may nhưng làm sao bây giờ – cho nên mãi tới tám tuổi tôi không hề được nếm một miếng cà chua nào – những quả cà chua đáng thương – vì người Jaina ăn chay tuyệt đối và cà chua đáng thương lại có màu đỏ: màu của thịt – chỉ mỗi vì cái màu đỏ. Không có hại gì nhưng chỉ ý tưởng về màu sắc cũng đủ khiến người Jaina kinh tởm. Cà chua không được thậm chí là mang vào nhà cho nên tôi không có dịp ăn chúng.

Khi tôi tám tuổi, tôi đi dã ngoại ngoài trời với những người bạn Hindu. Tôi là người Jaina duy nhất và họ tất cả là Hindu. Cho tới lúc ấy tôi cũng không ăn đêm nữa vì người Jaina cho rằng ăn vào ban đêm là một tội lớn vì trong đêm muỗi có thể rơi vào thức ăn của bạn, sâu bọ có thể bò vào và một cách vô ý bạn có thể ăn phải cái gì đó đang sống. Điều đó sẽ lôi bạn xuống địa ngục cho nên người ta phải ăn trong ánh sáng ban ngày. Người ta thậm chí còn không được uống nước trong đêm vì ai mà biết được lỡ uống trúng con gì còn sống là sát sinh mất rồi, sẽ phải xuống địa ngục. Thôi thà nhịn ăn uống còn hơn phải xuống địa ngục.

Cho nên tôi đã không ăn trong đêm và cũng không ăn cà chua. Chúng là cám dỗ lớn. Tôi đã thấy cà chua ở chợ và chúng thật sự rất cám dỗ. Ngay cả khoai tây hay bất cứ cái gì mọc dưới đất cũng đều nguy hiểm để ăn vì nó mọc trong bóng tối, nó sẽ mang bóng tối tới linh hồn bạn. Đấy là Jaina đấy!

Khi tôi đi cùng nhóm bạn dã ngoại ngoài trời tới vùng núi đẹp đó, tất cả họ đều háo hức với khung cảnh xung quanh và không bận tâm chuyện ăn uống. Tôi không thể nấu gì, lại lười nữa nên tôi phải đợi họ. Tôi rất đói – cuộc hành trình, việc đi lại, không khí tươi mát vùng núi và đêm đang tới. Tôi lo sợ, nếu họ nấu thức ăn lúc đêm thì tôi sẽ đi ngủ với bụng đói và dạ dày tôi bỗng nhiên đau thế.

Thế rồi họ bắt đẩu náu thức ăn và rồi cám dỗ lớn: cà chua, khoai tây, mùi thơm của thức ăn. Tôi đã phải đấu tranh giữa cám dỗ và đức hạnh, lương tâm mình. Một khoảnh khắc tôi quyết định đi ngủ một đêm mà không ăn gì bởi vì đói một đêm cũng không chết, còn hơn chịu đựng địa ngục và ngọn lửa thiêu cháy chỉ vì vài quả cà chua và khoai tây. Nhưng thế rồi cơn đói ngày một mạnh hơn, biện minh bắt đầu xuất hiện: Nếu tất cả bạn tôi xuống địa ngục, tôi sẽ làm gì trên cõi trời? Tốt hơn cả là nên ở cùng bạn bè dưới địa ngục hơn là ở cùng những thánh Jaina ngu xuẩn trên cõi trời. Ít nhất ở địa ngục mình cũng có thể nấu cà chua, khoai tây, mình có thể ăn ngon vì luôn có đủ lửa để nấu nướng. Địa ngục mà, nhiều lửa lắm.

Tất cả bạn bè thuyết phục tôi: “Không có ai khác ở đây và chúng tôi sẽ không nói với gia đình bạn. Chẳng ai biết bạn đã ăn trong đêm hay ăn cà chua hay khoai tây hay cái gì cả. Miễn cưỡng, ngần ngại, tôi đồng ý, nhưng sau đó tôi không thể ngủ được cho tới khi nôn ra giữa đêm. Không ai nôn cả – tất cả đều ngủ say và tôi thì nôn. Đó là do tâm lý của tôi, vì tôi đã chịu đựng cái ý tưởng rằng tôi đã phạm tội, lương tâm tôi cắn rứt. Không phải cà chua làm tôi nôn đâu nhưng thái độ của tôi với cà chua mới là nguyên nhân.

Từ ngày hôm đó sự việc trở thành rõ ràng rằng bạn chỉ có thể sống cuộc sống một cách toàn bộ nếu như bạn bỏ đi mọi thái độ về cuộc sống. Bằng không bạn sẽ sống một cách bộ phận và sống kiểu bộ phận thì không phải sống chút nào.

Tôi là một đứa trẻ mạnh nhưng dù vậy, cha mẹ, tôn giáo, xã hội vẫn cố bắt lấy tôi bằng nhiều cách. Tôi vẫn bị họ ước định trong nhiều thứ, cài đặt trong nhiều thứ.

Lương tâm và cảm giác tội lỗi là một trong những thứ tốt để nô lệ hóa một con người. Những gì mà bạn cho là đúng, chưa chắc là đúng và những gì bạn cho là sai, cũng chưa chắc là sai.

*

Ví dụ, nếu đứa trẻ bắt đầu chơi với bộ phận sinh dục của chúng – đây là trò đơn giản mang lại niềm vui cho đứa trẻ, một niềm vui rất tự nhiên, bởi vì cơ thể của đứa trẻ vốn rất nhạy cảm – nó không mang chút dục tính nào cả như cách bạn hay nghĩ rằng cứ đụng vào đó là sinh ra dục tính. Đứa trẻ rất rất sống động và tự nhiên sự sống động của cơ thể lôi kéo nó chú ý vào bộ phận sinh dục hơn là các bộ phận khác trên cơ thể. Đó là nơi mà toàn bộ năng lượng cuộc sống được tích trữ, nó là điểm nhạy cảm nhất. Đụng vào đó và chơi với bộ phận ấy khiến đứa trẻ hoàn toàn hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng – nhưng bạn thì sợ. Nó là vấn đề của bạn. Bạn bắt đầu sợ rằng đứa trẻ sẽ thủ dâm hay sao đó. Nó không phải như thế. Nó đơn giản là một người đang thích thú khám phá cơ thể mình để hiểu chính mình. Hoàn toàn vô hại.

Nhưng nó lại là ám ảnh tội lỗi của bạn, nỗi sợ của bạn. Ai đó có thể thấy con trai bạn đang làm vậy và họ có thể nghĩ rằng bạn không biết cách nuôi dạy con cái “Hãy làm cho chúng cư xử văn minh, dạy chúng đừng làm như thế” Vậy nên bạn dừng đứa trẻ lại, bạn la mắng nó. Bạn nói “Bỏ ra ngay” hết lần này đến lần khác và cái sự tức giận của bạn sẽ đi rất sâu vào trong tâm trí đứa trẻ, trở thành thứ gọi là “lương tâm”, một phần vô thức của đứa trẻ. Sau đó thì sao? Khi lương tâm này vận hành, chỉ cần đứa trẻ tự đụng vào chính nó, không cần bạn ở bên la mắng, tự đứa trẻ sẽ cảm thấy có lỗi, thấy sợ, nó sẽ nghe thấy tiếng của bạn bên tai “Bỏ ra ngay”. Nó có thể tưởng tượng cha mẹ nó đang ở xung quanh nhìn ngóc – nó cảm thấy có lỗi. Nhất là khi người ta bắt đầu dạy đứa trẻ về một “thượng đế là cha đang quan sát khắp xung quanh”, ý tưởng này về thượng đế là một sự gây tê liệt tạm thời, sau đó bạn sẽ không còn tự do chút nào nữa, thậm chí trong phòng tắm của nhà bạn. Không còn nơi nào mà bạn cảm thấy tự do nữa, Thượng đế toàn năng đang theo dõi bạn khắp mọi nơi như một thám tử sành nghề. Khi bạn làm tình với một người phụ nữ bạn cũng có thể tưởng tượng ra vị thượng đế kì cục ấy cũng đang nhìn bạn với đôi mắt phán xét và ông ấy có vẻ không hài lòng. Quả thật ông ta là siêu-cảnh-sát trong mọi cách – đấy là cách cha mẹ đã tác động vào thứ gọi là lương tâm của bạn.

Cuộc sống là thế: bạn càng biết nhiều, bạn càng sống nhiều – bạn càng sống nhiều lại càng biết nhiều hơn. Chúng đi cùng nhau, tay trong tay – biết và sống là hai mặt của cùng một đồng tiền.

Bản chất của cuộc sống là tự nhiên, bất kì cái gì bạn làm đều tự nhiên. Bản năng là thứ tuyệt vời bạn được trao cho, dục là món quà của tự nhiên, niềm vui trong khi ăn uống cũng vậy. Nhưng các tôn giáo kết án bạn vì những thứ thuộc bản năng tự nhiên ấy. Họ cứ kết án mọi thứ thuộc về tự nhiên và thông qua đó tạo ra mặc cảm trong bạn – cái gọi là lương tâm nữa. Toàn thể trái tim bạn đầy mặc cảm. Mặc cảm đó kéo bạn lại, không cho phép bạn sống một cách toàn bộ. Nó không cho phép bạn thưởng thức và ca múa hân hoan, nó kìm nén bạn bằng nhiều phương cách mà mặc cảm và lương tâm là hai trong số chúng.

Bạn có khả năng để yêu thương nhiều người, nhưng điều đó sẽ khiến lương tâm bạn cắn rứt vì bạn cho rằng một người chỉ nên yêu một người thôi.
Bạn muốn nghe giảng từ nhiều nguồn khác nhau, tìm hiểu nhiều tôn giáo nhưng lương tâm sẽ khiến bạn cắn rứt vì cho rằng mình đang phản bội tôn giáo của mình.

Lương tâm là thứ được thiết lập trong bạn, một khi bạn tỉnh thức, bạn không cần lương tâm bảo bạn phải làm gì nữa, bạn đơn giản nhận biết cái đúng và cái sai. Cho nên lương tâm là công cụ đơn giản cho những người còn đang u mê, chưa tỉnh thức, còn lệ thuộc, chưa trưởng thành! Đấy là mặt trái của lương tâm.

*
Những đoạn trên được trích từ bộ sách Tự truyện thơ ấu của Osho: *Đứa trẻ nổi loạn + Cách mạng giải phóng trẻ em* do Phi Tuyết sưu tầm, biên dịch, biên soạn và in lưu hành nội bộ số lượng có hạn.
Mời bạn đặt sách qua Facebook cá nhân của tác giả: https://www.facebook.com/phi.tuyet.1990
Hoặc fanpage: https://www.facebook.com/GocPhiTuyet/
Hoặc sđt (zalo, imess, whatsapp) 0933 49 49 26

Giá bộ sách: 500k, có thể chuyển khoản trước thông qua stk:
Phạm Thị Ánh Tuyết – 056 1000 582 682 – Vietcombank Lâm Đồng
Hoặc COD: trả tiền khi nhận hàng.

Đặc biệt: mình sẽ miễn phí vận chuyển bộ sách (chuyển phát nhanh) thay cho lời cảm ơn đến các bạn độc giả cũng như lời tạ lỗi vì những thiếu sót còn xuất hiện trong bản in lần này!

_Namaste_

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *