Giấc mơ về khu vườn địa đàng của tôi và câu trả lời phũ phàng của mẹ

Đừng hỏi vườn địa đàng có thật không, hãy tự tạo ra một cái.

Tôi có một tuổi thơ đầy ắp phúc lành dù lúc ấy tôi chẳng biết những điều mình đang có chính là phúc lành.

Phúc lành đầu tiên là gia đình tôi có tiệm tạp hoá luôn bán đủ mọi loại bánh trái mà bất cứ đứa trẻ nào cũng phải thầm ghen tị. Trẻ con trong làng hồi ấy nghèo, thỉnh thoảng mới được mua cho gói xì-lách, vài cái kẹo, cái bánh ngọt, thanh socola còn tôi, tôi thoả thích ăn mọi thứ mình muốn. Chính vì được ăn thoả thuê mọi thứ nên tôi đâm chán, chán tới tận bây giờ, tôi không phải người hảo ngọt.

Chính vì vậy, tôi bắt đầu có niềm yêu thích với trái cây bởi vì trái cây là thứ luôn thay đổi, không phải đồ công nghiệp “chết” luôn có sẵn như các loại kẹo bánh khác. Trái cây thể hiện sự sống động và tươi mới của cuộc sống vì nó không được làm sẵn trong nhà máy, bạn phải đợi nó tới theo mùa. Mùa nào thức ấy, tôi luôn là đứa trẻ may mắn được nếm tất cả hương vị chua ngọt của mọi thứ trái cây ngọt lành thay đổi mỗi mùa mỗi năm. Tôi yêu trái cây từ ấy. Ba mẹ tôi rất bận rộn buôn bán và làm vườn cafe, họ không phải kiểu nông dân thích trồng cây ăn trái quanh nhà.

Địa đàng có thật…

Lên cấp hai, tôi rời nhà trong làng để chuyển đến ở cùng gia đình một người bác theo học trường phố cho tiện. Từ thiên đường tạp hoá với đủ mọi loại kẹo bánh trái cây, tôi rơi vào tình trạng hoàn toàn đối lập: không còn bất cứ món bánh kẹo hay quà vặt nào nữa. Ngược lại, ở đây có một thứ khác tuyệt vời hơn mà nhà tôi không có, là một khu vườn đầy cây ăn trái khắp xung quanh nhà. Khu vườn của bác tôi trồng rất rất nhiều trái cây, những loại quả bình dân thôi nhưng đối với tôi, cảm giác nhìn quả mọc, hái quả từ trên cây để ăn thật là một cảm giác không gì sánh nổi. Tôi còn nhớ như in những lần trèo lên các loại cây trong vườn: những cây ổi đỏ rất giòn ngọt và trĩu quả, cây đu đủ quả cứ chín liên tục ăn không kịp là rụng vàng cả gốc, cây lê-ki-ma ngọt bùi thậm chí quá ngọt qúa bùi đến nỗi tôi thường hái đầy các rổ rồi đem cho chứ không ăn, rồi cây xoài nhỏ tí xíu nhưng chẳng biết quả đâu ra mà nhiều thế, chuối thì chín hết buồng nọ tới buồng kia từ chuối tiêu tới chuối lùn ăn không xuể… Tôi dành tình yêu cho những cây ăn trái trong vườn rất nhiều vì đó là những thứ duy nhất nuôi dưỡng tình yêu ăn vặt của con bé đi học xa nhà.

Ngoài cây ăn trái, trong vườn cũng mọc đầy các loại rau củ quả tự nhiên, vườn củ mì nhỏ xíu nhưng đào lên tới mấy gùi củ to như bắp chân tôi lúc ấy, khoai lang cũng đầy những củ khi tròn xoe khi dài thòng lòng, su su bầu bí thì khỏi nói, phủ kín cả cây ổi… Tôi thường lang thang chơi trong khu vườn và việc ấy nuôi dưỡng tình yêu của tôi với cây cối rau củ, đặc biệt là cây ăn trái, một cách rất tự nhiên.

Ăn quả nhớ HÃY trồng cây, đừng chỉ nhớ KẺ trồng cây

Những bối cảnh ấy khiến cho tôi, tới tận bây giờ vẫn không hề ham đồ ngọt. Chưa một lần trong đời tôi nghĩ đến chuyện nấu chè, làm bánh dù ai làm thì vẫn ăn một chút. Tôi không thích bánh nhưng lại rất yêu trái cây và không bao giờ từ bỏ một cơ hội nào để nếm những vị quả mới, kể cả quả rừng. Tôi sống ở Bảo Lộc, vùng đất của “lộc” trời. Trái cây ở đây cực kì thơm ngon và toàn loại quả giá trị, từ các loại bơ, sầu riêng, măng cụt, quả hồng, dứa Lê Dương, ổi xá lị, bòn bon… được trồng ở đây đều rất ngon. Mùa nào thức ấy tôi thường mua trái cây về để ngập trong nhà và nếu thích ăn trái gì, tôi sẽ ăn nó liên tục đến chán thì thôi. Khi thèm tôi có thể ngồi chén tù tì 2kg măng cụt hay cả kg bòn bon mỗi ngày trong cả tuần. Khi không thèm nữa thì thôi, không bận tâm hay suy nghĩ tới nó chút nào nữa.

Cuộc đời có những quy luật kì diệu, nó cứ lặp lại bất kể bao nhiêu thế hệ trôi qua và bất kể bạn có ý thức về nó hay không. Người ta hay bảo “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để nói về lòng biết ơn nhưng tôi nhìn ra một sự thật khác thông qua câu nói này. Nó chia con người thành hai loại người, hai phong cách sống, hoặc hai giai đoạn sống của một con người. Ban đầu người ta thích ăn quả và sau đó khi già hơn, trưởng thành hơn, nhận thức hơn người ta bắt đầu chuyển qua giai đoạn thứ hai: giai đoạn trồng cây. Giống như là khi người ta trẻ, người ta có rất nhiều cơ hội và khả năng để học, thế rồi khi người ta già, người ta có năng lực và trách nhiệm phải dạy, phải truyền đạt lại những gì mình đã học, đã tích cóp trong đời.

Tôi dù vẫn thích “ăn quả”, vẫn thưởng thức mọi loại quả của cuộc đời nhưng song song đó tôi cũng đang chuyển dần sang giai đoạn “trồng cây”. Ồ hình như câu này có hai nghĩa, nghĩa bóng bạn có thể hiểu là tôi đang ở giai đoạn chia sẻ, dạy học, truyền bá vân vân nhưng nói ra điều này có lẽ bạn không tin, đó không phải ý tôi muốn nói trong bài này đâu lêu lêu. Ý tôi là trồng cây theo đúng nghĩa đen ấy. Tự dưng tôi thích trồng cây, thích ở trong một ngôi nhà xung quanh là những cây ăn qủa trĩu cành và rồi chia sẻ quả ấy với cuộc sống, với con vật, con người.

Ý định ấy bắt đầu cách đây khoảng vài năm trước, khi tôi thường hay đi dạo loanh quanh trong phố để lùng tìm những miếng đất mà mình có khả năng mua. Bất cứ miếng đất nào, ngôi nhà bán nào có cây ăn trái xung quanh đều hút hồn tôi một cách kì lạ. Tôi bắt đầu nhen lên mong muốn có một ngôi nhà vườn trang trại đầy cây ăn trái của riêng mình. Dần dà tôi bỏ ý định ấy khi những miếng đất thuộc loại đất làm trang trại, nhà vườn trang trại thường rất đắt. Khả năng của tôi chỉ mua được những miếng đất vài chục mét vuông mà thôi. Tuy vậy ý tưởng ấy chưa bao giờ bị tắt hẳn, nó cứ nhen nhóm chờ cơ hội quay trở lại.

Từ khi tham gia các cộng đồng làm nông nghiệp tự nhiên, tôi bắt đầu quan tâm tới những vườn rau quanh nhà nhưng mỗi lần nghĩ tới việc mình phải trồng cấy tưới tắm chăm sóc những luống rau, tôi lại… chán ngán. Tôi chưa từng trồng rau hay thấy người thân của mình trồng rau nên một cách tất nhiên, tôi không có nhiều tình yêu và sự khao khát những luống rau. Huống hồ rau củ ở đây quá rẻ và rất tươi. Việc trồng rau có khi còn tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức hơn việc đi mua rau rất nhiều.

Một lần nọ khi đi lang thang tìm nhà tìm đất, tôi phát hiện một trang trại lớn nằm trong một thung lũng khá gần trung tâm thành phố. Trang trại có những ao sen to phủ đâỳ mặt hồ, cá bơi lúc nhúc và đặc biệt xung quanh hồ người ta trồng khá nhiều rau củ lẫn cây ăn trái vì họ muốn làm dịch vụ chụp hình lẫn nhà hàng trang trại. Tôi nhìn ra ngay một ý tưởng “ngàn vàng”. Nếu như tôi có thể mua một miếng đất hay xây một căn nhà nhỏ bên cạnh trang trại này, há chẳng phải tuyệt vời sao? Bằng cách đó tôi có thể tận hưởng không khí và cảnh vật của cả trang trại với mọi tài nguyên của nó: hoa sen, cá, rau củ, trái cây… mà không tốn bất cứ chi phí nào để nuôi trồng, chăm sóc nó cả. Một dạng nhà trang trại kiểu “tầm gửi” lợi cả đôi đường. Họ có thể bán hoa, cá, rau củ quả cho tôi và tôi có cả trang trại mà không tốn đồng phí nào. Tôi thích ý tưởng này lắm nhưng bất kể bạn thích gì, nếu bạn không thích đủ thì nó sẽ không thành cái duyên biến ý thích thành hiện thực.

Tôi tìm ra một căn nhà cũ cạnh bên trang trại bán với giá 600 triệu, với tôi nó là giá chấp nhận được dù tôi chẳng có nhiều tiền như vậy. Nhưng lúc ấy tôi đang sống ở nơi xa và nhờ chị gái mình đến xem nhà nếu được thì đặt cọc, tôi sẽ xoay tiền. Chị tôi tới xem nhà và cho biết nhà ấy không thể lên thổ cư, chỉ có giấy tờ đất nông nghiệp. Chúng tôi quyết định không mua nữa vì cho dù có mua, tôi cũng cần thêm ít nhất 1-200 triệu để cải tạo và xây lại căn nhà, tôi không thích kiểu nhà ống xấu xí truyền thống mà dân ta hay xây. Số tiền bỗng trở nên quá nhiều mà lại là đất nông nghiệp không được phép lên thổ cư, tôi từ bỏ ý định mua căn ấy. Sau này họ bán đi và khi tôi trở về Bảo Lộc, tôi cảm thấy hơi tiếc nhưng tiếc cũng chẳng để làm gì, tôi cứ tiếp tục đi vòng quanh khu ấy mong tìm được miếng đất khác hợp lý hơn.

Tháng trước, khi đi lòng vòng ấy để tìm đất, thích thú quan sát những cây cam, cây ổi trĩu quả chín rụng đầy trong vườn của những ngôi nhà xung quanh trang trại mà không ai thèm ăn, không ai thèm bận tâm, tự dưng lòng tham về một trang trại của riêng mình tự nhiên cũng hệt như những trái ổi chín ấy, rơi rụng xuống mặt đất trong sự ngỡ ngàng của chính tôi. Một sự ngỡ ngàng đầy hạnh phúc và bình an.

Khi quả chín, nó tự rụng và từ hạt ấy, nó sẽ mọc thêm cây

Hôm ấy tôi viết: ngày 29 tháng 9

“Chính thức buông bỏ được ham muốn về một căn nhà xinh xắn bên cạnh trang trại hồ sen đầy rau và cây ăn trái. Bỏ luôn tham muốn kiếm nhiều tiền xây thật nhiều căn nhà nho nhỏ khắp thị trấn nhỏ xinh này.

Thay vì vậy, tôi cảm thấy quá đủ đầy với hiện tại, với những gì mình đang có: Một căn nhà đang ở, một cái khác sắp xây với thảm cỏ bao quanh, rồi thì tôi sẽ cho người ta thuê dăm ba triệu đủ tiền sống đơn giản mỗi tháng ở cái vùng đất mộc mạc này, là xong, là đủ ngọt ngào.

Khi tràn đầy năng lượng tình yêu thì sống cùng J, chia sẻ tình yêu với anh ấy. Khi bắt đầu thấy cạn cạn năng lượng thì lui về đây tái nạp năng lượng, tái sinh chính mình: Sáng sáng uống cà phê, đọc sách, nghe chim hót; ban ngày bán sách, nấu ăn, làm vườn chăm hoa; chiều chiều dịch sách, viết sách, dạy học; tối tối dạy yoga, đi dạo, uống cocktail nghe mantra… thỉnh thoảng trekking, đi tour các nước, thăm nhà bạn bè.

Cuộc đời ngắn thế, giàu cỡ mấy cũng chẳng ở được hai nơi cùng lúc, tiền nhiều cỡ mấy cũng chẳng ăn được nhiều hơn sức chứa cái bao tử. Càng nhiều tài sản, càng lo lắng nhiều.
Ham muốn càng nhiều, sống càng ít, vì bận lo toan đủ thứ. Ham muốn sinh thêm ham muốn, chẳng bao giờ dứt. Chả lẽ cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày vùi lấp lòng tham, khoả lấp các ham muốn sao? Tôi không muốn sống như vậy.

Cái hay là ở chỗ tôi bỏ được ham muốn một cách rất tự nhiên, không gò ép hay kìm nén gì cả. Mới vài ngày trước còn lân la xuống chỗ trang trại hồ sen hỏi thăm đất, tìm đất. Lúc ấy đang quan sát xung quanh ngắm nhìn những cây ổi cây cam, cây đu đủ, chuối, bưởi nhà người ta trĩu trịt quả thì lấy làm thích lắm. Tôi nhìn những quả ổi chín vàng rụng đầy gốc không ai thèm ăn thì hỏi và được trả lời rằng “Ổi bị sâu với giòi bên trong nhiều lắm do không có time bọc nilon lại được nên để chín thối rồi rụng thôi”.

Khoảnh khắc ấy, tự dưng thấy tham muốn nhà trang trại của tôi cũng giống hệt như mấy trái ổi chín, không ai ăn, rụng đầy gốc. Một cây ổi còn không có thời gian chăm sóc, nếu có cả trang trại liệu có chăm nổi không? Một ngôi nhà còn chưa chăm sóc được cho chu toàn như ý, nhiều căn nhà có làm tôi mãn nguyện? Nếu như có cây ổi chín đầy mà không ăn, ổi bị lãng phí, trồng cây ổi làm gì? (Lãng phí ở đây là cách nói thôi chứ thật ra trên đời không có gì lãng phí, ổi chín thúi rụng trở lại mẹ đất cũng tan ra nuôi đất, nhưng sự lãng phí ở chỗ tấm lòng của mẹ thiên nhiên cho chim muông và con người bị không đoái hoài, bị ngó lơ).

Cũng vậy, sự lãng phí lớn nhất của con người là lãng phí năng lượng. Lòng tham ngốn sạch năng lượng của chúng ta mỗi ngày. Tôi nhận thấy bản thân đang có quá nhiều mà không biết đủ, nếu cứ theo đuổi ham muốn mãi, cả đời tôi chẳng lẽ chỉ đáng giá vài ba món tài sản hay sao? Lãng phí thế? Toàn bộ năng lượng cuộc sống chỉ quy về vật chất sao? Sao ngu thế?

Giây phút ấy tôi quan sát thấy toàn bộ năng lượng ham muốn bên trong mình thay đổi. Lòng tha thiết về một ngôi nhà trang trại tự dưng bị thúi đi và rụng hệt như trái ổi chín, rất tự nhiên, rất mãn nguyện, không kìm nén chút nào.

Lòng thanh thản khủng khiếp như trút được một quả núi trên vai. Lòng tham là những quả núi. Càng nhiều tham chúng ta càng bị đè bẹp bởi chính lòng tham của mình, hệt như chú khỉ Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký bị quả núi gì đè nặng suốt ngàn năm ấy.

Mỗi chúng ta đều có một con khỉ đang bị đè nặng như thế chờ đợi một vị thầy đến giải thoát cho mình. Chúng ta chỉ không biết rằng chúng ta cũng chính là vị thầy ấy, là Đường Tăng của chính mình để giải thoát lòng tham bằng Nhận Thức.

Nhận ra, thấy ngu, thấy phí và buông bỏ – đây là một tiến trình tự nhiên. Không dễ đâu, nhưng cực kì xứng đáng đấy!”

Vâng, thế đó. Tôi buông bỏ ham muốn về một trang trại của riêng mình, nhưng như đã nói, cái gì bạn thích sẽ theo đuổi bạn và khi duyên tới, nó sẽ nở hoa. Lòng tham về trang trại đã được bỏ nhưng sự yêu thích và khát khao được trồng những cây ăn trái trĩu quả, được tự mình tạo ra một vườn địa đàng cho mình lẫn người thân, vẫn còn đó. Có điều nó không còn là ham muốn, nó trở thành một nhân duyên. Ham muốn có thể mất, nhân duyên thì không. Quả ổi chín có thể đã rụng xuống đất, thối đi, tan ra nhưng hạt ổi thì vẫn đó, chờ cơ hội được vươn lên thành những cây ổi mới.

Giấc mơ về một khu vườn địa đàng

Trong 30 ngày “biến mất” khỏi mạng xã hội, tôi vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn hoàn thành mọi việc mình muốn làm. Một trong những việc ấy là đi thăm hai trang trại: một trang trại kiểu nghỉ dưỡng bên hồ của anh Duy Quang, người tôi gọi là anh hai vì đã khá thân thiết. Trang trại còn lại là vườn Ohsawa của chị Vân Anh, người tôi được giới thiệu và chưa có dịp gặp mặt. Ngày tôi đi thăm vườn Ohsawa, tôi ghé tiệm cà phê của anh Duy Quang vì nó nằm trên cùng tuyến đường.

Tôi nhớ lại những ngày trước đây khi mới ghé thăm và rất “mê” ngôi nhà gỗ xinh xắn bên hồ của anh Quang. Nó đẹp và yên bình quá, tôi thích lắm, cũng muốn có một cái. Nhưng lần thứ hai khi thực sự tới đó, ở lại qua một đêm, tận hưởng cảm giác ở nhà trang trại một cách trọn vẹn cùng những người bạn, tôi ra về với không ham muốn nào còn lại. Việc mỗi ngày lái xe hơn nửa tiếng để đến căn nhà nơi xa tít tắp chăm từng cái cây cọng rau, rồi đi về, sao mà mệt mỏi quá. Chi bằng cứ để những người như anh ấy chăm sóc trang trại này thật tốt, mỗi tháng nếu muốn tôi có thể đến thuê lại căn nhà hoặc căn phòng mà anh ấy cho thuê, tận hưởng nó một vài ngày, rồi trả lại cho chính chủ, chẳng phải tốt hơn rất nhiều sao? Vì chi phí thuê lại trang trại quá rẻ, việc thuê là thông minh hơn sở hữu cả một trang trại rất nhiều. Tôi rời trang trại Eco hôm ấy với một tinh thần cực kì nhẹ nhõm khi một lòng tham khác được gỡ khỏi đôi vai mình.

Vườn Ohsawa của chị Vân Anh khá nhỏ nhưng là nơi chị thử nghiệm rất nhiều phương pháp canh tác nông nghiệp. Cái tâm và sự hiểu biết về nông nghiệp của chị với các giống cây từ cỏ, lúa, hoa hồng, cây ăn trái thật đáng kinh ngạc. Hai chị em gặp nhau lần đầu mà trò chuyện thân quen như từ bao giờ do có rất nhiều điểm chung. Chị ấy cho tôi rất nhiều ý tưởng lẫn lời khuyên về những điều tôi muốn làm và dự định làm. Sau chuyến thăm vườn trang trại của chị, một lần nữa, trong tôi bừng lên ý tưởng về việc tạo ra một khu vườn địa đàng đầy ắp hoa cỏ, cây ăn trái, không chỉ cho bản thân mình nữa mà cho cả đại gia đình tôi, cháu chắt tôi sau này. Và điểm quan trọng là, nếu tôi có thể thuyết phục bố mẹ tôi cho “mượn” một miếng đất (bố mẹ tôi có rất nhiều đất) thế thì chẳng phải tuyệt vời sao? Tôi không cần tham kiếm tiền, tiết kiệm tiền mua thêm đất và đất của bố mẹ được dùng vào việc tốt hơn, ý nghĩa hơn cho cả gia đình, thay vì chỉ trồng cà phê là loại cây mà tôi rất không ưa (vì tính công nghiệp và độc quyền đất đai của nó).

…và sự thật phũ phàng…

Tôi lái xe ra về mà lòng vui như mở hội khi thấy hạt ổi ngày nào đang nảy mầm. Lòng tham sở hữu tài sản, sở hữu một trang trại đã được biến đổi thành mong muốn tạo ra vùng đất địa đàng trồng đủ loại cây ăn trái ngọt lành cho tất cả mọi người trong gia đình. Khu vườn sẽ là nơi tôi lui về khi muốn sống thiền định, im lặng, cũng sẽ là nơi tôi dạy các cháu mình tình yêu về cây cối, hoa cỏ, nông nghiệp. Rồi cũng sẽ là nơi tôi “báo đáp” lại cha mẹ mình khi họ về già và muốn sống an yên, hoặc nơi cho các bạn độc giả của tôi ghé thăm nếu họ muốn. Sau đó nếu mà làm tốt và kiếm được tiền từ nó thì hẳn sẽ làm cho mẹ tôi vui lắm. Tôi cũng vui nữa. Nhưng điều này chẳng quan trọng gì. Điều quan trọng nhất là làm sao để thuyết phục mẹ tôi gật đầu cho “dự án địa đàng” này khi mà chúng tôi không nói cùng ngôn ngữ chút nào, khi mà tôi biết mẹ tôi yêu câu trả lời “không” đến mức nào.

  • – Mẹ ơi, miếng đất hai xào con thấy mới nhổ hết cà phê lên rồi, đang bỏ không. Con trồng cây ăn trái lên đó nhé.
  • – Không, đang trồng cà phê rồi.
  • – Cà phê còn quá nhỏ, đất trống lại nhiều, mình có thể trồng thêm cây ăn trái đủ loại cũng tốt mà.
  • – Không, trồng bơ với sầu riêng thôi, cho kinh tế.

Tôi ghét kinh tế. Tôi ghét cái cách mẹ tôi luôn luôn nói “không” với tôi trong bất cứ trường hợp nào. Mẹ tôi từng nói không khi tôi muốn mở shop đầu tiên. Mẹ nói không khi tôi muốn mượn tiền mua đất. Mẹ nói không khi tôi xin phép sửa lại căn nhà hoang thành căn nhà nghỉ dưỡng xanh mát… Vâng, mẹ tôi luôn nói không. Đấy là cách của mẹ, cũng như cách của tôi là phải tìm ra cách để “giả kim” cái “không” ấy thành “có” như tôi đã làm nhiều lần trước đây. Nhưng cũng như mẹ luôn nói không trước tiên. Tôi cũng luôn bực mình trước tiên mỗi khi nghe câu ấy.

  • – Mẹ thì khi nào mà chả nói không. Con xin cái gì mà chẳng bảo không. Mẹ đã bao giờ thử ủng hộ con một lần chưa?

Tất nhiên sau đó chúng tôi có một trận cãi nhau. Bẵng đi một thời gian, tôi hỏi lại:

  • – Mẹ cho con trồng cây ăn trái lên miếng đất hai xào nhé. Con sẽ biến nó thành một khu vườn địa đàng cho cả gia đình mình tha hồ cây trái mà ăn.
  • – Không, đất đấy cho anh hai rồi.
  • – Cho con nữa, cho mượn đất thôi, con sẽ trồng thật nhiều trái cây cho cả nhà anh hai và mọi người cùng ăn.
  • – Không.

Tôi bực thật sự và tất nhiên chúng tôi lại cãi nhau gì đấy mà lần này mẹ tôi nói những câu rất gắt. Mẹ nói tôi láo toét, mất dạy khi bố mẹ chưa mất mà đã muốn tranh phần đất đai. Điều này khiến tôi không chỉ bực mà tức giận thật sự. Tôi sao? Tôi ham muốn đất đai và đòi tranh phần đất đai sao? Không thể tin được mẹ tôi có thể nhìn sự việc theo cách ấy. Mẹ tôi cũng bực và nhìn sự việc theo cách riêng của mẹ, mẹ chốt một câu “Đất của ai làm ra, người đó có quyền.”

Tôi khựng lại, mẹ tôi nói đúng quá. Dẫu cho tôi không tham muốn gì những miếng đất ấy ngoại trừ ham muốn trồng một vườn địa đàng đầy cây ăn trái. Dẫu cho tôi trách mẹ tôi việc tham vài đồng tiền kinh tế mà không nhìn thấy những thứ khác, nhưng mẹ tôi nói đúng: đấy là đất của mẹ mà.

Tôi xoá những dòng tin nhắn thanh minh, đáp gọn: “Lần này mẹ nói đúng. Con sai rồi. Con sẽ không bao giờ mở miệng xin mẹ bất cứ gì nữa đâu. Mẹ hãy giữ tất cả đất đai của mẹ, con chúc mẹ hạnh phúc.”

Bạn thấy đấy, nếu như mẹ tôi còn nghĩ về tôi như một đứa con gái tham lam, ham muốn phân chia tài sản, đòi phần đất đai… thì tôi còn mong chờ gì những người ngoài kia có thể hiểu mình? Giây phút ấy tôi buông bỏ được cả hai ham muốn: ham muốn tạ ra vườn địa đàng trên khu đất của mẹ tôi, ham muốn tin rằng chỉ cần mình có ý tốt, người ta nhất định sẽ hiểu mình và đồng ý với mình. Thật là những ham muốn ngu si. Mọi ham muốn đều ngu si.

Cuộc chiến đang cản trở nhân loại tiến tới một thế giới mới, là cuộc chiến giữa hai thế hệ

Giờ thì bạn có thể hiểu nhiều hơn khi tôi nói thế hệ già đang cản trở thế hệ trẻ nhiều như thế nào trong việc xây dựng một lối sống khác, một thế giới khác.

Thế hệ trẻ ngày nay khác lắm. Tất nhiên không phải tất cả nhưng tôi biết rất nhiều người trẻ, những người mà không thể sống cuộc đời như mình muốn, không thể xây dựng thế giới mới như cách mình muốn, không phải vì họ không có ý tưởng hay khả năng, mà vì họ gặp phải một sự chống đối rất lớn từ chính cha mẹ người thân của mình. Sự cản trở ấy không như cái rào tre hay tường đất nung đâu, nó khổng lồ và khó phá hệt như Vạn Lý Trường Thành vậy.

Người già, thế hệ cha mẹ của chúng ta, họ sống trong bối cảnh khác với niềm tin khác và những vấn đề khác. Thế giới đã thay đổi rồi nhưng họ vẫn giữ nguyên niềm tin của mình và áp đặt niềm tin ấy lên con cái họ, lên thế hệ tương lai, là chính chúng ta.

Người già thích đồ gỗ lắm, thích phản gỗ thật to, bộ sa lông gỗ thật lớn, người trẻ thích sopha hiện đại êm ái hơn. Rừng cây gỗ quý bị phá vì ai?

Người già thích làm và thích con cái làm quan chức, giám đốc này chủ tịch nọ, chí ít cũng bác sĩ kĩ sư hay nhân viên văn phòng, nhưng người trẻ giờ thích làm kinh doanh, thích những công việc tự do, những công việc mang tính sáng tạo, thậm chí giờ đây nhiều người trẻ thích được trở về quê nhà làm nông dân. Cha mẹ họ không vui lòng đâu.

Người già thích con cái mình sớm lập gia đình, sinh con cái, yên bề gia thất. Người trẻ thích được yêu, được sống mà không bận tâm nhiều về những thứ như nghĩa vụ gia đình, con cái. Cha mẹ họ không vui đâu.

Người già thích được con cái tôn trọng, thích được nói và mọi người khác nghe, không muốn người trẻ làm điều khác ý mình. Nhưng người trẻ giờ cũng có tự do ý chí, cũng muốn cất tiếng nói, muốn được quyền nói và cả quyền được lắng nghe, không chỉ trong gia đình mà trong trường học, nhà thờ, xã hội… Không ai cho họ quyền lên tiếng đâu.

Người già chỉ bận tâm làm sao nhiều tiền hơn, nhiều tài sản hơn, nhiều quyền lực hơn. Người trẻ giờ bận tâm nhiều thứ lắm như làm sao bảo vệ môi trường tốt hơn, làm sao có nhiều trải nghiệm hơn, làm sao có nhiều niềm vui hơn, làm sao có nhiều tự do hơn.

Người già muốn sở hữu nhiều hơn. Người trẻ muốn chia sẻ nhiều hơn.

Đây là chỗ mà hai thế hệ với hai niềm tin, mối quan tâm khác nhau ắt sẽ nảy sinh xung đột.

Xin hiểu cho, khi nói từ “người già” ý tôi là những người mang niềm tin và tinh thần cổ hủ, thủ cựu chứ không phải ý nói mọi người già. Cũng vậy, khi tôi dùng từ “người trẻ” ý nói những người có tư duy đổi mới, nhiều ý tưởng, thích sáng tạo, hoà hợp với tiến bộ của văn minh thế giới chứ không bao hàm tất cả mọi người trẻ. Vì tôi cũng đã gặp rất nhiều người già có tinh thần đổi mới, chấp nhận, lắng nghe trong khi nhiều (rất nhiều) bạn trẻ khác cũng hệt như thế hệ già thủ cực, chẳng quan tâm gì hơn ngoài chút cơm áo gạo tiền, vật chất danh vọng.

Chúng ta có thể biến cả trái đất thành địa đàng được mà, tại sao không?

Tôi nhận được nhiều thư tâm sự từ những người trẻ và khi tổng kết lại, tôi ngạc nhiên, mà thật ra là chẳng ngạc nhiên, khi đa phần các thư ấy, 80-90% than phiền chuyện cha mẹ quá áp đặt tư tưởng và điều khiển cuộc sống của họ, khiến họ không thể làm điều họ muốn, sống đời họ muốn. Có người phải theo học ngành cha mẹ muốn dù họ không hứng thú chút nào, có người phải kết hôn chỉ vì cha mẹ, lại có người phải đi ra nước ngoài du học, định cư vì mong muốn của cha mẹ. Tất nhiên không thiếu những người như tôi, không được làm những việc cỏn con như trồng cây, sửa nhà, trồng cỏ… cũng chỉ vì cha mẹ có thể giúp đỡ nhưng họ đã chọn không giúp đỡ.

Tôi không dám trách cha mẹ tôi và những bậc cha mẹ khác vì thế hệ của họ được sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh khác, làm sao họ có thể hiểu những gì con cái họ đang phải trải qua? Thanh xuân của họ dành trọn cho đạn dược, súng ống và chạy loạn, đấu tranh trên chiến trường hay trên cánh đồng mong kiếm đủ bữa ăn mỗi ngày, làm sao họ biết về nỗi khổ của những người trẻ khi phải chiến đấu trong môi trường công việc đầy áp lực, sự căng thẳng và mệt mỏi khi phải chạy đua theo các trào lưu mới, thậm chí nỗi khổ chọn quán ăn để tụ tập bạn bè cũng là một loại khổ mà cha mẹ đời nào hình dung ra?

Mỗi thế hệ khác nhau có bối cảnh trưởng thành khác nhau, cha mẹ chúng ta vốn dĩ chẳng hề có tuổi thanh xuân của vui chơi, tự do, trải nghiệm, du lịch, làm đẹp, đi tìm ý nghĩa cuộc đời… làm sao ta có thể trông đợi họ tôn trọng những điều này?

Khoảng cách thế hệ là quá lớn và chính khoảng cách này tạo ra hiểu lầm, bất đồng giữa mọi người trong gia đình, trong xã hội. Chính bất đồng này lấy đi toàn bộ năng lượng của hai thế hệ, hoài phí thời gian công sức của cả hai thế hệ mà đáng lý ra đã được dành để sáng tạo, để chia sẻ, để xây dựng thế giới này theo hướng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, ý nghĩa hơn.

Hãy nghĩ về viễn cảnh nơi mà mọi thế hệ đều thấu hiểu, đồng tình và ủng hộ nhau theo đuổi các dự án tốt cho tự nhiên, cho cuộc sống đi. Nó hẳn sẽ là vườn địa đàng cho nhân loại.

Thế hệ trước đã huỷ hoại vườn địa đàng là trái đất này, vì những mục tiêu vật chất.

Giờ chưa quá trễ, xin hãy lắng nghe, tôn trọng và ủng hộ những người trẻ trong việc tái xây dựng lại địa đàng trên mặt đất này!

Đây là lời khẩn cầu của tôi, thay mặt các bạn trẻ đang bị cha mẹ “giam giữ” như tù binh trong ý thức hệ cũ, niềm tin cũ, tham vọng cũ.

Cha mẹ à,

Chúng con, những người trẻ, không cần quá nhiều vật chất, tài sản danh vọng đâu, chúng con muốn có một môi trường sống sạch hơn, xanh hơn, nhiều cây cối hơn, nước sạch, không khí sạch, môi trường chính trị văn hoá trong sạch, truyền thông sạch, giải trí sạch.

Chúng con, những người trẻ, không cần quá nhiều lời khuyên, kiến thức giáo khoa, lời ra lệnh đâu, chúng con cần nhiều tự do hơn, nhiều lắng nghe hơn, nhiều chấp nhận hơn, nhiều yêu thương hơn từ cha mẹ.

Nếu không thể cho chúng con sự ủng hộ, chí ít xin hãy cho chúng con một chút tự do.

Tự do để xây dựng lại thế giới này, biến nó thành địa đàng một lần nữa.

Để biến trái đất thành địa đàng một cách hiệu quả nhất, chúng con thật sự cần mọi người giúp đỡ, xin đừng chửi bới hoặc đừng quay lưng đi!

                                        _bức thư từ những người con chưa bao giờ được cha mẹ lắng nghe_

Xin cảm ơn bạn đã đọc bài!

Namaste!

À nói thế chứ ba tôi là người rất tuyệt nhé, ông ủng hộ tôi mọi đàng, có điều mẹ tôi mạnh hơn và là người quyết định mọi thứ, tôi nóng tính và ngang bướng thế này, là học mẹ mà ra.

Với lại một ngày kia, sau cùng, tôi cũng đã nhận được sự đồng ý của mẹ về sự án vườn địa đàng rồi, có điều tôi không biết có nên vui mừng hay không, vì mẹ tôi nói “Đấy, chị thích thì chị làm đi. Chị muốn làm gì thì chị cứ làm đi.”

Theo bạn, đây có là lời đồng ý không ngờ? Tôi băn khoăn quá! haha

Quên giải thích thêm chỗ này, nếu tôi có thể tạo ra vườn địa đàng xung quanh mình, bạn cũng tạo ra một địa đàng xung quanh bạn. Khi mọi người cùng nhau, chẳng phải địa đàng sẽ ở khắp nơi sao?

Tôi nhớ câu nói của chị Vân Anh hôm tôi ghé thăm vườn của chị ấy: “Ước mơ của chị là biến từng miếng đất nhỏ, rất nhỏ thôi, thành những khu vườn rừng sinh thái giữ nước, sinh hoa màu làm giàu cho con người, cho đất đai, cho tự nhiên. Rồi cứ từ từ nhân nhiều khu vườn nhỏ như vậy lên, là đủ.”

Vâng, mỗi người trong chúng ta hãy nhận trách nhiệm tạo ra một vườn địa đàng nho nhỏ xung quanh mình, trong khả năng của mình, với cỏ, với hoa, với rau, với cây ăn trái. Chả mấy chốc cả thế giới nhuốm màu xanh?

Địa đàng ở ngay đây, đừng tìm nó ở đâu cả. Chúng ta chưa bao giờ bị đuổi khỏi vườn địa đàng đâu, Kinh thánh xạo đấy. Nếu Adam và Eva phạm tội, liên quan gì tới chúng ta? Tội tổ tông truyền không phải khi cha mẹ phạm tội và con cái bị trừng phạt đâu. Tội tổ tông truyền thật sự là khi thế hệ trước đã vô thức, vô trách nhiệm, đã quá tham lam mà phá huỷ thế giới, lấy đi cạn nguồn tài nguyên nhưng lại giữ khư khư quyền lực, không chịu cho thế hệ trẻ được sống khác đi, mà phải sống theo cách vô thức như thế hệ trước đã sống. Đấy mới là tội tổ tông truyền thật sự đấy!

Sự vô thức, vô nhận biết, lòng tham, sự độc tài chuyên chế, chính là tội của tổ tông! Xin đừng truyền lại!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *