Và tôi thấy luân hồi… (1)

1. Thời gian đi thẳng hay đi tròn?

Có hai khái niệm thời gian trên thế giới.

Phương Tây với đại diện là ba tôn giáo lớn: Ki-tô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo tin vào khái niệm thời gian tuyến tính, tức là thời gian đi theo đường thẳng. Chính vì thời gian đi theo đường thẳng nên các tôn giáo này cũng tin rằng cuộc đời này là duy nhất, không có luân hồi chuyển kiếp, mỗi người chỉ sống một lần trên đời mà thôi.

Trong khi đó, Phương Đông với đại diện của ba tôn giáo lâu đời nhất: Hindu giáo, Phật giáo và Jaina giáo lại tin rằng thời gian không theo tuyến tính đường thẳng, mà nó theo tính tuần hoàn, tức vòng tròn.

Nếu thời gian đi theo đường thẳng thế thì không có gì được lặp lại trong đời sống. Nó cứ trôi đi, trôi mãi mãi, không bao giờ trở lại. Nếu thời gian được coi là vòng tròn, thế thì mọi thứ sẽ được lặp lại như vòng quay của chiếc bánh xe. Đây là cơ sở của thuyết luân hồi, rằng một người sẽ được sinh ra và chết đi, cứ thế lặp đi lặp lại mãi cho tới khi họ thoát ra khỏi vòng quay này, ấy cũng chính là mục đích tối thượng của con người mọi thời đại.

Mỗi khái niệm về thời gian đều có những mặt tích cực lẫn tiêu cực. Khái niệm tuyến tính khiến người ta sống vội hơn, nhanh hơn, không lãng phí thời gian nhưng ngược lại lại khiến cho người ta dễ cảm thấy bất an, sợ hãi, vội vàng.

Khái niệm thời gian luân hồi khiến người ta thảnh thơi hơn, điềm tĩnh hơn vì thời gian dường như là vô tận, nhưng ngược lại nó khiến người ta trở nên lười biếng, ỷ lại, uể oải.

Phương Tây giàu có vì mọi người làm việc hăng say, cố gắng cống hiến, chứng tỏ bản thân, hoàn thành mọi thứ khi còn có thể. Phương Đông từng rất giàu có trong quá khứ nhưng sau đó thì tụt lại, mọi người trở nên chậm chạp, lười biếng, không trân trọng thời gian lẫn những gì mình có, bởi vì lý do đơn giản: họ sẽ có nhiều đời sống khác nữa, sao phải vội vàng?

2. Bởi vì chúng ta quên…

Thời gian là gì? Thật ra thời gian chỉ đơn giản là thứ dùng để đo sự chuyển động của mọi thứ trong không gian. Ví dụ một ngày là thời gian trái đất xoay một vòng chính nó. Một năm là thời gian trái đất xoay một vòng quanh mặt trời. Nếu bạn chịu khó quan sát một chút, bạn sẽ nhận ra dường như thời gian là thứ gì đó luân hồi lặp đi lặp lại, bởi vì mọi chuyển động trong vũ trụ dường như đi theo vòng tròn, từ ngày tới đêm rồi lại qua ngày, mùa xuân tới hạ, thu và đông rồi lại trở lại mùa xuân. Trái đất, mặt trời, mặt trăng, các vì sao cũng trong một lộ trình hình tròn, chẳng cái gì đi thẳng cả. Phương Tây với khoa học phát triển cao cũng đang đi tới kết luận tương tự, ấy là khi Albert Eisntein tuyên bố khái niệm về phát hiện toàn thể không gian trong vũ trụ mang tính tròn. Nếu người ta đồng ý quan điểm không gian mang hình tròn thế thì một ngày nào đó người ta cũng sẽ đồng ý rằng thời gian cũng mang tính tròn, tức lặp lại, tuần hoàn.

Tương tự như hàng ngàn năm trước nhân loại tin rằng trái đất nằm trải ra trên một mặt phẳng nhưng sau đó nó được chứng minh là mang hình tròn và tới giờ thì người ta thậm chí còn chẳng thèm nhớ rằng có thời trái đất được cho là một mặt phẳng.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra cho quan niệm về thời gian chứ, một ngày nào đó. Dẫu vậy, tại Phương Đông, quan niệm thời gian mang tính tròn được nhắc đi nhắc lại bởi những vị thầy được tôn kính nhất, tiêu biểu là Phật. Phật nhắc đi nhắc lại hình tượng bánh xe luân hồi, vòng quay của cuộc sống. Các tôn giáo cổ đại nhất cũng mang cùng một niềm tin rằng cuộc đời là samsara – cái vòng lặp vô tận, vĩnh hằng. Những thứ bạn nghĩ là mới, thật ra chẳng mới như bạn nghĩ, nó đã từng xảy ra rồi, thậm chí xảy ra nhiều lần rồi. Vậy nên Phương Đông mới có câu “Không có gì mới dưới ánh mặt trời”.

Có thể hiểu một cách đơn giản như thế này: bạn vừa gặp mặt ai đó và cảm thấy rạo rực yêu mến, thứ người ta thường gọi là trúng tiếng sét ái tình. Tất nhiên trong mắt bạn nó là mới, mới toanh luôn vì bạn chưa bao giờ gặp người này trước đây cả, cho nên nó là mới. Nhưng thật sự thì chỉ cái hình thức là mới thôi, cái bản chất và cách thức vận hành của tình yêu thì rất cũ rồi. Bạn đã từng yêu hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần rồi. Nó không mới đâu. Người yêu có thể mới nhưng tình yêu thì không mới. Nó chỉ mới trong tâm trí bạn.

Bạn có để ý không? Bạn yêu ai đó và tình yêu thất bại, thế rồi bạn đau khổ. Lần nào đau khổ cũng cảm giác như mới toanh, như bạn mới đau lần đầu. Đây đâu phải lần đầu bạn đau khổ nhưng sao cảm xúc lại đau như mới hết lần này tới lần khác?

Đơn giản vì bạn quên, bạn quên những lần khổ trước đây của mình.

Đau khổ là thứ cổ đại, cổ đại hệt như sự tồn tại của con người trước ánh mặt trời. Rời bớt cổ đại hơn chút như thời của Phật, ngài cũng đã không ngừng nhắc về khổ: sống là khổ, chết cũng khổ, nghèo có cái khổ của nghèo và giàu cũng có cái khổ của giàu. Đây là hình tượng dễ hiểu về tính luân hồi của cuộc sống. Cái khổ cứ lặp đi lặp lại. Hôm nay bạn khổ khi là một đứa trẻ, ngày mai thanh niên có cái khổ của thanh niên, thế rồi bạn lập gia đình sẽ có cái khổ của lập gia đình. Hôm nay bạn khổ vì tiền, mai bạn khổ vì tình, rồi khổ vì bệnh tật, vì sợ hãi cái chết… Cái khổ mang tính tuần hoàn lặp đi lặp lại mãi, nó đâu có mới mẻ gì nhưng mỗi lần cái khổ tới bạn đều thấy nó mới mẻ thế và bạn lại quay cuồng trong khổ.

Phật nói chỉ khi con người ý thức được mình đang khổ và tìm cách thoát ra khỏi nó, thì con người mới có cơ may thoát khỏi luân hồi. Bên kia địa cầu hàng trăm năm sau, Đức Jesus cũng nói điều tương tự, dù cho bằng một ngôn ngữ khác và một hình tượng ẩn dụ khác. Ngài nói: “Con người đang say ngủ, hãy tỉnh thức, nước trời đã gần kề.” Nước trời là nơi không còn đau khổ, nơi chỉ có an yên phúc lạc vĩnh hằng. Đó cũng chính là trạng thái của giác ngộ, niết bàn.

3. Khi hai niềm tin đối lập bỗng giao nhau, có giải thoát lớn lao hiển lộ

Tôi đọc nhiều sách về tôn giáo và một ngày kia vỡ oà khi tìm thấy điểm giao nhau của Phật giáo và Ki-tô giáo khi lý giải về niềm tin: chúng ta có nhiều cuộc đời hay chỉ một cuộc đời. Phật nói cùng với niềm tin Hindu giáo rằng ta có nhiều cuộc đời luân hồi, Jesus với niềm tin Do Thái giáo rằng chúng ta chỉ có một đời thôi. Điểm giao nhau mà tôi tìm ra là: Chúng ta vốn dĩ sống hàng ngàn kiếp, hàng triệu cuộc đời nhưng trong hàng ngàn, hàng triệu cuộc đời mà chúng ta sống, chỉ có một cuộc đời duy nhất đáng được tính tới, đáng được nói tới, bận tâm tới, ấy là cuộc đời cuối cùng khi mà chúng ta có thể sống trong tỉnh táo và ý thức, trong nhận thức và giác ngộ.

Chỉ một câu đơn giản và hai niềm tin tưởng như đối lập nhau đã quy về một mối, hai tôn giáo tưởng như xa lạ với nhau nay lại có thể coi như cùng nói một ngôn ngữ rồi.

Tôi không dám chắc niềm tin này là đúng hay sai, nhưng tôi chọn nó là đúng cho tôi. Tôi chọn nó là chân lý của tôi vì lý do đơn giản: nó giải phóng tôi khỏi câu hỏi muôn đời: chúng ta sống bao nhiêu cuộc đời? chỉ một hay hàng ngàn? Và sự khác nhau đó là để làm gì? Chúng ta học được gì nếu chỉ sống một đời hay có thể sống ngàn đời?

Bao nhiêu cuộc đời bạn đã sống qua rồi, tại sao mỗi lần sống thì cảm giác lại như mới? Bởi vì bạn quên. Tạo hoá đã làm công việc của nó một cách hoàn hảo, nó khiến bạn quên đi những kiếp sống cũ của mình bởi vì nếu mà bạn có thể nhớ mọi thứ, có lẽ bạn sẽ phát điên, nhất định bạn sẽ phát điên. Để bảo vệ bạn, Tạo Hoá – Đấng Sáng Tạo – Pháp đã tạo ra luật tự nhiên giúp bạn quên đi tất cả. Nhưng bằng ý thức của mình, nếu bạn có thể nhớ lại thì đời bạn sẽ chính thức thay đổi từ đây, bạn đang tiến gần đến kiếp cuối cùng của mình.

Cuộc sống như thế mà chuyện yêu đương cũng thế. Bất kể bạn đã từng yêu bao nhiêu lần, đau khổ bao nhiêu lần, mỗi lần bạn lại yêu, cảm giác cũng như mới. Bao nhiêu lần bạn đau khổ, lần nào cái đau khổ cũng cảm giác như mới. Nhưng chẳng có gì mới cả nếu như bạn có thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh và nhìn thấy chính mình trong bức tranh toàn cảnh ấy.

4. Tỉnh táo mà nhìn lại cuộc đời mình đi, bạn sẽ thấy đầy ắp những luân hồi

Nếu như bạn có thể nhìn lại toàn bộ những gì xảy ra trong đời mình, dù chỉ một kiếp thôi và nếu như bạn đủ thông minh để học từ những lỗi lầm của mình, thế thì cuộc sống sẽ không còn đau khổ nữa. Đúng hơn là bạn sẽ không còn tự tạo ra đau khổ cho mình hết lần này đến lần khác nữa.

Một ví dụ khác, chúng ta không phạm nhiều lỗi lầm trên đời như bạn nghĩ đâu. Chúng ta phạm một ít lỗi lầm thôi, nhưng phạm đi phạm lại. Ví dụ, nói dối là một lỗi lầm, bất kể bạn nói dối người lạ hay người quen, bất kể bạn nói dối một vài người hay một ngàn người, nói dối cũng chỉ là một tội nói dối, tội cũ xì. Nhưng vì bạn nói dối người khác, trong bối cảnh khác nên bạn nghĩ nó là tội khác. Không phải đâu. Quả thực không có nhiều lỗi đến thế trên đời để mà phạm.

Bạn đã từng tức giận, ghen tị, tham lam, phán xét… biết bao nhiêu lần và bây giờ bạn vẫn cứ tiếp tục phạm cùng những lỗi lầm ấy. Nếu như bạn đủ thông minh thì tức giận vài lần thôi là bạn sẽ hiểu nó không tốt, nó là một lỗi lầm, nó phá hỏng mọi thứ và thế rồi bạn sẽ không tức giận nữa.

Nếu như bạn cực kì thông thái thế thì chỉ tức giận một lần thôi bạn sẽ thấy cái độc hại của nó, chỉ tham lam một lần thôi bạn sẽ thấy sự vô nghĩa của nó và rồi bạn học cách giữ cho bản thân mình tỉnh táo để không phạm lại sai lầm ấy nữa.

Nhưng tiếc là chúng ta không chỉ không thông thái, chúng ta còn rất không thông minh. Chúng ta tức giận, nổi nóng, ghen tị, thù hằn hàng đống lần, lần nào cũng cảm thấy tệ, cũng hứa đi hứa lại với bản thân sẽ không để nó xảy ra nữa. Rồi sao? Rồi sau đó bạn vẫn phạm lại những lỗi lầm ấy như chưa hề hứa hẹn gì, vẫn tiếp tục tức giận, tiếp tục nổi nóng, tiếp tục ghen tuông, tiếp tục thèm muốn… Chúng ta dường như không bao giờ học được gì từ lỗi lầm của chính mình chứ đừng nói đến việc học lỗi lầm của người khác. Chúng ta rất khoái phán xét lỗi lầm của người khác để có cảm giác rằng mình tốt đẹp hơn người khác nhưng hơn hết, là để lờ đi lỗi lầm của chính mình. Việc học từ lỗi lầm sao mà khó khăn đến thế?

“Khi bạn đủ thông minh, bạn học được từ lỗi lầm của người khác.

Khi bạn không đủ thông minh, bạn thậm chí không học được gì từ lỗi lầm của chính mình.” Osho

 

5. Tôi đã thấy những luân hồi trong cuộc đời mình

Chúng ta là những kẻ ngu muội và dốt nát vô cùng, bạn có nhận ra điều ấy không? Xin đừng tự ái hay tức giận. Nếu bạn không ngu muội và dốt nát thì những lời này chẳng liên quan gì đến bạn. Nhưng nếu bạn tức giận hay tự ái tức là bạn đang thừa nhận bạn ngu muội và dốt nát đấy. Tức giận là một cách để bao che đi vết thương bên trong mình mà mình không dám thừa nhận.

Thêm một lý do để xin bạn đừng giận và cho rằng tôi huênh hoang. Tôi có huênh hoang gì đâu? Vì khi tôi nói “chúng ta đều ngu muội và dốt nát” là tôi đang bao hàm cả chính mình đấy chứ. Tôi thừa nhận luôn tôi là kẻ rất ngu muội và rất dốt nát, điều này chẳng có gì xấu hổ cả. Còn bạn? Bạn có dám thừa nhận sự thật này không? Bạn có đủ can đảm để thừa nhận một sự thật đơn giản về chính mình?

Chỉ khi nào bạn và tôi, chỉ khi chúng ta dám thừa nhận sự thật đau thương này thế thì chúng ta mới có cơ may thoát ra khỏi nó. Một người phải ý thức được mình bị bệnh thì mới tìm cách để chạy chữa. Và không cần phải trở nên quá nhạy cảm hay tự ái về căn bệnh rất cổ đại này, bệnh “ngu muội dốt nát”.

Theo lời Phật, người dốt nát đơn giản là người sống không có ý thức, không nhận thức.

Theo Đức Jesus, người ngu muội hay kẻ đầy tớ ngốc nghếch cũng chỉ đơn giản là những người không nhận thức, không ý thức được về hành động của mình.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn bắt đầu “nâng ý thức” của mình lên cao hơn, khi bạn bắt đầu thực hành sống tỉnh thức hơn? Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với bạn đâu vì đơn giản tôi không phải là bạn. Nhưng tôi đã thấy những chuyện lạ, những phép màu xảy ra với bản thân mình, gần như mỗi ngày.

Cuộc sống vẫn thế thôi nhưng trong mắt người ngủ mơ và người tỉnh táo thì nó khác nhau lắm. Nói đơn giản, thế giới vẫn thế nhưng thông qua đôi mắt của trẻ thơ sẽ là một thế giới rất khác so với thông qua đôi mắt của những người trưởng thành. Cuộc đời vẫn thế nhưng trong mắt của một nghệ sĩ, người làm nghệ thuật nó sẽ khác gấp hàng ngàn lần so với trong đôi mắt của một người làm kinh doanh… Cũng thế, khi bạn sống tỉnh táo hơn, nhận thức hơn về cuộc đời bạn, về tất cả những gì đã xảy ra, tự dưng bạn sẽ có một viễn kiến mới về cuộc đời, một đôi mắt khác nhìn thế giới theo một cách khác: bí ẩn hơn, nhiệm màu hơn, xinh đẹp và ngát hương hơn rất nhiều.

Tôi đã làm nhiều cách để cố gắng nâng sự tỉnh táo của mình cao hơn một chút và bạn biết tôi thấy gì không? Tôi thấy luân hồi: luân hồi của thế giới ngoài kia và luân hồi của chính cuộc đời tôi.

Cuốn sách này, chuỗi bài này sẽ kể về những luân hồi mà tôi đã thấy và cách nó biến đổi đời tôi như thế nào.

Cảm ơn bạn đã đọc bài. Xin chúc bạn mỗi ngày một nâng cao “tâm hồn” lẫn “nhận thức” của mình lên cao hơn, một chút thôi cũng quý giá vô cùng.

Namaste!

Phi Tuyết, 19/01/2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *