Câu chuyện cây ngô: từ loài cỏ hoang thành vua thực phẩm công nghiệp
Năm 1493, Cristoforo Colombo lần đầu tiên giới thiệu trước triều đình Isabella một loài thực vật kỳ lạ ở tân thế giới: loài cỏ nhiệt đới khổng lồ có tên Zea mays (tên khoa học của cây ngô hay bắp), được trồng bởi các thổ dân da đỏ từ lâu đời, có những quả lớn như bắp tay người, trên quả có chứa những hạt to và có vị ngon như hạt đậu. eo thời gian, loài thực vật kỳ lạ của những kẻ da đỏ đại bại rốt cuộc lại chiến thắng cả những kẻ da trắng chinh phục nó bởi vì: không có một loài thực vật nào khác có thể mang lại sản lượng lớn trong thời gian nhanh như ngô.
Lúc bấy giờ, nó được xem như loại cây duy nhất có thể cung cấp cho những người khai hoang nguồn thực vật ăn được ngay, ngũ cốc để dự trữ, một nguồn chất xơ và thức ăn cho động vật, chất đốt lẫn đồ uống có cồn. Chính nhờ ngô mà nhiều làn sóng người di cư có công cụ để tiên phong tới định cư ở những vùng đất mới. Nhờ việc có thể phơi khô, khó hỏng nhưng dễ vận chuyển nên ngô không chỉ là thực phẩm mà còn trở thành hàng hóa và phương tiện trao đổi đóng góp vai trò lớn trong việc buôn bán nô lệ: đám thương gia không chỉ dùng ngô để mua nô lệ châu Phi mà còn dùng ngô để nuôi những người nô lệ ấy nữa. Thật tiện vô cùng!
Hơn thế, ngô còn có khả năng biến đổi phi thường về gen cho phép nó thích nghi nhanh chóng trong mọi điều kiện, dễ dàng phát triển ở hầu hết các vùng khí hậu dù nóng hay lạnh, khô hay ẩm, cát hay đất nặng, ngắn hay dài ngày… Ngô đã tiến hóa để có đặc điểm cần thiết cho sự sinh tồn và phát triển.
Sự tuyệt vời của cây ngô nhanh chóng thu hút con người quan tâm, chú ý và con người bắt đầu lai tạo ra những giống ngô vừa ý mình cả về sản lượng lẫn các yếu tố di truyền học. Ngô cũng chứng tỏ là một loài thực vật cực kỳ thông minh khi biết phải tiến hóa đúng theo nhu cầu không chỉ của con người mà còn của cả máy móc khi cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra: thân ngô mọc thẳng hơn, cứng và đều tăm tắp cho máy móc dễ làm việc; khả năng mọc chen chúc khiến cho sản lượng hạt trên một hecta ngô cũng không ngừng tăng theo cấp số mũ; chúng cũng học cách ưa thích nhiên liệu hóa thạch (phân bón hóa dầu) và chịu được nhiều loại chất hóa học tổng hợp đúng ý con người.
Trước khả năng lớn về lợi nhuận ấy các doanh nghiệp bắt đầu muốn sở hữu cây ngô cho riêng mình và họ đã dày công lai tạo nhằm tạo ra một giống ngô mới thích hợp để đem vào kinh doanh. Rồi họ cũng thành công. Giống ngô lai mới không chỉ cho ra nhiều hạt mà quan trọng nhất, thế hệ hạt này không có khả năng sinh sản để đem trồng được nữa. Nghĩa là người nông dân phải mua hạt giống mới từ một công ty sau mỗi lần thu hoạch trong khi trước đây họ chỉ cần tích trữ hạt giống từ vụ mùa trước là đủ trồng tiếp vụ sau. Quy trình của tự nhiên giờ không còn nữa nhờ vào lòng tham của công ty hạt giống. Công ty ấy, lần đầu tiên được đảm bảo về lợi nhuận khi đầu tư sản xuất hạt giống, đã đổ dồn mọi quan tâm đến cây ngô, bao gồm nghiên cứu và phát triển, xúc tiến, quảng cáo… Không phụ lòng mong đợi của ông chủ, cây ngô mang lại lợi nhuận theo cấp số nhân cho công ty ấy. Bằng cách đó, Zea mays bước vào thời đại công nghiệp và theo thời gian đã kéo theo cả chuỗi thức ăn của người Mỹ.
Một chuyển biến vĩ đại trong lịch sử của cây ngô là vào một ngày năm 1947, khi nhà máy vũ khí khổng lồ ở Alabama chuyển sang sản xuất phân bón hóa học. Bởi vì khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ Mỹ nhận ra họ đang có một khối lượng khổng lồ amoni nitrat dư thừa, một nguyên liệu chính để sản xuất chất nổ, tình cờ thay cũng là nguồn nito tuyệt vời cho cây trồng. Họ đã suy nghĩ nghiêm túc việc phun số hóa chất dư thừa xuống những cánh rừng ở Mỹ để thúc đẩy ngành công nghiệp gỗ. Nhưng những nhà nông học ở Bộ nông nghiệp đã đưa ra ý kiến hay hơn: rải đống hóa chất đó trên cánh đồng để làm phân bón. Nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc biến những cỗ máy chiến tranh thành mục đích thời bình đã cho ra đời ngành công nghiệp phân bón hóa học từ nguyên liệu thuốc nổ cùng với ngành công nghiệp thuốc trừ sâu mà nền tảng là ngành sản xuất khí độc phục vụ chiến tranh.
Giờ, hãy dừng lại và ngẫm một chút: Những chất độc của thuốc nổ và chất độc của khí độc chiến tranh qua nhiều phương cách giờ lại trở thành nguyên liệu trên bàn ăn của bạn. Điều đó liệu có gợi cho bạn chút suy nghĩ nào không?
Quay trở lại chuyện người bạn Zea mays, với bản tính vô cùng háu ăn ngốn nhiều phân bón hơn bất cứ loại nào khác, ngô chính là kẻ được lợi nhiều nhất trong sự chuyển đổi “đầy tốt đẹp” này.
Ngô bắt đầu trở thành một thứ hàng hóa cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Mỹ vì sản lượng quá lớn. Chính quyền phải ra nhiều quyết định về nông nghiệp chỉ để hỗ trợ cây ngô, người trồng ngô và quan trọng hơn cả là thị trường cho cây ngô. Ngô nhiều và rẻ đến mức được xem như một cơn đại dịch. Người trồng ngô thậm chí bán nó với giá rẻ hơn cả chi phí bỏ ra để trồng và có cả những người phá sản vì nó. Những người nông dân tội nghiệp phải làm gì để có thu nhập cao hơn? Câu trả lời là họ lại trồng thêm ngô và tìm mọi cách để tăng năng suất cho giống cây này. Điều đáng buồn của việc tăng năng suất là nó không có nghĩa là làm cho bắp có thêm hạt hay cây có thêm bắp, nhưng tăng năng suất dưới cách hiểu của nông dân là trồng nhiều hơn nữa và dày hơn nữa. Trong khi ấy chính quyền thì làm một việc quan trọng hơn: tìm thị trường cho đống ngô rẻ chất đầy trong các tháp ngũ cốc, đó là khi những trại gia súc quy mô lớn và ngành thực phẩm công nghiệp ra đời.
Gà ăn tạp từ ngũ cốc tới côn trùng, nhưng với sự dư thừa của cây ngô, hàng triệu chú gà trong các trang trại chỉ còn ăn mỗi món ngô cho mọi bữa. Bò vốn dĩ chỉ ăn cỏ, nhưng với sự dư thừa của ngô, hàng triệu con bò cũng chỉ còn được ăn ngô. Rồi tới lợn, gà tây, cừu, cá da trơn, rô phi… hay thậm chí thời điểm này thì cá hồi – loài ăn thịt trong tự nhiên đang được các trại nuôi cá cố gắng biến đổi để có thể phụ ăn đống ngô dịch khổng lồ ấy.
Thế rồi cùng với nhu cầu thị trường, những nhà nghiên cứu bắt đầu xuất hiện. Họ đưa ra hàng loạt phương án để chiết – lọc – tách các chất có trong ngô và đưa vào mọi loại thực phẩm có thể. Đáng kể nhất là ngành đồ uống có thị phần khổng lồ trên toàn thế giới. Bước sau đó ai cũng có thể hình dung ra: loài người chính là loài tiếp theo sẽ phải tiêu thụ đống ngô ấy. Có điều con người không chỉ là nạn nhân mà còn là thủ phạm và nguyên nhân nữa. eo thống kê cho thấy khoảng hơn một phần tư trong số 45 nghìn mặt hàng của một siêu thị trung bình ở Mỹ có chứa thành phần là ngô ở các hình thái khác nhau. Từ thực phẩm chế biến, đồ ăn nhanh, các loại soda, nước quả thậm chí mỹ phẩm, bỉm trẻ em, túi đựng rác, chất tẩy rửa…
Ngô đã thật sự thành công trong việc thuần hóa con người và biến con người thành nô lệ cho nó, bảo vệ nó, phát triển nó và củng cố vị thế của nó trong nền công nghiệp thực phẩm lẫn phi thực phẩm trên thế giới.
Trứng bạn ăn là từ con gà ăn ngô; miếng thịt bò bạn ăn là từ con bò ăn ngô; lon nước ngọt bạn uống làm từ đường ngô; tờ tạp chí bạn đọc, quần áo bạn mặc hay kể cả ngôi nhà bạn đang sống cũng có những thành phần chiết xuất từ cây ngô. Ngô lại ăn phân bón làm từ nguồn nguyên liệu hóa dầu. Vậy liệu có quá lời khi Michael Pollan, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Nào tối nay ăn gì? Thế lưỡng nan của loài ăn tạp” (Tên gốc tiếng Anh: The Omnivore’s Dilemma: The Search for a Perfect Meal in a Fast-Food World) tuyên bố rằng: “Xét cho cùng chúng ta chỉ đang ăn ngô và uống dầu”.
Câu hỏi này xin chuyển cho bạn trả lời.
Với câu chuyện cây ngô như thế có lẽ bạn đã hình dung được phần nào khi tôi nói rằng: Từ góc độ con người, con người sở hữu ngô nhưng từ góc độ của cây ngô thì ngô đang sở hữu con người, đang làm chủ con người.
Và hệt như cách con người làm nô lệ tự nguyện cho ngô, chúng ta đang là nô lệ tự nguyện cho hàng hóa và chủ nghĩa tiêu dùng. Chúng ta vừa là nạn nhân, nhưng cũng là thủ phạm nữa. Ngô chỉ là một loại hàng hóa, con người đang làm nô lệ cho một ngàn, một triệu hay một tỷ loại hàng hóa khác nhau mà tựu trung thành chủ nghĩa tiêu dùng. Chúng ta tự an ủi mình đang sống trong thời kỳ tự do nhất, đầy đủ nhất và tất cả là nhờ chủ nghĩa tiêu dùng mang lại nhưng chúng ta không nhận thức được những mặt trái bên trong của nó thật nguy hiểm và tai hại như thế nào.
Nếu bạn muốn tìm ra ai là người đang làm chủ thế giới và nhân loại thì hãy tự hỏi: Ai đang làm chủ của chủ nghĩa tiêu dùng? Khách hàng ư? Không!
Thêm một câu chuyện khác để cho bạn thấy khách hàng chưa bao giờ là chủ như cách các nhà marketing vẫn thường rao giảng.
Trích “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” – Phi Tuyết, 2018