Câu chuyện mối quan hệ của chiêm tinh với khoa học, luân hồi và số phận
Nhờ nghiên cứu chiêm tinh mà người ta hiểu được rằng Thượng đế không phải là người nắm quyền kiểm soát hành động của ta. Nhưng mặt khác cũng có thể coi Thượng Đế tồn tại như một “bộ luật trời” được thi hành một cách tự động và đầy uy lực áp dụng cho tất cả mọi người. Bất kể người đó có tin vào nó hay không. Nói cách khác, chúng ta lãnh nhận tất cả hậu quả từ hành động của chính mình. Ta phải gánh chịu những gì ta đã tạo ra chứ không phải ai khác cả. Luật nhân quả là một trong những luật cơ bản của “Thượng Đế”. Điều này cũng có nghĩa bạn sẽ không thể hiểu Chiêm tinh học nếu không tin luật luân hồi, tức là tin rằng con người được sinh ra, chết đi và lại được tái sinh nhiều lần nữa.
Khi qua đời thân thể là phần vật chất bị tan rã đi nhưng phần tinh thần là dục vọng, ý chí, suy nghĩ tồn tại dưới dạng năng lượng thì vẫn còn nguyên cho đến khi một người được tái sinh vào một kiếp sống mới, chính những năng lượng này sẽ tạo thành cá tính cho người ấy ở kiếp sau. Mọi hành động của chúng ta đều sinh ra những năng lượng xấu tốt tương ứng. Năng lượng này sẽ được các hành tinh trong vũ trụ lưu giữ như một “ngân hàng năng lượng” và chờ đợi thời cơ thích hợp để trả lại cho chính chúng ta. Ngân hàng năng lượng của vũ trụ rất an toàn và công minh. Bạn gửi gì bạn sẽ nhận lại ấy, không bao giờ có chuyện sai sót hay nhầm lẫn gì cả. Bạn gieo những nhân xấu trong quá khứ thì một ngày bạn sẽ nhận lại những hoa quả tương ứng, đó là điều tất nhiên. Dù cho đôi khi hoa quả của từng hành động sẽ xảy đến trễ hơn một chút nhưng không có nghĩa là nó sẽ không đến. Giống như khi bạn ném một hòn đá lên không trung, trước sau gì nó cũng rơi xuống vì trọng lượng và ảnh hưởng của sức hút trái đất nhưng mất bao lâu để nó rơi xuống thì còn tuỳ sức ném của bạn như thế nào nữa.
Để cho dễ hiểu hãy hình dung: Nếu kiếp trước bạn làm một hành động xấu thì năng lượng xấu sẽ được sinh ra và gửi vào vũ trụ sau đó được lưu giữ bởi một ngôi sao trong vũ trụ ấy, mãi mãi. Luật về năng lượng nói rằng năng lượng không bao giờ biến mất mà chỉ biến đổi và sự biến đổi cũng tuân theo quy luật nhất định, như là quy luật về phản lực. Mọi lực sinh ra sẽ tạo ra một phản lực tương đương theo hướng ngược lại. Ngôi sao mang năng lượng xấu của bạn dịch chuyển trên bầu trời theo quỹ đạo của nó và sẽ trở lại (vào một ngày nào đó trong tương lai) để trả cho bạn năng lượng xấu ấy. Đó gọi là nghiệp quả. Bạn chỉ nhận lại những năng lượng bạn đã gửi vào vũ trụ từ trước đó và các hành tinh đóng vai trò là người chịu trách nhiệm lưu giữ, vận chuyển và trả lại năng lượng ấy cho bạn. Ngược lại nếu bạn có thể làm nhiều việc tốt thì các việc tốt ấy sẽ sinh ra năng lượng tốt và được lưu giữ trong các hành tinh chờ trả lại cho bạn. Đôi khi lực tốt đủ lớn có thể được xem như phản lực cân bằng với lực xấu trước đây bạn tạo ra và chúng diệt sẽ trừ lẫn nhau, mà Phật giáo gọi đó là trả hết nghiệp quả. Khi trả hết nghiệp quả tức vũ trụ không còn giữ chút nào năng lượng xấu của bạn thì lúc ấy bạn sẽ sống trong bình an, thanh thản. Và khi bạn sống trong bình an, thanh thản, tự do, hạnh phúc, yêu thương thì chính bản thân bạn sẽ trở thành một nguồn năng lượng tốt đẹp cho trái đất, giúp vận hành trái đất và hướng dẫn đồng loại đi theo. Ấy là những gì mà Phật Thích Ca hay Chúa Jesus đã thực hiện.
Tổng hợp các năng lượng mà bạn đã tạo ra và gửi vào vũ trụ trong muôn vàn kiếp sống sẽ tạo nên định mệnh và số phận của bạn sau này. Năng lượng vũ trụ luôn tuân theo và vận hành theo những quy luật nhất định của tự nhiên, hay tôn giáo gọi là luật của Thượng Đế. Những luật ấy ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng cá nhân và tập thể, vì dù là cá nhân hay tập thể thì ý thức đều là năng lượng và bị tác động bởi năng lượng. Lão Tử được biết đến là một bậc giác ngộ đã phát hiện những luật ấy và không ngừng nói về nó: Thuận theo tự nhiên. Bên cạnh đó rất nhiều luật vũ trụ khác cũng được biết đến và nghiên cứu như luật nhân quả, luật nhất thể, luật nhị nguyên, luật bù trừ, luật rung động, luật sáng tạo, luật tương đối…
Hiểu về luật và vận hành theo quy luật là cách để con người sống cuộc sống thuận lợi, dễ dàng.
Nói như thế không có nghĩa cuộc đời mỗi người đều đã được định đoạt mà không thể thay đổi. Con người có thể thay đổi số phận của mình nếu hiểu những luật của tự nhiên và có ý thức thi hành cũng như vận dụng các luật ấy.
Ví dụ luật nhất thể nói rằng: Vạn vật trong vũ trụ có cùng nguồn gốc và tất cả chỉ là cùng một thứ – thứ ấy chính là năng lượng. Bạn tạo ra năng lượng tốt thì bạn sẽ được sống trong môi trường năng lượng tốt và người khác cũng được ảnh hưởng. Ngược lại bạn tạo ra năng lượng xấu thì sớm muộn năng lượng ấy cũng trở lại với bạn và đôi khi bạn cũng chịu ảnh hưởng bởi năng lượng xấu của người khác nữa. Hiểu điều này để bạn đối xử với mọi người như chính mình, như anh em của mình – ấy là điều mọi tôn giáo đều ngụ ý tới, rằng: Mọi người đều là anh em, đều là một, hãy đối xử với người khác như cách bản thân muốn được đối xử.
Có câu chuyện về một làng kia sống rất hòa thuận với nhau, ở giữa làng người ta đặt một cái chum, vào mỗi kỳ lễ mọi người sẽ mang rượu của nhà mình đổ vào chum ấy để cùng nhau uống mừng. Năm nào rượu cũng rất ngon vì mọi người trong làng đều sống rất trách nhiệm và ý thức. Một ngày kia có cuộc xích mích xảy ra gây chia rẽ dân làng sâu sắc, mọi người không còn tôn trọng và yêu thương nhau nữa mà ai nấy đều ghét bỏ, hằn học, ghen tị lẫn nhau. Ngày hội làng đến, như thường lệ mọi người mang rượu để đổ vào chum cùng thưởng thức. Ai cũng mang theo một vò lớn. Nhưng giây phút rượu được rót ra thì ai cũng ngỡ ngàng vì trong chum không phải rượu mà chỉ toàn nước lã. Tất cả dân làng đều chỉ mang nước lã để đổ vào chum rượu vì nghĩ chắc không ai biết được đâu. Và họ nhìn nhau trong bẽ bàng, xấu hổ.
Vũ trụ này cũng thế, tất cả chúng ta đều sống chung trong một môi trường mà môi trường ấy chính là năng lượng tổng hòa sinh ra và tạo thành bởi mọi loài sinh vật. Bạn sống tốt, bạn gửi năng lượng tốt vào “cái bình” vũ trụ và chính “cái bình” vũ trụ ấy sẽ rót trở lại cho bạn thứ năng lượng tốt lành bạn đã tạo ra. Bởi vậy, nếu như nhiều người cùng sống tốt thì trái đất cũng nhờ đó được ngập trong bầu năng lượng tốt lành.
Theo bộ sách tâm linh nổi tiếng ‘Đối thoại với Thượng Đế’ của Neale Donald Walsch thì đây chính là một trong những mục đích của các buổi lễ thuộc mọi tôn giáo. Nó là dịp để những người có cùng niềm tin tập hợp nhau lại bày tỏ lòng thành kính. Năng lượng từ đám đông gồm nhiều tín đồ này sẽ được khuếch tán khi tất cả cùng nhau nghĩ về một hướng. Nếu năng lượng ấy đủ thành tâm và lớn mạnh thì sẽ góp phần tạo thành thực tại mới, ấy cũng chính là khi lời cầu nguyện được cho là linh ứng. Tuy nhiên đôi khi có những cá nhân với niềm tin mạnh mẽ và lòng khao khát lớn lao còn hơn cả đám đông. Đó chính là những người được cho là có thể làm phép màu hoặc biến điều ước thành hiện thực.
Đừng nghĩ đây là chuyện viển vông xa lạ vì nó rất thực tế và đang xảy ra xung quanh chúng ta. Ví dụ nếu như Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp mặt các quốc gia lại để tìm cách giải quyết một vấn đề chung của thế giới như sự biến mất của những khu rừng. Giả như mọi quốc gia tham gia cuộc họp đều cam kết sẽ làm hết sức mình để trồng thật nhiều cây có thể và giả như một lần nữa họ làm đúng như vậy thật. Thế thì chẳng bao lâu sau trái đất sẽ lại chìm trong màu xanh đẹp đẽ của những rừng cây tươi tốt. Lúc này chẳng phải một mong ước của nhân loại đã thành hiện thực rồi sao? Mặt khác nếu như Liên Hiệp Quốc tổ chức cuộc họp nhưng các quốc gia không thật sự hào hứng và trách nhiệm với việc tái tạo rừng, nhưng một cá nhân nào đó trong cuộc họp với mong muốn vô cùng mạnh mẽ trong việc trồng rừng có thể tự mình khởi tạo một phong trào hay một dự án trồng cây mà có thể lan rộng tinh thần ấy ra khắp thế giới. Thế thì lúc này cá nhân ấy cũng được coi như đã biến điều ước thành hiện thực. Cá nhân ấy đã làm được điều mà cả Liên Hiệp Quốc cũng đã chịu thua đó sao? Tất nhiên với điều kiện niềm tin và khao khát của cá nhân này phải rất mạnh, đủ để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn thử thách trong quá trình thực hiện dự án ấy.
Đấy là một ví dụ nhỏ cho bạn thấy về sức mạnh của niềm tin và lòng khao khát có thể tạo ra những thực tại khác cho chúng ta hoặc cho cả thế giới như thế nào. Chuyện điều ước hay điều nguyện cầu có thể trở thành hiện thực không còn là chuyện cổ tích cho trẻ con nữa. Ngày nay nó là cơ hội cho tất cả mọi người tự tạo ra cổ tích cho riêng mình. Tất nhiên với điều kiện là bạn phải tin vào điều đó.
Bạn có nhớ câu nói nổi tiếng trong cuốn Nhà giả kim1 của Paulo Coelho: “Chỉ cần ngươi thật tâm mong muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ giúp ngươi làm điều ấy”. Đây không phải một lời nói đùa hay một câu huyễn hoặc như nhiều người vẫn tưởng. Nó có bằng chứng khoa học hẳn hoi. Khoa học ngày nay đã đưa ra kết luận rằng: Mọi vật chất trong vũ trụ đều được tạo ra bởi các nguyên tử giống nhau mà mật độ, sự sắp xếp của các nguyên tử này khác nhau sẽ sinh ra các vật chất khác nhau theo quy luật lượng – chất. Lượng đổi thì chất sẽ đổi tương ứng. Người nắm giữ được quy luật và cách vận hành của năng lượng sẽ có thể tạo ra những vật chất khác nhau tương ứng. Đây chính là cách Chúa Jesus làm những phép lạ ngày xưa: Ngài đã hiểu và biết cách vận hành năng lượng theo ý mình, không chỉ thế Ngài đã truyền dạy nguyên lý về phép màu cho mọi người rằng “Chỉ cần có niềm tin, anh sẽ làm được” có nghĩa là khi niềm tin của bạn đủ lớn, rất lớn, nó sẽ sinh ra một thứ năng lượng lớn tương ứng và khi năng lượng này đủ độ lớn cần thiết thì sẽ tạo thành vật chất dưới dạng nhìn thấy được, cảm nhận được.
Cũng theo cuốn Hành trình về Phương Đông thì ngày nay rất nhiều người có khả năng điều khiển năng lượng để tạo ra các “phép màu” như Đức Jesus ngày xưa, chỉ có điều họ sống ẩn dật tu tâm không có nhu cầu thể hiện điều đó, làm cho nhân loại dần xếp các phép màu vào chuyện cổ tích, cũng như cách khoa học xếp chiêm tinh thành bộ môn của lừa đảo, mê tín dị đoan.
Tôi thừa nhận có rất nhiều hủ tục và mê tín dị đoan trên thế giới nhưng tôi không đồng ý cách khoa học xếp những điều không thể giải thích vào nhóm mê tín dị đoan. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện vui về màn đối đáp giữa anh sinh viên và giáo sư trên một giảng đường đại học. Vị giáo sư nói:
– Anh cho rằng mình có linh hồn, vậy anh có nhìn thấy nó không? Có nghe được nó không? Có sờ được nó không? Có cảm nhận được nó không? Không có một cách nào để chứng minh linh hồn có tồn tại, vậy tại sao anh tin mình có linh hồn?
Anh sinh viên đáp:
– Vậy thầy lấy gì để chứng minh rằng thầy có bộ não? Vì thầy không thấy nó, không nghe, không sờ, không cảm nhận được nó. Làm sao thầy biết mình có não?
Thật là một câu chuyện hay, một màn đối đáp hay. Tất nhiên vị giáo sư có thể nói: “Mổ đầu một người ra là anh sẽ thấy não, nhưng mổ một cơ thể ra thì anh vẫn không tìm thấy được linh hồn?” Vị giáo sư nói đúng nhưng tôi muốn thay anh sinh viên tiếp tục trả lời câu hỏi ấy của ông ta vì cho tới lúc này đây chỉ là một câu chuyện trong trí tưởng tượng của tôi: “Một hạt mầm nhỏ có thể mọc thành cây và sinh ra những bông hoa, những bông hoa ấy sẽ tỏa ra một mùi hương tuyệt vời. Vậy thầy có thể tìm thấy bông hoa không? Có thể ngửi thấy hương thơm của nó không nếu như thầy không đem trồng hạt mầm ấy mà lại đem nó vào phòng thí nghiệm để mổ xẻ? Việc chứng minh một thứ tồn tại hay không thuộc về cách thức và cách thức của khoa học không phải là duy nhất. Giống như bộ não có thể cho phép chúng ta tưởng tượng nhiều thứ, chứa rất nhiều ý tưởng nhưng khi mổ bộ não ra thầy chỉ thấy não và máu, không có ý tưởng, không có hình ảnh xinh đẹp nào trong đó cả. Vậy làm cách nào để chứng minh?”
Đó cũng là lý do tại sao tôi thích khoa học và cảm ơn khoa học về những bước tiến nó mang lại nhưng lại không hoàn toàn đồng ý với nó trên nhiều phương diện và cách thức. Như cách mổ hạt mầm để đòi tìm bông hoa vậy, người ta không thể mổ cơ thể để mong tìm thấy linh hồn nhưng chắc chắn sẽ có những cách khác để nhận biết linh hồn có tồn tại, và nhiều nhà khoa học xưa nay vẫn đang cố tìm cách chứng minh điều đó. Tin vui là ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học công bố rằng linh hồn có tồn tại. Nghĩa là khoảng cách giữa khoa học và công giáo ngày càng gần hơn.
Bằng kiến thức tự học hỏi tôi biết được một lời giải thích khác cho linh hồn: Linh hồn là một khối năng lượng được tạo ra bởi một cá thể trong nhiều kiếp. Vì năng lượng không tự nhiên mất đi nên linh hồn là vĩnh cửu, nhưng nó có thể bị tác động và thay đổi khi được thêm vào những năng lượng mới tốt hay xấu. Mọi linh hồn đều có chung một nguồn gốc là một nguồn năng lượng từ ban đầu (hay từ Thượng Đế theo cách gọi trong tôn giáo) cho nên tất cả đều là anh em, tất cả đều là một – đây chính là luật nhất nguyên được nhắc đến nhiều trong các bài viết về quy luật vũ trụ.
Cũng bằng cách giải thích ấy mà ta có thể trả lời cho câu hỏi: Ý thức có trước hay vật chất có trước? Ý thức quyết định vật chất hay vật chất quyết định ý thức? Theo tôi, ý thức lẫn vật chất đều được cấu thành bởi năng lượng, chỉ là các dạng khác nhau của năng lượng và chúng xuất hiện đồng thời từ sau vụ nổ Big Bang.
Tuy nhiên có thể trả lời rằng: Trong cuộc sống hiện tại thì ý thức tạo nên vật chất chứ vật chất không thể tạo ra ý thức, mặc dù vật chất có thể tác động trong việc hình thành nên ý thức. Ví dụ khi bạn có ý định làm ra một cái ghế thì dần dần cái ghế mới xuất hiện và cái ghế ấy dù cho có được hiện đại hóa bao nhiêu cũng không thể nào biết suy nghĩ hay có cảm xúc được. Giả như một chiếc ghế thông minh được gắn cảm ứng nhiệt để biết người ngồi lên nó là nam hay nữ, đang vui hay đang buồn thì vẫn có thể quả quyết rằng chiếc ghế ấy được tạo ra từ ý tưởng, hay ý thức của một ai đó trước đã. Tức là một người sẽ tạo nên thực tại cuộc sống dựa trên ý thức của người ấy và vật chất chỉ đóng vai trò chất xúc tác trong quá trình đó.
Như một người nghèo bỗng trở nên giàu có và tự nhiên thay đổi tính cách, lúc này vật chất đã góp phần tác động lên ý thức chứ bản thân vật chất là của cải tiền bạc không thể tạo ra ý thức cho chính nó được. Một con người được gọi là con người đúng nghĩa không phải bởi vật chất (là các bộ phận) tạo nên cơ thể người đó mà là ý thức sẽ làm cho họ ngày càng tiến bộ, tiến hóa hơn.
Ví dụ như hai người sinh đôi, một người sống trong thế giới loài người còn một người bị bỏ rơi trong rừng rậm sống với các loài thú rừng. Họ có cấu tạo cơ thể như nhau nhưng ý thức không thể giống nhau được và chính ý thức đó mới là thứ làm cho cuộc sống của họ khác nhau, trở thành những con người khác nhau với vận mệnh khác nhau. Và vận mệnh là thứ người ta có thể thay đổi được.
Trong cuốn sách ‘Sống như ngày mai sẽ chết’ tôi có gợi ý cho bạn hai cách giải thích dễ hiểu mang tính hình tượng về định mệnh và số phận, thế này:
Hãy tưởng tượng bạn đang chơi một ván cờ trên máy tính. Có lẽ bạn thừa biết rằng mình đang chơi với một phần mềm đã được lập trình từ trước, bất cứ một nước cờ nào của bạn máy tính cũng sẽ chọn ra những nước cờ đáp trả tiếp nối. Những nước cờ bạn đi đều được lập trình vào bộ nhớ của máy và mọi nước cờ đáp trả cũng vậy. Máy tính không thể nghĩ ra một nước cờ mới toanh nào nằm ngoài những gì nó đã được lập trình, quy tắc và luật chơi thì luôn có sẵn rồi.
Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là dù cho mọi nước cờ bạn sẽ đi đều đã được tính tới, được viết ra sẵn nhưng không ai có quyền bắt bạn đi nước này hay nước kia cả. Sự lựa chọn nước đi hoàn toàn thuộc về bạn: bạn chủ động với nó, bạn tự do với nó, tự do chọn các nước cờ mình sẽ đi mà chương trình trò chơi được lập sẵn sẽ không thể sai khiến bạn. Sự lựa chọn nước cờ là của bạn ngay lúc đó nhưng trước cả khi bạn đưa ra quyết định thì mọi nước đi đều đã được vẽ ra và tính đến. Đây chính là bản chất của thuyết định mệnh, tức số phận.
Hãy suy nghĩ kỹ về điều này. Hãy nghĩ về việc chơi một ván cờ nhỏ trên máy tính và việc chơi một ván cờ lớn với cuộc đời.
Mọi sự kiện trên đời xảy ra với bạn không có gì là ngẫu nhiên. Tất cả mọi chuyện đều đã được thiết lập từ trước khi bạn có thể nhận thức ra và người thiết lập kết quả cho chúng không ai khác cũng chính là bạn. Có thể bạn không hề nhận thức được chính mình đã sắp đặt chúng, bạn không hề nhận thức được về những nhân bạn đã gieo từ trước đó dẫn bạn đến với những quả này. Chính cách bạn phản ứng với những quả ấy mới là thứ tạo nên cuộc đời của bạn, tạo nên số phận của bạn.
…
Giống như một cơn mưa, định mệnh đơn thuần chỉ là một sự kiện xảy ra và cách bạn nhìn, bạn cảm nhận, ứng phó với cơn mưa mới là điều quan trọng. Tổng hợp lại mọi sự kiện xảy ra trong đời dưới mắt nhìn, bằng nhận thức của bạn chính là số phận.
Một cơn mưa bất chợt xảy đến, người mẹ cau có tránh từng giọt mưa trong khi đứa con nhỏ thích thú giơ tay hứng những giọt mưa rơi. Người đang vội đi làm sẽ thấy vô cùng bực bội còn những người đang yêu ngồi cùng nhau trong quán cà phê lại thấy thật lãng mạn. Một người phơi quần áo sẽ buồn phiền nhưng người đang trồng rau sẽ cảm thấy biết ơn. Có gì khác nhau về bản thân cơn mưa ấy không? Không, nó đơn thuần là một sự kiện xảy ra nhưng chính bạn sẽ là người đưa mình vào những hoàn cảnh, những góc nhìn để cảm nhận về cơn mưa ấy. Có thể hôm nay bạn mong mưa thật lớn để có cớ từ chối một cuộc gặp gỡ nhưng ngày mai bạn lại buồn bã khi trời đổ mưa lúc bạn đang đến đón người yêu đi chơi. Mọi thứ liên quan đến kế hoạch tổ chức bữa tiệc ngoài trời đều hoàn hảo cho tới khi trời đổ mưa. Kẻ bi quan thì đau buồn tức giận với ông trời, người lạc quan thì rủ mọi người cùng nhảy nhót dưới cơn mưa. Cơn mưa vẫn thế nhưng tâm trạng của bạn thì hoàn toàn đổi khác trong mỗi trường hợp.
Tất cả những gì bạn cần hiểu về định mệnh đôi khi chỉ đơn giản như vậy. Đó chỉ đơn thuần là những sự kiện khách quan do chính bạn gây ra hoặc bạn không biết mình gây ra. Và việc ứng phó hay hòa nhịp cùng nó sẽ làm nên cuộc đời bạn tức làm nên số phận của bạn.
Đấy là góc nhìn của tôi về định mệnh, số phận và vì là góc nhìn của một người viết văn nên hình ảnh được sử dụng hơi lãng mạn như cơn mưa, gia đình nên mong bạn không bị xao động quá nhiều. Sau đây sẽ là góc nhìn khác cũng về thuyết định mệnh của một nhà toán học:
Đời người cũng như một phương trình toán học: A x B = A x C. Trong đó A là chủ thể không đổi, là bạn còn B là nguyên nhân và C là hậu quả; nhưng nếu ta thêm vào phương trình ban đầu một thành tố X thì B x X lúc này chắc chắn sẽ không thể bằng C như ban đầu nữa vì đã có X thay đổi toàn bộ kết quả của phương trình. Cuộc đời bạn sẽ là một kết quả C mới tùy thuộc vào B ban đầu lẫn X mới được thêm vô.
Hay nếu một nhà hóa học khi nhìn sự việc này có thể giải thích rằng: Phản ứng hóa học của chất A và chất B sẽ tạo thành chất C và D, nhưng nếu ta thêm vào đó các chất xúc tác khác nhau thì kết quả của phản ứng sẽ là E và F chứ không còn là C và D như trước. Chất xúc tác đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi kết quả của phản ứng hoặc làm cho phản ứng mạnh hơn rất nhiều lần.
Bạn biết không, đó là nguyên lý về việc hoán cải số mạng. Đời người bị tác động bởi các tầng năng lượng đã được ghi khắc trên các vì tinh tú trong thời gian nhiều kiếp sống. Ta chịu tác động bởi chúng nhưng chính ta cũng có thể thay đổi chúng. Các suy nghĩ, hành động của ta ngay lúc này dù xấu hay tốt cũng giống như các thành tố X hay các chất xúc tác thúc đẩy nghiệp quả tới nhanh hay chậm, theo hướng tốt hoặc xấu hơn.
Nhờ nghiên cứu Chiêm tinh học một cách đúng đắn và khoa học, con người sẽ hiểu biết mệnh Trời, tức các luật của vũ trụ; hiểu biết hơn và tin tưởng hơn vào bản thân mình để sống cuộc đời có ý thức, thoải mái, không bi quan cũng không lạc quan mà chỉ đơn giản là an vui tự tại. Ấy chính là mục đích của chiêm tinh chân chính.
Chiêm tinh chân chính khiến người ta hiểu rằng không có chuyện thần linh thưởng phạt con người. Nhưng mọi kết quả mà ta lãnh nhận đều do chính ta đã tạo ra hay góp phần tạo ra ngay từ ban đầu. Hiểu và ghi nhớ điều ấy để thay đổi hành động của chính mình là tôn chỉ sau cùng của mọi tôn giáo. Dù cho cách diễn đạt của các tôn giáo có khác nhau nhưng thông điệp sau cùng về việc hướng mọi người hãy sống tốt, sống lương thiện, gieo hạt lành để được gặt quả lành thì mọi tôn giáo đều giống như nhau. Có chăng chỉ là sự diễn đạt khác đi và tùy thuộc vào khả năng diễn đạt, vùng quốc gia lãnh thổ, văn hóa, quy cách ứng xử lẫn hệ giá trị của thời điểm lịch sử mà mỗi tôn giáo lại có cách trao truyền thông điệp khác nhau mà thôi.
Thông điệp thì ngắn gọn dễ hiểu và chỉ có một nhưng tiếc thay đa phần các tín đồ thuộc các tôn giáo đều có điểm chung là ít khi tuân thủ theo đúng thông điệp của các bậc thánh nhân, thay vào đó lại cố tìm sự khác biệt của nhau để lên án, chỉ trích và hơn thua nhau. Kết quả là chúng ta ngày càng rời xa các chân lý, thông điệp sâu sắc đơn giản ban đầu. Thông điệp chung của mọi tôn giáo chung quy đều là sống trong yêu thương, tha thứ, tôn trọng, không phán xét, không tham lam, chia sẻ những gì mình có, đối xử với mọi người như chính mình… Mấy ai trong chúng ta tuân theo những thông điệp ấy?
Hãy một lần nữa lặng ngẫm những lời của Tiến sĩ Spalding trong cuốn Hành trình về phương Đông:
“Mọi vật trong vũ trụ đều quân bình tuyệt đối, không dư, không thiếu, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. Đời người quá ngắn, và luôn bị lôi cuốn vào sinh hoạt quay cuồng. Đâu mấy ai ý thức được sự phung phí hôm nay, dọn đường cho sự đau khổ ngày mai. Tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn, thế mà người ta cứ coi như thật. Nếu biết thức tỉnh quan sát, ta có thể học hỏi biết bao điều hay.
Con người cần đặt cho mình một câu hỏi tương tự. Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì? Chúng ta muốn bình an hay kích động? Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã cầm lấy tờ báo để tìm các tin tức sôi nổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, xáo trộn, khó khăn kinh tế thì chúng ta vứt tờ báo xuống đất, và than rằng chả có gì đáng xem. Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn nhưng rất thích thú khi nghe về các sự xáo trộn của kẻ khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, diễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn làm thế?
Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại làm thế không? Lòng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khoẻ, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thoả mãn. Nếu ai có hỏi thì ta cũng sẽ chối quanh như đại đế Alexander chỉ xin một giấc ngủ bình an mà thôi. Giấc ngủ bình an nào có khó, nào xa xôi diệu vợi, tốn công nhọc sức mới có. Làm sao ta có thể lao đầu vào vật chất phù du, xây dựng danh vọng địa vị, thoả mãn cái phàm ngã hữu hình đồng thời tìm sự bình an, yên tĩnh? Chính các điều trên đã phá vỡ sự yên tĩnh sung mãn của nội tâm ta. Phiền não là do chính ta tạo nên, chứ đâu phải hoàn cảnh.”
Quả đúng như vậy, mỗi ngày lướt các trang tin tức bạn đều mong muốn những tin giật gân, tin nóng hổi tin sốc để theo dõi. Tin càng xấu thì lượng người quan tâm càng lớn và chính khi lượng quan tâm càng lớn sẽ tạo ra một khối năng lượng khổng lồ tương ứng với sự tức giận hoặc yêu thương mà sự kiện ấy mang lại. Người ta thường ít khi hạnh phúc hay vui mừng khi đọc được tin vui nhưng người ta lại vô cùng dễ nổi giận, ghen tị, oán trách khi đọc một tin xấu nào đó.
Ví dụ một bài báo viết về cuộc sống xa hoa của một diễn viên chẳng hạn. Bạn nghĩ bao nhiêu năng lượng tốt đẹp được sinh ra từ những người đọc tin ấy? Không nhiều như bạn nghĩ đâu, kể cả khi độc giả cho rằng cuộc sống ấy thật đáng ngưỡng mộ thì sâu trong họ là năng lượng của sự ghen tị và buồn bã, pha lẫn oán trách tại sao người đó lại may mắn như vậy, tại sao mình không được như thế?
Có thể nói, ngành tin tức hay truyền thông nói chung chính là một trong những nguyên nhân lẫn thủ phạm tạo nên thế giới chúng ta đang sống như ngày hôm nay. Nó thao túng đám đông và ngược lại đám đông cũng định hình phương thức hành động của truyền thông nữa.
Mặt trái của truyền thông dưới cương vị công cụ của chủ nghĩa tiêu dùng sẽ được nhắc tới trong cuốn sách này, còn cụ thể tác hại của việc đọc tin tức vô bổ lẫn làm cách nào để đọc tin tức một cách thông minh có lẽ hẹn bạn trong một bài viết hoặc cuốn sách sau.
Câu chuyện về sự hình thành và sức mạnh của đám đông
Xã hội hay tập thể là một cách gọi khác của đám đông. Lịch sử loài người với sự ra đời và tan rã của những cộng đồng người trong quá khứ đã chứng minh rằng chúng ta chỉ có thể duy trì sự hợp tác hiệu quả “tương thân tương ái” trong khoảng một nhóm người nhỏ. Cụ thể là các bộ tộc, bộ lạc người nguyên thủy chỉ hợp tác rất tốt khi nhóm nằm trong một con số cụ thể vài chục cá nhân. Khi số lượng người trong nhóm tăng lên thành vài trăm, rồi vài ngàn thì các bộ lạc đều bị tan rã thành những nhóm nhỏ hơn vì trưởng bộ lạc không thể giải quyết được những vấn đề phức tạp phát sinh trong nhóm người đông như vậy. Khi nhóm tăng lên về số lượng cá thể sẽ dẫn đến nhiều mâu thuẫn khác nhau ban đầu chỉ là những bất đồng sau đó dễ dàng chuyển thành những hỗn loạn lớn, thậm chí giết chóc nhau nữa.
Chuyện này không chỉ diễn ra trong quá khứ mà ngày nay, nếu ta tạm ví những doanh nghiệp là những bộ lạc khi xưa thì vấn đề tương tự cũng sẽ phát sinh. Một doanh nghiệp vài chục người không thể có cùng cách vận hành như doanh nghiệp trăm người, ngàn người. Nó cũng không thể được lãnh đạo bởi chỉ một người duy nhất mà cần có sự phân quyền cụ thể cho nhiều cá nhân khác nữa. Đặc biệt cần những quy định luật lệ chúng để đảm bảo cho mọi người cùng biết về nghĩa vụ lẫn trách nhiệm của mình. ế thì doanh nghiệp hay tổ chức mới vận hành trơn tru được.
Quay trở lại thời xa xưa thì người ta đã dùng chính những mục tiêu, niềm tin chung về tôn giáo, chính trị để tạo ra những nhóm người lớn hơn cùng nhau hợp tác sinh sống trong hòa bình ổn định. Từ bộ lạc nhỏ, nhờ niềm tin chung mà nhiều người gom lại thành bộ lạc lớn rồi dần chuyển biến thành những làng xóm, thành phố thậm chí chính là các quốc gia sau này. Tuy nhiên dù cùng sinh sống trong một bộ lạc hay quốc gia, các cá nhân khi xét riêng lẽ đều không dễ dàng hợp tác với người khác. Đơn giản vì mỗi người mỗi hoàn cảnh, mong muốn, khả năng, nguồn lực khác nhau sẽ có những ưu tiên và suy tư khác nhau về cuộc sống. Rất khó để mọi người đều cùng hướng vào một khuôn khổ sống cụ thể. Đó không chỉ là vấn đề của ngày xưa mà còn là vấn đề của con người ngày nay nữa.
Về bản chất con người không dễ dàng hợp tác với người khác. Đó là lý do chúng ta được học nhiều về sự hợp tác, làm việc nhóm, phân công công việc… dù cho ngay cả thời điểm hiện tại này. Nếu con người giỏi hợp tác thì rõ ràng chúng ta chẳng cần phải học về nó làm gì nữa. Chính vì vậy mà các thể chế chính trị từ thời nguyên thủy cho đến thời phong kiến rồi lại tới các chính quyền trên thế giới ngày nay, với những công cụ là luật pháp và tòa án đã trở thành chất keo vô hình gắn kết mọi người cùng chung sống hòa thuận với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật vì lợi ích chung.
Nói một cách dễ hiểu, nhiều cá nhân cùng nhau hợp tác sinh sống trong một khoảng không gian – thời gian cụ thể sẽ hình thành nên một tập thể, gọi cách mộc mạc là một đám đông.
Theo cách giải thích của triết học thì “đám đông” không hề tồn tại mà chỉ tồn tại rất nhiều những cá thể tạo thành đám đông ấy. Nhưng thực tế ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tồn tại của đám đông là có thật, thậm chí nguy hiểm trong những trường hợp cụ thể.
Đám đông mang sức mạnh xây dựng lẫn hủy diệt. Không có đám đông sẽ không có những công trình kỳ vĩ trên khắp thế giới nhưng cũng chính vì đám đông mà nhiều công trình khác bị hủy hoại. Ai có thể nắm quyền điều khiển đám đông thì cũng như nắm giữ một sức mạnh vô cùng lớn.
Nói một cách đơn giản cho bạn dễ hình dung. Bạn sẽ thấy ngay rằng trong cuộc sống: nghệ sĩ nào nhiều người hâm mộ hơn thì quyền lực hơn, tờ báo nào nhiều độc giả hơn thì quyền lực hơn, doanh nghiệp nào nhiều khách hàng hơn thì quyền lực hơn. Càng quyền lực thì sức ảnh hưởng của họ lên đám đông lại càng to lớn. Đôi khi nó lớn đến độ có thể điều khiển cả đám đông làm theo ý họ nữa. Như một nghệ sĩ có thể tạo ra cả một xu hướng thời trang mới, một doanh nghiệp có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của mọi người để làm ra lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.
Chủ nghĩa tiêu dùng hay chủ nghĩa vật chất đã trở thành một trong những “người chơi” thành công nhất trong việc điều khiển và nắm giữ sức mạnh đám đông. Thậm chí có thể coi phần lớn con người trên toàn thế giới ngày nay đang là nô lệ và công nhân phục vụ cho ông chủ “tiêu dùng”. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà tôi muốn nói đến trong cuốn sách này.
Sức mạnh hủy diệt của đám đông là một thực trạng tàn nhẫn. Núp sau tấm bia dư luận, đám đông có thể làm ra những điều tồi tệ cho người khác trên danh nghĩa “trừng phạt” người đó. Sự trừng phạt đôi khi không xảy ra trên mặt cơ thể vật lý như hành hạ, tra tấn mà còn tiếp diễn lâu dài hơn dưới dạng tâm lý nữa. Mỗi lần mạng xã hội có những “scandal” đặc biệt là nếu như liên quan tới người nổi tiếng, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra điều này.
Chính đám đông với sức mạnh phá hủy ấy đã giết chết bao điều tốt đẹp trên thế giới: Jesus Christ bị kết tội và treo mình trên thập tự vì đám đông; triết gia lỗi lạc Socrate bị tử hình bằng thuốc độc cũng vì đám đông. Đó là những ví dụ xa xưa, còn ngày nay ta dễ dàng nhận thấy “dư luận” hay “đám đông” đã tạo ra biết bao điều xấu xí cho cuộc sống con người. Vì nó mà bao nhiêu người trở nên độc ác hơn, thích phán xét, hay ghen tị, tranh đua nhiều hơn. Vì nó mà bao người trở nên giả dối, cam chịu và sống cuộc đời vô nghĩa. Người ta kết hôn khi không muốn kết hôn, sinh con khi không muốn sinh con và chỉ một điều người ta muốn làm là ly dị thì họ lại không dám làm. Vì dư luận mà biết bao người đang phải sống trong chịu đựng và đau khổ.
Một người đứng độc lập sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của anh ta. Nhưng nếu anh ta đứng trong đám đông thì chẳng phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình nữa. Điều đó khiến anh ta trở nên mạnh dạn hơn và hung bạo hơn nhiều lần. Đám đông nên nhận trách nhiệm đầu tiên trong việc biến các cá nhân trở thành vô trách nhiệm hơn. Vô trách nhiệm là lý do quan trọng khiến mỗi người sống cuộc đời phụ thuộc, ỷ lại vào người khác.
Sự phát triển của truyền thông xã hội lẫn internet ngày nay đã tạo ra một đám đông chưa bao giờ lớn đến như thế. Từ đây sức mạnh xây dựng lẫn phá hoại của nó được nhân lên nhiều hơn. Ai cũng thích được hòa làm một với đám đông cho tới khi họ trở thành nạn nhân của nó. Dù bạn không chịu thừa nhận thì ngay lúc bạn lên tiếng cùng chửi rủa ai đó trên mạng vì một chuyện không liên quan gì tới bạn, thì bạn cũng đang là một thành viên của đám đông ấy rồi. Thời đại nào cũng có những đám đông, tuy khác nhau về thời gian, địa điểm nhưng chẳng hề khác nhau chút nào về bản chất.
Hãy cẩn thận, vì hôm nay bạn là một thành phần của đám đông nhưng biết đâu ngày mai bạn lại trở thành nạn nhân của nó. Nói như thế không có nghĩa là khuyến khích bạn đi ngược lại đám đông – điều ấy cũng nguy hiểm không kém đâu. Cách duy nhất là hãy tách mình ra khỏi đám đông trước để tập tính tự lập, tính quan sát, tính đa chiều. Nếu bạn nhận thấy đám đông đang trở thành những kẻ hủy diệt, hãy tách xa khỏi nó. Còn nếu bạn nhận thấy nó đang mang năng lượng tốt, tính xây dựng thì hãy góp phần tham gia cùng nó. Ấy là cách đúng đắn để sống giữa đám đông! Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể tạo ra những đám đông biết dùng sức mạnh to lớn của nó để sáng tạo, để yêu thương, để thấu hiểu nhau. Thế thì thế giới sẽ rất khác.
Bạn đã nghe câu chuyện về Jesus Christ khi đám đông mang tới cho Ngài một người phụ nữ phạm tội ngoại tình và yêu cầu Ngài hãy tuyên bố ném đá cô ta tới chết theo luật định chưa. Jesus đã nói: “Ai trong các người cho rằng mình không hề phạm bất cứ tội gì thì hãy bước lên và ném đá trước đi”. Thế rồi đám đông xấu hổ tản dần ra và biến mất.
Tôi vốn không thích các đám đông nói chung nhưng tôi lại tôn trọng đám đông trong câu chuyện này. Dù cho hành động của họ ban đầu có hơi ác ý nhưng họ lại là những người trung thực và can đảm: họ biết xấu hổ, họ không dám nhận là mình vô tội nên họ đã dừng tay.
Còn đám đông ngày nay thì sao? Cũng đôi lần họ biết dừng lại để nhìn lại chính mình nhưng hình như tỷ lệ tương đối ít. Có những đám đông vẫn rất hung hăng và tàn nhẫn, họ chỉ chăm chăm phán xét và trừng phạt người khác để thỏa mãn quyền “thẩm phán” tự nhận của mình. Chợt nhớ một câu nói của ai đó rằng “Phía sau bàn phím, chúng ta đều là những thẩm phán tối cao”. Quả là như vậy, chúng ta rất ngại phán xét người khác trực diện nhưng việc trốn sau bàn phím đã khiến cho việc ấy trở nên thật dễ dàng. Tôi dám cá trong đám đông “thẩm phán tự xưng” ấy sẽ có người theo một tôn giáo nào đó, nghĩa là họ được dạy về việc đừng phán xét người khác, hãy yêu thương, hãy nhân từ, hãy từ bi… nhưng họ lại không thi hành đúng những gì được dạy. Vậy họ giữ tôn giáo để làm gì? Tôn giáo có tác dụng gì? Câu hỏi này sẽ được trả lời sau nhưng trước tiên bạn hãy ngưng đọc vài giây và tự đánh giá bản thân mình một chút: Bạn đã từng nhận ra mình là một phần tử trong đám đông nào như vậy chưa? Đã bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ và nuối tiếc vì đã vội vàng nổi nóng, chửi bới, phán xét ai đó qua bàn phím của mình?
Thật ra hỏi câu ấy không phải để trách cứ hay khiến bạn cảm thấy có lỗi, mà tôi hỏi câu ấy để dẫn bạn tới một câu hỏi khác: Bạn có biết đám đông chính là nguồn “nguyên liệu” quan trọng tạo ra mọi sự thay đổi trên thế giới này? Vậy lý do gì tạo nên phản ứng của các đám đông? Phản ứng của đám đông có những tác dụng gì? Lợi hay hại? Làm cách nào để thay đổi? Làm cách nào để thoát ra khỏi đám đông và không bị nó chi phối? Làm cách nào để hướng thứ năng lượng rất lớn của đám đông vào mục đích tốt đẹp hơn, mang tính sáng tạo hơn là hủy hoại?
Tin vui là ngay lúc này thời đại của đám đông tàn nhẫn đang dần kết thúc và thay vào đó sẽ là thời đại của những đám đông mang tinh thần đoàn kết yêu thương, tinh thần huynh đệ đại đồng thế giới. Vui hơn nữa là trong thời đại mới sẽ có nhiều cơ hội “bừng sáng” cho những cá nhân nhận ra sự tàn nhẫn của đám đông và từ chối đứng chung với đám đông ấy.
Hãy trở lại một chút với Vũ trụ học để tìm hiểu về thời đại mới ấy.
trích “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” – Phi Tuyết, 2018