Nhâm nhi vị ngọt của những tiếng ồn

“Sự tĩnh lặng không hề trống rỗng hay yếu ớt. Nó vô cùng quyền lực và đầy ắp những câu trả lời của Thượng đế dành cho mọi thắc mắc của bạn”

Vị ngon của sự tĩnh lặng

Đó là một tiệm cafe nhỏ bé nằm khiêm tốn nép mình bên cạnh một tiệm cafe khác khá nổi tiếng về những chậu hoa xinh đẹp. Quán cafe hoa ấy là nơi những cô gái tập trung rất đông mỗi ngày để chụp những tấm hình ảo diệu. So với nó, B.H cafe trông đến là tội nghịệp với vài bộ bàn ghế mộc đơn sơ, sàn xi măng nứt nẻ và căn gác với hàng cây xanh nay đã chuyển thành màu đỏ đất vì bị bám đầy những bụi. Vậy mà nơi ấy lại là “nhà” của biết bao cư dân ngoại quốc quanh đây. Họ đến mỗi sáng, uống cafe, trò chuyện với nhau, bông đùa với chàng chủ quán trẻ thân thiện hoặc đôi khi họ đến chỉ để ngồi một mình thinh lặng nhâm nhi tách cafe, tận hưởng chút văn hoá quê nhà giữa vùng đất Sài Gòn này. Có lẽ 95% khách của quán này là khách quen và trong đó thì 70-80% là người ngoại quốc. Có điều gì hấp dẫn trong một quán cafe mà khiến mọi người lại trung thành với nơi này đến vậy? À, câu trả lời đơn giản hơn bạn suy diễn nhiều lắm. Lý do chỉ là cafe ở đây rất ngon, giá cả rất hợp lý và khách hàng luôn cảm nhận được “cái tâm” mà người chủ đặt vào trong từng tách cafe của mình.

Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi từng uống cafe nhiều nơi nhưng có lẽ không nơi nào khiến tôi thấy nhớ nhiều như nơi này mỗi khi cần một tách cafe tử tế. Mỗi sáng tôi đều đến đây để không chỉ nhâm nhi ly cappu thơm ngon tuyệt hảo mà còn để tập trung làm việc và cảm nhận như mình đang sống ở đâu đó không phải Việt Nam. Khi mà xung quanh bạn toàn người nước ngoài, không ai nói tiếng Việt ngay cả và âm nhạc trong quán cũng toàn nhạc ngoại thì bạn khó nghĩ mình đang ở VN lắm ấy. Tôi ưng quán này đến nỗi kể cả khi anh chủ quán rất vui lòng giao tận nơi thì tôi vẫn thích “thân chinh” đến đây chỉ để hưởng ké cảm giác khó tả về một nền văn minh pha trộn đầy thú vị của nơi này.

Sáng nay tôi cũng tới, ghế đối diện một người mẹ khá trẻ, cực kì xinh đẹp đang nhâm nhi cafe cùng với cậu con trai… 7 tháng tuổi của cô ấy. Vâng, đấy là thứ văn hoá Âu Mỹ mà tôi đang nói tới. Cô mẹ trẻ một tay giữ lưng đứa nhỏ một tay đọc tin tức trên điện thoại, có lẽ vậy. Đứa trẻ rất dễ thương và rất ngoan khi chỉ lặng yên ngắm nhìn xung quanh, chẳng la hét, chẳng ồn ào. Có lẽ nó tự biết đó là giờ mẹ nó cần tĩnh lặng chăng? Hiếm thấy một đứa trẻ nào có thể chỉ ở một chỗ lặng yên như thế và càng hiếm hơn những bà mẹ trẻ có thể uống cafe thong dong khi có con nhỏ như thế trong một buổi sáng dẹp trời. Những đứa trẻ ở độ tuổi ấy mà tôi thường thấy, chúng bị quấn trong 108 lớp quần áo chăn mền và nằm trong nôi hay bế khư khư trên tay, nhiều bà mẹ thậm chí còn không dám ra khỏi nhà nữa.

Tôi thích ngắm nhìn khung cảnh ấy lắm: một đứa trẻ xinh đẹp ngồi lặng yên cạnh bên người mẹ trẻ cũng xinh đẹp và cũng lặng yên. Thật là một bầu không khí hoàn hảo để bắt đầu một ngày mới hoàn hảo. Mà bạn biết “luật” rồi đấy: trên đời không có gì hoàn hảo được lâu cả.

 

Vị đắng của những tiếng ồn

 

Thế rồi Thượng đế sai một người phụ nữ xuống trần, ghé quán cafe ấy chỉ để chứng minh luật của ngài luôn đúng. Khởi đầu bạn chủ quán “chào buổi sáng” nhưng mặt chị ấy quạu lại không đáp cũng chẳng cười. Thế rồi chị ấy bước vào và tuôn một tràng không dứt từ abc đến xyz và giả sử bảng chữ cái có 1000 kí tự thì tin tôi đi, chị ấy sẽ đủ chuyện để kéo nó đến tận vô cùng… Tôi choáng váng. Những người khác chắc cũng choáng váng, thậm chí còn hơn vì họ không hiểu tiếng Việt, chỉ tôi và bạn chủ quán hiểu. Giọng chị ấy vang to, lanh lảnh, vui sướng trong cau có kể lại một ngàn lẻ một chuyện xảy ra trong đời chị mà tôi thề chẳng ai muốn nghe đâu. Tôi cũng không muốn nghe làm gì nhưng với âm lượng như thế, tai bạn không thể chống lại được dù chúng không muốn cỡ nào. Chị ấy kể chuyện hôm qua bị té xe như nào, cả ngày hôm nay đau như ong chích thế nào, họ hàng ngoài kia gửi mật gấu mật ong vào cho chị bôi ra sao, chúng hiệu nghiệm thế nào… Cứ thế cứ thế từ lúc chị bước vào cho tới tận lúc chị rời đi, miệng chị vẫn nói mà còn nói oang oang và đầu tôi thì vẫn cứ ong ong… ong ong… ong ong.

Tôi phải dừng việc đọc để tập trung hít thở sâu hơn một chút nhận được không khí trong quán cafe vốn bé nhỏ này là đã ít nay lại còn đặc quánh lại với đầy những năng lượng tiêu cực phát ra từ người phụ nữ ấy. Tôi không phản đối người ta cằn nhằn hay cáu giận, nhưng nếu họ có thể giữ sự cáu giận ấy cho riêng mình thì tốt lắm, xin đừng ném sự cáu giận của bạn ra khắp nơi văng tung toé vào người xung quanh. Giống như một người nên biết mình hát hay hay dở và nếu dở thì nên hát một mình trong nhà tắm thôi thay vì hát thật to vào micro trong một đám cưới vốn đã ồn ào điên loạn.

Bất giác tôi ngẫm: Tại sao người ta to miệng? Tại sao người ngoại quốc thường thích nói nhỏ trong khi người mình lại thích nói thật to? Tại sao người miền ngoài dường như thường có tông giọng cao hơn khoẻ hơn người miền trong? Do đặc điểm địa lý thổ nhưỡng hay văn hoá? Tại sao người ta lại “nghiện” kể với người khác chuyện của mình, bất kể người kia có muốn nghe không? Văn hoá “ăn to nói lớn” là thứ được du nhập từ bên ngoài hay tự khởi phát từ đâu đó trong tâm trí con người? Tại sao người ta thường thích khuấy động không gian tĩnh lặng của người khác và cho đó là rất oách? Tại sao thế giới có công cụ đo độ sáng, độ say xỉn, độ ô nhiễm nước và không khí để ra hình phạt nhưng lại chẳng có gì để đo độ ô nhiễm tiếng ồn và cũng chẳng có hình phạt thích đáng cho những người thích làm ồn?

Karaoke là một ví dụ. Tôi không phản đối loại hình giải trí này nếu nó được hát trong phòng cách âm và không trở thành màn tra tấn khủng khiếp cho những người khác. Kể cả khi ai đó hát hay (rất ít) thì với tôi nó vẫn là tra tấn vì đơn giản tôi không có nhu cầu nghe. Bất cứ khi nào bạn phải “chịu đựng” một cái gì đó ngoài ý bạn, đó đều là tra tấn. Có hai loại tra tấn: thân xác hoặc tinh thần. Karaoke là thứ hiếm hoi thuộc cả hai loại trên. Cứ thử nghĩ vào những buổi tối êm ái và hàng xóm nhà bạn thi hát karaoke… Thế rồi nếu bạn lên tiếng vì quyền lợi của mình, họ sẽ cho rằng bạn ghê gớm, ích kỉ, hung hăng, xấu tính, quái dị… Thật kì lạ cách người ta bảo vệ bản thân khi nghĩ mình bị tấn công, nhưng ai sẽ bảo vệ cho đôi tai tội nghiệp của tôi đây? Nó chẳng có sự phòng vệ nào mà cũng chẳng dám phản đối một chút nào.

Những người khách khác có lẽ không chịu nổi âm thanh cường độ cao của chị ấy nên đã nhanh chóng rời đi hết, còn mỗi mình tôi vẫn đang chịu trận vì công việc còn dở dang. Thế mà khi chị ấy vừa rời đi, tôi chưa kịp vui mừng thì một người khác đến. Cô ấy, có lẽ tầm 40-50 tuổi, tầm tầm cái chị vừa rời đi. Cô này người Úc, vừa du lịch về sau những ngày tháng chăm sóc mẹ bị bệnh, chỉ ở đây thêm ít hôm, có lẽ sẽ quay lại nếu anh chủ quán cafe tìm được cho cô ấy cơ hội việc làm như ý… Ồ bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi biết những điều này. Tôi không cố ý nghe đâu vì quả thật tôi rất không quan tâm, nhưng một lần nữa âm vực giọng nói của cô ấy khiến mọi thông tin túa ra khắp không gian và đập vào mọi thứ xung quanh một cách thô bạo không thể chống đỡ, kể cả đôi tai tội nghiệp của tôi. Ít nhất người này chỉ ồn ào chứ không mang năng lượng xấu cằn nhằn hay bực bội như người trước đó.

Tôi sai rồi. Hoá ra văn hoá không phân biệt vùng miền, quốc tịch, tôn giáo, màu da chút nào cả. Hoá ra văn hoá là thứ thuộc bên trong: bạn càng nhận thức cao, càng trách nhiệm, càng trưởng thành thì bạn càng cư xử tử tế hơn, tinh tế hơn.

 

Có những loại ồn khá… ngon

 

Người phụ nữ này liên tục nhắc rằng cô ấy người Úc, bất chợt làm tôi nhớ anh chàng người Úc mà tôi từng hẹn hò trong 2 năm – Mark. Từ đó mà tôi phát hiện rằng người Úc nói rất nhiều. Điều dở của việc hẹn hò một người nói nhiều là bạn sẽ rất… mệt, mệt tai và đôi khi mệt cả tinh thần khi người kia cứ nói ngày nói đêm không nghỉ. Toàn thời gian tôi ở bên Mark chúng tôi chia sẻ rất nhiều, rất vui nhưng tuyệt nhiên không có một giây phút tĩnh lặng thư thái nào cả, đừng nói tới thiền định. Anh chàng luôn làm cho cuộc sống cá nhân phải thật ồn ào, bận rộn. Nếu không nói chuyện với ai thì anh ấy sẽ coi tivi, bóng đá, nghe postcard cả ngày. Thiền định hay ngồi yên một chỗ không làm gì đối với ảnh chỉ có người bị điên khùng mới thế. Du lịch tới bất cứ đâu ảnh cũng phải liên tục tìm nơi để đi, để khám phá, không đi bộ thì phải thuê xe máy đi vòng quanh. Chỉ một giây phút lặng lại là anh ấy lập tức lo sợ rằng mình đang lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc, công sức. Mới đầu cách sống ấy cũng hay hay, dần dần tôi thấy mệt mỏi hết sức. Tôi nhìn ra mặt trái của một cuộc sống xê dịch, cuộc sống cứ đi và đi và đi, chẳng tới đâu vì vừa tới đâu đó bạn lại phải nghĩ chuyện tìm điểm đến khác. Tôi phát hiện một cuộc sống “du lịch vòng quanh thế giới” “sống du mục” là thứ không dành cho mình. Tôi cần thứ gì đó “định” hơn, có thể không phải một căn nhà cố định ở đâu đó, nhưng là cảm giác của sự nghỉ ngơi, tĩnh lặng và thiền định – những thứ này tôi chưa bao giờ tìm thấy trong suốt thời gian ở cùng Mark. Tôi biết chúng tôi không thuộc về nhau, hay đúng hơn, sẽ không đi cùng nhau lâu dài. Niềm tin ấy chưa bao giờ thay đổi trong suốt thời gian chúng tôi hẹn hò nhau, kể cả trong những lúc yêu thương rất nhiều. Trực giác lẫn lý trí của tôi đều biết rằng anh ấy chưa phải “người đúng”. Dù thế nào là người đúng thì tôi chẳng biết.

Bên cạnh đó, điều tuyệt vời khi hẹn hò một người rất ồn ào, nói rất nhiều như Mark là nó khiến cho tôi cũng ồn ào và nói nhiều theo. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, có lẽ 2-3 tháng, tôi từ một người chỉ nói được dăm ba câu tiếng Anh bỗng “véo” như có người làm phép khiến tôi bỗng nói veo veo với anh. Thậm chí tranh luận với anh ấy về mọi chủ đề trên đời: du lịch, văn hoá, kinh tế, kinh doanh, chính trị, lối sống… vâng thật sự là mọi thứ. Tôi không nhớ bất cứ chủ đề nào mà chúng tôi chưa từng nói tới. Một phúc lành cho tôi, phúc lành khổng lồ khi có thể tranh thủ sự nhiều chuyện của anh ấy để phát triển khả năng ngôn ngữ cho mình. Mark là một thầy giáo tiếng Anh tuyệt vời, không phải vì anh ấy đã từng dạy ở rất nhiều trung tâm nhiều quốc gia khác nhau, nhưng vì sự hài hước và thông minh trong ngôn ngữ của anh ấy. Chúng tôi thường xuyên cười bò lăn bò càng trong các cuộc tán gẫu. Đôi khi căng thẳng toé lửa trong các cuộc tranh luận. Phần còn lại là những cuộc tâm sự tràn đầy tôn trọng, yêu thương. Không có cách học ngôn ngữ nào hiệu quả cho bằng thực hành thật nhiều. Và không cách thực hành nào hiệu quả cho bằng thực hành với trái tim tràn đầy năng lượng lẫn cảm hứng từ người bạn yêu thương, thông qua những tình huống xảy ra thường ngày. Nó đòi hỏi bạn phải thông minh, sáng tạo để ứng biến, nhạy cảm để thấu hiểu, can đảm để thừa nhận mình yếu kém và dũng khí để đi lên, chiến đấu với chính mình ngày hôm qua mà trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn.

Ngày đầu tiên gặp Mark, tôi hiểu 20-30% những gì ảnh nói vì nói quá nhiều và quá nhanh. Một năm sau, tôi hiểu 90% nội dung và 10% còn lại dành cho những gì về văn hoá, khướu hài hước kiểu Úc mà tôi vẫn chưa nắm được. Với số vốn tuyệt vời đó, cộng thêm cách thức tự học, tự trau dồi của riêng mình, giờ đây tôi tự tin bắt chuyện và giao tiếp với bất cứ ai. Một cái đích mà ngay cả bản thân tôi cũng chưa từng dám tin mình có thể đạt đến.

Nhưng phải thú thật với bạn, nói chuyện với người “ít học” như Mark thú vị hơn nói chuyện với những người học cao rất nhiều. Chán nhất là khi nói chuyện với các luật sư, bác sĩ. Môi trường giáo dục càng cao càng khiến cho người ta trở nên kiểu cách, khách sáo, hình thức và.. nghiêm túc. Sự nghiêm túc trong những cuộc trò chuyện bình thường thật dễ khiến người ta chán ngấy, chưa kể chẳng hiểu được với một người như tôi. Tôi nói chuyện với Mark nhiều và bị “lây” lối nói chuyện đầy ngẫu hứng, thông minh, duyên dáng mà vô cùng hài hước của anh. Mark nghỉ học rất sớm vì ghét đi học, anh ấy bôn ba làm đủ thứ việc, đi khắp nơi nên có tư duy vô cùng rộng mở, lối sống tự do và cuộc sống đầy màu sắc rực rỡ. Ngôn ngữ anh nói và cách anh hành xử thường xuyên khiến tôi cười bò, kể cả trong những trường hợp tưởng chừng rất xấu hổ. Như lần đó chúng tôi vào một nhà hàng quen gọi món cơm gà Singapore, bình thường họ cho Mark phần ức rất nhiều thịt nhưng lần ấy xui sao lại đưa anh chàng phần lườn có ít thịt hơn. Với người Việt mình thì thôi kệ, trúng sao ăn đó và thịt gà có xương cũng là lẽ thường với người Úc ư? (Thích cằn nhằn, phàn nàn và kể lể về mọi thứ) anh chàng lập tức gọi quản lý ra yêu cầu một dĩa cơm khác hoặc ít nhất đổi phần thịt khác. Tôi xấu hổ lắm kêu “có sao đâu, không thì ăn phần của em nhiều thịt nè” vậy mà anh chàng nhất định không chịu và còn thanh minh rằng “Anh tới đây trả tiền để ăn cơm THỊT gà chứ có phải trả tiền để ăn XƯƠNG gà đâu. Anh biết người Việt thích ăn xương nhưng mà anh xin lỗi nhé, anh không phải người Việt. Họ nên làm dịch vụ tốt hơn. Anh là khách quen, họ nên dành phần ngon cho khách quen thay vì nghĩ là mình quen rồi nên đưa phần dở.” Tôi đang xấu hổ muốn chết cũng cười phì vì buồn cười và lý luận rất đúng của anh. Rồi như một lần khác chúng tôi đi bộ khá xa mới tới một nhà hàng trên bãi biển vắng người. Bụng đói meo nhưng nhà hàng lại đóng cửa, vị chủ nhà hàng đang nấu ăn trong bếp nói rằng hôm nay cô ấy không nấu ăn cho khách, nhà chỉ có đủ đồ ăn cho gia đình thôi. Mark nói “Nhìn cô mà coi, cô mập như thế, cô dư thịt rồi không cần ăn thêm gì nữa đâu, nhưng hãy nhìn bạn gái của tôi này, cô ấy quá skinny, chẳng có tí thịt nào cả, cô ấy mới cần ăn. Xin hãy nấu cho chúng tôi chút gì đi hoặc hãy nhường đồ ăn của cô cho cô ấy.” Tôi đang đói cũng quên cả đói vì buồn cười. May sao có lẽ người phụ nữ Philipines đó không hiểu nên cô ấy chẳng giận chút nào.

Những lần tôi nói chuyện với các học giả, bác sĩ, kĩ sư, luật sư thì thôi rồi, hiếm khi họ có thể nói gì làm tôi cười. Cách hành xử của những người “được giáo dục cao” khiến tôi cảm thấy như mình cũng đang ở trong giảng đường vậy. Họ dùng những từ đồng nghĩa rất nhiều, là những từ mà tôi chẳng hiểu. Tôi cứ phải nhắc đi nhắc lại “Tao không giỏi tiếng Anh học thuật đâu, xin hãy nói một cách đơn giản thôi để tao có thể hiểu” và họ liền xin lỗi rồi đổi cách nói sao cho đơn giản hơn nhưng sự đơn giản ấy, một lần nữa, chẳng có nhiều “phần hồn” và “rực rỡ thú vị” được như cách người-ít-học giao tiếp với nhau.

Cho nên phúc lành đầu tiên của tôi là hẹn hò một người Úc trong hai năm khiến tôi có điều kiện thực hành tiếng Anh hết cỡ. Phúc lành thứ hai là anh ấy không phải một người học cao nên khiến cho việc nói chuyện, giao tiếp trở nên thú vị và “đời” vô cùng chứ không nhàm chán hay học thuật. Tôi có cơ hội giữ nguyên sự đơn giản của mình kể cả khi dùng tiếng Việt hay tiếng Anh.

Tự dưng đang chuyện tiếng ồn lại chuyển thành Anh văn, bạn có thể thấy tôi nhiễm tính “nhiều chuyện” của người Úc như nào rồi đấy (haha)

 

Manh áo không làm nên thầy tu, làm ồn cũng là quyền của thầy như bất cứ ai

 

Trở lại chủ đề tiếng ồn. Mới tối qua tôi thấy tin tức lan truyền tin về một sư thầy ở Đaklak đã dùng gậy đập nát cửa kiếng một chiếc ô tô vì cho rằng chiếc ô tô này bíp còi quá inh ỏi khiến sư thầy điếc tai. Mọi người lên án ông sư này khá nhiều, đặc biệt sau khi thấy hình ảnh ông ta khá ăn chơi và sành điệu, vắt chân chữ ngũ hút thuốc lá khi nói chuyện ở đồn công an, trang sức đầy người và nhất là ngôn từ mà ông sư này chửi bới trong camera hành trình đầy những “địt mẹ, xin lỗi tao mau không tao giết chết mày…” thì quả thật ai mà cảm tình cho nổi. Tôi không bênh ông ta chút nào nhưng thầm nghĩ nhất định chiếc ô tô này phải có lỗi thật, phải ầm ĩ thật thì người ta mới có cớ mà nổi giận thế chứ. Bản thân tôi đi ngoài đường mỗi khi nghe những tiếng còi xe inh ỏi, nhất là những xe làm cho tiếng còi khuếch đại lên tôi nghe cũng bực bội lắm. Ai cũng bực nhưng người ta không nói ra vì xem việc ô nhiễm tiếng ồn như điều không thể tránh khỏi, thật là buồn.

Khi ý thức cộng đồng cao hơn, người ta sẽ quan tâm không chỉ ô nhiễm không khí hay thực phẩm đâu mà cả tiếng ồn nữa. Nhiều xã hội phát triển hơn họ đã làm vậy rồi đấy chứ. Họ đưa việc làm ồn vào luật và phạt nặng những người vi phạm. Theo tôi, họ phát triển hơn nhưng chưa thật sự văn minh. Tôi muốn sống trong một xã hội văn minh thật sự, khi người ta không làm ồn vì bản thân người ta nhận thức được nó không hay, ảnh hưởng đến người khác và cả đến mình, chứ không phải chỉ vì luật cấm.

Một xã hội văn minh đích thực là khi mọi người hành xử trên sự tự nhận thức và tự giác của họ, một thứ ý thức đến từ bên trong, từ tình yêu thương, sự tôn trọng và khả năng đồng cảm. Xã hội ấy có lẽ còn xa lắm nhưng không phải vì nó xa mà mình mặc kệ đợi nó tới khi nào thì tới. Mình phải là người xây dựng nên nó chứ. Mình phải nhận trách nhiệm chứ. Không phải vì bản thân thì cũng vì một thế hệ tương lai xứng đáng được sống trong môi trường văn minh hơn. Vậy mình có thể làm gì? Mình tém tém cái miệng mình lại, nói ít lại, nhỏ lại, nói điều có nghĩa hơn, để ý xung quanh xem mình có đang làm phiền ai không rồi thay đổi cách hành xử của bản thân. Chỉ nói những gì là sự thật, có ích, mang năng lượng tích cực, có nghĩa. Nếu không có gì để nói thì hãy giữ im lặng nhiều hơn. Như vậy trước đã.

 

Vị ngon của những tiếng ồn

 

Giờ nói một chút về “tiếng ồn” trong tâm linh.

Có hai loại tiếng ồn: tiếng ồn bên ngoài và tiếng ồn bên trong. Chúng ta thường chỉ biết và quan tâm mỗi một loại tiếng ồn bên ngoài. Thậm chí chúng ta dùng nó như một cái cớ để không thừa nhận loại thứ hai: tiếng ồn bên trong.

Tiếng ồn bên ngoài có thể được giải quyết nhưng nó chỉ là tạm thời, chừng nào loại ồn bên trong chưa được quan tâm giải quyết, không một ai có thể cảm nhận sự yên tĩnh, bình an thật sự. Và đó là lý do nhân loại luôn luôn sống trong sợ hãi, bấn loạn, bất an. Vì chẳng mấy ai đủ can đảm để thừa nhận và tìm cách dẹp đi tiếng ồn bên trong mình. Thỉnh thoảng nhân loại có những người làm được điều đó, họ “chinh phục” được tiếng ồn bên trong, họ đạt tới tự do, bình an và phúc lạc vĩnh hằng. Chúng ta gọi họ là những người giác ngộ hay người thức tỉnh hay người đã về nhà. (Buddha nghĩa là người tỉnh thức; Christ nghĩa là người đã về nhà)

Phật giáo có câu chuyện này: Phật đi ngang một ngôi làng, mọi người túa ra chửi bới Phật vì ông ấy phá huỷ truyền thống Bà-la-môn của họ. Họ dùng những ngôn từ nhục mạ Phật rất nặng nề. Phật chỉ im lặng lắng nghe và khi mọi người đã nguôi cơn giận, Phật lên tiếng “Mọi người đã chửi xong chưa? Nếu xong rồi thì tôi có thể đi tiếp chứ? Tôi đang bận chút công việc ở làng bên, nếu mọi người chưa hết giận, khi xong việc bên ấy tôi sẽ quay trở lại và mọi người có thể trút giận thêm nữa nếu muốn.” Mọi người ngạc nhiên quá sức “Kiểu người gì thế này? Ông ta không chỉ không giận, không tức mà còn rất thản nhiên như thế?” và rồi họ tản đi. Không ai có thể trút giận vào một người không thể bị chọc giận như thế được.

Công giáo cũng có câu chuyện tương tự: Jesus sau khi bị bắt đã được đưa tới chịu xét xử trước quan tổng trấn Philato. Vị này đã hỏi nhiều câu hỏi nhưng Jesus chỉ im lặng, không nói lời nào. Kể cả khi quan tổng trấn nói rằng “Ông hãy tự thanh minh đi, rồi ông sẽ được tha” vậy mà với khuôn mặt bình an không biến sắc, Jesus vẫn không hé nửa lời. Không biết xử sao với cái người kì lạ, thậm chí không bận tâm về cái chết này, Philato ra lệnh giải Jesus trước đám đông dân chúng Do Thái và hỏi rằng “Các người được chọn tha một trong hai: Jesus Nazaret hay Baraba – kẻ giết người.” Tất cả dân chúng đồng thanh xin thả Baraba và xin đóng đinh Jesus vào thập tự. Họ đòi tử hình một người chẳng làm gì gây hại tới ai và muốn thả cho một kẻ giết người. Vậy mà Jesus vẫn không nói chẳng rằng, chỉ mỉm cười chấp nhận mọi thứ xảy đến, không một lời lên án bất cứ ai. Trên thập tự, khi cái chết đến gần, Ngài ngửa mặt lên trời và nói “Xin tha cho những người ấy, vì họ không biết việc họ đã làm”. Hai con người thuộc hai văn hoá khác nhau, hai thời đại, hai dân tộc khác nhau vậy mà tại sao cách hành xử lại giống nhau đến vậy, bình thản an lạc đến vậy?

Khi bạn đạt an bình, tĩnh lặng bên trong, bầu trời phúc lạc bên trong, không ai có thể làm phiền bạn được nữa, không một loại tiếng ồn nào bên ngoài có thể bận tâm bạn được nữa. Bạn đã về nhà, căn nhà an toàn ấm áp, bão tố xung quanh không khiến bạn lo lắng chút nào. Nhưng đây chỉ là những câu chuyện, chúng ta đọc, chúng ta ngẫm, chúng ta có thể hiểu nhưng không có nghĩa chúng ta có thể hành xử như họ vì đơn giản chúng ta chưa “về đến nhà” chút nào. Nếu chúng ta “dám” nhìn vào cách chúng ta hành xử hàng ngày, bạn sẽ nhận ra ngay rằng chúng ta không chỉ chưa về nhà mà còn đang ở trong tâm của cơn bão. Chúng ta luôn rất lo lắng sợ hãi và bất an. Chúng ta rất dễ bị xao động, tức giận, phát điên dù chỉ “nghe” một chút ồn ào bên ngoài.

Ai đó nói xấu ai đó khác trên fb, chỉ một lời chửi “phong long” về tính xấu phổ biến thôi, ta lập tức cảm tưởng như người đó đang nói xấu mình. Thậm chí ai đó nói “dân trí nước mình thấp” hay “tuổi trẻ Việt thua xa tuổi trẻ Hong Kong” hay thậm chí một “chú chó vàng sẽ được đóng bởi một loài chó Nhật Bản” cũng đủ khiến bạn tức giận phát điên lên. Kì lạ không? Rồi vài lúc, ai đó vô tình nhắc tới chúng mà ta với lời lẽ không tốt, lập tức chúng ta cảm thấy họ như kẻ thù, cảm thấy họ là đồ chuyên đi nói xấu, dối trá, đồ xấu xa, rằng nên tống họ vào địa ngục. Ta biết mình không tốt đấy nhưng bất cứ ai dám nói về cái không tốt của ta, ngay lập tức họ là người xấu (?) Đôi khi ta làm một việc gì mà không trôi chảy như ý, ta liền cảm giác như cả thế giới đang chống lại mình.

Ai, là ai đã tạo nên những suy nghĩ và cảm giác này bên trong chúng ta? Ai là kẻ gấy rối và “lấy cắp” bình an tĩnh tại của bạn? Thưa rằng đó chính là loại tiếng ồn thứ hai: Tiếng ồn bên trong. Tiếng ồn bên trong này có tên khác là “tâm trí”. Nó liên tục tạo ra rất nhiều ồn ào, phiền nhiễu; nó khiến bạn nhìn cuộc đời như kẻ thù và nhìn bản thân bạn như trung tâm vũ trụ hoặc như tội nhân; nó tạo ra bản ngã và mọi rắc rối mà bản ngã gặp phải. Nó mê hoặc bạn với những hứa hẹn của tương lai, làm nhụt chí bạn với những lỗi lầm của quá khứ. Nó khiến bạn tin vào mọi ồn ào bên ngoài, phán xét mọi thứ, so sánh mọi sự và làm quá mọi việc lên trong từng giây phút.

Tiếng ồn của đám đông bên ngoài rất dễ nhận ra bằng thính giác. Bạn có thể trốn đi tìm nơi yên tĩnh để trốn tiếng ồn bên ngoài, nhưng bạn chẳng thể nào trốn được tiếng ồn bên trong do chính tâm trí bạn tạo ra. Bạn chẳng thể nào trốn được tâm trí của bạn dù bạn có làm gì chăng nữa. Kể cả khi bạn ngủ, tâm trí vẫn ở đó gây mọi ồn ào qua những giấc mơ. Dù cho bạn có ở nơi yên tĩnh, trong hang núi chăng nữa, nếu bạn có thể quan sát bạn sẽ thấy tâm trí vẫn rất ồn ào. Nó tạo ra hàng trăm giọng nói thi nhau cất lên kể về đủ thứ chuyện: chuyện quá khứ, chuyện bạn mong ước trong tương lai, chuyện bạn thất vọng ở hiện tại. Chuyện gia đình, chuyện bản thân, chuyện người hàng xóm thậm chí chuyện của những người bạn chẳng hề quen biết.

Tâm trí cứ làm ồn, cứ huyên thuyên không dứt như những người phụ nữ bên trên mà bạn chẳng có tí quyền hành nào để bảo nó im đi hay bịt miệng nó lại. Vâng, cứ thử đi và bạn sẽ thấy: việc dừng tiếng ồn trong tâm trí, dừng những suy nghĩ, tưởng tượng của bạn là điều “gần như” bất khả. Trong vài khoảnh khắc bạn có thể dừng được nó, bạn có thể bảo bản thân “đừng nghĩ nữa” nhưng chỉ một khoảnh khắc thôi, ngay sau đó mọi chuyện lại trở lại như cũ. Bạn bị tiếng ồn này kiểm soát cả đời nên bạn quen rồi, bạn không biết cách để dừng nó lại. Bạn sợ dừng nó lại vì nếu không có tâm trí, không có suy nghĩ: bạn là ai?

Mọi người tưởng xuyên bảo nhau “Đi tìm chính mình” và dạy nhau cách tìm chính mình ở trong thế giới, nhưng “chính mình” thật sự chỉ có thể được tìm thấy trong thinh lặng tuyệt đối, nơi mọi tiếng ồn dừng lại, nơi tâm trí của bạn dừng lại, chỉ lúc ấy bạn mới tìm ra kẻ đáng ghét mang tên “chính mình”. Đây là điều mọi bậc thầy trên thế giới đều cùng xác nhận: Chỉ trong thinh lặng tuyệt đối, bạn mới tìm ra chính mình. Thinh lặng ấy chính là thiền.

 

Thiền định, không gì khác hơn là những cách thức, nỗ lực để dừng tiếng ồn bên trong tâm trí bạn, dừng những suy nghĩ đang chạy tứ tung khiến bạn phát điên, dừng cái đám đông náo nhiệt luôn cãi nhau ầm ĩ trong đầu bạn.

 

Việc khó nhất thế gian không phải là trở thành triệu phú, tỉ phú hay trở thành vua đâu – vì đầy người làm được những điều đó. Việc khó nhất trên đời là dừng cái đám đông trong tâm trí bạn. Nói một cách đơn giản là ngồi yên trong thinh lặng mà không một gợn suy nghĩ nào xuất hiện. Bạn thử đi, 5 phút thôi, hãy ngồi lặng yên, nhắm mắt lại, giãn cơ mặt ra và quan sát tâm trí, đừng cho nó có bất cứ suy nghĩ nào trong 5 phút thôi. Thử đi và bạn sẽ thấy nó “khó khủng khiếp” đến thế nào.

Những người chỉ bận tâm đi dẹp tiếng ồn bên ngoài, họ không bao giờ cảm thấy thoả mãn cả, kể cả khi họ trở thành tỉ phú hay đã làm chủ cả thế giới. Tâm trí vẫn sẽ không để họ được yên. Nhưng những người mà đã làm chủ được tâm trí, vượt ra ngoài tâm trí, đạt tới giác ngộ thì lại luôn luôn cảm thấy thoả mãn, đủ đầy đến nỗi việc làm chủ thế giới chăng nữa cũng chẳng còn quan trọng tí nào. Họ chẳng thèm. Và giây phút họ chẳng thèm làm vua, họ bỗng trở thành Vua đích thực, vua của thế giới tâm linh, vua của mọi vua, của vương quốc vĩnh hằng.

 

Vẻ đẹp của tiếng ồn là nó khiến bạn thèm và trân quý sự yên lặng hơn

 

Chuyện xảy ra là trong lúc uống cafe ồn ào như vậy, tôi nhìn vào bên trong chính mình. Tôi quan sát và tôi thấy những tiếng ồn bên trong mình. Tiếng ồn ấy đang cho tôi những tưởng tượng, những ý tưởng, những suy nghĩ. Tôi thấy mình những lúc mình cũng gây ồn ào cho người xung quanh, tôi thấy xấu hổ. Tôi thấy mình đã từng rất hạnh phúc khi hẹn hò với Mark rồi lại hạnh phúc hơn nữa khi giờ anh ấy không phải mối bận tâm của tôi chút nào. Rồi tôi thấy mình nhớ Justin, nhớ da diết: Nhớ khi chúng tôi cùng ngồi với nhau trên băng ghế kia, nhâm nhi cafe và đọc sách cùng nhau, nhớ những tràng cười, những lúc anh ấy hậu đậu không thể uống cafe mà không bị làm đổ, nhớ lúc anh ấy đạp xe ngang qua mà không biết tôi ngòi đây… Rồi lại một giọng nói khác vang lên rằng dù đang xa nhau một thời gian, dù nhớ anh ấy làm vậy nhưng tôi thật sự rất hạnh phúc và hài lòng với khoảng thời gian này, khi tôi không phải dành thời gian cho anh mà cho bản thân mình: đọc sách, viết lách nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn và đặc biệt là … đủ can đảm để ngồi thiền mỗi ngày. Mặc dù khi thiền tôi nhắm mắt cả 10-15 phút thật đấy nhưng nó chưa bao giờ là thiền thật sự, tâm trí tôi chưa bao giờ yên tĩnh thực sự cả. Việc thiền của tôi chưa phải là dừng tâm trí nhưng là quan sát tâm trí, quan sát mọi điều mình nghĩ và trong khoảnh khắc nhận ra mình “đang đi xa quá” liền nhắc nhở chính mình quay trở lại. Dù chưa dẹp được tiếng ồn bên trong nhưng quan sát được nó cũng là một thú vui, một điều đáng làm. Mỗi khi xong 15 phút ngồi nhắm mắt như thế, tôi lại thấy hạnh phúc hơn, bình an hơn, yên lặng trong tâm hơn, bình tĩnh hơn dù cho những tiếng ồn bên ngoài không dứt mỗi nơi tôi tới:

Tôi nghe tiếng chim hót rất nhỏ, rất mỏng nhưng rất ngọt ngào trong những lùm lá đang reo lên khi cơn gió tới. Tiếng chim ấy ban đầu rất mỏng nhưng dần dày hơn, cảm giác như át đi cả những ồn ào cực lớn của công trình xây dựng mà máy móc đang liên tục gầm gừ gần đấy.

Tôi nghe thấy giai điệu của bản mantra đang phát từ điện thoại mình rất rõ trong những hỗn mang những tiếng ồn của máy tập chạy, của nhạc dance người khác tập gym hay cả tiếng cô nàng dạy yoga cho người phụ nữ nội trợ bên cạnh cũng không to hơn được tiếng nhạc rất thanh của tôi.

Tôi nghe tiếng thở khò khè không đều của chú chó nhỏ tội nghiệp đang bị chủ nhân quấn dây quanh cổ thật đáng thương, dù cho lúc ấy thang máy đầy ắp những tiếng nói chuyện cười đùa huyên náo của nhóm các bà cô bạn dì vừa du lịch về.

Thiền định – sự tĩnh lặng bên trong – đã giúp tôi nghe nhiều hơn, nghe rõ hơn những âm thanh của cuộc sống, rất thực, rất “ngon”. Tôi thưởng thức chúng nhiều như khi thưởng thức món sushi cá hồi tan ra trên đầu lưỡi một trưa đầu thu mát mẻ. Khi muốn thưởng thức điều gì, tôi thường nhắm mắt. Nhắm mắt là bớt đi một giác quan hướng ra bên ngoài, lúc ấy cơ thể sẽ có thêm năng lượng và cơ hội để hướng vào bên trong và tập trung cho các giác quan khác hoạt động hiệu quả hơn. Tôi thường nhắm mắt khi nhâm nhi một hớp cappu nóng ấm, khi ăn món sushi yêu thích, khi hôn Justin, khi nghe chim hót và hôm nay, tôi chợt nhận ra mình đang nhắm mắt để … thưởng thức những tiếng ồn bên ngoài. Tự dưng thấy nó cũng “ngon ngon”.

Tôi nhìn quanh, quán cafe đã yên tĩnh trở lại sau khi những “cái loa phường” đã rời đi.

Sau những ồn ào huyên náo, sự tĩnh lặng trở lại sao bỗng nhiên đậm đà, đáng quý đến thế.

Bất giác, tôi thấy yêu làm sao cả những ồn ào!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *