Nghệ thuật sống thông mình: Bẻ vụn giấc mơ
Đời quá ngắn để mà mơ quá lớn
Có hai người: một người có giấc mơ thật lớn và chẳng bao giờ hoàn thành được nó vì lý do đơn giản: nó lớn quá. Người còn lại không có giấc mơ lớn nào nhưng có rất nhiều những ước mơ nho nhỏ (khi ước mơ nhỏ nó dễ dàng được chuyển thành mục tiêu) và rồi hoàn thành mọi ước mơ nho nhỏ của mình. Bạn cho rằng cuộc đời nào đáng giá hơn?
Ngay từ đầu so sánh đã là sai, mọi phép so sánh đều sai cho nên câu hỏi bên trên cũng sai. Nghệ thuật sống là ở chỗ làm sao để đặt được câu hỏi đúng cho cuộc đời bạn. Vậy thử đặt lại một câu hỏi khác: Bạn muốn sống một cuộc đời như thế nào: Mơ thật lớn và mất hút cuộc sống thực trong giấc mơ ấy, hay cứ mơ nhỏ nhỏ thôi và tìm cách hoàn thành tất cả những giấc mơ nho nhỏ ấy?
Câu trả lời là của bạn. Quyết định là của bạn.
Trong quá khứ, dưới ảnh hưởng của quyền lực đế vương, người mơ lớn có lẽ là những người có giấc mộng bá chủ thiên hạ: Phương Đông có Tần Thuỷ Hoàng, Phương Tây có Napoleon, Hitler… toàn những người gây đại hoạ cho thế giới.
Thời hiện tại, dưới ảnh hưởng của Chủ nghĩa tiêu dùng, người mơ lớn là những người có giấc mộng “chiếm lĩnh thị trường thế giới” dù cho bất kì lĩnh vực nào: công nghệ, thực phẩm, thời trang, y tế, giáo dục, giải trí thậm chí nếu bạn là chủ một hãng giấy vệ sinh bạn sẽ có ước mơ được thấy giấy của bạn trong mọi toilet trên thế giới. Và tất nhiên bạn sẽ ghét những quốc gia có ý định xài vòi xịt thay cho giấy lắm chứ.
Nhìn ở góc độ kinh doanh, lợi nhuận điều này tốt nhưng nếu bạn nhìn rộng ra cái nhìn toàn thể bạn sẽ thấy những tập đoàn lớn nhất thế giới cũng chính là những tập đoàn đang phá huỷ trái đất này nhiều nhất, khai thác nhiều tài nguyên nhất, xả rác nhiều nhất, thải độc nhiều nhất dù cho tất nhiên dưới bức màn truyền thông mọi thứ thật đẹp kiểu như sứ mệnh tập đoàn chúng tôi là cứu thế giới này, đưa thế giới lên tầm cao mới vân vân mây mây.
Ví dụ đơn giản, nhìn vào tập đoàn Mosanto và giấc mộng bá chủ hạt giống biến đổi gen của họ thì rõ. Một lần nữa, mơ lớn không phải khi nào cũng tốt và mang lại lợi ích bền vững cho nhân loại.
Bên cạnh những giấc mơ lớn về lợi nhuận, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường cũng có những giấc mơ lớn mà tên nghe có vẻ “xinh xinh” khác: giấc mơ giải phóng nữ quyền toàn thế giới, giấc mơ giải cứu toàn bộ động vật trên trái đất khỏi bạo hành; giấc mơ chinh phục vũ trụ… Những giấc mơ này lợi hay hại không dám bàn tới đây nhưng dường như ta có thể nhìn thấy một sự thật khá hiển nhiên rằng kích cỡ của giấc mơ càng lớn bao nhiêu thì số lượng công việc cho nó cũng lớn bấy nhiêu, và nếu như nó có khả năng mang lại lợi ích bao nhiêu thì nó dường như cũng có khả năng gây hại nhiều bấy nhiêu. Chỉ là vấn đề bạn có thấy cái hại của nó hay không mà thôi. Ước mơ càng lớn người ta càng mù trong khả năng nhìn thấy cái hại của nó.
Cân bằng là một quy luật của vũ trụ và giấc mơ cũng không ngoại lệ. Hãy nhìn lại giấc mơ của bạn. Thông thường người ta chỉ nhìn vào mặt được của giấc mơ mà ít nhìn vào mặt mất. Sự kiện quên mặt mất của giấc mơ là lý do khiến rất nhiều người khi đạt được giấc mơ của họ đều không còn cảm thấy mãn nguyện hay hạnh phúc nữa, vì họ nhận ra họ cũng đã mất quá nhiều.
Tôi cũng từng có rất nhiều ước mơ lớn, từ cấp độ xóm làng cho tới cấp độ quốc gia và tới cả cấp độ quốc tế nữa. Vì khi còn trẻ, tôi cũng như bạn, cũng rất thích những câu nói “Giấc mơ là miễn phí, tại sao không mơ lớn?” hay “cuộc đời là vô nghĩa nếu nó không có ước mơ”. Tất nhiên tôi cũng đọc rất nhiều những cuốn sách về “tư duy lớn”, “dám nghĩ lớn” của các quý ngài Phương Tây nữa.
Thế rồi thời gian và thực tế quả thực là phương thuốc thần, nó tát người ta những cú thật mạnh khiến họ phải thức tỉnh khỏi những giấc mơ.
Khi lớn hơn một chút tôi học cách quan sát nhiều hơn thay vì chỉ nhìn, suy ngẫm nhiều hơn thay vì chỉ đọc, hành động nhiều hơn thay vì chỉ nói, thức nhiều hơn thay vì chỉ nằm và mơ, khi ấy tôi bắt đầu bỏ qua những lời khuyên “mơ lớn” này hay nói đúng hơn là tôi tìm cách bẻ nhỏ, bẻ nát, bẻ vụn những giấc mơ lớn của mình ra đến nỗi nó không còn hình dạng của giấc mơ ban đầu nữa. Và kì lạ làm sao, khi không còn mơ lớn, tôi cũng không còn bị nó “nô lệ hoá” và “chiếm lĩnh hoá” nữa. Tôi cứ thế làm những điều nhỏ nhỏ trong tầm tay, làm những gì mình thích mà chẳng còn nghĩ nó là giấc mơ chút nào. Nói đúng hơn, khi giấc mơ tôi bị bẻ nát, nó trở thành thực tế, thành một thực tại mới.
Những mảnh mơ nhỏ bé bị bẻ vụn ấy cứ dần dà được hoàn thành từng chút từng chút một và đời tôi trở nên chưa bao giờ thành công lẫn mãn nguyện đến thế. Thậm chí hơn cả những gì tôi từng mơ.
Và đây là bí mật của tôi:
Không cần mơ, nếu bạn đủ tỉnh.
Còn không, hãy bẻ vụn giấc mơ ra.
Vì đời này quá ngắn để mà mơ quá lớn.
Đừng để giấc mơ lớn lấy cắp cuộc đời của bạn.
Đừng đánh đổi cả đời chỉ để đạt ước mơ vì khi bạn đạt nó chăng nữa, nó cũng chỉ là mơ.
Thức dậy đi, và giấc mơ của bạn có lớn bao nhiêu hay đẹp thế nào cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Đời này quá ngắn để mà mơ mộng mãi và cuộc đời cũng quá đẹp, đừng lãng phí nó trong những giấc mơ. Mơ càng lớn thì đời bạn sẽ càng bị co quéo lại, rút ngắn lại, ngắn mãi. Mơ càng to thì khả năng thoát ra khỏi nó để sống cuộc đời thực càng khó khăn. Mơ càng sâu thì càng dễ lạc vào vùng limbo mãi mãi (như phim Inception)
Đừng hiểu lầm. Tôi không phản đối mơ. Nếu như bạn luôn có một giấc mơ lớn cứ âm ỉ trong tâm trí và trái tim bạn. Điều đó là rất tốt. Hãy sống và thực hiện ước mơ đó. Nếu nó là giấc mơ của trái tim thì nó sẽ cho bạn năng lượng để bùng cháy sống động mỗi ngày. Điều ấy là tốt, rất đáng khuyến khích.
Nhưng nếu như bạn chẳng có một giấc mơ lớn nào hay chẳng hứng thú việc mơ, thế thì cũng không việc gì phải cảm thấy mặc cảm hay thở dài, hay cố “đua đòi” một giấc mơ lớn chỉ để cho bằng bạn bằng bè, hoặc cho vừa với tư duy của xã hội.
Quên hết về mơ lớn đi, đừng để Giấc mơ lớn đánh cắp cuộc sống quý giá của bạn bằng những thông điệp nghe có-lý-nhưng-chẳng-hề-thuyết-phục: “Cuộc sống chỉ quý giá khi nó có một ước mơ thật lớn”. Cứ như thể ước mơ là tiêu chuẩn để đánh giá giá trị cuộc đời một con người, thật ngớ ngẩn.
Rất nhiều người trên đời có giấc mơ lớn nhưng tại sao chẳng mấy ai dám tuyên bố “Giấc mơ lớn của tôi đã thành sự thật”? Vì lý do đơn giản: khi người ta mơ quá lớn và quá bận rộn sống trong mơ thế thì người ta sẽ bị mắc kẹt luôn trong ấy. Hệt như bộ phim Inception – Kẻ đánh cắp giấc mơ – khi người mơ bị lạc trong giấc mơ của mình mãi mãi. Họ tin mơ mới là cuộc sống thật và cuộc sống thực đối với họ chỉ là mơ, không quan trọng tẹo nào.
Rất nhiều người mơ và cũng rất nhiều lạc trong những giấc mơ để rồi quên cả việc thức dậy. Giấc mơ lớn là rất có hại, càng lớn càng có hại. Vì nếu giấc mơ của bạn nhỏ như cái ao thì bạn còn có cơ hội bò ra khỏi nó nhưng nếu giấc mơ lớn cỡ đại dương thì bạn sẽ dễ dàng bị chìm sâu vào nó. Không lối thoát.
Bạn có thể sống với một ước mơ, nhưng đừng chết trong ước mơ ấy!
Cuộc đời này quá ngắn để mà mơ quá lớn.
Cũng như cuộc đời quá ngắn để mà nghe mãi những lý thuyết rỗng tuếch, để tôi cho bạn những minh chứng cụ thể:
Mà thôi, có lẽ lần sau, nếu bạn vẫn còn hứng thú biết thêm về “Triết Học Ngọt Ngào” của tôi dành cho Nghệ thuật Mơ.
Xin cảm ơn bạn đã đọc bài!
-Phi, Sweet Philosophy-