Phúc lành của những cơn giận

Và tôi thấy luân hồi (2)

1.

Câu nói đầu tiên tôi nhớ về sự giận hờn là từ một cô bạn, một lần cô ấy nói: “Giận hờn là ngu ngốc vì ta trút lỗi lầm của người khác lên đầu mình”. Lúc ấy bản ngã còn nhiều, chỉ thấy cái sai của người khác chứ ít khi thấy được cái sai của bản thân cho nên tôi thích câu này lắm và hay dùng nó để tự an ủi bản thân mình.

Sau đó tôi đọc được câu khác hay hơn và đã dùng nó làm tiêu đề bài viết về giận dữ đăng trong sách ‘Nghĩ khác – Sống khác’, câu ấy nói: “Giận dữ là thuốc độc ta tự trút vào chính mình”. Câu này hay hơn bởi vì nó không còn bận tâm chuyện lỗi lầm là của ai nữa, cũng không phân chia đối tượng người giận – người bị giận nữa mà chỉ tập trung vào tác hại của việc giận. Dù bạn là nguyên nhân hay nạn nhân thì bất cứ khi nào bạn tức giận là ngay lập tức bạn được nếm trải cảm giác sống trong địa ngục. Địa ngục là nơi người ta sống không chút vui vẻ, không hạnh phúc, không bình an, không tĩnh lặng. Khoảnh khắc bạn trong cơn giận, bạn đánh mất mọi vui vẻ bình an của mình, bạn nhuốm từng tế bào của mình trong một thứ năng lượng rất xấu, rất độc hại. Cơn giận như ngọn lửa nấu sôi bạn từ bên trong khiến toàn thân bạn như đông cứng lại như tảng đá.

Bạn đã bao giờ quan sát một người trong cơn giận chưa, từ đứa trẻ cho tới người già chăng nữa. Khoảnh khắc khi ai đó tức giận thật dễ nhận ra vì “sát khí” tức là năng lượng xấu tràn ngập người đó, bộc lộ qua từng ánh mắt sắc lẹm, quai hàm thì siết lại, toàn thân đông cứng, đôi bàn tay siết chặt. Ai trong cơn giận dữ mà cố kìm nén thì cũng trông như thế cả. Người không kìm nén cơn giận thì sẽ xả nó qua những cách khác: nếu quai hàm không nghiến lại thì cơn giận sẽ bộc qua đường lưỡi và răng, qua những lời chửi bới đay nghiến, xúc phạm; nếu đôi bàn tay không siết chặt lại để giữ cơn giận thì nó sẽ được bộc lộ qua chén dĩa vỡ, tivi vỡ, điện thoại vỡ hoặc quai hàm của một ai đó sẽ vỡ… Cơn giận trong trạng thái hung hăng luôn có cách để bộc lộ chính nó mà bản thân người ta khó lòng kìm lại được. Chỉ những người rất tỉnh táo, rất nhận thức, rất mạnh mẽ mới có thể kìm được cơn giận lại bên trong mình nhưng điều ngược đời là người rất nhận thức và rất tỉnh táo lại rất ít khi nổi giận.

Bạn còn nhớ câu chuyện về Phật không? Ông ấy bị người ta chặn lại chửi bới và cả nhổ vào mặt. Ông ấy chùi mặt mình và nói: “Ông xong chưa? Xong rồi thì để tôi đi tiếp. Nếu chưa xong thì xin hãy đợi, khi tôi xong việc ở làng bên sẽ trở lại để ông tiếp tục chuyện này.”

Chính sự tỉnh táo và từ bi của Phật đã cảm hoá được người đàn ông ấy, ông ta sụp xuống chân Phật mà khóc và xin quy y.

Bạn cũng có thể cho rằng chuyện này là bịa vì làm sao lại có người phỉ nhổ vào Phật như thế được? Xin thưa là có đấy. Phật từng bị lên án rất nhiều vào thời của ông ấy vì lý do đơn giản: Phật là người đi ngược lại truyền thống niềm tin lâu đời nhất của Ấn Độ là Hindu giáo. Ông ấy chống lại sự phân chia cấp bậc trong xã hội Ấn, chống lại thói ngạo mạn của tầng lớp tu sĩ Bà-la-môn, phủ nhận các niềm tin lâu đời trong kinh sách nữa nên việc ông ấy bị nhiều người ghét là chuyện cũng dễ hiểu thôi.

Thử hỏi chính bạn đi, giờ có ai đó chống lại niềm tin của bạn, nói với bạn rằng tôn giáo của bạn là giả dối, rác rưởi, ngu ngốc… Thử hỏi bạn có tức điên lên không? Có muốn nhổ vào mặt người ấy không hay sẵn sàng ăn tươi nuốt sống luôn họ? Dù cho bạn nói bạn yêu tôn giáo của mình, tin vào nó và kể cả khi tôn giáo của bạn có chống lại bạo hành chăng nữa, bạn vẫn luôn rất bạo hành. Bạo hành một cách ý thức lẫn vô thức. Bạo hành này chính là cơn giận dữ đấy.

Chỉ trong giận dữ người ta mới bạo hành. Người từ bi không bao giờ bạo hành.

Thế rồi cũng thông điệp ấy trong câu nói nổi tiếng của Đức Jesus: “Ai tát má bên phải của ngươi, hãy chìa má trái nữa. Ai lấy áo khoác của ngươi, cho họ áo trong nữa.” Đây là gì nếu không phải là tình yêu, từ bi, nhận thức của bậc giác ngộ? Người tỉnh thức không bao giờ giận dữ, không bao giờ bạo hành dẫu cho người đó có là nạn nhân của bạo hành chăng nữa. Sự từ bi của họ khiến họ chấp nhận mọi thứ một cách tự nhiên, không hề kìm nén một chút nào.

2.

Đấy là chuyện của các bậc thầy, còn chúng ta? Chúng ta chưa tỉnh táo và ý thức được như họ nên việc tự nhủ bản thân không giận dữ thật là nhiệm vụ bất khả thi. Tôi sẽ không bao giờ khuyên bạn “đừng-giận-dữ”, bởi vì tôi biết việc kiểm soát cơn giận chẳng có tác dụng gì. Chúng ta chẳng kiểm soát được cơn giận đâu nhưng cơn giận luôn kiểm soát chúng ta đấy chứ.

Trong cơn giận, chúng ta nói những lời ta biết mình không nên nói, ta làm những việc mình biết là không nên làm, nhưng vì chúng ta mất kiểm soát bản thân mình rồi cho nên ta cứ nói, cứ làm và rồi rất nhanh chóng khi cơn giận qua đi, ta hối hận và tiếc nuối vô cùng.

Một lời lẽ khi tức giận giống như những con dao sắc bén đâm nát tâm hồn người khác, người khác cũng cố gắng đâm nát tâm hồn ta để trả thù. Rốt cục khi cơn bão giận dữ qua đi, nó để lại một bãi chiến trường đầy những tổn thương, hư hại không bao giờ có thể lành lặn như trước được nữa. Cái gì đó đứt gãy trong tâm hồn của hai bên mà không thứ keo nào có thể gắn lại.

Bạn có nhớ nổi không? Bao nhiêu lần bạn giận dữ, hành động một cách mất kiểm soát và bao nhiêu lần bạn cảm thấy hối hận, cắn rứt sau cơn giận dữ ấy? Bao nhiêu lần bạn bị tổn thương rồi tổn thương người khác và ước gì mình chưa từng làm như vậy? Bao nhiêu lần bạn hối tiếc và tự hứa sẽ không lặp lại hành động ấy nhưng rồi vẫn cứ lặp lại? Bạn có thấy tính chất luân hồi của cơn giận không? Bạn có thấy sự luân hồi trong hành động của bạn không?

Thật đau lòng khi phải thừa nhận điều này nhưng bạn ạ, chúng ta đang sống trong đêm tối mịt mùng đến vô cùng của sự vô ý thức, vô nhận biết. Câu hỏi không phải là tại sao chúng ta lại hành xử vô ý thức như thế? Câu hỏi đúng là ‘chúng ta định hành xử vô ý thức, sống vô ý thức như thế này cho đến bao giờ?” Chỉ khi ta quyết định sẽ chấm dứt nó từ tận gốc rễ, ta mới có cơ may thoát ra khỏi vòng lặp luân hồi của nó. Bằng không, như cỏ dại, nó sẽ lại cứ mọc lên và khi cỏ dại mọc lên chiếm hết đất, hạt mầm sẽ chết. (Dùng hình ảnh mô tả này, tôi muốn xin lỗi loài cỏ dại. Chẳng có gì sai với cỏ cả, tôi yêu cây cỏ hệt như yêu hoa hồng, mặt trăng và ánh sao.)

3.

Một bạn độc gỉa nhắn tin hỏi tôi: “Làm sao để kiểm soát bản thân, không nổi giận nữa?”

Tôi rất ngại trả lời những câu này vì vốn dĩ chẳng có câu trả lời nào đúng cả. Chưa kể tôi cũng đã kiểm soát được cơn giận của mình hoàn toàn đâu, cho nên thôi thì trả lời “phong long” theo những gì tôi biết vậy: “Chỉ một cách duy nhất thôi là im lặng, tỉnh táo quan sát bản thân mình. Ban đầu là quan sát nhận diện ra cơn giận sau khi mình đã giận xong rồi – cái này rất dễ, ai cũng làm được. Tiến thêm một bước, quan sát để nhận ra cơn giận ngay trong lúc mình đang giận, đừng để cơn giận lấy đi toàn bộ ý thức. Cái này cũng không khó, chỉ cần một chút xíu ý thức là ai cũng có thể nhận ra lúc nào mình đang trong cơn giận ngay, chẳng đợi ai bảo.

Và rồi khi sự ý thức mạnh hơn bạn sẽ tiến đến một điểm mà bạn có thể nhận ra cơn giận khi nó còn chưa tới. Khi bạn mới chỉ đang… chuẩn bị giận thôi Vui chưa? Hệt như cách người ta dự báo thời tiết ấy, bạn hoàn toàn có thể dự báo được cơn giận của mình.

Khoảnh khắc khi bạn nhận ra mình đang chuẩn bị giận, hãy tỉnh táo và lấy lại quyền kiểm soát của ý thức, đừng để bản thân bị kéo sâu hơn vào cơn giận.”

Bạn có thể hiểu điều này dễ hơn, để tôi ví dụ cho bạn. Rất nhiều khi trong trận cãi vã, bạn hăng máu lên và định nói những điều rất tệ mà bạn biết chắc chắn nó sẽ làm cho người kia đau lòng, tức giận vô cùng. Trong một giây phút bạn muốn thốt ra những lời hả dạ ấy nhưng đâu đó trong trái tim bạn – nơi tình yêu ngự trị – một lực vô hình loé lên níu bạn lại, nó cản bạn nói ra những lời xúc phạm, nó cho bạn biết rằng nếu lời ấy nói ra, người kia sẽ bị tổn thương và bạn sẽ hối hận vô cùng, thế rồi khoảnh khắc ấy nếu bạn quyết định đi theo ý thức này, bạn sẽ… vẫn chửi nhau chứ, nhưng không dùng lời xúc phạm nữa. Đấy chính là khoảnh khắc khi sự nhận thức của bạn nắm quyền kiểm soát đấy. Tôi tin ai cũng từng trải qua những khoảnh khắc như vậy rồi. Khoảnh khắc bạn “cố ý” nói lời xúc phạm làm đau lẫn nhau và cả khoảnh khắc khi bạn “dừng lại” kịp thời trước khi thốt ra những lời độc hại mà bạn đã chuẩn bị sẵn trong đầu.

Bước thứ hai sau khi đã nhận ra cơn giận đang đến, nếu có thể, chỉ cần ngồi im lặng, nhắm mắt, hít thở thật sâu và đợi nó qua đi. Tất nhiên điều này không dễ dàng nhưng không có nghĩa là không làm được. Tiêu diệt một cơn giận khi nó còn là hạt mầm trong tâm trí mình tuy không dễ dàng nhưng chắc chắn là đáng giá hơn nhiều so với việc dọn dẹp cả một rừng “xà bần” của nó nếu để cho nó vượt kiểm soát.” (Nói tới đây tôi lại muốn xin lỗi hình ảnh hạt mầm, đối với tôi hạt mầm là thứ rất đẹp, rất thiêng liêng, không có gì sai với hạt mầm cả. Mọi hạt mầm đều tốt nếu nó được trồng đúng cách. Kể cả hạt mầm cây độc dược chăng nữa cũng có giá trị riêng của nó.)

Và cơn giận cũng vậy. Cơn giận cũng có mặt tốt đẹp của nó nếu như bạn có thể nhìn ra. Nó là cơ hội rất tốt để bạn thực hành im lặng, tỉnh táo, quan sát cách cơn giận vận hành, cách nó nuôi bản ngã của bạn và khoảnh khắc bạn nhìn ra tất cả những điều ấy, cơn giận sẽ dần dần biến mất.

Chỉ có sự nhận thức, tỉnh táo mới có thể làm cơn giận biến mất, không có cách khác. Nhưng mà này, cơn giận biến mất không thôi vẫn là chưa đủ, nó cần thêm lòng từ bi để có thể chuyển hoá năng lượng từ giận dữ thành yêu thương. Đây là một trong những phép giả kim của cuộc sống, nghệ thuật biến đổi năng lượng bên trong rất tuyệt vời mà một khi bạn đã trải qua, bạn sẽ muốn làm lại mãi. Giống như sau khi đã nhổ hết cỏ dại khỏi khu vườn, hãy trồng thêm hoa. Một khi đã trồng hoa và ngắm những đoá hoa bung nở, bạn sẽ không muốn để khu vườn của mình hoang phế cỏ dại nữa. Nó đích xác là như vậy đấy.

Nhưng đấy là khi bạn là người giận hoặc làm chủ cơn giận. Còn nếu bạn chỉ là nạn nhân trong cơn giận của người khác thì sao?

4.

Tôi nhớ lại hồi mình còn nhỏ, như mọi gia đình khác, tôi đã nhiều lần chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ tôi. Thật kinh khủng. Thật ám ảnh. Đôi khi họ cãi nhau nghiêm trọng tới mức không thể dùng lời được nữa mà phải dùng tới cả tay chân. Chiếc bàn mặt kiếng phải thay kiếng không biết bao nhiêu lần, rồi tivi, rồi cánh cửa. Những cảnh tượng kinh hoàng ấy in hằn vào tâm trí lũ trẻ chúng tôi và trở thành những vết sẹo không bao giờ lành. Người lớn cãi vã đánh nhau cho bõ cơn tức mà không bao giờ bận tâm hay biết được rằng những lời của họ, hành động của họ không chỉ tổn thương nhau mà còn tổn thương những đứa trẻ một cách sâu sắc. Thậm chí còn sâu hơn việc tổn thương của người lớn, vì con trẻ ngây thơ thế, tinh khiết thế. Nó tin vào mọi sự người ta nói ra, kể cả những câu người lớn đe doạ nhau cho vui thì với con trẻ, chúng luôn tin là thật. Niềm tin của chúng vào cha mẹ mình bị vỡ vụn tan tành và giây phút ấy, niềm tin vào cuộc đời, vào điều tốt đẹp cũng vụn vỡ. Đứa trẻ có thể quên về mặt trí nhớ nhưng tâm hồn nó thì không bao giờ như trước nữa.

Những khi cha mẹ cãi vã, tôi thường chạy trốn lên cái gác gỗ và ngồi đó vừa run lập cập vừa khóc nức nở. Tôi không muốn nghe hay thấy họ đánh nhau nhưng trẻ con mà, dù trốn nhưng không đứa nào dám trốn đi quá xa. Đứa nào cũng trốn quanh quẩn nơi cuộc chiến vì một nỗi sợ mơ hồ rằng nếu trốn xa quá lỡ chuyện gì xảy ra thì mình sẽ không biết mà kiểm soát được. Dù đứa nào cũng biết là trốn hay không trốn cũng chẳng thể kiểm soát được bất cứ gì, chẳng giải quyết được bất cứ gì. Trong cơn giận dữ, người lớn không bận tâm bất cứ gì ngoài việc phải “triệt hạ” lẫn nhau, “thiêu cháy” lẫn nhau bằng chính ngọn lửa đang thiêu cháy họ.

Hành động chạy trốn ấy ăn vào tiềm thức tôi tới mãi sau này. Mỗi khi tôi và anh người yêu cãi vã, tôi cũng chạy trốn, một cách vô thức thôi, tôi cứ kiếm những cầu thang vắng vẻ mà trèo lên, trèo lên cao mãi, thu mình vào cái góc nào không ai thấy, rồi khóc. Tôi gọi tình yêu ấy là tình yêu tâm linh, không phải vì tôi luôn tươi cười, nhưng vì nó khiến tôi nâng nhận thức của mình lên tới điểm mà tôi nhận ra những hành động vô thức của mình nhiều hơn. Ngày nhận ra nó, tôi được kết thúc với nó. Giờ đây tôi không bao giờ chạy trốn nữa, tiếc thay, đến lượt anh ấy “trốn” tôi, vì anh ấy cũng từng phải chứng kiến cha mẹ mình cãi vã. Tệ hại hơn, anh ấy còn là nạn nhân của những trận đòn trong cơn cãi vã của họ nữa. Bỏ trốn đến một nơi thật xa là cách anh ấy bảo vệ chính mình. Anh ấy cũng đang “chạy trốn” tôi, để bảo vệ chính mình, để bản ngã của mình không bị vỡ vụn.

Càng nhiều nhận thức, bản ngã càng vỡ ra, tôi đã chứng kiến bản ngã của mình vỡ ra tan nát bao nhiêu lần, hệt như cái bàn mặt kiếng ngày xưa bị cha tôi đập vỡ bao nhiêu lần vậy. Nhưng lần này, sau khi bản ngã vỡ ra, tôi cảm thấy khoan khoái qúa, an bình quá, hạnh phúc quá. Cảm thấy như vậy, tôi có xu hướng muốn anh ấy cũng cảm thấy như tôi, thế là tôi bắt đầu “đập vỡ” bản ngã của anh ấy. Tôi làm điều này vì tình yêu thương, nó không phải một sự tấn công, nhưng anh ấy không nghĩ vậy. Anh ấy cho rằng tôi đang “tấn công” anh ấy, vậy nên anh ấy rời đi để bảo vệ chính mình. Ít nhất đây là những gì tôi nghĩ về chuyện của tôi và anh, nhưng bỏ qua đi, để tôi trở lại với cơn giận dữ của cha mẹ tôi đã nhé.

5.

Bài học đầu tiên của tôi về những cơn giận đến từ việc quan sát cơn giận của cha mẹ tôi nhiều năm trước. Tôi quan sát thấy rằng trong cơn giận cả hai đều… điên, cả hai đều có lỗi nhưng không một ai thấy lỗi của mình. Giọt nước làm tràn ly và người ta đổ hết lỗi cho giọt nước, không phải đâu, là bản thân cái ly đã quá đầy rồi đấy chứ. Không có một sự việc cãi vã, giận dữ nào mà chỉ đến từ một phía. Nó luôn là hai phía, đấy là điều tôi học được khi còn nhỏ.

Bài học thứ hai mà tôi quan sát được, là luôn có một sự im lặng khó chịu đi kèm sau mỗi trận cãi vã. Chúng dính với nhau như hình với bóng. Lý do thì đơn giản: chẳng ai hết giận ngay tắp lự sau một trận uýnh nhau tơi bời cả. Trận cãi vã càng lớn thì im lặng đi kèm nó càng sâu, càng dài. Khi còn nhỏ, tôi sợ sự im lặng này, tôi sợ cảnh không ai nói với ai câu nào, căn nhà lạnh ngắt một thứ không khí ảm đạm đến rùng mình. Nó đáng sợ không kém gì khi người ta đang cãi nhau cả. Với tư cách một đứa trẻ đầy “trách nhiệm”, tôi cố trở thành cầu nối cho cha mẹ mình, tôi nói với người này, hỏi với người kia, kể cả những câu ngớ ngẩn, cốt yếu để xua tan sự im lặng lạnh lẽo trong nhà. Tất nhiên giờ nhìn lại thì tôi mới thấy mình ngớ ngẩn chứ lúc ấy tôi tuyệt vọng lắm. Không biết người lớn có nhận ra sự cố gắng ngây thơ của con trẻ trong việc giúp họ làm hoà không chứ tôi thì thấy rõ mình hoàn toàn vô dụng, tôi không giúp cho tình hình khá lên một chút nào cả dù có cố gắng tới đâu. Tôi bắt đầu học cách yên lặng cùng với họ.

Đó là một trong những nguyên nhân vô thức khiến tôi, lên cấp hai, nằng nặc đòi đi học xa cho bằng được. Tôi không muốn thấy những cuộc cãi vã, nổi giận của người lớn và tôi càng không muốn thấy mình vô dụng, bất lực khi việc ấy xảy ra. Những cuộc cãi vã thỉnh thoảng vẫn diễn ra nhưng tôi… bớt đau lòng hơn. Cái gì mắt mình không thấy tim mình sẽ không đau. Tôi ít phải chứng kiến cảnh cha mẹ mình cãi nhau, tim tôi cũng an bình thêm một chút. Tội nghiệp em gái tôi, nó nhỏ hơn tôi ba tuổi và phải chứng kiến thêm rất nhiều lần cãi vã khác mà không có “đồng minh” là tôi bên cạnh. Có lẽ nhờ vào điều này mà em gái tôi trở nên rất mạnh mẽ, cực kì mạnh mẽ, mạnh hơn tôi rất nhiều.

Tôi chuyển xa phố ở trọ trong nhà người bác là anh trai của bố, tình hình không khá hơn là mấy. Hai bác ấy cũng cãi nhau, đánh nhau như cơm bữa, đánh còn “hung” hơn cha mẹ tôi nữa nhưng lúc này tôi thấy bình lặng hơn, không thấy đau đớn gì lý do đơn giản rằng họ không phải cha mẹ tôi. Nhiều lần tôi phải can thiệp khi họ đánh nhau quá hăng và hai chị họ của tôi thì còn quá nhỏ, họ cũng khóc, cũng gào thét và sợ hãi hệt như tôi trước đây vậy. Những trận cãi vã của hai bác theo cách nào đó giúp tôi yên lặng hơn, bình tĩnh hơn rất nhiều khi tôi nhận ra mình chỉ là một người ngoài cuộc, tốt hơn hết cứ luôn là người ngoài cuộc. Nó cho tôi bình an dù cái bình an ấy rất tạm thời. Hệt như cách tôi tìm bình an bằng việc “trốn chạy” khỏi gia đình mình khi còn rất nhỏ vì quá sợ những cuộc nổi giận của người lớn vậy.

6.

Tôi đã trốn chạy như thế nhiều lần trong đời, từ chuyện gia đình cho tới chuyện tình cảm cho tới tận hôm nay. Nó là một trong những vòng lặp luân hồi của cuộc sống mà tôi nhìn ra. Chừng nào bạn còn cố trốn khỏi nó, nó sẽ còn tìm bạn. Chừng nào bạn còn chưa học và vượt qua kì thi của cuộc đời, bài học sẽ lặp lại mãi. Tôi giờ đây không còn trốn chạy cái gì nữa. Tôi giờ đây chấp nhận mọi sứ, đối diện mọi hoàn cảnh xảy đến cho mình. Bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi sẽ chìm sâu vào nó, cố tìm cho ra bài học mà cuộc đời muốn dạy cho tôi.

Bạn tin được không? Tôi phát hiện ra rằng bài học thì chỉ có một thôi nhưng tình huống để học bài học thì nhiều vô kể. Chừng nào ta còn chưa nhận ra thông điệp bài học thì cuộc sống sẽ cứ tạo ra hàng ngàn tình huống cho ta học bài học đó. Những tình huống khác nhau này đều mang cùng bản chất, đó chính là thứ mà tôi gọi là luân hồi. Luân hồi là những sự việc cứ lặp đi lặp lại, hoàn cảnh có thể khác, tình huống có thể khác nhưng bản chất thì không khác, chỉ một và duy nhất một mà thôi.

Luân hồi là những tình huống lặp đi lặp lại để giúp chúng ta nhận ra và nâng cao ý thức, nhận thức của mình. Thế thôi. Tại đỉnh cao nhất của nhận thức này, tôn giáo gọi là Giác Ngộ hay Đạt Đạo, Niết Bàn hay Thiên Đường, nơi không còn đau khổ, không còn bất an nhưng chỉ phúc lạc an yên ngập tràn. Toàn bộ triết lý của hai tôn giáo lớn nhất: Phật giáo và Kito giáo đều chỉ quanh đi quẩn lại về mỗi thông điệp này: con người hãy nâng ý thức, nhận thức của mình lên.

Tôi cũng đã và đang nâng ý thức của mình lên, một cách kiên trì chậm rãi. Đó là lý do tôi có thể vô tư viết ra những lời này hôm nay mà không sợ bị phán xét chút nào. Tôi không có ham muốn “dạy” gì ai cả. Tôi chỉ đơn giản kể lại quá trình nâng cao nhận thức của chính mình, mong rằng nó hữu ích cho ai đó nếu họ cũng đang bị mắc kẹt trong vòng luân hồi bất tận của giận dữ – tham lam – sân si – sợ hãi…

Tôi từng yêu nhiều lần, giận nhiều lần và đau đớn cũng nhiều lần nhưng lần này cái đau là sâu nhất, đậm nhất. Tôi gọi nó là một tình yêu tâm linh vì nó không ngừng ném tôi trở lại với sự đơn độc của chính mình, sự im lặng của tính một mình. Lần đầu tiên trong đời tôi nâng ý thức của mình lên cao đến điểm mà tôi muốn dừng tất cả lại. Không chỉ là dừng bánh xe luân hồi của cơn giận mà dừng cả bánh xe luân hồi của việc yêu – mối quan hệ. Tôi không chỉ muốn dừng cảm giác thất vọng, tôi muốn dừng cả hi vọng. Không chỉ muốn dừng những khoảnh khắc hiểu lầm, đớn đau, tôi còn muốn dừng cả cảm giác vui vẻ hạnh phúc. Bạn sẽ thấy khó hiểu chỗ này, nhưng nó là vậy. Buồn luôn đi kèm với vui, đau khổ luôn đi kèm với hạnh phúc, thất vọng luôn đi kèm với hi vọng, chúng là nhị nguyên như hình với bóng, như đêm với ngày. Bạn không bao giờ có thể chỉ có một trong hai, giống như bạn sẽ không bao giờ có thể mua giày hay găng tay chỉ một chiếc vậy. Chúng là một đôi.

Tôi từng đau khổ nhiều ngày vì không hiểu ra điều đó. Thế rồi tôi đọc được những cuốn sách tâm linh tuyệt vời và phát hiện ra nó là điều hoàn toàn có thể.

Hoá ra có một trạng thái siêu việt lên trên nhị nguyên, trạng thái ấy không thể gọi tên vì ngôn ngữ con người được xây dựng bởi tính nhị nguyên. Tạm gọi trạng thái ấy là “phúc lạc của cái không”. Đây chính là “Cái Không” mà Phật nói đến, chính là “Thượng đế” mà Jesus nói đến. Nó là trạng thái khi người ta bình thản, quan sát mọi sự, chấp nhận mọi sự với một cái nhìn tinh khiết, trong veo. Tôi sẽ không nói nhiều về “Cái Không” này vì hai lý do. Một là tôi cũng chỉ mới đang mò mẫm tới nó. Hai là: có gì để mà nói về cái không?

Bạn hiểu ý tôi chứ? Có những thứ mà người ta không thể nào dùng từ để diễn tả được, không ngôn ngữ nào có thể miêu tả được. Tôi đã trải qua nhiều khoảnh khắc của “Cái Không” này, khi mà bạn như tan biến đi, bạn đang ngay đây nhưng dường như lại chẳng tồn tại chút nào. Tất cả những người yêu đơn phương đều biết cảm giác này, khi tình yêu có đó mà cũng không có đó. Làm sao để diễn tả? Tôi biết cảm giác này nhưng không thể tả lại nó cho bạn được. Cách duy nhất để bạn biết nó là bạn phải trải qua nó.

Bài viết hôm nay về chủ đề Cơn Giận có thể coi như một sự chuẩn bị để bạn có thể trải qua cảm giác “Cái Không” một ngày nào đó. Ít nhất là tôi hi vọng vậy.

7.

Tôi rất thương cô em gái của mình, dù tôi chưa bao giờ nói ra điều đó. Chúng tôi ở cùng nhau khá lâu, cô ấy gíup đỡ tôi rất nhiều từ công việc đến cuộc sống. Tôi nhớ duy nhất ba lần chúng tôi nổi giận thật sự với nhau. Lần đầu tiên khi còn rất nhỏ, nó bự con hơn tôi và tôi luôn thua trong mọi cuộc chiến nhưng một lần duy nhất chúng tôi đánh nhau và tôi …chiến thắng. Khoảnh khắc nhìn nó đau và bật khóc nức nở, tôi cũng khóc theo. Tôi không thấy vinh quang một chút nào mà chỉ toàn thấy hối hận, thấy mình thật tệ hại làm sao.

Lần thứ hai tôi nhớ là vài tháng trước, chúng tôi tranh cãi khi tôi không chấp nhận được cách nó “dạy” cậu nhóc Rio đầy bạo lực, ồn ào. Tôi “chửi” nó cái tội “chửi” Rio quá nhiều mỗi ngày. Nó “chửi” ngược lại tôi. Chúng tôi “đấu nhau” bằng ngôn từ nặng nề. Sau trận cãi nhau này, tôi im lặng rút lên căn phòng mây của mình và tập trung rất nhiều vào công việc. Đó là khoảng thời gian tôi làm việc hiệu quả nhất bởi vì không còn phải phân tán năng lượng đi lung tung. Việc im lặng này giúp tôi rất nhiều. Tôi không còn phải nói chuyện với anh bạn trai vì ảnh giận tôi rồi. Tôi không phải nói chuyện với gia đình tôi vì cũng chẳng có gì để nói. Tôi hạn chế tiếp xúc hàng xóm để khỏi phải nói gì. Cô em gái là người duy nhất tôi còn nói chuyện thì giờ cũng chẳng phải nói nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi khám phá ra một thế giới tuyệt vời của tĩnh lặng, bình an, nhận thức khi mọi người đều… ngậm miệng lại, bất kể vì lý do gì.

Lần thứ ba chúng tôi cãi nhau, cùng chủ đề cũ là tôi không chịu được bạo lực trong không gian sống của mình. Càng im lặng và trân trọng sự an bình nhiều hơn thì tôi lại càng nhạy cảm hơn với tiếng ồn và nhất là những tiếng ồn bạo lực. Tôi không chịu nổi cách thức cô em “dạy dỗ” cậu nhóc Rio bằng những ngôn từ, giọng điệu (mà tôi cho là) quá hung hăng, thậm chí ác độc một cách vô thức. Ví dụ cô ấy bảo “Ai cho mày vứt đồ ăn đi? Bây giờ mày phải ăn cho hết chỗ cơm này. Mày mà không ăn hết là tao lên trường lục lại thùng rác tìm lại chỗ đồ ăn hồi sáng bắt mày ăn cho bằng hết”. Tôi xin lỗi vì phải nhắc lại kỉ niệm buồn này, tôi xin lỗi cô em vì không có ác ý khi nhắc lại nó, tôi xin lỗi Rio vì nó đã phải nghe những lời này nhưng tôi chỉ đang nhắc lại đây, như một lời thỉnh cầu, mong các cha mẹ hãy ý thức hơn trong điều mình nói, điều mình truyền đạt lại cho những đứa trẻ. Chúng không phải là không nên là nạn nhân cho sự vô ý thức và thói bạo lực của bạn.

Bởi vì là một người viết, người nói, diễn thuyết nên tôi cực kì nhạy cảm về lời, về ngôn từ. Tôi cảm nhận lời theo cái cách mà người bình thường không cảm được, đó cũng là lý do những lời nói như vậy khiến tôi đau đớn và chướng tai vô cùng. Tôi bảo cô em của mình là “Không dạy trong bình tĩnh được thì tốt nhất nên im miệng đi”, tất nhiên nó cũng bảo tôi “Không phải việc của mình thì cũng im đi” và thế là tôi im thật. Im một cách tự nguyện và bình an. Lần trước tôi im nhưng cái im ấy còn có sự kìm nén, tôi vẫn ở nhà cố dồn năng lượng cho công việc. Còn lần này không chỉ im, tôi “biến” luôn khỏi căn nhà – nơi mà tôi không còn cảm thấy bình an nữa. Tôi đi lang thang. Tôi trở thành một kẻ lang thang trong suốt cả tháng trời và mới chỉ trở về lại cách đây ít lâu.

8.

Tôi nhìn ra tính luân hồi của toàn bộ sự việc, đó là lý do tôi chọn một cách tiếp cận mới trong hành xử của mình: lần cãi nhau trước tôi bảo nó “biến đi”, lần này tôi tự mình biến đi vậy. Tôi không thích lặp lại bất cứ tình huống nào trong qúa khứ nữa. Đủ rồi. Điều đáng buồn khi bạn nhận ra những hành động vô thức của mình là bạn cũng nhìn thấy sự vô thức trong hành động của mọi người khác nữa. Bạn có thể chủ động thay đổi bản thân nhưng bạn sẽ bất lực trong việc giúp người khác thay đổi chính họ. Tôi bất lực trong việc thay đổi cách suy nghĩ, cách dạy con của cô em gái nên tôi bỏ cuộc thôi. Nó nói đúng, đấy không phải việc của tôi. Nếu ai đó muốn dạy con của họ theo cách bạo hành, tôi là ai mà ý kiến?

Một lần nữa, tôi lại thấy mình bất lực hệt như khi xưa còn bé cố gắng giúp người lớn thôi đánh nhau vậy. Tôi luôn là một kẻ bất lực như thế. Từ khi tôi chấp nhận sự thật này, mọi thứ đến nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi thấy mình chẳng có trách nhiệm gì với ai, dù dạy dỗ hay bảo vệ, dù phản đối hay đồng tình. Tôi ngậm miệng mình lại nhiều hơn, nhiều nhất có thể được. Và lạ kì chưa, từ khi tôi im miệng, Thượng đế bắt đầu nói chuyện với tôi. Tôi gọi đó là Thượng đế nhưng thật ra nó là giọng nói đến từ khắp nơi trong cuộc sống. Bạn cũng có thể gọi nó là giọng nói của trái tim, hoặc của linh hồn. Giọng nói ấy khi thì rõ nét như âm thanh của cơn gió, tiếng rả rích của chú chim nhưng có khi giọng nói ấy chỉ mênh mang đơn thuần như một cảm giác. Cảm giác cũng là một thứ ngôn ngữ, bạn biết chứ? Cảm giác nói với bạn nhiều thông điệp hơn bất cứ ai trên đời. Nếu một ngày bạn hiểu được ngôn ngữ của cảm giác, bạn sẽ hiểu điều tôi nói.

9.

Càng chìm vào im lặng sâu bao nhiêu, tôi càng thấy bình an, thanh thản và yêu đời bấy nhiêu. Sự im lặng ấy giúp tôi khai mở các giác quan của mình, kể cả giác quan thứ sáu là trực giác/linh cảm. Sự im lặng ấy giúp tôi lắng lại, bình tâm lại như một dòng suối bị quấy đục dần dà lắng đọng và trở nên trong hơn. Tâm trí càng trong thêm bao nhiêu thì ý thức và sự tỉnh táo lại càng mạnh thêm bấy nhiêu. Giống như là trong buổi sáng tinh mơ tĩnh lặng, bạn có thể nghe một tiếng chim cất lên từ rất xa, hay trong một buổi tối trời trong, tự dưng bạn ngẩng đầu lên và nhận ra mặt trăng đang dịu dàng toả ánh sáng rạng ngời. Tất cả vẫn luôn ở đó, từ tiếng chim, ánh trăng, ngọn gió, hương thơm của bông hoa… nhưng khi bạn bận rộn, bạn chẳng thấy chẳng cảm nhận được chúng chút nào. Càng nâng nhận thức lên bao nhiêu, bạn càng có khả năng giao tiếp với những món quà của cuộc sống nhiều bấy nhiêu. Đến một điểm bạn thậm chí ghét phải nói chuyện, ghét phải tiếp xúc với xã hội, ghét phải nghe chuyện đãi bôi, ghét cả việc phải trả lời các câu hỏi.

Thật sự, đây là điều xảy ra với tôi. Càng giao tiếp nhiều hơn với thiên nhiên bằng sự im lặng và cảm nhận, tôi càng không muốn giao tiếp với con người. Tôi trở thành một kẻ tự kỉ nhưng theo nghĩa tích cực, nghĩa là thích ở một mình nhưng đầy phúc lạc và bình an.

Tôi không có nhu cầu nói nhiều nữa dù cho bên trong mình vẫn đầy tràn câu chuyện, cảm xúc và trải nghiệm. Viết ra thế này thật là một cách tuyệt vời để vừa trút ra những gì mình thu hoạch, vừa chẳng phải mở miệng chút nào. Tôi thích lắm. Cảm ơn bạn đã đọc tới tận đây. Giờ thì kể một vài sự kiện nho nhỏ vui vui mà tôi gặp gần đây để cho bạn một góc nhìn khác về chuyện giận hờn, hay “nghệ thuật tức giận tích cực” hay “phúc lành của những cuộc giận hờn”. Và cũng để bổ sung ý cho câu bên trên rằng tại sao tôi chán nói chuyện với mọi người, tại sao tôi lại đâm ra yêu thích những cơn giận đến nỗi ước gì (trong một khoảnh khắc) tất cả mọi người trên thế giới đều giận nhau. Hâha.

10.

Hôm rồi, hiếm hoi lắm mới có lần tôi về thăm nhà, một cô bạn của mẹ trông thấy tôi liền hỏi:
– Khi nào cháu lấy chồng?
Tôi mỉm cười hỏi lại:
– Thế khi nào cô li dị chồng?
– Tại sao cô phải li dị chồng?
– Thế tại sao cháu phải lấy chồng?
Từ ấy không thấy cô ấy hỏi thêm tôi câu nào nữa.

Tôi nhớ lần trước nữa khi tôi về thăm nhà, đợt ấy là tiệc sinh nhật bố tôi và có mời cả cô chú tới. Nhưng hôm ấy tôi không gặp cô mà gặp chú, chồng của cô. Mọi người kể với nhau và tôi biết được rằng cô chú đang giận nhau ghê lắm, đến nỗi nhiều tháng rồi mà không ai nói với ai lời nào. Mọi người ai cũng khuyên chú nên bỏ qua mà làm lành vì già cả rồi, đâu sống được bao lâu nữa. Chú nhất định không nghe. Họ bảo chú “ương”.

Gặp chú lúc đang chuẩn bị dọn tiệc, tôi bảo chú: “Chú đúng đấy. Cứ giận đi chú ạ. Mình còn trẻ thì còn thời gian mà làm lành rồi lại cãi rồi lại làm lành, chứ giờ già rồi, không còn thời gian mà cãi vã rồi lại làm lành nữa đâu. Cứ giận tới khi nào hết giận thì thôi, đừng làm lành chỉ vì mọi người khuyên bảo thế. Họ đâu phải mình mà nói đừng giận là hết giận được. Chú không nghe ai khuyên là đúng đấy. Tốt hơn cả là người ta không nên làm lành trong khi vẫn đang còn giận sôi lên, ấy là đạo đức giả, chẳng giúp được gì. Cái năng lượng giận ấy kể cả khi được kìm xuống, ủ lại nhưng vì nó chưa biến mất nên nhất định sẽ lại trồi lên ngay thôi. Cho nên chú cứ giận đi. Giận tới chết luôn cũng được vì nếu chú mà chết trong giận, thì chú phải chịu chứ ai đâu. Nhưng đừng làm lành khi mà còn giận chú ạ. Già rồi!”

Lần đầu tiên có người nói với chú như vậy, chú reo lên: “Con này nói hay. Chú khoái mày rồi đấy. Mày nói đúng. Làm lành làm đếch gì nếu mình biết rồi sẽ lại giận nhau lại ngay. Lần nào cũng vậy. Lần này không làm lành nữa.”

Chúng tôi cười oà.

Bạn có thể nghĩ tôi điên. Bạn không cần nghĩ đâu vì tôi điên thật mà.

Từ khi nhìn ra *tính tâm linh* bên trong những cuộc giận hờn, tôi yêu chúng lắm. Những cuộc giận, cãi vã là cách chúng ta ném ra ngoài năng lượng xấu mà chúng ta đã tích lại và sau khi ném đi rồi chúng ta thấy một chút bình an hơn, tính táo hơn, mềm mại hơn, khiêm tốn hơn, thinh lặng hơn. Ta thấy biết lỗi hơn. Bạn có nhìn thấy không? Đây là sự im lặng rất quý giá, một cơ hội vàng cho chúng ta đi vào bên trong, soi vào chính mình.

Tại sao người ta lại thấy biết lỗi sau khi cơn giận qua đi? Bởi vì lúc này ý thức của bạn mới hoạt động lại, sự im lặng khiến cho tâm trí lắng xuống, người ta trở nên “trong trẻo” hơn để nhìn ra cái lỗi của mình, thay vì chỉ nhìn thấy lỗi của người kia trong khi cơn giận đang phun trào như núi lửa.

Đối với tôi, bất cứ khoảnh khắc nào mà người ta trở nên ý thức hơn, nhận thức hơn về bản thân mình, bản ngã của mình, luân hồi của đời mình – ấy đều là khoảnh khắc đáng giá, bất kể nó xảy đến thông qua cơn giận hay tình yêu.

Nếu tình yêu khiến cho người ta trở nên mất đi ý thức lẫn nhận thức, thì nó không tốt cho bằng một cơn giận, tất nhiên trong điều kiện cơn giận phải làm cho người ta nâng cao được ý thức của mình lên và duy trì được tình trạng này lâu một chút. (Chứ ý thức chỉ một khoảnh khắc rồi lại quên béng đi ngay thì… vô dụng quá, thì bạn còn phải đau dài dài.)

Một giây phút tới khi sự im lặng tiêu cực biến thành cái im lặng tích cực, bạn được chuyển hoá. Sự giận dữ trong im lặng có thể được chuyển hoá thành từ bi, nếu bạn có thể nhận ra và trân trọng nó. Nên không phải khi nào cãi vã cũng xấu đâu. Nó là xấu nếu bạn dùng nó để nuôi dưỡng cái tôi, bản ngã. Nó là tốt nếu bạn biết cách dùng nó để nuôi dưỡng sự tỉnh táo, ý thức. Càng ý thức bao nhiêu, người ta càng vô-bản-ngã bấy nhiêu.

Một hôm khác tôi gặp cô hàng xóm, người từng rất thân với chúng tôi nhưng giờ cô giận không thèm nói chuyện nữa vì một hiểu lầm gì đó với em gái tôi.
Hôm ấy cô giải thích cho tôi lý do cô giận.

Tôi bảo: “Vâng, cô cứ giận đi, giận bao nhiêu tuỳ thích. Con chẳng phản đối gì, thậm chí còn ủng hộ nữa. Tốt nhất là cả xóm này giận nhau hết đi, đừng ai nói với ai một câu nào nữa hết là tuyệt vời nhất cô ạ.”
Tất nhiên cô ấy sửng sốt và nói: “Ơ tại sao lại thế?”
Tôi bảo: “Nếu mọi người giận nhau hết thì xóm này sẽ rất tuyệt. Rất im lặng và bình an. Con sẽ nghe được tiếng nhạc rõ hơn, nghe tiếng gió thổi nhiều hơn và nhất là con có thể nghe thấy tiếng chim hót vang từ sáng đến khuya. Thay vì toàn phải nghe những tiếng chào hỏi qua lại rồi tiếng buôn chuyện, tiếng la hét lẫn nhau trong mỗi nhà, suốt cả ngày. Xóm thì nhỏ thế, một nhà nói là cả xóm nghe. Con đã phải im miệng mình lại để được nghe tiếng thiên nhiên nhiều hơn, vậy mà vẫn cứ phải nghe thiên hạ nói với nhau cả ngày không sót một chuyện gì. Mệt ơi là mệt.
Nên cô ạ, quả thực nếu mọi người có thể giận nhau đến mức không ai thèm nói với ai câu nào, chỉ yên tĩnh và bình yên còn lại. Con sẽ biết ơn lắm.”

11.

Để kết thúc bài viết này, xin kể một câu chuyện có thật mà theo tôi là rất đáng yêu, bạn có thấy nó đáng yêu không, ấy là quyền của bạn.

Đối diện nhà tôi là một gia đình hàng xóm có ba thế hệ sống cùng nhau và số trẻ con trong nhà ấy, tôi thậm chí không nhớ mà cũng không muốn nhớ nữa. Trong số ấy có đứa trẻ lớn nhất bằng tuổi Rio, hai đứa hay chơi chung cùng nhau rất vui vẻ và cũng thường xuyên giận nhau, gần như mỗi ngày đều chơi và đều giận. Hôm rồi hai đứa đang chơi chung, chúng bảo với nhau là “hai chúng mình sẽ làm bạn với nhau trọn đời, chơi thân với nhau trọn đời luôn nhé” và cười vang thích thú. Thế rồi chưa đầy năm phút sau đã lại giận nhau sưng mặt, lại tuyên bố không chơi chung nữa và quyết định sẽ giận nhau… suốt đời.

Cái hay là ở chỗ này. Khi thấy hai đứa cãi nhau om sòm, tôi bảo chúng: “Không chơi với nhau nữa thì nói chuyện với nhau làm gì, cãi nhau làm gì cho ồn ào. Sao không im luôn cho nhanh?”

Thế là tôi trở lại với công việc, một lúc thật lâu sau ngó ra, hai đứa vẫn đang cãi nhau nhưng lần này không phải chửi nhau nữa mà là: “bạn im trước đi” “sao bạn không im trước đi” “bạn đi mà im trước” “có bạn đi mà im trước” “bạn im trước đi” “bạn im trước đi”…

Trời ơi cả chục phút vẫn không quyết định được ai sẽ im trước, đúng là trẻ con, đáng yêu gì đâu. Mà trẻ con thì bạn biết rồi, chúng sẵn sàng “tay đôi” như thế cả ngày, chẳng đứa nào ngán đứa nào cả.

Giây phút ấy chẳng hiểu sao tôi lại bực mình, tôi bảo cả hai im đi và chúng im thật. Giờ nghĩ lại tự dưng thấy có lỗi ghê. Tôi không nên bảo chúng im đi mới phải. Thế rồi tự dưng nghĩ nếu người lớn mà cũng cãi nhau như vậy được thì vui nhờ. Kiểu như: “Cô im đi” “Anh cũng im đi” “Cô im trước đi rồi tôi im” “Anh đi mà im trước rồi tôi im” “Không, cô im trước cơ” “Không, anh đi mà im trước” “Cô có tin tôi khoá miệng cô lại bằng một nụ hôn nồng cháy không?” “Tôi thách anh đấy” và thế là… họ nhào đến ôm hôn nhau và cả hai cùng im miệng…

Thôi tôi lại im đây!

Phi Tuyết, 25/01/2020

Namaste!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *